Phân biệt Từ chỉ sự vật; Từ chỉ đặc điểm; Từ chỉ hoạt động, trạng thái
Trong chương trình Tiếng Việt lớp 3, học sinh sẽ được làm quen với nhiều chuyên đề về Luyện từ và câu, kiến thức thú vị, trong đó không thể bỏ qua phần phân loại từ. Đến với chuyên đề phân loại từ của Tiếng Việt lớp 3, học sinh sẽ được học 3 phần chính như sau: Từ chỉ sự vật; Từ chỉ đặc điểm; Từ chỉ hoạt động, trạng thái.
Làm quen với chuyên đề phân loại từ lớp 3
Dưới đây VnDoc sẽ tổng hợp chi tiết, cụ thể những kiến thức cơ bản về phân loại từ, từ đó các bạn sẽ Phân biệt Từ chỉ sự vật; Từ chỉ đặc điểm; Từ chỉ hoạt động, trạng thái được một cách chính xác nhất ở lớp 3.
1. Nội dung chính của chuyên đề phân loại từ
Phân loại từ của Tiếng Việt lớp 3, học sinh sẽ được học 3 phần chính như sau:
- Từ chỉ sự vật
- Từ chỉ đặc điểm
- Từ chỉ hoạt động, trạng thái
Về cơ bản, học sinh sẽ được học theo trình tự từ những kiến thức đơn giản nhất cho đến nâng cao của phân loại từ. Chuyên đề được chia thành 3 bài giảng cụ thể, chi tiết, đảm bảo cho học sinh được rèn luyện, thực hành thành thạo. Mỗi phần của phân loại từ sẽ giúp trẻ trau dồi những kiến thức và kỹ năng khác nhau.
2. Phân biệt Từ chỉ sự vật; Từ chỉ đặc điểm; Từ chỉ hoạt động, trạng thái
2.1. Từ chỉ sự vật
Từ chỉ sự vật là gì? Theo định nghĩa trong SGK tiếng Việt lớp 2 thì từ chỉ sự vật được biết đến là những danh từ dùng để chỉ về một sự vật cụ thể như con người, đồ vật, cây cối hay thậm chí là đơn vị, khái niệm, hiện tượng…
Từ chỉ sự vật là từ chỉ tên của:
- Con người và bộ phận của con người như: Tay, chân, đầu tóc, mắt, mũi,…
- Con vật và bộ phận của con vật: Chó, mèo, gà, vịt,…
- Cây cối và bộ phận của cây cối: Hoa hồng, hoa mai,…
- Đồ vật: Bảng, bàn ghế, sách, vở,…
- Những hiện tượng tự nhiên: Mưa, gió, nắng, sấm, chớp,…
- Các cảnh vật: Bầu trời, mặt đất, dòng sông,…
Bài luyện tập: Cho các từ sau: Người, phượng vĩ, hổ, hòn đá, thác, cá, hoa Mai, cây cam, cha mẹ, cô dâu, chú rể, bàn, ghế, dê, hoa tai, cái kéo, thược dược, học sinh, rừng, cánh đồng. Hãy sắp xếp các từ trên vào các nhóm từ chỉ sự vật đã học?
Dựa vào lý thuyết, chúng ta có các nhóm từ như sau:
- Con người: Người, cha mẹ, cô dâu, chú rể, học sinh.
- Con vật: Hổ, cá.
- Cây cối: Phượng vĩ, hoa mai, cây cam, thược dược.
- Đồ vật: Bàn, ghế, hoa tai, cái kéo.
- Hiện tượng tự nhiên:
- Cảnh vật: Hòn đá, thác, rừng, cánh đồng.
>> Xem thêm: Từ chỉ sự vật là gì lớp 2, 3? Ví dụ từ chỉ sự vật?
2.2. Từ chỉ đặc điểm
Khái niệm:
Về khái niệm, từ chỉ đặc điểm là những từ được dùng để nói về những nét đặc trưng, riêng biệt của một sự vật, sự việc hay hiện tượng nào đó về màu sắc, hình dáng, mùi vị, hay các đặc điểm khác mà mọi người có thể cảm nhận được thông qua các giác quan.
Từ chỉ đặc điểm là từ chỉ:
- Màu sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng,…
- Tính cách: Hiền, dữ,…
- Kích cỡ: Dài, ngắn, to, nhỏ,…
- Cảm giác: Cay, mặn, ngọt,…
- Tính chất: Đúng, sai, chất lỏng, rắn,…
Bài luyện tập: Tìm các từ chỉ đặc điểm theo yêu cầu sau: Hãy tìm 10 từ chỉ màu sắc, 10 từ chỉ kích cỡ, 10 từ chỉ tính cách, 10 từ chỉ cảm giác và 10 từ chỉ tính chất.
Dựa vào lý thuyết, chúng ta có các từ trong từng nhóm từ như sau:
- Màu sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, cam, trắng, đen, nâu, trắng xóa
- Tính cách: Hiền, dữ, thông minh, dũng cảm, lười biếng, chăm chỉ, nhút nhát, nhanh nhẹn, trung thực, kiêu ngạo, tự tin.
- Kích cỡ: Dài, ngắn, to, nhỏ, ồn ào, dữ dội, gầy, béo, còi cọc, vừa vặn.
- Cảm giác: Mặn, ngọt, đắng, cay, bùi, nóng, lạnh, buồn, vui, cô đơn.
- Tính chất: Lỏng, rắn, xơ, dẻo, mềm, nhũn, cứng, chặt, đúng, sai.
>> Xem thêm: Luyện từ và câu lớp 3: Ôn tập về từ chỉ đặc điểm
2.3. Từ chỉ hoạt động, trạng thái
Khái niệm:
- Từ chỉ hoạt động là những từ chỉ sự vận động của con người, con vật mà chúng ta có thể nhìn thấy được bên ngoài.
Ví dụ các hoạt động: Chạy, nhảy, cười, nói,…
- Từ chỉ trạng thái là những từ chỉ sự vận động tự diễn ra bên trong mà chúng ta không thể nhìn thấy được.
Ví dụ các hành động: Suy nghĩ, buồn, vui, ghét,…
Bài luyện tập: Hãy chia các từ sau thành hai nhóm và gọi tên từng nhóm: Yêu, làm, cấy, thùng, nhớ, mua, kể, câu chuyện, trận mưa, đặt, công ty, mất, sân chơi, máy tính.
Lưu ý: Với bài tập này, nếu học sinh không chú ý, khi đọc đề bài sẽ chia luôn thành 2 nhóm là từ chỉ hoạt động và từ chỉ trạng thái, nhưng đọc kỹ đề bài ta thấy trong các từ trên có cả từ chỉ sự vật. Vì vậy, chúng ta sẽ chia làm 2 nhóm sau:
- Từ chỉ sự vật: Thùng, câu chuyện, trận mưa, công ty, sân chơi, máy tính.
- Từ chỉ hoạt động, trạng thái: Yêu, làm, cấy, nhớ, mua, kể, câu chuyện, đặt, mất.
>> Xem thêm: Phân biệt từ chỉ hoạt động và từ chỉ trạng thái
3. Bài tập về Từ chỉ sự vật; Từ chỉ đặc điểm; Từ chỉ hoạt động, trạng thái
3.1. Bài tập về Từ chỉ sự vật
Bài 1: Xác định từ ngữ chỉ sự vật trong bài thơ sau:
“Mẹ ốm bé chẳng đi đâu
Viên bi cũng nghỉ, quả cầu ngồi chơi
Súng nhựa bé cất đi rồi
Bé sợ tiếng động nó rơi vào nhà
Mẹ ốm bé chẳng vòi quà
Bé thương mẹ cứ đi vào đi ra”
Bài 2: Xác định các từ ngữ chỉ sự vật trong khổ thơ sau của nhà văn Huy Cận:
“Tay em đánh răng
Răng trắng hoa nhài
Tay em chải tóc
Tóc ngời ánh mai”
3.2. Bài tập về Từ chỉ đặc điểm
Bài tập 1: Tìm các từ chỉ đặc điểm trong đoạn thơ sau:
“Em nuôi một đôi thỏ,
Bộ lông trắng như bông,
Mắt tựa viên kẹo hồng
Đôi tai dài thẳng đứng”
(Sưu tầm)
Hướng dẫn đáp án:
Quan sát đoạn thơ trên, ta thấy có các từ chỉ đặc điểm sau: trắng, hồng, thẳng đứng. Các từ ngữ này giúp cho câu thơ trở nên chân thực và sinh động, từ đó người đọc dễ dàng nhận biết về sự vật.
3.3. Bài tập về Từ chỉ hoạt động, trạng thái
Bài 1: Tìm các từ chỉ hoạt động, trạng thái của loài vật và sự vật trong những câu sau:
a) Con trâu ăn cỏ.
b) Đàn bò uống nước dưới sông.
c) Mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ.
Hướng dẫn đáp án:
- Câu a từ chỉ hoạt động là ăn .
- Câu b từ chỉ hoạt động là uống.
- Câu c từ chỉ trạng thái là tỏa.
Bài 2: Xác định các từ chỉ hoạt động, trạng thái trong đoạn văn sau:
“Một buổi sáng mùa xuân, trăm hoa khoe sắc, gà con vui vẻ gọi vịt con ra vườn chơi. Gà con rủ vịt con bắt sâu bọ, côn trùng có hại cho cây cối. Nhờ có mỏ nhọn nên gà con mổ bắt sâu dễ dàng. Nhưng vịt con không có mỏ nhọn nên không thể nào bắt sâu được. Thấy thế gà con vội vàng chạy tới giúp vịt.”
Hướng dẫn đáp án:
Trong đoạn văn trên các từ chỉ trạng thái gồm có: vui vẻ, vội vàng
Từ chỉ hoạt động: gọi, chơi, rủ, bắt, mổ, bắt sâu, chạy.
Bài 3: Trong các từ sau, từ nào là từ chỉ hoạt động, từ nào là từ chỉ trạng thái
“buộc, thức, lăn, ngủ, lấp, phát triển, giơ, cắt, bay, nghi ngờ, tưởng tượng, ngồi”
Hướng dẫn đáp án:
- Trong các từ trên thì từ chỉ hoạt động là các từ: buộc, lăn, lấp, giơ, cắt, bay, ngồi.
- Từ chỉ trạng thái là các từ: thức, ngủ, phát triển, nghi ngờ, tưởng tượng.
Tham khảo: