Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) so sánh "Thuyền và biển" và một bài thơ trữ tình khác chứa đựng câu chuyện ẩn dụ về tình yêu

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) so sánh "Thuyền và biển" và một bài thơ trữ tình khác chứa đựng câu chuyện ẩn dụ về tình yêu là tài liệu học tập gồm các bài văn mẫu hay được VnDoc biên soạn chi tiết để làm tư liệu học tập hữu ích cho các bạn học sinh. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

1. So sánh "Thuyền và biển" và một bài thơ trữ tình khác chứa đựng câu chuyện ẩn dụ về tình yêu – Mẫu 1

Cùng được sáng tạo bởi tâm hồn đa cảm của Xuân Quỳnh nên giữa “Sóng”“Thuyền và biển” có nhiều điểm tương đồng. Cả hai bài thơ đều là những câu chuyện về hành trình của tình yêu. Xuân Quỳnh đều dùng thiên nhiên để diễn tả những cung bậc cảm xúc khó đoán của người con gái trong tình yêu, tưởng như đối lập mà lại dung hòa. Ở “Sóng”, đó là “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ”. Đến “Thuyền và biển”, nhà thơ lại dùng sự so sánh “Biển như cô gái nhỏ/Thầm thì gửi tâm tư/Quanh mạn thuyền sóng vỗ/Cũng có khi vô cớ/Biển ào ạt xô thuyền”. Không chỉ vậy, ở hai tác phẩm, nhà thơ đều dành nhiều câu thơ để miêu tả nỗi nhớ như: “Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được” hay “Những ngày không gặp nhau/Biển bạc đầu thương nhớ”. Với trái tim đa cảm, nhạy bén trước sự biến đổi của thời gian, Xuân Quỳnh còn gửi gắm vào các tác phẩm những suy tư, chiêm nghiệm về sự phôi pha, xa cách của tình yêu. Sau khi đã nếm trải mọi cung bậc của tình yêu, đi qua cả những lo âu, đọng lại ở cuối vần thơ bao giờ cũng là lời khẳng định tình yêu bất biến. Từ đó, ta thấy được khát vọng hạnh phúc chân thành mà mãnh liệt cùng ý thức vun vén tình yêu của Xuân Quỳnh.

2. So sánh "Thuyền và biển" và một bài thơ trữ tình khác chứa đựng câu chuyện ẩn dụ về tình yêu – Mẫu 2

Viết về tình yêu, “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu cũng sử dụng hình ảnh biển để kể câu chuyện tình yêu của mình. Nếu biển của Xuân Quỳnh vẫn có những lúc dịu dàng, đằm thắm “như cô gái nhỏ” thì biển trong thơ Xuân Diệu lại ào ạt, mạnh mẽ: “Anh xin làm sóng biếc/Hôn mãi cát vàng em”. Biển và bờ cát cũng là hai sự vật có mối quan hệ gắn bó khăng khít, không thể tách rời giống như thuyền và biển. Với các cặp hình ảnh như vậy, các nhà thơ đã diễn tả tình yêu sâu đậm của đôi lứa. Câu chuyện tình yêu của Xuân Diệu còn tồn tại nét cảm xúc độc đáo, nhân vật trữ tình cảm thấy mình “không xứng” để tôn vinh người con gái mình yêu: “Anh không xứng là biển xanh/Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng”. Kết thúc hai bài thơ đều là lời khẳng định sức sống trường tồn của tình yêu cùng khát vọng được hòa tan vào biển lớn tình yêu của nhân loại.

3. So sánh "Thuyền và biển" và một bài thơ trữ tình khác chứa đựng câu chuyện ẩn dụ về tình yêu – Mẫu 3

Thuyền và biển vốn là hình ảnh được các nhà thơ sử dụng để chỉ tình yêu, tình cảm đôi lứa sâu đậm. Như trong bài “Tình thuyền và biển” của Hoàng Minh Tuấn, qua hình ảnh của thuyền và biển, tác giả cũng chia sẻ những cung bậc cảm xúc luôn hiện diện trong tình yêu. Khi thì dồn dập, mãnh liệt, khi lại dịu êm, khi lại cô đơn, buồn tủi… nó rất đa dạng và khiến con người phải lo lắng. Đó cũng chính là cái đẹp của nó. Tình yêu vốn dĩ không đứng yên, nó luôn vận động biến đổi, nếu chúng ta thấu hiểu, biết và chia sẻ thì tất cả những điều đó sẽ là những tình cảm đáng nhớ, đáng nâng niu và trân trọng. Sự hòa quyện, quấn quýt của thuyền và biển khiến người đọc không khỏi thấy cảm thông, ngưỡng mộ bởi chúng là hiện thân của những người yêu nhau, luôn mãnh liệt trong từng cung bậc cảm xúc, từng hoàn cảnh.

4. So sánh "Thuyền và biển" và một bài thơ trữ tình khác chứa đựng câu chuyện ẩn dụ về tình yêu – Mẫu 4

Với Xuân Quỳnh, tình yêu không chỉ là sự “gắn bó giữa hai người xa lạ” mà cao hơn đó là sự gắn bó máu thịt “Khi đó em là máu thịt của anh rồi/ Nếu cắt đi anh sẽ ngàn lần đau đớn...”, sự gắn bó ấy cũng như con tàu với đường ray, như sóng với bờ, như thơ với tình yêu và như thuyền với biển: “Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố...”. Chính vì thế, thuyền và biển đã làm say lòng những người yêu thơ trước và cho đến nay nó vẫn đủ sức làm xao xuyến những trái tim đang được hưởng cái thần tiên ban sơ của mối tình đầu, vẫn xúc động mọi tình nhân đang ấp ủ những khát mong luyến ái.Hành trình đi tìm một tình yêu lý tưởng, một tình yêu sống cho nhau và sống vì nhau của Thuyền và biển khi gặp Lưu Quang Vũ mới thật sự thăng hoa, với Thuyền và biển, với tình yêu Quỳnh- Vũ, Xuân Quỳnh đã để lại cho đời một câu chuyện tình bất tử. Để chúng ta mãi thấy Xuân Quỳnh “Tự hát” cho trái tìm mình và cho tình yêu nhân thế: “Em trở về đúng nghĩa trái tìm em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi...”. Trên thế giới này một khi tình yêu còn tồn tại, một khi những tâm hồn vẫn biết rung động, biết yêu thương, biết sống vì nhau thì khi đó “Thuyền và biển” còn làm xúc động lòng người, còn dư âm như lời hát ân tình, tha thiết: “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu...”

5. So sánh "Thuyền và biển" và một bài thơ trữ tình khác chứa đựng câu chuyện ẩn dụ về tình yêu – Mẫu 5

Tình yêu vốn là thứ tình cảm khó nói, vì vậy trong thơ ca xưa để nói về tình yêu đôi lứa tác giả đã mượn những hình ảnh: thuyền, bến, sóng, biển… Đặc biệt hình ảnh thuyền và biển là những hình ảnh ta dễ dàng bắt gặp nhất trong các bài thơ, ca dao… Trong đó bài thơ “Thuyền và biển” của tác giả Hoàng Minh Tuấn cũng đã mượn hai hình ảnh này để làm rõ nét và sâu sắc sự đa dạng những cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Cái đẹp của tình yêu chính là sự đa dạng khi dồn dập mãnh liệt khi lại dịu êm, buồn tủi… tình yêu là thứ tình cảm luôn vận hành, biến đổi khi chúng ta biết thấu hiểu và sẻ chia. Tình yêu là sự nâng niu, hòa quyện và quấn quýt, cũng như thuyền và biển song hành và tiến bước cùng nhau trong một lộ trình. Thông qua hình ảnh thuyền và biển ta cũng thấy được hiện thân của tình yêu – những người yêu nhau luôn mãnh liệt, luôn khát khao trong từng cảm xúc, từng hoàn cảnh.

-----------------------------------------------------------

Kho tài liệu phong phú của VnDoc vẫn còn rất nhiều tài liệu hay chờ các bạn khám phá. Mời các bạn truy cập vào Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức, Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức để tìm kiếm những tư liệu mới. Chúc các bạn học tốt!

Đánh giá bài viết
4 8.294
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm