Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tổng hợp tình huống sư phạm thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Tiểu học

Tổng hợp tình huống sư phạm thi giáo viên chủ nhiệm giỏi từ những tình huống thực tế. Bài viết tổng hợp những tình huống sư phạm thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học. Mời thầy cô cùng tham khảo chi tiết để có thêm tài liệu ôn thi.

Lưu ý: Tình huống sư phạm thi giáo viên chủ nhiệm giỏi bao gồm 36 tình huống và 60 câu hỏi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Các bạn muốn xem hết bài viết, kéo xuống dưới bài viết Tải về.

1. Tình huống sư phạm thi giáo viên chủ nhiệm giỏi

Tình huống 1: Ban giám hiệu trường sáng nay vào dự giờ đột xuất tại lớp đ/c, nhưng các em chưa trực nhật xong nên phải đứng chờ. Nếu gặp tình huống như vậy, anh (chị) sẽ xử lý thế nào?

Tình huống 2: Khi anh (chị) bước vào lớp, học sinh cả lớp đứng lên rất ngay ngắn chào cô giáo. Nhưng khi nhìn xuống dưới lớp phát hiện có một học sinh vẫn ngồi. Trước tình huống đó anh (chị) sẽ xử lí thế nào?

Tình huống 3: Anh (chị) giao cho lớp tự quản trong lúc giáo viên vắng mặt. Nhưng có phụ huynh phản ánh: để giữ trật tự thì lớp trưởng đã đánh và dọa nạt các bạn. Trong tình huống này anh (chị) sẽ xử lý như thế nào?

Tình huống 4: Trong cuộc họp phụ huynh của lớp, có một số chưa đồng tình với chủ trương tổ chức ăn bán trú của trường, lí do phải đóng thêm tiền tốn kém và điều kiện chăm sóc con ở nhà tốt hơn. Anh (chị) trình bày cách giải quyết để thực hiện được chủ trương của nhà trường.

Tình huống 5: Trong lớp, có một học sinh thường xuyên đi học muộn. Đến lớp, thường hay quên sách, vở hoặc thiếu đồ dùng học tập, là GV chủ nhiệm của lớp, anh (chị) làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Tình huống 6: Trong lớp anh(chị) chủ nhiệm có một học sinh học kém, trong giờ học thường ngủ gật, không chú ý nghe giảng. Khi anh (chị) đến gặp phụ huynh trao đổi thì mẹ của em lại xin cho con thôi học để ở nhà trông em vì bố mất sớm, mẹ phải chạy chợ kiếm tiền.

Trước tình huống này, anh(chị) phải làm gì để giúp đỡ cho học sinh.

Tình huống 7: Một hôm bước vào lớp, thấy bảng chưa lau, phòng học có nhiều mẩu giấy vụn nằm rải rác, anh (chị) gọi một học sinh ngồi bàn đầu lên xóa bảng và nhặt rác. Nhưng vừa dứt lời thì học sinh đó đứng lên nói: "Thưa cô, em không vứt giấy ra lớp và hôm nay cũng không phải đến phiên em trực nhật ạ". Nói xong, học sinh đó ngồi xuống.

Trong tình huống đó anh(chị) sẽ xử lý thế nào?

Tình huống 8: Giả sử trong lớp anh (chị) có một học sinh nghèo, bố mẹ li dị, không có đủ sách vở, đồ dùng học tập, áo quần chưa được gọn gàng, thường bị các bạn khác chế giễu, trêu chọc nên em đó mặc cảm, tự ti về bản thân, là giáo viên chủ nhiệm, anh (chị) xử lí như thế nào?

Tình huống 9: Ở lớp anh (chị) chủ nhiệm, có một học sinh bị lưu ban. Phụ huynh của em đó đã đến nhà xin cho con được lên lớp. Anh (chị) sẽ xử lí như thế nào?

Tình huống 10: Một hôm, cô giáo đang giảng bài say sưa, nhưng khi quay mặt về phía bảng thì một chiếc máy bay giấy từ dưới lớp phóng lên phía bục giảng. Cô giáo đã biết người ném máy bay là ai. Nếu gặp trường hợp như vậy, anh (chị) sẽ xử lí như thế nào?

Tình huống 11: Khi chấm bài kiểm tra, anh (chị) thấy có một học sinh năng lực chỉ ở mức trung bình nhưng bài đạt kết quả cao. Với trường hợp như vậy, khi trả bài kiểm tra anh (chị) xử lý như thế nào?

Tình huống 12: Trong khi đang có dịch đau quai bị, một học sinh ở lớp anh (chị) có biểu hiện sưng má và sốt nhẹ. Là giáo viên chủ nhiệm anh (chị) xử lý tình huống này như thế nào?

Tình huống 13: Ngày đầu tiên nhận lớp, học sinh vui vẻ và phấn khởi nên yêu cầu giáo viên hát một bài nhưng anh (chị) lại hát không hay. Anh (chị) giải quyết tình huống này như thế nào?

Tình huống 14: Trong tiết sinh hoạt lớp, khi lớp trưởng đang đánh giá sơ kết tuần thì một nhóm học sinh tranh luận làm mất trật tự. Lớp trưởng nhắc nhiều lần nhưng vẫn không có tác dụng. Là giáo viên chủ nhiệm, lúc đó anh (chị) sẽ làm gì?

Tình huống 15: Theo phân công chổ ngồi trong lớp, em A ngồi ở dãy bàn cuối. Một tuần sau, mẹ em A đến gặp giáo viên chủ nghiệm yêu cầu đổi chổ cho em lên ngồi bàn đầu. Trong trường hợp này, anh (chị) giải quyết như thế nào?

Tình huống 16: Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, có một số cha mẹ học sinh không đồng ý may đồng phục cho con. Anh (chị) giải quyết tình huống này như thế nào?

Tình huống 17: Đến giờ anh (chị) vào dạy nhưng lớp vẫn ồn ào, nhìn xuống thấy một học sinh bị mệt và đang nôn, các bạn khác sợ nên chỉ đứng nhìn. Gặp tình huống đó bạn xử lý như thế nào?

Tình huống 18: Anh (chị) dạy chính lớp con của mình. Có lời xì xầm từ phụ huynh là anh (chị) thường xuyên ưu tiên cho con mình phát biểu và thường khen ngợi con mình trước lớp. Trong trường hợp này, anh (chị) sẽ giải quyết như thế nào?

Tình huống 19: Trong giờ lao động dọn vệ sinh ở trường, giáo viên chủ nhiệm phát hiện thấy có hai học sinh tự ý bỏ về. Gặp trường hợp này anh (chị) xử lí thế nào?

Tình huống 20: Đang dạy, bất chợt có 2 học sinh tranh dành cuốn sách nên đã đánh nhau trong lớp. Trong tình huống này anh (chị) sẽ giải quyết như thế nào?

Tình huống 21: Đầu năm học, Ban giám hiệu phân công anh (chị) chủ nhiệm một lớp. Sau khi nhận lớp, anh (chị) thấy không khí học tập và các phong trào của lớp rất trầm. Giờ học, rất hiếm học sinh phát biểu xây dựng bài, các hoạt động của lớp các em cũng không hăng hái. Trước tình trạng này, anh (chị) cẩn làm gì để khuấy động phong trào của lớp ?

Tình huống 22: Trong giờ học, có một học sinh đặt ra câu hỏi mà anh (chị) không thể trả lời ngay được.

Trong trường hợp này, anh (chị) sẽ xử lý như thế nào?

Tình huống 23: Cả lớp đang chăm chú học giờ Toán theo hướng dẫn của giáo viên thì có một học sinh đi học muộn xin vào lớp. Lúc này giờ học đã được 10 phút. Gặp trường hợp nay, anh (chị) có nên cho em học sinh ấy vào lớp không? Phải làm gì để lần sau học sinh ấy không tái phạm nữa?

Tình huống 24: Một lần vì có việc bận đột xuất nên anh (chị) đã đến muộn 5 phút. Khi vừa bước đến cửa lớp đã nghe rõ tiếng học sinh trong lớp reo hò vì tưởng cô giáo không đến dạy. Gặp tình huống này anh (chị) xử lý thế nào?

Tình huống 25: Ở lớp anh (chị) chủ nhiệm có một học sinh cá biệt rất hay chọc phá và đánh bạn trong lớp, trong trường. Giáo viên đã nhiều lần nhắc nhở nhưng học sinh ấy vẫn không thay đổi, ngược lại, còn có thái độ vô lễ với giáo viên. Điều kiện gia đình em có nhiều khó khăn. Bố mẹ em bận rộn mưu sinh nên ít quan tâm đến con cái. Anh (chị) sẽ làm gì để giáo dục em học sinh đó tốt hơn.

Tình huống 26: Em A từ lớp 1 đến lớp 4 đạt học sinh giỏi trường nhưng sang lớp 5, lực học của em giảm sút, đi học không chuyên cần, đến lớp với nét mặt buồn, lo âu. Nếu là giáo viên chủ nhiệm, anh(chị) làm thế nào để giúp đỡ em học sinh đó?

Tình huống 27: Anh (chị) vào lớp dạy tiết 3 ở lớp 5A, khoảng 10 phút thì một học sinh đứng lên hốt hoảng nói với anh (chị) rằng: em mang tiền đi đóng phí Bảo hiểm nhưng giờ ra chơi vào đã không thấy đâu. Trong trường hợp này anh (chị) xử lý như thế nào?

Tình huống 28: Trong lớp anh (chị) chủ nhiệm, em Khánh Linh có năng khiếu văn nghệ được các bạn và giáo viên chọn vào đội văn nghệ của lớp, của trường. Nhưng trong cuộc họp phụ huynh, bố mẹ của em Khánh Linh một mực xin không cho em tham gia vào đội văn nghệ vì lí do vào đội văn nghệ không có ích lợi gì mà còn ảnh hưởng đến học tập. Anh (chị) phải làm gì để thuyết phục phụ huynh đồng ý?

Tình huống 29: Bố em A chất vấn cô giáo trong cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh học kỳ 1 như sau:

- Tại sao cô giáo không tổ chức bồi dưỡng Violympic cho các cháu như những năm trước?

Anh (chị) giải thích như thế nào với phụ huynh?

Tình huống 30: Trong lớp anh (chị) chủ nhiệm, có một học sinh vi phạm kỷ luật, anh (chị) gửi giấy mời phụ huynh lên để phối hợp giáo dục nhưng phụ huynh đó không đến gặp anh (chị). Anh (chị) phải làm gì?

Tình huống 31: Trong lớp có một học sinh thường xuyên đi học muộn. Là giáo viên chủ nhiệm, anh (chị) cần phải làm gì?

Tình huống 32: Theo quy định của nhà trường, ngày thứ hai đầu tuần, học sinh phải mặc đồng phục. Lớp anh (chị) có 5 học sinh không chấp hành nên ở lại trong lớp không ra chào cờ. Là giáo viên chủ nhiệm anh (chị) xử lý tình huống này như thế nào?

Tình huống 33: Lớp anh (chị) có học sinh được chọn làm liên đội trưởng nhưng bố mẹ em đề nghị với anh (chị) xin nhà trường thôi giữ chức vụ liên đội trưởng vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập. Anh (chị) xử lý tình huống này như thế nào?

Tình huống 34: Trong lớp anh (chị) chủ nhiệm có một số học sinh nam chưa ngoan, hay bị thầy cô nhắc nhở. Những em này khi gặp thầy cô giáo trong trường thường hay lảng tránh, giả vờ nhìn đi chỗ khác để không phải chào thầy cô. Anh (chị) sẽ làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Tình huống 35: Một lần đến thăm gia đình học sinh lớp mình chủ nhiệm, bắt gặp bố mẹ đang la mắng em đó, anh (chị) xử lí tình huống này như thế nào?

Tình huống 36: Khi tiếp xúc với phụ huynh của một học sinh cá biệt, phụ huynh đó năn nỉ “Trăm sự nhờ cô”. Là giáo viên chủ nhiệm, lúc đó anh (chị) phải ứng xử như thế nào?

Tài liệu thi giáo viên chủ nhiệm giỏi

2. Câu hỏi tình huống thi giáo viên chủ nhiệm giỏi

TT

Câu hỏi

Gợi ý trả lời

Câu 1

Biết đồng chí là giáo viên dạy lớp 1 có kinh nghiệm, có uy tín nên một số phụ huynh là hàng xóm thân cận có con chuẩn bị vào lớp 1 đặt vấn đề với đồng chí: Trong dịp nghỉ hè này, nhờ cô kèm cặp, hướng dẫn cho một vài cháu đọc và viết. Đồng chí ứng xử như thế nào với tình huống trên?

- Giải thích cho phụ huynh hiểu rõ yêu cầu của dạy Tiếng Việt lớp 1 hiện nay là không được dạy trước cho trẻ đọc và viết vì như thế sẽ ảnh hưởng không tốt cho việc học của cháu sau này.

- Dẫn chứng cho phụ huynh thấy ưu điểm của việc không dạy trước cho trẻ qua những trường hợp cụ thể và động viên để họ yên tâm.

Câu 2

Năm học này, trường bạn tổ chức áp dụng một số thành tố tích cực của Mô hình trường học mới. Trong quá trình tổ chức dạy học theo nhóm, phát huy tính tự quản của học sinh, do chưa có kinh nghiệm nên thỉnh thoảng lớp vẫn ồn ào làm ảnh hưởng đến các lớp xung quanh. Ban giám hiệu nhận được một số ý kiến phản ánh nên đã gọi bạn lên trao đổi. Trước tình huống này, bạn xử lí như thế nào?

- Thành thật nhận khuyết điểm và trình bày những khó khăn mà mình đang gặp đồng thời nhờ các đồng chí quản lí tư vấn thêm về kinh nghiệm để khắc phục.

- Đề nghị BGH bố trí để được dự giờ các đồng nghiệp có kinh nghiệm để học hỏi thêm.

- Hứa với BGH sẽ cố gắng để không xảy ra hiện tượng đó trong quá trình giảng dạy.

Câu 3

Trường bạn tổ chức cuộc thi “Giữ vở sạch - viết chữ đẹp”. Mong muốn lớp mình đạt kết quả cao nên giáo viên chủ nhiệm lớp 4B đã yêu cầu một số học sinh viết lại vở chính tả. Bạn có đồng ý với cách làm của đồng nghiệp không? Vì sao?

- Không đồng ý vì đó chỉ là việc làm đối phó để có thành tích cao mà không phát huy được ý nghĩa của cuộc thi, làm cho học sinh cảm thấy nặng nề và hậu quả là phản giáo dục. Vô hình dung mình đã dạy học sinh lối sống không trung thực.

Câu 4

Lớp của bạn chủ nhiệm có một học sinh bị bệnh “tự kỉ”. Đến lớp, em không học chỉ ngồi chơi một mình, thỉnh thoảng bị bạn trêu chọc. Biết được điều này, phụ huynh muốn xin cho con nghỉ học. Bạn sẽ xử lí vấn đề này như thế nào?

- Động viên gia đình rằng tự kỉ không phải không khắc phục được.

- Hứa với phụ huynh quan tâm học sinh đó nhiều hơn, không để các học sinh khác trêu chọc.

- Hướng dẫn phụ huynh cách phối hợp để động viên em hòa nhập với các bạn.

Câu 5

Vào đầu năm học, nhà trường giao cho các lớp phát động phụ huynh mua đồng phục cho học sinh. Khi họp hội cha mẹ học sinh của lớp, bạn nêu vấn đề này thì có một số phụ huynh không nhất trí vì cho rằng con họ đã có nhiều quần áo đẹp và đồng phục nhà trường không hợp thời trang. Bạn sẽ làm gì để phụ huynh nhất trí với chủ trương trên và thực hiện nghiêm túc?

- Thuyết phục để họ hiểu ra nét đẹp của đồng phục không phải ở chỗ hợp thời trang hay không mà ở chỗ phù hợp với môi trường học tập, tạo cho các em tính tập thể, đoàn kết, góp phần tạo nên vẻ đẹp chung của nhà trường.

- Chỉ cho họ thấy ngoài những ngày quy định mặc đồng phục thì học sinh vẫn được mặc quần áo khác theo sở thích thời trang nhưng phải đảm bảo phù hợp với học sinh.

Câu 6

Trong cuộc họp Hội cha mẹ học sinh đầu năm, lớp bạn chủ nhiệm có một số phụ huynh không đồng tình với chủ trương tổ chức ăn nghỉ bán trú của nhà trường vì phải đóng đậu tốn kém. Trước tình huống này, bạn xử lí như thế nào?

- Tìm hiểu xem hoàn cảnh gia đình phụ huynh có khó khăn không?

- Trình bày để phụ huynh hiểu những ưu điểm khi học sinh được ăn nghỉ bán trú tại trường: ăn ngủ đúng giờ đảm bảo sức khỏe để học buổi 2 tốt hơn; rèn luyện nếp sống tự lập từ nhỏ và nhiều kĩ năng khác khi HS sống trong tập thể.

- Kêu gọi xã hội hóa để giúp đỡ các gia đình quá khó khăn không có điều kiện cho con ở bán trú.

Câu 7

Trong khi chấm bài kiểm tra định kì, bạn thấy có một học sinh học lực bình thường nhưng có điểm bài kiểm tra rất xuất sắc. Với trường hợp này, bạn sẽ xử lí như thế nào?

- Vẫn khen học sinh có tiến bộ đột xuất và hỏi riêng xem bí quyết của em là gì để cô còn biết cách gúp đỡ bạn khác.

- Bằng cách tế nhị kiểm tra lại các kiến thức của bài đó xem có thực sự là em đã nắm chắc kiến thức hay không.

- Nhắc để học sinh đó nhớ rằng trung thực trong học tập còn quan trọng hơn cả việc được điểm cao.

Câu 8

Đầu năm học, lớp bạn chủ nhiệm có một học sinh lưu ban nhưng không thấy đến lớp. Qua tìm hiểu, bạn biết học sinh đó có hoàn cảnh rất khó khăn (bố mẹ li hôn, em ở với ông bà nội già yếu) và muốn bỏ học. Trong trường học này, bạn xử lí như thế nào?

- Đến thăm nhà học sinh đó, động viên ông bà, phân tích để học sinh thấy việc học đối với em bây giờ là quan trọng nhất để giúp em vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

- Đề xuất với nhà trường và các tổ chức khác hỗ trợ em về vật chất để em có đủ điều kiện học tập.

- Quân tâm HS đó nhiều hơn trong học tập.

Câu 9

Để hưởng ứng phong trào “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” mà Liên đội phát động, lớp bạn đã tổ chức “Nuôi heo đất”. Một hôm, học sinh phát hiện con heo đất bị moi hết tiền. Trước sự việc đó, bạn xử lí như thế nào?

- Động viên học sinh ổn định nề nếp, dạy học bình thường. Trong quá trình lên lớp, GV quan sát thái độ HS trong lớp xem có em nào có biểu hiện khác không.

- Nếu có thì cuối buổi gặp riêng học sinh đó để thuyết phục học sinh đó nhận khuyết điểm.

- Nếu cả lớp không có biểu hiện gì thì cuối buổi học, cho cả lớp ở lại để giải quyết: Tìm hiểu xem gần thời điểm mất tiền có ai là người ngoài vào lớp mình không và dặn học sinh rút kinh nghiệm trong việc bảo vệ tài sản của lớp.

Câu 10

Một hôm, đang ở nhà, bạn nhận được điện thoại của giáo viên dạy môn Âm nhạc thông báo lớp có 3 học sinh vắng học không có lí do. Qua tìm hiểu, bạn biết 3 học sinh đó bỏ học đi chơi game. Là giáo viên chủ nhiệm, bạn sẽ xử lí như thế nào?

- Đến trực tiếp nơi HS đang chơi game để đưa các em về trường.

- Phân tích để học sinh nhận ra tác hại của việc bỏ học đi chơi game.

- Phối hợp với phụ huynh bằng biện pháp nhẹ nhàng, quản lý học sinh không để các em tham gia chơi game cả khi ở nhà.

Câu 11

Một số học sinh lớp bạn chủ nhiệm có năng khiếu và rất thích múa hát. Các em được chọn vào đội văn nghệ của trường nhưng phụ huynh không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập các môn văn hóa. Là giáo viên chủ nhiệm, bạn sẽ thuyết phục phụ huynh như thế nào?

- GV gặp gỡ phụ huynh hoặc trong cuộc họp phụ huynh gần nhất, phân tích về mục tiêu giáo dục học sinh TH hiện nay để phụ huynh hiểu ra rằng tham gia văn nghệ ở trường giúp các em rèn luyện thêm được nhiều kĩ năng, phát triển năng khiếu. Mặt khác tham gia hoạt động tập thể cũng là trách nhiệm của HS để góp phần xây dựng phong trào nhà trường.

- Hứa với phụ huynh sẽ đề xuất nhà trường tập luyện vào các buổi học sinh không học văn hóa. Trường hợp học sinh đi biểu diễn, GV chịu trách nhiệm bổ sung kiến thức buổi đó.

Câu 12

Hai học sinh đánh nhau, phụ huynh của một trong hai em học sinh đó đến lớp và gọi em học sinh kia ra, đe doạ đánh em học sinh này. Cả lớp xúm quanh lại, ồn ào và mất trật tự. Là giáo viên chủ nhiệm, bạn sẽ giải quyết việc này như thế nào?

- Nhẹ nhàng yêu cầu phụ huynh đó bình tĩnh và mời lên văn phòng uống nước, trình bày rõ sự việc. Đồng thời yêu cầu cả lớp giữ trật tự.

- Yêu cầu 2 học sinh đó lên văn phòng và trình bày lại diễn biến sự việc.

- Phân tích để học sinh nhận ra lỗi và hòa giải trước sự chứng kiến của phụ huynh.

- Phân tích để phụ huynh rút kinh nghiệm lần sau không nên xông vào lớp mà cần báo trước với giáo viên để tránh làm ảnh hưởng đến trật tự lớp học.

Câu 13

Giáo viên chủ nhiệm phát sổ liên lạc cho học sinh, yêu cầu các em mang về nhà cho cha mẹ xem và ký tên. Khi thu lại sổ liên lạc, giáo viên phát hiện trong sổ liên lạc của học sinh không đúng là chữ ký cha mẹ em, mà có sự giả mạo chữ ký. Là bạn, bạn sẽ làm gì? Tại sao làm như vậy?

- Gặp riêng HS đó, nhẹ nhàng thuyết phục để học sinhtrình bày lí do vì sao không đưa sổ cho bố mẹ kí, phân tích để HS hiểu việc làm đó là sai.

- Thông báo sự việc với phụ huynh và cùng phối với gia đình để giáo dục học sinh.

Câu 14

Lớp 5A có một học sinh cá biệt mà các giáo viên chủ nhiệm trước đó đều “bó tay”. Tin tưởng vào khả năng của bạn nên đầu năm học, Ban giám hiệu đã trao đổi và muốn bạn nhận chủ nhiệm lớp đó. Bạn sẽ xử lí như thế nào?

- Chia sẻ khó khăn với nhà trường rồi vui vẻ nhận nhiệm vụ.

- Đề xuất với BGH nhờ sự phối hợp của các tổ chức trong nhà trường, các giáo viên có kinh nghiệm khác.

- Xây dựng kế hoạch giáo dục học sinh cá biệt.

Câu 15

Lớp bạn chủ nhiệm, có một học sinh vi phạm kỉ luật, bạn đã yêu cầu học sinh mời bố mẹ đến gặp cô (thầy). Ngày hôm sau, học sinh đó đã không đến lớp. Trước tình huống này, bạn sẽ xử lí như thế nào?

- Gọi điện báo ngay cho phụ huynh và hỏi xem lí do mà HS đó không đi học.

- Gặp học sinh và thuyết phục em nhận ra sai lầm và chỉ ra hướng khắc phục để em tự tin đến lớp.

- Phối hợp với phụ huynh theo dõi những biểu hiện sau đó của HS để kịp thời động viên khi em tiến bộ.

Câu 16

Khi tiếp xúc với phụ huynh của một học sinh cá biệt, phụ huynh đó năn nỉ bạn với câu "trăm sự nhờ thầy". Nếu là giáo viên chủ nhiệm, lúc đó bạn sẽ ứng xử như thế nào?

- Giáo viên chủ nhiệm cảm ơn sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh đối với bản thân sau đó nhẹ nhàng nói về vai trò và trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục con em.

- Giáo viên chủ nhiệm không quên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với gia đình để giúp đỡ học sinh không ngừng tiến bộ

Câu 17

Đến thăm một gia đình học sinh với mục đích phối hợp giáo dục em A một học sinh học kém, cha mẹ em đã ngỏ ý đành xin cho con thôi học. Trước tình huống này, bạn sẽ xử lí như thế nào?

- Trao đổi cụ thể với cha mẹ của học sinh đó, động viên mẹ học sinh tạo điều kiện cho em tiếp tục đi học vì đây là trách nhiệm của các bậc cha mẹ và nhu cầu tối thiểu của trẻ em có quyền được học hành, học tập vì tương lai của em sau này.

- Ngoài ra giáo viên cần xây dựng kế hoạch để có thể giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn trước mắt.

- Phối hợp với địa phương, nhà trường các tổ chức Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên trên địa bàn hỗ trợ để gia đình đó có điều kiện phát triển kinh tế tăng thu nhập.

Câu 18

Bạn đến thăm gia đình học sinh lâu nay có biểu hiện sụt giảm về học tập với ý định tìm hiểu nguyên nhân và nhờ phụ huynh phối hợp giúp đỡ nhưng lại gặp đúng lúc bố mẹ em đang la mắng em đó. Bạn sẽ xử sự thế nào?

Giáo viên chủ nhiệm vào nhà và đặt vấn đề một cách thẳng thắn, khéo léo:

- Hôm nay tôi đến thăm gia đình để trao đổi với các bác về những tiến bộ cũng như một vài điểm cần góp ý thêm với em. Đồng thời cũng mong hai bác cho nhận xét về tình hình em ở nhà ra sao?... Sau khi để gia đình giãi bày tình hình, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục góp ý và bàn biện pháp phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình để học sinh học tiến bộ hơn.

Câu 19

Một học sinh khá trong lớp vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, phụ huynh đến trình bày với giáo viên chủ nhiệm xin cho con nghỉ học để giúp đỡ gia đình. Nếu là giáo viên chủ nhiệm, bạn sẽ ứng xử ra sao?

- Giáo viên chủ nhiệm phản ánh với gia đình: Em đó là một học sinh khá trong lớp đang có nhiều triển vọng, vì em còn chưa đến tuổi lao động nên nhà trường rất tiếc nếu em phải nghỉ học.

- Giáo viên chủ nhiệm cũng mong gia đình cho biết những khó khăn cụ thể để giáo viên chủ nhiệm sẽ bàn bạc với tập thể lớp, Hội cha mẹ học sinh, Hội khuyến học của địa phương có biện pháp giúp đỡ cụ thể.

Câu 20

Lớp bạn có một học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường. Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải đưa em đó về tận nhà để nói chuyện với bố mẹ. Nhưng khi chưa kịp để giáo viên trình bày xong, bố của em học sinh đó đã đứng dậy tát em học sinh tới tấp vì đã làm “xấu mặt” gia đình. Lúc đó, bạn xử lý sao đây?

- Bạn can thiệp không cho người bố tiếp tục đánh học sinh đó. Đồng thời bạn dùng những lời lẽ giải thích cho vị phụ huynh hiểu đó không phải là cách giáo dục hay và yêu cầu gia đình cùng phối hợp với nhà trường để giáo dục em.

- Bạn phải giải thích cho phụ huynh hiểu nhà trường luôn coi trọng vai trò của gia đình trong việc phối hợp để giáo dục học sinh, nhất là khi chúng phạm lỗi.

- Chỉ có sự nhẹ nhàng, ân cần nhưng tuyệt đối nghiêm khắc mới có tác dụng khi chúng có lỗi. Bạo lực hay sự xúc phạm quá đáng chỉ khiến chúng dễ nảy sinh tâm lý chống đối và trở nên ương ngạnh hơn mà thôi.

Các tình huống thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Tiểu học trên đây được đúc kết từ nhưng kinh nghiệm thực tế để các thầy cô tham khảo nâng cao công tác chủ nhiệm. Các thầy cô tham khảo các quyền lợi, các chính sách về lương, giảng dạy của nhà giáo, mẹo dạy học hay tham khảo chuyên mục: Dành cho giáo viên. Các kì thi giáo viên giỏi, thi viên chức, công chức được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn bản giáo dục

    Xem thêm