5 hiệu lệnh cho học sinh khi dạy phân môn Tiếng Việt giáo viên Tiểu học nên biết
Câu hiệu lệnh cho học sinh khi dạy phân môn Tiếng Việt
5 hiệu lệnh cho học sinh khi dạy phân môn Tiếng Việt mà giáo viên Tiểu học nên biết tổng hợp các phương pháp dạy học hay cho các thầy cô tham khảo khi giảng dạy trên lớp đạt hiệu quả cao.
1. Hiệu lệnh "viết tắt chữ cái"
Ngay từ đầu, giáo viên chú ý tập cho học sinh làm quen với cách thực hiện mọi hoạt động theo “lệnh”. Lệnh là các quy ước mà giáo viên thống nhất với học sinh khi thực hiện các hoạt động (gồm lời nói, hành động, ký hiệu). Giáo viên không nên vừa sử dụng ký hiệu vừa sử dụng lời nói để hướng dẫn học sinh cùng làm một việc. Lệnh phải dứt khoát, rõ ràng, ngắn gọn.
Khi làm quen với các kí hiệu và hiệu lệnh. Để cho học sinh sau này tiếp thu bài tốt nề nếp tốt thì giáo viên phải rèn học sinh ký hiệu và hiệu lệnh rõ ràng, chắc chắn.
Cô có thể chuẩn bị một khung có chứa các chữ cái in hoa dính ở góc bảng. Ghi chú rõ:
- O khoanh tay mắt nhìn lên bảng, không nói chuyện.
- B là lấy bảng.
- S là sách.
- V là vở.
Hình tròn hoặc vuông theo 4 mức độ. Khi giáo viên chỉ vào ô nào học sinh tự hiểu nhiệm vụ.
2. Hiệu lệnh "gõ thước"
Vào đầu năm học cô cần phải quy ước với học sinh về những hiệu lệnh để học sinh nắm, sau đó tập quen dần và tuân thủ. Cô có thể ra hiệu lệnh bằng việc gõ thước:
- Muốn học sinh đánh vần thì gõ 1 nhịp
- Muốn học sinh đọc trơn thì gõ 2 nhịp
Hoặc trong giờ học vần, học sinh khi nào phát âm, đánh vần, khi nào đọc trơn, phân tích tiếng hay luyện nói đều theo hiệu lệnh của giáo viên:
- Khi đánh vần, giáo viên dùng thước chỉ từng chữ ghi âm, khi đọc trơn giáo viên chỉ cả tiếng hoặc cả từ.
- Khi phân tích, giáo viên đặt thước nằm ngang dưới tiếng hay từ cần phân tích.
- Khi học sinh thực hành theo dãy, nhóm, giáo viên chỉ cần gọi em đầu tiên của dãy hoặc của nhóm đọc, sau đó giáo viên không cần gọi, các em sau tiếp nối nhau đọc.
3. Hiệu lệnh "Tay - mắt"
Mất trật tự, ồn ào, nói chuyện riêng không phải là chuyện hiếm gặp trong bất cứ giờ học nào. Với tất cả các giáo viên, đây thật sự là chuyện bực mình, khiến cho công việc giảng dạy bị gián đoạn. Tuy nhiên, la mắng không phải là cách tốt nhất trong trường hợp này, cô giáo hãy thật bình tĩnh và nhẹ nhàng hô khẩu lệnh như sau (có quy ước trước với học sinh).
Khẩu lệnh:
- Giáo viên: tay - học sinh: khoanh -> học sinh khoanh tay; lưng - thẳng- ngồi thẳng lưng.
- Giáo viên hô mắt - học sinh hô nhìn- học sinh nhìn lên bảng.
4. Hiệu lệnh "Tay"
Cô giáo có thể dùng hiệu lệnh đưa tay dọc- ngang để yêu cầu học sinh đọc theo nối tiếp theo hàng dọc hoặc hàng ngang. Nói chung để làm được những điều này, cả lớp phải qua 1 quá trình rèn luyện nghiêm túc.
Hoặc khi cô đưa tay về phía học sinh là mời đọc, cô xoè 2 tay là đọc đồng thanh, gõ ngang thước (1 gõ) là lật bảng con sang mặt khác, để dọc thước ở các chữ là đọc trơn, để ngang thước ở mô hình, ở chữ là đọc phân tích..…
5. Câu hiệu lệnh: Học sinh - im lặng
Cô giáo hô: Học sinh
Học sinh đáp: Im lặng
Trong một số các tiết học, học sinh mất trật tự không tập trung theo dõi bài giảng còn xảy ra rất nhiều, khiến không ít các giáo viên phải đau đầu. Và để đối phó trước tình trạng này, câu hiệu lệnh "học sinh - im lặng" đã được áp dụng. Tuy rằng đơn giản vậy thôi nhưng nhiều khi rất có tác dụng, sự ổn định nhanh chóng quay trở lại giúp các thầy cô yên tâm giảng bài.
Ngoài ra, còn một số câu hiệu lệnh tương tự như là: Học sinh - chăm ngoan, học sinh - trật tự, học sinh - ngồi ngay ngắn,... Hoặc đơn giản hơn, cô chỉ cần hô Học sinh thì học sinh sẽ ngoan và tự giác khoanh tay trên bàn.
>> Chi tiết: Trò chơi trong dạy môn Tiếng Việt ở các khối lớp tiểu học hay và thú vị nhất
Giáo viên hãy chú ý sử dụng lệnh chuẩn xác, nghiêm túc, đồng nhất. Trong giờ học hãy luôn yêu cầu học sinh phải tập trung chú ý mới có thể thực hiện tốt theo lệnh của giáo viên. Khi thực hiện giao các lệnh, giáo viên chỉ giao lệnh một lần, không nhắc đi nhắc lại, không làm đi làm lại tạo cho học sinh một tư duy không tốt. Khi một em không nghe rõ, nhìn rõ lệnh hoặc không thực hiện được lệnh thì không nhắc lại mà mời một học sinh ngồi bên cạnh nhắc lại cho bạn rõ. Khi thực hiện phải để tất cả học sinh cùng thực hiện xong lệnh đó rồi mới chuyển sang lệnh khác. (VD như khi viết nét, viết chữ…). Nếu áp dụng hiệu thường xuyên liên tục thì sẽ tạo thành phản ứng có điều kiện với học sinh, giáo viên sẽ đỡ rất nhiều.