Phân tích tình huống truyện trong "Vợ nhặt" - Kim Lân
Phân tích tình huống truyện trong "Vợ nhặt" - Kim Lân
Phân tích tình huống truyện trong "Vợ nhặt" - Kim Lân là bài văn mẫu hay, mới nhất, sát với chương trình GDPT 2018 do VnDoc biên soạn. Mời các bạn tham khảo để có thêm tài liệu học Ngữ văn 11 nhé!
I. Dàn ý phân tích tình huống truyện "Vợ nhặt"
1. Mở bài
- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm:
+ Kim Lân là nhà văn một lòng một dạ đi về với "đất", với "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn.
+ Nạn đói năm 1945 đã đi vào nhiều trang viết của các nhà văn, nhà thơ trong đó có Vợ nhặt của Kim Lân.
- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề : Kim Lân đã dựng lên một tác phẩm với một tình huống truyện đặc sắc miêu tả con người trong nạn đói này.
2. Thân bài
a. Tình huống truyện là gì?
- Là sự kiện đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt trong tác phẩm mà qua đó tác giả muốn bộc lộ quan điểm của mình cũng như tính cách, số phận của các nhân vật.
b. Tình huống truyện trong "Vợ nhặt":
- Được thể hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm.
- Nội dung: Giữa bối nạn đói năm 1945 đang hoành hành dữ dội tại Việt Nam, chuyện một chàng trai nghèo lấy được vợ là điều không thể. Vậy mà, Tràng - một thanh niên nghèo và xấu xí lại nhặt được vợ một cách dễ dàng, bằng mấy câu bông đùa và vài bát bánh đúc.
c. Phân tích tình huống truyện:
- Bối cảnh của tình huống truyện:
+ Bối cảnh là nạn đói năm 1945 với kết quả hơn hai triệu người chết.
- Tình huống truyện vừa độc đáo, lạ lùng vừa éo le:
+ Trong bối cảnh đầy bất hạnh, con người còn chẳng thể lo nổi cho bản thân mà anh cu Tràng còn rước về một cô vợ.
+ Tràng: Là một nhân vật chính trong tình huống truyện, hội tụ tất cả những yếu tố khó có thể lấy vợ: ngoại hình xấu xí "cái mặt thô kệch", "đôi mắt nhỏ tí", "cái lưng to như lưng gấu",... cùng với tính cách có phần cộc cằn, thô lỗ. Không những thế, Tràng còn nghèo: đi làm thuê nuôi mẹ già, chỉ có một căn nhà lụp xụp ở một xóm ngụ cư.
+ Hoàn cảnh đất nước: Nạn đói đang diễn ra rất nghiêm trọng, cái chết đeo bám mỗi con người: "Người chết như ngả rạ". Mọi người phụ nữ trong hoàn cảnh đói khổ ấy dường như sẽ chẳng bao giờ quan tâm tới một người không có bất kì ưu điểm nào như Tràng.
-> Với ngoại hình, tính cách, gia cảnh và tình cảnh như hiện tại, Tràng không thể kiếm được một cô vợ.
Ấy thế mà Tràng lại có vợ trong lúc không ai ngờ nhất, trong hoàn cảnh mà cuộc sống đang phải giành giật từng ngày. Đó là tính lạ của tình huống truyện.
- Cái éo le:
+ Thông thường việc lấy vợ là chuyện đại sự, là cái niềm hạnh phúc lớn nhất của một đời người. Vậy mà chuyện lấy vợ của Tràng lại diễn ra trong lúc "tối sầm vì đói khát", bị chen ngang bởi nỗi lo về cái đói, cái chết. Thế nên, chuyện Tràng lấy vợ ở hoàn cảnh hiện tại không khác gì "đèo bòng", "rước của nợ đời".
+ Sự kết duyên của Tràng và vợ không phải do tình yêu mà là do cái đói: Thị gặp hắn lần đầu khi hắn kéo thóc qua dốc, chỉ với câu hò vu vơ, thị đã "ton ton" chạy lại cũng đẩy xe với hắn.
+ Lần thứ hai gặp lại, Tràng không nhận ra Thị bởi "hôm nay Thị...xám xịt". Và chỉ bằng vài bát bánh đúc với một câu nói đùa, Thị đã bằng lòng theo hắn về nhà làm vợ.
- Phản ứng của mọi người khi Tràng lấy vợ:
+ Những người dân xóm ngụ cư: Phản ứng của tất cả mọi người đối với việc Tràng có vợ dường như đi ngược lại hoàn toàn với phản ứng thông thường của một người khi thấy người khác lập gia đình. Bởi cảm xúc ban đầu của họ là ngạc nhiên "Người trong xóm lạ lắm", "Họ đứng …bàn tán". Thế rồi họ mới hiểu và vui mừng thay cho Tràng, "Những khuôn mặt ...hẳn lên". Thế nhưng cũng có những người lại thở dài ngao ngán, bởi họ lo cho Tràng và cả cho Thị, lo cái chết sẽ tìm đến những con người nghèo như họ.
- Đối với Tràng:
+ Suy nghĩ của Tràng khi biết Thị theo mình về làm vợ cũng đã phần nào làm nổi bật sự éo le trong tình huống truyện. Người ta lấy vợ phải qua thời gian gặp gỡ, quen biết, vậy mànchỉ bằng một câu nói đùa "này nói đùa …cùng về" với dăm ba bát bánh đúc mà Thị đã bằng lòng theo Tràng về nhà nên Tràng bất ngờ lắm.
+ Tiếp theo, người ta lấy được vợ thì phải vui mừng. Vậy mà, quanh quất trong tâm trạng Tràng khi lấy được vợ là nỗi sợ hãi, nỗi sợ phải "đèo bòng" thêm người vợ của chính mình. Thế nhưng nỗi sợ ấy qua nhanh Tràng "chặc lưỡi: chặc, kệ"
+ Cảm xúc cuối cùng tìm đến Tràng mới là sự vui mừng khi cái khao khát về hạnh phúc gia đình được hiện thực hóa "hắn tủm tỉm … lấp lánh", nhìn Thị ngượng nghịu, hắn thích chí "cười khanh khách".
+ Nỗi sợ về cái đói, cái chết đã bị niềm hạnh phúc gia đình, cái trách nhiệm đẩy lùi "Trong một lúc Tràng hình như …đi bên".
+ Niềm hạnh phúc ấy khiến Tràng cứ ngỡ không có thật "hắn vẫn …không phải".
-> Niềm vui, niềm hạnh phúc đến với Tràng bất ngờ, nhanh chóng, trong lúc đói khát nhất, trong hoàn cảnh éo le nhất.
- Bà cụ Tứ:
+ Bà vô cùng ngạc nhiên trước thái độ của Tràng, băn khoăn hỏi han.
+ Bà càng ngạc nhiên hơn khi thấy một người đàn bà khác trong nhà mình và chào bà bằng u "quái sao …thế kia?"
+ Thế rồi khi nghe Tràng nói, bà "cúi đầu nín lặng", bà "vừa ai oán … con mình". Chi tiết này đã thể hiện sự tủi phận của một người mẹ không làm tròn được bổn phận của mình "Chao ôi …còn mình thì …"
+ Thế rồi, sau bảo cảm xúc bất ngờ, lo lắng, tủi thân thì cuối cùng bà mới "mừng lòng", vui lòng với người dâu mới, khuyên nhủ hai đứa con với những lời lẽ lạc quan "Nhà ta nghèo …ba đời".
- Ý nghĩa của tình huống truyện:
+ Làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, đồng thời tạo điều kiện để nhà văn khai thác nội tâm các nhân vật.
+ Kim Lân đã dựng lên một tình huống truyện độc nhất vô nhị mà dường như mọi thứ diễn ra trong tình huống đều đi ngược với thực tế, làm nổi bật tình cảnh của con người trong nạn đói năm 1945, vừa thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những số phận tăm tối của con người trước Cách mạng tháng Tám.
+ Tình huống truyện éo le gieo vào lòng người đọc những cảm xúc khó tả.
- Truyện mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc:
+ Về giá trị hiện thực:
Ta thực nỗi thống khổ của người dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945. Cái đói dồn đuổi con người, bóp méo nhân cách, biến những hạnh phúc đẹp đẽ nhất trở nên mỏng manh.
Tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít
+ Giá trị nhân đạo:
Giữa nạn đói người chết như rơm rạ, vẫn hiện lên tình người đẹp đẽ.
Gieo vào lòng người niềm hi vọng về một tương lai tốt đẹp phía trước nơi có ngọn cờ Cách mạng.
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề.
II. Phân tích tình huống truyện "Vợ nhặt"
Tình huống truyện Vợ nhặt mẫu 1
Nạn đói khủng khiếp năm 1945 để lại trong tâm trí Kim Lân - nhà văn một lòng gắn bó với cảnh sắc, con người nông thôn những dấu ấn không thể phai nhòa. Truyện ngắn "Vợ nhặt" đã ra đời. Kim Lân đã thật sự đem vào sáng tác của mình một khám phá mới qua tình huống truyện đặc sắc.
Truyện ngắn là “tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, phản ánh cuộc sống một cách chân thực, khách quan thông qua nhân vật, biến cố, sự kiện, cốt truyện. Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả được bộc lộ sắc nét nhất”. Với mỗi truyện ngắn, tình huống truyện đóng vai trò vô cùng quan trọng làm nên thành công của tác phẩm.
Trong tác phẩm, Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Đó là tình huống “nhặt" vợ của Tràng. Tràng là một người nông dân nghèo, kiếm sống bằng nghề đẩy xe bò thuê cho bọn Nhật. Hình dáng của Tràng cũng xấu xí, thô kệch. Anh lại có tính hơi gàn, thích nói một mình và khi thích chí thì ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch. Xưa nay cưới xin vốn là chuyện chẳng dễ dàng:
“Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.”
Vậy mà trong nạn đói 1945, Tràng đã lấy được vợ một cách dễ dàng. Sự kiện độc đáo này đã mở ra cho câu chuyện biết bao điều kì thú về sau.
Trước hết, đây là tình huống truyện gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Ai ai cũng ngạc nhiên vì một người nghèo, xấu xí, thô kệch, bị người làng khinh bỉ, xưa nay con gái không ai thèm để ý đến vậy mà bỗng dưng lại lấy được vợ hết sức dễ dàng. Khi mà người chết đói như ngả rạ, người sống và người chết hao hòa vào nhau thì anh ta lại chọn xây dựng hạnh phúc gia đình. Không khí ngày đói cũng thật ghê sợ "vẫn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người". "Hai bên dãy phố lụp xụp, tối om, không nhà nào có ánh lửa, ánh đèn". Đáng sợ nhất là âm thanh tiếng quạ cứ gào lên từng hồi thê thiết như muốn cuốn con người vào cõi chết. Một đám cưới quả thật là điều viển vông trong những tháng ngày như thế!
Từ đám trẻ con đến những người dân làng và người thân của Tràng, không ai là không bất ngờ trước cái tin sét đánh ấy. Đầu tiên, bọn trẻ con khi nhìn thấy Tràng đi về cùng một người đàn bà lạ, chúng đã vội chạy ra xem. Đột nhiên có đứa gào lên: "Anh Tràng ơi!". Tràng quay đầu lại, nó lại cong cô gào lên lần nữa: "Chông vợ hài". Tiếp đến là hình ảnh những người hàng xóm bàn tán xôn xao về sự xuất hiện của người đàn bà lạ. Họ đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi: "Ai thế nhỉ? ...Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?"... Và khi phát hiện ra vẻ ngượng nghịu của người đàn bà, người dân xóm ngụ cư đã phát hiện ra: "Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ, khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để".
Bà cụ Tứ - mẹ Tràng cũng vô cùng ngạc nhiên khi hôm nay đi làm về thấy Tràng lật đật chạy ra đón mẹ. Không còn là anh Tràng ngờ nghệch của ngày hôm qua, Tràng trịnh trọng mời bà cụ Tử vào nhà thưa chuyện: "Thì u hẵng cứ vào trong nhà đã nào". Bà tự đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi: "Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?". Bà lão hấp háy cặp mắt vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Nghệ thuật độc thoại nội tâm đặc sắc cùng giọng điệu dồn dập của những câu hỏi liên tiếp đã diễn tả chân thực tâm trạng rối bời, bất ngờ của người mẹ già. Chính Tràng cũng ngạc nhiên trước sự kiện hệ trọng của đời mình. Khi đưa người vợ nhặt về, nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, Tràng vẫn không khỏi băn khoăn rằng "đến bây giờ hẳn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?”. Thậm chí đến sáng hôm sau, Tràng vẫn thấy trong người êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. "Việc hắn có vợ đến hôm nay vẫn ngỡ ngàng như không phải”.
Cuối cùng, sự kiện Tràng lấy vợ khiến người ta không biết nên vui hay nên buồn, nên mừng hay nên lo. Lấy vợ như thắp lên ngọn lửa nhỏ nhoi trong cảnh tăm tối, từ nay anh sẽ có được tổ ấm riêng mới niềm hạnh phúc bình dị. Nhưng sự mới mẻ ấy cũng ẩn chứa nỗi sợ vừa rõ ràng vừa xa xăm cùng những nỗi buồn thương xót xa. Tràng lấy vợ vào lúc nạn đói diễn ra thê thảm quá thì họ biết lấy gì nuôi nổi nhau sống qua cái thời buổi đói khát. Ban đầu, thấy người đàn bà quyết tâm theo mình, Tràng rất phân vân lo lắng nghĩ: "thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi mình không lại còn đèo bòng". Nhưng sau đó, không biết suy nghĩ thế nào hắn tặc lưỡi một cái: "Chậc, kệ". Cái tặc lưỡi là biểu tượng cho sự đồng cảm, tình yêu thương với những con người cùng khổ. Hơn nữa, đó còn là niềm khát khao cháy bỏng một hạnh phúc gia đình. Tâm trạng Tràng trên đường về nhà cùng người vợ nhặt đã nói lên tất cả: "Trong một lúc, Tràng quên tất cả cuộc sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả đói khát ghê gớm đang đe dọa quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”. Về đến nhà rồi mà niềm hạnh phúc đơn sơ vẫn khiến tâm hồn Tràng lâng lâng, vui sướng, xúc động. Nhìn người đàn bà ngồi ngay giữa nhà mà anh vẫn ngờ ngợ như không phải: "Ra hẳn đã có vợ rồi đấy ư? Hà, việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ, hắn cũng chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng". Người nông dân nghèo đáng thương mà cũng đáng quý vô ngần ấy đã biết vượt lên hoàn cảnh, tìm đến hạnh phúc.
Đối với những người hàng xóm, sự xuất hiện của người đàn bà cũng gieo vào lòng họ những mối âu lo rợn ngợp. Bà con làng xóm cũng có tâm trạng vừa vui, vừa buồn, vừa mừng, vừa lo giống như Tràng vậy. “Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ". Nhưng rất nhanh, nỗi buồn lo lại ập đến qua một tiếng thở dài buồn bã, não nuột; tiếng thầm thì to nhỏ, bàn tán xôn xao. Họ xót xa khôn tả: “Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì đói khát này không?”. Nhân vật xảy ra nhiều mâu thuẫn nhất trong nội tâm chính là bà cụ Tứ. Khi nghe con trai nói: "Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ". Bà mừng, lo, buồn, vui lẫn lộn. Buồn vì phận nghèo, gia cảnh bà quá neo người chỉ có mẹ già và người con trai luống tuổi mà vẫn một mình. Nghĩ đến cảnh ấy, bà cụ trào lên niềm tủi thân ghê gớm, phận nghèo nên bà đã không làm tròn bổn phận gây dựng hạnh phúc cho con. Trong đó, niềm vui vẫn lóe lên vì ít ra trong cái cảnh ấy mà con đã lấy được vợ. Cuối cùng, động lại trong bà là nỗi lo vì cả cuộc đời bà đã trải qua những năm tháng dài cơ cực. Bóng đen của cái đói đã cướp đi chồng và con gái bà, giờ đây tương lai của con trai và con dâu bà sẽ ra sao?
Đặt nhân vật vào tình huống éo le như vậy, Kim Lân đã làm nổi bật được nhiều ý nghĩa nội dung sâu sắc cho tác phẩm. Trước hết, nhà văn lên án tội ác của bọn phát xít Nhật, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945. Qua đó, nhà văn thể hiện sự xót xa và cảm thương sâu sắc với nỗi khổ của người dân lao động. Nhưng trên hết, Kim Lân không để con người rơi vào bước “cùng đường tuyệt lộ”, bằng trái tim nhân hậu và tinh tế, ông đã phát hiện và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Dù đối mặt với nghèo đói, khốn khó thì con người vẫn biết thương yêu, đùm bọc, cưu mang nhau. Ấy chính là tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”…đầy tính nhân văn từ ngàn đời của dân tộc ta. Quan trọng hơn, nhà văn muốn ngợi ca niềm tin, niềm lạc quan yêu sống của con người Việt Nam. Đứng giữa ranh giới sống và chết, người dân ngụ cư vẫn thể hiện khát vọng sống kiên cường, bền bỉ bởi “Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống”.
Qua tình huống truyện này, những nét đặc sắc về nghệ thuật của ngòi bút Kim Lân cũng được thể hiện rõ nét. Tình huống truyện như một thứ “nước rửa ảnh” để từ đó hình tượng nhân vật và tư tưởng nhân đạo của nhà văn đều hiện lên rõ nét. Tài năng nắm bắt và miêu tả tâm lí bậc thầy của Kim Lân đã giúp nhà văn miêu tả một cách chân thực, xúc động từng cung bậc cảm xúc của từng nhân vật khiến con người trong tác phẩm vừa có nét riêng vừa mang những đặc điểm chung của người nông dân Việt Nam. Ngoài ra, nghệ thuật khắc họa nhân vật qua lời nói và hành động, nghệ thuật tạo dựng đối thoại sinh động cùng văn phong dân dã đã tạo nên một lối kể chuyện rất hấp dẫn. Tất cả đã góp phần làm nên thành công toàn bích cả về nội dung và nghệ thuật cho tác phẩm.
Quả thực, đời sống của những người nông dân sau lũy tre làng dù bé nhỏ nhưng vẫn rất “vĩ đại” như cách Nam Cao đã nói. Kim Lân đã chọn hòa mình vào cuộc sống ấy, dành trọn hồn mình cho những con người “Áo nâu nhuộm bùn”. Chính vì thế, tên tuổi Kim Lân cùng với bầu trời ám ảnh của năm Ất Dậu ấy sẽ còn sống mãi trong lòng bạn đọc mặc cho những biến thiên của thế gian này.
Tình huống truyện Vợ nhặt mẫu 2
Giá trị của một tác phẩm truyện không chỉ được thể hiện qua cốt truyện, đối tượng phản ánh, nghệ thuật xây dựng truyện mà còn được thể hiện qua tình huống truyện độc đáo. Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt đã xây dựng được tình huống truyện đặc sắc, qua đó không chỉ góp phần làm nổi bật chủ đề truyện mà còn tạo ra sự hấp dẫn, kích thích đam mê khám phá nơi người đọc.
Ngày từ tên nhan đề, ta đã thấy có chút gì đó phi lý. Vợ vốn là người phụ nữ của gia đình, là người mà muốn lấy phải cưới xin, lễ hỏi đàng hoàng. Nhưng ở đây tác giả lại gọi với cái tên "Vợ Nhặt" thì chắc chắn là có uẩn khúc gì đây?
Sự độc đáo trong câu chuyện là tình huống Tràng nhặt được vợ. Tình huống này trong câu chuyện nó vừa thật lạ lại thật éo le.
Trong tình huống này, điều đầu tiên mà ta cảm nhận được đó là sự bất ngờ, quá khác thường khi Tràng lấy được vợ ngay trong nạn đói. Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, xấu xí với :" hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung...". Không chỉ thô kệch, xấu xí, Tràng còn có gia cảnh nghèo khó, sống cùng mẹ già ở xóm ngụ cư. Có thể nói Tràng khó có thể lấy được vợ trong hoàn cảnh thường, càng trở nên xa xỉ khi nạn đói xảy ra, thế mà trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, Tràng lại dẫn về một người vợ.
Cái lạ thứ hai là giữa cơn hoạn nạn, khi mà cái đói đang rình rập, chực chờ lấy mạng sống của bất kỳ ai trong xã hội lúc bấy giờ, đến thân Tràng, mẹ Tràng còn không biết sống chết khi nào thì Tràng lại lấy Thị về làm vợ. Người ta xưa nay dựng vợ gả chồng cho con cũng là khi gia đình sung túc, có của ăn của để hay ít ra cũng có chút vốn mà làm ăn. Tràng lại khác, lấy vợ lúc khốn cùng của sự đói, chẳng biết tương lai sẽ ra sao, cũng chẳng tính toán lo toan, đùng ngày lại lấy vợ. Cái lạ nhất có lẽ là khi câu nói bông đùa của Tràng lại trở thành lời "cầu hôn" đối với Thị. Chỉ cuộc gặp tình cờ, buông lời đùa giỡn mà Tràng lại có được vợ. Việc lấy vợ là việc hệ trọng, lấy được vợ cũng đâu phải dễ dàng gì, vậy mà với Tràng thì lại rất dễ dàng.
Trong tình huống truyện ấy, sự lạ đã khiến không ít người đọc phải bật cười, nhưng có lẽ, đó là những nụ cười chua xót. Bởi làm sao có thể thôi nghĩ suy khi tình huống Tràng nhặt được vợ cũng đầy éo le lúc ấy. Năm đó là những năm mòn mỏi, cái đói ghì sát mặt, Tràng lấy thị về trong cảnh cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc. Niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy không thể thắng nổi cơn cuồng phong của đói khát đang hả hê nhấn chìm từng chút, từng chút một trên mảnh đất của làng Ngụ Cư ấy. Những xác chết vật vờ, mạng sống mong manh, hạnh phúc cũng mong manh, nỗi lo lắng nhất lúc này là làm sao chạy trốn được sự đói khổ. Thị đã nhận Tràng là chồng, theo Tràng về nhưng thiết nghĩ nếu không có mấy bát bánh đúc, không vì quá đói khát thì Thị liệu có thể theo Tràng về không?
Trước hình ảnh Tràng dắt Thị về, ai cũng đều tỏ ra thích thú, tò mò và lạ lẫm. Người ta vừa mừng cho anh, lại vừa cay đắng, xót xa cho anh. Bởi có lẽ trong lòng ai cũng hiểu được rằng, cái thời thế đảo điên này rước nhau về chỉ thêm nợ, thêm bồng mà thôi. Mẹ Tràng- bà cụ Tứ cũng vậy, cũng mừng mừng tủi tủi vì con mình cũng có vợ, rồi cũng lo lắng bất an và thương xót cho con mình. Dù bứt rứt, bồn chồn, dù tủi thân xót phận, người mẹ ấy cũng mừng lòng chấp thuận cho con, bà dặn con cùng nhau cố gắng, khuyên nhủ con phải gắng sức làm ăn. Bát cháo cám đắng chát trong bữa cơm ngày đầu chứa chan bao thương cảm, đằng sau ấy là cả tấm lòng người mẹ, mang cả niềm tin và hy vọng của người mẹ gửi gắm nơi con. Và trong tình huống ấy, bản thân Tràng cũng đầy lạ lẫm, sự việc đến với Tràng quá nhanh khiến Tràng cũng bất ngờ trong sự ngạc nhiên khó tả. Tràng cũng thấy sung sướng vô bờ trong thứ hạnh phúc mong manh mà có lẽ bấy lâu hắn vẫn từng mong có được, niềm vui ấy khiến Tràng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với tương lai, với gia đình của mình.
Qua tình huống nhặt vợ của anh Tràng, ta không khỏi xót xa trước cảnh ngộ khốn khổ của những con người trong nạn đói, thế nhưng vượt qua bóng tối của cái tàn tạ, thê thảm ta thấy sáng lên ánh sáng của tình người. Đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, Tràng và bà cụ Tứ vẫn quyết định cưu mang người vợ nhặt, đối đãi với thị bằng cả tấm lòng. Cũng trong ám ảnh đói khát ấy, Tràng và người vợ nhặt vẫn quyết định sống cùng nhau, xây dựng hạnh phúc gia đình và mong ước đến những điều tốt đẹp.
Nhà văn Kim Lân, một nhà thơ thấu hiểu sâu sắc và đồng cảm với cuộc sống của những người nông dân đã viết nên một tác phẩm truyện vô cùng có giá trị. Tình huống truyện "có một không hai" ấy đã góp phần thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm, quá đó tố cáo đanh thép xã hội thực dân tàn bạo đã đẩy con người tới sự khốn khổ tận cùng. Đồng thời, bộc lộ niềm xót thương tới số kiếp của những kiếp người nghèo khổ.
Tình huống truyện Vợ nhặt mẫu 3
Kim Lân được mệnh danh là cha đẻ của đồng ruộng, là nhà văn một lòng đi về với đất với người, với những giá trị thuần hậu nguyên thủy của nông thôn Việt Nam. Người ta nhận xét rằng lần đầu tiên có một nhà văn xắn quần lội xuống bùn để lắng nghe hơi thở nồng nàn của đất đai, của cuộc sống người nông dân để tái hiện trên mỗi trang viết. Văn Kim Lân hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản, lối kể hấp dẫn và khả năng phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo. Trong số những tác phẩm của ông thì truyện ngắn "Vợ nhặt" được in trong tập "Con chó xấu xí", xuất bản năm 1962 là tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Kim Lân. Trong tác phẩm đó, tình huống truyện của ông đã ghi lại sự thật mặn chát của cuộc đời người nông dân trong nạn đói 1945, tất cả sự thật nghiệt ngã như được tái hiện qua tình huống ấy.
Xây dựng tình huống là vấn đề then chốt của truyện ngắn, là cánh cửa mở ra để người đọc đi vào khám phá giá trị của một tác phẩm văn chương. Nhà văn thường xây dựng hoàn cảnh điển hình để đặt nhân vật vào đó khám phá vẻ đẹp tâm hồn tính cách nhân vật đồng thời tái hiện bức tranh đời sống xã hội. Kim Lân cũng thế, ông đã tái hiện không gian năm đói 1945 làm phông nền cho việc anh cu Tràng nhặt được vợ. Cái năm Ất Dậu ngày ấy đã trở thành nỗi kinh hoàng của lịch sử, là vết thương lòng không bao giờ mờ được trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói là con số mà hàng trăm hàng nghìn năm sau mỗi lần nhắc tới con cháu ta không khỏi rùng mình ghê sợ. Dưới đất bên những gốc đa gốc gạo xù xì bóng những người đói đi lại dật dờ như những bóng ma. Người Thái Bình, Nam Định đội chiếu lũ lượt bồng bế dắt díu nhau đi trông xanh xám dật dờ như những bóng ma. Không khí vẩn lên mùi ẩm mốc của rác rưởi và mùi gây của xác người, tất cả tạo nên một bầu không khí ảm đạm tang tóc và thê lương. Cái đói, cái chết len lỏi vào ngõ ngách, gõ cửa từng nhà, đụng chạm đến từng người, cõi âm hòa với cõi dương, cuộc sống mấp mét bên bờ vực của cái chết. Giữa bối cảnh tối xầm lại vì đói khát ấy thì một việc hệ trọng nhất của một đời người lại diễn ra một cách nhanh chóng vội vàng - đó là việc anh cu Tràng có vợ.
Tình huống truyện của tác phẩm đã độc lạ từ những nét đầu tiên, bởi chuyện Tràng có vợ là một điều kì lạ. Người ta vẫn thấy anh cu Tràng là người hội đủ mọi nét xấu trên đời. Anh ta xấu trai, "hai con mắt nhỏ tí", "hai quai hàm bạnh ra", "cái mặt bặm lại lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn". "Cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước, cái lưng dài rộng như là lưng gấu lại thêm tật vừa đi vừa ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch". Có thể nói, lời văn của Kim Lân như thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật trên từng câu chữ. Không chỉ xấu mà Tràng còn rơi vào kiếp nghèo, nghèo đến tận đáy cùng của xã hội. Tràng đã rất chăm chỉ đi làm lụng, đụng việc gì anh ta cũng làm, nhưng căn nhà mà hai mẹ con Tràng ở chẳng khác gì "túp lều xiêu mưa ngã gió mọc trên những búi cỏ dại", thêm vào đó tài sản của Tràng còn là một đống quần áo rách trong một góc nhà, là hai cái ang nước để khô cong trơ trọi dưới gốc cây ổi, là đống rác mùn tung bành ngay giữa lối đi. Có thể nói cái nghèo đã kéo ghì cuộc sống của mẹ con Tràng xuống sát đất để rồi cái chết đang rình rập bủa vây. Một người xấu như Tràng, bất hạnh đến cùng cực như thế mà có vợ, thậm chí nhặt được vợ một cách qua dễ dàng chẳng phải là một chuyện lạ hay sao. Kim Lân đã chọn những chi tiết rất thật, rất đời thường, lựa chọn những ngôn ngữ mộc mạc giản dị và gần gũi để tái hiện bức tranh hiện thực đời sống xám ngắt trong năm Ất Dậu 1945.
Đồng thời, cái cách mà Tràng nhặt được vợ cũng khiến cho tình huống truyện trở nên độc đáo vô cùng. Tràng có vợ chỉ với một câu nói bông đùa trong lần gò lưng kéo xe bò thóc, hắn nhìn thấy những cô gái ngồi vêu mặt ra ở dốc tỉnh, Tràng đoán họ ngồi đó để nhặt hạt rơi hạt vãi hay ai có việc gọi thì làm. Họ chính là kiếp người trôi dạt bị cơn bão táp của đói khát đẩy xô. Trước cảnh đó Tràng cất câu hò cho đỡ nhọc chứ không có ý chòng gẹo cô nào:
Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì
Dẫu biết rằng có khối đấy mà cơm trắng mấy giò thế mà Thị vẫn ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng. Cho đến lần thứ hai gặp Thị thì Thị và Tràng mới nên duyên vợ chồng. Hôm đó, khi trả hàng xong Tràng ngồi uống nước ở cổng chợ tỉnh thì Thị ở đâu sầm sập chạy đến đứng sưng sỉa trước mặt Tràng: "Điêu! Người thế mà điêu". Thoáng đầu Tràng chẳng hiểu gì nhưng trong phút chốc Tràng nhận ra Thị, nhan sắc của Thị dường như cho Tràng biết rằng Thị đang mấp mé bên bờ vực của cái chết đói, chỉ biết dõi theo câu hò xăm xăm đi tới tìm Tràng mà thôi.
Nhìn Thị, Tràng chưa hề yêu ngay, Tràng chỉ thấy thương cho cô gái trước mặt nên sẵn sàng đãi Thị "thích ăn gì thì ăn", nghe thế hai con mắt trũng hoáy của Thị tức thời sáng lên, như là Thị đã tìm thấy một nguồn sống. Thế là Thị cắm đầu ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc chẳng nói năng gì. Nhìn Thị lúc này có vẻ như rất trơ trẽn, Thị đã chối bỏ liêm xỉ, đánh rơi lòng tự trọng cắm đầu mà ăn. Kẻ hời hợt thì nhìn Thị bằng cặp mắt khinh bỉ, người sâu sắc thì ngậm ngùi cám cảnh rưng rưng nước mắt mà cảm thông xót xa cho Thị. Cái gì đã làm cho Thị đánh rơi mất lòng tự trọng? Cái gì đã làm cho Thị trở nên trơ trẽn? Phải chăng đó là cái đói, cái chết? Vì sống cho nên Thị phải ăn bởi sống mới là nhân văn, nhân bản. Đã có bao triết lý được đem ra để bênh vực những người như Thị, ví như ngạn ngữ Hi Lạp cho rằng: "Có ai chết hai lần để học bài học kinh nghiệm về cái chết bao giờ đâu". Xong bữa tiệc bánh đúc Thị cầm cây đũa quệt ngang miệng và nói "hà, ngon", "về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố". Tràng đáp lời: "Làm đếch gì có vợ". "Này nói đùa chứ có về với tớ thì khuôn hàng lên xe rồi cùng về”. Cả cuộc trò chuyện,Tràng không có ý chòng ghèo, chỉ coi là mấy câu đùa vui, ai ngờ Thị theo về thật. Thế là một anh cu Tràng đã có vợ, Thị thì cũng có chỗ để nương tựa.
Điểm độc đáo của tình huống truyện còn thể hiện rất rõ ở tâm trạng của mỗi nhân vật khi Tràng có vợ. Lấy được vợ mà sao tâm trạng Tràng lạ quá. Ban đầu anh chưa vui mừng. Anh ngơ ngác, anh lo lắng tương lai mình phải đèo bòng thêm một người phụ nữ. Thế rồi sau tất cả, anh mới mới gạt đi mọi lo toan để vui mừng cho sự thành gia lập thất của chính mình và mơ ước về một gia đình bên Thị. Đồng thời, cái khung cảnh mà Tràng lấy vợ cũng quá lạ lùng. Người ta lấy vợ thì pháo đỏ rượu nồng, kèn trống linh đình, còn Tràng dẫn vợ về nhà lúc trời nhập nhoạng tối. Hai người lủi thủi đi vào cái xóm ngụ cư heo hút, tồi tàn ở mé sông. Nhà cửa hai bên đường úp súp, tối om, không một ánh đèn, ánh lửa, chẳng khác gì những nấm mồ hoang. Khung cảnh ngập tràn tử khí. Sự sống chỉ còn thoi thóp. Bóng đen chết chóc đang bao phủ khắp nơi.
Sự kiện Tràng lấy vợ cũng làm cho cả xóm ngụ cư cảm thấy lạ lùng. Cái cảnh Tràng đi trước với vẻ mặt phởn phở khác thường và người đàn bà đi sau cách ba bốn bước với cái dáng thèn thẹn hay đáo để làm cho mọi người tò mò kéo nhau ra xem. Đầu tiên là lũ trẻ. Đang ủ rũ vì đói, chúng bỗng nhao nhao nói cười, trêu ghẹo anh Tràng: "Anh Tràng ơi, chông vợ hài!" Dân xóm ngụ cư thấy ồn ào thì kéo nhau ra xem rồi thì thầm bàn tán. Rồi họ hiểu ra và khuôn mặt họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Từ trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn le lói một niềm vui và sự chúc mừng dành cho Tràng. Họ thú vị nghĩ tới chuyện anh Tràng bỗng dưng có vợ và thực lòng muốn chia vui với anh. Cái xóm ngụ cư đang thoi thóp chờ chết này chợt bừng lên một thoáng sống. Nhưng vui đấy lại lo ngay đấy. Họ lo thay cho Tràng: "Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?" Ấy là họ lo cho sự sống đang phải đối mặt với cái chết và cứ hi vọng vượt lên cái chết.
Khi về đến nhà của Tràng, mọi sự trơ trẽn mà người ta nhìn thấy ở Thị khi cô ăn một chặp 4 bát bánh đúc đã biến đâu mất. Nhìn thấy gia cảnh nhà Tràng, Thị "nén một tiếng thở dài", "cái ngực gầy lép của Thị nhô lên". Dường như trong hơi thở dài ấy đã chất chứa bao nỗi thất vọng. Mặc dù Tràng đon đả thanh minh: "không có người đàn bà nhà cửa thế đấy", "ngồi đây...ngồi xuống đây, tự nhiên!" thế nhưng Thị chỉ dám ngồi "mớm" ở mép giường.
Phản ứng của bà cụ Tứ - mẹ anh Tràng cũng được lột tả một cách rõ nét, nâng tình huống truyện độc đáo đến đỉnh điểm. Nhìn thấy vợ của con trai mà bà cụ ngạc nhiên vô cùng. Được gọi bằng u, bà càng chẳng hiểu ra làm sao. Cho tới lúc nghe Tràng bảo: "Kìa nhà tôi nó chào u... thì bà mới vỡ lẽ". Con trai lấy được vợ giữa hoàn cảnh khốn khổ vô cùng, chuyện lấy vợ đối với con trai bà dường như chỉ có trong cổ tích. Vậy mà khi con trai dắt được vợ về, bà lão lại cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Bà hiểu người đàn bà kia vì cuộc sống khốn khổ quá nên mới theo con trai bà về, chứ giữa họ làm gì có tình yêu. Tâm trạng bà cụ buồn tủi, mừng, lo lẫn lộn. Buồn tủi vì làm cha làm mẹ mà không tròn trách nhiệm đối với con cái, nghèo khổ đến nỗi không thể cưới được vợ cho con. Mừng vì tự nhiên con trai có được vợ, dù là vợ nhặt. Còn lo bởi bà cụ băn khoăn: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?" Càng ngẫm nghĩ, bà cụ càng thương con trai và thương cô gái xa lạ kia vô hạn.
Có thể nói, Kim Lân đã đặt nhân vật của mình vào tình huống bất ngờ và éo le như vậy, Kim Lân đã làm nổi bật được nhiều ý nghĩa sâu sắc cho tác phẩm của mình. Với việc xây dựng tình huống truyện độc đáo nhà văn đã thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm đồng thời tố cáo hiện thực xã hội đã tước đoạt hết quyền sống, quyền hạnh phúc của con người.
Sự ấn tượng của người đọc với tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân chính là ở tình huống truyện đầy độc đáo, bất ngờ nhưng cũng không kém phần éo le của thiên truyện. Thành công đó khiến truyện ngắn của Kim Lân sống được với thời gian. Cái nạn đói năm 1945 với hơn hai triệu người bị chết đói ấy, rồi một lúc nào đó sẽ lùi vào dĩ vãng. Nhưng câu chuyện "nhặt vợ" của anh Tràng thì vẫn sống cùng tâm hồn, cùng nỗi đau và niềm tin của người dân Việt Nam.