Các hình thức liên kết kinh tế quốc tế
Chúng tôi xin giới thiệu bài Các hình thức liên kết kinh tế quốc tế được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Các hình thức liên kết kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế là xóa bỏ các sự khác biệt kinh tế giữa các nền kinh tế thuộc các quốc gia khác nhau theo quan niệm đơn giản và phổ biến trên thế giới là việc nền kinh tế gắn kết lại với nhau.
Hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện qua 5 hình thức từ thấp đến cao có thể chia thành:
1. Khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area)
Đây là một liên minh quốc tế giữa hai hoặc nhiều nước nhằm mục đích tự do hóa thương mại về một hoặc một số nhóm mặt hàng nào đó thông qua các biện pháp:
- Bãi bỏ hàng rào thuế quan và các biện pháp hạn chế số lượng đối với các loại sản phẩm và dịch vụ khi trao đổi, mua bán giữa các nước thành viên.
- Tiến tới tạo lập một thị trường thống nhất về hàng hóa và dịch vụ.
- Mỗi nước thành viên vẫn có quyền độc lập tự chủ trong quan hệ buôn bán với các quốc gia ngoài khối, tức là vẫn có thể thi hành chính sách ngoại thương độc lập đối với các nước ngoài liên minh.
Ví dụ như AFTA là những liên kết tiêu biểu thuộc hình thức này. Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (viết tắt là AFTA từ các chữ cái đầu của ASEAN Free Trade Area) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương giữa các nước trong khối ASEAN. Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%, loại bỏ dần các hàng rào phi thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa thủ tục hải quan giữa các nước.Sáng kiến về AFTA vốn là của Thái Lan. Sau đó hiệp định về AFTA được ký kết vào năm 1992 tại Singapore. Ban đầu chỉ có sáu nước là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (gọi chung là ASEAN-6). Các nước Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam (gọi chung là CLMV) được yêu cầu tham gia AFTA khi được kết nạp vào khối này. Liên kết khu vực mậu dịch tự do (AFTA) trong ASEAN nhằm mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các hàng rào cản trở thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu trong nội bộ các nước cùng khối. Sự liên kết đó được thực hiện trong Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) được ký kết năm 1992. Theo CEPT các nước thành viên của AFTA phải giảm mức thuế quan xuống 0-5% và loại bỏ các giới hạn về định lượng và các rào cản phi thuế quan khác trong vòng 10 năm kể từ năm 1993.
2. Liên minh thuế quan hay đồng minh thuế quan (Customs Union)
Đây là một liên minh quốc tế nhằm tăng cường hơn nữa mức độ hợp tác giữa các nước thành viên. Theo thỏa thuận hợp tác giữa các quốc gia, bên cạnh việc bãi miễn thuế quan và những hạn chế về mậu dịch giữa các nước thành viên còn cần phải thiết lập một biểu thuế quan chung của khối đối với các quốc gia ngoài liên minh. Điểm khác biệt so với hình thức Khu vực mậu dịch tự do là hình thức này thiết lập một biểu thuế quan chung, thực hiện chính sách cân đối mậu dịch của các nước thành viên đối với phần còn lại của thế giới.
Ví dụ như Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) là một ví dụ đặc trưng cho hình thức liên hiệp thuế quan được thành lập vào năm 1957 bao gồm 6 nước thành viên đó là Tây Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Lucxembua, và Hà lan. Giai đoạn này hoàn tất vào tháng 7/1968.
3. Thị trường chung (Common Market)
Đây là một liên minh quốc tế ở mức độ cao hơn liên minh thuế quan. Hình thức liên kết này áp dụng các biện pháp tương tự như liên minh thuế quan trong việc trao đổi thương mại nhưng nó đi xa thêm một bước là hình thành thị trường thống nhất cho phép tự do di chuyển tư bản và lao động giữa các nước thành viên với nhau.
Ví dụ Cộng đồng kinh tế Châu Âu trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1980, tiến trình xây dựng thị trường chung bị chậm lại do khủng hoảng kinh tế và sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods. Từ năm 1980 đến năm 1982 đây là giai đoạn hoàn thành việc thành lập thị trường chung xóa bỏ đường biên giới nội bộ, đưa ra nguyên tắc công nhận lẫn nhau và tạo điều kiện cho sự lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ, sức lao động, và vốn đầu tư .
4. Liên minh tiền tệ (Monetary Union)
Đây là một liên minh quốc tế chủ yếu trên lĩnh vực tiền tệ trong đó các nước thành viên thực hiện thống nhất các giao dịch tiền tệ, thống nhất về đồng tiền dự trữ và phát hành đồng tiền tập thể cho các nước trong liên minh. Đây là một hình thức liên kết kinh tế tiến tới phải thành lập một quốc gia kinh tế chung với những đặc trưng sau:
- Xây dựng chính sách kinh tế chung trong đó có chính sách ngoại thương chung.
- Hình thành đồng tiền chung thống nhất thay cho đồng tiền riêng của các nước thành viên.
- Thống nhất chính sách lưu thông tiền tệ.
- Xây dựng hệ thống ngân hàng chung thay cho các ngân hàng trung ương của các nước thành viên.
- Xây dựng chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng chung đối với các nước ngoài liên minh và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.
Một ví dụ rõ nét để minh họa cho hình thức liên kết này chính là liên minh Châu Âu (EU) sau khi hiệp ước Maastricht, các nước tiến hành thành lập Liên minh tiền tệ Châu Âu (EMU). Ngày 1/1/1999 chính thức cho ra đời đồng EURO. Ngày 1/1/2002, đồng EURO tiền mặt được đưa vào lưu hành và việc đổi tiền EURO diễn ra trong 6 tháng. Từ ngày 1/7/2002, các đồng tiền của các nước thành viên thay thế bằng đồng EURO.
5. Liên minh kinh tế (Economic Union)
Đây là hình thức liên kết kinh tế quốc tế với mức độ cao hơn về sự tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, sức lao động và tư bản giữa các nước thành viên, đồng thời có biểu thuế quan chung áp dụng với các nước không phải là thành viên. Liên minh kinh tế thực hiện thống nhất, hài hòa các chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ giữa các nước thành viên.
Liên minh Châu Âu là một mô hình liên kết khu vực ở mức độ cao với đồng tiền chung, chính sách kinh tế chung, chính sách ngoại giao và an ninh chung. EU có các thể chế siêu quốc gia như ủy ban Châu Âu, nghị viện Châu Âu, Tòa án Châu Âu, Ngân hàng Châu Âu.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các hình thức liên kết kinh tế quốc tế về đặc điểm của khu vực mậu dịch tự do, liên minh thuế quan hay đồng minh thuế quan, thị trường chung, liên minh tiền tệ và liên minh kinh tế...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Các hình thức liên kết kinh tế quốc tế. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn nhé. Ngoài ra, để giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.