Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” viết bài văn bàn về thắng và bại, khôn, dại trong cuộc sống

Văn mẫu lớp 11: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” viết bài văn bàn về thắng và bại, khôn, dại trong cuộc sống gồm các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh tham khảo.

Dàn ý bàn về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống

*Giới thiệu vấn đề

- Trong cuộc sống, ai cũng muốn trở thành một người chiến thắng, khôn ngoan

- Thế nhưng, có ai hiểu được ý nghĩa thực sự của thằng - bại, dại - khôn?

*Bàn luận vấn đề

- Giải thích ý nghĩa:

Thắng: vượt qua cản trở, thử thách, đối thủ để đạt tới mục đích, khẳng định bản lĩnh, sức mạnh bản thân.

Khôn: khôn khéo, khôn ngoan, hiểu biết trong suy nghĩ, hành động.

Dại, bại: trái ngược với thắng khôn, sự thua thiệt, thiếu khôn ngoan.

→ Thắng - bại, dại - khôn: Luôn đi kèm với nhau, là quy luật của cuộc sống. Có bại mới có thắng, có dại mới có khôn.

→ Để chiến thắng, con người cần phải trải qua quá trình dài học tập, chịu thử thách, tích lũy kinh nghiệm.

→ Khôn dại: Biểu hiện thường thấy trong cuộc sống. Mỗi lần dại dột sẽ cho ta kinh nghiệm để trưởng thành (khôn ngoan) hơn.

→ Trong cuộc sống con người thường xuyên gặp phải những vấn đề này, quan trọng là phải luôn biết hướng tới mục tiêu của cuộc đời mình, biết rút ra những bài học kinh nghiệm để trưởng thành, khôn ngoan hơn.

- Bàn luận: Mối quan hệ giữa thắng - bại, dại - khôn

+ Thắng - bại: Trong cuộc sống, ai cũng đã từng trải qua, như Tố Hữu từng nói "Ai chiến thắng mà không hề chiến bại"

+ Dẫn chứng:

Edison thất bại hơn hai ngàn lần trước khi tạo ra bóng đèn điện

Walt Disney: bị từ chối ba trăm hai mươi lần mới thành lập được công ty Walt Disney.

Học sinh không hiểu bài không hỏi giáo viên thì sẽ mãi vẫn không hiểu.

- Hiện tại: Xã hội phát triển, nhiều cơ hội mở ra, phải cố gắng rèn luyện dù thất bại, bị coi là dại dột để tìm ra con đường chiến thắng, khôn ngoan để thành công. Đặc biệt là các bạn trẻ.

*Kết thúc vấn đề

- Khẳng định lại vấn đề.

- Thắng - bại, dại - khôn là quy luật tất yếu của con người, hãy tận dụng nó cũng như dám tiến lên.

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” viết bài văn bàn về thắng và bại, khôn, dại trong cuộc sống mẫu 1

Cuộc đời con người là một hành trình để tự tìm kiếm và khẳng định mình. Bởi thế, có ai không khát khao chiến thắng, mong có được sự khôn ngoan ở đời. Nhà thơ Tố Hữu đã từng chiêm nghiệm.

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”

Sự thắng và bại; khôn và dại ở đời có những điểm cần bàn bạc, xem xét kĩ lưỡng.

“Thắng” trong cuộc sống được hiểu là thành công, là đạt được điều mình mong muốn. Chiến thắng làm con người thoả mãn, sung sướng, tiếp tục trở thành động lực để con người phấn đấu; “bại” là thất bại, là không đạt được mục tiêu mình mong muốn; điều đó dễ khiến ta thất vọng, đau khổ, nản lòng. Như vậy, cuộc sống trở thành một trận chiến giữa một bên là con người cùng những cố gắng nỗ lực, những hoài bão khát khao với một bên là những quy luật khắc nghiệt, những biến đổi vô tình khách quan của cuộc đời.

Thắng và bại đến với con người cũng rất khách quan không thể kiểm soát được. Có thể bạn đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều song thành quả của bạn chưa đạt được yêu cầu. Vậy là bạn thất bại. Cũng có khi bạn không nghĩ mình chiến thắng nhưng vinh quang lại tới đón chào...

Ngược lại, khôn và dại lại là yếu tố chủ quan. Chính hành vi, cử chỉ của con người tự bộc lộ tính chất khôn dại của nó.

“Khôn” là khôn khéo, khôn ngoan, biết làm những việc có lợi. Ngược lại, “dại” là dại dột, luôn làm những điều ngốc nghếch, bất lợi cho mình.

Thắng và bại, khôn và dại tưởng như là những mặt đối lập, mâu thuẫn gay gắt với nhau, không có mối liên hệ gì. Song trong thực tế chúng lại có quan hệ biện chứng, yếu tố này là tiền đề của yếu tố kia và rất có thể sẽ ngược lại.

Quả thực “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại”. Làm người sống ở trên đời, chẳng có ai dám vỗ ngực tự xưng ta đây toàn thắng. Tỉ phú giàu nhất hành tinh Bill Gate cũng đã từng nếm trải những thất bại cay đắng. Để có chiếc bóng điện hoàn hảo như ngày nay, Edison đã từng làm nổ hàng trăm chiếc bóng đèn... Như vậy, chiến thắng được dựng lên từ chiến trường của thất bại. Nó giống như đỉnh núi cao lên nhờ triệu triệu viên đá ép mình. Thất bại đã giúp con người kinh nghiệm, nhìn ra cái sai, biết cách làm đúng.

Nhưng ta cũng cần hiểu rằng, không có chiến thắng nào là tuyệt đối cả. Bởi tri thức nhân loại là mênh mông, con người dù nỗ lực đến đâu cũng không thể chiếm lĩnh hết. Hiểu như vậy để sau mỗi chiến thắng ta lại biết khiêm nhường hơn, tiếp tục ý thức được vai trò của việc rèn luyện học hỏi. Sau chiến thắng mà kiêu căng, ngạo mạn thì bước tiếp theo sẽ là thất bại ê chề. Bất khả chiến bại như Xêda, Napôlêông... vẫn có lúc phải cúi đầu chịu trói. Cũng như vậy, chẳng có thất bại nào hoàn toàn. Sau thất bại ta lại trưởng thành hơn, cứng cáp hơn, “thất bại là mẹ thành công”. Vì vậy, nếu có thất bại, bạn chỉ nên buồn phiền mà chớ có tuyệt vọng. Hãy biến nỗi buồn làm động lực để tiếp tục vươn lên. Vùi dập mình trong tuyệt vọng bi quan cũng có nghĩa là tự dìm mình xuống bùn đen bại trận vĩnh viễn.

Thắng bại là chuyện thường tình ở đời, điều quan trọng là ta phải học cách đón nhận để sau mỗi lần thắng bại là một lần chúng ta lớn hơn, có động lực để can đảm mạnh dạn bước tiếp con đường mình đã chọn.

Khôn và dại cũng đứng cạnh nhau, biện chứng với nhau như vậy. “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.

Sau mỗi lần dại là một lần ta trưởng thành, khôn ngoan hơn, thu nhặt được bài học về cách thức, phương tiện... cho các hành động trong cuộc sống. Những bài học ấy sẽ góp vào cái “túi khôn” của mỗi người để “mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại”.

Vẫn biết dại là không có lợi, chẳng ai muốn dại cả, nhưng có nên giấu đi cái dốt, cái dại của bản thân? Trong một lớp học nếu học sinh không phát biểu, không thắc mắc, giáo viên khó có thể phát hiện phần bị hổng trong kiến thức của học trò. Như vậy sao giúp các em củng cố, hoàn thiện được? Cũng như vậy, trong cuộc sống, mỗi người cần tích cực học hỏi, khám phá. Để lộ ra cái sai của mình sẽ giúp mình hiểu thêm về cái đúng.

Thắng và bại; khôn và dại, chúng là những đặc điểm luôn luôn tồn tại trong một con người dù ở hình thức này hay hình thức khác. Hiểu rõ về chúng để mỗi con người tự biết vươn lên hướng tới sự hoàn thiện.

Nghị luận về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống mẫu 2

Ai trong cuộc đời này trưởng thành mà không trải qua những thắng, bại? Ai có thể trưởng thành mà không trải qua những vấp ngã trong cuộc đời? Sau mỗi lần vấp ngã, thất bại, con người ta rút ra bài học cho bản thân mình từ đó sẽ không còn gặp phải trường hợp tương tự sẽ có thể tự tin mà giành chiến thắng. Thế nên Tố Hữu mới từng nói: “ Ai chiến thắng mà không hề chiến bại - Ai nên khôn mà không dại đôi lần ”. Vấn đề là phải làm sao để đứng lên được từ những khôn, dại, đúng, sai trong cuộc sống ấy.

Câu thơ của Tố Hữu thực sự là một lời đúc kết mang tính chiêm nghiệm từ thực tế đời sống. Thắng - bại, hạnh phúc - bất hạnh, khó khăn - may mắn... đều là những cung bậc, những nốt thăng và nốt trầm mà nếu không gặp phải thì sẽ không phải là cuộc sống mà cũng sẽ làm cho cuộc sống trở nên vô nghĩa. Tuy chúng là những khía cạnh đối lập nhau, nhưng lại luôn đi liền với nhau và tôn thêm ý nghĩa của nhau. Nói “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại” là vì cuộc sống không hề giản đơn. Mọi con đường đi không phải lúc nào cũng được trải hoa hồng. Sẽ có những chông gai, sẽ có những gập ghềnh. Sẽ có những lúc con người tràn ngập trong cảm giác chiến thắng nhưng cũng sẽ có lúc họ phải nếm trải những giọt nước mắt đắng cay của thất bại.

Đó là quy luật cuộc sống. Cũng giống như việc người ta có thể rút ra những kinh nghiệm cho bản thân từ những sự từng trải, từ những thất bại, từ những sai lầm trong cuộc đời, để rồi từ đó sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự. "Ai nên khôn mà không dại đôi lần". Nhờ có cái “dại” ta mới biết được mình “dại” và rút kinh nghiệm trong lần sau tức không mắc phải cái “dại” ấy nữa, tức đã “nên khôn” theo cách nói của Tố Hữu.

Câu thơ không chỉ là một chân lí về quy luật của đời sống mà còn cho ta thấy được sự vất vả để đánh đổi lấy hạnh phúc. Mọi hạnh phúc không phải tự dưng đến, cái gì dễ đến thì cũng dễ ra đi. Tất cả đều là sự cho đi và nhận lại, giống như việc ta trao đi tình thương để nhận lại thương yêu, ta cống hiến để sau đó mới nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Mọi thứ không tự dưng mà có, thắng bại cũng vậy. Chính trong thất bại chúng ta tìm ra được bài học cho mình, tìm ra nguyên nhân thất bại để khắc phục, làm nên chiến thắng cuối cùng. Còn cái khôn, dại, có thể coi như những kinh nghiệm trong cuộc sống. Từ những vấp ngã, từ những dại dột, con người ta sẽ trưởng thành hơn lên, sẽ nhận thức được một cách chính xác hơn về cuộc sống để có cách ứng xử với nó phù hợp, tức vượt qua cái “dại” mình đã từng vấp phải để lớn khôn hơn lên.

Không ai có thể khẳng định rằng trong đời mình sẽ không bao giờ vấp ngã, sẽ không bao giờ phải nếm trải thất bại. Thử thách càng nhiều, cuộc sống càng sôi động và phức tạp thì khả năng vấp phải những vấn đề ấy càng lớn, vấn đề là ở chỗ cần nhận thức được đúng đắn mức độ của chúng cũng như biết đứng lên từ những thất bại, sai lầm. Từ trong thất bại, con người ta cần phải tìm hiểu ra căn nguyên, biết được thất bại là do đâu. Từ đó mới đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để khắc phục căn nguyên ấy. Khi những nguyên nhân được đánh giá đúng thì có thể tìm ra giải pháp cho chúng và quan trọng hơn là người ta sẽ không bao giờ dẫm lên vết chân của những thất bại trước đó. Điều này cũng giống như việc trải qua những lẽ “dại”, “khôn” trong cuộc sống vậy. Trước những sai lầm đã mắc phải, người ta sẽ không chỉ biết tránh mà còn biết tìm cách khắc phục. Mỗi lần vấp ngã là một lần ta tìm ra những bài học cho bản thân, về cuộc đời. Nhờ thế khả năng hiểu biết cũng như khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của con người sẽ được cải thiện, làm cho ta ngày càng trở nên tự tin hơn.

Xác định được những điều này như một quy luật của cuộc sống khó tránh khỏi, nhưng điều đó không có nghĩa là con người tự cho phép mình được sai lầm, được vấp ngã trong cuộc đời. Đó là những bài học được đúc kết nhưng cũng là câu nói mang tính chất động viên tinh thần, dễ khi bắt gặp phải những hoàn cảnh tương tự con người không vì thất vọng, vì lo lắng mà buông xuôi tất cả. Hãy cố gắng để tránh mắc sai lầm và thất bại một cách tối đa. Nhưng nếu như có gặp phải những trường hợp như vậy thì hãy biết cách tự mình đứng dậy. Đầu tiên là đủ nghị lực để tự mình đứng dậy, sau đó mới là việc phải làm như thế nào để khắc phục, và rút ra được điều gì cho bản thân. Câu thơ không khuyến khích con người ta tự hài lòng, buông xuôi trước thực tại mà kêu gọi phấn đấu, tiến lên không ngừng. Điều này cần thiết và có ý nghĩa với tất cả mọi người.

Xã hội ngày càng hiện đại, mối quan hệ con người ngày càng được mở rộng, họ được tiếp cận với những lĩnh vực mới lạ, được thử thách và có nhiều cơ hội khẳng định mình. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc người ta sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ gặp khó khăn, thậm chí là thất bại. Những lúc như vậy, nếu như không rèn luyện cho mình nghị lực sống, cũng như sự sáng suốt, con người sẽ không thể tỉnh táo bước tiếp. “Thất bại là mẹ thành công”. Và chỉ có trong thất bại con người mới nhận ra được chính mình. Thất bại dạy cho ta cách để thành công, cũng như sai lầm dạy cho ta cách để sáng suốt, và thường chúng là cái tồn tại như một phần tất yếu trên con đường đi đến thành công vậy. Là những người mới đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, giới trẻ cần được ý thức điều này một cách sâu sắc.

Với tuổi đời trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm sống, những người trẻ tuổi thường hay vấp phải những sai lầm, thất bại. Điều quan trọng là hãy đừng để những điều ấy quật ngã được mình, hãy đứng lên và dũng cảm đối mặt với chúng. Làm lại từ đầu, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thực sự trưởng thành. Từ những thất bại, sai lầm, hãy rút ra bài học cho bản thân mình để không còn bao giờ gặp phải trường hợp tương tự. Còn nếu có, cũng đã có đủ kinh nghiệm và sức mạnh để giành chiến thắng. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta được phép dựa vào cái điều được coi là quy luật cuộc sống ấy mà coi thường thành bại. Tất nhiên là sai lầm và thất bại là những điều rất khó tránh trong cuộc sống nhưng hãy cố gắng để có thể hạn chế được nó một cách nhiều nhất. Nếu có thể tránh được sai lầm và thất bại, chẳng có lí do gì ta để cho mình vướng phải chúng cả.

Nhận thức được về lẽ thành bại trong cuộc sống, chúng ta càng có ý thức hơn trong việc rèn luyện để mình có thể trở thành người chủ động trong mọi trường hợp. Hãy cố gắng để mình luôn là người giành chiến thắng.

Nghị luận về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống mẫu 3

Trong cuộc hành trình đầy thách thức của cuộc sống, không có con đường nào mà ta có thể đi mà không gặp phải những khó khăn, những thử thách đầy gai góc. Nhưng điều quan trọng là khả năng kiên nhẫn, nhẫn nại và quyết tâm của chúng ta để vượt qua mọi khó khăn.

Bài thơ "Dậy mà đi" của nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện điều này rất rõ: "Ai chiến thắng mà không từng trải qua thất bại? Ai trở nên thông thái mà chưa từng sai lầm?" Đây giống như cuộc đua, người có sức khỏe, kỹ năng tốt sẽ đến đích nhanh hơn, nhưng người đến sau không phải là người thua cuộc. Người thắng cuộc là người đạt được mục tiêu của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả, trong khi người trải qua thất bại đã học từ những sai lầm và điều đó cũng là một loại chiến thắng.

Câu thơ này đã nêu lên một sự thật sâu sắc: trên con đường thành công, luôn có những chướng ngại vật, những lần gặp thất bại. Thậm chí, có một tục ngữ nói rằng "thất bại là mẹ của thành công." Nhưng để đạt được chiến thắng, trước hết chúng ta phải chiến thắng chính bản thân mình, phải vượt qua sự ngốc nghếch, hành động không khôn ngoan. Điều này đòi hỏi sự rèn luyện, tự trọng và quyết tâm.

Không khó để thấy rằng trong cuộc sống, việc học tập và bước vào sự nghiệp tự lập có thể gặp nhiều khó khăn. Đôi khi kiến thức học từ trường học không thể áp dụng trực tiếp vào thực tế, mà chúng ta phải suy nghĩ và tư duy để áp dụng chúng. Làm thế nào để tìm được con đường đúng đắn và hiệu quả trong công việc? Chỉ có bằng cách vượt qua những thất bại và học hỏi từ chúng mà chúng ta mới có thể tìm ra điểm mạnh của mình.

Cuối cùng, thất bại không phải là điều tồi tệ. Nó chỉ là một trở ngại, một bài học để chúng ta vượt qua. Đừng bao giờ từ bỏ, hãy luôn tìm cách để đứng dậy và tiến về phía trước, bởi con đường đến thành công luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự tự trọng và khả năng đối mặt với những khó khăn và thách thức của cuộc sống.

Nghị luận về thắng và bại, dại và khôn trong cuộc sống mẫu 4

Hãy nắm rõ rằng trong cuộc hành trình của chúng ta, không có lối đi nào đầy hoa hồng và thắng lợi mà không đi kèm với những thử thách, khó khăn, thậm chí thất bại đắng cay. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đưa đón chúng ta trên con đường mịn màng. Ai cũng phải trải qua những khoảnh khắc vấp ngã, và đó chính là điều tạo nên sự trưởng thành.

Nhưng điểm quan trọng không phải là chúng ta đã từng gặp khó khăn hay vấp ngã, mà là khả năng của chúng ta để vượt qua những khó khăn đó, để đứng lên và tìm kiếm ý nghĩa thực sự trong cuộc sống.

Để hiểu rõ hơn về khái niệm "chiến thắng" và "thất bại," "khôn" và "dại," chúng ta cần nhìn vào chúng từ góc độ khác. Chiến thắng đại diện cho thành công trong một sự cố, khi chúng ta hoàn thành một mục tiêu với kết quả tốt đẹp như kỳ vọng ban đầu. Trong khi đó, thất bại là khi không đạt được mục tiêu đó, và chúng ta cảm thấy thất vọng. Khôn là khả năng suy nghĩ thông minh, có sự nhạy bén và sáng tạo để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả và nhanh chóng. Dại đơn giản chỉ là thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, và có thể dẫn đến những quyết định sai lầm.

"Chiến thắng" và "thất bại," "khôn" và "dại" là những khía cạnh tương phản của cuộc sống, nhưng chúng luôn đi đôi với nhau và bổ sung cho nhau. Chúng ta thường mong muốn tiếp xúc và học hỏi từ những người "khôn" để có được những kiến thức và kinh nghiệm thành công của họ. Ngược lại, chúng ta tránh xa những người "dại" để không rơi vào cảnh thất bại.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta không nên đánh giá thấp, xa lánh những người đã trải qua thất bại. Thất bại là một phần tự nhiên của cuộc sống và là nguồn học hỏi quý báu. Chúng ta chỉ thực sự trưởng thành khi biết học từ những trải nghiệm, từ những sai lầm, từ những vấp ngã trong cuộc đời và biết nhìn nhận, rút ra bài học từ cả những thăng trầm đó.

Cuộc sống không bao giờ không có sai lầm hay vấp ngã. Mỗi thách thức là một cơ hội để chúng ta học hỏi và trưởng thành. Đôi khi, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân của thất bại để có thể vượt qua nó. Mỗi khi chúng ta gặp vấp ngã, chúng ta tìm ra những bài học quý báu về cuộc sống và về bản thân. Nhờ những trải nghiệm này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cách thức làm việc với cuộc sống, trở nên linh hoạt hơn và tự tin hơn.

Không ai có thể tránh được sai lầm và thất bại trong cuộc đời. Điều quan trọng là cách chúng ta đối mặt và học hỏi từ chúng. Đừng bao giờ tự đánh mất lòng quyết tâm khi gặp khó khăn. Hãy nắm lấy cơ hội từ những thất bại, học từ những sai lầm và từ đó, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn. "Thất bại là mẹ của thành công," và chỉ có qua thất bại, chúng ta mới thấu hiểu rõ bản thân mình. Giới trẻ đặc biệt cần nhận thức sâu sắc về điều này, vì họ đang bước vào cuộc sống với ít kinh nghiệm. Hãy luôn biết đứng dậy và tự tin bước tiếp sau mỗi thất bại, vì đó chính là cách thực sự trưởng thành.

-----------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” viết bài văn bàn về thắng và bại, khôn, dại trong cuộc sống. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu học tập nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về tính ích kỉ và lòng vị tha trong xã hội ngày nay

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm