Trình tự bấm giờ
Trình tự bấm giờ được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Trình tự bấm giờ
1. Giai đoạn chuẩn bị
Để đảm bảo chất lượng của số liệu bấm giờ, cần thực hiện tốt các công tác sau:
Chọn đối tượng quan sát:
Tùy theo mục đích bấm giờ mà chọn đối tượng quan sát cho phù hợp:
Nếu bấm giờ để xây dựng mức và bảng tiêu chuẩn định mức thì phải chọn công nhân có năng suất lao động trung bình tiên tiến (có thái độ lao động tốt, nắm vững kỹ thuật sản xuất có tay nghề trung bình tiên tiến).
Nếu bấm giờ để nghiên cứu thao tác tiên tiến thì đối tượng quan sát là công nhân có năng suất lao động tiên tiến.
Nếu bấm giờ để nghiên cứu nguyên nhân hụt mức thì đối tượng quan sát là công nhân có năng suất lao động thấp.
Nghiên cứu tình hình tổ chức phục vụ nơi làm việc
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tổ chức phục vụ nơi làm việc mà cải tiến, chấn chỉnh nhằm hợp lý hoá tổ chức lao động, tổ chức sản xuất. Có như vậy, số liệu bấm giờ mới chính xác và đảm bảo nâng cao chất lượng của mức lao động.
Phân chia bước công việc thành những thao tác và xác định kết cấu bước công việc hợp lý, xác định điểm ghi
Muốn xác định chính xác thời gian hoàn thành bước công việc phải xác định thời gian hoàn thành từng thao tác. Vì vậy, phải phân chia bước công việc thành những thao tác và xác định điểm ghi của các thao tác.
Điểm ghi: Là điểm bắt đầu hay kết thúc của mọi thao tác. Điểm ghi phải rõ ràng, ngắn gọn, đầy đủ và dễ hiểu.
- Nếu bấm giờ không liên tục cần xác định 2 điểm ghi đầu và cuối.
- Nếu bấm giờ liên tục: Chỉ cần xác định 1 điểm ghi cuối (điểm ghi cuối của thao tác 1 chính là điểm ghi đầu của thao tác 2).
Dựa trên việc nghiên cứu các phương pháp làm việc tiên tiến trong quá trình sản xuất của công nhân, tìm và loại bỏ những thao tác, động tác thừa để xây dựng kết cấu bước công việc hợp lý.
Chọn thời cơ bấm giờ
Để loại trừ những yếu tố đột xuất, ngẫu nhiên đảm bảo tính chính xác của số liệu bấm giờ thì nên bấm giờ vào lúc nhịp độ và năng suất lao động đã ổn định. Cụ thể: nên bấm giờ vào lúc công nhân đã làm việc được từ 1 đến 1,5 giờ và trước khi nghỉ 1 giờ.
Trong tuần không nên bấm vào ngày thứ hai và thứ bảy (nếu ngày nghỉ trong tuần là chủ nhật).
Xác định số lần bấm giờ
Muốn có số liệu chính xác phải bấm giờ nhiều lần. Tuy nhiên cũng cần có số lần bấm giờ vừa đủ, để đảm bảo độ chính xác của số liệu đồng thời tiết kiệm thời gian và công sức.
Số lần bấm giờ nhiều hay ít phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Lượng thời gian hoàn thành thao tác.
- Phương pháp hoàn thành thao tác.
- Loại hình sản xuất
Chuẩn bị đồng hồ bấm giờ
Trước khi dùng đồng hồ bấm giờ phải kiểm tra và chỉnh cho chính xác và sử dụng đồng hồ thể thao điện tử.
Chuẩn bị phiếu bấm giờ
Phiếu bấm giờ có 2 mặt:
- Mặt 1: Phải tìm hiểu và ghi trước lúc khảo sát.
- Mặt 2: Phải ghi phần nội dung và điểm ghi trước lúc khảo sát.
2. Giai đoạn khảo sát
Để đảm bảo chất lượng số liệu khảo sát, khi bấm giờ cần thực hiện đầy đủ các yêu cầu sau:
- Phải ghi đúng các điểm ghi đã xác định.
- Phải ghi chính xác số đo trên mặt đồng hồ.
- Phải theo dõi hoạt động của công nhân xem họ có thực hiện đúng trình tự các thao tác và chế độ vận hành máy móc thiết bị như quy định không?
- Phải đảm bảo đủ số lần bấm giờ theo quy định.
- Phải ghi chú đầy đủ những lần đo có sự cố đột xuất ngẫu nhiên dẫn tới thiếu chính xác.
Chú ý: Số liệu ghi cho các lần đo trong bấm giờ liên tục là thời gian tức thời, còn trong bấm giờ không liên tục là thời gian kéo dài của mỗi lần đo.
3. Giai đoạn phân tích kết quả khảo sát
Bước 1: Chỉnh lý sơ bộ kết quả bấm giờ
Nếu bấm giờ liên tục trước hết phải xác định độ dài thời gian của từng thao tác trong từng lần bấm giờ.
Thời gian kéo dài của thao tác thứ i = Thời gian tức thời của thao tác thứ i - Thời gian tức thời của thao tác thứ (i -1)
Bước 2: Kiểm tra tính ổn định của dãy số
Mặc dù đã loại trừ những lần đo sai nhưng dãy số vẫn có thể còn sai lệch mà ta chưa phát hiện được. Vì vậy phải dùng công thức thực nghiệm để kiểm tra tính ổn định của dãy số.
Bước 3: Tính giá trị trung bình của dãy số (hay còn gọi là thời gian hoàn thành thao tác)
Bước 4: Tính thời gian hoàn thành bước công việc (hay còn gọi là thời gian tác nghiệp của bước công việc)
Bước 5: Phân tích kết quả bấm giờ
Tùy theo mục đích bấm giờ mà phân tích cho phù hợp:
Nếu bấm giờ để xác định thời gian tác nghiệp 01 sản phẩm nhằm xây dựng mức lao động thì khi phân tích cần so sánh giữa mức cũ với mức dự kiến để biết được tốc độ tăng năng suất lao động khi áp dụng mức mới vào sản xuất và đề ra các biện pháp để thực hiện được mức.
Nếu bấm giờ để nghiên cứu và phổ biến phương pháp sản xuất tiên tiến thì cần so sánh và phân tích thời gian hoàn thành thao tác của công nhân tiên tiến và công nhân trung bình, tìm ra các điều kiện để thực hiện các thao tác tiên tiến. Qua đó phổ biến và áp dụng rộng rãi trong công nhân.
Nếu bấm giờ để tìm nguyên nhân hụt mức thì phải phân tích kỹ các thao tác thừa để có dự kiến kết cấu bước công việc hợp lý, tạo điều kiện cho công nhân phấn đấu đạt và vượt mức lao động.
Việc phân tích tài liệu bấm giờ nhằm khai thác triệt để các nhân tố tiên tiến trong sản xuất. Trên cơ sở đó hoàn thiện thêm một bước việc tổ chức phục vụ nơi làm việc.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Trình tự bấm giờ về nghiên cứu tình hình tổ chức phục vụ nơi làm việc mà cải tiến, chấn chỉnh nhằm hợp lý hoá tổ chức lao động, tổ chức sản xuất...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Trình tự bấm giờ. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu của các môn học trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.