Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Làm thế nào khi Học sinh mất tiền trong lớp?

Học sinh mất tiền trong lớp?

Làm thế nào khi Học sinh mất tiền trong lớp? là một trong các tình huống sư phạm thường gặp. Dưới đây là cách giải quyết cho các thầy cô cùng tham khảo.

Tình huống sư phạm Học sinh mất tiền trong lớp sau đây được đúc kết từ nhưng kinh nghiệm thực tế để các thầy cô tham khảo nâng cao công tác chủ nhiệm. 

Tình huống sư phạm Học sinh mất tiền trong lớp

Hồi trống báo hiệu bắt đầu tiết học thứ hai vang lên, tôi bước vào lớp. Nhưng bài học mới chỉ bắt đầu được vài phút thì một em học sinh đứng lên thất thanh: “Thưa… ưa… ưa… cô em bị mất tiền. Em mang tiền đi đóng quỹ lớp mà sau giờ ra chơi em vào thì đã không thấy đâu".

Cả lớp nhốn nháo, em học sinh không ngừng khóc. Vào hoàn cảnh của tôi lúc đó bạn sẽ làm gì?

1. Bạn yêu cầu học sinh đó ngồi xuống và nói: “Tiền em mang đi thì phải cất giữ cẩn thận, bây giờ trót mất rồi cô biết làm thế nào”, và khuyên em đó đành cho qua vì cũng không đáng là bao.

2. Bạn dừng ngay bài giảng của mình và tiến hành truy tìm thủ phạm.

3. Bạn ân cần nói với học sinh cứ bình tĩnh ngồi xuống tiếp tục học. Sau đó bạn cố gắng kết thúc bài sớm, dành ra 10 - 15 phút để giải quyết vấn đề của em. Bạn sẽ dùng lời lẽ nghiêm khắc nhưng ân cần để thuyết phục em học sinh nào đã trót lấy tự giác trả lại cho bạn.

**********

Hướng giải quyết tình huống Số 1

Đây là vấn đề liên quan đến chuyện tiền bạc nên các em không thể tự giải quyết mà chắc chắn sẽ tìm đến sự giúp đỡ của giáo viên. Và dù số tiền đó là ít hay nhiều thì bạn vẫn phải đứng ra phân giải để chấm dứt ngay hiện tượng lấy trộm tiền của nhau trong lớp học.

Nhưng ngặt một nỗi đây là chuyện đã xảy ra trong giờ ra chơi, không một ai để ý nên chắc chắn không hy vọng gì có được nhân chứng. Chính vì thế nhiều giáo viên đã chọn cách xử lý 1 vì như thế bạn cũng không mất thời gian đi “mò kim đáy bể” mà lại làm mất tiết học của cả lớp. Và một số tiền “không đáng bao nhiêu” ấy bạn khuyên em nên về nhà xin lại bố mẹ. Nhưng như thế là bạn đã cố tình làm ngơ để cho tật xấu trộm cắp tiền của bạn bè ngang nhiên tồn tại trong lớp học. Và lần sau biết đâu lại là một em học sinh khác cũng kêu mất tiền! Bạn khuyên em nên cho qua vì theo suy nghĩ của bạn nó chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng bạn có nghĩ đến tình huống phụ huynh học sinh sẽ nghĩ gì khi con họ thông báo là bị mất tiền ngay ở trong lớp học mà cô giáo không có biện pháp gì. Còn nữa nếu đó là một em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì khoản tiền đó cũng đáng kể đấy chứ!

Cũng có nhiều người cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng ở lứa tuổi học trò nên cho dừng ngay tiết học và truy tìm thủ phạm. Trong tình huống mất tiền không rõ ràng như thế liệu bạn có chắc chắn vào khả năng “phá án” của mình? Bạn có nghĩ đến trường hợp sau một thời gian căng thẳng cố gắng đến mấy bạn cũng không thể tìm ra thì tính sao đây? Uy tín của bạn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, và cả lớp mất một tiết học, chịu đựng không khí căng thẳng nghi ngờ lẫn nhau mà vấn đề vẫn không được giải quyết. Đành rằng phương án xử lý này có thể nói lên trách nhiệm và sự quan tâm đến các vấn đề trong lớp học của bạn nhưng nó sẽ đẩy bạn vào nhiều tình huống khó xử khác và bạn rất dễ vận dụng những biện pháp “rắn” không cần thiết. Vì bạn nên biết rằng ở lứa tuổi này các em thường rất sợ bị dư luận tập thể lên án, coi thường, thậm chí hắt hủi vì tội trộm cắp tài sản của bạn là tật xấu không thể bỏ qua. Nên mặc dù có thể đã “trót cầm nhầm” nhưng vì bạn đang truy xét đến cùng và rất gay gắt nên em đó sẽ tìm mọi cách để tẩu tán “tang vật” chứ không bao giờ để bạn phát hiện ra.

Việc cần làm trước tiên trong tình huống này là bạn phải trấn an em học sinh đó để em không hoảng hốt. Bạn có thể nói: “Cô rất hiểu sự lo lắng của em nhưng em cứ bình tĩnh, đã có cô ở đây. Nhưng bây giờ đang là tiết học, chắc em cũng không muốn vì việc riêng của mình mà ảnh hưởng đến tất cả các bạn trong lớp. Cô hứa sau tiết học này cô sẽ giải quyết giúp em”. Đó cũng có thể coi là “kế hoãn binh” để bạn có thời gian suy nghĩ tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Sau đó bạn cố gắng kết thúc bài giảng của mình sớm, dành ra một khoảng thời gian để giải quyết vấn đề.

Trước tiên bạn nên khuyên em học sinh đó xem xét lại thật kỹ xem có thật sự là mất tiền không và có thể là mất ở đâu đó sau đấy mới đến lớp. Nếu sau khi em đã xem xét kỹ và khẳng định với bạn rằng đã mất trong lớp học thì vấn đề lại trở nên khá nghiêm trọng rồi đấy! Lúc này bạn cần giữ một thái độ bình tĩnh, ôn tồn để nói chuyện với các em học sinh trong lớp. Bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, có sức thuyết phục, bạn “kêu gọi” tinh thần tự giác của các em: “Cô biết lớp ta từ trước đến nay rất thương yêu nhau, đoàn kết và luôn giúp đỡ nhau trong mọi lĩnh vực. Chính vì vậy cô tin không bao giờ có trường hợp lấy trộm tiền hay tài sản của nhau. Hôm nay bạn A có mất một số tiền. Tuy đối với nhiều em đó không phải là một điều gì to tát cả, nhưng trong điều kiện hoàn cảnh nhà bạn A rất khó khăn để có thể thuyết phục bố mẹ cho lại. Vậy các em thử đặt vào hoàn cảnh của bạn A, các em sẽ hiểu và cảm thông với bạn. Cô mong rằng nếu bạn nào đã “trót” cầm hay nhặt được tiền của bạn thì cho bạn xin lại. Nếu không muốn đưa trực tiếp cho bạn thì có thể lên gặp cô để nộp quỹ cho bạn A. Cô sẽ rất cám ơn và đánh giá cao sự trung thực ấy. Các em biết không, thực ra cô không thiếu cách để truy xét các em đến cùng nhưng cô đã không làm như vậy, vì cô biết các em không bao giờ muốn điều đó và điều quan trọng là cô tin vào tình cảm của các em dành cho bạn bè cùng lớp học”.

Những lời lẽ chí tình ấy của bạn chắc chắn sẽ khiến các em tôn trọng và em nào đã trót phạm lỗi cũng có thêm dũng khí để nhận lỗi, vì em tin tưởng rằng cô sẽ không bao giờ mạt sát, phê bình em gay gắt và em vẫn có thễ giữ được tình cảm và sự tôn trọng của các bạn.

Hướng giải quyết tình huống Số 2

Dùng lời lẽ để chạm đến trái tim học sinh

Thầy/cô dùng mọi lời lẽ của mình để cho các em hiểu về hoàn cảnh khó khăn của em học sinh đó.

Những lời nói xuất phát từ trái tim như “gia đình bạn rất khó khăn, cha mẹ bạn đã phải chân lấm tay bùn, cực khổ để có được số tiền đó”, “có thể đối với nhiều bạn kinh tế khá giả hơn thì số tiền đó chẳng là bao, nhưng đối với bạn và gia đình lại là số tiền lớn”, “Nếu có số tiền đó, bạn sẽ đóng được tiền bảo hiểm để phòng những lúc ốm đau, bệnh tật gia đình không thể chi trả”… Rất nhiều những lời nói tâm huyết chạm đến trái tim của những cô cậu học trò bé nhỏ.

Sáng tạo trong cách xử lí khi học sinh mất tiền trong lớp

Sau những lời nói đó, thầy/cô lấy trong cặp ra một tệp phong bì đã được chuẩn bị sẵn. Cầm tệp phong bì trong tay thầy nói: “Bây giờ thầy/cô sẽ phát cho mỗi em một cái phong bì nhé. Chúng ta biết rõ hoàn cảnh khó khăn của bạn rồi đó. Nếu bạn nào có lỡ lấy tiền của bạn thì hãy thương bạn mà trả lại vào đây nhé”. Nói xong thầy/cô phát cho mỗi em học sinh một phong bì. Học sinh lần lượt nộp lại phong bì cho thầy/cô và ra về. Thầy/cô giáo ánh mắt vui mừng khôn xiết vì trong tệp phong bì thầy nhận lại thì đã có số tiền mà em học sinh kia bị mất.

>> Tham khảo thêm các tình huống sư phạm khác:

Đây là một tình huống tế nhị yêu cầu sự khéo léo trong cách giải quyết của mỗi giáo viên. Công tác chủ nhiệm luôn đòi hỏi ở người giáo viên ngoài các kiến thức chuyên môn thì khả năng xử lí các tình huống sư phạm sao cho khéo léo là điều hết sức cần thiết. Hi vọng bài viết trên sẽ hữu ích với các thầy cô.

Ngoài ra, các thầy cô tham khảo các tình huống sư phạm khác và hướng giải quyết: 90 tình huống thi giáo viên chủ nhiệm giỏi  Các thầy cô tham khảo các quyền lợi, các chính sách về lương, giảng dạy của nhà giáo, mẹo dạy học hay tham khảo chuyên mục: Dành cho giáo viên. Các kì thi giáo viên giỏi, thi viên chức, công chức được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên.

Đánh giá bài viết
7 23.776
Sắp xếp theo

Mẹo dạy học hay

Xem thêm