20-11 có được nghỉ không?
Quy định về tổ chức kỷ niệm ngày 20-11
Theo quy định tại Nghị định 111/2018/NĐ-CP về tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống thì chỉ được tổ chức kỷ niệm vào năm tròn. Vậy 20-11 có được nghỉ không? Các trường có được phép cho giáo viên nghỉ để tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11?
1. Không tổ chức kỷ niệm 20-11 vào năm lẻ
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là một ngày kỷ niệm nhằm tri ân các thầy cô giáo, tôn vinh truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương thì năm nay, sẽ không tổ chức lễ kỷ niệm ngày 20/11 trên cả nước.
Cụ thể, Khoản 3 Điều 4 Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định, chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống đối với những năm tròn, các năm khác sẽ không tổ chức lễ kỷ niệm mà chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động thiết thực khác kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống.
Trong đó, Nghị định 111 quy định năm tròn là năm có chữ số cuối cùng là “0” và năm nay là kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2020).
Do đó, Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2020 các Bộ, ngành, địa phương sẽ không được tổ chức lễ kỷ niệm.
Rất nhiều giáo viên trong cả nước thắc mắc với quy định trên thì ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới nhà trường có được phép cho giáo viên nghỉ dạy, học sinh nghỉ học để tổ chức lễ kỷ niệm nhằm tri ân, ghi nhận công sức của hàng triệu giáo viên trong cả nước hàng năm hay không? Nếu tổ chức có trái với nghị định trên hay không? Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề trên.
2. Lịch sử ngày kỷ niệm nhà giáo Việt Nam 20/11
Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20/11 tại Việt Nam.
Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục và là ngày nhà giáo, ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành này.
Trong ngày này, các học sinh thường đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy cô giáo. Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục.
Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".
Từ đó đến nay cứ mỗi dịp 20/11 là các cơ sở giáo dục lại tổ chức trọng thể ngày lễ kỷ niệm tri ân sự đóng góp thầm lặng của các nhà giáo, các chiến sĩ trên mặt trên giáo dục, chính là những người góp phần đóng góp và xây dựng cho nền giáo dục được như ngày hôm nay.
3. Nhà trường có thể tổ chức lễ 20/11 và cho giáo viên nghỉ dạy
Như đã trình bày ở trên, cụ thể ở Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định, chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống đối với những năm tròn, do đó nhiều người nghĩ rằng các trường học không được tổ chức ngày 20/11 hay giáo viên không được nghỉ dạy để tham dự mà vẫn phải dạy bình thường, tức là xem như không có bất kỳ hoạt động nào được tổ chức trong ngày 20/11.
Điều đó có phần chưa đúng vì nội dung của Nghị định trên chỉ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương (Sở/Phòng giáo dục) chỉ được tổ chức trong các năm tròn là năm có chữ số cuối cùng là “0”, các năm còn lại không được tổ chức.
Tuy nhiên, các trường học do tính chất đặc thù nghề nghiệp, nhằm tôn vinh, ghi nhận và tri ân thầy, cô giáo đã và đang giảng dạy nên các trường học hoàn toàn có thể tổ chức lễ 20/11 tại trường và cho giáo viên nghỉ dạy, học sinh nghỉ học trong ngày trên.
Cụ thể tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định 167-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định:
“Điều 3: Việc tổ chức ngày 20/11 hàng nǎm do Ủy ban nhân dân và Hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân.
Các cấp các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thǎm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.
Việc tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Điều 4: Trong ngày 20/11 các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương.
"Trong ngày 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương".
Bên cạnh đó, tại Điều 3 Thông tư 26-TT-1982 của Bộ Giáo dục ngày 14/10/1982 hướng dẫn thực hiện ngày Nhà giáo Việt Nam cũng nêu rõ: Bộ Giáo dục hướng dẫn thực hiện ngày Nhà giáo Việt Nam như sau:
“1. Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức thống nhất trong cả nước vào ngày 20/11 hàng năm trong tất cả các trường học ở các cấp, thuộc các ngành học mẫu giáo, bổ túc văn hoá, phổ thông và sư phạm.
3. Trong ngày 20/11, các trường học có thể sắp xếp lại việc học tập, giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương.
Từng trường học cần có những hình thức sinh hoạt phong phú, gọn nhẹ như giới thiệu truyền thống nhà giáo; kể lại những kỷ niệm sâu sắc nhất trong nghề dạy học; trích đọc thư của học sinh gửi về trường;
Mời học sinh có nhiều thành tích trong sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu về trường nói chuyện; hội thảo về vinh dự, trách nhiệm của cô giáo, thầy giáo; giáo dục lòng yêu nghề, yêu trẻ cho học sinh trường sư phạm; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao...”.
Như vậy cho thấy trong ngày 20/11, các trường sẽ được tổ chức các hoạt động ngày lễ kỷ niệm 20/11 một cách thiết thực, gọn gàng, trang trọng, mang lại ý nghĩa to lớn tôn vinh, tri ân thầy cô giáo trong cả nước.
Các trường hoàn toàn có thể sắp xếp để giáo viên được nghỉ dạy để tổ chức lễ kỷ niệm trên, học sinh được nghỉ học để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tri ân giáo viên đã có công dạy dỗ, giáo dục mình.
Bên cạnh đó, sau khi tổ chức các hoạt động trong ngày 20/11 mỗi thầy cô, giáo cũng có thể dành thời gian còn lại để thăm tri ân, thăm lại những thầy, cô đã từng dạy mình.
Việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày duy nhất 20/11 trong năm là việc làm cần thiết để tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp thầm lặng của nhà giáo Việt Nam, dù xã hội có nhiều sự thay đổi nó vẫn còn hiện nguyên giá trị, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.