Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Từ bài Bàn luận về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa Học và Hành

Ngữ văn 8: Từ bài Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa “học” và “hành” gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và tổng hợp giới thiệu tới các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Từ bài Bàn luận về phép học hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành ngắn gọn

1. Mở bài

- Từ bài tấu “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử, dẫn dắt đến mối quan hệ giữa học và hành.

2. Thân bài

* Quan điểm về việc học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

- Học để mở mang kiến thức, sau mang những kiến thức đã học trong sách vở áp dụng vào thực tiễn.

* Cắt nghĩa:

- “Học” là quá trình học hỏi, tiếp thu kiến thức

- “hành” là hoạt động thực hành, áp dụng vào thực tiễn

=> “Học đi đôi với hành” là biến những kiến thức đã học được thành kĩ năng kĩ xảo, vận dụng vào thực tiễn.

* Tại sao học phải đi đôi với hành?

- Học để mở rộng hiểu biết, trình độ, kiến thức của bản thân à Giúp cho cuộc sống, công việc thuận lợi, hiệu quả hơn.

--> Học mà không vận dụng vào thực tiễn thì cũng trở nên vô nghĩa. Kiến thức đã học trở thành lí thuyết suông không có giá trị.

- Nếu không có những hiểu biết, không có kiến thức thì hoạt động thực hành cũng không hiệu quả

--> Nếu thực hành mà không có cơ sở lí thuyết sẽ chậm chạp, không hiệu quả, đặc biệt là trong thời đại khoa học kĩ thuật không ngừng phát triển như ngày nay.

* Bàn luận

- La Sơn Phu Tử đã nhận thức và chỉ ra được mối quan hệ mật thiết giữa học và hành.

- Học tạo cơ sở nền tảng, là ngọn đèn soi sáng cho mọi hoạt động thực hành, vận dụng vào thực tiễn.

3. Kết bài

Khẳng định mối quan hệ của học và hành. Rút ra bài học cho bản thân.

Từ bài Bàn luận về phép học hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành ngắn gọn mẫu 1

Từ xưa tới nay, mối tương quan chặt chẽ giữa học và hành đã được nhiều người quan tâm, bàn luận. Học quan trọng hơn hành hay hành quan trọng hơn học? La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã góp một ý kiến xác đáng về vấn đề này trong bài Bàn luận về phép học: Phép dạy, nhất định theo Chu Tử. Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm. Họa may kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người. Xin chớ bỏ qua.

Ý kiến trên đây của ông là sự đúc kết kinh nghiệm sau bao năm nghiền ngẫm và áp dụng trong thực tế phương pháp dạy và học của Chu Tử (tức Chu Đôn Di), một bậc thầy của Nho giáo đời Tống bên Trung Quốc.

Trong phép học của Chu Tử, Nguyễn Thiếp nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa học và hành: học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm. Vậy, chúng ta phải tìm hiểu xem học là gì? hành là gì?

Học là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, học ở bạn bè; tự học qua sách vở và học ở thực tế đời sống. Học để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết. Học để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình và góp phần hữu ích vào sự nghiệp chung của đất nước, dân lộc. Theo Nguyễn Thiếp, muốn có kết quả tốt phải có phương pháp học tốt. Trước hết phải học từ thấp đến cao. Khi học phải biết tóm lược kiến thức cơ bản đế dễ nhớ, dễ vận dụng. Theo cách nói bây giờ là ta phải biết sơ đồ hóa kiến thức, biết tóm tắt nội dung văn bản đã học.

Hành là quá trình vận dụng những kiến thức đã học vào những công việc hằng ngày. Ví dụ như một bác sĩ những kiến thức tiếp thu được trong suốt quá trình đào tạo sáu, bảy năm ở trường đại học để vận dụng vào việc chữa bệnh cho nhân dân. Những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng đem kiến thức đã học để thiết kế và thi công bao công trình như nhà máy, bệnh viện, trường học, công viên... để phục vụ đời sống con người.

Anh công nhân trong xưởng máy vận dụng lí thuyết để cải tiến kĩ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chị nông dân áp dụng khoa học vào đồng ruộng để có được những vụ mùa bội thu... Học sinh vận dụng những điều thầy dạy để làm một bài toán, một bài văn... đó là hành.

Bác Hồ cũng khẳng định: Học để hành, có nghĩa là học để làm cho tốt, thực tế cho thấy có học có hơn. Ông cha chúng ta ngày xưa đã nói: Bất học, bất tri lí. (Không học thì không biết đâu là phải, là đúng). Mục đích cuối cùng của sự học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao hơn. Nếu học được lí thuyết dù cao siêu đến đâu chăng nữa mà không đem ra vận dụng vào thực tế thì việc học ấy chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc mà thôi.

Ngược lại, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Trong học tập, học sinh muốn làm được một bài văn hay một bài toán thì không những phải nắm vững lí thuyết mà còn phải biết vận dụng lí thuyết để làm từng kiểu bài cụ thể. Trong công việc, nếu ta chỉ làm theo thói quen, theo kinh nghiệm mà không có lí thuyết soi sáng thì năng suất công việc sẽ thấp và chất lượng không cao. Cách làm theo thói quen chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp có liên quan đến khoa học kĩ thuật thì chúng ta bắt buộc phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời đại.

Quan niệm về học và hành của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cho đến nay vẫn giữ nguyên tính khoa học và tính thực tiễn của nó. Trong giai đoạn khoa học phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức các công việc phức tạp. Lí thuyết đúng đắn có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho thực hành. Con người sẽ rút ngắn thời gian mò mẫm, thử nghiệm và tránh được những sai lầm đáng tiếc. Lí thuyết gắn với thực hành sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn.

Do đó, chúng ta không thể coi nhẹ vai trò to lớn của việc học mà phải nhìn nhận, đánh giá đúng mức mối liên quan giữa học và hành. Học và hành phải đi đôi vì chúng có tác động hai chiều với nhau. Học hướng dẫn hành. Hành bổ sung, nâng cao và làm cho việc học thêm hoàn thiện. Có học mà không có hành thì chỉ là ôm mớ lí thuyết suông. Trái lại, chỉ chú trọng thực hành mà không chịu học hỏi thì làm việc gì cùng khó khăn. Học và hành là hai mặt của một quá trình, không thể xem nhẹ mặt này hay mặt khác.

Thực tế cho thấy trong tất cả các cấp học ngày nay, phương châm học đi đôi với hành là hoàn toàn đúng. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở... phải được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để sáng tạo ra những thành quả vật chất, tinh thần phục vụ con người.

Với cách lập luận chặt chẽ, bài Bàn luận về phép học của Nguyễn Thiếp giúp chúng ta hiểu rõ mục đích của việc học là để làm người có đạo đức, có tri thức, tài năng, đặng góp phần thúc đầy sự hưng thịnh của đất nước, chứ không phải để cầu danh lợi theo kiểu "vinh thân phi gia". Muốn học tốt phải có phương pháp đúng: Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm; đặc biệt học phải đi đôi với hành.

Từ bài Bàn luận về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa Học và Hành mẫu 2

Mỗi người khi sinh ra đều phải học. Nhưng học như nào để có hiệu quả.? Từ xưa vấn đề này đã được các nhà thông thái bàn tới. Trong bài tấu "Bàn luận về phép học" gửi vua Quang Trung, La Sơn Phu Tử cũng có viết, cần phải "theo điều học mà làm". Điều đó nói lên tầm quan trọng của phương pháp học đi đôi với hành, một trong những phương pháp quyết định tới sự thành công của người học.

Cốt lõi của việc học là rèn luyện con người thành người tố. Học để làm người tốt đẹp, có nhân cách cao thượng, biết phân biệt lẽ đúng sai. Học để giữ gìn đạo lí ở đời. Học là quá trình ta tiếp thu kiến thức cho bản thân mình thông qua sách vở, quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh. Học là cách ta nắm vững lí luận đã được đúc kết trong các bộ môn khoa học, đồng thời tiếp nhận những kinh nghiệm của cha anh đi trước, trau dồi kiến thức, mởmang trí tuệ, từng lúc cập nhật hóa sự hiểu biết của bản thân. Hành là hành động, là hoạt động, là làm, là thực hành. Học đi đôi với hành có nghĩa là vừa học lí thuyết vừa thực hành, vận dụng; lấy lí thuyết soi sáng thực hành, lấy thực hành củng cố lí thuyết. "Theo điều học mà làm" có nghĩa là biến những kiến thức đã học được vận dụng vào trong thực tế. phải biết làm theo những điều đã học để phục vụ lao động sản xuất, để ứng dụng vào cuộc sống.

Trong phần cuối của bài tấu, đã bàn về phép học (Luận học pháp) : “Học phải rộng sau đó tóm gọn theo điều học mà làm”. Rõ ràng từ xưa ông cha ta đã đề cao việc học phải đi đôi với hành. Theo Nguyễn Thiếp, mục đích của việc học là học để làm người tốt đẹp, có nhân cách cao thượng; học để biết phân biệt lẽ đúng sai; học để giữ gìn kỉ cương và đạo lí ở đời. Nghĩa là phải biến những điều đã học được thành hành động cụ thể để tạo ra một hiệu quả nhất định. Học và hành là hai mặt của một quá trình thống nhất, nó không thểtách rời mà phải luôn gắn chặt với nhau làm một. Học là để hiểu biết còn hành làđể quen tay. Chúng ta cần hiểu rõ “hành” vừa là mục đích vừa là phương pháp học tập. Một khi đã nắm vững kiến thức, đã tiếp thu lí thuyết mà ta không vận dụng vào thực tiễn, thì học cũng trở nên vô ích. Bởi thế học và hành hết sức quan trọng và có mối quan hệ mật thiết.

Nếu “học” mà không “hành” tức là nắm vững lí thuyết mà thiếu kĩ năng, thiếu kinh nghiệm thực tế, làm việc dễ thất bại, trở thành người vô dụng. Một đất nước có nhiều người hay chữ, đó là điều tốt. Tuy nhiên, điều đó cũng đem đến những hạn chế to lớn nếu chỉ có văn hay chữ tốt mà không biết vận dụng nó vào trong đời sống, khiến cho những kiến thức có được trở nên có ích cho đời cho xã hội. Giống như muôn hoa đua nở trên cành mà không thơm hương, tuy đẹp mà vô dụng vậy. Thực tế hiện nay, có nhiều bạn trẻ khi rời ghế nhà trường vào một nhà máy, một cơ quan... lúng túng không biết phải làm công việc mà chuyên môn mình đã được học như thế nào dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi là sự hoang mang, chán nản. Nguyên do là “học” mà không “hành”, là do học không thấu đáo, khi còn ngồi trên ghế nhà trường không thật sự chuyên tâm, rèn luyện, trau dồi kiến thức hoặc thiếu môi trường hoạt động. Không thể học sáo rỗng, có thể đọc thiên kinh vạn quyển, "chữ chứa đầy bụng", nhưng khi bước vào đời thì ngu ngơ, rỗng tuếch, trở thành kẻ "thầy dở, thợ dốt". Vì không "học đi đôi với hành", vì không biết "theo điều học mà làm" nên nhiều người "đua học hình thức cầu danh lợi" như La Sơn đã chê trách. Cho nên học tập phải thiết thực và hữu ích.

Ngược lại nếu hành mà không có lí luận, lí thuyết soi sáng và kinh nghiệm đã được đúc kết dẫn dắt thì việc ứng dụng vào thực tiễn sẽ lúng túng, gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, thậm chí có khi còn dẫn đến những sai lầm to lớn nữa. La Sơn Phu tử cũng đã chú ý đến vấn đề này. Ông dặn dò: “Cứ theo điều học mà làm”. Nghĩa là, khi làm việc không được rời xa điều đã học, đảm bảo đúng đắn, chính xác, không sai lệch. Nền chính học được xây dựng dựa trên những điều đã được kiểm nghiệm thực tế, nếu lý thuyết đã được khẳng định thì nên tuân theo, không nên làm khác đi. Điều khác biệt, cái mới, cái sáng tạo sẽ được tôn trọng và đề chỉ khi nó đúng, còn nếu làm khác một cách cố chấp, mù quáng thì có khác chi là ngu xuẩn vậy.

Nếu vừa “học” vừa “hành” thì vừa nắm vững lí thuyết vừa có kĩ năng vững vàng, hình thành kinh nghiệm thực tế, ít sai sót, dễ hoàn thành công việc và thành công trong cuộc sống. Thông thuộc kinh sử, sách vở cổ kim là điều mà các bậc danh nho luôn chú tâm. Phải biết một cách chắc chắn rồi mới làm. Qua thực tế mà tự hoàn thiện bản thân, hạn chế được sai lầm, thiệt hại, tránh làm cho bản thân hoặc người khác bị tổn thất. Nước ta đang trên dường phát triển và hội nhập quốc tế, cho nên "học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" là những phương châm giúp chúng ta cải tiến phương pháp học tập. Các môn khoa học tự nhiên là cực kì quan trọng, sẽ trang bị cho thanh thiếu nhi bao kiến thức khoa học, kĩ thuật hiện đại. Phòng thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhất là phòng máy tính,... đã và đang được xây dựng, phát triển ở các trường tiểu học, trường phố thông trên phạm vi cả nước đã cho thấy việc "học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" được ngành giáo dục và xã hội quan tâm, coi trọng như thế nào.

Vậy muốn học và hành có hiệu quả mỗi người cần phải học và hành một cách chân chính. Trước hết, theo La Sơn Phu Tử là phải học lấy cái gốc của tri thức. Phải học có hệ thống một cách bài bản, kĩ lưỡng, không được lơ là. Thông hiểu tri thức, thấu hiểu lí lẽ ở đời mới giúp con người có hành động đúng đắn, công việc được trôi chảy. Từ đó đạo đức cũng được đề cao, đạo học được khẳng định mạnh mẽ. Việc nắm vững tri thức sẽ làm nảy sinh khát vọng làm việc và cống hiến của con người. Điều đó là rất đúng, vì vậy đểhọc và hành có ý nghĩa, chúng ta thử bàn bạc về mối quan hệ giữa học và hành. Nếu chỉ học vì mục đích lấy danh thơm đểchứng tỏ với mọi người là ta có học thì chỉ uổng phí và mất thời gian. Hoặc nhiều người đi học để lấy điểm, lấy bằng cấp, theo đuổi chức vụ là những người phục vụ cá nhân, ích kỉ mà không vận dụng kiến thức để làm sao cho có sản phẩm quả là đáng trách. Chính vì vậy nên học không hành là vô ích, hành không học thì không có hiệu quả. Vì vậy, chúng ta phải kết hợp học đi đôi với hành. Sự kết hợp này chắc chắn đạt được kết quả cao. "Học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" là phương châm, phương pháp giúp học sinh, sinh viên phát huy tinh thần chủ động, năng động trong học tập, sớm xác định được mục tiêu học tập đúng đắn. Học để mở mang tầm hiểu biết, để trở thành người lao động có kĩ thuật, có khoa học để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Qua phân tích tác dụng của việc “học đi đôi với hành” ta thấy quan điểm của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp luôn đúng ở mọi thời đại, đây là một phương pháp học đúng đắn và hiệu quả nhất. Chính vì thế mỗi người hãy lựa chọn cho mình mục đích học tập đúng đắn nhất để vận dụng phương pháp học đi đôi với hành này để có thể đi tới được thành công của chính mình đồng thời đem lại lợi ích cho quốc gia xã hội.

Từ bài Bàn luận về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa “học” và “hành” mẫu 3

Từ đầu văn bản, Nguyễn Thiếp đã đưa ra mục đích chân chính của việc học: học để trở thành người tốt; góp phần xây dựng đất nước. Từ đó, ông nghiêm khắc nêu ra và phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái của việc học để rồi cũng bởi những phương pháp học ấy đã gây nên những tai họa cho bản thân, gia đình và cả đất nước. Để mọi người biết học, biết đạo ông đã xác định phương pháp học tập đúng đắn để có kết quả cao nhất. Ông đã khẳng định quan niệm rất chính xác của mình, nào phải học từ thấp đén cao, học cho rộng nhưng phải biết tóm gọn ý, học phải đi đôi với hành.

Vậy để hiểu được bài học sâu sắc của Nguyễn Thiếp cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa học và hành, trước hết chúng ta cần đặt câu hỏi cho mình rằng: “Học là gì?”, “Hành là gì?”. Vâng học chính là quá trình tiếp thu những tri thức và biến những tri thức được tiếp thu ấy thành vốn hiểu biết của bản thân. Học không chỉ học trên ghế nhà trường mà học ngay từ nhỏ, khi mới lọt lòng, ta đã học ăn, học nói, học đi, hay cư xử lễ phép với mọi người. Học phải học từ từ, học từ thấp đến cao. Cũng như ta xây một bức tường, từng viên gạch như những kiến thức mà chúng ta tích lũy được, lúc mới bắt đầu thì nó thấp và bé nhưng khi được xây xong thì nó to lớn và muốn bức tường đó thêm vững chắc thì cần phải có tay nghề ở đây nói đến việc thực hành. Muốn biến những điều đã học vào thực tế nhất thiết phải thông qua lao động thực hành.

Từ bài Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa “học” và “hành”Hành là quá trình vận dụng những kiến thức đã học vào những công việc hàng ngày. Không một môn học nào mà lại không có phần thực hành. Việc thực hành thể hiện qua các bài tập sau khi học xong lí thuyết, qua cá tiết thực hành thí nghiệm, qua các thao tác vận động ở bộ môn như Thể Dục. Qua văn bản, chúng ta có thể thấy được vai trò, mục đích của việc học đối với con người. Nhưng quan trọng hơn là ta phải nhận thấy mối quan hệ giữa học và hành để có phương pháp học tập đúng đắn. Như thế mới có thể học tốt, mới có thể vươn tới đỉnh cao của sự học.

Học không hành thì sao? Thật vậy nếu chúng ta chỉ chú tâm đến việc học mà quên đi việc hành thì những tri thức kia sẽ trở nên vô ích, con người sẽ không làm được việc gì hoặc làm việc rất lúng túng. Có thể bạn có tài năng về các môn Văn, Toán nhưng bạn không chịu khó thực hành làm bài tập mà khư khư cầm cuốn sách học hoài thì liệu bạn có học tốt hơn không? Hay những tài năng của bạn sẽ mai một đi, kiến thức thì rỗng, có cũng như không. Bạn có thiện cảm với môn Anh nhưng bạn không luyện tập phát âm hay là luyện nghe thì liệu bạn có nắm được những gì mình học và có học tốt chưa? Hay là tình yêu của bạn với môn học đó ngày càng nhạt phai? Nếu ai cũng như vậy thì con người sẽ không như “Nước đổ lá môn” mà là “Học này quên nọ” và thế giới của loài người sẽ trở thành thế giới của những con mọt sách hay sao?

Tuy nhiên việc thực hành muốn đạt đến thành công thì cần phải có vai trò khơi gợi dẫn dắt của lí thuyết ở đây chính là việc “học”. Trong công việc, muốn cải tiến kĩ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm thì anh công nhân trong xưởng không những phải nắm chắt lí thuyết mà còn phải biết vận dụng cho hợp lí. Nếu ta chỉ làm theo thói quen, kinh nghiệm mà không có lí thuyết soi sáng thì năng suất làm việc sẽ thấp và chất lượng không cao. Cách làm theo thói quen chỉ thích hợp với những công việc đơn giản, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp có liên quan đến khoa học kĩ thuật thì chúng bắt buộc phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thời đại. Nếu con người chỉ biết lao vào công việc mà quên mất đi việc học thì khác nào cái máy vô tri vô giác, khác nào một con vẹt học nói tiếng người, nói tiếng người mà chẳng hiểu mình đang nói gì hay sao?

Còn khi ta kết hợp giữa học và hành thì làm việc tốt hơn, củng cố được những kiến thức, kĩ năng đã học. Ta đã từng nghe danh những tấm gương sáng ở nước nhà và trên thế giới. Như ông vua máy tính Bin Ghết, nhà khoa học Ê-đi-sơn. Không chỉ học rộng hiểu cao mà họ đã biết vận dụng những những kiến thức ấy vào thực tế một cách đúng đắn, hợp lí. Còn trong lịch sử nước nhà, vẫn luôn sáng lên hình ảnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn-vị dũng tướng tài ba, hiểu sâu rộng văn chương, binh giáp. Ông đã đem những gì tích lũy được mà viết Binh Thư Yếu Lược, mà soạn Bình Ngô Đại Cáo làm xúc động trái tim, sục sôi ý chí chiến đấu của bao chiến sĩ. Không thể không nhắc đến vị lãnh tựu vĩ đại Hồ Chí Minh, trong hai kháng chiến gian khổ của dân tộc, người như một vì sao sáng về học thức uyên thâm lẫn những việc làm, những hi sinh của người cho đất nước. Và còn rất nhiều những tấm gương sáng giá cho chúng ta thấy được kết quả của việc kết hợp giữa học và hành. Nếu bạn bảo: “Những vị đó là những nhân tài kiệt xuất không thể sánh bằng”. Xin thưa rằng để trở thành nhân tài họ phải học, phải hành chăm chỉ, cần cù. Chỉ cần để ý một chút thôi, bạn sẽ thấy xung quanh mình có rất nhiều người đã học và hành đúng đắn, đã đạt những kết quả, thành công lớn lao và ý nghĩa.

Từ bài học và những phân tích nêu trên tôi nhận thấy rằng học và hành là một mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời. Học sẽ giúp hành lưu lót trôi chảy, hành sẽ giúp cho học tốt hơn. Tuy nhiên bên lề xã hội vẫn còn có nhiều sinh viên, học sinh học kiểu hình thức, lấy tiếng là đi học mà không biết gì, không thấy được cái sai của mình và cái đúng của học. Chúng ta cần phê phán những lối học sai trái đó. Và tự rút ra cho mình một bài học, hãy lấy câu “Học đi đôi với hành” mà làm cơ sở cho một phương pháp học tập đúng. Từ đó nâng cao nhận thức của chính chúng ta về việc học để xứng đáng vớ bậc cha ông đời trước.

Thật sự cảm ơn bài tấu “Bàn Luận Về Phép Học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã giúp tôi nhận thấy hai yếu tố “học” và “hành” là quan trọng như nhau và có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Từ đó tôi đã rút ra bài học cho mình rằng hãy học vì mọi người, vì gia đình và cuối cùng là vì bản thân không nên học hình thức, cầu danh lợi mà đánh mất đi cái bản sắc của dân tộc cũng như danh dự của chính bản thân mình.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 8: Từ bài Bàn luận về phép học, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa “học” và “hành”. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu Văn mẫu lớp 8 khác được chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 8 hơn.

Năm học 2023 - 2024 các em học sinh sẽ được làm quen với 3 bộ sách mới: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều. Để giúp các em học sinh biết cách soạn văn 8 những bộ sách mới này, VnDoc đã biên soạn tài liệu soạn bài, văn mẫu, tác giả tác phẩm cho 3 bộ sách. Mời các bạn tham khảo qua các chuyên mục dưới đây:

  1. Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo
  2. Ngữ văn 8 Kết nối tri thức
  3. Ngữ văn 8 Cánh diều
Đánh giá bài viết
21 16.091
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm