Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bí quyết kiếm điểm khi làm bài thi THPT Quốc gia môn Văn

Bí quyết làm bài thi THPT Quốc gia môn Văn

Bí quyết kiếm điểm khi làm bài thi THPT Quốc gia môn Văn là lời khuyên hữu ích của TS. Minh Nguyệt - Khoa Ngữ văn- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dành cho các sĩ tử sắp bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sắp tới, nhằm giúp các em có phương pháp thích hợp để làm bài thi và đạt kết quả tốt nhất.

Bí quyết tránh mất điểm khi làm bài thi THPT Quốc gia môn Toán

Luyện thi thpt quốc gia môn Văn - Bí quyết kiếm điểm

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 180 phút, đánh giá thí sinh ở các mức độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Căn cứ vào đề thi minh họa môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta thấy cấu trúc của đề thi năm nay có điểm khác biệt so với những năm trước. Đó là đề thi thpt quốc gia môn Văn gồm có 2 phần:

  • Phần 1: Đọc hiểu (3 điểm): Đề thi minh họa có 8 câu hỏi đọc hiểu văn bản thông tin và văn bản nghệ thuật.
  • Phần 2: Làm văn (7 điểm) gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học đánh giá ở mức độ vận dụng cao.
    • Nghị luận xã hội (3 điểm): Đề văn yêu cầu thí sinh bàn bạc, nêu ý kiến của mình về một tư tưởng, đạo lí, một vấn đề chính trị- xã hội hoặc một hiện tượng đời sống. Trong chương trình Ngữ văn THPT, các em được học ba dạng bài nghị luận xã hội: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.
    • Nghị luận văn học (4 điểm): Câu hỏi nghị luận văn học rất đa dạng về nội dung và cách hỏi. Đề văn có thể yêu cầu các em phân tích, cảm nhận về một tác phẩm văn học hoặc một đoạn trích; phân tích vấn đề nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm; bình luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học...

Từ việc phân tích đề thi minh họa môn Ngữ văn trong kì luyện thi THPT Quốc gia môn văn, các em cần lưu ý một số điểm sau khi làm bài để đạt được kết quả tốt nhất:

Đề thi môn Ngữ văn năm nay, về mặt dung lượng, có thể dài hơn đề thi của các năm trước, gồm nhiều tờ giấy thi. Nhưng nếu đã nắm được cấu trúc của đề, chắc hẳn các em sẽ không ngỡ ngàng để bình tĩnh hoàn thành bài làm của mình.

Phần đọc hiểu:

Ngữ liệu phần đọc hiểu có thể các em đã học/đọc trong chương trình Ngữ văn THPT hoặc là ngữ liệu ngoài chương trình nên khá mới mẻ với các em. Các câu hỏi đọc hiểu văn bản được chia làm ba mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi này có thể hướng đến các vấn đề: nêu đề tài, chủ đề, thể loại văn bản, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ; nhận biết thông tin được phản ánh trong văn bản; cắt nghĩa, lí giải nội dung văn bản; phân tích các biện pháp nghệ thuật; nối kết nội dung của văn bản với thực tiễn cuộc sống...

Khi làm câu hỏi này, các em cần đọc kĩ câu hỏi, câu trả lời cần viết ngắn gọn theo đúng yêu cầu. Các em không nên viết câu trả lời quá dài (không cần phải viết thành bài văn, đoạn văn).

Phần làm văn:

Câu nghị luận xã hội: Về mặt hình thức, đề bài yêu cầu các em viết một bài văn ngắn (thường là 600 từ), nên bài làm của các em phải có cấu trúc hoàn chỉnh của một bài văn: gồm 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài). Phần thân bài, các em nên viết một số đoạn văn, mỗi đoạn triển khai một luận điểm.

Về nội dung, các em cần đọc kĩ đề bài để trả lời câu hỏi: đề bài yêu cầu nghị luận về vấn đề gì? Từ đó, xác lập các ý cho bài văn. Khi đánh giá vấn đề tư tưởng, đạo lí hoặc hiện tượng xã hội, người viết cần đứng trên lập trường của tư tưởng nhân văn, tiến bộ, vì lợi ích chung của cộng đồng để xem xét, đánh giá. Bài viết cần phải có luận điểm rõ ràng, luận cứ cụ thể, lập luận chặt chẽ. Có thể nói, sức hấp dẫn của bài văn nghị luận xã hội là ở các dẫn chứng (trong lịch sử, thực tiễn cuộc sống và trong văn học). Vì thế, các em nên chọn dẫn chứng càng cụ thể, sinh động càng thuyết phục; tránh chỉ bình luận chung chung, dễ dãi, tản mạn.

Câu nghị luận văn học: Về mặt hình thức, bài làm của các em cũng phải có cấu trúc hoàn chỉnh của một bài văn (gồm 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài).

Về nội dung, đề bài nghị luận văn học có các dạng bài rất phong phú như: phân tích, cảm nhận về một tác phẩm, một đoạn trích, một hình tượng, một chi tiết trong tác phẩm; so sánh văn học; nghị luận về hai ý kiến đối với một tác phẩm, một đoạn trích; nghị luận về một vấn đề văn học... Vì thế, yêu cầu đầu tiên là các em cần đọc thật kĩ đề bài, xác định "trúng" vấn đề cần nghị luận. Sau đó, các em nên gạch ra một vài ý là luận điểm của bài làm để triển khai bài viết. Lưu ý là, khi phân tích thơ, phải trích dẫn thơ; phân tích văn xuôi phải đưa ra được dẫn chứng.

Khi làm bài, các em cần chỉ ra những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc đoạn trích. Trong bài nghị luận văn học, các em cần tránh một số lỗi sau: trích dẫn chứng sai, diễn xuôi thơ, kể lể văn xuôi, không bình giá nghệ thuật của tác phẩm/ đoạn trích, suy diễn vô căn cứ nội dung và nghệ thuật của tác phẩm...

Ngoài yêu cầu cụ thể của từng câu hỏi, tổng thể bài thi môn Ngữ văn của các em nên được trình bày sáng rõ, tránh tình trạng tẩy xóa nhiều, chữ viết cẩu thả. Một yêu cầu khác nữa là các em cần chú ý đến việc diễn đạt trong bài làm: diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc, có sự liên kết giữa các câu, đoạn; tránh mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm