Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận của anh chị về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ

Cảm nhận của anh chị về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi chi tiết bài viết dưới đây.

Dàn ý Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả Hàn Mặc Tử và bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

2. Thân bài

a. Khổ thơ thứ nhất

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”: Câu hỏi làm sống dậy kỷ niệm về thôn Vĩ trong tâm hồn đằm thắm và thơ mộng của Hàn Mặc Tử.

Cảnh buổi sớm nơi thôn Vĩ: Nắng mới lên, chiếu sáng, lấp loáng những hàng cau vượt lên trên các mái nhà và những tán cây.

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”: những vườn cây tươi tốt, xum xuê của Vĩ Dạ bao bọc, gắn với ngôi nhà xinh xinh thành một cấu trúc thẩm mĩ chặt chẽ.

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Đã gọi là cách điệu hóa thì không nên hiểu theo nghĩa tả thực, tuy rằng cách điệu hoá cũng xuất phát từ sự thực: thấp thoáng đằng sau những hàng rào xinh xắn, những khóm trúc, có bóng ai đó kín đáo, dịu dàng, phúc hậu.

b. Khổ thơ thứ hai

"Gió theo lối gió mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay": làn gió thổi rất nhẹ, không đủ cho mây bay, không đủ cho nước gợn, nhưng gió vẫn run lên nhè nhẹ cho hoa bắp lay.

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?": Phải ở trong mộng thì sông mới có thể là “sông trăng” và thuyền mới có thể “chở trăng về” như một du khách trên sông Hương... Hình ảnh thuyền chở trăng không gì mới, nhưng “sông trăng” thì có lẽ là của Hàn Mặc Tử.

c. Khổ thứ ba

"Mơ khách đường xa khách đường xa/Áo em trắng quá nhìn không ra": Mờ ảo vì “khách đường xa” và “nhìn không ra” nhưng có thực vì “áo em trắng quá”. Hình ảnh biết bao thân thiết nhưng cũng rất đỗi xa vời. Xa, không chỉ là khoảng cách không gian mà còn là khoảng cách của thời gian, và mối tình cũng xa vời – vì vốn xưa đã gắn bó, đã hứa hẹn gì đâu. Vì thế mà “ai biết tình ai có đậm đà?”

“Ai” là anh hay là em? Có lẽ là cả hai. Giữa hai người (Hàn Mặc Tử và cô gái mà nhà thơ đã từng thầm yêu trộm nhớ) là “sương khói” của không gian, của thời gian, của mối tình chưa có lời ước hẹn, làm sao biết được có đậm đà hay không? Lời thơ cứ bâng khuâng hư thực và gợi một nỗi buồn xót xa.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

đây thôn vĩ dạ

Văn mẫu Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 1

Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, thiên nhiên xứ Huế mộng mơ. Bức tranh ấy neo đậu trong lòng nhà thơ và neo lại trong lòng người đọc nhiều dư âm.

"Đây thôn Vĩ Dạ" là bài thơ được ghi sau một bức ảnh được gửi từ người con gái xứ Huế. Khi ấy Hàn Mạc Tử đang ở Quy Nhơn dưỡng bệnh. Nỗi nhớ mong, hoài niệm về con người và thiên nhiên xứ Huế, Hàn Mặc Tử đã viết bài thơ tuyệt đẹp này.

Thiên nhiên trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" dường như cũng mang nhiều gam màu, nhiều cung bậc lẫn lộn trong chính cảm xúc của nhà thơ.

Mở đầu bài thơ là lời trách móc nhẹ nhàng, tình tứ người "khách xa" sao lâu nay không về Huế chơi:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Tứ thơ thật đẹp, thật tinh tế và ẩn chứa nội dung sâu xa. Nỗi nhớ về Huế được tác giả gửi gắm qua lời trách yêu nhẹ nhàng này. Hàn Mạc Tử đã dẫn dụ người đọc khám phá một bức tranh xứ Huế nhiều nét đẹp riêng.

Sau lời trách móc ấy, một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, tràn đầy sức sống hiện ra:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Bức tranh thiên nhiên xứ Huế vào buổi sáng ban mai tinh khôi, trong lành. Ánh nắng đầu ngày luôn tinh khô, tràn đầy sức sống nhất. Dường như ánh nắng đang lên cao trên những hàng cau dài thẳng tắp. Từ "nắng" được lặp lại hai lần như nhấn mạnh bầu không khí trong lành nhất ở xứ Huế mộng và thơ. Một khu vườn hiện lên thật xinh xắn và tươi đẹp. "Vườn ai" phiếm chỉ một địa danh cụ thể nào đó nhưng tác giả ẩn ý không nói ra. Màu xanh "như ngọc" của khu vườn khiến cho bức tranh bừng lên sức sống. Không phải xanh non, xanh rì mà là "xanh mướt". Từ "mướt" làm mềm cả câu thơ và khiến cho khung cảnh trở nên hiền dịu và nên thơ hơn

Đến câu thơ cuối dường như hình ảnh con người mới xuất hiện. Mặt chữ điền là khuôn mặt phú hậu, hiền lành của người con trai. Cây trúc biểu tượng cho chí trí nam chi. Có lẽ có "khách đường xa" nào đã ghé thăm xứ Huế, nhưng chỉ là ghé thăm một cách thầm lặng như vậy.

Qua ngôn ngữ điêu luyện, giọng văn nhẹ nhàng, Hàn Mạc Tử đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên xứ Huế nên thơ nhất. Tuy nhiên sang đến khổ thơ thứ hai thì dường như bức tranh thiên nhiên ở đây đã bắt đầu chuyển màu:

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Có một sự chia ly, tan vỡ ở trong hai câu thơ. Mây và gió vốn chung đường nhưng trong thơ Hàn Mạc Tử lại chia lìa đôi ngả. Hình ảnh hoa bắp ven bờ sông hương lay nhẹ rơi rụng xuống mặt nước khiến người đọc liên tưởng đến sự nổi trôi, bấp bênh của một đời người. Thiên nhiên ở đây vẫn đẹp, nhưng đẹp mang nỗi buồn mênh mang và sâu thẳm.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Xứ Huế với một đêm nên thơ, tràn ngập ánh trăng nhưng dường như tác giả đang thấp thỏm, lo âu điều gì đó. Từ "kịp" khiến cho mạch thơ vỡ ra, vội vàng và gấp gáp hơn. Tác giả đang hỏi ai hay hỏi chính bản thân mình

Và đến khổ thơ cuối thì dường như thiên nhiên đã chuyển sang gam màu khác, mờ ảo, huyền diệu hơn:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ai biết tình ai có đậm đà

Một đêm trăng mờ ảo, sông nước mênh mông khiến tác giả có cảm giác như mọi thứ đang ở trong cõi hư không. Màu trắng bao trùm lấy khổ thơ cuối. Sự mộng mị của cảnh sông nước khiến cho tác giả thấy mình chới với, không có điểm tựa. Câu hỏi cuối cùng của bài thơ là một câu hỏi da diết và day dứt, nó như một điệp âm cứ thổn thức mãi trong lòng tác giả.

Bức tranh thiên nhiên của xứ Huế có sự chuyển biến qua ba khổ thơ theo hướng hư không, mờ ảo dần. Tuy nhiên người đọc vẫn nhận ra được sức sống tràn trề, nét đẹp tinh khôi của một bức tranh thiên nhiên ở Huế.

"Đây thôn Vĩ Dạ" là một bức tranh về xứ Huế vừa tươi đẹp, vừa mộng mơ, vừa huyền ảo khiến người đọc có cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 2

Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn của nhịp thở con tim, thơ diễn tả rất thành công những cung bậc cảm xúc của con người, niềm vui nỗi buồn, sự cô đơn, tuyệt vọng…. Có những tâm trạng của con người chỉ có thể diễn tả bằng thơ. Vì vậy thơ không chỉ nói hộ lòng mình mà còn là tiếng nói của trái tim về một mối tình dường như vô vọng. Bằng tâm hồn tinh tế của một người nghệ sĩ, cùng với phong cách thơ độc đáo, Hàn Mặc Tử đã rất thành công khi miêu tả cảnh vật Thôn Vĩ Dạ và gửi gắm những tâm tư tình cảm của mình vào thơ. Đọc Đây Thôn Vĩ Dạ Người đọc sẽ thấy rõ được điều đó.

Quả không sai khi nói rằng với người làm thơ, bài thơ chính là phương tiện quan trọng để biểu đạt cảm xúc, chỉ có cảm xúc chân thật mới là cơ sở để làm nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Cảm xúc mãnh liệt trong bài thơ có sức ám ảnh trái tim người đọc mang trong mình sứ mệnh cao cả của người cầm bút. Khi sáng tạo nghệ thuật Hàn Mặc Tử đã không ngừng tìm tòi xây dựng phong cách, hướng đi cho riêng mình. Với những đóng góp đó, ông đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong nền văn học nước nhà, cũng chính là một trong ba đỉnh cao của phong trào thơ mới, là một hiện tượng Thơ rất lạ. Hồn thơ mãnh liệt luôn chất chứa sự mâu thuẫn giữa thể xác và tâm hồn vì những đau đớn vì bệnh tật nên ông luôn khát khao sống, khát khao được giao hòa, giao cảm với cuộc đời. Và tiêu biểu cho phong cách thơ của Hàn Mặc Tử có thể kể đến Đây Thôn Vĩ Dạ, đây là bài thơ được sáng tác năm 1938 lấy cảm hứng từ một mối tình của Hàn Mặc Tử với cô gái Huế tên là Hoàng Cúc, tác phẩm được in trong tập “thơ Điên” sau đó đổi thành “đau thương” xuất bản năm 1940. Đây là một bài thơ rất hay viết về thiên nhiên xứ Huế và ẩn sâu trong đó là tâm trạng bâng khuâng, một khát khao hạnh phúc của thi sĩ đa tình.

Mở đầu bài thơ là cảnh vật và con người thôn Vĩ, được gọi về từ những hoài niệm xa xăm và cũng tha thiết nhớ mong của tác giả

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

vườn ai mướt quá xanh như ngọc

lá trúc che ngang mặt chữ điền”

đoạn thơ được mở đầu bằng câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” câu hỏi đó có lẽ là sự phân thân của nhà thơ, nhà thơ hóa thân vào cô gái Huế để hờn dỗi, nhưng ẩn giấu đằng sau ấy là cả một lời mời rất chân thành, nhà thơ sử dụng từ “chơi” chứ không sử dụng từ “thăm”, bởi nếu sử dụng từ thăm thì cấu trúc của câu thơ không thay đổi, nhưng nó trở nên khách sáo, sang trọng. Còn từ “chơi” gợi lên sự thân mật, gần gũi. Mặt khác câu hỏi tu từ này cũng là nhà thơ đang tự hỏi mình, tự trách chính mình. Cảnh Huế đẹp vậy mà sao anh không về chơi? Đó là một câu hỏi lớn, khắc khoải bởi giờ đây trở về Huế chỉ còn là một niềm khát khao. Có lẽ khi viết bài thơ này, nhà thơ đang ở giai đoạn cuối của bệnh phong nên ông chỉ có thể trở về thôn Vĩ trong tâm tưởng, thế nhưng dù là trong tâm tưởng thì cảnh thiên nhiên xứ Huế vẫn rất đẹp và lung linh

“nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Bức tranh phong thủy xinh xắn và thơ mộng được hiện lên với vẻ đẹp lộng lẫy, tinh khôi. Cảnh sắc được chiêm ngưỡng từ xa đến gần “nhìn nắng hang cau nắng mới lên” điệp từ “nắng” đã tái hiện lên trước mặt người đọc một khung cảnh đầy ánh sáng, nhắc đến thôn Vĩ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí nhà thơ đó chính là những hàng cau với thân hình thẳng tắp, tán lá xanh tươi. Những hàng cau đó mang lại vẻ đẹp đặc trưng cho thôn Vĩ, cau còn lại là loài cây thân thuộc với làng quê Việt Nam với phong tục ăn trầu từ ngàn đời. Trong thơ của Nguyễn Bính có câu

Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng”

Ở đây trong thơ của Hàn Mặc Tử hình ảnh hàng cau còn có chi tiết rất khó quên, đó là hình ảnh của Hàng cau trong nắng mới, tán cau, thân cau đều được tắm mình trong nắng sớm, những giọt sương đêm còn đọng lại trở nên lấp lánh, đầy sức sống. Vườn cây thôn Vĩ xanh tốt đến mức khách ở xa về cũng phải trầm trồ

“vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

vườn ai không xác định nhưng có lẽ là vườn của cô gái Huế người mà nhà thơ vẫn luôn đợi mong, tính từ “mướt” được sử dụng rất tinh tế, diễn tả sức sống của cảnh vật “xanh như ngọc” tạo được sự quyến rũ, đồng thời nó còn tạo cho thiên nhiên nơi đây sự rạo rực trẻ trung và góp phần làm cho cảnh sắc trở nên tươi đẹp hơn, và hoàn hảo hơn khi có mặt của con người. Lá trúc che ngang mặt chữ điền, Vĩ Dạ nổi tiếng với màu xanh của trước một loại cây được trồng trước ngõ, trong tâm tưởng của nhà thơ bất chợt hiện lên mặt chữ điền lấp ló sau hàng trúc, lá trúc thì mảnh mai, mặt chữ điền gợi lên sự vuông vắn, phúc hậu… Tất cả tạo nên sự hài hòa giữa thiên nhiên của con người, Đồng thời qua đó người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của sự kín đáo, e ấp đầy thiếu nữ rất Huế.

Nếu ở khổ thơ thứ nhất, nhà thơ nhìn cảnh vật bằng sự lạc quan, yêu đời thì đến khổ thơ thứ hai đã có sự đổi khác, đó chính là sự mặc cảm về sự chia lìa xa cách, đến khổ thơ này Hàn Mặc Tử đã độc tả cảnh trời mây sông nước có một chút hoài niệm, bâng khuâng

“gió theo lối gió mây đường mây

dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

đó là hình ảnh của dòng sông Hương đang lững lờ chảy mà Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là điệu slow tình cảm dành cho Xứ Huế. Hai bên bờ là những vườn bắp với những bông hoa nhẹ nhàng, lay động thật nganh trái và chớ trêu khi ở trên cao là gió theo lối gió mây đường mây. Trong thực tế ta thấy rằng gió có thổi thì mây mới có thể bay. Đây là hai sự vật không thể tách rời, nhưng trong thơ của Hàn Mặc Tử hai chữ chia lìa vẫn đến, nó đến với cả những thứ tưởng chừng như không thể, dòng nước buồn thiu như mang trong mình một tâm trạng thiên cổ. Phải chăng đó là lúc tâm cảnh đã hướng vào ngoại cảnh bao phủ khắp cảnh vật

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Vẫn là dòng sông Hương, là xứ Huế thơ mộng nhưng không còn là nắng, không còn trời xanh mà trước mắt người đọc không gian tràn ngập ánh trăng

“Thuyền ai đâu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Hai câu thơ mang đầy màu sắc đặc trưng siêu thực của phương tây. “Thuyền ai ?” phải là thuyền của cô gái Huế, con thuyền mà nhà thơ khao khát chờ mong, “tối nay” phải chăng là giới hạn cuối cùng khi nhà thơ đang chạy đua với thời gian, với sự mong ngóng đầy khắc khoải. “Có chở trăng về kịp tối nay?” nhà thơ như ý thức được rằng nếu trăng không về kịp thì nhà thơ sẽ vĩnh viễn chìm vào thế giới đau đớn, tuyệt vọng. Nỗi hoài nghi, khắc khoải của nhân vật trữ tình được tô đậm hơn nhịp thơ 3/ 4 cùng ngữ điệu “đường xa” được lặp đi lặp lại thể hiện sự gấp gáp vội vàng

“mơ khách đường xa khách đường xa

áo em trắng quá nhìn không ra”

Từ “mơ” nằm ở đầu câu giống như trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết, mong mãi không được nên có lẽ nhà thơ phải mơ cho bớt nỗi cô đơn. Khách đường xa với màu áo trắng khiến nhà thơ choáng ngợp, nhìn không ra màu trắng, tưởng như bình thường nhưng lại gợi lên sự khác thường nó không chỉ dùng để gợi tả cảm xúc mà còn gợi cả cảm giác “trắng quá” là sự cực về màu sắc, tượng trưng cho vẻ đẹp tuyệt bích. Nhân vật “em” xuất hiện cùng với sắc “trắng quá” khiến cho câu thơ trở nên chan chứa, cảm xúc dường như con người ta càng hi vọng sẽ dễ rơi vào thất vọng, bởi những thứ nằm ngoài tầm với.

Đến hai câu thơ cuối của bài, nhà thơ đã lý giải cho việc nhìn xa ấy

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Ở đây chính là thế giới hiện thực đầy đau đớn, đối lập với thế giới ngoài kia sự sống sương khói mờ nhân ảnh là thế giới ảo ảnh của những thứ ám ảnh bởi chính nhà thơ đang cầm chiếc vé đợi tàu đi vào cõi chết. Và trong những giây phút tuyệt vọng nhà thơ lại mong tìm được hơi ấm tình người, lại phải cất lên một câu hỏi đầy hoài nghi “Ai biết tình ai có đậm đà?” câu hỏi như một tiếng kêu đau đớn mang một nỗi buồn vô vọng của nhà thơ. Với những biện pháp tu từ, nhân hóa so sánh, thủ pháp liên tưởng cùng với câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, Hàn Mặc Tử đã khắc họa trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống và ẩn sâu trong đó chính là tâm tình của tác giả.

Bài thơ đã khép lại nhưng mỗi lần đọc lại tác phẩm ta vẫn như trông thấy được sự khắc khoải đau đớn của nhà thơ ẩn trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt bích của thôn Vĩ Dạ, có lẽ đó chính là lý do vì sao dù ra đời đã lâu nhưng tác phẩm vẫn giữ nguyên được giá trị, vẫn có sức hấp dẫn với bạn đọc nhiều thế hệ.

Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 3

Chế Lan Viên từng nhận xét: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình.” Hàn Mặc Tử có một phong cách thơ vô cùng đặc biệt, ông tỏa sáng như một giọng thơ phức tạp và đầy bí ẩn. Qua giọng thơ ấy, người đọc cảm nhận được một tình yêu đau đớn hướng về trần thế, điều này đã được thể hiện vô cùng tha thiết thông qua bức tranh tâm trạng trong bài Đây thôn Vĩ Dạ.

Tấm bưu thiếp và những lời thăm hỏi của bà Hoàng Thị Kim Cúc đã gợi nên cảm hứng để nhà thơ viết Đây thôn Vĩ Dạ, thể hiện tình yêu thầm kín của mình, tâm trạng của mình trong hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Có thể xem đây là duyên cớ để nhà thơ bày tỏ tình yêu tha thiết với thiên nhiên, cuộc sống và con người.

Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ lúc ban mai, qua đó thể hiện tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với cuộc đời.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Câu hỏi tu từ kết hợp với cách gieo vần bằng một loạt thanh bằng: Vừa như lời trách móc, hờn dỗi; vừa như lời mời gọi tha thiết của người con gái thôn Vĩ. Đó cũng có thể là lời tự vấn bản thân vì sao lại không về thăm thôn vĩ. Đây là ao ước thầm kín, là niềm khao khát được trở về thôn Vĩ, được thăm lại cảnh cũ, người xưa của nhà thơ.

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Điệp từ “nắng” và hình ảnh “nắng mới lên” đã gợi lên sắc nắng ấm áp, trong trẻo, tinh khôi. “Mướt quá” là tính từ đầy gợi cảm, mượt mà óng ánh đầy xuân sắc. Sự kết hợp với đại từ phiếm chỉ “ai” khiến cho câu thơ như một lời tự thán, ca ngợi cái đẹp tột cùng. Nhà thơ đã so sánh màu xanh với ngọc, diễn tả được sự xanh trong, vừa có màu vừa có ánh. Vườn thôn Vĩ lúc này như một viên ngọc rời rợi sắc xanh, tỏa ánh sáng vào ban mai. Lúc này, một bóng hình đẹp bỗng xuất hiện:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”:

“Mặt chữ điền” là mặt của một chàng trai? Hay đó là gương mặt của một cô gái? Dẫu sao, ta vẫn có thể cảm nhận được đó là biểu tượng của nét đẹp phúc hậu, hiền lành. Nét đẹp ấy được “lá trúc che ngang”, lá trúc mảnh mai, gợi nét đẹp kín đáo, dịu dàng của con người xứ Huế. Câu thơ giàu chất tạo hình: sự hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên xứ Huế (hàng cau, lá trúc...) và bóng hình của con người (mặt chữ điền) trong vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Ta có thể cảm nhận được cảnh vườn thôn Vĩ tươi sáng trong nắng mai, với cảnh sắc bình dị mà tinh khôi, đơn sơ mà thanh tú, nghiêng về cõi thực. Thông qua bức tranh thiên nhiên ấy, ta cảm nhận được bức tranh tâm trạng của nhà thơ: niềm khát khao gặp gỡ, hòa cảm với cái đẹp.

Khổ thơ thứ hai đưa ta đến với bức tranh sông nước thôn Vĩ trong đêm trăng, từ đó cảm nhận được nỗi khát khao giao cảm với cuộc đời trần thế của nhà thơ.

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

Điểm nhìn thay đổi từ ban mai sang đêm tối, từ cảnh vườn thôn đến sông trăng, từ khung cảnh hiện thực sang không khí hư hư thực thực đầy huyển ảo. Ta cảm nhận được sự chia lìa li tán được gợi lên qua cả hình ảnh và nhịp điệu. Hình ảnh “Gió theo lối gió, mây đường mây” vận động trái với tự nhiên. Nhìn theo lô gích hiện thực thì mây và gió không thể tách rời. Đây là sự tách rời phi lí và ngang trái. Có thể thấy, sự vật được nhìn nhận không phải bằng cái nhìn thị giác mà bằng mặc cảm chia lìa. Đồng thời nhà thơ còn nhân hóa “Dòng nước buồn thiu” để nhấn mạnh nỗi buồn. “Hoa bắp lay” thể hiện sự phiêu tán, sự ra đi, lưu luyến vô vọng. Từ những hình ảnh ấy, ta nhận ra chủ thể trữ tình cảm thức về thân phận bị bỏ rơi. Nhưng sự chia lìa còn được thể hiện ở nhịp điệu khác thường. Một câu thơ thất ngôn bình thường sẽ có nhịp 2/2/3, nhưng câu thơ này lại sử dụng nhịp: 4/3. Phải chăng mỗi đối tượng bị cách li trong một khuôn nhịp riêng biệt, làm nổi bật sự lìa xa nhau. Hình ảnh và nhịp điệu quyện vào nhau khiến cho cuộc chia lìa gió mây càng sắc nét, gây nên cảm xúc đau buồn.

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Câu hỏi “Có chở trăng về kịp tối nay?” xuất hiện từ “kịp” như đang phân cách đôi bờ, như một sự hoảng sợ về những phút giây cuối cùng còn tồn tại trong cuộc đời. Mặc cảm chia lìa thấm đẫm vào vạn vật, đó là tiếng khóc cho thân phận bị bỏ rơi bên trời quên lãng của mình. Nhưng đồng thời, bởi sự chia lìa ấy, mà khát khao níu giữ hiện lên rõ rệt. Bởi chỉ một mình trăng là đi ngược lại xu thế chảy đi của những “mây”, “gió”... Từ “kịp” thì lại thể hiện sự phấp phỏng, lo âu, khát khao được gắn bó, được níu giữ. Đó là niềm thiết tha gắn bó, tha thiết đến đau thương, mãnh liệt mà vô vọng. Khổ thơ này giúp ta cảm nhận được tâm trạng hoài nghi, mong ngóng, đồng thời cũng thể hiện khát vọng hòa mình giao cảm với thiên nhiên và con người.

Khổ thơ thứ ba hiện lên một cách rõ ràng bức tranh tâm trạng của chủ thể trữ tình, đó là tâm trạng bâng khuâng, xót xa của một tâm hồn đang khao khát được yêu, khao khát sự đồng điệu, đồng cảm:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Từ “mơ” mở ra như báo hiệu một trạng thái vô thức, nhà thơ đang chìm trong cõi mộng. Điệp từ “khách đường xa” nhấn mạnh nỗi xót xa của nhà thơ, một hình bóng đẹp nhưng xa vời đến nỗi không thể nào gặp được

“Áo em trắng quá nhìn không ra”

Vì sao lại là “trắng quá nhìn không ra”? Tác giả đã cực tả sắc trắng, trắng một cách kì lạ và bất ngờ. Biện pháp hoán dụ khiến cho màu sắc không còn là màu sắc thực nữa mà là màu của tâm tưởng.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”

“Ở đây”: hiện thực, là trại phong, nơi tác giả bị cách li với thế giới bên ngoài. Lớp từ: “sương khói”, “mờ” đã nhấn mạnh sự nhạt nhòa, hư ảo, hư thực vì đó là giấc mộng của tác giả, mong được liên kết với cuộc đời nhưng không thể. Tất cả khiến cho ta cảm nhận được bi kịch hiện thực, dường như nhà thơ đang bị lưu đày, cách xa thế giới ngoài kia.

“Ai biết tình ai có đậm đà?”

Đại từ phiếm chỉ “ai” lặp lại hai lần cho thấy tiếng gọi tha thiết đầy khát vọng nhưng “khách đường xa” cứ chập chờn rồi khuất bóng. Đồng thời, câu hỏi tu từ khiến ta cảm nhận được tâm trạng đau khổ vì cô đơn, hoài nghi. Bức tranh tâm trạng của nhà thơ ở đây là sự bâng khuâng, xót xa của một tâm hồn đang khao khát được yêu, khao khát sự đồng điệu, đồng cảm.

Có thể nói, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh toàn bích về cảnh vật và con người thôn Vĩ. Ẩn sau bức tranh thiên nhiên ấy là niềm khát khao giao cảm với cuộc đời trần thế bằng tình yêu tha thiết đến đau đớn. Bài thơ đã vượt lên trên một bài thơ tình đơn thuần để chuyển tải những khát vọng về tình yêu, cuộc sống, con người. Với những giá trị như vậy, chắc chắn Đây thôn Vĩ Dạ sẽ sống mãi trong lòng những người yêu thơ Hàn Mặc Tử.

Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 4

Hàn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt và có sức sáng tạo đặc biệt nhưng luôn quằn quại đau đớn vì một căn bệnh hiểm nghèo. Ông là tác giả tiêu biểu cho "trường phái thơ loạn" xa lạ với đời thực. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử cũng có những bài thơ thật tuyệt mĩ và trong trẻo lạ thường viết về thiên nhiên, đất nước và con người như Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín...

Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Bài thơ được ông viết khi nhận được bức ảnh chụp về phong cảnh Huế kèm theo mấy lời thăm hỏi của người bạn gái có tên là Hoàng Cúc. Những kỉ niệm về vùng đất và con người xứ Huế được sống lại trong bài thơ. Lúc này, ở Quy Nhơn ông đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bài thơ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế nhưng cũng thấm đượm nỗi buồn da diết, bâng khuâng:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Câu hỏi Sao anh không về chơi thôn Vĩ có thể là câu tự vấn. Từ anh có thể là đại từ nhân xưng được dùng ở ngôi thứ nhất, mang tính chất giãi bày, thể hiện niềm nuối tiếc. Nhân vật trữ tình đã tự trách mình sao lại không về chơi thôn Vĩ. Giọng thơ đượm buồn có pha chút ân hận.

Cảnh vườn cây đẹp trong nắng ban mai với cành lá mơn mởn ướt sương, ánh như ngọc được miêu tả trực tiếp, qua những hình ảnh cụ thể, sinh động:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Rồi con người xuất hiện:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Khiến cho thiên nhiên bỗng trở nên sinh động hẳn lên. Thiên nhiên như được thổi thêm một luồng sinh khí, tạo nên nét đẹp hài hòa trong giá trị tạo hình. Ở đây, câu thơ vừa miêu tả khuôn mặt chữ điền vuông vức đầy đặn ẩn chứa bên trong cảm giác hiền lành đã bị trúc trong vườn che khuất (cảnh thực) vừa như nói đến một trở lực ngăn cách tình người.

Sau vườn cây xứ Huế là thiên nhiên xứ Huế. Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây thật đẹp, nhất là cảnh một dòng sông được tưới đẫm ánh trăng với con thuyền cũng đầy ắp ánh trăng. Nhưng tất cả đều thấm đượm nỗi buồn. Cách miêu tả thể hiện trạng thái ảo mộng của tâm hồn nhà thơ. Nếu như ở khổ thơ đầu, nỗi buồn chỉ lộ rõ ở một câu thì ở khổ thơ này, dường như nỗi buồn giăng trải ra ở khắp cả khổ thơ:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Câu thơ như xẻ ra làm hai diễn tả sự phân cách, li tán của thiên nhiên nhưng lại gợi ra sự chia ly của lòng người. Nó như lưỡi dao rạch vào nỗi đau của thân phận kẻ bị chia lìa.

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Nỗi buồn của thi nhân đã lan trải ra khắp không gian theo quy luật tâm lý người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Nguyễn Du).

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Ánh trăng huyền ảo tràn đầy vũ trụ nên không khí hư ảo. Tâm trạng mộng mơ của thi nhân dường như đã cảm nhận được tất cả: sông trăng, bến trăng, thuyền chở trăng. Khổ thơ cho thấy con người nhà thơ rất cô đơn, đang khao khát được ai đó chia sẻ, tâm sự. Có chở trăng về kịp tối nay là một câu hỏi vừa như khắc khoải, bồn chồn, vừa như hy vọng chờ đợi một cái gì đang rời xa, biết có khi nào quay trở lại.

Tiếp tục nối mạch thơ trên, khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong không gian bao la của trời, mây, sông, nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là sự hy vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Vẫn ở trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều hư hư, thực thực. Đối với thi nhân thì tất cả chỉ là sự cảm nhận.

Nhà thơ mơ thấy một khách đường xa, cảm nhận rõ một bóng hình người con gái Huế thơ mộng song không thể nắm bắt được, thoắt ẩn, thoắt hiện, áo em trắng quá nhìn không ra.

Sự hụt hẫng đến cao độ, nhà thơ muốn bấu víu, cầm nắm mà không được vì cảnh đầy màu hư ảo lẫn khói mây:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Bóng hình của giai nhân mờ ảo trong sương, nhưng cũng có thể đó là ẩn ý của người viết. Phải chăng đây là biểu tượng của cái "không đi đến đâu" trong tình yêu của Hàn Mặc Tử:

Ai biết tình ai có đậm đà?

Một câu hỏi không rõ ngôi thứ, không cần sự trả lời nhưng người đọc cũng hiểu được ý nghĩa của nó, vì những khổ thơ đầu của bài thơ đã xuất hiện những cụm đại từ vườn ai, thuyền ai và những câu hỏi như thế:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Có chở trăng về kịp tối nay?

Tâm trạng mong mỏi, khát khao bao nhiêu thì sự day dứt, buồn đau cũng tăng lên bấy nhiêu.

Tóm lại, cảnh trong Đây thôn Vĩ Dạ là cảnh của vườn quê sông nước xứ Huế. Cảnh đẹp, giàu sức sống, thơ mộng nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết. Cảnh ấy như là sự thể hiện biện chứng tâm hồn của một nghệ sỹ tài hoa nhưng đa tình, đa cảm. Mỗi khổ thơ là một câu hỏi, như một nỗi buồn day dứt lòng người. Vì vậy âm hưởng chung của bài thơ là buồn nhưng không bi lụy.

Bài thơ thể hiện một tâm trạng rất thật của nhà thơ và một tình yêu xứ Huế thiết tha. Những chi tiết hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật, cấu tứ của bài thơ đều được Hàn Mặc Tử chuyên chở bằng chính tình cảm của mình.

Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 5

Hàn Mạc Tử được biết đến là một nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt với phong cách “điên”, có đôi khi là vượt ra khỏi thế giới hiện thực, tràn ngập mộng mị. Tuy nhiên sáng tác của ông vẫn có những vần thơ về thiên nhiên mượt mà, đẹp tươi như rọi vào lòng người đọc xúc cảm mới. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, thiên nhiên xứ Huế mộng mơ. Bức tranh ấy neo đậu trong lòng nhà thơ và neo lại trong lòng người đọc nhiều dư âm.

“Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ được ghi sau một bức ảnh được gửi từ người con gái xứ Huế. Khi ấy Hàn Mạc Tử đang ở Quy Nhơn dưỡng bệnh. Nỗi nhớ mong, hoài niệm về con người và thiên nhiên xứ Huế, Hàn Mặc Tử đã viết bài thơ tuyệt đẹp này.

Thiên nhiên trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” dường như cũng mang nhiều gam màu, nhiều cung bậc lẫn lộn trong chính cảm xúc của nhà thơ.

Mở đầu bài thơ là lời trách móc nhẹ nhàng, tình tứ người “khách xa” sao lâu nay không về Huế chơi:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ

Tứ thơ thật đẹp, thật tinh tế và ẩn chứa nội dung sâu xa. Nỗi nhớ về Huế được tác giả gửi gắm qua lời trách yêu nhẹ nhàng này. Hàn Mạc Tử đã dẫn dụ người đọc khám phá một bức tranh xứ Huế nhiều nét đẹp riêng.

Sau lời trách móc ấy, một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, tràn đầy sức sống hiện ra:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Bức tranh thiên nhiên xứ Huế vào buổi sáng ban mai tinh khôi, trong lành. Ánh nắng đầu ngày luôn tinh khô, tràn đầy sức sống nhất. Dường như ánh nắng đang lên cao trên những hàng cau dài thẳng tắp. Từ “nắng” được lặp lại hai lần như nhấn mạnh bầu không khí trong lành nhất ở xứ Huế mộng và thơ. Một khu vườn hiện lên thật xinh xắn và tươi đẹp.

“Vườn ai” phiếm chỉ một địa danh cụ thể nào đó nhưng tác giả ẩn ý không nói ra. Màu xanh “như ngọc” của khu vườn khiến cho bức tranh bừng lên sức sống. Không phải xanh non, xanh rì mà là “xanh mướt”. Từ “mướt” làm mềm cả câu thơ và khiến cho khung cảnh trở nên hiền dịu và nên thơ hơn

Đến câu thơ cuối dường như hình ảnh con người mới xuất hiện. Mặt chữ điền là khuôn mặt phú hậu, hiền lành của người con trai. Cây trúc biểu tượng cho chí trí nam chi. Có lẽ có “khách đường xa” nào đã ghé thăm xứ Huế, nhưng chỉ là ghé thăm một cách thầm lặng như vậy.

Qua ngôn ngữ điêu luyện, giọng văn nhẹ nhàng, Hàn Mạc Tử đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên xứ Huế nên thơ nhất. Tuy nhiên sang đến khổ thơ thứ hai thì dường như bức tranh thiên nhiên ở đây đã bắt đầu chuyển màu:

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Có một sự chia ly, tan vỡ ở trong hai câu thơ. Mây và gió vốn chung đường nhưng trong thơ Hàn Mạc Tử lại chia lìa đôi ngả. Hình ảnh hoa bắp ven bờ sông hương lay nhẹ rơi rụng xuống mặt nước khiến người đọc liên tưởng đến sự nổi trôi, bấp bênh của một đời người. Thiên nhiên ở đây vẫn đẹp, nhưng đẹp mang nỗi buồn mênh mang và sâu thẳm.

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Xứ Huế với một đêm nên thơ, tràn ngập ánh trăng nhưng dường như tác giả đang thấp thỏm, lo âu điều gì đó. Từ “kịp” khiến cho mạch thơ vỡ ra, vội vàng và gấp gáp hơn. Tác giả đang hỏi ai hay hỏi chính bản thân mình

Và đến khổ thơ cuối thì dường như thiên nhiên đã chuyển sang gam màu khác, mờ ảo, huyền diệu hơn:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ai biết tình ai có đậm đà

Một đêm trăng mờ ảo, sông nước mênh mông khiến tác giả có cảm giác như mọi thứ đang ở trong cõi hư không. Màu trắng bao trùm lấy khổ thơ cuối. Sự mộng mị của cảnh sông nước khiến cho tác giả thấy mình chới với, không có điểm tựa. Câu hỏi cuối cùng của bài thơ là một câu hỏi da diết và day dứt, nó như một điệp âm cứ thổn thức mãi trong lòng tác giả.

Bức tranh thiên nhiên của xứ Huế có sự chuyển biến qua ba khổ thơ theo hướng hư không, mờ ảo dần. Tuy nhiên người đọc vẫn nhận ra được sức sống tràn trề, nét đẹp tinh khôi của một bức tranh thiên nhiên ở Huế.

“Đây thôn Vỹ Dạ” là một bức tranh về xứ Huế vừa tươi đẹp, vừa mộng mơ, vừa huyền ảo khiến người đọc có cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

--------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Cảm nhận của anh chị về bức tranh thiên nhiên và tâm hồn thi sĩ qua bài Đây thôn Vĩ Dạ cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 nhé. Mời bạn đọc tham khảo Soạn văn 11, soạn bài lớp 11 các bài Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 11 trong sách Văn tập 1 và tập 2.

Mời các bạn cùng tham khảo thêm các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
8
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm