Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 lên lớp 4

Bộ đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 lên lớp 4 tổng hợp các dạng bài tập trong chương trình học môn Tiếng Việt lớp 3, giúp các em học sinh củng cố kiến thức đã học và ôn luyện chuẩn bị lên lớp 4 một cách hiệu quả. Mời các bạn tham khảo, tải về chi tiết toàn bộ tài liệu.

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 1

Bài 1

Cho các từ sau: Nhập ngũ, thi hào, mở màn, trẩy quân, chiến đấu, réo rắt, hy sinh, hoạ sĩ, dũng cảm.

Hãy sắp xếp các từ ngữ trên thành hai nhóm: Nhóm từ chỉ bảo vệ Tổ quốc và nhóm từ chỉ nghệ thuật.

Đặt 2 câu với mỗi từ sau: Dũng cảm, mở màn.

Bài 2

Hãy đặt dấu phẩy cho đúng vào các câu sau: a) Xa xa những ngọn núi nhấp nhô mấy ngôi nhà thấp thoáng vài cánh chim chiều bay lững thững về tổ. b) Một biển lúa vàng vây quanh em hương lúa chín thoang thoảng đâu đây.

Bài 3

a) Tìm từ gần nghĩa với từ: Khai trường, cần cù. giang sơn .

b) Tìm 3 từ ghép có: “quốc” đứng trước và giải nghĩa từng từ.

Bài 4

Tìm từ cùng nghĩa (hoặc gần nghĩa) và trái nghĩa với các từ: dũng cảm, nhộn nhịp, cần cù, hy sinh

Bài 5

Gạch một gạch dưới bộ phận trả lời cho câu hỏi Ai? hai gạch dưới bộ phận trả lời câu hỏi làm gì? là gì? Như thế nào? trong các các câu sau:

- Hôm qua em tới trường.

- Chích bông là một con chim bé xinh đẹp trong thế giới loài chim.

- Tiếng suối trong như tiếng hát xa.

- Hương rừng thơm đồi vắng.

- Mẹ của em ở nhà là cô giáo mến thương.

- Việt Nam có Bác Hồ

Bài 6

Hãy tả lại một cây ở trường mà em thích nhất.

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 2

Luyện viết chữ đẹp

Bài: Nhạc Rừng

………Cho tới bây giờ tiếng rừng đã vang động, nắng đã vàng ửng. Con khướu bách thanh ẩn kín đâu đó hót mãi không thôi. Giọng hót thánh thót, kiêu kỳ nghe say đắm ngỡ tưởng chính nhờ bài hát tuyệt diệu đó mà rừng gọi được ánh nắng từ xa trở lại. Tiếng hú của bầy vượn đen lúc thoáng xa, lúc gần gụi rành rọt, không rõ hẳn chúng đang cơn vui hay gặp nỗi buồn. Những cặp chào mào hiếu động thoắt đậu, thoắt bay, liến thoắng gọi nhau choách choách. Trầm trầm vang âm trong các vòm lá, giữa khoảng không là tiếng động râm ran của đông đảo những cánh ong rừng nhỏ xíu, bạn rộn đi về. Những giống bọ không tên bay nhắng nhít. Tiếng gió nhẹ lan khắp đâu đó, lá khô trên đất tí tách muốn trở mình đón nắng.

Hải Hồ

LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Bài 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: ”Chị tre chải tóc bên ao Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương Bác nồi đồng hát bùng bong Bà chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà.”

a/ Trong đoạn thơ trên, vật gì được nhân hoá?

b/ Các đồ vật đó được gọi bằng gì và được tả bằng những từ nào?

Bài 2: Điền dấu chấm hoặc dấu phẩy vào chỗ thích hợp: “Gậy tre chông tre chống lại sắt thép của quân thù tre xung phong vào xe tăng đại bác giữ làng giữ nước giữ mái nhà tranh giữ đồng lúa chín tre hy sinh để bảo vệ con người tre anh hùng lao động tre anh hùng chiến đấu”

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 3

Câu 1: Trong từ gia đình, tiếng gia có nghĩa là nhà.

Em hày tìm thêm nhứng tiếng khác (gồm 2 tiếng) có tiếng gia với nghĩa như trên .

Ví dụ: gia tài…

Câu 2: Xếp các thành ngữ tục ngữ sau thành nhóm thích hợp:

– Em ngã đã có chị nâng.

– Con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ.

– Khôn ngoan đối đáp bề ngoài Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

– Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con.

– Con có cha như nhà có nóc.

– Con hiền cháu thảo

a) Nhóm 1: Cha mẹ đối với con cái

b) Nhóm 2: Con cháu đối với ông bà, cha mẹ

c) Nhóm 3: Anh chị em đối với nhau

Câu 3:

Gạch một gạch dưới bộ phận trả lời cho câu hỏi Ai? (Cái gì, con gì?); gạch hai gạch dưới bộ phận trả lời câu hỏi Là gì? trong các câu sau:

+ Ông bà, cha mẹ là những người chăm sóc trẻ em ở gia đình.

+ Cây tre là hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam.

+ Ở lớp em, Lan là học sinh giỏi toán nhất.

Câu 4:

Điền dấu chấm, dấu phẩy thích hợp vào ô trống trong đoạn văn sau:

“ Đầu năm học mới Huệ nhận được quà của bố đó là một chiếc cặp rất xinh cặp có quai đeo. Hôm khai giảng, ai cũng nhìn Huệ với chiếc cặp mới. Huệ thầm hứa học chăm học giỏi cho bố vui lòng.

Câu 5:

Nêu các sự vật được so sánh với nhau trong mỗi khổ thơ? Người ta dựa vào dấu hiệu chung nào để so sánh?

Từ dùng để so sánh?

Khi mặt trời lên tỏ Nước xanh chuyển màu hồng Cờ trên tàu như lửa Sáng bừng cả mặt sông.

Câu 6:

Viết đoạn văn 7-10 câu giới thiệu về các thành viên trong tổ em cho một người bạn mới chuyển đến (Trong đó có dùng 3-5 câu thuộc mẫu câu Ai-Là gì?).

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 4

Câu 1:

Tìm 3 từ có tiếng chứa vần âng

Câu 2:

Trong các từ sau đây, từ nào đồng nghĩa với từ Tổ quốc?

Đồng ruộng, xóm làng, rừng rú, giang sơn, sông ngòi, đất nước, ao hồ, lúa khoai, quốc gia.

Câu 3:

Trong các từ ngữ sau từ ngữ nào không phải từ chỉ gộp những người trong gia đình? Ông bà, cha mẹ, em út, anh em, bà nội , chú bác, ông ngoại, ông cháu

Câu 4:

Gạch dưới bộ phận câu trả lời câu hỏi làm gì? Trong các câu sau:

a) Bé kẹp lại tóc, thả ống quần, lấy cái nón của má đội lên đầu.

b) Tiếng chuông đất nung kêu lanh canh làm sân nhà tôi ấm áp và náo nức hẳn lên.

Câu 5:

Gạch dưới bộ phận trả lời cho câu hỏi ở đâu?

a) Chẳng bao lâu, Khái đỗ tiến sĩ, làm quan to trong triều nhà Lê.

b) Giấc ngủ còn dính

c) Trên mi sương dài.

Câu 6

Đặt dấu phẩy và dấu chấm vào chỗ thích hợp trong đoạn văn dưới đây và viết lại cho đúng:

Cứ chiều chiều chim sáo lại bay về vườn nhà Trâm vì tổ của nó ở đấy nhưng hôm nay có lẽ trời nóng quá không kiếm được mồi chim sáo về muộn.

Câu 7

Viết một đoạn văn (từ 7-10 câu) giới thiệu về em và tình hình học tập của lớp em với bố mẹ.

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 5

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Chuyện của loài kiến

Xưa kia, loài kiến chưa sống thành đàn. Mỗi con ở lẻ một mình tự đi kiếm ăn. Thấy kiến bé nhỏ, các loài thú thường bắt nạt. Bởi vậy, loài kiến chết dần chết mòn.

Một con kiến đỏ thấy giống nòi mình sắp bị chết, nó bò đi khắp nơi, tìm những con kiến còn sống sót, bảo:

- Loài kiến ta sức yếu, về ở chung, đoàn kết lại sẽ có sức mạnh.

Nghe kiến đỏ nói phải, kiến ở lẻ bò theo. Đến một bụi cây lớn, kiến đỏ lại bảo:

- Loài ta nhỏ bé, ở trên cây bị chim tha, ở mặt đất bị voi chà. Ta phải đào hang ở dưới đất mới được.

Cả đàn nghe theo, cùng chung sức đào hang. Con khoét đất, con tha đất đi bỏ. Được ở hang rồi, kiến đỏ lại bảo đi tha hạt cây, hạt cỏ về hang để dành, khi mưa khi nắng đều có cái ăn.

Từ đó, họ hàng nhà kiến đông hẳn lên, sống hiền lành, chăm chỉ, không để ai bắt nạt.

(Theo Truyện cổ dân tộc Chăm)

1. Khi xưa, loài kiến sống như thế nào? 

A. Sống theo đàn

B. Sống theo nhóm

C. Sống phân chia theo cấp bậc

D. Sống lẻ một mình

2. Việc sống đơn lẻ của loài kiến đã dẫn tới kết quả gì?

☐ Nội bộ loài kiến thường xuyên cãi cọ, mất đoàn kết.

☐ Những chú kiến bé thường bị loài thú bắt nạt

☐ Các chú kiến tự mình lao động và giàu lên trông thấy

☐ Loài kiến rơi vào tình trạng chết dần chết mòn

3. Trước việc giống nòi của mình đang chết dần chết mòn, kiến đỏ đã đưa ra những ý kiến gì?

☐ Yêu cầu những chú kiến còn sống phải nghe lời mình, tôn mình làm thủ lĩnh.

☐ Tập hợp những chú kiến còn sống về ở chung với nhau.

☐ Đề nghị mọi người đào hang dưới đất làm nhà.

☐ Đề nghị mọi người chú ý rèn luyện sức khoẻ không để bị loài nào bắt nạt nữa

4. Trước ý kiến của kiến đỏ, những con kiến khác có phản ứng như thế nào? 

A. Phản đối và không phục.

B. Tuy không cho là phải nhưng vẫn nghe lời kiến đỏ vì không còn cách nào khác

C. Cho rằng kiến đỏ nói phải nên cùng nhau đoàn kết làm theo

D. Cho rằng kiến đỏ là kẻ hống hách, tự cao cần phải tiêu diệt.

5. Hãy sắp xếp các ý sau đây để được thứ tự các công việc mà đàn kiến đã làm?

a) Tha hạt cây, hạt cỏ về để dành đồ ăn

b) Những con kiến bé nhỏ tập hợp thành đàn

c) Con khoét đất, con tha đất đi bỏ, chung sức đào hang

6. Nhờ đoàn kết tập hợp thành đàn, cùng nhau làm tổ, cùng nhau dự trữ đồ ăn, kết cục của họ hàng nhà kiến ra sao? 

A. Họ hàng nhà kiến giàu lên trông thấy, con nào cũng béo múp.

B. Chúng lại xảy ra tranh cãi xem con nào mới xứng đáng làm thủ lĩnh.

C. Chúng chết dần chết mòn vì tranh nhau đồ ăn dự trữ

D. Họ hàng nhà kiến đông hẳn lên, họ sống hiền lành, chăm chỉ và không để ai bắt nạt.

7. Câu “Đàn kiến đông đúc.” thuộc mẫu câu nào em đã được học

A. Câu kể Ai thế nào?

B. Câu kể Ai làm gì?

C. Câu kể Ai là gì?

D. Câu đã cho không phải là câu kể.

8. Chuyện của loài kiến cho em bài học gì? 

9. Hãy lựa chọn đáp án thích hợp để hoàn chỉnh những câu có sử dụng biện pháp so sánh sau

a. Dải mây trắng, mỏng, mềm mại như ..........

b. Cây phượng vĩ nở hoa đỏ rực trông như ...........

c. Mặt biển buổi sáng trong xanh như ...

d. Ông mặt trời nhô lên khỏi mặt biển đỏ rực giống như .........

10.

Viết đoạn văn ngắn kể về một người lao động trí óc mà em biết.

Đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 6

A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Cây đường phố

Cây đường phố Hà Nội như tấm lịch có thể đo thời gian hàng tháng bằng hương sắc của từng loài.

Tháng Giêng là quất đào đỏ rực vàng trên khắp các công viên. Tháng Hai, cụm cây gạo cổng đền Ngọc Sơn ven hồ Hoàn Kiếm như những chấm son điểm tận trời xanh, gọi từng đàn sáo lại quây quần. Tháng Ba, hoa sấu rải trắng mặt hè như những nong gạo nếp gợi niềm no đủ. Tháng Tư, thấp thoáng muồng đào như mặt trời hồng và e ấp hương ngọc lan nhẹ buông trong gió từ các khoảnh vườn biệt thự. Tháng Năm, chói gắt màu phượng đỏ hầu khắp các sân trường, xôn xao giục giã một mùa thi. Tháng Sáu, tháng Bảy, hoa bằng lăng đẹp không chỉ ở bóng mát, ở màu hoa mà còn đẹp cả lúc lá non vừa nảy, đỏ tím như đàn bướm đậu trên cành...

(Nguyễn Hà)

Câu 1: Bài văn nói đến nét đặc trưng nào của Hà Nội?

Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Đặc sản của Hà Nội

B. Cây trên đường phố Hà Nội

C. Nét thanh lịch của người Hà Nội.

Câu 2: Bài văn nhắc đến các loài cây đặc trưng của những tháng nào?

Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Từ tháng Giêng đến tháng Mười Hai

B. Từ tháng Giêng đến tháng Sáu.

C. Từ tháng Giêng đến tháng Bảy

Câu 3: Loài cây nào là đặc trưng của tháng Ba?

Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Cây sấu

B. Cây phượng

C. Cây bằng lăng

Câu 4: Cây bằng lăng của tháng Sáu, Bảy có gì đẹp?

Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Cây trên đường phố Hà Nội rất đẹp

B. Cây trên đường phố Hà Nội có rất nhiều hương sắc

C. Cây trên đường phố Hà Nội như tấm lịch có thể đo thời gian bằng hương sắc của từng loài.

Câu 5: Dòng nào dưới đây nêu đúng nội dung chính của bài văn?

Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Cây trên đường phố Hà Nội rất đẹp

B. Cây trên đường phố Hà Nội có rất nhiều hương sắc

C. Cây trên đường phố Hà Nội như tấm lịch có thể đo thời gian bằng hương sắc của từng loài.

Câu 6: Em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của cây cối trên đường phố Hà Nội?

Hãy viết 1 – 2 câu nêu suy nghĩ của em.

Câu 7: Em thích vẻ đẹp của loài cây nào nhất trong các loài cây được nói đến trong bài văn? Vì sao?

Câu 8: Bài văn có mấy hình ảnh so sánh?

Câu 9: Tìm và ghi lại các từ chỉ hoạt động trong câu

“Cây gạo gọi từng đàn sáo đến quây quần.”

Câu 10: Đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm trong câu:

“Tháng Giêng, quất đào đỏ rực vàng trên khắp các công viên.”

B. PHẦN LUYỆN VIẾT

Câu 1: Chính tả (nghe – viết)

Đêm trăng đẹp

Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ từ từ nhô lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây còn vắt ngang qua mỗi lúc một mảnh dần rồi đứt hẳn. Trên những quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng mùi hương thơm mát.

Sau tiếng chuông của ngôi chùa cổ một lúc lâu, trăng đã nhô lên khỏi rặng tre.

Câu 2: Tập làm văn

Viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) kể về một cảnh đẹp ở nước ta mà em biết.

Mẫu:

Vào kì nghỉ hè, gia đình em đã được đến thăm thành phố Huế. Khung cảnh ở nơi đây đẹp như một bức tranh. Em đã được đi thăm rất nhiều địa điểm du nổi tiếng như Đại nội Huế, Lăng Tẩm Huế, điện Hòn Chén, núi Bạch Mã. Nhưng em cảm thấy ấn tượng nhất là vẻ đẹp của con sông Hương thơ mộng. Cùng với cây cầu Tràng Tiền đã rất nổi tiếng bắc qua con sông này. Bố mẹ em nói với em rằng con người Huế mang vẻ thâm trầm, kín đáo. Còn em cảm thấy con người ở đây rất lãng mạn, ôn hòa. Chuyến du lịch đã đem đến cho em thật nhiều cảm xúc tuyệt vời.

>> Bài văn tả cảnh đẹp đất nước lớp 3 Hay chọn lọc (27 mẫu)

Ngoài Bộ đề ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 3 lên lớp 4 trên. Các bạn có thể tham khảo thêm nhiều đề thi hay và chất lượng, các dạng toán nâng cao hay và khó dành cho các bé học Toán lớp 3 được chắc chắn, củng cố và nắm chắc kiến thức nhất, vừa đào sâu các dạng toán lại giúp các bé tự tin bước vào các kỳ thi quan trọng như là thi hết học kỳ 1 lớp 3 môn Toán, thi khảo sát chất lượng học kỳ 2 môn Toán lớp 3,.... cũng như học đồng đều các môn Tiếng Việt lớp 3, môn tự nhiên xã hội, đạo đức,...

Chia sẻ, đánh giá bài viết
13
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm