Soạn văn 10 bài: Thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối
Soạn văn lớp 10 ngắn gọn
Tài liệu Soạn văn 10 bài: Thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối đã được VnDoc tổng hợp để phục vụ các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập. VnDoc mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.
- Soạn văn 10 bài: Viết bài làm văn số 6 - Thuyết minh văn học
- Soạn văn 10 bài: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
- Soạn văn 10 bài: Truyện Kiều
- Soạn bài Thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối siêu ngắn
- Soạn văn 10 bài: Văn bản văn học
- Soạn văn 10 bài: Nội dung và hình thức của văn bản văn học
Soạn văn lớp 10 Thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối
I. Luyện tập về phép điệp (Điệp ngữ)
Câu 1 (trang 124 sgk Ngữ Văn 10 Tập 2):
a. * Ở ngữ liệu (1), nụ tầm xuân được lặp lại nguyên vẹn có tác dụng:
+ Tạo liên tưởng đồng nhất với người con gái đẹp, chưa chồng.
+ Nhấn mạnh nỗi niềm tiếc nuối, xót xa của chàng trai.
- Hình ảnh hoa tầm xuân, hoa cây này không nhấn mạnh được sự niềm tiếc nuối của chàng trai cũng như vẻ đẹp “nở ra cánh biếc” khi lặp nụ tầm xuân.
- Lặp lại cụm từ chim vào lồng, cá mắc câu :
+ Gợi tình cảnh và nhấn mạnh sự mất tự do, bế tắc của cô gái khi đã có chồng.
+ Nhấn mạnh nỗi niềm đau đớn, xót xa của người trong cuộc.
- Cách lặp giống với nụ tầm xuân ở câu trên, cùng là lối điệp vòng tròn.
b. Ở ngữ liệu 2, lặp từ “gần, thì” không phải là phép điệp tu từ, nó mang mục đích khẳng định nội dung: môi trường sống có thể ảnh hưởng đến nhân cách con người.
c. Định nghĩa về phép điệp: Phép điệp là biện pháp tu từ được xây dựng bằng cách lặp lại một hoặc một số yếu tố diễn đạt (vần, nhịp, cụm từ, câu, từ) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng.
Câu 2 (trang 125 sgk Ngữ Văn 10 Tập 2):
a. Ba ví dụ có điệp từ, điệp câu nhưng không có giá trị tu từ:
- Có công mài sắt có ngày nên kim. (Tục ngữ)
- Bà con vì tổ vì tiên không phải vì tiền vì gạo. (Tục ngữ)
- Tim anh ta đập nhanh hơn và anh ta ăn nhiều bữa hơn, uống nhiều rượu vang hơn và đọc sách nhiều hơn. (Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Ngữ văn 10 tập 2, trang 74)
b. Ba ví dụ trong những bài văn đã học có phép điệp:
- Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người… (Cây tre Việt Nam - Thép Mới).
- Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Hồ Chí Minh).
- Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
(Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)
c. Đoạn văn tham khảo:
Quê hương trong tôi, không chỉ là đàn cò trắng bay thẳng cánh đồng, không chỉ là cây đa, giếng nước, sân đình. Quê hương trong tôi, bao trùm tất cả, là tuổi thơ, là gia đình, là bạn bè đồng trang lứa, là những trưa trốn mẹ đi chơi, là những đêm trăng tỏ chị Hằng. Quê hương trong tôi, là quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Luyện tập
Câu 1 (trang 125 sgk Ngữ Văn 10 Tập 2):
a. Ở ngữ liệu 1 và 2, cách sắp xếp từ ngữ đều đặn và có sự đối ứng giữa hai vế:
b. - Ngữ liệu 3 có phép tiểu đối trong cùng một câu: Khuôn trăng đầy đặn/ Nét ngài nở nang ; Mây thua nước tóc/ tuyết nhường màu da.
- Ngữ liệu 4 đối giữa hai câu thơ: dòng trên và dòng dưới (đối kiểu câu đối).
c. Ví dụ phép đối:
- Trong Hịch tướng sĩ:
+ Trăm thân này phơi ngoài nội cỏ/ nghìn xác này gói trong da ngựa.
+ Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa/ hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển/ hoặc vui thú ruộng vườn/ hoặc quyến luyến vợ con…
- Trong Bình ngô đại cáo:
+ Dối trời lừa dân, đủ muôn nghìn kế/ Gây binh kết oán, trải hai mươi năm.
+ Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phất phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.
- Truyện Kiều:
Khi tỉnh rượu/ lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
- Thơ Đường luật:
+ Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Đau lòng mỏi miệng cái gia gia.
(Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
- Câu đối: Con có cha như nhà có nóc/ con không cha như nòng nọc đứt đuôi. (Câu đối tập cú)
d. Định nghĩa phép đối: Phép đối là cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các thành phần câu, vế câu song song, cân đối trong lời nói nhằm tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh về ý, gợi liên tưởng, hình ảnh sống động, tạo nhịp điệu, biểu đạt cảm xúc, tư tưởng.
Câu 2 (trang 126 sgk Ngữ Văn 10 Tập 2):
a. Phép đối trong tục ngữ tạo sự hài hòa, cân đối và giúp cho việc diễn đạt ý được khái quát và cô đọng, dễ nhớ, dễ thuộc.
- Không thể dễ dàng thay thế các từ vì các từ trong một câu tục ngữ thường thuộc một kiểu đối nào đó. VD: từ "bán" và từ "mua" nằm trong phép đối từ loại và đối ý.
- Thông thường, phép đối phải dựa vào những biện pháp ngôn ngữ về vần, từ và câu đi kèm, đặc biệt là những biện pháp ngôn ngữ về từ và câu.
b. Vì: cách nói trong tục ngữ hàm súc, cô đọng, từ ngữ chọn lọc, có vần, có đối.
Câu 3 (trang 126 sgk Ngữ Văn 10 Tập 2):
a) Tìm mỗi kiểu đối một ví dụ:
- Kiểu đối thanh (trắc đối bằng): Ăn cây nào / rào cây ấy, uống nước / nhớ nguồn.
- Kiểu đối chọi về nghĩa: Gần mực thì đen / gần đèn thì sáng.
- Kiểu đối từ loại (tính từ đối tính từ, danh từ đối danh từ, động từ đối động từ): Chó treo/ mèo đậy.
- Kiểu đối giữa các câu:
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
(Truyện Kiều)
b) Ra một vế đối cho các bạn cùng đối.
- Ví dụ: Tết đến, cả nhà vui như Tết.
- Đối lại là: Xuân về, khắp nước trẻ cùng xuân.
------------------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Soạn văn 10 bài: Thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Đề thi học kì 2 lớp 10, Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.