Bài tập tự luận Sinh học 11: Chuyển hoá vật chất và năng lượng ở động vật (Phần 1)

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc Bài tập tự luận Sinh học 11: Chuyển hoá vật chất và năng lượng ở động vật (Phần 1). Nội dung tài liệu sẽ giúp các bạn học sinh học tốt môn Sinh học lớp 11 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

Câu 1: Em hãy cho biết những ưu điểm của tiêu hoá thức ăn trong ống tiêu hoá so với trong túi tiêu hoá?

Trả lời:

So với tiêu hoá thức ăn trong túi tiêu hoá, tiêu hoá thức ăn trong ống tiêu hoá có một số ưu điểm sau:

- Trong ống tiêu hoá, dịch tiêu hoá ít bị hòa loãng còn trong túi tiêu hoá, dịch tiêu hoá bị hòa loãng bởi rất nhiều nước do sự hấp thụ thụ động của con vật.

- Nhờ thức ăn đi theo một chiều mà ống tiêu hoá hình thành nên các bộ phận chuyên hoá, thực hiện các chức năng khác nhau như tiêu hoá cơ học, tiêu hoá hoá học, hấp thụ thức ăn và thải bã. Chính sự chuyên hoá này đã khiến cho hiệu quả tiêu hoá thức ăn trong ống tiêu hoá tăng lên gấp bội so với các hình thức tiêu hoá còn lại.

Câu 2: Ống tiêu hoá ở chim ăn hạt có gì khác so với ống tiêu hoá ở người? Những bộ phận đó có chức năng gì?

Trả lời:

Ống tiêu hoá ở chim ăn hạt tồn tại hai bộ phận mà ống tiêu hoá ở người không có, đó là diều và dạ dày cơ (mề). Diều là một phần của thực quản biến đổi thành, có vai trò chứa và làm mềm thức ăn. Dạ dày cơ là một bộ phận có phần cơ rất phát triển, giúp nghiền nát thức ăn dạng hạt. Đặc biệt, trong dạ dày cơ còn có những viên sỏi (do chim nuốt vào) để làm tăng hiệu quả nghiền hạt.

Câu 3: Tại sao nói tiêu hoá thức ăn trong ống tiêu hoá là tiêu hoá ngoại bào?

Trả lời:

Nói tiêu hoá thức ăn trong ống tiêu hoá là tiêu hoá ngoại bào bởi vì trong hình thức tiêu hoá này, thức ăn được tiêu hoá bên ngoài tế bào bởi sự có mặt của các lực cơ học (răng, lưỡi, cơ) và dịch tiêu hoá (do các tuyến tiêu hoá tiết ra).

Câu 4: Tại sao thú ăn thực vật thường phải ăn với số lượng thức ăn rất lớn?

Trả lời:

Thức ăn của thú ăn thực vật chủ yếu là cây cỏ. Đây là loại thức ăn có thành phần dinh dưỡng rất nghèo nàn, ít đạm, chất béo và tinh bột mà chủ yếu chỉ bao gồm chất xơ, khoáng, vitamin. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, những loài động vật này thích nghi bằng cách ăn với số lượng thức ăn cực lớn.

Câu 5: Em hãy nêu sự khác nhau cơ bản về cấu tạo ống tiêu hoá và quá trình tiêu hoá thức ăn của thú ăn thịt và ăn thực vật?

Trả lời:

* Về cấu tạo ống tiêu hoá:

- Răng thú ăn thịt phân hoá sâu sắc hơn răng thú ăn thực vật do tiêu hoá loại thức ăn phức tạp hơn, không đồng nhất và bộ răng còn kiêm thêm chức năng bắt mồi.

- Cơ hàm nhai của thú ăn thực vật thường phát triển hơn thú ăn thịt vì cây cỏ là loại thức ăn khó tiêu hoá, cần nhai kĩ.

- Dạ dày của thú ăn thực vật có thể là dạ dày đơn hoặc dạ dày 4 túi còn dạ dày của thú ăn thịt là dạ dày đơn.

- Manh tràng (ruột tịt) của thú ăn thực vật phát triển do thực hiện chức năng tiêu hoá thức ăn về mặt sinh học (là nơi cộng sinh của các vi sinh vật phân giải xenlulôzơ) còn manh tràng của thú ăn thịt thì tiêu giảm do không đảm nhiệm chức năng tiêu hoá.

- Ruột của thú ăn thực vật thường dài để tiêu hoá triệt để nguồn thức ăn nghèo dinh dưỡng. Ngược lại, ruột thú ăn thịt ngắn hơn do chúng sử dụng nguồn thức ăn giàu đạm và chất béo.

* Về quá trình tiêu hoá:

- Thú ăn thịt xé thịt và nuốt, thú ăn thực vật nhai và nghiền nát thức ăn ngay trên khoang miệng.

- Thú ăn thịt không nhai lại nhưng tập tính này lại có ở một số loài thú ăn thịt thuộc bộ Guốc chẵn.

Câu 6: Vi sinh vật cộng sinh có vai trò gì đối với động vật nhai lại?

Trả lời:

Vai trò của vi sinh vật cộng sinh đối với động vật nhai lại:

- Ống tiêu hoá của tất cả các loài động vật có xương sống đều không sản xuất ra xenlulaza nên không có khả năng tiêu hoá xenlulôzơ của tế bào thực vật. Thật may mắn, vi sinh vật cộng sinh trong dạ cỏ và manh tràng của thú ăn thực vật lại có khả năng tiết ra loại enzim này. Xenlulaza có tác dụng phân giải xenlulôzơ thành các chất béo bay hơi. Vi sinh vật còn tiết ra các enzim tiêu hoá các chất hữu cơ khác có trong tế bào thực vật thành những chất dinh dưỡng đơn giản. Các chất đơn giản và axit béo bay hơi là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho động vật nhai lại và cho bản thân vi sinh vật.

- Vi sinh vật cộng sinh từ dạ cỏ theo thức ăn đi vào dạ múi khế và vào ruột. Tại đây, chúng sẽ bị tiêu hoá và trở thành nguồn cung cấp prôtêin quan trọng cho động vật nhai lại.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới bạn đọc Bài tập tự luận Sinh học 11: Chuyển hoá vật chất và năng lượng ở động vật (Phần 1). Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc mời các bạn học sinh tham khảo Giải bài tập Sinh học lớp 11, Giải bài tập Vật lý lớp 11, Giải bài tập Hóa học lớp 11, Giải bài tập Toán lớp 11, Tài liệu học tập lớp 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đánh giá bài viết
1 2.662
Sắp xếp theo

    Chuyên đề Sinh học lớp 11

    Xem thêm