10 điều cần chú ý dành cho giáo viên mới về trường
10 điều cần chú ý dành cho giáo viên mới về trường
10 điều cần chú ý dành cho giáo viên mới về trường là những kinh nghiệm cho các giáo viên mới trúng tuyển về nhận nhiệm sở ở các trường phổ thông. Mời các thầy cô cùng tham khảo.
- 10 biện pháp đảm bảo giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm
- 90 tình huống thi giáo viên chủ nhiệm giỏi có đáp án
Hằng năm, tháng 8 là dịp các giáo viên mới trúng tuyển về nhận nhiệm sở ở các trường phổ thông. Háo hức, hạnh phúc xen lẫn lo lắng là cảm xúc gần như giáo viên mới nào cũng có, nhất là những sinh viên sư phạm mới ra trường. Một đồng nghiệp muốn chia sẻ với các bạn 10 điều.
Từ những việc nhỏ nhất như đi đứng cho đến việc giao tiếp và xa hơn là chuẩn bị bài dạy đầu tiên, tham gia sinh hoạt chuyên môn, … Lẽ hiển nhiên, không một đáp số chung nào cho bài toán “Làm thế nào để có kết quả tốt nhất khi về dạy học ở một ngôi trường mới?".
Nhưng từ những tình huống đã trải nghiệm của bản thân và hiểu về sinh viên, tôi cho rằng có “10 điều cần chú ý dành cho giáo viên mới về trường” như sau:
1) HÃY KHIÊM TỐN VÀ HỌC HỎI
Dù bạn được chuẩn bị kĩ đến đâu cho môi trường phổ thông, khiêm tốn và học hỏi không bao giờ là thừa thãi. Đặc biệt với một người “mới toanh” như bạn, và một môi trường mới mà bạn gần như chưa “biết rõ”. Hãy mạnh dạn lên tiếng khi mình không biết, hoặc đơn thuần là không rõ một điều gì đó. Nếu bạn không biết giáo viên để xe ở đâu, hãy mạnh dạn hỏi bác bảo vệ. Nếu bạn không biết phải viết sổ báo giảng như thế nào, hãy hỏi giáo viên trong tổ chuyên môn, … một cách khiêm tốn và cầu thị. Tin tôi đi, bạn sẽ học được nhiều hơn rất nhiều những gì bạn tưởng tượng, …
2) HÃY QUAN SÁT VÀ TĂNG CƯỜNG GIAO TIẾP
Một ngôi trường mới với sân trường mới, các phòng học mới, các bộ phận quản lý mới, và rất nhiều cái mới khác bạn cần biết và hiểu cách thức hoạt động. Dĩ nhiên bạn có thể hỏi ngay khi cần biết. Nhưng hãy quan sát thật kĩ, có những thứ chỉ cần quan sát bạn sẽ nhận ra câu trả lời, hoặc đôi khi là xuất hiện câu hỏi mới. Việc quan sát, hỏi gắn liền với giao tiếp với mọi người trong trường. Tăng cường giao tiếp với thái độ cầu thị, sự tự tin tạo cảm giác gần gũi hơn rất nhiều trong mắt đồng nghiệp, và nhất là, bạn sẽ dần phát hiện những góc nhỏ cực kì thú vị về ngôi trường mới.
3) HÃY GHI NHẬN
Hãy chuẩn bị cho mình một quyển sổ cá nhân để ghi nhận tất cả nhưng thông tin mà bạn quan sát và học hỏi được trong những ngày đầu đến trường. Một nội quy nào đó, một chú ý nào đó khi giải quyết công việc, tên bác bảo vệ, số điện thoại chị lao công, nội dung họp hội đồng, … tất cả đều đáng được bạn lưu tâm ghi nhận. Hãy thử và bạn sẽ cảm nhận được những ánh mắt thiện cảm từ các thành viên xung quanh.
4) HÃY QUAN TÂM ĐẾN CÁC VẤN ĐỀ CHUYÊN MÔN
Hiển nhiên, chuyên môn là vấn đề quan trọng nhất mà một giáo viên mới cần quan tâm. Câu hỏi là bạn cần quan tâm đến những yếu tố chuyên môn nào?
+ Trước hết, hãy xem thử môn của mình một tuần được phân phối bao nhiêu tiết tăng. Hiện nay các trường thường có những tiết tăng thêm này bên cạnh các tiết theo quy định của Bộ. Bạn cũng cần biết tiết tăng đó ở trường đọc tổ chức dạy như thế nào? Chỉ giải bài tập hay tùy ý giáo viên sử dụng?
+ Thứ hai, hãy quan tâm đến đề cương của trường. Thông thường các trường có chuẩn bị đề cương cho học sinh, ở một trong ba dạng: Có tóm tắt kiến thức và bài tập; Có tóm tắt kiến thức dạng điền khuyết và bài tập; Chỉ có bài tập. Vậy đề cương trường bạn thuộc dạng nào? Các bài tập trong đó được sắp xếp như thế nào? Và trên hết là các quyển đề cương đã được sử dụng như thế nào?
+ Thứ ba, hãy quan tâm đến quan điểm dạy học ở trong trường, của tổ chuyên môn. Mỗi một trường, nhiều khi lại có quan điểm chuyên môn khác nhau. Dạy kĩ lí thuyết? Tập trung nhiều bài tập? Dạy thật nâng cao? Hay chỉ dạy kiến thức thật cơ bản?
+ Thứ tư, hãy quan tâm đến cách thức ra đề và kiểm tra. Ai sẽ là người ra đề? Hay tất cả các thầy cô cùng ra đề rồi tổ trưởng chọn? Có giới hạn cho học sinh khi ra đề? Có thống nhất từ đầu năm? Và quan trọng hơn, mức độ đề khó hay dễ?
+ Thứ năm, hãy quan tâm đến các hoạt động thao giảng, tiết dạy tốt, kiểm tra hồ sơ chuyên môn, chuyên đề.
Rõ ràng, biết rõ là một lợi thế cực kì lớn cho các giáo viên mới về trường. Hãy tìm hiểu, hỏi khi không biết, hãy cho mọi người thấy bạn chuẩn bị kĩ như thế nào cho những buổi dạy đầu tiên. Một kinh nghiệm nữa có thể bạn sẽ thấy có ích, đó là hãy chuẩn bị một sổ nhật kí chuyên môn. Trong đó bạn ghi rõ kế hoạch chuyên môn của mình, tuần này sẽ dạy nội dung gì? những dạng bài tập nào? lớp nào đã đạt và chưa đạt? cần chú ý thêm gì về sau, … Và đặc biệt, hãy ghi nhận lại tất cả các ý tưởng, các tiết dạy mà bạn cho là hay, hấp dẫn. Hãy tự làm bản thân mình tốt hơn!
5) HÃY QUAN TÂM ĐẾN CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA
Các trường thường có nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến chuyên môn, thi đố vui, rung chuông vàng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thi làm đồ dùng dạy học? Hãy chuẩn bị thật tốt nếu trường bạn có các hoạt động ngoại khóa như vậy?
6) HÃY QUAN TÂM ĐẾN CÁC HOẠT ĐỘNG PHONG TRÀO
Một trường học, với chức năng giáo dục, có nhiều hoạt động phong trào được thiết kế bởi nhà trường hoặc đoàn thanh niên? Chào mừng 20/11, chào mừng 8/3, chào mừng 26/3, … với nhiều hoạt động đi kèm. Hãy biết thật rõ để có các kế hoạch tham gia hoặc sắp xếp kế hoạch chuyên môn phù hợp.
7) HÃY QUAN TÂM ĐẾN CÁC THÀNH VIÊN TRONG TỔ
Hãy quan tâm một cách chân thành, họ sẽ là người mà bạn cần học hỏi đầu tiên tại ngôi trường mới, và hơn hết, họ là những người cùng với bạn, tạo lên một bộ môn vững mạnh trong nhà trường. Bạn không nhất thiết phải mời người ta uống nước hay đến nhà họ. Hãy quan tâm, hỏi han ngay khi có cơ hội, dù nhỏ nhất, ở trên trường!
8) HÃY QUAN TÂM ĐẾN CÁC NHÂN VIÊN KHÁC TRONG NHÀ TRƯỜNG
Việc này thường bị bỏ qua bởi các giáo viên mới. Phải chăng do những vấn đề chuyên môn, hoạt động của nhà trường đã làm họ phân tâm và không còn đủ sức? Kinh nghiệm cho thấy là, mỗi cá thể trong nhà trường đều có những vai trò quan trọng nhất định. Hoạt động dạy học không thể tách rời các cá thể đó. Hãy hòa đồng và bạn sẽ thu được thiện cảm quý giá từ họ.
9) HÃY QUAN TÂM ĐẾN CÁC PHƯƠNG TIỆN HỖ TRỢ DẠY HỌC
Bạn cần biết phòng thí nghiệm ở đâu? Phòng thư viện ở đâu? Phòng máy vi tính ở đâu? Mượn và sử dụng như thế nào? Các phòng học có máy chiếu không? Có micro không? Hoạt động có tốt không? Sẽ thật tệ nếu dạy cả học kì rồi mà bạn chưa biết phòng thư viện do ai quản lý và mượn sách như thế nào?
10) HÃY QUAN TÂM ĐẾN HỌC SINH CỦA MÌNH
Đây là điều quan trọng nhất. Hãy quan tâm chân thành đến học sinh. Hãy hỏi tên các em, và nhớ tên cách em bằng mọi cách. Hãy hỏi các em về bản thân, về gia đình, về hoài bão và về những mong đợi của các em đối với thầy cô giáo. Hiểu học sinh của mình là bạn đã đi được 50% con đường trở thành giáo viên tốt. Hãy nhớ lấy!