Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội: Tôn trọng sự khác biệt

Nghị luận về Tôn trọng sự khác biệt là tài liệu học tập bổ ích được VnDoc biên soạn chi tiết giúp các bạn học sinh học tập thật tốt môn Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức. Mời các bạn tham khảo!

I. Dàn ý nghị luận Tôn trọng sự khác biệt

Dàn ý nghị luận Tôn trọng sự khác biệt mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: quan điểm cần phải biết tôn trọng sự khác biệt.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn các dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Sự khác biệt: những cá tính, nét riêng, đặc trưng của một người, một sự vật nào đó mà khi chỉ cần nhắc về đặc điểm đó ta sẽ hình dung ra ngay người, vật ấy.

Mỗi người, mỗi vật đều có những nét đặc trưng riêng, sự khác biệt riêng, chúng ta cần biết tôn trọng những đặc điểm đó.

b. Thân bài

Người biết tôn trọng sự khác biệt là người biết lắng nghe những quan điểm, chia sẻ, góc nhìn của người khác một cách trân trọng và tỉ mỉ. Chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của người khác nhưng không tìm cách vùi dập hoặc coi thường suy nghĩ của họ.

Từ những quan điểm, góc nhìn của người khác, chúng ta biết chọn lọc và rút ra ý nghĩa từ quan điểm đó làm bài học cho chính bản thân mình, việc rút ra bài học từ quan điểm của người khác giúp chúng ta có bài học và hoàn thiện bản thân mình hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người biết tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt của người khác để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người không biết tôn trọng quan điểm của người khác, sự khác biệt của người khác, luôn cho mình là nhất, quan điểm của mình là đúng và người khác là sai,… chúng ta không nên học theo những người này bởi đây là lối suy nghĩ chưa đúng đắn.

e. Liên hệ bản thân

Mỗi chúng ta có những sự khác biệt và người khác cũng vậy. Hãy biết tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình để xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, con người hòa đồng với nhau hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: quan điểm cần phải biết tôn trọng sự khác biệt.

Dàn ý nghị luận Tôn trọng sự khác biệt mẫu 2

I. Mở bài:

Giới thiệu về tầm quan trọng của việc chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt trong xã hội đa dạng ngày nay. Đồng thời, nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc hiểu biết và đối nhất với sự đa dạng này.

II. Thân bài:

a. Giải thích

Khái niệm về sự khác biệt: Sự khác biệt không chỉ đơn thuần là những đặc điểm về ngoại hình, tính cách mà còn bao gồm cả quan điểm, giá trị, và cách tiếp cận cuộc sống. Điều này tạo ra sự đa dạng và phong phú trong xã hội.

b. Tôn trọng sự khác biệt:

Đánh giá về tầm quan trọng của việc tôn trọng sự khác biệt. Tôn trọng sự khác biệt là việc tôn trọng quyền con người, là biểu hiện của tình thương, lòng nhân ái, và giúp gắn kết con người.

c. Chứng minh:

Sử dụng ví dụ cụ thể về những trường hợp mà việc tôn trọng sự khác biệt đã đem lại những kết quả tích cực trong xã hội. Các câu chuyện thành công về việc xây dựng sự đồng thuận và hòa bình qua việc chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.

d. Phản đề:

Đặt vấn đề về những rủi ro và hậu quả của việc không tôn trọng sự khác biệt. Những người không biết đến sự đa dạng thường dễ dẫn đến xung đột và phân biệt, làm suy yếu sự đoàn kết và phát triển của cộng đồng.

e. Liên hệ bản thân:

Mối quan hệ giữa việc tôn trọng sự khác biệt và sự phát triển cá nhân cũng như xã hội. Sự chấp nhận và hiểu biết sẽ mở ra cơ hội cho sự hòa hợp và hợp tác, giúp mỗi cá nhân và toàn cộng đồng phát triển và tiến bộ.

III. Kết bài:

Tổng kết lại vấn đề đã đề cập và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc biết tôn trọng sự khác biệt. Đồng thời, khuyến khích sự suy ngẫm và hành động tích cực từ mỗi cá nhân để xây dựng một xã hội đa dạng, bác ái và hòa bình.

II. Văn mẫu nghị luận tôn trọng sự khác biệt

1. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 1

Trái Đất mà chúng ta đang sống được xây dựng bởi sự phong phú của tự nhiên. Những cánh rừng bạt ngàn, những đại dương vô tận hay sa mạc mênh mông đều có vẻ đẹp riêng làm nên diện mạo đa dạng cho thế giới. Và con người cũng vậy, chúng ta sống trong một xã hội nhưng giữa người với người luôn tồn tại những khác biệt nhất định. Do đó, ta cần phải học cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt ấy.

Sự khác biệt chính là những nét riêng làm nên bản sắc của con người. Khác biệt tồn tại ở nhiều cấp độ từ tập thể cho tới cá nhân. Nó có thể nằm ở ngoại hình, thói quen hay quan điểm, lối sống, cung cách ứng xử. Tôn trọng sự khác biệt là một trong những yếu tố cơ bản để xây dựng một xã hội văn minh và hạnh phúc.

Theo quan niệm của phương Đông, mỗi con người là một tiểu vũ trụ. Bao trùm lấy chúng ta là vũ trụ to lớn. Trong dải ngân hà bao la, ta không thể tìm thấy hai ngôi sao hoàn toàn trùng khớp. Đến những quả trứng mà Leonardo Da Vinci vẽ còn có tròn méo khác nhau nên suy cho cùng, khác biệt chính là quy luật tất yếu của tạo hóa. Chính vì vậy, ta cần ý thức và tôn trọng điều hiển nhiên này.

Tiếp theo, bất cứ ai cũng đều có xu hướng kết thân với những người có cùng quan điểm, sở thích, tính cách. Tuy nhiên, nếu con người ai cũng giống ai như những bản photocopy thì đời sống sẽ thật nhàm chán! Những điểm trái chiều giữa chúng ta tạo nên sự phong phú cho đời sống. Nhờ có sự khác biệt mà chúng ta – những người không hoàn hảo, được bù trừ lẫn nhau, cùng nâng đỡ nhau để phát triển. Điều này đòi hỏi ở ta sự kiên nhẫn, sự đồnh cảm để đánh giá người khác khách quan và chấp nhận sự “trái dấu” ở mọi người. Tôn trọng sự khác biệt chính là tôn trọng quyền con người.

Việc tôn trọng sự khác biệt còn là biểu hiện của tình thương, lòng nhân ái, giúp gắn kết con người. Ví dụ như trong cuộc sống gia đình, thấu hiểu những khác biệt giúp xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Ở ngoài xã hội, khi biết tôn trọng những điều riêng tư của người khác, chúng ta cũng nhận được sự tôn trọng tương tự. Đừng bao giờ “dán nhãn” ai đó chỉ vì họ có khuôn mặt, màu da, giọng nói, thói quen ăn uống hay bất cứ điều gì khác bản thân ta. Những hành động như vậy sẽ gây tổn thương tinh thần và xúc phạm danh dự nghiêm trọng.

Hãy thử nhìn vào lịch sử phát triển của con người và xem sự khác biệt đã tạo nên những điều tuyệt vời nào? Trong suốt quãng đời niên thiếu của mình, Edison đã bị trêu chọc bởi sở hữu chiếc đầu to hơn các bạn cùng trang lứa. Mỗi khi cậu bé thắc mắc điều gì, cô giáo và các bạn đều cười nhạo cậu. Điều này đã khiến Edison cảm thấy khó hiểu và buồn bã. May mắn thay, người mẹ của Edison đã trân trọng mọi khác biệt ở con mình, thấu hiểu tính hiếu kì của cậu. Không có người mẹ tuyệt vời ấy, thế giới không thể có nhà bác học thiên tài Edison về sau. Tỷ phú Jack ma cũng từng nói về giá trị của sự khác biệt: “Nếu hơn 90% đám đông nói “Có” với việc duyệt một bản đề xuất, tôi chắc chắn sẽ vứt nó vào thùng rác. Nếu có nhiều người nghĩ rằng bản đề xuất là tốt, chắc chắn có nhiều người hẳn đã đi theo hướng đó, và cơ hội không còn thuộc về chúng tôi”.

Khác biệt, vốn là điều tự nhiên nhưng ngay trong xã hội hiện đại vẫn tồn tại những con người bảo thủ, cố chấp, luôn áp đặt định kiến của mình lên người khác khiến cuộc sống trở nên ngột ngại và tù túng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, một số người lại lợi dụng cụm từ “khác biệt” để biện minh cho những toan tính, sự ích kỉ của cá nhân, không tôn trọng tập thể xung quanh. Điều ta cần làm là kết hợp hài hòa giữa quan điểm cá nhân với tinh thần tập thể, dùng bản sắc của mình tô điểm màu sắc cho cuộc sống thay vì lợi dụng hay chà đạp sự khác biệt.

Để trở nên không thể thay thế, người ta phải luôn khác biệt” – Coco Chanel. Hãy luôn tự hào vì những điểm độc nhất trên con người chúng ta, nâng niu chính mình và yêu thương những người xung quanh.

2. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 2

Cuộc sống giống như một tấm tranh phong cảnh đa dạng, với mỗi con người là một nét vẽ riêng, không thể thay thế. Đa dạng trong cách sống, sự độc đáo trong tính cách, sở thích và ước mơ của mỗi người đều đóng góp vào sự phong phú của cuộc sống. Hãy tưởng tượng nếu tất cả bảy tỷ người trên trái đất này đều chia sẻ cùng suy nghĩ và hành động, thì cuộc sống sẽ trở nên cực kỳ đơn điệu. Mặc dù có thể sống hòa thuận và thân thiện, nhưng thiếu đi những "gia vị" độc đáo, cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt, thiếu sự sáng tạo và đột phá. Khái niệm "sự khác biệt trong cuộc sống" không chỉ ám chỉ sự khác biệt về ngôn ngữ, màu da hay tôn giáo, mà còn ám chỉ sự đa dạng trong tâm hồn, nhận thức, ước mơ và cá tính của mỗi con người. Sự khác biệt có thể làm cho cuộc sống trở nên phong phú và đầy ý nghĩa hơn. Sự đa dạng về địa lý, lịch sử và văn hóa của 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam không chỉ tạo ra những khoảng cách, mà ngược lại, nó làm phong phú thêm văn hóa và con người Việt Nam trong một tập đoàn đa dạng. Sự khác biệt trong phong cách văn học, quan điểm nghệ thuật của các tác giả đã tạo nên một nền văn học Việt Nam đa dạng, với nhiều thể loại và nội dung đặc sắc. Qua những ví dụ này, chúng ta thấy sự khác biệt không phải lúc nào cũng mang tính chất làm phân biệt và tách rời, mà thường là nguồn gốc của sự đa dạng và giá trị trong cuộc sống. Khi chúng ta chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, chúng ta cởi mở hơn trong việc đánh giá, trân trọng và đồng cảm với những đặc điểm riêng biệt của người khác. Khi đó, xã hội sẽ trở nên thú vị hơn với sự tham gia của các nhân tố đa dạng, góp phần vào sự phát triển và tiến bộ. Cuộc sống của mỗi người cũng sẽ trở nên hạnh phúc hơn. Hãy đón nhận sự khác biệt, bởi đó làm cho cuộc sống thêm màu sắc và tạo nên giá trị và cá tính riêng biệt cho mỗi người.

3. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 3

Con người sống trong cùng một xã hội nhưng giữa người với người luôn tồn tại những khác biệt nhất định. Điều ta cần làm là học cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt ấy.

Sự khác biệt chính là những nét riêng làm nên bản sắc của con người. Khác biệt tồn tại ở nhiều cấp độ từ tập thể cho tới cá nhân. Nó có thể nằm ở ngoại hình, thói quen hay quan điểm, lối sống, cung cách ứng xử. Việc tôn trọng sự khác biệt chính là tôn trọng quyền con người. Những điểm đối lập tạo nên sự phong phú cho đời sống như cách Coco Chanel từng nói: “Để không bị thay thế, bạn phải thật khác biệt”. Nhờ có sự khác biệt mà chúng ta biết thông cảm, kiên nhẫn, nâng đỡ nhau để cùng phát triển. Việc tôn trọng sự khác biệt còn là biểu hiện của tình thương, lòng nhân ái, giúp gắn kết con người. Trong cuộc sống gia đình, thấu hiểu những khác biệt giúp xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Khi biết tôn trọng những điều riêng tư của người khác, chúng ta cũng nhận được sự tôn trọng tương tự. Đừng bao giờ miệt thị ai đó chỉ vì họ có khuôn mặt, màu da, giọng nói, phong tục hay bất cứ điều gì ở họ khác bản thân ta. Sự khác biệt đã tạo nên những điều tuyệt vời cho cuộc sống. Nếu không có sự khác biệt, thế giới không thể có những vĩ nhân như Newton, Edison, J.K.Rowling,…

Trong xã hội hiện đại vẫn tồn tại những con người bảo thủ, cố chấp, luôn áp đặt định kiến của mình lên người khác khiến cuộc sống trở nên ngột ngại và tù túng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, một số người lại lợi dụng cụm từ “khác biệt” để biện minh cho những toan tính, sự ích kỉ của cá nhân, không tôn trọng tập thể xung quanh. Điều ta cần làm là kết hợp hài hòa giữa quan điểm cá nhân với tinh thần tập thể, dùng bản sắc của mình tô điểm màu sắc cho cuộc sống thay vì lợi dụng hay chà đạp sự khác biệt.

Mỗi chúng ta chỉ có một cơ hội để sống hết mình nên hãy luôn tự hào vì bản sắc mà ta đang sở hữu, nâng niu chính mình và yêu thương những người xung quanh.

4. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 4

Tôn trọng sự khác biệt là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày. Điều này không chỉ áp dụng trong việc tương tác với người khác mà còn mở rộng ra đến cách chúng ta đối xử với các giá trị, quan điểm, văn hóa và thậm chí là các quốc gia khác nhau. Tôn trọng sự khác biệt không chỉ là việc chấp nhận sự đa dạng mà còn là việc hiểu rõ và đánh giá cao những điểm khác biệt đó. Mỗi người đều có một lý do và quá trình hình thành nên những quan điểm, giá trị và thái độ riêng biệt. Việc tôn trọng sự khác biệt đòi hỏi chúng ta phải mở lòng để hiểu rõ hơn về người khác, không chỉ nhìn vào cái mà họ cho là đúng mà còn tìm hiểu về nền tảng văn hóa, quyền lợi, và quan điểm mà họ đang đại diện. Khi ta có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, ta sẽ có cái nhìn tự nhiên và chân thành hơn về những khác biệt đó. Tôn trọng sự khác biệt không đơn thuần chỉ là việc chấp nhận mà còn là việc đánh giá cao, tôn trọng và học hỏi từ sự đa dạng. Điều này giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, nâng cao khả năng phân tích và đưa ra quyết định tỉnh táo hơn trong cuộc sống. Sự đa dạng là nguồn tài nguyên vô hạn cho sự phát triển của mọi cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi khi, sự khác biệt có thể tạo ra sự bất đồng quan điểm, và việc duy trì tinh thần tôn trọng trong khi bảo toàn quan điểm của bản thân có thể là một thách thức. Tuy nhiên, điều quan trọng là học cách đối xử với sự khác biệt một cách văn minh và xây dựng. Để thực hiện nguyên tắc này, chúng ta cần có lòng kiên nhẫn, sự thông cảm và khả năng lắng nghe. Việc trao đổi quan điểm và tìm hiểu về nhau sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về người khác và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn. Hãy nhớ rằng sự khác biệt không chỉ làm giàu thêm cho bản thân mà còn làm cho thế giới trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn. Tôn trọng sự khác biệt là một hành động tích cực mang lại lợi ích cho cả cá nhân và cộng đồng. Đó là chìa khóa để xây dựng một xã hội hoà bình, thân thiện và phát triển. Khi mọi người đều biết tôn trọng sự khác biệt, chúng ta sẽ cùng nhau hướng tới một thế giới đa dạng và hài hòa hơn.

5. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 5

Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ luôn luôn xuất hiện những khác biệt. Những khác biệt đó là gì? Nó có thể đến từ con người, từ những hành động, lời nói, sự vật hiện tượng… Và điều quan trọng là con người đón nhận và chấp nhận sự khác biệt đó như thế nào.

Có câu nói “Họ cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau”. Sự khác biệt luôn là nguồn cơn của những thái độ, những đối xử khác biệt, bởi đơn giản khác biệt thì rất đặc biệt. Khác biệt ở đây có thể đến từ ngoại hình: màu da, chiều cao, hình dạng; cũng có thể sự khác biệt ở đây là khác biệt về văn hóa, tiếng nói, tôn giáo, dân tộc… Mỗi con người đều có những điểm đặc biệt của riêng mình và những điểm chung của nòi giống, đồng bào mình. Con người nên chấp nhận và tôn trọng những khác biệt ấy.

Bạn nhìn thấy một người có điểm bất thường trên khuôn mặt, một khiếm khuyết nào đó trên cơ thể. Vậy thì đừng vội vàng chỉ trỏ cười cợt họ. Đó là một thái độ vô cùng bất lịch sự, cho thấy bạn là một người có ý thức cùng văn hóa ứng xử rất kém. Không có ai dám đảm bảo mình là một người thực sự hoàn hảo cả. Chúng ta phải biết tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của họ nếu điều đó không ảnh hưởng gì đến chúng ta. Nhìn thấy một người châu Phi trên đường hay một người phụ nữ Hồi giáo bạn sẽ làm gì, có nhìn người ta chằm chằm không, có đưa tay chỉ trỏ, thì thầm với người đi bên cạnh về họ không, có ngoái lại nhìn họ khi đã đi qua rồi không? Nếu có thì quả thực bạn là người có lối ứng xử rất tệ hại. Tại đất nước chúng ta, họ có thể là lạ lùng, nhưng khi ta sang đất nước của họ, ta mới chính là người lập dị. Hãy thử tưởng tượng bạn đang bước đi trên một đường phố châu Âu, châu Mỹ, châu Phi hoặc một đất nước Hồi giáo, tất cả mọi người đều nhìn chằm chằm và thì thào bàn tán vẻ kì thị, giễu cợt màu da tiếng nói của bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào.

Nếu con người biết đón nhận những sự khác biệt trong cuộc sống, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau hòa đồng, hòa hợp trong một cộng đồng. Điều này sẽ giúp cho mỗi người mở rộng mối quan hệ của mình, sẽ giúp cho mọi người đến gần với nhau hơn, mọi người cùng nhau chung tay tập trung phát triển những mặt khác của cuộc sống thay vì đi soi mói, đàm tiếu về nhau. Nếu một xã hội mà sự khác biệt luôn được tôn trọng thì ở đó những rào cản thông thường sẽ không còn, con người sẽ cùng nhau vững bước, xây dựng một cộng đồng chung lớn mạnh. Ngược lại, người luôn đi săm soi, dị nghị, bàn tán người khác thì chỉ tổ mất thời gian, tâm sức suy nghĩ vào những điều không đâu. Khiến cho con người khác biệt cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Và chính sự kì thị này có thể khiến người khác khinh thường về bạn, đánh giá bạn là một con người thiếu chuyện nghiệp, không thể cố gắng hết mình.

Hãy giáo dục cho mọi người, từ trẻ em đến người lớn cách làm quen và tôn trọng sự khác biệt trong xã hội, để loài người trở nên hòa nhập hơn. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, em nhận thức được rằng sự khác biệt chính là yếu tố căn bản và cần thiết để làm nên cuộc sống đa dạng, phong phú, muôn hình vạn trạng. Con người phải biết dung hòa và chấp nhận khác biệt, tôn trọng sự khác biệt vì tất cả đều là bình đẳng với nhau.

6. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 6

Cuộc sống là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, trong đó mỗi con người lại là một mảnh ghép riêng biệt, độc đáo mà không ai có thể thay thế. Sự phong phú trong lối sống, sự khác biệt trong cá tính, sở thích, ước mơ của mỗi người làm nên những màu đa dạng của cuộc sống. Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem, nếu bảy tỉ người trên trái đất này đều có chung những suy nghĩ, hành động thì cuộc sống sẽ nhàm chán đến mấy. Khi ấy chúng ta có thể sống hòa bình, thân thiện với nhau nhưng lại mấy đi những "gia vị" cần có, cuộc sống cứ thế bình đạm trôi qua mà không có những đột phá, sáng tạo mới. "Sự khác biệt trong cuộc sống" không chỉ dùng để chỉ sự khác biệt trong ngôn ngữ, màu da, tôn giáo mà còn dùng để chỉ sự khác nhau trong tính cách, nhận thức, ước mơ, cá tính ở mỗi con người. Sự khác biệt có thể làm cho cuộc sống trở nên phong phú, ý nghĩa hơn. Sự khác biệt về vị trí địa lí, lịch sử, văn hóa 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam không hề gây ra những khoảng cách giữa con người với con người mà ngược lại nó làm phong phú thêm cho bản sắc văn hóa, bản sắc con người trong một Việt Nam thống nhất. Sự khác biệt trong phong cách thơ văn, quan niệm nghệ thuật của các nhà văn làm nên một nền văn học Việt Nam phát triển phong phú với nhiều thể loại và nội dung đặc sắc. Qua những ví dụ trên chúng ta có thể thấy sự khác biệt không phải lúc nào cũng là dị biệt, khác người mà nó góp phần làm nên những thành tựu, giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống. Khi biết chấp nhận sự khác biệt là khi chúng ta biết nhìn nhận, tôn trọng những cá tính riêng biệt của người khác bằng sự cảm thông, trân trọng, khi ấy con người sẽ gần con người hơn, xã hội sẽ có thêm những nhân tố độc đáo để phát triển, tiến bộ; cuộc sống của con người cũng trở nên hạnh phúc hơn. Hãy chấp nhận sự khác biệt, vì nó làm nên màu sắc của cuộc sống và hình thành nên giá trị, cá tính riêng biệt cho mỗi con người.

7. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 7

Người với người là bình đẳng như nhau, đây chính là nguyên tắc và là cơ sở giao tiếp cơ bản. Mỗi người đều là một cá thể độc lập. Tín ngưỡng, đạo đức, quan niệm hoặc cách nhìn nhận vấn đề, cách thức làm việc hay cách sống của bạn đều chỉ có thể chỉ đạo chính bản thân mình. Nếu bạn dùng nó để so sánh hay yêu cầu người khác chính là không tôn trọng họ. Chí hướng, thái độ lập trường và kiến thức, năng lực của người khác như thế nào, tướng mạo của họ ra sao không liên quan gì đến bạn. Bạn không nên dùng tiêu chuẩn của bản thân để áp đặt làm tiêu chuẩn cho người khác, càng không nên yêu cầu người khác phải phù hợp theo tiểu chuẩn của mình. Kỳ thực tư tưởng tình cảm của một người luôn không ngừng thay đổi, không ai có thể bảo đảm rằng quan điểm và thái độ của mình là vĩnh viễn bất biến cả. Khi trao đổi, giao tiếp với người khác vừa phải có cảm xúc, lại vừa phải có đạo lý. Cảm xúc cần bắt nguồn từ sự tôn trọng lẫn nhau. Khi người ta cảm thấy bản thân được tôn trọng, họ mới có thể tôn trọng bạn. Trong giao tiếp, quan hệ nếu một người ngang ngược võ đoán, có thói quen đổ lỗi, quy chụp, chỉ trích, luôn cho người khác sai và bảo thủ cho mình là đúng, thì quả là không ai có thể nói đạo lý với bạn được nữa. Nếu bạn cho rằng người khác không có tư cách để giảng đạo lý với bạn, thì đó là vì bạn không biết đạo lý trước.

8. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 8

Tôn trọng sự khác biệt là văn hóa ứng xử tối thiểu cần phải có của một người sống trong xã hội này. Tôn trọng sự khác biệt cũng chính là sức mạnh của trí tuệ. Vì tâm đắc với điều này mà tôi khá nể nhạc sỹ Quốc Trung khi mới đây, bình về phát ngôn gây sốc của Thanh Lam, Quốc Trung điềm đạm: "Với một cá nhân có thực tài và bản lĩnh luôn bình thản và đón nhận những ý kiến đánh giá khác nhau…”, và "Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay cần được rèn luyện về bản lĩnh và văn hóa ứng xử với những lời khen chê”.

Một nghệ sĩ cũng như một người trọng văn hóa ứng xử, hơn bất kỳ ai phải hiểu rõ điều đó. Nhìn sự việc một cách tích cực, hành động và phát ngôn của nhạc sỹ này cho thấy sự liêm chính trong học thuật vẫn được tôn trọng. So sánh trường hợp Quốc Trung với những trường hợp "bình loạn, ném đá cho hả” cho thấy rõ hơn sự khác biệt mang tính văn hóa trong việc ứng xử với những bất đồng ý kiến…

Tôn trọng sự khác biệt bởi vậy, là biểu hiện của khoa học, văn hóa, lòng nhân ái và tính nhân đạo. Nhưng vì sự khác biệt chỉ là tính chất, không phải mục đích cho nên tôn trọng sự khác biệt đơn thuần chỉ là tôn trọng tính chất đa dạng, mà mục đích cuối cùng đều dành cho sự phát triển đi lên, hướng tới "chân lý, hoàn thiện và hoàn mỹ”.

Nhiều người trên khắp nước từng phê phán và muốn phải "trừng phạt” hai ca sỹ trẻ "đào ngũ” do không tham gia chương trình biểu diễn ở Lào mới đây. Họ lí giải rằng những người mang danh xưng nghệ sỹ lớn, giảng viên ĐH mà bất chấp nhiệm vụ để chạy sô thì đó là một vết nhơ của nền nghệ thuật, và họ sẽ không còn uy tín để giảng dạy được. Mặc dù vậy, hai nghệ sỹ lại nhận được sự đồng cảm của nhiều đồng nghiệp. Họ đã xin lỗi mọi người về những "sai sót” không thể tha thứ đó. Có thể nói quyết định xin lỗi đó lại là một dấu hiệu tích cực cho nghệ thuật. "Khác biệt tiêu cực” ở họ đã được chính họ điều chỉnh tích cực.

Vậy là, điều quan trọng để thành công trong cuộc sống không hẳn là tài năng hay kinh nghiệm, mà chính là thái độ. Thái độ đúng ở đây là thái độ cầu thị và thái độ khiêm tốn.

Người lớn có đức này sẽ truyền được được cho thế hệ con cháu, nhưng quan trọng hơn, họ biết tôn trọng sự khác biệt của chính con em mình, để có thể làm người bạn lớn của chúng. Đó là mối quan hệ vô giá.

Ngay từ nhỏ, nhiều trẻ đã bộc lộ những khác biệt về văn hóa so với cha mẹ. Các bậc phụ huynh sống và làm việc trong những cơ quan khác nhau, có những người bạn khác nhau và họ ít khi nghĩ rằng chính thái độ tôn trọng người khác ở họ lại có ảnh hưởng đến các con nhiều như vậy. Những hành động độ lượng và tôn trọng người khác của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày chính là một thông điệp hoàn hảo giúp con cái học được cách tôn trọng và đánh giá cao những khác biệt giữa mỗi người.

Tôi hiểu rằng khuyên mình sống và ứng xử thế nào cho có văn hóa vốn không dễ. Diễn đàn này cần có sự vào cuộc của các nhà văn hóa, nhà văn hay giáo sư nổi tiếng. Nhưng nền giáo dục của chúng ta cũng cần bổ sung môn "văn hóa ứng xử” cho trẻ em để phù hợp với thời đại mới.

Một gia đình, một cá nhân có thể may mắn giàu có lên trong một năm hay dăm ba năm gì đó. Nhưng để biết cư xử có văn hóa, cần gấp nhiều nhiều lần thời gian như thế, với sự tu luyện, học hỏi, quan sát không ngừng. Tôn trọng sự khác biệt của mình, chắc chắn sẽ hạn chế làm người khác tổn thương chỉ vì những định kiến và nông nổi.

9. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 9

Trong hành trình cuộc sống, mỗi cá nhân đều mang trong mình một tri thức và quan điểm sống riêng biệt, tạo nên sự phong phú và đa dạng của xã hội. Để thúc đẩy sự phát triển và sự thăng hoa của mọi người, việc tôn trọng sự khác biệt là điều cực kỳ quan trọng.

Sự khác biệt thực sự là cái làm nên bản sắc của con người và thế giới xung quanh chúng ta. Nó tồn tại ở nhiều mức độ, từ những nét cá nhân đặc trưng, đặc điểm riêng của một vật thể đến những quan điểm và góc nhìn riêng biệt. Điều quan trọng là biết trân trọng và tôn vinh sự độc đáo này. Khi chúng ta biết tôn trọng sự khác biệt, chúng ta đồng thời biết lắng nghe những quan điểm và suy nghĩ của người khác một cách tôn trọng và tỉ mỉ.

Chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của người khác, nhưng quan trọng là không nên cố gắng đàn áp hay bất lợi hóa họ. Từ những quan điểm và góc nhìn của người khác, chúng ta có thể học được nhiều điều và rút ra những bài học quý báu cho bản thân. Điều này giúp chúng ta trở nên thông thái hơn và hoàn thiện bản thân một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, trong xã hội, vẫn còn tồn tại những người không biết trân trọng sự khác biệt và luôn tự cho mình là tốt nhất. Họ cứng đầu và coi mình là trung tâm, không tôn trọng quan điểm của người khác. Chúng ta không nên lựa chọn theo họ, bởi đây là một cách suy nghĩ hẹp hòi và thiếu sự đúng đắn.

Mỗi cá nhân chúng ta đều có sự đặc biệt và độc đáo của riêng mình, và chúng ta cũng phải biết tôn trọng sự đặc biệt này ở người khác. Thông qua sự đa dạng, chúng ta làm cho xã hội trở nên phong phú hơn, cuộc sống trở nên đầy màu sắc hơn, và con người phát triển tốt hơn. Hãy luôn hiểu rõ giá trị của sự khác biệt và sẵn sàng thích nghi với những điều mới mẻ để thấy cuộc sống thêm phong phú và đáng trải qua.

10. Nghị luận tôn trọng sự khác biệt mẫu 10

Trong cuộc sống, mỗi người có một quan điểm sống, một tư tưởng sống khác nhau tạo nên sự đa dạng cho xã hội. Chúng ta ngoài việc bảo vệ quan điểm của mình thì cũng rất cần phải biết tôn trọng sự khác biệt của người khác. Sự khác biệt chính là những cá tính, nét riêng, đặc trưng của một người, một sự vật nào đó mà khi chỉ cần nhắc về đặc điểm đó ta sẽ hình dung ra ngay người, vật ấy. Mỗi người, mỗi vật đều có những nét đặc trưng riêng, sự khác biệt riêng, chúng ta cần biết tôn trọng những đặc điểm đó. Người biết tôn trọng sự khác biệt là người biết lắng nghe những quan điểm, chia sẻ, góc nhìn của người khác một cách trân trọng và tỉ mỉ. Chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của người khác nhưng không tìm cách vùi dập hoặc coi thường suy nghĩ của họ. Từ những quan điểm, góc nhìn của người khác, chúng ta biết chọn lọc và rút ra ý nghĩa từ quan điểm đó làm bài học cho chính bản thân mình, việc rút ra bài học từ quan điểm của người khác giúp chúng ta có bài học và hoàn thiện bản thân mình hơn. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người không biết tôn trọng quan điểm của người khác, sự khác biệt của người khác, luôn cho mình là nhất, quan điểm của mình là đúng và người khác là sai,… chúng ta không nên học theo những người này bởi đây là lối suy nghĩ chưa đúng đắn. Mỗi chúng ta có những sự khác biệt và người khác cũng vậy. Hãy biết tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình để xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, con người hòa đồng với nhau hơn. Sự khác biệt làm đa dạng hóa xã hội, giúp cho cuộc sống con người thêm đa màu sắc hơn, từ đó giúp con người phát triển tốt hơn. Hiểu được tầm quan trọng của sự khác biệt, mỗi người hãy sống và thích nghi với những sự khác biệt mới mẻ để cảm nhận được trọn vẹn cuộc sống nhiều hơn nữa.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
9
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm