Xác định công suất của dự án
Xác định công suất của dự án được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết đầy đủ của môn Lập và phân tích dự án đầu tư để hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Xác định công suất của dự án
1. Công suất thiết bị máy móc
Cần phân biệt các loại công suất:
- Công suất thiết kế: là khả năng sản xuất sản phẩm trong một giờ của thiết bị.
- Công suất lý thuyết: là công suất tối đa trên lý thuyết mà thiết bị có thể thực hiện được với giả thiết là thiết bị hoạt động liên tục không bị gián đoạn vì bất kỳ một lý do nào như: mất điện, máy hỏng... trong thời gian quy định (bao nhiêu ca trong một ngày, bao nhiêu ngày trong một năm).
Công suất lý thuyết /năm = (Công suất /giờ) * (Số giờ làm việc/ngày) * (số ngày làm việc/năm)
- Công suất thực tế: là công suất thực tế đạt được, công suất này luôn nhỏ hơn công suất lý thuyết. Trong điều kiện hoạt động tốt nhất công suất thực tế cũng chỉ đạt trên dưới 90% công suất lý thuyết. Điều này do nhiều nguyên nhân nảy sinh trong quá trình hoạt động (lý do về kỹ thuật, về sử dụng thời gian, về đảm bảo các điều kiện khác cho máy hoạt động...)
- Công suất kinh tế tối thiểu: biểu hiện mức sản phẩm tối thiểu cần thiết phải được sản xuất trong một đơn vị thời gian để dự án không bị lỗ. Có nhiều loại thiết bị nếu công suất quá nhỏ là không kinh tế vì chi phí sản xuất bình quân của một đơn vị sản phẩm rất cao (thí dụ các thiết bị của nhà máy xi măng, nhà máy lọc dầu, nhà máy sản xuất phân bón).
2. Xác định công suất dự án
Sau khi xác định được cơ cấu sản phẩm sản xuất, nhà đầu tư phải xác định công suất cần huy động từng năm là bao nhiêu. Điều này rất quan trọng vì nó liên quan đến việc lập kế hoạch cung ứng vật tư, nhu cầu vốn bằng tiền, thu nhập của dự án và là cơ sở để tiến hành phân tích lợi ích – chi phí và đánh giá hiệu quả dự án đầu tư. Để xác định công suất huy động cần phải dựa vào những căn cứ sau:
- Nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Khả năng cung cấp nguyên nhiên vật liệu.
- Trình độ vận hành các trang thiết bị.
- Các chỉ tiêu hiệu quả tối thiểu phải đạt được trong quá trình thực hiện dự án. Nội dung và trình tự của việc xác định công suất của dự án bao gồm các bước sau đây:
Xác định công suất bình thường có thể của dự án:
Công suất bình thường có thể của dự án là số sản phẩm cần sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường mà dự án dự kiến sẽ chiếm lĩnh.
+ Công suất tối đa danh nghĩa
Công suất tối đa danh nghĩa biểu hiện bằng số sản phẩm cần sản xuất vừa để đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường mà dự án sẽ chiếm lĩnh, vừa để bù vào những hao hụt tổn thất trong quá trình sản xuất, lưu kho, vận chuyển và bốc dỡ
+ Công suất sản xuất của dự án
Là số sản phẩm mà dự án cần sản xuất trong một đơn vị thời gian nhỏ nhất (giờ hoặc ca) để đáp ứng nhu cầu của thị trường mà dự án có thể và cần chiếm lĩnh, có tính đến thời gian và chế độ làm việc của lao động, của máy móc thiết bị trong năm.
+ Công suất khả thi của dự án và mức sản xuất dự kiến:
Để xác định công suất khả thi của dự án cần căn cứ vào các yếu tố sau đây:
- Nhu cầu thị trường (công suất sản xuất)
- Trình độ kỹ thuật của máy móc thiết bị (công suất của loại máy móc thiết bị đã được lựa chọn)
- Khả năng cung cấp nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, khả năng và chi phí về vốn đầu tư.
Thông thường, những năm đầu do những khó khăn khác nhau về kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ chỉ dự kiến sử dụng 40÷50% công suất. Chỉ từ năm thứ ba và thứ tư trở đi mới có thể đạt được mức công suất thực tế khả thi.
Tuy nhiên, mức sản xuất dự kiến trong các năm đầu của dự án khác nhau có thể có sự khác nhau đáng kể tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường, vào đặc điểm của sản phẩm và quy trình công nghệ (loại đơn sản phẩm như xi măng, loại đa sản phẩm như dầu hỏa; loại sản xuất từng mẻ, từng mặt hàng đặt trước như cơ khí, công nghệ phẩm; loại sản xuất từng khối, từng dàn hay theo bộ phận như xe hơi...)
Từ việc xác định công suất khả thi của dự án sẽ lựa chọn loại công suất của máy móc thiết bị tối ưu. Nếu nguyên liệu không đủ cung cấp thì phải sử dụng loại công suất thấp. Công suất này có thể nhỏ hơn công suất kinh tế tối thiểu.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Xác định công suất của dự án về công suất tối đa trên lý thuyết mà thiết bị có thể thực hiện được với giả thiết là thiết bị hoạt động liên tục không bị gián đoạn vì bất kỳ một lý do nào như: mất điện, máy hỏng...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Xác định công suất của dự án. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.