Bài dự thi Cây bút tuổi hồng 2024
Bài dự thi Cây bút tuổi hồng năm 2024
Bài dự thi Cây bút tuổi hồng lần thứ 4 nhằm giúp các em có thêm tài liệu tham khảo làm bài dự thi Cây bút tuổi hồng. Dưới đây là nội dung chi tiết của cuộc thi để các bạn học sinh nắm được.
Bài dự thi Cây bút tuổi hồng - Mẫu 1
CHUYỆN GIỮA ĐƯỜNG
Sáng nay, tôi rảo bước tới trường, men theo con đường quen thuộc. Bỗng có tiếng “Rầm... Két...” rồi họ lao đi giữa dòng người tấp nập. Tôi giật mình quay lại, một bà lão bị ngã đang ngồi bệt ngay ven đường. Tôi vừa định quay lại, nhưng bên tai có tiếng nhắc vang lên: “Không được! Hôm nay có tiết kiểm tra một tiết môn Toán”. Thầy giáo rất nghiêm, biết làm sao đây?
Thôi! Quay lại sẽ không kịp làm kiểm tra. Thầy mà cho “Trứng vịt” thì… Nghĩ vậy, tôi vội rảo bước. Nhưng hình như cái đầu vẫn không chịu nghe lời cứ quay nhìn lại. Mọi người có vẻ ai cũng vội. Dòng xe cuồn cuộn chạy. Bà cụ vẫn ngồi đó. Lúc ấy, trái tim mạnh hơn lý trí. Tôi quyết định quay lại giúp bà rồi sẽ giải thích cho thầy hiểu. Biết đâu thầy sẽ thông cảm và châm chước cho tôi làm lại bài kiểm tra vào cuối buổi?. Nghĩ đến đây, tôi rẽ qua dòng xe tấp nập tiến về phía bà lão:
- Bà... bà... ơi! Bà có sao không?
- Bà nhìn lên, giọng run run: “Bà không đứng dậy được, cháu giúp bà với...”
- Vâng ạ! Cháu đỡ bà dậy đây! Ôi, chân bà... Nhà bà ở đâu?...
Bà vẫy tay, mắt đỏ ngân ngấn: “Cháu đừng hỏi... Nhà bà… ở xa lắm” …
- Cháu sẽ đưa bà vào trạm y tế gần đây!
Tôi dìu bà vào phòng khám, một cô y tá trẻ, rất xinh đang ngồi sẵn ở phòng trực.
- Cháu chào cô ạ! Cô giúp bà cháu với. Nói rồi tôi đỡ bà ngồi xuống giường cạnh cửa ra vào.
- Bị làm sao? Nằm xuống xem nào?... Người lớn đâu mà chỉ có đứa trẻ ranh với bà già...
- Bà cháu... “Không có người lớn thì...”
- Cô giúp bà với. Cháu là học sinh trên đường tới trường thấy bà bị xe đụng nhưng mọi người cứ vô tình, không ai ...
Cô y tá vừa khám vừa luôn miệng:
- Già cả đi đâu để xe đụng phải. Chỉ làm khổ con cháu...
Dường như cô lại làm tổn thương bà nữa rồi. Tôi linh cảm như vậy khi nhìn gương mặt phúc hậu của bà như đang muốn cất nỗi buồn uẩn khúc.
- Cô mạnh tay thế... Cô ơi nhẹ tay một chút kẻo bà đau ạ... - Mỗi lần như thế tim tôi như thắt lại.
- Không sao, bà chịu được, cháu yên tâm đi học kẻo muộn thầy giáo lại phạt đấy. Con cái nhà nào mà ngoan thế. Giá mà bà cũng...
Cô y tá thay đổi sắc mặt đưa mắt nhìn tôi. Tôi nói:
- Không sao bà ạ, cháu đưa bà đi khám xem có bị sao không đã ...
Cô y tá nói tiếp:
- Xong rồi, không sao, chỉ trầy xước nhẹ, sang phòng bên rửa vết thương là về.
Lúc này giọng cô hơi dịu xuống một chút. Tôi đỡ bà sang phòng bên. Thật nhẹ cả người, làm y tá mà chẳng có chút... - Là tôi chỉ nghĩ thế thôi!
Hai bà cháu sang phòng bên, đứng ở phòng sơ cứu mà chân tôi cũng muốn ríu lại. Có vẻ bà cũng sợ vì vừa gặp phải cô y tá khó tính. Tôi định thần rồi nói:
- Bà cháu ta cùng vào không sao đâu ạ!.
- Thôi!.. Cháu đưa bà ra cổng. Bà không sao, cô y tá bảo thế.
- Không được, chân bà vẫn còn nhiều vết xước.
Bỗng phía sau có một chú y tá ân cần: “Chào bà, bà sao thế? Bà vào đây cháu xem nào”. - Tôi thở phào nhẹ nhõm.
- Chú ơi! Chú rửa vết thương giúp bà ạ.
- Ừ, hai bà cháu ngồi đợi chú đi lấy cồn sát khuẩn vết thương cho bà. Cháu đưa bà đi khám các phòng chưa? Có sao không cháu?
- Rồi chú ạ! May quá bà không sao!
- Cháu học lớp mấy rồi?
- Dạ lớp 6 ạ!
- Lớp 6 mà giỏi quá. Cháu nội hay cháu ngoại thế bà...?
- Không, cháu thấy tôi bị xe quệt nên đưa vào đây thôi.
- Trời cháu gái ngoan quá. Cháu học trường nào...
Tôi chưa kịp trả lời chú lại nói tiếp:
- Bố mẹ biết chuyện chắc cảm động lắm. Cháu ngoan ghê!
Chú xoa đầu tôi... Tôi cảm thấy thật hạnh phúc, ấm áp... Chú vừa nói vừa làm, bàn tay nhanh thoăn thoắt nhưng thật nhẹ nhàng, rồi chú bảo:
- Bà cố chịu nhé, nước sát khuẩn hơi xót một chút nhưng không sao, sẽ nhanh khỏi bà ạ!
- Không sao, cái đau này chẳng thấm gì đâu!
Rửa vết thương xong, chú y tá lấy thuốc đưa cho bà dặn ngày uống 4 viên chia hai lần. Thuốc giảm đau và chống nhiễm trùng.
- Ừ cảm ơn cháu. Mất bao nhiêu tiền hả cháu?
- Thôi ạ! Cháu giúp bà ...
Tôi dìu bà ra đường và cẩn thận nhìn xe qua lại. Bà nở nụ cười phúc hậu nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn thấy gương mặt bà vừa nén đau, vừa đượm buồn. Tôi định gặng hỏi nhà để đưa bà về nhưng sợ chạm phải nỗi buồn của bà nên tôi không dám ...
- Cháu đi học đi! Nhà người quen của bà đây rồi!
- Vâng cháu đi học đây.
Tôi bước đi mà cứ băn khoăn thương bà biết bao. Tôi chạy thật nhanh tới trường xin phép thầy vào lớp nhưng cũng là lúc kết thúc tiết học thứ 3. Lần này, mặc dù mắc lỗi song tôi thấy mình thật nhẹ nhõm.
Tôi tự nhủ: Việc tốt hay việc chưa tốt mình có thể gặp hằng ngày. Nhưng khi chúng ta biết lựa chọn, là khi ta đã lớn lên!
Bài dự thi Cây bút tuổi hồng - Mẫu 2
CON ỐC BIỂN
Cái nắng oi ả của mùa hạ làm cho mọi người mệt mỏi. Tôi đang bận chút việc mẹ giao chợt thấy Thành loay hoay đống đồ chơi của tôi. Bực mình, tôi quát:
- Thành, em không thể để mọi thứ của chị ngồi yên một chỗ được sao?
- Có sao đâu, cho em cho em mượn một chút.
- Con trai cứ thích đồ chơi của con gái, nhìn mà ghét!..
- Sao chị ích kỉ thế?
- Kệ chị, của chị mà!...
Bị mắng, nó buồn lắm nhưng cũng ngoan ngoãn nghe lời. Mặt nó phụng phịu nhưng chỉ một chút nó lại lao vào lục tung đồ lên ngay. Nó là đứa trẻ hiếu động, bị mắng mặt nó xị xuống, hai má núng nính, đôi môi bĩu ra trông cũng dễ thương. Nên quát thì quát vậy chứ ít khi tôi giận được em quá nửa buổi.
Hôm nay, căn nhà vắng vẻ, vắng bóng em và cả tiếng quát quen thuộc của tôi mọi khi. Tôi vô tình cất tiếng gọi:
- Thành ơi! Thành ơi!
Không thấy nó trả lời, tôi nhớ ra, nó đi chơi biển với bác từ hôm qua rồi. Thế mà tôi quên khuấy đi mất!
Mấy ngày vắng em căn nhà thật rộng và trống trải. Mọi thứ gọn gàng hơn. Còn tôi lại cảm thấy buồn buồn như thiếu thiếu điều gì đó rất quan trọng... Tôi bật ti- vi, bỗng một ý nghĩ ùa đến. Nếu Thành ở nhà, nó sẽ giành điều khiển để mở những kênh nó thích. Vì làm chị, giữ sĩ diện nên thỉnh thoảng tôi phải nhường nhưng trong lòng vẫn hay ấm ức:
- Cho em xem hoạt hình nhé?
- Ừ... thì xem đi!
- Chị nói thật chứ?
- Thật... xem đi...
Nó vẫn hay năn nỉ tôi như thế nhưng khi vừa được nhường là nó vội vàng cầm điều khiển rồi bắt đầu hò hét như chọc tức tôi. Nó cũng ngang như vậy đấy! Lúc nào cũng có những hành động khiến tôi phải quát tháo. Vậy mà, cái lúc một mình một giang sơn, muốn xem gì, làm gì cũng được, sao tôi lại không cảm thấy sung sướng nhỉ?- Đang miên man suy nghĩ, tôi chợt nghe tiếng gọi:
- Chị ơi! Chi Trân ơi... em về rồi đây! Em mua quà cho chị này!
- Ừ quà gì đó em?..
Tôi bật dậy ào ra mở cửa. Nhóc em gương mặt cháy nắng nhưng rạng rỡ bởi nụ cười rất tươi. Hai chị em nắm chặt tay, nó kéo tôi ngồi xuống bàn và mở ba lô ra, đưa cho tôi con ốc biển ngũ sắc trông rất đẹp. Trên vỏ ốc có khắc một con dê với bãi cỏ xanh- đó là tuổi của tôi. Và ghi dòng chữ lưu niệm “Hè Sầm Sơn”. Đưa quà cho tôi, nó quan sát rồi hỏi tiếp:
- Bố mẹ đâu chị?
- Ở trên tầng em ạ!
- Thế hả chị?... Nó chạy vội lên phòng bố mẹ. Tôi cầm Con ốc trên tay, ghé môi thơm nhẹ để cảm nhận tình cảm thơ ngây, hồn nhiên của cậu em trai bé bỏng. Em đang tíu tít đưa cho bố mẹ con ốc biển gắn với tuổi của từng người. Mẹ cười ý nhị:
- Con chu đáo quá!
Đúng thế! Lúc nào nó cũng chu đáo và hiếu thảo như thế. Mẹ ôm nó vào lòng. Bố cũng muốn ôm nhưng biết cu cậu nhớ mẹ nên cứ để em ngồi im như thế trong lòng mẹ. Em hào hứng kể cho mọi người nghe chuyện đi du lịch trong mấy ngày xa nhà và thích thú khi được cuộn tròn cùng con sóng biển dạt vào bờ rồi lại tung ra.
Có lẽ, chợt nhận ra tôi có chút chạnh lòng, nó gọi: “Chị làm sao thế?...”
- Ờ không sao!.
- Chị buồn à? Lại đây chị!
Nó tỏ ra người lớn hẳn lên khi an ủi:
- Chị nghe này tiếng sóng biển đang rì rào dưới bờ cát trắng mịn và có cả tiếng cười nói của mọi người đấy.
Thế rồi cu cậu áp sát con ốc biển vào tai tôi, tôi cũng cảm nhận được tiếng rì rào của sóng, tiếng hàng cây đang hát...
Từ hôm ấy, thỉnh thoảng đi ngủ em lại áp sát con ốc biển vào tai và nói:
- Chị có nghe thấy gì không? Tiếng sóng biển đang xô vào bờ đấy. Và có cả tiếng của các bạn đang cười giòn tan trên những bãi cát trải dài. Đây nữa này, có cả những con thuyền đang cưỡi sóng ra khơi.
Chỉ đi có mấy ngày tới biển mà nhóc em như một hướng dẫn viên du lịch ấy. Nhìn đôi bàn tay nhỏ bé của em khum khum úp sát con ốc biển vào tai trông thật đáng yêu. Thấy thế, tôi cũng úp sát con ốc biển vào tai để cảm nhận rõ tiếng sóng biển nhẹ nhàng dưới bàn chân mát rượi. Tôi tưởng tượng bàn chân của hai chị em đang chạy dài trên bờ biển xây những toà nhà cao tầng bằng cát, nhặt những con ốc biển mang về làm quà cho bọn trẻ trong xóm.
Chỉ là con ốc biển nhỏ mà chứa bao tình cảm yêu thương như vậy đấy!
Bài dự thi Cây bút tuổi hồng - Mẫu 3
Ở một thế giới của những muông thú, một thế giới đẹp tuyệt trần với con suối chảy dài thơ mộng, những cái cây vươn cao lên trời xanh, cỏ thì mọc um tùm trong thật nên thơ, nhưng rồi làn sóng dịch Covid đã bùng phát. Ai đi ra ngoài cũng phải có khẩu trang trên miệng ai không đeo đều sẽ bị phạt, luôn phải thực hiện theo đúng 5K.
Một hôm, vào một buổi sáng đẹp trời, Thỏ đang đi dạo giữa một khu rừng đẹp huyền ảo, mê ly, vừa đi Thỏ vừa ca hát líu lo, nhưng khi đó Thỏ không đeo khẩu trang. Sóc thấy vậy, liền chạy xuống ngăn cản bước chân của Thỏ, Sóc bảo:
- Thỏ ơi! Dừng lại! Tớ bảo.
Nghe thấy tiếng của Sóc, Thỏ bỗng dừng lại bắt chuyện:
- Sóc đấy à, cậu khỏe không?
- Giờ này mà khỏe được à - Sóc bảo.
- Sao? Cậu không được khỏe à? Thế thì phải đi xét nghiệm đi chứ sao lại xuống đây, định lây cho tớ à?
- Cậu vớ vẩn vừa phải thôi Thỏ ạ! - Sóc quát.
- Thế thì cậu gọi mình có chuyện gì.
- Cậu không đeo khẩu trang à?
- Có.
- Đâu, tớ làm gì thấy cậu đeo.
- À mình quên, tớ có mang theo mà.
- Cậu mang theo thì cậu phải đeo chứ ai cho bỏ ra đâu - Sóc nói.
- Tại trời nóng với lại đi từ nãy đến giờ người tớ toát hết mồ hôi rồi đây này - Thỏ than vãn.
- Cậu nghe mình bảo này: Bây giờ bên ngoài dịch đang bùng phát mạnh, mỗi người phải có ý thức thì mới tạo nên được tảng đá chắn làn sóng dịch này chứ. Chắc chắn là cậu vẫn nhớ quy định 5K nhỉ?
- Ừ - Thỏ nói.
- Trong 5K luôn phải đeo khẩu trang, kết hợp với sát khuẩn, khai báo y tế, giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng và thường xuyên rửa tay. Cậu muốn dập tắt được dịch thì chính cậu cũng phải có ý thức đấy Thỏ à! Chẳng phải trước đây cậu từng nói với tớ là cậu không muốn dịch phải bùng lên như ngọn lửa cháy nữa đúng không?
Ô vậy à, mình có nói thế sao? Mình quên mất. Xin lỗi cậu.
- Thôi được rồi, từ lần sau cậu đừng quên đấy.
- Ừ, mình nhớ rồi.
- À mà này, mình vừa nghĩ ra một ý tưởng thú vị lắm! - Sóc nói.
- Ý tưởng gì, ý tưởng gì - Thỏ rất tò mò.
- Bây giờ mình với cậu cùng về nhà của mình và chúng ta sẽ làm những bức thông điệp và lời nhắn nhủ tới các bạn động vật trong rừng rồi đi dán lên cây có được không?
- Được đấy - Thỏ phấn khích.
Thế là đôi bạn cùng nhau về nhà Sóc. Họ miệt mài làm từ sáng cho đến tối và sáng hôm sau, kết quả là họ đã làm xong. Thỏ thì đi dán lên cây ở hàng cây bên phải còn Sóc thì dán ở hàng cây bên trái. Cuối cùng thì việc của hai cậu ấy cũng đã hoàn thành. Nhưng lúc đó, Sóc lại có việc phải đi trước. Bỗng từ trong bụi rậm, bác Nhím đi ra, bác nhìn xung quanh mấy cái cây rồi hỏi:
- Các cháu dán cái gì lên cây thế?
Thỏ nhanh mồm nói:
- Bác thử đọc một tờ giấy kia đi ạ.
Thế là bác Nhím ra lấy một tờ giấy xuống và đọc thầm, đọc xong bác bảo:
- Ồ ý tưởng này của ai mà hay thế?
- Dạ là bạn Sóc ạ - Thỏ nói.
- Bác rất đồng tình với cái ý tưởng này của các cháu vậy Sóc đâu?
- Cậu ấy có việc nên đi trước rồi ạ.
- Thế thì cháu nói luôn với Sóc là bác tin chắc rằng mọi người sau khi đọc xong sẽ có ý thức hơn đấy.
- Vâng ạ, cháu cảm ơn bác - Thỏ đồng nói.
- Thôi, bác đi đây, chúc các cháu thành công.
- Cháu chào bác.
Khi làm xong việc, Thỏ vô cùng vui và rất hồi hộp “không biết sau khi đọc xong, mọi người sẽ phản ứng như thế nào nhỉ” - Thỏ thầm nghĩ. Sáng hôm sau, khi Sóc và Thỏ thức dậy, họ nhìn thấy có rất nhiều bạn muông thú đang chăm chú đọc, đọc xong ai cũng lấy khẩu trang đeo vào. Thấy vậy, Thỏ và Sóc nhảy cẫng lên vui sướng bởi vì việc làm của hai người bạn đã giúp cho mọi người hiểu được rõ hơn, có ý thức hơn về việc phòng chống dịch./.
Bài dự thi Cây bút tuổi hồng - Mẫu 4
BÚP BÊ CŨNG CẦN GIA ĐÌNH
Buổi chiều cuối thu, sau khi tiễn mẹ và em lên xe. Tôi vào nhà, nhìn bốn bức tường cảm giác trống trải đến kì lạ. Bỗng nỗi nhớ ùa vào trái tim, tôi nhớ mẹ, nhớ em mặc dù mới vừa chia tay. Tôi men cầu thang lên sân thượng, bầu trời trong xanh, chim hót líu lo sao tâm trạng tôi nặng nề đến thế!
Mắt tôi đăm đắm nhìn về phía chân trời, một cánh chim đơn lẻ đang bay chợt gọi về vài kỉ niệm cũ. Ngày tôi cùng nhóc em đi bẫy chim, bắt dế, cả những lúc em lẽo đẽo theo tôi đi đá bóng. Mỗi khi áo tôi bị rách, là em đem kim chỉ ra khâu. Giờ nhớ lại lòng tôi cứ nhói lên. Lúc nào tôi thấy mình cũng mải chơi không biết quan tâm đến em để khi phải xa nhau, tôi không có cơ hội bù đắp tình thương cho đứa em gái nhỏ nữa rồi.
Tôi lê từng bước xuống phòng ăn cảm thấy chơi vơi đến lạ lùng. Một không gian lạnh lẽo bao trùm. Tôi nhớ vào những buổi tối, nơi đây vang lên tiêng cười giòn tan của hai anh em. Còn bây giờ, mọi thứ nằm im lìm, tất cả mọi đồ vật đều có tâm trạng như tôi, đang chờ hơi ấm lên. Tôi tiến lại bàn ăn, bước tới tủ lạnh... Ôi! mẹ chu đáo thật, đã chuẩn bị mọi thứ cho hai bố con, toàn là những món bố con tôi thích, bên cạnh là một bức thư:
“Con trai yêu của mẹ, trong thời gian tới, mẹ không ở bên con. Mẹ sẽ tạm xa gia đình một thời gian đủ để bố con biết quay về và cùng làm ấm ngôi nhà mình. Là con trai, con hãy nghị lực và vững vàng nhé. Con hãy biết thay mẹ chăm sóc ngôi nhà và hãy làm bạn của bố khi bố cần. Mẹ không ở bên con nhưng mẹ luôn sát cánh, dõi theo con từng bước... mẹ yêu con....”
Tôi cố đọc những dòng chữ mẹ để lại... cái vị gì “mằn mặn, chan chát” lăn từ má xuống môi... Thế là, tôi ngồi sụp xuống. Mẹ và em đã đi được ba ngày sao bố vẫn chưa về. Kim đồng hồ đã chỉ 23h. Từ sáng đến giờ tôi cứ mở cửa từng phòng để cảm nhận hơi ấm của từng chỗ ngồi mọi người còn vương lại. Nhưng chẳng điều gì giúp ích được cho tôi....
Tôi thu mình ở góc cầu thang nơi hai anh em thường ngồi chơi cùng nhau. Bỗng “Bíp... bíp...” đúng rồi tiếng còi xe của bố. Tôi lao ra phía cổng theo phản xạ... bố... bố đúng bố rồi!... tôi mừng quýnh mở cửa đón bố. Bố lặng lẽ cất xe vào nhà. Dường như bố cũng đang cảm nhận được sự trống vắng của căn nhà, thiếu đi một cái gì đó hằng ngày bố vẫn được đón nhận ở Thuỷ.
Chẳng là, bao giờ bố về Thủy cũng chạy ra mở cửa đón. Nó xách đồ cất đi, rồi xếp giầy lên giá nên lúc nào bố cũng quý nó hơn tôi.
Bố đã cất đồ xong đứng cạnh tôi lúc nào không biết. Bố ôm tôi vào lòng, hơi ấm đã rất gần nhưng cũng không đủ để sưởi ấm sự giá lạnh trong tôi. Bố khẽ thì thầm:
- “Bố xin lỗi con!... Bố cũng có muốn thế này đâu… ” - Mắt bố cũng đỏ hoe.
Tôi nói: “Con nhớ mẹ, nhớ em bố ạ!”
- Được, chủ nhật bố cho con về thăm mẹ!... Nghe bố nói tôi vui hẳn lên vì sắp được gặp mẹ, gặp Thuỷ.
Hai bố con ngồi vào bàn ăn bên mâm cơm thịnh soạn bố đã chuẩn bị đồ mang về nhưng tôi chẳng muốn ăn. Tôi tưởng tượng giá như có Thuỷ ở đây nó sẽ gắp đồ ăn cho mọi người, tiếng nói líu ríu của Thuỷ trong bữa cơm....
Đúng lời hứa, chủ nhật bố chở tôi về quê ngoại. Trên chiếc xe bốn chỗ trước kia bố thường đưa ba mẹ con đi dạo phố, ánh mắt bố thấm buồn. Còn tôi thì vui vì sắp được gặp mẹ, gặp em. Đặc biệt là sự đoàn tụ của Vệ Sỹ và cô Em Nhỏ. Chắc Thuỷ sẽ vui lắm. Đang miên man trong dòng cảm xúc chợt bố gọi:
- Thành ơi, đến nhà bà ngoại rồi, mau xuống xe đi con.
Giọng nói của bố khiến tôi giật mình:
- Vâng... Vâng ạ! Bố đi nhanh thật đấy.
Bố lặng thinh không trả lời. Xe đã đậu gần cổng nhà bà, bố mở cốp xe đưa tôi một con gấu bông màu vàng rất đáng yêu và nói:
- Đây là quà bố tặng cho Thuỷ, sắp đến sinh nhật em, con đưa cho em hộ bố, còn đây quà bố gửi biếu bà.
Tôi tròn mắt nhìn bố rồi cầm gói quà bố đưa. Bố vội lên xe không kịp nói lời tạm biệt. Tôi từ từ bước vào khoảng sân nhà bà đưa mắt tìm Thuỷ. Ôi! Thuỷ kia rồi, em đang làm gì trong bếp vậy? khuôn mặt nó lem nhem trông rất ngộ. Tôi thương Thuỷ quá, tôi cất tiêng gọi:
- Thuỷ... Thuỷ.... anh Thành đây!
Trong lớp khói toả ra từ bếp nó lao ra ôm chầm lấy tôi. Tôi đưa cho em con gấu bông và nói:
- Bố tặng em...
- Thế bố đâu anh?
Nó lao ra phía cổng nơi xe bố đã hút bóng phía đằng xa. Nhìn đôi mắt ngấn nước của em, tôi thương nó vô cùng.
Bữa trưa hôm ấy, tôi ăn cơm cùng mẹ, bà và em Thuỷ. Chỉ là cà dầm tương, tôm rang và canh rau muống mà tôi ăn đến bụng căng tròn. Về nhà bà, tôi mới càng hiểu và ngấm hơn, hương vị của tình yêu thương thì chẳng có gì so sánh được.
Chiều muộn hôm sau, bố đến đón tôi về. Thuỷ cứ níu tay tôi không muối rời. Mẹ cố nén cảm xúc núp sau cây ổi nhìn anh em tôi chia tay nhau. Bố dắt tay tôi lên xe, chợt nhớ ra, tôi quay lại, mở ba lô lôi con Vệ Sỹ và con Em Nhỏ đưa cho Thuỷ. Ánh mắt nó sáng lên nhưng cũng như lần trước, nó hôn hai con búp bê rồi đưa cho tôi rồi nói:
- Anh mang về để nó gác ma cho anh ngủ ngon, anh không được để chúng ngồi xa nhau nhé! Anh nhớ chưa?
Tôi gật đầu, rồi lên xe chợt Thuỷ gọi lại:
- Anh Thành.... “Bao giờ áo anh rách anh mang về, em vá cho anh”.
Có lẽ bố đã nghe hết cuộc trò chuyện của hai anh em tôi. Bao giờ nó cũng nhẹ nhàng và chu đáo thế. Tôi không trả lời em, vội vàng chạy lên xe tránh những giọt nước mắt đang lăn trên gò má. Khi cả nhà tôi chưa phải xa nhau thế này, tôi giữ con Vệ Sĩ. Thủy giữ con Em Nhỏ. Nếu chúng tôi giận nhau thì sẽ lấy Vệ Sĩ và Em Nhỏ ra làm cầu nối, để hai búp bê nói chuyện thay cho đến khi hết giận mới thôi. Nhưng từ ngày Thủy theo mẹ, em giao luôn con Em Nhỏ cho tôi. Nó bảo: “Búp bê cũng cần gia đình đấy. Anh ở với bố sẽ không được chăm sóc bằng em. Em nhường Em Nhỏ cho anh để những lúc buồn, anh có bạn trò truyện”.
Thấy tôi lặng thinh cố ngăn nước mắt, bố an ủi: “Đừng buồn nữa, tuần sau bố lại cho con về thăm mẹ và em”.
- Bố hứa nhé?
Bố gật đầu... Từ đó, bố thường xuyên đưa tôi về thăm Thuỷ và mẹ nhiều hơn. Bố không đi làm về muộn nữa, ngày nào cũng đưa đón tôi đi học. Thỉnh thoảng bố còn mở lại cuốn an-bum những bức ảnh gia đình. Và tôi thấy, có vẻ, bố còn mong đến ngày cuối tuần hơn tôi nữa.
Sáng nay, bố dậy sớm hơn mọi khi, chuẩn bị đồ ăn sáng rồi gọi vọng lên :
- Con ơi! Dậy ăn sáng bố con ta còn về bà ngoại nào.
Tôi vùng dậy. Trên đường đi, bố nói hôm nay bố sẽ ăn cơm ở nhà bà, tôi không tin vào tai mình nữa. Điều gì đã khiến bố thay đổi ý định thế, tôi tự hỏi lòng mình ... Tôi quay sang bố:
- Thật... thật... không bố.?
Bố xoa đầu tôi cười:
- Thật chứ con!
Tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết và tưởng tượng mâm cơm gia đình trưa nay sẽ vui lắm. Tiếng Thuỷ lại cười giòn tan. Đôi mắt hiền từ của bà ánh lên niềm vui. Bao tưởng tượng cứ xoáy sâu vào trái tim non nớt của tôi. Tôi muốn bố chạy xe thật nhanh để báo cho Thuỷ biết nhưng bố có vẻ mong hơn tôi thì phải.
Kia rồi! Nhà bà ngoại kia rồi, bố chạy xe vào tận trong sân. Hôm nay bà và mẹ không đi chợ, em Thuỷ cũng ở nhà. Thoáng thấy xe bố, Thuỷ chạy ào ra đón rồi xách đồ giúp bố. Bố mở cốp lấy bao nhiêu thứ đã chuẩn bị sẵn khiến tôi cũng ngạc nhiên. Tôi thì thầm vào tai Thuỷ:
- Bố ở đây ăn cơm đó em ạ!
- Thật chứ...?
Thuỷ nhảy phốc lên ôm cổ bố hôn lên vầng trán lấm tấm mồ hôi.
- Thật hả bố bố? Bố ở lại ăn cơm cùng mẹ với con?
Bố gật đầu. Thuỷ chạy vội ra vườn khoe với mẹ và bà. Mẹ mặt đỏ lên, hai gò má gầy gầy trông thật xinh. Ngồi nói chuyện với bà một lát bố xin phép bà vào bếp nấu ăn cùng mẹ. Bất chợt bố đặt bàn tay lên đôi bàn tay gầy của mẹ:
- Em đừng giận nữa... Nay anh xuống xin phép mẹ để đón em về lại ngôi nhà của chúng mình... Tha lỗi cho anh...
Có vẻ mẹ hơi lúng túng vì bao lâu mẹ mới lại cảm nhận được sự yêu thương từ bố. Bố đã làm tắt dần tình yêu thương dịu dàng của mẹ khi mải mê với những chuyến du ngoạn và rượu triền miên... Tôi cũng là đứa trẻ nhạy cảm nên hiểu rõ sự ăn năn của bố, cả nỗi buồn của mẹ.
Thế rồi, mẹ ấp úng... bố nói tiếp: “Tha lỗi cho anh vì các con nhé...!”
Hai anh em chúng tôi đứng ở ngoài tim như thắt lại. Cả hai đứa cùng tự nhủ thầm: “Cầu mong mẹ tha lỗi… Cầu mong chúng tôi là sợi dây kết nối tình cảm thiêng liêng của gia đình… Cầu mong Vệ Sĩ và Em nhỏ sẽ được ở cùng hai anh em chúng tôi…”
Khi kể lại câu chuyện này, tôi muốn nói lời thương trước hết tới cô em bé nhỏ: Sự dịu dàng và chu đáo của em chính là một sợi dây bền chặt gắn kết gia đình. Tôi cũng muốn nói lời yêu thương vô hạn tới mẹ, người đã dạy cho anh em chúng tôi biết cảm nhận cuộc sống bằng cả trái tim sâu sắc cùng bản lĩnh vững vàng. Sự dịu dàng và cương quyết của mẹ đã cho bố thấy, gia đình là nơi mỗi con người phải biết sống vì nhau, luôn cần có nhau.
Điều cuối cùng, tôi muốn nói với bạn, với chính mình: Là một chàng trai, chúng ta sẽ mạnh mẽ và biết yêu thương rộng lượng để trưởng thành, đúng không?
Bài dự thi Cây bút tuổi hồng - Mẫu 5
THÔNG ĐIỆP CỦA DIÊM VƯƠNG
Buổi chiều mùa hạ, trên đường đi học về Nam, Việt Anh và Hải vừa đi vừa bàn về bài kiểm tra hôm nay, Việt Anh nói:
- Bài kiểm tra khó, tớ chẳng giải được hết!
- Tớ cũng thế. Bài khó thật. Thời tiết nóng bức, bài “hóc tận cổ” làm sao lấy được điểm tốt chứ! Thật là xui xẻo! - Giọng Nam mệt mỏi.
Bỗng Hải reo lên:
- A đúng rồi! Chúng mình vào bể bơi một chút cho sảng khoái đê...
- Ừ sao không nghĩ ra nhỉ, nhưng... vào bể bơi hơi chật, chỉ dành cho trẻ dưới 10 tuổi thôi.
Đang suy nghĩ không biết nên làm thế nào, Hải chỉ về phía con sông đằng xa nói:
- Hay chúng ta đi tắm sông?
- Ừ! Một ý hay đấy! Chúng mình đi thôi!
Cả ba kéo nhau ra sông. Nam và Hải khởi động còn việt Anh thì khoanh tay nói:
- Úi giời! Các cậu mất thời gian, nhìn tớ này, sông có sâu đâu mà bày đặt.
Nói rồi, Việt Anh nhảy ùm xuống nước không đợi ai. Lúc này, Nam và Hải mới vội vã bơi theo. Một lát hai đứa đã vượt qua Việt Anh. Hai bạn hí hửng nghĩ rằng sẽ thắng Việt Anh. Nào ngờ... cô bé đi trên bờ đê chợt thấy đôi bàn tay ai đó chới với trên mặt nước:
- Cứu...! Cứu...! Có người chết đuối!... Có người chết đuối!... Có ai ở đây không? Cứu với...
Từ xa, Nam và Hải giật mình quay lại thấy Việt Anh đang vùng vẫy tuyệt vọng dưới lòng sông. Cả hai vội bơi lại phía bạn. Nam túm tóc, Hải khéo léo kéo một tay bạn. Bằng cả sự nỗ lực và những kinh nghiệm đã học, hai bạn lôi được Việt Anh lên bờ hô hấp nhân tạo và sơ cứu. Việt Anh vẫn nằm bất động, người mềm oặt.
Nam hốt hoảng:
- Mạch vẫn đập nhưng hơi thở yếu lắm. Có lẽ nào... nó chết... không?
- Nói bậy! Nó làm sao mà c...hết... được! Cậu cứ ấn ngực còn tớ phối hợp hút thật mạnh hơi cho nó…
Trong lúc hai bạn vừa lo lắng, vừa tìm cách cứu bạn thì bạn Việt Anh đã được mang về gặp… “Diêm Vương” rồi.
- Dậy! Dậy! Đây là đâu mà ngươi còn “ngủ” hả linh hồn mới kia!
Cậu choàng tỉnh, mơ màng nhìn quanh hoảng hốt: “Ôi! Mẹ ơi cứu con. Ai bắt con đến nơi lạ hoắc này mẹ ơi!”
- Im nào... ồn ào quá...!
- Ông là ai râu ria sợ quá. Cháu đang ở đâu? Bạn bè cháu đâu?
- Nhóc con biết ta là ai không? Ta là “Diêm Vương” đây. Nhà ngươi là linh hồn mới xuống nơi này.
- Ông nói gì thế, cháu đang đi chơi với bạn sao lại xuống đây được. Cháu chưa muốn chết đâu!
- Vậy ngươi đi đâu?
- Cháu đi bơi ạ!
- Ngươi bị chết đuối rồi!
- Sao có thể chết được, cháu bơi giỏi lắm! Cháu từng đạt giải nhất cuộc thi bơi cấp tỉnh.
- Bẩm “Diêm Vương!” Trên hạ giới có dạy việc khởi động trước khi bơi ạ! Chỉ tại tên này chủ quan nên mới có chuyện đáng tiếc thế này!
- Được! Để ta tra hỏi hắn:
- Này linh hồn kia, sao ngươi đi tắm sông mà không có người lớn đi cùng?
- Thưa Diêm vương! Cháu biết lỗi rồi, tha cho cháu ạ! Cháu trốn bố mẹ đi tắm sông cùng các bạn.
- Trước khi xuống nước ngươi có khởi động không?
- Dạ không.
- Vậy ngươi chết là đáng rồi. Bơi mà không khởi động sẽ bị chuột rút.
Diêm Vương quay lại hỏi tên hầu cận:
- Thế đợt vừa rồi, ta sai ngươi lên tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em, sao không làm đến nơi đến chốn để bao nhiêu linh hồn bé nhỏ chết oan thế này?
- Bẩm “Diêm Vương!” Thần đâu dám trái lệnh. Những đứa trẻ này xuống đây đều chủ quan không theo sự chỉ dẫn của người lớn nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc. Theo sách “Nam Tào” ghi rất rõ, gần đây những người xuống nơi này là do đuối nước bởi trên hạ giới nắng nóng gay gắt. Tụi nhỏ đang nghỉ hè thiếu chỗ vui chơi nên nhiều đứa nhảy sông tắm, đâu biết rằng rất nguy hiểm ạ!
- Hu...hu..hu
- Này tên kia, ta mới xét hỏi nhà ngươi vài câu sao lại khóc?
- Thưa “Diêm Vương” bây giờ người định làm gì cháu ạ!
- Ta sẽ tra khảo xem ngươi đã mắc những tội gì ngoài tội này.
- Thưa ngài! Cháu... cháu... chưa muốn... Còn bố mẹ, bạn bè... Cháu ở đây thì bố mẹ sẽ buồn lắm! Nhà có một mình cháu thôi ạ! Cháu ân hận lắm rồi.
“Diêm Vương” vuốt chòm râu của mình suy nghĩ, một lúc lâu ngài nói:
- Linh hồn kia! Ta muốn cho ngươi gặp lại một người. Trong thời gian đó ta sẽ suy nghĩ nên xử lí ngươi như thế nào!
- Vâng ạ!...
Một làn khói trắng toả ra, chẳng mấy chốc đã đưa Việt Anh đến căn phòng mờ ảo, toàn những bộ xương khô xếp chồng chất. Từ phía sau có một dáng người nhỏ nhắn chầm chậm bước ra. Việt Anh sợ hãi lùi lại, cậu suy nghĩ: “Trời, ông Diêm Vương muốn mình gặp ai thế nhỉ! Cầu trời phù hộ cho mình!”
- Cái bóng ấy bất chợt gọi: “Việt Anh”
Cậu luống cuống chạy đi chợt nghe thấy: “Bà đây... bà nội đây”
Cậu quay lại rồi nhớ ra bà giống bức ảnh bố mẹ vẫn để trên bàn thờ: “Bà nội” đúng rồi, bà mất khi cậu tròn một tuổi. Bà qua đời vì cứu một trẻ em đuối nước.
Việt Anh trấn an mình thưa nhẹ: “Cháu chào bà”.
Bà hiện ra thật hiền từ nhân hậu: “Việt Anh của bà lớn rồi nhỉ. Hôm nay biết con xuống đây vì đuối nước bà đã thưa Diêm Vương cho con được sống lại. Vì bà có ơn cứu một đứa trẻ nên Ngài đã đồng ý. Nhưng chúng ta chỉ được gặp nhau vài phút thôi”
- Vâng cháu biết rồi.
Bỗng có tiếng “chuông ngân”, bà giục cậu đi nhanh: “Đến lúc cháu phải gặp Diêm vương rồi. Cho bà gửi lời thăm sức khoẻ mọi người nhé”. Bà vừa dứt lời, giọng Diêm Vương đã như sấm truyền bên tai:
- Ta đã quyết định sẽ cho ngươi sống lại nhưng bên cạnh đó nhà ngươi phải mang theo một sứ mệnh: “Lên trần gian” tuyên truyền để dân tình “đừng có đùa với nước”, đừng để ta mệt mỏi, đau đầu với từ “đuối nước”nhớ chưa?
- Vâng... vâng... cháu sẽ tuyên truyền ạ! Nói rồi ông đưa cho cậu tập tài liệu về chống đuối nước.
Ngươi phải nhớ! Ngươi mang về “trần gian” một sứ mệnh cũng là một thông điệp “Đừng đùa với nước” của ta đấy.
- Đa tạ “Diêm Vương” cháu nhất định sẽ làm theo lời Diêm Vương dặn.
Thế rồi một cơn lốc nhấc bổng cậu lên cao. Nhưng cậu vẫn thấy người nặng trĩu. Hình như có rất nhiều sinh linh bé nhỏ níu cậu lại để muốn được cùng cậu lên trần gian gặp bố mẹ.
Ơn trời đã cho nó một cơ hội...
Tham khảo các bài dự thi khác: