Cách duy trì quy tắc cho học sinh tiểu học

Việc giữ vững kỷ luật trong lớp tiểu học là điều không hề dễ dàng đối với các thầy cô vì các bé còn nhỏ, chưa quen với kỷ luật. Mời các thầy cô hãy tham khảo một số mẹo giữ kỷ luật trong lớp trong bài viết sau đây của VnDoc để áp dụng vào các lớp học của mình nhé.

10 biện pháp duy trì kỷ luật trong lớp

Bên cạnh nội quy lớp học tiểu học thì biện pháp duy trì kỷ luật trong lớp cũng rất quan trọng. Vậy giáo viên cần xây dựng nội quy lớp học tiểu học và thiết lập kỷ luật như thế nào để đạt hiệu quả. Cùng tham khảo:

1. Xác định quy tắc quan trọng nhất

Xác định các quy tắc quan trọng nhất. Bạn hãy nghĩ về các nguyên tắc giúp duy trì một môi trường học tập hứng khởi và an toàn. Đặt ra các các luật lệ hướng đến mục đích này. Các quy định sẽ khác nhau tùy vào lứa tuổi của học sinh và các loại lớp học mà bạn đang dạy. Một số quy tắc mẫu có thể bao gồm:

  • Tôn trọng mọi người.
  • Chăm sóc bản thân.
  • Giữ gìn tài sản của lớp.
  • Giơ tay khi muốn phát biểu hoặc khiến ai đó chú ý.

2. Chọn không quá 5 quy tắc cho lớp học.

Điều này sẽ giúp học sinh dễ nhớ hơn. Các quy tắc này sẽ hướng dẫn các hành vi trong nhiều tình huống khác nhau, như vậy bạn sẽ không phải nhắc lại mỗi khi sự việc xảy ra

3. Đảm bảo học sinh hiểu rõ các quy định.

Dành ít thời gian trong ngày đầu tiên trẻ đến lớp để nói về các luật lệ trong lớp học. Giải thích ý nghĩa của từng điều trong quy định của lớp. Đưa ra ví dụ cho trẻ thấy như thế nào là tuân thủ đúng hoặc không đúng.

Giữ kỷ luật lớp tiểu học

4. Đặt ra các hình phạt.

Cho học sinh biết về các hình phạt nếu trẻ vi phạm quy định. Các hình phạt có thể tăng dần theo từng cấp độ, chẳng hạn như cảnh cáo, tiếp theo là ở lại sau giờ học, tiếp theo nữa là cấm túc, cao hơn nữa là lên gặp hiệu trưởng, v.v...

Bạn có thể đặt ra thời gian ra ngoài hoặc nghỉ giải lao cho học sinh ở lớp nhỏ. Các em học sinh còn nhỏ tuổi vi phạm quy định nên được đưa ra ngoài vài phút để lấy lại sự tập trung, sau đó có thể vào lớp.

5. Đăng các quy định trong lớp học.

Làm một tấm bảng ghi các quy định và treo lên trong lớp học. Sử dụng những câu tích cực khi ghi quy định. Ví dụ, thay vì ghi “Không xô đẩy người khác”, bạn có thể ghi “Tôn trọng người khác.”

6. Yêu cầu học sinh cam kết tuân theo quy định.

Bạn hãy yêu cầu học sinh thể hiện sự đồng ý với bạn về các quy định. Học sinh có thể ký vào bản cam kết hoặc chỉ cần giơ tay. Như vậy là các em đã hứa tuân thủ quy định của lớp.

Một cách khác để học sinh tin tưởng vào quy định là để cho các em làm chủ các quy định đó. Lấy ý kiến khi thiết lập các luật lệ cho lớp học.

Thỉnh thoảng dành thời gian nói về các quy định và cùng ôn lại với học sinh.

7. Sử dụng cách truyền đạt không lời.

Việc sử dụng các ký hiệu bàn tay, cử chỉ cơ thể và các chiến thuật khác có thể hữu ích trong việc thu hút sự chú ý của học sinh. Ví dụ, bạn có thể tắt và bật đèn khi đến giờ kết thúc một hoạt động nào đó.

Các ký hiệu bàn tay đặc biệt có hiệu quả đối với học sinh cấp tiểu học. Việc thỉnh thoảng thay đổi các tín hiệu không lời sẽ giúp trẻ không bị nhàm chán.

8. Khen ngợi học sinh vì hành vi tốt.

Nêu gương của các học sinh ngoan bằng cách cho các em biết mỗi khi các em tuân thủ quy định. Bằng cách chỉ ra một hành vi tốt là như thế nào, bạn sẽ giúp trẻ biết cách làm theo hành vi đó.

Đảm bảo khen ngợi nhiều học sinh khác nhau. Đừng lúc nào cũng chỉ khen một số em nhất định.

9. Huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh từ sớm.

Việc liên lạc với cha mẹ trẻ sẽ giúp ích nếu các vấn đề kỷ luật xảy ra ở cấp tiểu học. Cân nhắc đến việc này trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng. Sự can thiệp sớm có thể uốn nắn các hành vi không phù hợp của trẻ.

10. Cung cấp cho học sinh các công cụ tương tác với nhau.

Củng cố sự tương tác tích cực bằng cách trao cho trẻ các công cụ để giải quyết bất đồng và hiểu lầm. Các công cụ giao tiếp có thể giúp hóa giải các vấn đề tiềm tàng về mặt kỷ luật.

Ví dụ, bạn hãy dạy học sinh rằng các em phải xin phép bạn khi lấy một thứ gì đó. Em học sinh đó cần nhìn thẳng vào học sinh kia, chờ cho đến khi bạn mình lắng nghe, và hỏi một cách lịch sự.

Dạy học sinh cách giải quyết bất đồng. Ví dụ, bạn hãy bảo các em bình tĩnh nhìn vào nhau và nói, “Mình hiểu cảm giác của bạn”. Sau đó các em có thể nói lên ý kiến của mình một cách điềm tĩnh.

Quản lý lớp học hiệu quả - Những nguyên tắc nằm lòng của giáo viên

Muốn quản lý lớp học hiệu quả, xây dựng nền nếp cho mỗi lớp học, giáo viên cần thực hiện những quy tắc cụ thể để tạo môi trường học tập tốt cho học sinh. Giáo viên cần có những biện pháp cụ thể để thực hiện điều này.

Quản lý lớp học hiệu quả bằng nội quy

Xây dựng nội quy để lấy đó làm chuẩn mực cho các hành vi xử sự trong lớp. Mỗi lớp học đều cần có nội quy riêng và hãy đảm bảo tất cả các học sinh hiểu được nội quy đó. Xây dựng nội quy cũng cần đảm bảo các nguyên tắc để học sinh có được môi trường lành mạnh, an toàn để học tập, không bị áp lực bởi nội quy quá hà khắc.

Công bằng giữa các học sinh

Công bằng là yếu tố cần thiết để học sinh cảm thấy được tôn trọng và tạo được không khí hòa bình trong lớp học. Học sinh nào cũng muốn thầy cô yêu thương mình, tuy nhiên việc thể hiện tình cảm với từng cá nhân học sinh cũng cần giáo viên phải khéo léo để những học sinh khác không cảm thấy tổn thương, không ganh tị lẫn nhau trong lớp học.

Lắng nghe và thấu hiểu học sinh của mình

Lắng nghe và thấu hiểu là hai yếu tố quan trọng để duy trì trật tự lớp học. Cá nhân từng học sinh sẽ có những nét tính cách riêng biệt, yêu cầu cần phải có cách tiếp cận và giải quyết khác nhau. Hiểu được từng cá nhân suy nghĩ thế nào sẽ là điều kiện để giáo viên gần gũi học sinh của mình hơn. Thêm vào đó, rất nhiều học sinh trở nên quậy phá, hung hăng khi bị áp đặt hoặc không được bày tỏ quan điểm. Vì thế, hãy chắc chắn rằng giáo viên đã quan tâm và để cho trẻ được nói trước khi phân xử bất kỳ hành vi nào.

Quản lý lớp học hiệu quả bằng thưởng phạt hợp lý

Áp dụng các hình thức thưởng để khuyến khích học sinh là một cách hay mà giáo viên vẫn thường sử dụng trong quản lý lớp học. Các phần thưởng sẽ khiến trẻ trở nên hưng phấn hơn khi bắt đầu một nhiệm vụ trong lớp. Với các hành vi sai trái, giáo viên cũng cần đưa ra các hình phạt để răn đe, giáo dục học sinh không tái phạm. Điều này sẽ giúp duy trì nội quy lớp học tốt hơn.

Thay đổi phương pháp dạy học thường xuyên

Phương pháp dạy học nhàm chán, đi theo lối mòn cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến học sinh làm việc riêng, nói chuyện, giảm chú ý,… trong giờ học. Hãy thay đổi điều này bằng cách lựa chọn phương pháp dạy học kiểu mới, lấy học sinh làm trung tâm. Hãy khiến học sinh luôn bận rộn với các câu hỏi và nhiệm vụ thú vị để không còn thời gian vi phạm nội quy lớp học. Sự “khó lường” trong cách truyền tải bài học sẽ làm học sinh hứng thú tham gia vào lớp học hơn nhiều lần.

Quản lý thời gian khi giao nhiệm vụ

Nếu để học sinh có thể thoải mái thời gian khi giao nhiệm vụ thì các bạn sẽ gặp phải vấn đề rằng hầu hết học sinh sẽ không thực hiện nhiệm vụ đó một cách nghiêm túc. Quản lý thời gian chặt chẽ và đốc thúc học sinh hoàn thành nhiệm vụ không chỉ khiến trẻ tập trung hơn mà còn là cách để giữ cho lớp học trật tự.

Tiếp cận với cha mẹ học sinh để quản lý lớp học hiệu quả

Luôn luôn coi trọng giáo dục từ hai phía: nhà trường và gia đình, phụ huynh sẽ hiểu được tính cách của cá nhân học sinh đồng thời là những người mong muốn học sinh hoàn thiện nhất, vì thế hãy cùng phụ huynh trao đổi và tìm ra cách quản lý học sinh phù hợp. Khuyến khích phụ huynh dành lời khen cho sự tiến bộ của con ở nhà để học sinh luôn cảm nhận được sự ghi nhận của bố mẹ cho những cố gắng của mình.

--------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Cách duy trì quy tắc cho học sinh tiểu học. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu bổ ích nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
1 3.665
Sắp xếp theo

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm