Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Biểu cảm về một món ăn truyền thống

Văn mẫu lớp 7: Biểu cảm về một món ăn truyền thống gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Biểu cảm về bánh chưng ngắn gọn

Mỗi khi Tết đến, bánh chưng luôn là một món ăn truyền thống không thể thiếu được của mọi gia đình Việt Nam.

Món bánh chưng là một món bánh có từ lâu đời và mang trong mình những ý nghĩa vô cùng to lớn. Từ trong truyền thuyết Bánh chưng, bánh giày mà người ta vẫn kể đi kể lại, giá trị của món bánh chưng càng thêm sáng tỏ. Đó là món bánh thể hiện được sự trân trọng của chúng ta với người nông dân đã chân lấm tay bùn cả năm để tạo nên hạt gạo quý. Hơn hết, là thể hiện sự trân trọng với sự hòa hợp, đoàn kết của núi sông, của con người với nhau. Đoàn kết là sức mạnh.

Chiếc bánh chưng được gói bằng lá dong, hoặc lá chuối tùy vùng miền. Bên trong là nếp với phần nhân đỗ xanh, thịt lợn. Chiếc bánh đem đi luộc thật kĩ, sao cho bánh chín mềm, thơm dẻo. Cắn một miếng thấy hương vị của cả đất trời hòa quyện trong đó. Còn gì tuyệt hơn, vào ngày Tết lạnh lẽo, được quây quần cùng gia đình ăn miếng bánh chưng nóng, thêm vài miếng hành kiệu muối chua. Cái cảm giác hạnh phúc ấy, có lẽ, nếu thiếu đi bánh chưng xanh thì chẳng thể nào trọn vẹn được.

Bánh chưng đến nay không chỉ là một món ăn truyền thống bình thường, mà đã trở thành một thứ gia vị không thể thiếu của ngày Tết. Cùng với cành đào, nhành mai, hạt dưa, mứt gừng, chính bánh chưng đã, đang, và sẽ mãi là biểu tượng của ngày Tết Nguyên Đán nước Nam ta.

Biểu cảm về một món ăn truyền thống ngắn gọn

Quê hương tôi là mảnh đất Quảng Bình, với món ăn truyền thống nổi tiếng bao đời nay: bánh bột lọc.

Đây là một loại bánh xuất hiện ở các dịp lễ, Tết quan trọng của người dân quê tôi. Không chỉ vậy, nó còn trở thành một thức quà ngon để người ta mời nhau trong những cuộc gặp gỡ hay dùng làm quà biếu tặng. Còn gì thân quý hơn những chiếc bánh bột lọc thơm dẻo, với phần nhân ngon lành được gói ghém trong tấm lá chuối xanh. Ẩn trong chiếc bánh nhỏ ấy, là biết bao tâm tư, tình cảm và sự khéo léo của người làm bánh.

Phần vỏ bánh, người dân quê tôi vẫn dùng bột năng để nhồi. Thêm ít nước sôi rồi dùng sức khỏe và sự dẻo dai của bàn tay để nhồi bột đến khi vừa ý mới thôi. Sau đó chia bột thành từng miếng nhỏ để nặn vỏ bánh lớn chừng lòng bàn tay. Phần nhân thì đầy đủ gồm có tôm, thịt, mộc nhĩ, măng chua và ít rau thơm. Nhưng nếu hôm nào thiếu đi ít tôm hay măng chua thì bánh vẫn ngon lắm. Khó nhất và đòi hỏi sự kiên nhẫn nhất là khi nặn bánh. Ta phải cho từng chút nhân vào vỏ rồi nắn lại phần vỏ sao cho đẹp, đều mà không bị hở nhân. Để làm được một rổ bánh là cả một quá trình của người đầu bếp.

Hiện nay, ngày càng có thêm nhiều món quà bánh thơm ngon với ngoại hình bắt mắt. Nhưng món bánh bột lọc truyền thống vẫn sẽ mãi gắn liền với mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió của em.

Biểu cảm về một món ăn truyền thống mẫu 1

Đối với mọi người, hồn quê có thể là cây đa, bến nước, mái đình,có thể là bếp rơm bập bùng buổi sáng, tiếng gà gáy, ve kêu, đôi khi lại là cánh đồng lúa vàng. Nhưng với tôi, thì hồn quê là mùi hương cá kho ngày tết

Còn nhớ hồi học sinh, cứ đến những ngày 27, 28 tháng chạp tết, tôi bước chân xuống xe ô tô, nhìn ngắm làng quê mình rồi hít 1 hơi thật sâu để tận hưởng hương vị quê, trong đó nồng nàn nhất là mùi hương cá kho ngày tết.

Ở quê tôi vốn có truyền thống kho cá ngày tết từ rất lâu rồi, nhưng những năm gần đây, khi được báo chí, truyền hình biết đến, món cá kho như một dòng văn hóa âm thầm bỗng nhiên bùng lên với tính chất thương mại hóa.

Công thức cổ truyền vẫn vậy, người kho vẫn là người ở làng, gia vị không có gì thay đổi, chỉ khác một điều là cứ trong thời gian tháng trước tết, làng tôi nhiều ô tô hơn, họ về lấy đặt mua cá với sự trân trọng đặc biệt cho một món đặc sản cổ truyền. Nhiều người chỉ đọc thông tin trên mạng Internet nhưng cũng đánh xe ô tô cho cả gia đình về mua cá và thăm quê hương làng Vũ Đại

Bố mẹ tôi là một trong những người đi đầu trong việc đưa món cá kho cổ truyền ra ngoài thị trường với thương hiệu Cá Kho Nhân Hậu – Trần Luận. Nhà tôi bán từ năm 1998, lúc đầu chỉ là bán cho một vài người quen đặt hàng để biếu sếp, nhưng từ đó đến nay, số lượng đặt hàng dường như lớn lên theo cấp số nhân, đặc biệt là vào dịp tết. ….. Cũng phải thôi, món ăn mà 10 người ăn cả 10 đều khen ngon thì ai mà chả muốn một lần được thưởng thức, không những thế, đây còn là món quà vô cùng ý nghĩa cho người thân.

Tôi thì không biết kho cá , nhưng năm nào cũng muốn được nghỉ tết sớm để phụ giúp bố mẹ, kho được một nồi cá quả thực không đơn giản, đầu tiên bạn phải chọn nồi, nồi phải không bị sứt mẻ, đất nung nồi phải là đất Nghệ an hoặc Thanh Hóa, trước khi kho phải bỏ 1 nắm gạo vào đun cháo cho niêu được bền. Gia vị phải rửa thật sạch sẽ, gừng riềng phải giã tơi như ruốc, nhà tôi còn có cả 1 vườn trồng chanh , chấp phục vụ cho việc kho cá……. Cá chọn kho phải là cá trắm đen nặng từ 3 – 5 kg, kho phải bỏ đầu và đuôi (cứ đến đợt tết là cả khu xóm tôi được ăn đầu cá, ruột cá miễn phí), người kho phải túc trực 24 tiếng, không được đun quá to cũng không được đun quá nhỏ. Sau khi kho xong phải để quạt nguội hẳn rồi mới đóng gói cho khách hàng. Vì thế nên khách hàng đặt cá nhà tôi phải đặt trước ít nhất 2 ngày

Thật là tuyệt nếu được thưởng thức cái hồn quê tôi vào dịp tết phải không? Về đến đầu làng, các bạn sẽ ngửi ngay thấy mùi hương cá kho, nghe thấy tiếng giã gừng giềng (vì dùng máy xay không chuẩn đâu nhé), và sẽ thấy những xe chở cá đi nhộn nhịp trên đường….. Một giá trị cần được chúng ta biết đến.

Biểu cảm về một món ăn truyền thống mẫu 2

Mỗi con người đều mang trong mình tình yêu quê hương tha thiết. Trong tình yêu ấy có cả niềm tự hào về những sản vật nổi tiếng gắn bó lâu đời với truyền thống quê nhà. Mỗi người con Hải Dương khi đi xa chẳng bao giờ quên được hương vị đậm đà của chiếc bánh đậu xanh.

Bánh đậu xanh là đặc sản nổi tiếng của Hải Dương. Du khách đi qua Hải Dương đều không quên mua cho mình vài hộp bánh đậu xanh về làm quà cho gia đình, bạn bồ. Nói đến bánh đậu xanh, người ta thường nhắc đến những thương hiệu nổi tiếng như: Bảo Hiên, Nguyên Hương, Hòa An... Đó là những hãng sản xuất lớn, có lịch sử lâu đời với bí quyết được trân trọng, giữ gìn từ đời này sang đời khác. Từ những hạt đậu xanh nguyên chất, qua bàn tay khéo léo, công phu của người thợ, những chiếc bánh đậu xanh ra đời như gói trọn trong mình cả tình yêu và hương sắc quê hương. Màu vàng nhạt như nắng, hương thơm dịu dàng, vị bùi của đậu xanh, ngọt ngào của đường kính, béo ngậy của mỡ phần... làm cho bánh đậu xanh quyến rũ người thưởng thức bởi cả sắc, hương, vị. Không chỉ có vậy, các nhà sản xuất còn cho ra đời những mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt.

Chiếc bánh đậu xanh của quê hương Hải Dương có mặt trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp lễ Tết, trong những bữa tiệc trang trọng hay trên mâm cơm giản đơn hàng ngày. Nó theo chân người ra các tỉnh bạn, vượt trùng dương đến những vùng đất xa xôi. Và ở bất cứ phương trời nào, bắt gặp đâu đó bóng dáng những hộp bánh đậu xanh, mỗi người dân Hải Dương lại trào lên trong lòng mình một nỗi nhớ quê hương da diết.

Hải Dương vốn nổi tiếng là mảnh đất "Địa Linh Nhân Kiệt". Và bánh đậu xanh còn góp phần hoàn hảo thêm hình ảnh của Hải Dương bằng vẻ đẹp của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Biểu cảm về bánh chưng

Trong những ngày xuân đến rộn ràng, lòng người náo nức mừng dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta lại nghĩ đến những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Và bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong số đó.

Bánh chưng từ lâu đã là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Tương truyền rằng vào đời vua Hùng Vương thứ sáu, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, nhà vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu xuân, vua Hùng họp các hoàng tử lại và yêu cầu các hoàng tử đêm dâng lên vua cha thứ mà họ cho là quí nhất để cúng lên bàn thờ tổ tiên nhân ngày đầu xuân. Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hi vọng mình được vua cha truyền ngôi. Trong khi đó, người con trai thứ mười tám của Hùng Vương là Lang Liêu có tính tình hiền hậu, sống gần gũi với người nông dân lao động nghèo khổ nên ông lo lắng không có gì quí giá để dâng lên vua cha. Một hôm, Lang Liêu nằm mộng thấy có vị thần đến chỉ bảo cho cách làm một loại bánh từ lúa gạo và những thức có sẵn gần gũi với đời sống hàng ngày. Tỉnh dậy, ông vô cùng mừng rỡ làm theo cách chỉ dạy của thần. Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ, đủ cả sơn hào hải vị, nem công chả phượng. Hoàng tử Lang Liêu thì chỉ có hai loại bánh được làm theo lời mộng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ bèn hỏi, thì được Lang Liêu đem chuyện thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của bánh. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn đặt tên cho bánh là bánh chưng và bánh dày rồi truyền ngôi vua lại cho Lang Liêu.

Món ăn truyền thốngCách thức làm bánh rất đơn giản. Cũng theo truyền thuyết kể lại thì cách làm bánh ngày nay không khác so với lời báo mộng của thần cho Lang Liêu cũng như cách làm bánh của vị lang nặng tình với nhân dân là mấy. Nguyên liệu làm bánh bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Những nguyên liệu ấy vừa dễ kiếm lại vừa giàu ý nghĩa: vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Gạo nếp thường dùng là gạo thu hoạch vụ mùa. Gạo vụ này có hạt to, tròn, đều và thơm dẻo hơn các vụ khác. Cầu kì hơn còn có gia đình phải chọn bằng được nếp cái hoa vàng hay nếp nương. Đỗ xanh thường được lựa chọn công phu. Sau thu hoạch đỗ cần phơi nắng đều thật khô, sàng sẩy hết rác, bụi, hạt lép, phân loại hạt rồi đóng vào hũ, lọ bằng sành là tốt nhất. Thịt lợn nên chọn lợn ỉn được nuôi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công (nuôi chuồng hoặc nuôi thả, thức ăn bằng cám rau tự nhiên không dùng thuốc tăng trọng hoặc thức ăn gia súc). Khi chọn thịt thì lấy thịt ba chỉ (ba dọi) vừa có mỡ vừa có nạc khiến nhân bánh có vị béo đậm đà, không khô bã. Ngoài ra còn cần các gia vị như hạt tiêu, hành củ dùng để ướp thịt làm nhân; muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không nên dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu. Lá để gói bánh thường là lá cây dong tươi. Lá dong chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Tuy nhiên, tùy theo địa phương, dân tộc, điều kiện và hoàn cảnh, lá gói bánh có thể là lá chít hoặc vừa là lá dong vừa là lá chít. Lạt buộc bánh chưng thường dùng lạt giang được làm từ ống cây giang. Lạt có thể được ngâm nước muối hay hấp cho mềm trước khi gói.

Trước khi làm bánh cần có sự chuẩn bị sơ chế nguyên liệu kĩ lưỡng. Lá dong phải rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô. Tiếp đó dùng dao bài cắt lột bỏ bớt cuống dọc sống lưng lá để lá bớt cứng. Gạo nếp nhặt loại bỏ hết những hạt gạo khác lẫn vào, vo sạch, ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 12-14 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt ra để ráo. Có thể xóc với muối sau khi ngâm gạo thay vì ngâm nước muối. Đỗ xanh làm dập vỡ thành các mảnh nhỏ, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Thịt lợn đem rửa để ráo, cắt thịt thành từng miếng cỡ từ 2.5 cm đến 3 cm sau đó ướp với hành tím xắt mỏng, muối tiêu hoặc bột ngọt để khoảng hai giờ cho thịt ngấm.

Khi làm bánh, trước hết phải xếp lạt giang một cách hợp lí rồi trải lá dong, lá chít trước. Sau đó mới trải một lớp gạo rồi đến một lớp đỗ, đặt thịt vào giữa làm nhân rồi lại trải tiếp một lớp đỗ, một lớp gạo. Sau khi quấn lá chặt lại thì dùng lạt giang buộc chắc chắn.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa: bánh chưng màu xanh lá cây, hình vuông tượng trưng cho Đất, bánh dầy tượng trưng cho trời. Tuy nhiên, theo một số học giả nổi tiếng, bánh chưng nguyên thủy có hình tròn và dài, giống như bánh tét, đồng thời bánh chưng và bánh giầy tương trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam. Bánh tét, thay thế vị trí của bánh chưng vào các dịp Tết ở miền nam, cũng theo những học giả trên là dạng nguyên thủy của bánh chưng.

Bánh thường được làm vào các dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt, cũng như ngày giổ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch. Thiếu bánh chưng, bánh dầy ắt không thành cái Tết hoàn chỉnh: "Thịt mỡ bánh chưng xanh, dưa hành câu đối đỏ". Hơn thế, gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt mỗi dịp tết đến xuân về.

Là loại bánh có lịch sử lâu đời nhất trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Sự ra đời và tục lệ làm bánh chưng ngày Tết, ngày giỗ Tổ muốn nhắc nhở con cháu về truyền thông của dân tộc đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước. Theo thời gian, nền văn minh công nghiệp đang dần được hình thành song ý nghĩa và vai trò của bánh chưng thì vẫn còn nguyên vẹn.

------------------------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 7: Biểu cảm về một món ăn truyền thống. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 7 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 7.

Tài liệu tham khảo:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
54
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn 7

    Xem thêm