Nghị luận xã hội Im lặng là vàng
Nghị luận xã hội về "Im lặng là vàng"
- I. Dàn ý Nghị luận xã hội về "Im lặng là vàng"
- II. Văn mẫu Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng”
- Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 1
- Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 2
- Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 3
- Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 4
- Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 5
- Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 6
- Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 7
- Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 8
Văn mẫu lớp 11: Ý kiến của anh (chị) về luận điểm: “Im lặng là vàng” được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo.
I. Dàn ý Nghị luận xã hội về "Im lặng là vàng"
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: luận điểm Im lặng là vàng.
Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp phù hợp với năng lực của mình.
2. Thân bài
a. Giải thích
Im lặng là vàng: khuyên nhủ con người biết im lặng đúng lúc, đúng chỗ để tránh gây ra những tai họa không đáng có và làm tổn thương đến người khác.
b. Phân tích
Trong những cuộc tranh luận, cãi vã, xô xát, con người không tránh khỏi việc mất bình tĩnh, những lúc này, im lặng là cách tốt nhất để ta bình tĩnh lại và có thể đưa ra cách xử trí đúng đắn nhất, hợp lí nhất cho tình huống đó mà không khiến ai bị tổn thương.
Với những chủ đề nhạy cảm của xã hội như tôn giáo, chính trị, giới tính, sắc tộc,… thì việc im lặng không tranh luận gay gắt sẽ mang lại môi trường hòa bình, bác ái, hạnh phúc cho con người. Thực tế trong cuộc sống có nhiều cuộc chiến tàn khốc đã xảy ra từ những cuộc tranh luận này.
Im lặng đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp cho cuộc sống con người hạn chế được những lần cãi vã, con người từ đó cũng sẽ hạnh phúc hơn, yêu thương nhau hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những sự im lặng hợp lí, đúng đắn và mang lại hiệu quả để minh họa cho bài làm văn của mình.
d. Phản đề
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có những người hiểu sai nghĩa của câu nói trên, im lặng trong mọi trường hợp nhất là khi cần sự lên tiếng của bản thân để bảo vệ quyề, lợi ích hợp pháp cho bản thân, cho người khác. Lại có những người vì sự im lặng của mình mà gây ra tai họa cho người khác và khiến bản thân mình ngày càng rụt rè, nhút nhát hơn,… Những người này thật đáng chê trách.
e. Liên hệ bản thân
Là người học sinh chúng ta cần rèn luyện cho bản thân tư duy, khả năng xử lí tình huống trong cuộc sống một cách thật tốt. Biết im lặng và lên tiếng đúng lúc để cuộc sống đạt hiệu quả tối ưu.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: luận điểm Im lặng là vàng.
II. Văn mẫu Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng”
Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 1
Giao tiếp là nhu cầu cơ bản của con người. Không ai có thể sống mà không giao tiếp với thế giới xung quanh. Và im lặng được xem như một cách giao tiếp đặc biệt. Người xưa có câu: “Im lặng là vàng” vì thế. Im lặng là không tạo ra bất kì âm thanh, động thái nào. Nó được ví với vàng – thứ vật chất quý báu. Câu nói trên khuyên nhủ con người nên biết im lặng đúng lúc để tránh gây ra những tai vạ không đáng có. Trong cuộc sống, việc bất đồng quan điểm hay mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Cảm xúc tức giận, buồn bã, chán nản trong tâm hồn mỗi chúng ta cũng là thứ có tính tất yếu. Điều quan trọng nhất là cách ta xử trí mỗi khi gặp phải những bức xúc đó. Im lặng khiến con người bình tĩnh, giúp chúng ta có khoảng lặng để suy ngẫm. Từ đó, ta hạn chế được những cãi vã, xô xát. Hơn nữa, im lặng còn là biểu hiện của sự cao thượng, không chấp nhặt. Kẻ ngu si và nóng vội thường hăng hái đôi co. Người quân tử luôn ngạo nghễ chẳng tranh giành. Im lặng giúp ta tránh khỏi vòng xoáy xô bồ, giữ được sự bình yên cho tâm hồn. Ngược lại, việc không biết im lặng khi cần thiết hoặc im lặng một cách hèn nhát, bạc nhược, a dua đều đem lại hậu họa khôn lường. Tóm lại, câu nói trên của ông cha ta là bài học bổ ích. Hãy vận dụng lời khuyên này vào đời sống, sử dụng sự im lặng một cách đúng đắn để mang lại giá trị cho bản thân và cộng đồng.
Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 2
Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc cãi vã, nóng giận mà mất đi bình tĩnh. Ai cũng hiểu khi nóng giận con người ta dễ có những hành động mất kiểm soát gây ra hậu quả nặng nề. Để khuyên nhủ con người biết im lặng đúng lúc để tránh khỏi những hậu quả đó, ông cha ta đã có câu: “Im lặng là vàng”. Im lặng là khi con người không nói, không hành động trong một số trường hợp, tình huống nhất định để tránh gây ra những tai họa không đáng có và làm tổn thương đến người khác. Trong những cuộc tranh luận, cãi vã, xô xát, con người không tránh khỏi việc mất bình tĩnh, những lúc này, im lặng là cách tốt nhất để ta bình tĩnh lại và có thể đưa ra cách xử trí đúng đắn nhất, hợp lí nhất cho tình huống đó mà không khiến ai bị tổn thương. Với những chủ đề nhạy cảm của xã hội như tôn giáo, chính trị, giới tính, sắc tộc,… thì việc im lặng không tranh luận gay gắt sẽ mang lại môi trường hòa bình, bác ái, hạnh phúc cho con người. Thực tế trong cuộc sống có nhiều cuộc chiến tàn khốc đã xảy ra từ những cuộc tranh luận này. Im lặng đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp cho cuộc sống con người hạn chế được những lần cãi vã, con người từ đó cũng sẽ hạnh phúc hơn, yêu thương nhau hơn. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có những người hiểu sai nghĩa của câu nói trên, im lặng trong mọi trường hợp nhất là khi cần sự lên tiếng của bản thân để bảo vệ quyề, lợi ích hợp pháp cho bản thân, cho người khác. Lại có những người vì sự im lặng của mình mà gây ra tai họa cho người khác và khiến bản thân mình ngày càng rụt rè, nhút nhát hơn,… Những người này thật đáng chê trách. Là người học sinh chúng ta cần rèn luyện cho bản thân tư duy, khả năng xử lí tình huống trong cuộc sống một cách thật tốt. Biết im lặng và lên tiếng đúng lúc để cuộc sống đạt hiệu quả tối ưu. Im lặng sẽ đạt hiệu quả và giúp con người xử lí được nhiều tình huống khó khăn của cuộc sống, hãy rèn luyện cho bản thân mình sự điềm tĩnh ngay từ hôm nay để có thể đối mặt với những thử thách của cuộc sống.
Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 3
Vàng là một thứ quý trên thế gian, người ta vẫn nói: "quý như vàng". Câu nói "Im lặng là vàng" mang hàm ý khuyên mỗi người trong giao tiếp nên biết giữ im lặng, không nên tự bộc lộ mình hoặc can thiệp vào công việc của người khác, đó mời là khôn ngoan, chín chắn. Sự đúng đắn của quan điểm ấy chúng ta đã từng phân tích, thừa nhận, ca ngợi rất nhiều. Song điều đó có hoàn toàn chính xác? Liệu có phải khi nào im lặng cũng là đúng đắn, tốt đẹp?
Cần phải biết xác định hoàn cảnh để im lặng hoặc phá vỡ im lặng đúng thời điểm
Trong cuộc sống, bên cạnh những cái hay cái đúng còn có những quan điểm, lời nói, hành động… sai trái cần lên án, tố cáo. Trong cơ quan, công sở có những kẻ tham ô, hối lộ. Ngoài đường ngoài chợ, có những tên buôn lậu, cướp giật. Trong lớp học, có những hành động tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá... Lúc ấy, nếu im lặng tức là đã tiếp tay cho cái ác, cái sai trái hoành hành. Lúc ấy im lặng là vô trách nhiệm, hèn nhát.
Cũng có khi, trên đường có một cụ già đang run rẩy trước dòng người xuôi ngược, trong khi bạn đang lưỡng lự thì đã có một bạn khác nhanh chân hơn giúp cụ qua đường. Vậỵ là chỉ vì im lặng bạn đã lỡ mất cơ hội làm một việc tốt. Trong lớp học, thầy giáo đưa ra câu hỏi, bạn im lặng tức là đã đánh mất cơ hội để cất lên "tiếng nói của mình", cơ hội để thể hiện, cơ hội để thử sức. Những cơ hội, thời cơ nếu ta để lỡ thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Khi ấy, im lặng là dại dột, ấu trĩ.
Im lặng trong một cuộc thảo luận, tranh luận của tập thể để đi đến thống nhất một vấn đề chung còn nói lên con người bạn nó thiếu quan điểm biết nhường nào. Khi ấy, bạn rất dễ trở thành ba phải trong vô vàn những quan điểm, xu hướng.
Như vậy là trong cuộc sống, cần phải biết xác định hoàn cảnh để im lặng hoặc phá vỡ im lặng đúng thời điểm.
Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 4
Im lặng là vàng là câu tục ngữ đã xuất hiện từ lâu. Về nghĩa đen mà nói, nó chỉ ra rằng sự im lặng trong nhiều trường hợp có giá trị ngang với vàng – một kim loại rất quý. Về cơ bản, điều này là đúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện tại, rất nhiều người dùng ý nghĩa đó để ám chỉ một hành động khác. Hành động đó là gì? Vì sao họ làm như vậy?
Trong cuộc sống hàng ngày, giao tiếp bằng ngôn ngữ là phương tiện chính để con người hiểu nhau, cùng cộng tác, phát triển và xây dựng xã hội. Nhưng con người là một sản phẩm không hoàn thiện của tạo hóa, và do vậy, không thể tránh khỏi sự xung đột về các quan điểm khác nhau. Trong trường hợp này, ông bà ta đã đúc rút thành câu tục ngữ “Im lặng là vàng”.
Sư im lặng, nhường nhịn là cần thiết để giải tỏa căng thẳng, để các bên có thêm thời gian suy nghĩ, từ đó cùng nhau giải quyết vấn đề. Sự im lặng còn có một ý nghĩa khác, đó là thể hiện thái độ (bao gồm cả thái độ khinh miệt; giận dữ; hối lỗi..) của bản thân. Ở đây, sự im lặng có giá trị ngang với cả ngàn lời nói.
Tuy nhiên, cũng không thể không đề cập đến một khía cạnh khác liên quan đến sự vận dụng một cách tiêu cực câu tục ngữ này trong cuộc sống hiện đại. Sự sợ hãi, sợ trách nhiệm, sợ liên lụy, sợ vất vả, sợ bị trách cứ đã biến các bên tham gia thành những cá thể thụ động. Họ hoặc là tự gật đầu với tất cả các quyết định của cấp trên, làm thinh trước hành động sai trái của bạn bè, đồng nghiệp; làm ngơ trước những bất công mà một thời, họ được dạy rằng phải đấu tranh, phải dũng cảm chống lại nó.
Cuối cùng, những cá thể này, sau một thời gian dài “im lặng’, trở nên tự thỏa hiệp với chính bản thân mình. Đối với họ, sự im lặng trong những trường hợp này cũng được sánh với “vàng”. Nhưng liệu đấy có thật sự là “vàng”?
Cuộc sống vẫn trôi, ngày vẫn lên và tôi vẫn tự hỏi, vì sao chúng ta làm vậy? Tôi không phải là một nhà xã hội học để có thể phân tích chính xác những yếu tố tác động đến ý thức với nguồn dữ liệu cụ thể. Nhưng với trải nghiệm của bản thân, tôi nhận ra rằng chính sự rạn nứt niềm tin trong xã hội chúng ta đang là nguyên nhân chính dẫn đến sự im lặng giả tạo nêu trên.
Mất niềm tin vào xã hội, mất niềm tin vào con người, mất niềm tin vào chính cuộc sống khiến ta nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy kẻ lợi dụng, và lâu dần, sự yếm thế khiến chúng ta trở nên yếu đuối, lệ thuộc và “im lặng”.
Tôi cũng muốn dẫn lại một câu tục ngữ khác “Lửa thử vàng, gian nan thử sức mạnh”. Vàng muốn thật phải được thử lửa. Niềm tin muốn có phải được thau rửa qua thời gian. Vậy nên, chúng ta hãy im lặng khi thực sự cần thiết, nhưng đừng bao giờ im lặng trước sự bất công, trước những hành động sai trái đi ngược với chuẩn mực của xã hội, trước những tư tưởng cực đoan mưu lợi ích cá nhân. Có vậy, sự im lặng mới là vàng đúng nghĩa. Sự im lặng đó mới thực sự giá trị cho tất cả các bên.
Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 5
Từ xưa ông bà chúng ta đã có câu “im lặng là vàng” thể hiện quan điểm về sự cần thiết của việc im lặng trong cuộc sống. Tuy nhiên theo thời gian, quan điểm này có phần bị phản kháng cho rằng im lặng không phải lúc nào cũng tốt. Vậy nên hiểu vấn đề này ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài văn nghị luận: im lặng có phải là vàng không?
“Im lặng là vàng” thì vàng được xem là một loại trang sức, kim loại vô cùng quý hiếm. Vì vậy những thứ gì người xưa đều so sánh với vàng nhằm thể hiện sự quý giá của nó. Câu nói “im lặng là vàng” thể hiện việc chúng ta cần thiết nên biết giữa im lặng đúng nơi đúng chỗ, không nên can thiệp quá sâu vào công việc của ai đó hoặc dốt nhưng lại thích thể hiện huênh hoang, nói nhiều càng lộ ra sự ngu dốt, thiếu học của mình; đôi khi trong những trường hợp gây gổ tranh cãi nổi nóng thì sự im lặng lại làm cho mọi việc tốt hơn. Nhưng trong nhiều trường hợp im lặng lại không là vàng mà nó phản ánh một thái độ sống thiếu tích cực, vì im lặng mà ta vô tình tiếp tay cho cái xấu diễn ra. Chẳng hạn khi đi học, bạn vô tình thấy một người bạn kế bên có thói quen ăn cắp vặt nhưng nếu ta im lặng vì nghĩ không liên quan đến mình. Tuy nhiên cho đến khi người bạn có thói ăn cắp đó trộm mất đồ của mình thì mọi chuyện đã quá muộn, nếu ngay từ đầu chúng ta vạch trần kẻ gian thì mọi chuyện đã đi chiều hướng khác và bạn đã còn là nạn nhân.
Trong nhiều trường hợp, sự im lặng không phải lúc nào cũng tốt, im lặng còn mang đến những thiệt thòi không đáng có. Trong lớp học, nếu bạn lúc nào cũng im lặng không phát biểu ý kiến, không bày tỏ quan điểm thì thầy cô giáo sẽ không hiểu được ý và không biết bạn cần nên phát huy điểm mạnh ở đâu. Lâu dần bạn sẽ cảm thấy thiệt thòi so với bạn bè trong lớp.
Thêm vào đấy đôi khi sự im lặng lại biến thành sự thờ ơ không nên có, chẳng như khi đi trên trường bắt gặp một cụ già đang run rẩy trước dòng người xuôi ngược, trong khi bạn đang lưỡng lự thì đã có người giúp cụ qua đường, vậy nên sự thờ ơ đã đánh mất cơ hội để bạn có thể làm một việc tốt, cơ hội được trao đi yêu thương và sự sẻ chia. Những điều nhỏ ấy, nhưng nếu ta để lỡ thì sẽ mất đi vĩnh viễn, khi ấy im lặng lại trở nên dại dột, ấu trĩ.
Hay sự im lặng trong một cuộc thảo luận, tranh luận của tập thể để đi đến thống nhất một vấn đề chung còn nói lên con người bạn nó thiếu quan điểm biết nhường nào. Khi ấy, bạn rất dễ trở thành ba phải trong vô vàn những quan điểm, xu hướng. Như vậy là trong cuộc sống, cần phải biết xác định hoàn cảnh để im lặng hoặc phá vỡ im lặng đúng thời điểm.
Im lặng là vàng với cuộc sống nó vẫn mang hai nghĩa có thể là đúng và cũng là sai, tùy thuộc vào cách chúng ta áp dụng. Ta phải nói những lời đúng đắn, gọi là “lời hay”, nói làm sao tạo thiện cảm với người khác hạn chế những câu mang tính chất châm biếm hay xúc phạm người khác, phải biết chia sẻ, cảm thông và động viên người nào đó khi họ khó khăn, không im lặng trong sự vô cảm. Không phải lời nói lúc nào cũng là đúng, cho nên nói cho thật khôn khéo, đừng nói ra những câu mang những tính chất như xúc phạm cha mẹ của người đó hay lăng mạ. Nó sẽ khiến người đó có cảm giác tức giận, ấm ức trong lòng và trong khoảng đó sẽ không kiềm chế được cảm xúc, rồi gây ra những hậu quả khó lường.
Im lặng thực sự là vàng nhưng cũng phải biết im lặng đúng lúc, đúng chỗ, không phải lúc nào im lặng cũng là vàng. Cá nhân mỗi người cần tự nhận thức được vấn đề và lựa chọn cách cư xử khôn khéo, bày tỏ thái độ lời nói sao cho phù hợp nhất. Còn bạn thì sao? Đứng trước vấn đề nghị luận: im lặng có phải là vàng không? Bạn lựa chọn im lặng hay lên tiếng?
Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 6
Ông bà ta có câu “Im lặng là vàng” nhưng trong nhiều trường hợp im lặng không là vàng mà nó phản ánh một thái độ sống thiếu tích cực.
Đôi khi, vì im lặng mà chúng ta vô tình tiếp tay cho cái xấu diễn ra. Thời sinh viên, tình cờ phát hiện được một bạn cùng phòng có thói quen ăn cắp vặt nhưng tôi vẫn im lặng vì nghĩ không liên quan đến mình. Mặc dù cuộc sống chung vô cùng ngột ngạt vì sự nghi kỵ lẫn nhau. Cho đến khi, tôi bị mất hết tiền đóng học phí mới thấy hối hận. Giá như, tôi dũng cảm vạch mặt kẻ gian từ đầu có lẽ mọi chuyện sẽ đi theo chiều hướng khác và tôi không trở thành nạn nhân.
Trong nhiều trường hợp, sự im lặng có thể mang đến những thiệt thòi không đáng có. Trước đây, trong các cuộc họp cơ quan, tôi luôn chọn cách ngồi im, rất ít khi có ý kiến cho dù quyền lợi bản thân bị đụng chạm. Có những việc tôi đúng nhưng vẫn không dám lên tiếng đấu tranh nên luôn thua những người hay ý kiến này nọ. Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình bị đồng nghiệp lấn lướt.
Sự im lặng có khi dẫn đến thái độ sống thờ ơ, vô trách nhiệm. Có lần, tôi đưa con đi khám bệnh, một số người không chịu xếp hàng và chen ngang rất khó chịu. Nhưng mọi người ở đó đều không phản ứng gì dù khá bực bội. Mãi đến lúc một bà mẹ trẻ lên tiếng thì trật tự mới được thiết lập lại. Nếu như trước những việc làm tiêu cực, chúng ta đều im lặng nghĩa là đồng lõa với nó sẽ tạo tiền lệ không tốt cho xã hội.
Sự im lặng là cần thiết để giữ hòa khí, tránh xung đột nhưng không nhất thiết lúc nào cũng im lặng. Hãy lựa chọn lời nói và thời điểm thích hợp sẽ tốt hơn nhiều sự im lặng không đúng lúc.
Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 7
Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý. Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.
Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng. Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng khi nào nên im lặng?
Khi người khác buồn phiền, đau khổ: Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.
Khi người khác suy tư, lao động trí óc: Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.
Nghị luận xã hội về “Im lặng là vàng” - Mẫu 8
Trong một thời đại hiện đại, khi cuộc sống ngày càng phức tạp và bận rộn, con người thường có xu hướng trở nên hướng nội và khép mình, tách biệt với thế giới xung quanh. Một số người chọn cách tin tưởng và tuân thủ nguyên tắc "im lặng là vàng". Tuy nhiên, quan niệm này không phải lúc nào cũng mang lại những hậu quả tích cực. Do đó, cần phải xem xét một cách khách quan và thực tế hơn về vấn đề này.
Từ ngày xưa đến nay, vàng luôn được coi là một kim loại quý giá và được đánh giá cao về giá trị. Từ ý nghĩa đó, con người đã áp dụng lên việc im lặng đúng lúc, ở đúng nơi sẽ tương tự như vàng. Trong cuộc sống hàng ngày, khi đối diện với những thách thức, việc giữ im lặng giúp chúng ta có cơ hội suy nghĩ sâu sắc, từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp. Hoặc khi gặp xung đột, việc im lặng cũng giúp mọi người dễ dàng bình tĩnh và suy xét lại tình hình, tránh xa hành động thiếu suy nghĩ, gây hậu quả tiêu cực đến cộng đồng.
Tuy nhiên, ở hiện tại, một số người hiểu sai hoàn toàn về ý nghĩa tích cực của nguyên tắc này. Thay vì đối diện với sự xấu xa, họ thường chọn sự lơ là và im lặng. Trong các cuộc thảo luận nhóm, họ chỉ đưa ra ý kiến khi bị đặt tên hoặc áp lực từ bên ngoài, và thường chỉ là những quan điểm trung lập, không có tính chất xây dựng. Những cá nhân này thường tỏ ra e sợ bị liên lụy, hoặc lo lắng về việc bị phê phán nếu nói sai, không chính xác, hoặc không hấp dẫn. Kết quả, họ dần trở nên thụ động và vô cảm.
Trong một cộng đồng, sự hòa nhập và sự thích nghi là vô cùng quan trọng. Nếu luôn giữ cho mình nguyên tắc "im lặng là vàng", chúng ta có thể tạo ra khoảng cách với những người xung quanh. Thay vì tương tác và quan tâm lẫn nhau, lựa chọn im lặng chỉ tạo ra sự tách biệt và tách rời như hai cực đối lập của nam châm, làm cho chúng ta xa lánh nhau hơn. Khi đó, cuộc sống trở thành một chuỗi những màn chia rẽ vô hình giữa con người. Ngoài ra, sự im lặng cũng có thể làm cho chúng ta trở nên vô cảm và ích kỷ. Trong tình huống đối diện với điều không đúng, không ai dám thốt lên một lời. Từ đó, im lặng không còn mang ý nghĩa của sự quý báu mà trở thành việc làm ngụy biện trước cái xấu. Chắc chắn, mọi người đã từng trải qua những xung đột, hiểu lầm với người thân, bạn bè, đúng không? Hãy tưởng tượng xem, nếu bạn lựa chọn im lặng để vượt qua vấn đề, thì điều gì sẽ xảy ra? Không có sự trao đổi, không có lắng nghe và hiểu biết, từ đó, mâu thuẫn sẽ ngày càng nảy sinh, và mối quan hệ sẽ dần đi đến hồi kết.
Do đó, chúng ta cần phải linh hoạt trong việc áp dụng nguyên tắc "im lặng là vàng" này. Trong công việc và học tập, trong một cộng đồng, hãy dũng cảm và tự tin thể hiện ý kiến và quan điểm của bản thân. Dù có thể không phải là ý kiến hoàn hảo, nhưng đó cũng là cách để mọi người hiểu biết thêm về nhau. Trước các vấn đề tiêu cực, chúng ta cần phải mạnh mẽ chỉ ra lỗi lầm và phê phán. Đừng lơ là và dung túng cho sự xấu xa tồn tại trong xã hội. Trong các vấn đề cá nhân, hãy lắng nghe và đưa ra lời khuyên chân thành.
Nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi Martin Luther King Jr đã từng nói: "Cuộc sống của chúng ta kết thúc vào ngày chúng ta giữ im lặng trước những vấn đề quan trọng". Vì vậy, mỗi người cần nhận thức đúng về việc lựa chọn im lặng hoặc phản ứng trong các trường hợp quan trọng.
Bài tiếp theo: Ý kiến của anh (chị) về luận điểm: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”