Tổng quan về thông tin bất đối xứng
Chúng tôi xin giới thiệu bài Tổng quan về thông tin bất đối xứng được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Tổng quan về thông tin bất đối xứng
Thông tin bất đối xứng xảy ra khi một đối tượng trong giao dịch có được nhiều thông tin hơn đối tượng còn lại. Đối tượng có nhiều thông tin hơn thường có xu hướng tận dụng triệt để lợi thế của mình để thu lợi. Nguyên nhân của thông tin bất đối xứng có thể do bản chất cấu tạo của thị trường hoặc do chủ thể kinh tế cố tình che giấu thông tin nhằm trục lợi. Hiện tượng thông tin bất đối xứng dẫn tới hai hệ quả sau.
1. Lựa chọn lựa chọn ngược/bất lợi
Vấn đề lựa chọn ngược/bất lợi (adverse selection) nảy sinh trong thị trường hàng hóa khi một chủ thể kinh tế (thường là người bán) sở hữu nhiều thông tin về hàng hóa hơn chủ thể kinh tế còn lại (thường là người mua). Nhìn từ góc độ của người mua, sự lựa chọn hàng hóa là "bất lợi" do họ có nguy cơ mua phải hàng hóa kém chất lượng nhưng với giá tiền của hàng hóa đủ chất lượng do sự thiếu hụt về thông tin. Ví dụ điển hình của lựa chọn bất lợi được xây dựng bởi Geogre Akerlof trong tác phẩm nổi tiếng "Market for Lemons" (1970). "Lemons" ở đây là một từ lóng chỉ những chiếc xe ô tô cũ đã qua sử dụng. Trong thị trường ô tô cũ, người chủ xe là những người biết đầy đủ và chính xác nhất về tình trạng chiếc xe cần bán. Trong khi đó, người mua thường có thông tin rất mơ hồ và không đầy đủ do đó họ thường mua phải một chiếc xe với giá thành không tương xứng với chất lượng. Một ví dụ khác là thị trường bảo hiểm y tế. Trong trường hợp này, người mua lại có ưu thế thông tin hơn người bán. Rõ ràng, người mua bảo hiểm y tế nắm rõ thông tin về tình trạng sức khỏe của anh ta hơn các công ty bán bảo hiểm. Khi đó, anh ta có xu hướng giấu giếm các vấn đề sức khỏe của mình khi mua bảo hiểm nhằm mua được với giá rẻ hơn. Nếu các công ty bảo hiểm không có cơ chế phù hợp bắt người mua cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe của mình, doanh thu của họ sẽ thiệt hại đáng kể. Trong trường hợp quá nhiều người có tình trạng sức khỏe xấu sở hữu được bảo hiểm y tế tại cùng một thời điểm, công ty bảo hiểm hoàn toàn có khả năng phá sản do không đủ dòng tiền để chi trả cho việc sử dụng các dịch vụ y tế của những người đó.
2. Rủi ro đạo đức
Vấn đề về rủi ro đạo đức (moral hazard) nảy sinh trong trường hợp một chủ thể kinh tế có xu hướng không trung thực trong ứng xử hay có những hành vi mạo hiểm vì hậu quả hành vi của họ do một chủ thể khác gánh chịu. Khác với lựa chọn bất lợi, các hành động sai trái trong rủi ro đạo đức thường xảy ra sau khi giao dịch được diễn ra. Rủi ro đạo đức còn được gọi là vấn đề ông chủ - nhân viên do việc sử dụng lao động của những người chủ là ví dụ điển hình cho vấn đề này. Trong mối quan hệ này, nhân viên nắm đặc quyền thông tin về hành động của mình so với người chủ. Do đó, nếu không bị giám sát chặt chẽ từ người chủ, nhân viên sẽ có xu hướng làm lợi cho mình mà không để ý tới hậu quả dành cho người chủ (ví dụ: làm việc thiếu trách nhiệm, lười nhác,..). Một ví dụ điển hình khác là thị trường bảo hiểm ô tô. Sau khi mua được bảo hiểm ô tô, người chủ xe thường lái xe kém cẩn thận hơn do ỷ lại rằng bất cứ hậu quả nào từ việc lái xe không cẩn thận đều sẽ được chi trả bởi công ty bảo hiểm.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Tổng quan về thông tin bất đối xứng về sự lựa chọn hàng hóa là "bất lợi" do họ có nguy cơ mua phải hàng hóa kém chất lượng nhưng với giá tiền của hàng hóa đủ chất lượng do sự thiếu hụt về thông tin....
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Tổng quan về thông tin bất đối xứng. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.