Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về Ghềnh Đá Đĩa

Thuyết minh về Ghềnh Đá Đĩa được VnDoc sưu tầm và đăng tải bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 9 cho các em tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.

Dàn ý Thuyết minh về Ghềnh Đá Đĩa

a. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào danh lam thắng cảnh ở Phú Yên: Gành Đá Đĩa.

b. Thân bài

- Khái quát chung về Gành Đá Đĩa

Ghềnh Đá Đĩa (hay còn gọi là gành Đá Đĩa) thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa, xuôi theo quốc lộ 1A về hướng bắc khoảng 30km, sau đó đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rẽ phải về hướng đông khoảng 12km, du khách sẽ đến ghềnh Đá Đĩa.

Với vẻ đẹp tự nhiên và cấu trúc độc đáo, đây được xem là kiệt tác của đá mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này, trở thành viên ngọc quý của du lịch Phú Yên.

Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa đã được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch.

- Thuyết minh chi tiết

Với chiều rộng hơn 50m và dài khoảng 200m, nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh.

Hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa.

- Vai trò, ý nghĩa của Gành Đá Đĩa đối với con người

Từ lâu, Gành Đá Dĩa đã trở thành niềm tự hào của người dân Phú Yên. Hình ảnh gành đá trở thành biểu tượng của đức kiên trì, lòng kiên trung, sừng sững kiêu ngạo giữa đất trời thách thức dòng thời gian khắc nghiệt phai mòn.

Gành Đá Dĩa là một trong những địa điểm du lịch, mang lại nguồn kinh tế lớn của tỉnh Phú Yên.

Năm 1998, Nhà nước Việt Nam công nhận Ghềnh Đá Dĩa là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia, khẳng định giá trị của địa danh này trong bản đồ du lịch Việt Nam.

c. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa của Gành Đá Đĩa đối với người dân Phú Yên nói riêng và đối với nước nhà nói chung.

Thuyết minh về Ghềnh Đá Đĩa mẫu 1

Ghềnh Đá Đĩa còn có các cách gọi (viết) khác là Gành Đá Đĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam, thắng cảnh này nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Ghềnh Đá Đĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất khoảng 50m; nơi dài nhất 200m. Ghềnh Đá Đĩa hay gành Đá Dĩa nằm trong xã An Ninh Đông, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 30 km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về phía Đông khoảng 12 km là đến ghềnh Đá Đĩa. Bạn cũng có thể đi theo tuyến đường ven biển từ Tuy Hòa đến ghềnh Đá Đĩa dài khoảng 35 km.

Ghềnh Đá Đĩa rộng khoảng 50 m và trải dài hơn 200 m, là một trong những danh thắng tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên. Từ trên cao, có thể nhìn thấy khu ghềnh lấn biển với những khối đá mặt hình lục giác, gắn chặt với nhau tựa miếng sáp ong khổng lồ đều đặn, tạo nên một tổng thể vững chắc với màu đen bóng. Khu ghềnh đặc biệt này được hình thành khi núi lửa tuôn trào dung nham xuống biển. Dòng dung nham nóng gặp biển lạnh đông cứng lại, cùng với hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều tạo nên cảnh quan kỳ thú hôm nay.

Gềnh Đá Đĩa là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa nên có tên gọi là Ghềnh Đá Đĩa. Nhìn từ xa, Ghềnh Đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ.

Nơi đây có những phiến đá kỳ ảo, thô ráp xếp tầng tầng, lớp lớp lên nhau, thành một vách núi sừng sững trải dài lấn ra tới biển. Hình ảnh này gợi cho du khách liên tưởng tới một lớp vảy khổng lồ của một con kình ngư đang đắm mình trong giấc mộng triệu năm dưới làn nước trong mát và mây trời cao xanh của Phú Yên.

Trải qua hàng trăm năm biến đổi khí hậu, những cơn sóng biển vẫn miệt mài tung bọt trắng bên ghềnh đá hoang sơ. Những ghềnh đá xếp lô xô cao thấp và bạn có thể dễ dàng đến sát mép biển, nơi sóng vỗ về, để ngắm toàn cảnh biển xanh tuyệt đẹp. Đi sâu xuống dưới ghềnh, bắt gặp một hang ăn sâu vào chân núi, bọt tung trắng xóa. Xa xa là bãi Bàng với làn nước trong vắt in bóng mây trời.

Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và bắt đầu được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch. Nhưng do địa hình đường xá đi lại phải qua nhiều làng bản mới vào được nên việc đẩy mạnh du lịch tại ghềnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người dân lại biến ghềnh đá thành điểm picnic cuối tuần với vô số rác thải.

Năm 2010, con đường vào ghềnh Đá Đĩa được trải nhựa hoàn toàn với những biển chỉ lối cụ thể. Ghềnh cũng đã được làm sạch, nạo vét và thu nhặt rác bẩn, được địa phương quan tâm chăm sóc. Ghềnh Đá Đĩa đã trở thành một điểm đến thú vị cho du khách khi ghé thăm mảnh đất Phú Yên nắng gió.

Một buổi ghé chơi với ghềnh Đá Đĩa, bạn hãy dành thời gian ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính ngay đầu lối rẽ vào, đi chậm xuyên qua những làng mạc yên bình và đón những cơn gió lồng lộng thổi không ngừng từ trên ghềnh Đá Đĩa.

Hoàng hôn nhuộm màu lên phiến đá, nhìn từ trên cao như những chiếc đĩa dát vàng. Ghềnh này được hình thành khi núi lửa tuôn trào dung nham xuống biển. Dung nham nóng gặp biển lạnh đông cứng lại và do hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều tạo nên cảnh quang tuyệt vời như ngày hôm nay. Bên dưới ghềnh đá là bãi Bằng với nước biển dịu mát và tĩnh lặng. Có lẽ do địa hình hiểm trở và chưa mấy ai biết đến nên nước biển bãi Bằng trong vắt một màu, nhìn từ trên cao xuống có thể thấy cả đáy.

Với những cảnh vật sơ khai kỳ vĩ, cùng thiên nhiên nhuộm một màu sắc lãng mạn, Gành Đá Đĩa đã trở thành một địa điểm lý tưởng để thực hiện các bức ảnh đẹp không chỉ đối với các bạn trẻ đi du lịch mà cả những nhà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn những bạn trẻ sắp lập gia đình, tìm đến đây để có những bộ ảnh cưới tuyệt mỹ.

Ghềnh Đá Đĩa tuy hùng vĩ hoang sơ, nhưng vẫn không thiếu nét thơ mộng khi chiều về. Bạn cũng có thể ngâm mình trong làn nước mát và nhắm mắt tận hưởng cái vỗ nhè nhẹ của sóng biển vào da thịt, những làn gió mơn trớn trên tóc và mùi biển mặn đậm đà. Được đắm mình giữa một chốn hoang sơ của thiên nhiên, du khách như gột rửa hết mọi lo toan.

Thuyết minh về Ghềnh Đá Đĩa mẫu 2

Nhắc đến du lịch Phú Yên, không ai không nhắc đến gành Đá Đĩa- địa điểm du lịch độc đáo với các trụ đá xếp dựng đứng như những chiếc đĩa vô cùng lạ mắt và có thể nói là có một không hai ở Việt Nam.

Gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là gành Đá Đĩa. Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở gành Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động của núi lửa cách nay khoảng gần 200 triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa gặp nước biển bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang khiến những cột đá bị cắt thành nhiều khúc. Đá Dĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét; nơi dài nhất 200 mét. Từ trên cao nhìn xuống trông giống như một tổ ông khổng lồ vì kết cấu lạ mắt của các dãy đá. Theo các bậc tam cấp tự nhiên do đá tạo nên, du khách xuống tận chân đá đĩa để tận mắt thấy sự tạo hóa của thiên nhiên làm nên một công trình nghệ thuật mà cứ như chính bàn tay con người tạo ra.

Đến với danh thắng này, nhiều người đều liên tưởng đến những hình thù được làm bằng đá ở đảo Phục Sinh- Chile hay Cánh đồng Chum – Lào, khác nhau là những công trình đá trên do chính bàn tay con người tạo ra- và đến nay nó vẫn đang là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu. Gành Đá Đĩa còn là nơi lý tưởng cho những người thích câu cá, đứng ở đây quăng câu ra xa để ngồi chờ, đây chính là thời gian để người ta có thể thả mình theo những đợt sóng xô vào gành đá đĩa, tạo nên những âm thanh khi dữ dội lúc lại nhẹ nhàng. Bên cạnh, những chiếc thuyền thúng của ngư dân để dài trên gành đá đĩa đã tạo nên một điểm nhấn đẹp cho địa điểm du lịch này.

Tự hào khi nói về gành Đá Đĩa, anh Đỗ Vũ Thành- Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Tuy An đã kể về truyền thuyết gành đá như sau: Từ rất lâu, không biết chính xác là thời điểm nào nhưng theo tương truyền thì ở đây có đôi vợ chồng rất giàu có. Tuy vậy, người vợ không may chết sớm trong khi chưa kịp sinh một mụn con nào cả. Sau khi vợ chết, người chồng lấy rất nhiều tài sản ban phát cho dân nghèo. Phần còn lại ông đã cất vào kho cạnh bờ biển (tức gành Đá Đĩa ngày nay) và đi tu. Sau đó ông đã qua đời mà chưa sử dụng hết số của cải còn cất dấu. Biết được số của cải to lớn này đang được cất giấu ở gần bờ biển nên những kẻ tham lam đã dùng nhiều cách để chiếm đoạt. Tuy vậy, sau nhiều tháng chúng vẫn không xâm nhập được vào chỗ cất giấu tài sản nên chúng đã chất củi đốt cháy nơi này. Lửa đang cháy bỗng xảy ra cơn gió xoáy như vòi rồng cuốn những kẻ đứng chung quanh kho bạc mất hút lên không trung và phát ra một tiếng nổ kinh hoàng. Sáng hôm sau, người dân khu vực này kéo nhau ra phía bờ biển, thì phát hiện kho bạc của người nhà giàu nọ không còn nữa mà chỉ thấy những phiến đá to hình lục giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau… Và còn rất nhiều truyền thuyết li kì xung quanh địa điểm du lịch này nữa.

Tuy là địa điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn rất nhiều du khách khi có dịp đến Phú Yên nhưng tại địa điểm này, các dịch vụ du lịch cộng thêm đều không có. Do đó du khách chỉ có thể ghé thăm, chụp ảnh lưu niệm rồi liền quay lại thành phố Tuy Hòa hoặc ra thẳng thành phố Qui Nhơn.

Thuyết minh về Ghềnh Đá Đĩa mẫu 3

Nói đến Phú Yên, không thể không nói tới một địa danh, mà tên tuổi của nó không những được ghi dấu trên bản đồ Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, không mấy khi sự kết hợp kỳ diệu của tạo hóa đã tạo nên một kỳ quan thiên nhiên với hạ tầng địa chất thuộc vào hàng độc đáo nhất – Ghềnh Đá Đĩa.

Địa danh này nằm tại huyện Tuy An – Phú Yên, đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là thắng cảnh quốc gia.

Đúng như tên gọi, nhìn từ trên xuống, Ghềnh Đá Đĩa như một chồng đĩa đen bóng với những viên đá hình tròn và đa giác xếp chồng khít vào nhau trông thật lạ khiến du khách liên tưởng đến trò chơi lego khổng lồ của tạo hóa, cái trò chơi lego nửa chìm nửa nổi trong mảng màu xanh rì rào của nước biển, những chiếc thuyền đánh cá xa xa như ru lòng người vào cõi thiên thai. Đây là một trong những hạ tầng địa chất vô cùng đặc biệt.

Nhìn từ xa, khu Ghềnh Đá Đĩa rộng hơn 1 km2 như một tổ ong khổng lồ. Đá ở đây đều tăm tắp được dựng thành từng cột liền khít nhau. Các cột đá có tiết diện hình lục giác hoặc hình vuông hoặc có hình tròn như chiếc đĩa, thoạt nhìn cứ tưởng như có sự xắp sếp của bàn tay con người, nhưng đó phải là người khổng lồ. Bởi lẽ để có được những tảng đá dựng đứng nặng hàng tảng, đều đặn như hình ngũ giác, lớp nọ xếp liền lên lớp kia trên một vùng rộng lớn. Bàn tay của tạo hóa đã nhào nặn nơi đây trở thành một kỳ thắng.

Chồng đĩa thiên nhiên này rộng hàng nghìn mét vuông, nằm sát mép biển, mặc cho sự bào mòn của thời gian và sóng biển, ghềnh đá vẫn giữ nguyên vẻ đẹp ban đầu. Hàng triệu cột đá tựa vào nhau uốn thành từng cụm với hình dạng và độ cao khác nhau.

Theo các nhà địa chất, đây là loại đá bazan hình thành trong quá trình họat động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Sơn, cách vị trí Ghềnh Đá Đĩa khoảng 30 km theo đường chim bay cách đây hàng triệu triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa gặp nước lạnh đã đông cứng lại và xảy ra sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch. Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những chiếc đĩa của người đầu bếp khổng lồ. Ghềnh Đá Đĩa nằm trong một tổng thể gồm các gềnh đá trắng trải dài hàng nghìn mét, tạo nét hài hòa giữa núi đá và biển.

Lại gần, những viên đá có hình trụ chồng lên nhau như chồng chén, đĩa trong các lò sành sứ, người ta gọi nơi đây là Ghềnh Đá Đĩa. Sóng ở Ghềnh Đá Đĩa luôn mạnh, đập vào bờ đá tung bọt trắng xóa. Những đợt sóng đó tuy có vẻ dữ dội nhưng chỉ làm ướt áo ai đó đi ngang qua đây, một liên tưởng sẽ khiến ta có cảm giác thú vị. Những bọt sóng tung cao vừa là lời chào mừng vừa như mời gọi hòa mình vào dòng nước mát lạnh của Ghềnh Đá Đĩa như sự hãnh diện của tự nhiên nơi đây.

Đi dọc theo ghềnh sẽ phát hiện ra giữa gềnh có một chỗ trũng, lâu ngày nước mưa và nước biển đọng lại thành vũng. Nơi đó như một thế giới nước thu nhỏ với những chú nham, tức là loài cua nhỏ, tôm cá nhỏ sinh sống, cả những chú sứa, sao biển theo thủy triều đi lại. Xung quanh lõm, đá dựng tầng tầng, những ai tới với nơi đây đều có thể dựa lưng vào đó để tâm hồn thư thái mà ngắm từ trời cao lồng lộng đến biển rộng mênh mông.

Với muôn hình vạn trạng, ghềnh Đá Đĩa còn hấp dẫn người xem bởi những gam màu biến đổi theo ánh sáng mặt trời. Khi bình minh lên, màu đen tuyền của những khối đá đĩa phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng chói chang đầu ngày đặc trưng vùng duyên hải miền Trung. Còn khi chiều xuống, ráng đỏ hoàng hôn nhuộm hồng các phiến đá. Bởi thế, mỗi khoảnh khắc ghềnh Đá Đĩa lại mang đến cho du khách những cảm nhận khác nhau.

Không chỉ nổi danh với vẻ đẹp thiên tạo, Ghềnh Đá Đĩa này đã từng có một thời là cơ sở của cách mạng trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Những phiến đá cong cong hình vòng cung như che chắn cho những người con yêu nước và đâu đó trong những hang động trong lòng đá đã từng nuôi dưỡng những con người sẵn sang hiến dâng tuổi thanh xuân và tính mạng cho sự nghiệp và độc lập tự do của dân tộc. Đá Đĩa còn gắn liền với một địa danh phía trên đó là Hòn đá lực lượng- một hang sâu và rộng lưu truyền những huyền thoại về một thời chiến tranh.

Bên cạnh ghềnh đá Dĩa là bãi cát trắng mịn hình trăng lưỡi liềm dành cho những ai thích tắm biển. Không xa là khu vực bãi Bàng, với những tảng đá màu vàng sáng nằm lặng yên dưới tán cây bàng rợp mát. Đây là nơi nghỉ ngơi, cắm trại, dã ngoại lý tưởng. Lý thú hơn, ở ghềnh đá Dĩa, du khách còn có thể mục sở thị cảnh đánh bắt hải sản của ngư dân hoặc tự tay câu cá dò, cá dìa, cá vẩu. Thậm chí, còn có thể cùng người dân địa phương đi cạy “ vú nàng”- một loài nghêu sống bám vào gành đá. Đôi lúc, còn được mời mua những con hải sâm tươi bổ dưỡng với giá cả ưu đãi…

Ghềnh Đá Đĩa không những là một thắng cảnh quốc gia mà còn là một tài sản quý giá với mảnh đất đầy truyền thuyết và danh thắng như Phú Yên, chắc chắn nơi đây sẽ là điểm đến mang lại nhiều hứng thú với du khách. Mong rằng Ghềnh Đá Đĩa sẽ được nhiều người biết đến xứng đáng với sự độc đáo của nó.

...........................

Trên đây là các bài văn mẫu Thuyết minh về Ghềnh Đá Đĩa, hy vọng với nội dung tham khảo này, các em sẽ dễ dàng hoàn thành bài văn của mình.

Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt.

Đánh giá bài viết
2 430
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm