Kể lại một việc làm tốt đẹp thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng
Văn mẫu lớp 5: Kể lại một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng
Kể lại một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng được VnDoc sưu tầm, chọn lọc bao gồm những bài văn mẫu hay với lời kể hay mạch lạc giúp các em học sinh hoàn thiện bài văn kể chuyện. Sau đây mời các em cùng tham khảo và tải về.
Kể lại một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng
Trái đất này không phải của riêng bạn, riêng mình mà là của chúng ta. Sống trong một cộng đồng, mỗi người cần có nếp sống văn minh lịch sự. Câu chuyện xảy ra ngày cuối tuần vừa rồi đã giúp em nhận ra trách nhiệm của cá nhân trong xã hội. Đó là câu chuyện về một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.
Chủ nhật, nhóm chúng em tổ chức dã ngoại ngoài công viên. Công viên rợp bóng cây xanh, bãi cỏ mơn mởn mượt mà làm cả nhóm vô cùng thích thú. Chúng em trải những tấm thảm nhỏ, bày đủ loại đồ ăn, nước uống, cùng nhau chơi trò chơi. Sau đó, khi mặt trời đã lên cao chót vót, từng ánh nắng lọt qua kẽ lá chói chang cả lũ mới mệt phờ ngồi xuống ăn uống. Chúng em vừa cười đùa vừa nói chuyện vui vẻ. Chợt có bạn nhìn thấy phía xa một em bé đang bán vé số và kẹo cao su. Không hiểu thế nào mà bạn khác cười phá lên:
- Trông cái mặt và bộ quần áo lấm lem của con bé đó kìa. Thật mắc cười quá đi!
- Hahaha…!
Vậy rồi cả lũ cười phá lên. Em chỉ im lặng nhìn cô bé đó. Vừa thương cảm sự bất hạnh của em ấy vừa tức giận thái độ của các bạn khác. Cô bé hình như nghe thấy tiếng cười bên này nhưng chỉ cúi mặt nhẹ nhàng hỏi các cô chú xung quanh xem có ai mua kẹo, mua vé số không. Các bạn em cứ cười mãi, cho tới khi một tiếng nói non nớt từ bên cạnh vang lên:
- Mẹ ơi, chị ấy đáng thương quá. Con lấy tiền tiết kiệm mua kẹo cho chị ấy được không ạ?
Thì ra là một em bé gái khoảng năm tuổi. Em nhìn tiền trong tay rồi nghiêng đầu hỏi mẹ. Mẹ em nhìn thoáng qua đám chúng em rồi dịu dàng xoa đầu con gái mình:
- Được chứ. Con ngoan lắm.
Em bé dường như chỉ chờ có vậy, nó lon ton chạy lại chỗ cô bé kia, chìa những tờ tiền lẻ trong đôi bàn tay bé xíu ra. Cô bé ngạc nhiên rồi mỉm cười tươi tắn, sợ làm bẩn tay em bé, cẩn thận lấy giấy gói những chiếc kẹo mút lại. Sau đó em nói cảm ơn người mẹ của em bé kia rồi quay đi, vừa đi vừa cúi xuống nhặt rác. Chúng em ngẩn ngơ nhìn cô bé bán vé số bất hạnh ấy nhặt từng vỏ trai, vỏ kẹo, rác rưởi trên đường trong công viên bỏ vào sọt rác. Một bác lao công đang quét lá nói:
- Con bé nhỏ tuổi, phải đi bán hàng rong phụ mẹ mà ngoan lắm. Ngày nào nó cũng tới, nhặt xong rác thì mới về. Nhiều người bây giờ còn không ý thức bằng nó.
Chúng em xấu hổ nhìn đống vỏ bánh kẹo mà mình mang đến và những lần xả rác vô ý thức trước kia thầm hối lỗi lời nói xúc phạm cô bé. Hành động của em bé 5 tuổi cũng phần nào thức tỉnh chúng em về hành động thiếu văn minh nơi công cộng. Chúng em trở về nhà với tâm trạng rối bời, lòng hiểu ra nhiều điều ý nghĩa.
Một ngày cuối tuần, một câu chuyện nhỏ nhưng là hai việc làm của nếp sống văn minh nơi công cộng. Trong cuộc sống, có những mảnh đời khác nhau, tôn trọng hoàn cảnh của người khác cũng là một nếp sống văn minh. Đặc biệt, mỗi chúng ta cần có ý thức với môi trường sống của chính mình.
Kể lại một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng mẫu 2
Hôm nay là ngày chủ nhật, từng chú chim non ríu rít trên cành, nắng vàng trải thảm xuống mặt đường. Bỗng mẹ gọi em: "Minh ơi, đi chợ với mẹ nào!". Chỉ và phút sau là em và mẹ đã có mặt ở chợ ở đằng kia có gì mà đông thế? Em lon ton chạy ra xem.
Trên mặt đường bây giờ là những mảnh vỡ lăn lóc, dòng người vẫn qua lại, chẳng ai hỏi han gì. Em hỏi chú An thì mới hay đây là những mảnh vỡ của cô bán sữa, chả là sáng nay, cô ấy đem sữa đi bán, mọi người mua đông lắm, chẳng ai nhường ai, bỗng có một anh thanh niên chạy qua va vào xe cô làm xe đổ hết, nhưng anh ấy không xin lỗi và chạy đi mất rồi. Cô ấy bảo, cả nhà cô phụ thuộc vào mấy chai sữa, bây giờ đổ hết thì.... Em đến gần mới thấy nét mặt cô đỏ gay, hai mắt rơm rớm, đã thế mấy cô hàng nước còn chế giễu cô: "Dào ơi, vài chai sữa chứ mấy, thôi đi đi, đừng ăn vạ, tôi không mang lửa đốt vía đâu"!
Trông mặt cô lại càng thêm buồn, nước mắt cũng đã chảy dài trên làn má cô. Mọi người xung quanh bảo: "Cũng chục chai đấy chứ chả ít đâu đấy!" rồi lát sau cũng lủi đi mất. Bầu trời xám xịt lại, mọi người vẫn đi qua chẳng để ý gì. Thỉnh thoảng có người đi qua bảo" thật tội nghiệp, nhưng kệ, chả phải việc của mình" rồi đi luôn. Em thấy thương cô, bỗng ở trong nhà có một cụ già bước ra. Cụ già lắm rồi, hai má cụ đã hóp nhưng nét mặt cụ hiền từ nên ai cũng quý, cũng yêu, cụ bảo: "Ôi trời, thật là vô lương tâm, như thế mà cũng bỏ đi được sao? Rồi cụ khẽ đi vào trong nhà lấy cái gì đấy, thì ra cụ lấy cái chổi cùng một cái xẻng đã cũ. Bà quét thật sạch sẽ, nhân tiện bà quét luôn cho nhà bên cạnh nhà này bẩn quá, hình như chưa quét sân bao giờ. Khi quét xong, bà vun gọn vào xẻng và đem đổ. Sau đó bà để gọn chổi xẻng vào một chỗ rồi khẽ ra an ủi cô "thôi cháu à, tiếc làm gì, giận làm gì cái loại bất lương ấy". "À, đây có ít tiền, cụ cho để mà mua mớ rau, mớ hành mà ăn". Lúc đầu cô cũng từ chối, nhưng bà cụ cứ để vào tay cô. Bây giờ, cô mới cất giọng run run và trầm: "Bà ơi, cháu cảm ơn lòng thành của bà, cháu sẽ đền ơn, nhưng thôi, bà cứ cầm lấy mà an dưỡng tuổi già. Bà lại bảo: "Ơ cái chị này, bà cho, cầm lấy!" Bà nói mãi chị mới nhận lúc này, mấy cô hàng nước cũng hối hận lắm, nét mặt họ đỏ dừ vì xấu hổ, họ cũng xin lỗi cô và cũng góp chút ít. Em cảm động lắm và tự hỏi: "Sao mình không đỡ cô nhỉ?" Đang nghĩ thì mẹ gọi "Minh ơi, về thôi con". Em liền theo mẹ đi về.
Em rất cảm kích trước tấm lòng của bà cụ, cụ thật lương thiện. Em sẽ cố gắng là một người như cụ.
Kể lại một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng mẫu 3
Đứng bên cửa sổ, tôi bỗng nhớ lại một câu chuyện đã in sâu trong tôi từ hồi kết thúc học lớp 4. Qua câu chuyện đó - tôi đã nhận được một lời khuyên bổ ích từ Lê: cô bạn tốt bụng.
Hôm đó, trời nắng đẹp, những chú chim hoà ca cùng trời xanh làm không khí thêm vui vẻ, hào hứng. Tôi và Lê dắt tay nhau, cùng lên xe buýt để về nhà. Cả xe đều chật đông người, nhưng may mắn cho Lê và tôi là còn thừa một ghế, đủ cho hai người. Hai đứa chúng tôi liền nhanh chân ngồi vào ghế. Được một lúc sau, bỗng có ông cụ đâu đi tới. Ông đứng lại trước chúng tôi rồi hỏi:
- Các cháu có thể cho ông ngồi tạm được không?
Tôi trả lời:
- Thưa ông, không được đâu ạ! Bây giờ nắng to rồi, chỗ chúng cháu thì chật. Ông ngồi không đủ đâu, lại còn nóng nữa chứ!
Nghe câu nói của tôi, ông trả lời:
- Ừ, ừ! Cũng được, ông xin lỗi vì đã làm mất thời gian nghỉ của cháu!
Rồi ông đứng, tay giơ lên để bám lấy cái thanh sắt. Đúng lúc ấy, Lê nói với ông:
- Ông ơi, ông ngồi chỗ cháu đi, ông đứng như vậy, dễ bệnh lắm!
- Thế còn cháu thì sao?
Ông hỏi:
- Không sao ạ! Cháu vẫn khoẻ lắm!
Ông thả tay, tới chỗ tôi ngồi sau câu trả lời của Lê. Thấy ông bên cạnh, tôi bỗng thấy xấu hổ và nhận ra việc Lê làm là rất đúng, có như vậy mới thể hiện rõ nếp sống văn minh của học sinh. Tôi ngập ngừng xin lỗi ông cụ:
- Cháu ..... cháu xin lỗi ông!
Ông nói với tôi:
- Bạn cháu quả là cô bé tốt. Còn cháu đã biết xin lỗi ông là ông đã vui rồi.
Nghe câu nói đó, tôi bỗng mỉm cười với ông như cháu với ông nội của mình. Bánh xe cứ nhanh dần. "Xịch!" xe buýt dừng lại, hai chúng tôi và ông cùng xuống xe. Ông tạm biệt với tôi trước rồi đến Lê cũng tạm biệt tôi. Trước khi đi, Lê nói:
- Tớ rất vui khi đã được nghe câu nói xin lỗi của cậu. Như vậy, cậu đã trở thành một người có nếp sống văn minh, có đạo đức và là một học sinh ngoan. Cậu nên nhớ, cần phải kính trọng người già. Trong mọi việc, cậu nên nhớ ba từ, kính trọng, lễ phép và lịch sự. Thôi, muộn rồi, chào cậu, bai bai.
Lời khuyên của Lê, tôi nhớ mãi không quên. Trên đời này, tất cả đều tốt như Lê thì thế giới này sẽ đẹp biết bao.
Để học tốt môn tiếng Việt lớp 5, mời các bạn tham khảo những chuyên mục sau: