Trình bày suy nghĩ của em về việc ô nhiễm còi xe
Những bài văn mẫu hay lớp 9
Văn mẫu lớp 9: Trình bày suy nghĩ của em về việc ô nhiễm còi xe được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Trình bày suy nghĩ của em về việc ô nhiễm còi xe
Để đánh giá sự văn minh của một thành phố, một quốc gia, điều đầu tiên người ta nhìn vào đó chính là giao thông đường bộ. Việt Nam nói chung và Huế nói riêng liệu có để lại ấn tượng tốt cho du khách nước ngoài khi “sở hữu” làn đường dày đặc xe cộ cùng với những thứ âm thanh inh ỏi, chói tai? Tất nhiên là không rồi! Và cũng chính vì vậy, mới đây sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên truyền, vận động khẩu hiệu: “Huế không tiếng còi xe” nhằm đưa thành phố cố đô trở lại vẻ thanh bình trầm tư vốn có của nó. Chúng ta hãy đưa hoạt động này lan rộng hơn nữa trong phạm vi toàn quốc và biến Việt Nam thành đất nước “sạch” tiếng còi!
Nói đến còi xe ắt phải nghĩ ngay đến giao thông của những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn. Với mật đô dân cư cao, cách thức di chuyển trên đường của họ cũng rất vất vả. Những giờ cao điểm, họ phải “nhích từng chút một” khi tham gia giao thông và tất nhiên, với hầu hết những con người sốt ruột mong đến địa điểm của mình cách sớm nhất, họ chọn cách bóp còi ầm ĩ.
Ý thức đang mất dần, tại sao lại như vậy? Mọi người đã từng di chuyển rất có văn hóa. Nhưng bây giờ thì sao? Tiếng còi xe vang lên trên khắp mọi nẻo đường! Thay vì dùng còi xe trong việc bảo đảm an toàn giao thông thì tiếng còi ấy được sử dụng một cách “vô tội vạ”. Mọi người đều theo nhịp sống nhanh, sống vội. Nguyên nhân từ đâu ra? Từ những con người thiếu ý thức, những con người chỉ biết nghĩ cho bản thân, họ muốn nhanh hơn một giây, nhưng để rồi chậm cả đời. Họ luồn lách, bóp còi liên thanh. Thậm chí khi chỉ còn vài giây nữa đèn giao thông sẽ chuyển từ đỏ qua xanh thì một số người ở phía sau đã thúc dục bằng tiếng còi xe đầy mỏi mệt. Chưa kể đang di chuyển trên đường, nhiều người cách người trước vài mét đã ấn còi inh ỏi. Rồi cả việc tôi không tài nào hiểu được, một số tiếng còi xe sinh ra chỉ để…chào nhau? Nào là xin đường, cướp đường cách hiên ngang và vô số hành động vô ý thức khác.
Hậu quả là gì? Đã từng có một phụ nữ khi tham gia giao thông, vì nghe tiếng còi xe tải ở sau quá lớn, giật mình, ngã ngay xuống mặt đường và bị một chiếc xe khác chèn lên thân thể. Tài xế bỏ chạy, người phụ nữ xấu số chết ngay tại đấy.
Xin hỏi, văn minh ở đâu?
Chưa đủ, về mặt tinh thần, tưởng tượng một buổi chiều lộng gió, một buổi tối đầy lãng mạn, bạn thong dong đi dạo phố ngắm cảnh đẹp quê nhà, và, “BÍP BÍP”, hàng loạt âm thanh nhức đầu vang lên, bạn sẽ còn tâm trạng thưởng thức cảnh đẹp đất trời hay lập tức về nhà hưởng thụ không gian yên tĩnh? Thật ra cũng chưa chắc về nhà bạn sẽ được yên tĩnh! Bây giờ, chỉ cần mái ấm của bạn nằm ở mặt tiền, không có phòng cách âm thì hằng ngày bạn sẽ phải hưởng đủ bao nhiêu tác hại của việc ô nhiễm tiếng ồn ấy. Mái ấm, liệu có còn thực sự “ấm” hay không?
Vậy, làm sao để cải thiện, để ngăn ngừa? Những lỗi văn hóa này không dễ kiểm soát. Cho dù cảnh sát giao thông có vào cuộc cũng không thể bắt phạt hết tất cả con người sử dụng còi xe phản tác dụng này. Việc đầu tiên, cũng là việc cần thiết nhất đó chính là thay đổi ý thức con người, văn minh hóa những đầu óc còn thiếu hiểu biết ấy. Đó cũng là nguyên do mô hình “Thành phố không tiếng còi xe” được xây dựng. Nên hiểu rõ, “không tiếng còi xe” không phải là cắt bỏ tất cả còi ở các phương tiện giao thông, trong trường hợp cần thiết, còi xe vẫn là thứ bảo đảm an toàn.
Chúng ta phải biết đề ra những giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả, tích cực tuyên truyền. Phải biết học tập những nước phát triển về kinh tế lẫn sự văn minh. Đặc biệt là Nhật Bản, không cần nói nhiều thì ắt hẳn ai cũng biết đất nước mặt trời mọc từ lâu đã là tấm gương sáng về văn hóa, văn minh và lịch sự. Tại sao giao thông Nhật Bản lại “đi vào nề nếp” như vậy? Dân số tuy đông, nhưng hầu như họ di chuyển bằng phương tiện công cộng, hạn chế tối đa phương tiện trên đường. Hơn nữa, ý thức của người Nhật cực kì cao, họ chẳng thể bỗng dưng phát ra tiếng ồn và coi đó là điều tự nhiên cả. Chúng ta phải biết nhìn vào mặt tốt để học tập, noi theo, phải biết hình thành trong suy nghĩ rằng mình đang sống trong một tập thể, một hành động của mình cũng có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội. Tất nhiên, vẫn nên đề ra những hình phạt thích đáng đối với những người lạm dụng còi xe. Bởi xã hội nhiều loại người, chẳng phải ai cũng ý thức được, phải có trừng phạt, mới biết sửa sai.
Chốt lại, đất nước sẽ văn minh nếu con người có văn hóa. Hãy lên tiếng phê phán những thành phần “muốn nổi bật” gây ảnh hướng đến trật tự xã hội ấy. Hãy sử dụng còi xe cách có hiệu quả nhất. Hãy suy nghĩ trước mỗi hành động bạn làm khi tham gia giao thông. Và hãy chung tay góp phần xây dựng một Việt Nam “sạch” tiếng còi xe, đẹp và thơ mộng hệt như những lời đã được ca ngợi ấy.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Trình bày suy nghĩ của em về việc ô nhiễm còi xe. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.
Bài tiếp theo: Thuyết minh về Bạch Dinh Vũng Tàu