Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương)

Văn mẫu lớp 11: Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương) gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương) mẫu 1

Có những tác phẩm luôn được gắn liền với tên tuổi của người làm ra nó, chẳng hạn như nhắc đến Nguyễn Khuyến người ta nhớ ngay đến chìm thơ thu nổi tiếng của ông, nhắc đến Nguyễn Du người ta không thể nào không nói đến Truyện Kiều. Và Hồ Xuân Hương cũng thế, nhắc đến nữ thi sĩ này người ta nhớ nhất là chùm thơ Tự tình. Đặc biệt trong đó có bài thơ Tự tình II được nhiều người yêu mến và thích đọc nó. Phải chăng do nó nói lên chính tấm lòng của người phụ nữ kia nên được sự ưu ái của bạn đọc như thế?

Bài thơ Tự tình II được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, viết theo ngôn ngữ môn thuần việt chính vì thế cấu trúc bài thơ cũng được chia thành bốn phần đề, thực, luận, kết. Mỗi phần gồm hai câu nói lên những tâm tư tình cảm của nhà thơ hay cũng chính là sự đồng cảm với số phận người phụ nữ bấy giờ. Trong xã hội trọng nam khinh nữ ấy đã có lần Xuân Hương mạnh bạo nói lên câu: “Không chồng có chửa mới ngoan – Có chồng mà chửa thế gian có đầy”. Câu nói ấy không phải lăng loàn mà nó thể hiện sự bênh vực của Xuân Hương với những phụ nữ bị cưỡng hiếp nhục nhã khi bị người ta chê cười chửa hoang. Vì thế bài thơ Tự tình này cũng như đang nói lên tâm trạng của người phụ nữ thời xưa.

Hai câu thơ đầu mở ra một không gian của đêm buông tĩnh mịch, và trước cái đêm tĩnh lặng ấy cái tình của người phụ nữ mới bắt đầu chiếm lấy không gian ấy để mà thổn thức một mình:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Thời gian đêm khuya thường là lúc mọi cảnh vật chìm vào bóng tối và giấc ngủ thì người phụ nữ kia lại không thể ngủ được. Và chính không gian ấy đã góp phần làm cho tâm trạng tình cảm của người phụ nữ được bộc lộ ra rõ nét hơn. Hai chữ “văng vẳng” thể hiện tiếng động nơi xa xa vọng lại, đó là tiếng trống cầm canh, tiếng trống ấy không làm cho không gian nơi đây thêm phần huyên náo mà nó càng nhấn mạnh sự tịch mịch của đêm tối mà thôi. Tiếng trống cầm canh thúc giục buổi sáng mai thức dậy còn người phụ nữ của chúng ta thì vẫn còn chưa ngủ được. Có lẽ nàng thao thức với những tâm tư chất chứa trong lòng mà không thể nói với ai, chỉ là những đêm khuya nàng nhớ lại chúng nên không thể nào nhắm mắt nổi. Động từ “trơ” thật hay khi nói lên trạng thái của hồng nhan kia. Biện pháp tu từ đảo trật tự cú pháp trong câu như nhấn mạnh trạng thái ấy. Trơ có nghĩa là trơ chẽn hay trơ lì, dù hiểu thế nào đi nữa thì đó cũng là trạng thái cô đơn của nhà thơ khi đêm đến. Hồng nhan trơ mình với nước non, người phụ nữ lẻ loi cô đơn khi chịu cảnh làm vợ lẽ. Chẳng thế mà Xuân Hương từng có câu thơ về phận làm lẽ:

“Chém cha cái cảnh lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.”

Sang hai câu thực, nhà thơ tiếp tục thể hiện những suy tư chồng chất của mình. Làm sao có ai hiểu được tâm trạng ấy. Liệu rằng chúng ta có thể thấy được một cảnh tươi đẹp hơn nhưng than ôi không hề có, lại những câu thơ buồn được cất lên:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Trong sự cô đơn chua cay nghiệt ngã của thân phận làm vợ lẽ nhà thơ đã tìm đến rượu. Người ta tìm đến rượu khi vui để chúc tụng để cho hơi men làm cho nó thêm phần vui vẻ hơn, đương nhiên khi buồn người ta cũng tìm đến rượu để giải sầu. Từ xưa đến nay vẫn thế, Hồ Xuân Hương cũng vậy, bà quyết định tìm đến rượu để giải sầu. Thế nhưng chính hơi men nồng ấm ấy lại không thể làm nguôi đi sự cô đơn, buồn bã của nhà thơ. Càng uống lại càng tỉnh, say nhưng rồi lại tỉnh, như vậy nỗi lòng, nỗi sầu đau của nhà thơ lớn đến mức rượu kia cũng không thể có tác dụng cho bà quên đi. Hình ảnh vầng trăng tượng trưng cho nhan sắc của người thiếu nữ ấy, đó là một vẻ đẹp lung linh huyền ảo, đằm thắm mà dịu dàng. Thế nhưng vầng trăng kia lại xế bóng khuyết chưa tròn phải chăng đó là sự tương đồng với nhan sắc của nhà thơ. Xuân Hương nghĩ nhan sắc mình ngày càng một tàn đi giống như vầng trăng kia cũng xế bóng thế mà chưa tìm được một tình yêu đôi lứa thật sự. Buồn lại càng thêm buồn.

Tiếp đến hai câu luận, nhà thơ thể hiện nỗi đau của phái đẹp trong xã hội phong kiến mục nát lúc bấy giờ:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Nghệ thuật đảo trật tự cú pháp một lần nữa lại được nhà thơ sử dụng một cách triệt để và hiệu quả. Nào là “xiên ngang” rồi lại “đâm toạc” đó là những động từ mạnh mẽ thể hiện sức sống của những cây rêu, hòn đá kia. Đó là khả năng sinh tồn của những sinh vật nhỏ bé, dường như trong không gian u mịch và thời gian đêm khuya ấy nhà thơ đang ngắm nghía phát hiện những sự vật hiện tượng trong bóng đêm đó. Tuy nhiên chẳng có lẽ nhà thơ chỉ ngắm nhìn nó thôi sao, tác giả còn gửi thân phận của mình vào từng cảnh vật. Đám rêu kia hay chính là thân liễu đào tơ yếu ớt của phái nữ, hòn đá kia như thể hiện sự nhỏ bé của người phụ nữ trong xã hội lạc hậu lỗi thời. Những động từ mạnh kia giống như sự phá phách của Xuân Hương nó mãnh liệt như khát vọng đi tìm hạnh phúc vậy.

Hai câu thơ cuối bài nhà thơ nêu lên quy luật của tự nhiên vĩnh hằng cái vô hạn đối lập cái hữu hạn trong chính thiên nhiên và con người:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

Nếu Xuân Diệu có câu thơ “Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn – Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” thì Xuân Hương cũng có hai câu thơ trên nói về sự việc này, quy luật này. Động từ ngán thể hiện sự buồn bã chán nản của Hồ Xuân Hương khi mỗi mùa xuân trôi đi mang theo tuổi tác và vẻ đẹp của người phụ nữ. Nhà thơ Xuân Diệu thật đúng khi viết:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân dương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ trật

Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian”

Tuổi trẻ tuổi thanh xuân là vô cùng hiếm hoi và quý giá vì thế cho nên Xuân Diệu, Xuân Hương hay chính chúng ta đều giữ gìn nó muốn nó mãi mãi tồn tại với mình. Thế nhưng quy luật tự nhiên không thể như thế được, ở đây Xuân Hương cũng vậy, tuổi trẻ của bà chưa tìm được một tình yêu đôi lứa hạnh phúc vậy mà thời gian thì cứ trôi nhanh mang theo những nhan sắc vẻ đẹp của mình. Xuân này qua đi xuân khác lại đến mỗi một mùa xuân qua đi rồi lại một mùa xuân khác quay lại nó cứ tuần hoàn chảy trôi như thế mặc cho những dự định của con người còn dang dở chưa hoàn thành, mặc cho tuổi trẻ kia không thắm lại thêm lần nữa. Nhà thơ đã khéo so cái vô hạn với cái hữu hạn là như vậy. Mùa xuân cứ trôi còn người phụ nữ kia ngày càng thêm già mặc cho nàng chưa tìm được bến bờ hạnh phúc. Thời gian có đợi chờ ai bao giờ và Hồ Xuân Hương của chúng ta vẫn ngậm ngùi san sẻ một mối tình. Theo quy luật thông thường tình yêu là của hai người nhưng trong xã hội cũ những mảnh tình ấy được san sẻ thành nhiều mảnh, đó là những mảnh ghép tình mà khiến cho người phụ nữ buồn bã. Mảnh tình vốn con con mà lại phải san sẻ cho người khác qua đó ta thấy được xã hội cũ đã chà đạp lên hạnh phúc và tinh thần người phụ nữ như thế nào, trai thì năm thê bảy thiếp còn gái thì chỉ vẻn vẹn chung thủy một người chồng.

Như vậy qua đây ta thấy yêu mến Hồ Xuân Hương cũng như quý trọng những người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ phải chịu đựng những niềm đau nỗi buồn của cảnh lấy chồng chung, bị hắt hủi một mình trong đêm dài quạnh quẽ. Qua đó nhà thơ cũng nói về chính bản thân mình, có thể thấy bà đã góp một phần nói lên tiếng nói chua chát đau khổ của người phụ nữ trong xã hội xưa và chính vì thế Xuân Hương là cái tên mà mọi người vô cùng yêu mến vì những vần thơ hay bênh vực người phụ nữ. Xuân Hương đại diện cho tất cả những người phụ nữ thời trung đại nói lên những điều thầm kín trong lòng mình. Phải chăng đã góp phần làm nên tên tuổi của bà trong nền văn học trung đại Việt Nam? Xuân Hương là cái tên người ta nhớ đến nhiều nhất khi nhắc đến những thi sĩ nữ của văn học trung đại.

2. Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương) mẫu 2

"Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương thường cổ giọng thơ khinh bạc, mỉa mai. Bên cạnh giọng thơ khinh bạc ấy, ta lại bắt gặp một trong những bài thơ tả cảnh ngụ tình khá sâu sắc và ý tứ chân thành nhằm giãi bày tâm sự của mình. Bài thơ "Tự tình II" là một trường hợp như vậy!

Hai câu đề là cảnh đêm về khuya, tiếng trống canh từ xa văng vẳng mà dồn dập đổ về. Trong thời điểm ấy, nhân vật trữ tình lại trơ trọi đáng thương và "cái hồng nhan" đã cụ thể hoá một cá thể đang cô đơn, thao thức và dằn vặt.

Hồng nhan nhằm để nói "phái đẹp" nhưng lại được trước nó là trạng từ "trơ", khiến cho câu thơ đậm đặc cái ý chán chường. Rồi lại -cái hồng nhan" thì quả là khinh bạc.

Lấy "hồng nhan" mà đem đối với "nước non" thì quả thật là thách thức nhưng cũng thật sự là mỉa mai, chua chát. Phép tiểu đối thật đắt và thật táo bạo nhưng phù hợp với tâm trạng đang chán chường, trong hoàn cảnh đang cô đơn, trơ trọi. Nỗi cô đơn ngập đầy tâm hồn đến mức phải so sánh nó ngang bằng với các hình tượng của thiên nhiên tạo vật.

Hai câu thơ tiếp theo diễn tả tình cảnh cô đơn của người phụ nữ trong đêm khuya 1 thanh vắng. Đó là nỗi dằn vặt và sắp bộc lộ, giãi bày một tâm sự.

Đến hai câu thực ta nghe thoảng men rượu từ cơn say trước đó nhưng đã thoảng bay đi. Hương rượu chỉ sự thề hẹn (gương thề, chén thề) nhưng hương đã bay đi dù tình còn vương vấn. Cá thể đã tỉnh rượu nên càng nhận ra nỗi trống vắng, bạc bẽo của tình đời.

Trăng gợi lên mối nhân duyên, nhưng trăng thì "khuyết chưa tròn", ngụ ý tình duyên chưa trọn, không như mong ước, khi mà tuổi xanh đã lần lượt trôi đi.

Hai câu luận là nỗi bực dọc, phản kháng, ấm ức duyên tình.

Hình ảnh hết đám rêu này đến đám rêu khác "xiên ngang mặt đất" như trêu ngươi nhà thơ. Rêu phong là bằng chứng về sự vô tình của thời gian, nó là hiện thân của sự tàn phá chứ không phải chở che cho tuổi đời. Thế rồi nhà thơ bực dọc vì tuổi xuân qua mau, đời người ngắn ngủi, nhỏ bé, nên:

"Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn".

"Mấy hòn đá" không những đứng sừng sững ở chân mây mà còn "đâm toạc" thể hiện thái độ ngang ngạnh, phản khổng, ấm ức của nhà thơ về duyên tình lận đận... Lời than thở cũng chính là chủ đề của bài thơ. Năm tháng cứ trôi qua, xuân đi rồi xuân lại tới mà duyên tình vẫn chưa được vuông tròn. Xuân thì đi rồi trở lại với thiên nhiên đất trời, nhưng lại vô tình, phũ phàng với con người.

Kẻ chung tình không đến, người chung tình thì cứ chờ đợi mỏi mòn mà thời gian thi cứ trôi đi, tuổi xuân tàn phai. Mảnh tình quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là "san sẻ tí con con". Câu thơ cực tả tâm trạng chua chát, buồn tủi của chủ thể trữ tình.

Có đa tình mới tiếc xuân, trách phận và mới có giọng tự tình. Giọng thơ đầy đủ cả sắc thái tình cảm: tủi hổ, phiền muộn, bực dọc, phán kháng rồi kết bằng chua chát, chán chường vì tình duyên chưa trọn.

Hồ Xuân Hương đã góp vào kho tàng thơ Nôm Việt Nam một tiếng thơ táo bạo mà chân thành, mới lạ mà vẩn gần gũi với thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công ngày ấy. Đó là một xã hội đã làm cho biết bao nhiêu thân phận "hồng nhan" bị lỡ làng và khổ đau.

Khát vọng của Hồ Xuân Hương về mưu cầu hạnh phúc lứa đôi cùng chính là khát vọng của muôn vàn phụ nữ: một khát vọng chính đáng.

3. Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương) mẫu 3

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ có cái tôi vô cùng độc đáo của văn học trung đại Việt Nam. Bà đã để lại cho thế hệ mai sau nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó phải kể đến bài thơ Tự tình II.

Xã hội xưa, con người thân phận nhỏ bé thường chịu nhiều bất công, đặc biệt là người phụ nữ. Họ phải cúi mình nhún nhường trước những hủ tục, những quan niệm lạc hậu để rồi bị vùi dập trong kiếp sống bấp bênh, nổi trôi vô định, chịu nỗi đau về thể xác, bị giày vò về tình thần. Trong họ, sự cô đơn, tủi phận luôn bủa vây, song sâu thẳm nơi đáy lòng, họ vẫn ngời lên những vẻ đẹp đáng trân trọng. Bài thơ Tự tình là lời tâm sự với những nỗi buồn và khát khao, là tiếng lòng của bao người phụ nữ trong xã hội đương thời.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Khi màn đêm buông xuống, bóng tối ùa về bất chợt là lúc lòng người dễ chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn nhất. Lúc này đây, nhân vật trữ tình cũng như thế, "đêm khuya" - khoảnh khắc của nỗi buồn, của sự cô đơn chiếm chỗ. Tiếng trống canh dồn càng làm cho sự tĩnh mịch, vắng lặng của đêm tối thêm thấm đượm

Giữa tiếng trống canh lòng người càng khắc khoải, phận hồng nhan "trơ" giữa cuộc đời, nỗi chơ vơ tột cùng, trống trải đến khôn nguôi.

Nỗi buồn có thể được chia sẻ nếu có một ai đồng cảm cùng mình, chịu nghe mình giãi bày, chịu lắng nghe những tổn thương, khổ đau của mình. Nhưng ở đây, nhân vật trữ tình lại chỉ một mình đơn độc, không có lấy một ai san sẻ, đành lấy rượu làm tri kỉ, tìm đến rượu để quên hết những muộn phiền:

"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"

Men rượu có thể làm người say, quên đi tức thời nhưng rồi khi tỉnh nỗi đau vẫn còn đó, chẳng thể vơi, cuối cùng, sự cô đơn vẫn cứ bám víu lấy thân phận bé nhỏ. Kiếp hẩm hiu của người phụ nữ như vầng trăng khuyết, dù bóng đã xế mà chẳng thể "tròn", chẳng thể trọn vẹn một mối tình chung thủy, sắt son. Duyên phận lỡ làng, cuộc đời trái ngang, còn gì đau khổ hơn như thế, số phận cứ như trêu ngươi người phụ nữ vậy.

Nhưng dù rằng có khó khăn, dù rằng bao tồi tệ xảy đến thì người phụ nữ vẫn không hề từ bỏ. Sâu thẳm, họ vẫn mang trong mình sức sống kiên cường, mạnh mẽ để vượt thoát khỏi những cơ cực đang chịu đựng từng ngày hay chí ít cũng để vơi đi những tù túng, chán chường.

"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn"

Những đám rêu nhỏ bé kia cũng dũng cảm "xiên ngang" cả mặt đất để vươn mình đón lấy ánh sáng mặt trời. Những hòn đá nhỏ nhoi cũng "đâm toạc" cả trời mây để nhận lấy tự do. Tất cả những hình ảnh của sự vật thiên nhiên ấy chính là hình ảnh ẩn dụ cho người phụ nữ với sức sống phi thường, mạnh mẽ. Dù cho những bất công, đau khổ có vùi dập họ từng ngày thì họ vẫn gắng gượng để vượt thoát với ước mơ tự do, hạnh phúc và bình yên.

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

Xuân của tạo hoá, đi rồi đến, vòng tuần hoàn của vũ trụ chẳng thể đổi thay. Thời gian thì trôi đi nhưng có những điều chẳng thể nào thay đổi. Chữ "Ngán" đặt đầu câu càng diễn tả sự chán chường của nhân vật trữ tình, tuổi xuân cứ ngày một thêm vậy mà mong cầu một cuộc tình trọn vẹn cũng chẳng thể có. Thanh xuân để chờ đợi một hạnh phúc đúng nghĩa cũng chẳng chạm tới, đến "mảnh tình" - mối tình mỏng manh, nhỏ nhoi, ít ỏi cũng phải san sẻ cho người. Như thế, sao không thể ngán ngẩm, sao không khỏi chán chường, sao không thể không cô đơn cho được.

Quan niệm phong kiến xưa: "Trai năm thê bảy thiếp, gái chuyên chính một chồng" đã khiến cho bao người phụ nữ phải ngập chìm trong khổ đau, gặm nhấm nỗi cô đơn từng ngày, từng giờ, từng đêm vắng. Là người phụ nữ sống trong xã hội lúc bấy giờ, cũng chịu chung cảnh ngộ như thế mà Hồ Xuân Hương đã viết nên bài thơ nói lòng mình mà cũng nói hộ lòng người. Bài thơ khiến ta không khỏi xót xa, thương cảm cho kiếp sống mong cầu hạnh phúc mòn mỏi và chịu đựng khổ đau của bao phụ nữ xưa. Đồng thời, càng căm phẫn một xã hội bất công vùi dập tự do, hạnh phúc của con người.

Bài thơ Tự tình II có nỗi buồn, có cô đơn đấy nhưng bên trong mỗi lời thơ đều chất chứa một sức sống mãnh liệt của một tâm hồn khao khát hạnh phúc, một tấm lòng khát khao tự do và thiết tha với cuộc đời. Tác phẩm đã chạm đến người đọc bởi những cảm xúc chân thực từ lối viết của một trái tim giàu yêu thương.

4. Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương) mẫu 4

Bà là một hiện tượng khá độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam, đó là nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình. Nổi bật trong sáng tác của bà là tiếng nói thương cảm đối với phụ nữ, là sự khẳng định đề cao vẻ đẹp và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt trong trái tim họ. Và một lần nữa ta bắt gặp điều đó qua những câu thơ rất đỗi chân thành trong bài thơ Tự tình 2 trong chùm thơ Tự tình được viết nên từ những cung bậc tình cảm dường như đang làm rối bời tâm trạng nhà thơ…

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Mảnh tình san sẻ tí con con

Tình là gì ai biết không? Tình là vầng dương, tình là ngàn sao hay tình chỉ là vầng trăng khuyết, câu hát vang lên bằng một câu hỏi tu từ hỏi đời rằng trên thế gian còn gì hạnh phúc bằng tình yêu hay có gì làm lòng người đau khổ bằng thất bại trong tình cảm, nỗi đau khổ đó không chỉ làm bão giông trong bao trái tim người đời và trong đó có trái tim hồ xuân hương, nỗi cô đơn đã dằn vặt làm thao thức tác giả trong cái yên ắng và lạnh lùng của đêm khuya.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

Trong cái tĩnh mịch u buồn của đêm giá lạnh thoáng nghe tiếng trống canh văng vẳng từ môt chòi canh xa vọng đến báo hiệu đã nữa đêm, tiếng trống mỗi lúc một dồn dập hơn xa đến gần càng lúc như nhanh hơn trôi theo từng khoảnh khắc của thời gian và rút ngắn tuổi đời của một người phụ nữ “hồng nhan” nhưng “trơ” đi trước cuộc đời, trước cảnh vật tựa như gỗ đá đã bị mất hết cảm giác vì bao nỗi phiền muộn đợi chờ một thứ hạnh phúc mong manh, giọng thơ trĩu xuống tăng thêm nỗi chán chường và cái cô đơn đang bủa quanh tác giả. Cách sử dụng đảo ngữ nhấn mạnh thêm sự trơ trọi bẽ bàng và tủi hổ.

Trước cuộc đời, trước duyên phận hẩm hiu người phụ nữ ấy chua xót cho chính mình, thân phận lẻ loi mong manh giữa bao vùi dập của cái xã hội đầy bất công thị phi ngang trái. Thân phận hồng nhan bây giờ phải trải qua những đêm dài cay đắng cho tấm lòng thủy chung vì cuộc tình dang dở. Tiếng thở dài ngao ngán và ý nguyện muốn thoát khỏi nỗi sầu muộn dấy lên trong lòng nhưng cuối cùng cũng rơi vào bế tắc, dường như nghịch cảnh không buông tha cho người phụ nữ ấy, mượn rượu quên đi nhưng lại càng nhớ:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn

Chén rượu cầm hững hờ trên tay mặc cho hương nồng của rượu phả vào mặt xộc vào mũi, tác giả mong rượu có thể giải tỏa hộ nỗi lòng của mình, mong cơn say mau tìm đến để đưa ng đến một nơi yên bình dù trong thời gian ngắn ngủi cũng đỡ hơn khi phải một mình đối diện nỗi cô đơn đang giày xéo tâm can. Nhưng say rồi lại tỉnh cứ chập chờn chập chờn mơ hồ trong cái vòng lẩn quẩn. Thời gian thì cứ trôi tác giả lúc thì tỉnh để nhận ra cái éo le của cuộc đời lúc thì chìm vào cơn say quên đi bao tuyệt vọng, mong mỏi phút giây nào đấy có thể gạt được tất cả qua một bên để sống với những khao khát của chính mình nhưng mong ước bé nhỏ ấy cũng bị cuốn phăng đi vô tình. Nỗi buồn tủi bắt đầu xâm chiếm, bao đêm dài thao thức đợi chờ nhưng vô vọng, chờ nhiều đợi nhiều mà hạnh phúc chẳng bao nhiêu trong khi cái xuân thì ngày càng rời xa tác giả.

Vầng trăng xuất hiện để làm chứng nhân cho bao cuộc tình mà sao khi tác giả thấy trăng thì lại không được tròn đầy mà là hình ảnh đối lập là khuyết, phải chăng cuộc tình này cũng thế chẳng bao giờ có một cái kết trọn vẹn. Đến bao giờ thì trăng mới tròn đến khi nào thì hạnh phúc mới trong tầm tay và bao lâu nữa thì nỗi cô đơn này thôi xuất hiện làm xót lòng. Tác giả khao khát và mong chờ, nỗi niềm đó nhân lên theo ngày tháng, nhưng càng hi vọng thì càng đau khổ, bi kịch có bao giờ được kết thúc cho những người phụ nữ quá lứa lỡ thì cùng tình duyên ngang trái trong cái xã hội phong kiến ngày xưa. Nỗi buồn dâng đầy trong lòng rồi lan tỏa ra không gian khắp bốn bề, khẽ đưa mắt nhìn ra khoảng trống trước mặt những hình ảnh thiên nhiên đập vào mắt và như hòa vào tâm trạng nhuốm nỗi buồn phiền của tác giả.

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

Câu thơ tả cảnh với cấu trúc tương phản hình ảnh những đám “rêu” bé nhỏ yếu ớt với sức mạnh “xiên ngang” cả lớp đất dày vươn lên với sức sống mãnh liệt hay “đá mấy hòn” nhưng lại có khả năng đâm toạc chân mây trước mắt. Thái độ phản ứng khá mạnh mẽ trước duyên tình lận đận thể hiện qua cả gịọng thơ ngang ngạnh phản kháng và ấm ức. Thiên nhiên trong mắt nhà thơ tiềm ẩn một sức sống đang bị đè nén và đang vươn lên mãnh liệt. Ta thấy rõ được tác dụng của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở hai câu thơ này, dường như có một điểm giống nhau giữa tâm hồn thơ và những hình ảnh thiên nhiên ấy. Rêu và đá bé nhỏ là thế nhưng chúng giống nhau ở sức sống mạnh mẽ vô cùng và nhà thơ cũng vậy.

Dù trong hoàn cảnh xót xa nhưng tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy một niềm hy vọng, bi kịch dẫu đắng cay nhưng bằng cả nghị lực tác giả vẫn cố gắng gượng mong chờ vượt qua để đến bến bờ bình yên cho mình. Hai câu thơ hay ẩn dụ được khát vọng rất lớn không chỉ của riêng Hồ Xuân Hương mà là tiếng lòng chung của bao số phận hồng nhan hẩm hiu về một cuộc đời hạnh phúc hơn. Dâng tràn trong họ là tất cả hy vọng mong chờ bằng cả niềm tin dù bao nghịch cảnh. Nhưng đáng buồn thay vòng xoay cuộc đời một lần nữa làm người rơi vào bế tắc.

Cuộc đời nhà thơ là những thắng ngày buồn tủi không chỉ một mà đến hai lần người đều là vợ lẽ và âu cũng vì vậy mà bao phẫn uất kết tụ đến hồi bộc phát khi thực tại vẫn là bao chua xót não nề. Khao khát được yêu thương được sống hạnh phúc như những người phụ nữ bình thường nhưng càng vô vọng, đêm đã khuya mà nhà thơ vẫn còn trằn trọc thao thức ưu tư, nỗi đau bị dồn tụ khi tác giả nhìn lại chính mình thì cũng là lúc nỗi cô đơn dâng đầy hơn bao giờ hết trong tâm trạng chán chường và mệt mỏi thậm chí là thất vọng với sự thực trước mắt

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con

Tiếng lòng than thở của nhà thơ vang lên qua từ “ngán” được rõ nét hơn. Mùa xuân có đi rồi cũng đến ngày sẽ quay về với thiên nhiên nhưng còn tình duyên thì mới bao giờ trở lại với con tim chung tình đang chịu nỗi đau. Tuổi xuân người phụ nữ trôi nhanh nhưng cũng không bằng cuộc tình dang dở, hạnh phúc ngắn ngủi để rồi bây giờ chỉ còn nhà thơ quạnh hiu trong nỗi cô đơn đang ngấm buốt tê lòng. Tình duyên lỡ làng tan vỡ như mảnh vụn chỉ dành nhà thơ được một chút nhưng lại phải “san sẻ” để còn trong nhà thơ là “tí con con”. Buộc lòng cam chịu cảnh ngộ đơn chiếc đang ngày đêm trải qua sự đợi chờ mỏi mòn. Nỗi đau như thế chưa đủ hay sao mà còn tình cảm nhận được chẳng những quá ít mà còn quá vô tình, quá hờ hững.

Câu thơ tả thực nỗi chua chát ngấm từ trong lòng. Nỗi trống trải cô đơn làm tác giả chán nản nới những mong chờ mà đáp lại chỉ là sự lành lùng tàn nhẫn. Mỗi từ như một giọt nước mắt rưng rưng chỉ chực trào ra theo những tủi hờn trách móc. Có mấy ai hiểu được những gì đang hành hạ tâm hồn mỏng manh của người, thấu chăng nơi đây đang có bóng hình chờ và đợi. Đau lắm nhưng cũng phải tự nén lòng và nuốt nghẹn đắng vào trong. Cuộc đời thì cứ đùa cợt trêu đùa với những người làm vợ lẽ, phải chịu bao phân biệt và bất công có ai thấu hiểu dùm.

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng

Cầm lòng làm mướn mướn không công

Cả bài thơ là muôn vàn sắc thái tình cảm của nhà thơ có buồn có hờn có giận có chua chát có lúc phản kháng dữ dội nhưng rồi chán chường vì thất vọng. Tiếng thơ táo bạo chân thành thễ hiện khát vọng mưu cầu hạnh phúc lứa đôi của bao hồng nhan trong xã hội phong kiến bấy giờ, qua đó đã dẫn dắt cho người đọc đi vào thế giới tâm hồn đa dạng của họ và có cơ hội cảm thông với bao nỗi buồn mà họ phải gánh chịu. Ngôn ngữ thơ mang đậm chất dân gian được sử dụng khéo léo giàu sức biểu cảm tinh tế. Tài thơ nôm của Hồ Xuân Hương còn thể hiện qua việc viết thơ đường luật bằng tiếng Việt thật tài tình, quả không hổ danh là bà chúa thơ nôm.

5. Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương) mẫu 5

Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”, là một trong số những gương mặt nhà thơ nữ tiêu biểu và xuất sắc của nền văn học trung đại. Là một người phụ nữ tài năng, có cá tính nhưng cuộc đời, đường tình duyên lại éo le, lận đận. Đồng cảm với số phận của những người phụ nữ, những sáng tác của bà vừa là tiếng nói cảm thương cho số phận người phụ nữ vừa là sự ngợi ca, trân trọng những vẻ đẹp của họ. Bài thơ “Tự tình” (bài II) là một trong số những sáng tác tiêu biểu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Hai câu thơ mở đầu bài thơ đã thể hiện một cách rõ nét nỗi cô đơn, trống vắng, bẽ bàng cho số phận mình của nhân vật trữ tình.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

“Đêm khuya” vừa là thời gian tả thực nhưng đồng thời cũng chính là thời gian nghệ thuật, là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. “Đêm khuya” chính là thời khắc của hạnh phúc lứa đôi, của sum họp vợ chồng và cũng chính vì thế, nó cũng chính là khoảnh khắc người vợ lẽ cảm nhận sâu sắc, thấm thía và đầy đủ nhất nỗi cảnh cô đơn, sự bất hạnh của thân phận mình. Đêm đã về khuya nhưng nhân vật trữ tình vẫn chưa ngủ, tiếng trống canh nơi đồn ải cứ thế vọng lại như nhắc nhở một cách đầy quái ác về sự trôi chảy của thời gian trên thân phận trớ trêu, “chăn đơn, gối chiếc”.

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Nhà thơ dùng hai chữ “hồng nhan” để chỉ người phụ nữ vẫn còn xuân sắc, xuân tình. Ấy vậy mà cứ phải “trơ” ra, không một ai ngó ngàng, đoái hoài tới. Chữ “trơ” được đặt lên câu thơ đã mang lại nhiều nét nghĩa độc đáo, đó vừa là sự phơi bày vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng đồng thời đó còn chính là sự chai sạn khi phải khoe sắc đẹp của mình trước không gian rộng lớn. Và để rồi, điều đó đã cho thấy sự bẽ bàng, tủi hổ của nhân vật trữ tình. Thêm vào đó, câu thơ với nghệ thuật đối giữa “cái hồng nhan” với “nước non”, giữa cái nhỏ bé của con người với cái rộng lớn của không gian đã làm bật nổi sự cô đơn, trống vắng của nhân vật trữ tình.

Buồn đau, bẽ bàng với số phận cô đơn, nhân vật trữ tình tìm đến rượu để giải sầu nhưng đó cũng chính là lúc nàng càng cảm thấy bế tắc, đau đớn và xót xa cho số phận của mình.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Uống rượu để quên đời, để quên đi nỗi cô đơn của bản thân nhưng không quên được, “say lại tỉnh”, khao khát sự thỏa mãn nhưng nhìn lên trời chỉ thấy đêm tàn trăng khuyết. Vầng trăng ấy vừa là vầng trăng thực nhưng đồng thời đó cũng chính là vầng trăng của tình duyên, của hạnh phúc lứa đôi mà nhân vật trữ tình khao khát có được. Để rồi, hơn bao giờ hết, nhân vật trữ tình cảm thấy buồn tủi, cay đắng, xót xa cho số phận mình khi tuổi xuân đã dần qua đi mà hạnh phúc, tình yêu vẫn còn dang dở, chưa vẹn tròn.

Đau đớn, tủi khổ cho số phận mình, nhưng người phụ nữ ở đây không chịu bó buộc bởi điều đó, nàng tìm cách để phản kháng lại số phận của mình.

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Thế giới hình tượng thơ Xuân Hương bao giờ cũng hoạt động thật mạnh mẽ và đầy huyên náo. Với việc sử dụng nghệ thuật đảo ngữ kết hợp với các động từ mạnh “xiên ngang”, “đâm toạc”, tác giả đã vẽ nên trước mắt người đọc khung cảnh thiên nhiên như đang cố gắng cựa quậy bứt phá, không chịu đầu hàng trước số phận. Những hình tượng thiên nhiên ấy xét đến cùng chính là sự phẫn uất, phản kháng của nhân vật trữ tình trước số phận. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy bản lĩnh, cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương.

Cố gắng phản kháng lại số phận nhưng cuối cùng nhân vật trữ tình cũng không thể vượt thoát được số phận và vì thế nhà thơ đã chấp nhận số phận bằng một tiếng thở dài đầy ngao ngán.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Hai chữ “xuân” được tác giả sử dụng thật độc đáo trong cùng một câu thơ. Mùa xuân quay trở lại cũng có nghĩa đó là lúc tuổi xuân trôi đi, con người không thể nào níu giữ. Và để rồi, nhân vật trữ tình cảm thấy ngán ngẩm, chán chường trước sự thật phũ phàng. Thêm vào đó, nghệ thuật tăng tiến đã làm cho hoàn cảnh đã éo le nay càng trở nên đau xót, đáng thương hơn. Mảnh tình đã bé nay lại còn phải san sẻ để rồi chỉ còn lại “tí con con”. Thử hỏi, điều đó, làm sao không khiến con người ta buồn, chán nản và bất lực buông xuôi cho được?

Tóm lại, bài thơ “Tự tình” (bài 2) của Hồ Xuân Hương với thể thơ thất ngôn bát cú, ngôn ngữ giản dị đã thể hiện một cách chân thực và rõ nét bi kịch, nỗi đau đớn, xót xa cho thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời, qua bài thơ cũng cho chúng ta thấy khát khao hạnh phúc cháy bỏng của Hồ Xuân Hương nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung.

6. Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương) mẫu 6

Văn học trung đại Việt Nam đánh dấu sự thành công của các nhà thơ nổi tiếng với những tác phẩm để lại dấu ấn vô cùng mạnh mẽ. Nguyễn Du có Đoạn trường tân thanh, Tú Xương có Thương vợ, Nguyễn Khuyến có chùm thơ về thu. Và có một nữ thi sĩ nổi bật lên giữa những chùm quả ngọt ấy đó là Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm của nền văn học nước nhà. Bà đã để lại cho người đời sau những bài thơ nói lên tiếng nói của người phụ nữ, cất lên tiếng thơ tố cáo, đấu tranh cho quyền phụ nữ vô cùng sâu sắc. Đặc biệt, Tự tình II là một tác phẩm vô cùng xuất sắc thể hiện được tài năng và tư tưởng của bà.

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non".

Cũng như bao người phụ nữ trong xã hội cũ, Hồ Xuân Hương cũng phải chịu kiếp chồng chung. Bà từng cất lên tiếng thơ ai oán:

"Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung."

Có lẽ vì vậy mà bà hiểu hơn những nỗi lòng của người phụ nữ chung số phận. Giữa đêm khuya tĩnh mịch, khi mà mọi vật, mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì người phụ nữ kia vẫn chưa thể nhắm mắt vì nỗi lòng thổn thức của chính mình. Tiếng trống điểm canh vẫn vang vọng giữa cảnh khuya, khiến lòng người khôn nguôi nghĩ về cuộc đời, về số phận trái ngang. Từng khoảng khắc thời gian trôi qua dường như chỉ là bao nỗi trằn trọc của kẻ " hồng nhan". Người phụ nữ ấy một mình trơ trọi giữa khoảng không, đang mong đợi chút gì như thứ hạnh phúc nhỏ bé lên lỏi vào trong tâm khảm. Nỗi cô cô đơn, tủi hổ tràn ngập, bao vây quanh thân người con gái, dòng tâm trạng bẽ bàng, chịu đựng, chán chường trước cuộc đời. Chao ơi! Sao đời người phụ nữ khổ cực đến vậy, một mình chịu đựng, một mình thôi. Duyên phận hẩm hiu, tình người nông cạn, ai hiểu nỗi lòng lúc này. Càng khát khao hạnh phúc bao nhiêu thì nỗi cô đơn càng tràn ngập bấy nhiêu. Nỗi lòng đành mượn rượu tâm tình để quên đi hết tất thảy những khổ đau ngập tràn:

"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"

Nhưng rượu có làm quên đi được nỗi sầu dằng dặc đang bủa vây tâm hồn người phụ nữ uống, càng tỉnh lại càng đau. Hương rượu càng khiến lòng người thêm đau khổ, càng gợi nỗi niềm muôn thuở chia xa. Làm sao để quên đi niềm đau ấy, làm sao để với lấy chút bình yên trong trái tim mình. Chẳng thể nào quên được nỗi tuyệt vọng vô bờ bến, nhìn lên vầng trăng mong tìm chút đồng cảm, mong vẻ đẹp tròn đầy của ánh trăng mang chút hy vọng cho niềm hạnh phúc. Vậy mà vầng trăng cũng vô tình khuyết đi như hạnh phúc chẳng thể cập bờ viên mãn. Vầng trăng bao giờ mới tròn vẹn, hạnh phúc đôi ta bao giờ mới tuyệt diệu và bình yên, bao giờ mới thôi khao khát đợi chờ, bao giờ mới ngừng đau khổ , cô đơn. Nỗi buồn không thể ngừng, càng ngập trong men rượu nỗi buồn càng tàn toả, cảnh vật cũng mang vẻ sầu tư.

"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" chứ, thiên nhiên mang nỗi buồn nhân thế:

"Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn."

Nhưng dù buồn trong nó vẫn mang sức mạnh ngang tàn. Có nhỏ bé, có yếu ớt những vẫn mạnh mẽ vươn lên. Đó là một sức sống mãnh liệt của thiên nhiến ẩn dụ cho sự đấu tranh giành lấy hạnh phúc của người phụ nữ. Họ không cam chịu, không khuất phục trước số phận. Tình duyên lận đận nhưng không vì thế mà chấp nhận nỗi cô đơn, vẫn muốn đấu tranh để giành lấy hạnh phúc của mình. Trong lòng những người phụ nữ vẫn ngập tràn hy vọng, ngập tràn niềm tin ở tương lai về hạnh phúc và tình yêu, mong chờ nhưng tháng ngày bình yên. Nhưng đời vốn trớ trêu, chút hy vọng ấy lại bị nghịch cảnh quấn lấy một lần nữa. Thực tại phũ phàng, cuộc đời lại bế tắc, chán nản:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!"

Xuân thì vẫn cứ thế tuần hoàn, vòng xoay của số phận cũng cứ tuần hoàn như thế. Mà tình yêu, hạnh phúc vẫn cứ dở dang, chật hẹp. Duyên đôi lứa đã ít ỏi, nhỏ bé, từng mảnh vụn vỡ nhỏ nhoi mà vẫn đành chấp nhận aản sẻ, chia xớt cho người.

Từng lời thơ thốt ra chứa chan niềm xót xa, cay đắng. Có chua xót, có đăng cay, có niềm tin, có quyết liệt, có cô đơn, có thất vọng và cả tủi hờn. Tiếng thơ đượm buồn và chứa chan khát khao mãnh liệt niềm hạnh phúc trong xã hội đầy rẫy bất công. Lối biểu cảm tinh tế theo từng dòng tâm trạng đã khiến người đọc thổn thức theo từng lời chữ thốt ra, qua đó ta thêm yêu thương và trân trọng vẻ đẹp, tấm lòng của những người phụ nữ, thêm yêu, thêm quý hồn thơ của nữ sĩ tài ba Hồ Xuân Hương.

7. Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương) mẫu 7

Tự tình là một trong số những bài thơ mà Hồ Xuân Hương bộc lộ trực tiếp cái tôi đầy xúc cảm và bản lĩnh của mình trước cuộc sống.

Bài thơ mở đầu với một không gian

Đềm khuya văng vẳng trống canh dồn.

Nhưng đấy cũng là một thời gian. Nói đầy đủ hơn, Tự tình là tiếng lòng cất lên vào một không - thời gian. Không - thời gian ấy trong văn học trung đại thường hiếm, và nếu có thì đó là tiếng lòng của một đấng mày râu, xót xa, cảm hoài trước thời thế. Nếu xem Truyện Kiều ra đời sau khi Hồ Xuân Hương đã mất thì kiểu bộc lộc tâm tình đó là liền kề, ở Thuý Kiều, với nhiều trạng huống, sau khi tảo mộ, gặp Kim Trọng:

Một mình nặng ngắm hóng nga

Rộn ràng gần với nỗi xa bời bời.

Lúc đã quyết định bán mình chuộc cha:

Nỗi riêng, riềng những bàng hoàng,

Dầu chong trắng dĩa, lệ tràn thấm khăn.

khi thất thân bởi Mã Giám Sinh:

Đêm xuân một giấc mơ màng

Đuốc hoa dể đó mặc nàng nằm trơ

Nỗi riêng tầm tã tuôn mưa.

hoặc lúc ở lầu xanh:

Khi tinh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Đêm khuya thanh vắng là lúc con người thường đối diện với chính bản thân mình, để xót thương, để tự vấn, tự nhìn ngắm lại bản thân. Tự tình là một cách đối diện như thế. Đấy là lúc những âm vang của cuộc đời dường như không động đến con người, song con người lại cảm nhận được cả bước đi của cuộc đời. Tiếng trống canh chỉ văng vẳng, tức người nghe phải lắng tai nghe, nhưng nhịp điệu của nó thì đã quá đầy đủ, với tất cả sự hối hả, thúc giục (trông canh dồn). Nó thúc giục người ta chẳng phải để hành động mà soi lại đời mình:

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Hồng nhan là gương mặt hồng, má hồng, đồng thời cũng để chỉ người đàn bà đẹp. Cách Hồ Xuân Hương trên dưới bốn trăm năm có một người từng một mình một bóng dưới ánh trăng thanh, cũng cảm nhận bước đi của thời gian với bao u hoài:

Thế sự du du nại lão hà,

Vô cùng thiển địa nhập hàm ca.

(Việc đời bối rối tuổi già vay,

Trời đất vô cùng, một cuộc say)

(Đặng Dung)

Người ấy là đấng trượng phu, đã sốt ruột, thậm chí đến đớn đau trước dòng đời tuôn chảy trong sự bất lực của chính mình.

Còn ở đây, người đang cảm nhận về cuộc đời lại là một phụ nữ. Thế cuộc cũng khác. Nguời đó biết được giá trị của mình (là hồng nhan = người đàn bà đẹp, có tài sắc). Nhưng biết được phẩm giá của mình không phải để sung sướng, tự hào. Trái lại, biết chỉ thêm ngậm ngùi, cay đắng. Vì sao như vậy? Từ cái đặt trước một danh từ sẽ khiến danh từ ấy mang sắc thái ngữ nghĩa của sự xem thường, khinh miệt, như: cái thằng ấy, cái con ấy chẳng hạn. Hồng nhan vốn là danh từ để chỉ người đẹp, khi đặt sau từ cái đã không còn nguyên giá trị nữa. Sự tươi xinh, đẹp đẽ kia chỉ có giá trị tự nó thôi. Chưa hết, trước cái hồng nhan là tính từ trơ, vốn có hàm nghĩa xấu, chỉ sự không biết xấu hổ (Cứ trơ cái mặt ấy ra!), đồng thời chỉ sự lẻ loi, không biết nương tựa vào đâu (Đứng trơ giữa đồng). Hóa ra, hồng nhan - phẩm giá con người trong cuộc thế này đã trở thành thứ chẳng có ích gì, thậm chí đáng xấu hổ nữa!

Bốn câu thơ tiếp theo (thực và luận) nói rõ thêm cái tình thế đáng buồn đó:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Chén rượu cũng như miếng trầu là những thứ không làm cho người no nê, nhưng nhiều lúc khiến người ta vui sướng, thân mật, bớt buồn, quên đời. Thế mà, chén rượu ở đây không giúp ích điều đó, bởi hương đưa say lại tỉnh, vầng trăng tròn chỉ sự viên mãn, tốt đẹp, song mong ước ấy mãi chưa tới (Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn). Thành ra hai câu luận có vẻ như tả cảnh (về mặt đất, về bầu trời) mà thực ra là sự bộc lộ một thái độ bực dọc theo kiểu của Hồ Xuân Hương. Cuộc đời đang diễn ra trước mắt của nữ sĩ thật vẹo vọ, khập khễnh, chẳng ra dáng ra hình gì!

Hai câu kết đẩy đến cùng tâm trạng của nữ sĩ trước cuộc đời:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Cuộc đời đáng chán, đáng buồn như thế thì cái sự xuân tới, xuân qua nào có gì đáng nói? Nó lặp đi lặp lại buồn tẻ đến mức người ta phải ngán ngẩm. Thời Thơ mới, các thi sĩ thường hay bộc lộ nỗi sầu, nỗi khổ trước cuộc đời:

Tôi có chờ đợi ai đâu,

Ai mang xuân đến gửi thêm sầu.

(Chế Lan Viên)

Hồ Xuân Hương không nói tới nỗi buồn - dường như điều đó trái với bản tính của thi sĩ, người thích sự thẳng thắn, mạnh mẽ. Bà nói tới nỗi niềm ngán ngẩm. Phải buồn lắm, chán lắm người ta mới có tâm trạng như vậy. Và, cũng phải đau đớn, phẫn uất lắm người ta mới có một cách thề như vậy trước cuộc đời!

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Bình giảng bài thơ "Tự tình II" (Hồ Xuân Hương). Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Bài tiếp theo: Bình giảng bài thơ "Thương vợ" của Trần Tế Xương

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 11

    Xem thêm