Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội bình luận về nét đẹp văn hóa học đường của học sinh

Văn mẫu lớp 11: Nghị luận xã hội bình luận về nét đẹp văn hóa học đường của học sinh gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Nghị luận xã hội bình luận về nét đẹp văn hóa học đường của học sinh mẫu 1

Văn hóa học đường đang là một khía cạnh được nhiều người quan tâm trong thời buổi hiện nay. Không còn giống như học đường thuở nhiều năm về trước, học đường nhiều năm trở lại đây xuất hiện rất nhiều vấn đề khiến các bậc phụ huynh phải quan ngại. Văn hóa học đường cần phải được chú trọng nhiều hơn. Tầm quan trọng của văn hóa học đường không hề thua kém với việc phát triển tri thức của con người, cũng như góp phần đưa đất nước trở lên giàu đẹp, xã hội văn minh.

Dù là ngày xưa hay thời nay, trường học vẫn là một nơi vô cùng quan trọng. Nó là nơi rèn rũa, là nơi đưa chúng ta từ một con người vô tri trở nên thấu hiểu mọi thứ, có nhân cách, độ lượng hơn. Thật nguy hiểm nếu như văn hóa trường học đang ngày càng sa sút, học sinh không còn ngây thơ và trong sáng như trước.

Hiện nay, trong môi trường học đường, có không ít những vấn đề đáng báo động xuất hiện và làm ô uế văn hóa học đường. Những vấn đề này có thể kể đến như nạn chửi tục, nói bậy trong học đường, nạn ăn mặc trạng phục không phù hợp, trang điểm lòe loẹt khi đến trường, nạn đánh nhau, nảy sinh các hành động bại hoại đạo đức trong trường học, học sinh vô lễ với giáo viên…Những vấn đề này rơi xa quy chuẩn đạo đức và pháp luật, nó cần được khắc phục ngay ngày hôm nay để trả lại môi trường học đường lành mạnh và tích cực hơn.

Truyền thống tôn sư trọng đạo của chúng ta dù đã cũ nhưng vẫn tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm cho tới nay. Đó là một truyền thống không bao giờ mai một, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Nhờ đó mà nghề giáo viên được tôn vinh, được nhiều người yêu quý. Cũng là vì thế, môi trường học đường trước nay luôn được các bậc phụ huynh tin tưởng, trao trọn niềm tin dạy dỗ con trẻ. Thế nhưng có vẻ, ở thời điểm hiện đại ngày nay điều đó đã không còn quan trọng.

Những hành động khiến văn hóa học đường bị bôi đen không chỉ khiến cho môi trường học tập của chúng ta thấp kém đi mà còn chính là con dao giết chết chính bản thân chúng ta. Chỉ khi sau này, chúng ta lớn lên, nghĩ lại về những hành động đó mới thực sự hiểu và cảm thấy chua xót tới nhường nào.

Những vấn đề này bắt nguồn từ đủ các nguyên nhân khác nhau, từ gia đình, từ môi trường xung quanh, cũng có thể bắt nguồn từ chính bản thân chúng ta. Mỗi người đều có trách nhiệm xem xét lại bản thân, mỗi thành viên trong gia đình đều phải kiểm điểm lại mình, tất cả vì một tương lai phát triển văn hóa học đường ngày một tốt đẹp và lành mạnh hơn.

Hiện nay, mặc dù nhiều trường học đã có biện pháp để xử lý tình trạng bại hoại văn hóa học đường, chấn chỉnh thái độ của nhiều học sinh nhưng dường như vẫn chưa phát huy được hiệu quả đáng có. Trong tương lai, nhà trường, gia đình và bản thân học sinh sẽ cần phải có tư duy tốt hơn, thay đổi toàn diện hơn để văn hóa học đường ngày càng đi lên.

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng đối với học sinh, là yếu tố then chốt quyết định tới tính cách và con người của mỗi học sinh. Do đó, chúng ta không thể trần chừ, hãy bắt tay vào thực hiện ngay để môi trường học đường ngày càng văn minh, lành mạnh nhé! Tuyên truyền lối sống văn hóa, lành mạnh vì một môi trường học đường không còn những lối ứng xử tục tĩu thiếu văn hóa.

2. Nghị luận xã hội bình luận về nét đẹp văn hóa học đường của học sinh mẫu 2

Học sinh là lứa tuổi cắp sách đến trường để được cung cấp kiến thức và tôi rèn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Bàn về "nét đẹp văn hóa học đường trong trang phục của học sinh" là cách để chúng ta tìm hiểu và có những nhận thức đúng đắn về cách ăn mặc sao cho đẹp mà vẫn giữ được nét hồn nhiên, tinh nghịch của lứa tuổi thần tiên này.

Như bao trường THPT trên cả nước, đồng phục của trường chúng ta quy định đối với nữ là chiếc áo dài trắng và nam là áo sơ mi trắng, quần tây đen hoặc xanh đen. Màu áo trắng thuần khiết, tinh khôi giống như sự trong trắng, hồn nhiên của lứa tuổi học trò - một bầu trời quang đãng không gợn chút mây.

Nhưng trong những năm gần đây, nét đẹp ấy dường như đã có sự thay đổi: càng lúc chiếc áo dài trắng truyền thống càng có sự cách tân, thay đổi cho "hợp với thời đại". Đó là hình ảnh quần áo dài bó sát, đáy ngắn, áo bên ngoài mỏng mà áo trong lại ngắn hoặc có màu tương phản nổi bật như đỏ, đen... Thật! Chẳng còn đâu nét dịu dàng, kín đáo của chiếc áo dài Việt. Một số bạn (cả nam lẫn nữ) có xu hướng nhuộm tóc màu, đơn giản vì nghĩ rằng nó đẹp, hợp thời trang. Một vài nữ sinh khi đi học lại thích trang điểm phấn son, sơn móng tay, móng chân. Có lẽ xét trên phương diện nào đó, các bạn sẽ trở nên đẹp hơn nếu có những việc làm chăm lo cho vẻ bề ngoài như vậy, nhưng với môi trường học đường, nơi rèn luyện nhân phẩm trao đổi kỹ năng cho học sinh thì liệu nó có phù hợp và mang lại hiệu quả như mong muốn?

Phần lớn khi các bạn đến trường đều mặc đồng phục đúng qui định, duy chỉ có số ít học sinh có cách ăn mặc "khác lạ" đó, vậy nguyên nhân do đâu? Có lẽ đó là do ý thích muốn thể hiện cái tôi cá nhân của mình, một cá tính ưa sự nổi bật và muốn được chú ý, các bạn không muốn bị lẫn trong đám đông, các bạn muốn có "điểm nhấn" riêng cho mình hay muốn khoe khoang về một vẻ đẹp nào đó trên cơ thể các bạn. "Tốt khoe xấu che", với quan niệm ấy một số bạn cho rằng ăn mặc như thế là đẹp, hợp thời, bất kể cái nhìn ái ngại của những người xung quanh. Vấn đề nhuộm tóc hay để những kiểu tóc khác lạ, thường được giải thích bằng việc bắt chước hoặc "học hỏi" theo các ca sĩ, diễn viên được cho là thần tượng, cách ăn mặc của họ ảnh hưởng rất lớn đến lứa tuổi học sinh, vốn non nớt và lạ lẫm với cuộc đời rộng mở. Nguyên nhân khách quan dẫn đến hiện tượng này là do sự thiếu quan tâm đến việc ăn mặc của con cái đối với các bậc cha mẹ. Không được hướng dẫn về cách ăn mặc phù hợp lứa tuổi, không có những lời khuyên đúng lúc, các bạn càng thêm ý muốn tự quyết định "xì-tai ăn mặc" riêng cho mình.

Liệu cái tôi cá tính ấy có được xã hội chấp nhận hay không? Hãy cùng suy ngẫm để tự tìm cho mình câu trả lời, các bạn sẽ thấy nó đem lại hậu quả rất lớn mà ta không thể lường trước được, đặc biệt đối với các bạn nữ. Việc ăn mặc trang phục thiếu kín đáo và sự nghiêm túc như vậy khiến chúng ta dễ bị đánh giá là dễ dãi trong cách ăn mặc và nếu nói ác ý hơn họ sẽ nghĩ chúng ta thiếu đứng đắn, ảnh hưởng rất lớn đến phẩm giá của các bạn nữ. Đối với việc nhuộm tóc, mang dép trái quy định sẽ bị đánh giá là thiếu kỉ luật, vô tổ chức vì "ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà để tôn trọng người khác". Tệ hại hơn nữa, những kẻ xấu lợi dụng cách ăn mặc hớ hênh của các bạn nữ, chụp hình và đăng tải trên những trang web đen, như là biểu tượng xấu, không lành mạnh. Nếu không cẩn thận trong cách ăn mặc thì hậu quả lớn nhất có lẽ bản thân người đó sẽ phải một mình gánh chịu. "Con sâu làm rầu nồi canh" cả gia đình và trường học sẽ bị đánh giá về nề nếp, kỉ cương, phạm vi rộng hơn nữa là toàn xã hội. Lối ăn mặc tây hóa không phù hợp thuần phong mỹ tục, mất bản sắc văn hóa của dân tộc Việt vốn dịu dàng kín đáo. Gốc rễ bị lung lay, đất nước khó có thể đứng vững với cách ăn mặc "hội nhập" mà "hòa tan" ấy.

Thế thì đâu mới là nét đẹp văn hóa học đường thật sự trong trang phục của học sinh? Nét đẹp không ở đâu xa mà ở ngay trong chính con người các bạn, đó là vẻ đẹp của tâm hồn, của tri thức. Nét đẹp tồn tại khi người học sinh đó hoàn thành tốt bổn phận học tập của mình, có chí cầu tiến, lễ phép với cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi, chan hòa giúp đỡ bạn bè, đó là nét đẹp thật sự của mỗi người học sinh khi cắp sách đến trường. Hãy rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp và bạn sẽ thấy mình ngày càng đẹp hơn trong mắt mọi người. Riêng đối với các bạn nữ nếu muốn đẹp hơn, các bạn chỉ cần ăn mặc đúng quy định, gọn gàng, sạch sẽ, có thể cài thêm một chiếc nơ xinh xắn là đã rất duyên rồi, hãy yên tâm vì mỗi người đều có nét duyên ngầm không lẫn vào đâu được, đó là nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay và khó có thể mai một theo năm tháng.

Nếu lỡ có cách ăn mặc không đúng thì phải làm sao đây? Cần trang bị ngay cho mình nhận thức đúng về nét đẹp thật sự trong học đường. Tăng cường trau dồi về kiến thức, kĩ năng sống, chỉnh sửa dần về cách ăn mặc cho phù hợp với hoàn cảnh để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người khác. Cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đối với việc hướng dẫn cách ăn mặc cho con. Các bạn phải tiếp thu có chọn lọc phong cách ăn mặc của các ca sĩ, có thể họ trông thật lộng lẫy trong một sự kiện nào đó nhưng những "xì-tai" ăn mặc đó thật khó mà ứng dụng trong đời sống.

Giống như chữ viết, cách ăn mặc cũng phản ánh phần nào tính cách người mặc. Vì thế muốn ăn mặc đẹp không gì tốt bằng trang bị cho mình những đức tính đẹp. Có thể nói "nét đẹp văn hóa học đường trong trang phục của học sinh" là nét đẹp của tri thức, của tâm hồn trong trắng, đầy hoài bão và nhiệt huyết.

3. Nghị luận xã hội bình luận về nét đẹp văn hóa học đường của học sinh mẫu 3

“Tiên học lễ, hậu học văn” là bài học đầu tiên khi bước chân vào lớp một. Nhưng lớn lên, rất nhiều học sinh đã lãng quên điều đó, để rồi có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với thầy cô, bạn bè, người lớn tuổi ngay trong môi trường giáo dục. Đây là vấn đề cấp thiết không chỉ của nhà trường mà toàn xã hội phải quan tâm.

Hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện rất nhiều những phát ngôn gây sốc của các thần tượng nổi tiếng khiến các bạn học sinh lầm tưởng đó là cách gây được sự chú ý, lập tức tung hê và áp dụng ngay vào trong trường học. Ai cũng biết rằng lứa tuổi học trò không ai là chưa từng sai phạm lỗi lầm. Không ai dám tự nhận mình là hoàn hảo. Nhưng các bạn học sinh hiện nay đang cố gắng thể hiện cá tính một cách không đúng đắn. Khi cắp sách đến trường chúng ta khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích đối với bạn bè. Trước đây, những xích mích đó chỉ là những chuyện bình thường, tranh luận để tìm ra cái sai, để tập nói tiếng xin lỗi, cám ơn và đôi khi lại có thêm bạn mới. Nhưng hiện nay, những xích mích không chỉ đơn thuần là tranh cãi trong phạm vi nhà trường mà nó vượt ra ngoài xã hội. Không chỉ thế, cách ứng xử của một số bạn với thầy cô giáo của mình cũng không phải phép. Thầy cô là người chúng ta phải mang ơn thật nhiều nhưng có lẽ một số bạn học sinh đã không nhận ra điều đó. Chỉ ở việc nhỏ nhặt nhất là cúi chào thầy cô thôi mà cũng thật khó khăn. Một số bạn xem việc chào thầy cô thật vất vả. Khi thầy cô quan tâm khuyên nhủ thì lòng “tự ái” đã lấn át tất cả mọi thứ và họ cãi lại thầy cô. Một cách ứng xử khác là việc sai phạm nội quy trường lớp ở một số học sinh nữ trong việc tô son đánh phấn và các bạn nam có các kiểu tóc phản cảm…

Nếu như cứ than trách về cách ứng xử của học sinh, thì có lẽ chúng ta cũng nên nhìn xem điều gì đã khiến các bạn ấy như vậy? Điều gì đã khiến các bạn ấy trở thành một bộ phận học sinh của nhà trường thiếu văn hóa trong cách ứng xử? Đầu tiên có lẽ là sự giáo dục từ gia đình. Vì nhiều lí do khác nhau mà cha mẹ các bạn học sinh không thể quán xuyến được con em mình, không trang bị cho con em kĩ năng sống. Có thể tổ ấm gia đình tan vỡ, cha mẹ không gương mẫu, nuôi dạy con cái không đúng cách là một trong những lí do cốt lõi đưa đầy các bạn học sinh đến tình trạng phạm tội, sống ngoài vòng pháp luật và tạo thêm sức ép cho xã hội. Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội có trò chơi trực tuyến gây ảnh hưởng không ít đối với các bạn học sinh. Một số bạn thường xuyên chơi game online – loại hình giải trí đông người tham gia – dẫn đến việc nghiệm game rồi trở thành “con nghiện” và quên cuộc sống thực của mình, sa đà vào cuộc sống ảo giác và thực hiện những hành vi bạo lực, những hành vi vi phạm pháp luật. Cách ứng xử thiếu văn hóa lại càng rõ hơn khi các bạn học sinh thích thể hiện cá tính của mình không kiểm soát được hành vi và rất dễ bị kích động. Tất cả những cách ứng xử trên không tốt đối với học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chúng ta cần phải nhìn nhận và thay đổi lại bản thân, phân biệt được điều đúng, sai và học theo những việc làm tốt. Cần có sự chung tay góp sức của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình cần quan tâm con em mình nhiều hơn nữa. Trường học chú trọng nâng cao văn hóa ứng xử của học sinh. Cần có nhiều bài học về đạo đức và cách ứng xử của học sinh trong nhà trường và ngoài xã hội. Bên cạnh đó cần đặt ra những hình phạt nghiêm khắc cho các học sinh vi phạm.

-------------------------------------------------

Nghị luận xã hội bình luận về nét đẹp văn hóa học đường của học sinh vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Qua bài viết chắc hẳn bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài viết rồi đúng không ạ. Bạn đọc có thể thấy được rằng văn hóa học đường đang là một vấn đề được khá nhiều người quan tâm hiện nay. Học đường nhiều năm trở lại đây xuất hiện rất nhiều vấn đề khiến các bậc phụ huynh phải quan ngại chính vì vậy mà văn hóa học đường cũng cần phải được chú trọng nhiều hơn. Trường học là nơi rèn rũa, là nơi đưa chúng ta từ một con người vô tri trở nên thấu hiểu mọi thứ, có nhân cách, độ lượng hơn. Thật là nguy hiểm nếu như văn hóa trường học đang ngày càng sa sút, học sinh không còn ngây thơ và trong sáng như trước. Những hành động khiến văn hóa học đường bị bôi đen không chỉ khiến cho môi trường học tập của chúng ta thấp kém đi mà còn chính là con dao giết chết chính bản thân chúng ta. Những vấn đề này bắt nguồn từ đủ các nguyên nhân khác nhau, từ gia đình, từ môi trường xung quanh, cũng có thể bắt nguồn từ chính bản thân chúng ta. Nhiều trường học đã có biện pháp để xử lý tình trạng bại hoại văn hóa học đường nhưng nó vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Văn hóa học đường là môi trường quan trọng đối với học sinh, là yếu tố then chốt quyết định tới tính cách và con người của mỗi học sinh. Mong rằng qua đây bạn đọc có thêm tài liệu để học tập và thêm ý tưởng để xây dựng bài viết cho mình nhé.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Nghị luận xã hội bình luận về nét đẹp văn hóa học đường của học sinh. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Nghị luận xã hội về việc hãy rộng lượng khoan dung với người khác trừ chính bản thân bạn

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
12
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 11

    Xem thêm