Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
- 1. Dàn ý phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm văn 11
- 2. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 1
- 3. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 2
- 4. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 3
- 5. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 4
- 6. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 5
- 7. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 6
Tống biệt hành là bài thơ xuất sắc nhất của Thâm Tâm. Cùng tham khảo những bài văn mẫu hay về phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm để thấy được niềm mến yêu, sự ngưỡng mộ và trân trọng đối với người lên đường đi xa vì nghĩa lớn của tác giả. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây.
1. Dàn ý phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm văn 11
Mẫu 1
I. Mở bài.
- Tác giả.
Thâm Tâm (1917-1950) là bút danh của Nguyễn Tuấn Trình, quê tại Hải Dương. Sống và viết văn tại Hà Nội. Giá trị nhất của Thâm Tâm là thơ. Tên tuổi Thâm Tâm gắn liền với bài "Tống biệt hành". Có nhà phê bình thơ đã xếp "Tống biệt hành" là một trong mười bài thơ hay nhất của "Thơ mới" Việt Nam (1932-1941). Giọng thơ cứng cáp, phảng phất hơi thơ cổ, tuy vẫn đượm chút "bâng khuâng khó hiểu của thời đại" (Hoài Thanh). Kháng chiến bùng nổ. Thâm Tâm làm công tác văn nghệ trong quân đội, ốm chết năm 1950. "Mưa đường số 5" là bài thơ hay nhất của ông viết trong kháng chiến chống Pháp.
- Xuất xứ, chủ đề.
Thâm Tâm viết "Tống biệt hành" vào năm 1940.
Bài thơ thể hiện niềm mến yêu, sự ngưỡng mộ và trân trọng đối với người lên đường đi xa vì nghĩa lớn.
II. Thân bài
- Nhan đề bài thơ: "Tống biệt hành" là bài hành đưa tiễn người đi xa.
Cảnh đưa tiễn diễn ra vào một buổi chiều, không hề có bến đò, dòng sông, không diễn ra trong khoảnh khắc hoàng hôn mà vẫn buồn. Câu 2 và câu 4 là câu hỏi tu từ, người đưa tiễn tự hỏi. Nhiều băn khoăn, ngạc nhiên. Lấy ngoại cảnh (sông, hoàng hôn) để diễn tả tâm cảnh xao xuyến, những rung động buồn, lo... đang dâng lên trong lòng. Có câu thơ toàn thanh bằng gợi tả nỗi niềm mênh mang. Các từ ngữ hô ứng cũng tạo nên âm điệu buồn thương khó tả: "Đưa người... không đưa...", "sao có...", "không thắm, không vàng vọt... sao đầy...". Hay ở cách nói biểu cảm tinh tế, hay ở giọng điệu, cấu trúc song hành câu thơ:
"Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?".
- Hình ảnh li khách.
Ôm chí lớn với quyết tâm lên đường. Li khách: khách ra đi; người đi xa. Cách gọi trang trọng, cảm phục. Điệp lại hai lần "Li khách!", cảm thán kết hợp với câu hỏi tu từ, nhịp thơ 2-2-3 vang lên âm điệu trầm hùng của một hành khúc, một tráng ca:
"Li khách!/ Li khách!/con đường nhỏ/
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong".
Các từ phủ định: "Chưa về", "không bao giờ", "đừng mong" thể hiện một ý chí sắt đá, một quyết tâm không gì lay chuyển nổi.
Về phương diện tình cảm, li khách là một đứa con, một đứa em, một người anh. Có mẹ già, có hai chị như sen mùa hạ (đẹp) "Khuyên nốt em trai dòng lệ sót". "Có em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc – Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay". Rất nhân tình, rất người nên li khách vẫn mang một nỗi buồn riêng khó giấu kín:
"Ta biết người buồn chiều hôm trước,... "
"Ta biết người buồn sáng hôm nay... "
Ví "Một chị, hai chị cũng như sen" đã là hay. Hình ảnh em nhỏ "ngây thơ đôi mắt biếc – Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay" kết hợp với ba vần thơ (vần lưng): "biếc – tiếc – chiếc" lại càng hay, gợi tả nhiều vương vấn trong lòng kẻ ở lại và người ra đi.
Bốn câu cuối có nhiều cách hiểu khác nhau. Cách diễn tả trùng điệp. Giây phút li khách lên đường đã diễn ra. Vượt lên trên thói nữ nhi thường tình, li khách đã ra đi vì một nghĩa lớn, một chí lớn, đặt nghĩa lớn trên mọi tình cảm gia đình. Vần thơ đầy ấn tượng, dư ba:
"Người đi? ừ nhỉ người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thì coi như như rượu say".
Giây phút giã biệt tuy buồn, điều đó càng làm nổi bật lí tưởng và quyết tâm lên đường "Một giã gia đình, một dửng dưng" của li khách.
III- Kết luận.
Sử dụng tài tình một điển cố để ca ngợi li khách ôm chí lớn lên đường. Năm 1940 ở nước ta, hình ảnh li khách trong bài thơ đầy ngưỡng mộ. Đẹp như một tráng sĩ với thanh gươm nghìn cân lên đường. "Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ gân guốc rắn rỏi". "Tống biệt hành" như một hành khúc giục giã lên đường. Mọi cuộc lên đường vì nghĩa lớn xưa và nay đều đẹp và đều được ngưỡng mộ.
Mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, khái quát nội dung của bài thơ.
2. Thân bài
- Tâm trạng của người ra đi, kẻ tiễn (khổ 1)
+ Không gian: không đò, không sông. Thời gian: buổi chiều
+ Hoàn cảnh: tiễn đưa "đưa người"
+ Nỗi lòng người đưa tiễn- "sóng trong lòng", nỗi buồn dấu kín
+ Các biện pháp nghệ thuật: điệp từ "đưa người", câu hỏi tu từ "sao có...?", tương phản "có- không", ẩn dụ "tiếng sóng", "bóng hoàng hôn"=> nỗi buồn, lo lắng.. của cả người đưa tiễn và cả người ra đi
- Hình ảnh nhân vật ly khách (khổ 2)
+ Người ra đi mang dáng dấp của một đấng trượng phu
+ Thái độ : quyết tâm ra đi, không bao giờ về, mẹ già đừng mong=> một thái độ kiên quyết, dứt khoát gạt tình ra một bên để đi theo nghĩa lớn là bảo vệ Tổ quốc.
+ Nhưng đằng sau thái độ ấy, sâu thẳm trong lòng vẫn là nỗi day dứt, nỗi buồn của ly khách.
+ Nghệ thuật: điệp từ, số từ, giọng văn cứng cỏi, các từ khẳng định
- Hoàn cảnh gia đình (khổ 3,4)
+ Mẹ già, hai chị muộn màng, em thơ
+ Mọi người níu kéo : "dòng lệ suốt", "khăn tay"
=> Cảnh tiễn đưa đau đớn của người thân, cùng với đó là nỗi lòng của kẻ ra đi, nhưng vẫn không thể níu kéo ở lại được, quyết ra đi vì chí lớn
- Sự lựa chọn cuối cùng đầy đau đớn (khổ 5)
+ Người đi bàng hoàng vì đã rời đi "ừ nhỉ"
+ Điệp ngữ "coi như" thể hiện sự giằng xé, xót xa
+ Giọng thơ dứt khoát: vì chí lớn đã ra đi, nhưng sâu trong đó vẫn là nỗi buồn của sự chia ly.
+ Nội dung, nghệ thuật: Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật( điệp từ, ẩn dụ, câu hỏi tu từ..) để làm nổi bật lên nội dung, cảnh chia tay đầy đau buồn của người đưa tiễn và thái độ dứt khoát của kẻ ra đi.
3. Kết bài
Khái quát lại nội dung, mở rộng, liên hệ.
2. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 1
Thâm Tâm làm bài thơ Tống biệt hành vào năm 1940 để tiễn một người bạn ra đi theo chí lớn. Có thể coi đây là một trong những bài thơ hay nhất của trào lưu Thơ mới. Trước hết là nhan đề bài thơ. Tống biệt là tiễn đưa, hành là một thể thơ cổ điển của Trung Quốc vừa trữ tình vừa tự sự, hình thức tương đối tự do, không theo niêm luật chặt chẽ như thơ Đường. (Ví dụ: Tì bà hành). Tống biệt hành viết về cuộc tiễn đưa và tình li biệt. Nó mang dáng dấp của một bài thơ cổ, phảng phất dư âm ngàn xưa. Đề tài tuy không mới nhưng cách diễn đạt thì hết sức độc đáo. Đây là cuộc chia tay của một người trai nặng lòng hiếu thảo nhưng phải giã từ gia đình ra đi theo nghĩa lớn. Bài thơ vừa thể hiện tình cảm lưu luyến trong các cuộc tiễn biệt đương thời, vừa tiêu biểu cho các cuộc chia li muôn thuở.
Bài thơ có hai nhân vật: người tiễn và người đi. Tình cảm của người đi có lúc biểu hiện qua tâm trạng của người tiễn. Từ câu đầu đến câu cuối của bài thơ đều nhằm miêu tả diễn biến phức tạp của tâm trạng người đi. Tâm trạng ấy chỉ có người đưa tiễn là tri kỉ mới cảm thông và thấu hiểu:
Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một giã gia đình, một dửng dưng...
Khổ thơ miêu tả tình người ra đi và tình người ở lại. Hai câu thơ trên là nỗi lòng người đưa tiễn được diễn tả bằng tiếng sóng ở trong lòng (âm thanh). Hai câu thơ sau là tâm sự người ra đi được thể hiện bằng hoàng hôn trong mắt trong (hình sắc). Khung cảnh ở đây rất bình thường, không hề có động thái gì can thiệp đến tình người. Khác hẳn quan niệm xưa trong văn chương: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, vậy mà nỗi buồn chia phôi đều có đủ.
Đưa người, ta không đưa qua sông, câu thơ toàn thanh bằng tạo nên âm hưởng bâng khuâng, xao xuyến, giống như lời lòng tự hỏi lòng của người đưa tiễn. Cách xưng hô ta với người khiến cuộc tiễn đưa mang khí vị xưa. Cuộc chia tay này không diễn ra trên bến sông nên không có sóng làm tác nhân gợi nỗi buồn li biệt, nhưng cái tiếng sóng của các cuộc biệt li bên sông nước ước lệ trong văn chương từ ngàn xưa đã ngấm vào tâm hồn tác giả, để rồi chính nhà thơ cũng ngạc nhiên khi trong cái không (không đưa qua sông) lại nổi lên cái có (có tiếng sóng ở trong lòng). Ở câu thứ hai, mấy vần trắc liền nhau gợi liên tưởng như có tiếng sóng thật ở trong lòng và nghe trong tiếng sóng dường như có cả hơi lạnh của gió sông.
Sự ra đi của một con người dám trả lời không cho cuộc đời bình an của bản thân và gia đình, dám đánh đổi cuộc sống ấy lấy gian khổ, hi sinh, đó là khí phách. Tiễn đưa con người có khí phách như thế, kẻ ở lại làm sao không nổi sóng ở trong lòng ?! Những cơn sóng âm thầm nhưng là sóng cảm phục, sóng thương yêu. Cái hay của Thâm Tâm là đã miêu tả nội tâm bằng chính nội tâm của nhân vật trữ tình.
Buổi chiều chia tay cũng bình thường như bao chiều khác, không có gì đặc biệt: Bóng chiều không thắm, không vàng vọt nhưng hoàng hôn lại đọng đầy trong mắt kẻ ra đi. Hoàng hôn trong mắt là buồn và lo, là nhớ thương, lưu luyến khi tiễn biệt. Ở câu thơ này nó còn có một ẩn ý khác. Đó là sự tương phản giữa ngoại cảnh và nội tâm, giữa dáng vẻ bề ngoài và diễn biến tâm trạng giằng xé bên trong của người đi.
Buổi chiều chưa nhạt nắng (Bóng chiều không thắm không vàng vọt), vậy mà hoàng hôn đã vội buông đầy trong mắt trong. Bề ngoài người đi tỏ ra bình thản nhưng đây là thái độ lạnh lùng thực sự hay chỉ là sự ghìm nén bao cảm xúc dang trào dâng trong lòng? Người ra di cố cưỡng lại tình cảm nhưng tình cảm vốn tự nhiên nên nó vẫn cứ dâng trào. Nỗi buồn li biệt dù che giấu kín đáo đến mấy vẫn hiện ra. Người bạn tri ki đã thấy rõ bỏng hoàng hôn trong mắt trong của người đi.
Khổ thơ đượm một nỗi buồn nhưng nỗi buồn ấy là tình cảm tự nhiên và trong sáng. Để thể hiện, Thâm Tâm đã sử dụng những hình ảnh đẹp vừa mang phong vị cổ điển, vừa có phần sáng tạo riêng rất hiện đại: sóng lòng, hoàng hôn trong mắt... và từ ngữ giàu khả năng gợi tả. Bên cạnh đó là nghệ thuật phối hợp âm thanh cũng như đặt lời thơ trong Ồm diệu nghi vấn: sao có tiếng sóng, sao đầy hoàng hôn... để thể hiện cảm xúc xao xuyến, bồi hồi. Đây là đoạn thơ hay và đẹp của bài thơ.
Vậy người ra di là ai mà buổi chia li quyến luyến và nặng tình đến thể?
Bài thơ lặp lại bảy lần từ người: đưa người, đưa người, đưa người, người buồn, người buồn, người đi, người đi nhưng vẫn chưa giúp ta hiểu gì về người đó. Ta chỉ biết người ra đi có một gia cảnh thật khó khăn: mẹ thì già, hai người chị luống tuổi muộn chồng, em còn thơ dại. Là con trai lớn, lẽ ra anh phải ở nhà chăm sóc mẹ già, giúp đỡ các chị, dạy bảo em thơ thì mới thuận cảnh, thuận tình. Nhưng là một nam nhi ôm mộng lớn, mơ nghiệp lớn, anh rơi vào mâu thuẫn giữa tình nhà và chí lớn, giữa bổn phận và khát vọng. Khát vọng giục anh lên đường, bổn phận níu anh ở lại. Là một trang nam nhi nên anh phải ra đi. Để có thể ra đi, anh phải dùng cả lí trí và ý chí để dằn lòng, để tự lí giải, biện hộ cho cuộc ra đi của mình. Con người không tên tuổi nhưng quyết ra đi ấy là chủ thể trữ tình của bài thơ.
Bài thơ có hai nhân vật nhưng chỉ có một tâm trạng. Người tiễn chỉ biết có người đi: Đưa người, ta chỉ đưa người ấy. Câu thơ cho ta thấy tuy đã xác định cho mình nỗi đau chia biệt nhưng người tiễn vẫn cứ ngỡ ngàng, thảng thốt. Ra đi là chưa biết bao giờ trở lại nhưng người ra đi có thái độ: Một giã gia đình, một dửng dưng. Tuy cố tỏ ra mạnh mẽ, dứt khoát nhưng trong lòng vẫn không khỏi vấn vương. Vì thế mà phải tự động viên:
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Li khách là từ sáng tạo độc đáo của riêng Thâm Tâm dùng để gọi người đi với thái độ trân trọng. Nó làm cho người đọc nhớ đến hình ảnh của Kinh Kha: Nhất khứ hề bất phục hoàn (một đi không trở lại) trong thơ cổ điển Trung Hoa. Người ra đi phải chấp nhận hi sinh tình nhà và hi sinh bàn thân vì nghĩa lớn.
Chí nhớn mà đường nhỏ. Con đường nhỏ là con đường mới mở, gập ghềnh, đầy nguy hiểm. Cuộc đi chưa thấy có hứa hẹn gì cho việc xây nên nghiệp lớn ngoài sự háng hái tinh thần.
Ra đi là để thực hiện chí nhớn. Xông pha vào chốn hiểm nguy là cầm chắc khó khăn, gian khổ, nhưng người đi đã tự xác định lập trường bằng bao chữ không: không bịn rịn gia đinh, là dửng dưng, nhằm vào con đường nhỏ kia mà đi, không xong chi nhớn thì không nói trở lại quê nhà, dù Ba năm, mẹ già cũng đừng mong. Cho nên cái Chí nhớn chưa về bàn tay không ấy nó thiêng liêng, xúc động nhưng cũng thoáng chút ngậm ngùi, thương cảm.
Còn đối với chị em trong gia đình thì tình cảm của người ra đi như thế nào?
Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay,
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc
Gói trộn thương tiếc chiếc khăn tay...
Người ra đi có vẻ hào hùng, hăng hái nhưng thật ra là buồn; buồn từ chiều hôm trước, buồn đến sáng hôm nay. Chia tay cuối mùa hạ, trong ao lác đác mấy đóa sen nở muộn. Hai chị gạt dòng lệ sót để khuyên em. Chữ sót thể hiện tình chị thương em và cho thấy hết nỗi nhọc nhằn trong đời chị. Buổi tiễn đưa: Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay. Em nhỏ nhìn anh với đôi mắt biếc mà lặng thầm gói tròn thương tiếc trong chiếc khăn tay.
Người ra đi trong chí lớn, trong quyết tâm nhưng vẫn dành cho mẹ già, cho các chị, cho em nhỏ những tình cảm tha thiết nhất, dù cố nén vào trong. Hai chị như sen cuối hạ, vẻ đẹp đã tàn phai. Một chị, hai chị là đếm sen mà nghĩ đến phận chị. Câu thơ nói tắt, tạo được ý lạ. Còn câu: Bây giờ mùa hạ sen nở nốt, đọc qua một lần thấy không liên kết vào đâu (cũng giống như câu: Giời chưa mùa thu tươi lắm thay), vì mạch thơ đang tả tâm trạng lại nói đến chuyện sen nở. Tuy vậy những chi tiết bất ngờ đó đã được khai thác và hoà nhập vào mạch thơ. Hình ảnh mùa hạ sen nở nốt đã dẫn đến liên tưởng Một chị hai chị, cũng như sen. Tương tự như thế, ở đoạn dưới, hình ảnh Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay cũng liên quan đến đôi mắt biếc của đứa em nhỏ ngây thơ.
Mẹ thì già, hai chị thì lận đận, em thì còn nhỏ... Gia cảnh ấy đủ làm nhụt chí người đi, tưởng chẳng thể nào đi được. Thế mà: Người đi? ừ nhỉ, người đi thực! Hai chữ ừ nhỉ thể hiện nỗi thẫn thờ, nuối tiếc. Mở đầu bài thơ, viêc ra đi đã xác định rõ, sao đến cuối bài còn như vậy? Ấy là người đưa tiễn vẫn cứ hi vọng tuy rất mong manh là đến phút cuối, cuộc ra đi sẽ không thành. Niềm hi vọng này không được nói ra vì mọi sự chuẩn bị tâm lí đều dành cho sự ra đi. Nhưng sự ra đi ấy vẫn cứ gây ra cảm xúc thảng thốt không ngờ. Hai chữ ừ nhỉ lại cả cái chí nhớn, một đi không trở tại ở trên, khiến cho sự ra đi trở thành việc bất đắc dĩ ở lại thì bế tắc nhưng ra đi cũng chưa thấy gì tươi sáng. Mấy câu thơ cuối kết tụ nỗi buồn trong lòng cả kẻ ở lẫn người đi:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Mỗi câu thơ nhắc đến một đối tượng: Mẹ, chị, em nhưng đều là một phần máu thịt, một phần linh hồn của người đi. Điệp ngữ thà coi như nhắc lại ba lần, mỗi lần đi liền với một ẩn dụ so sánh: chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu say là những thứ tồn tại mà như không tồn tại. Người ra đi coi mình là không đáng kể. So sánh như thế là để an ủi người thân và khẳng định thêm quyết tâm ra đi.
Người ra đi đã đi thật rồi, mọi điều quyến luyến vấn vương coi như chấm dứt. Người đi sẽ nhẹ lòng, người ở lại rồi cũng sẽ nguôi ngoai, cấu trúc ba câu thơ lặp lại cùng một âm điệu gần như dứt khoát, không thể khác được, tưởng như là tiếng khóc muốn vỡ òa mà cố cắn răng kìm nén để không bật lên thành tiếng của hai người bạn thân thiết trong phút chia tay.
Chỉ vì ôm ấp hoài bão lớn mà người ra đi chấp nhận sự chọn lựa nghiệt ngã giữa khát vọng và bổn phận, chứ đâu phải anh là kẻ có trái tim vô cảm, sắt đá! Tất cả những éo le ngang trái của cảnh ngộ, quy luật khắc nghiệt của đời thường, nỗi buồn thương ngậm ngùi của các nhân vật trong bài thơ đều hội tụ ở đây.
Bài thơ chấm dứt trong âm điệu trầm buồn pha chút xót xa. Từ ngữ, hình ảnh có chỗ gợi lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ, nhưng cái bâng khuâng khó hiểu của thời đại mà bài thơ diễn tả như nhận xét của Hoài Thanh thì đến nay, chúng ta đã phần nào hiểu được.
3. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 2
Có biết bao nhiêu nhà thơ tài năng nhưng số phận chỉ cho họ một cuộc đời ngắn ngủi. Điều đó đồng nghĩa với việc sự nghiệp sáng tác thơ ca của họ cũng rất ngắn ngủi cho nên nó rất ít tác phẩm. Một trong những nhà thơ đó ta phải kể đến nhà thơ Thâm Tâm. Ông là một nhà thơ nhưng ông cũng đồng thời là một chiến sĩ cộng sản chính vì thế trong đợt chiến Cao Bắc Lạng ông đã hi sinh. Và đặc biệt trong những tác phẩm ít ỏi của ông phải kể đến bài thơ Tống biệt hành.
Tống biệt hành viết vào năm 1940. Bài thơ thể hiện niềm mến yêu, sự ngưỡng mộ và trân trọng đối với người lên đường đi xa vì nghĩa lớn.
Nhan đề của bài thơ có vẻ độc đáo và rất lạ, tống biệt hành có nghĩa là tiễn người đi xa. Cái chỗ khiến cho người ta dễ hiểu lầm là do hành vừa có nghĩa là đi dời khỏi mà lại vừa có nghĩa là bài hát. Tuy nhiên chúng ta dựa vào những câu thơ trong bài thì vẫn biết được đây là hành mang nghĩa dời đi.
Cảnh đưa tiễn diễn ra vào một buổi chiều, không hề có bến đò, dòng sông, không diễn ra trong khoảnh khắc hoàng hôn mà vẫn buồn:
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Đảo ngữ đưa người nhấn mạnh trạng thái hành động mà câu thơ muốn nói đến là hành động tiễn đưa mọt người bạn. Và cái hành đông tiễn đưa ấy ta không đưa qua sông mà chỉ ngắm nhìn từ xa, tiễn rồi mà mắt cứ trông hoài về phía người đi. Nhưng mà tại sao tác giả lại nghe tiếng sóng ở trong lòng. Câu hỏi tu từ được cất lên mà không có ai đáp lại. Phải chăng đó chính là sóng lòng trong chính nhân vật trữ tình?. Tiếng sóng ấy thể hiện sự buồn thương của nhà thơ khi phải tiễn đưa người mà mình yêu quý. Buổi chia tay đưa tiễn ấy không có một ánh nắng vàng vọt mà sao lại thấy hoàng hôn. Hình ảnh hoàng hôn ở đây gợi cho ta cảm giác chia ly giống như một ngày tan xuống nhường cho bóng đêm ngự trị. Câu hỏi tu từ ấy một lần nữa được cất lên sao mà tha thiết, vấn vương đến thế. Và tác giả chỉ đưa người ấy với sự tiễn biệt giã gia đình dửng dưng.
Những câu thơ tiếp theo hình ảnh li khách đang được nhắc đến, đó là một hình ảnh con người ôm chí lớn và quyết tâm ra đi:
“- Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!”
Li khách có nghĩa khách ra đi, người ra đi. Đó là cách gọi trang trọng và thân thương. Đoạn thơ cho ta thấy một sự cảm phục không hề nhỏ của nhà thơ dành cho người ra đi. Điệp từ “li khách” như vang lên ca tụng ý chí của người ra đi. Con đường kia dẫu cho nhưng một khi chí lớn chưa thành thì nhất định không trở về với hai bàn tay trắng. Ý chí ấy thể hiện rất cương quyết nếu không thành thì không về dặn mẹ già đừng mong vì nếu chưa tròn sự nghiệp thì chưa về. Câu thơ khiến cho người ta cảm thấy đó giống như một người con bất hiếu chỉ nghĩ đến hoài bão của mình mà không quan tâm đến mẹ già ở nhà. Nhưng đó chỉ là cách để nhà thơ thể hiện ý chí lớn lao ấy mà thôi.
Về phương diện tình cảm thì tác giả nói đên những người thân trong gia đình. Người đó có thể là con là em trong gia đình ấy:
“Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay. . ”
Đó là những người chị người em của người ra đi. Họ mang đến cho ta biết bao nhiêu tình thân thương yêu của những người trong một mái nhà. Người em, người anh của họ ra đi về nghĩa lớn vào những khoảng thời gian hôm qua và hôm nay, mùa hè và mùa thu. Tưởng chừng sự ra đi trong hôm trước và hôm sau nó dài tựa qua đi một mùa của thiện nhiên đất trời. có thể thấy rằng người ở lại và người ra đi đều mang trong mình một nỗi vấn vương lớn.
Đoạn thơ cuối cất lên với nhiều cách hiểu khác nhau nhưng chúng ta thấy được sự dư ba trong chính những câu thơ ấy:
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say. . . ”
Đó là cái đi dửng dưng của người li khách về nghĩa lớn trong mình. Người ta có thể hiểu nhầm rằng người ra đi không thương cho mẹ già em nhỏ, chị gái nhưng không phải thế. Li khách rất thương là đằng khác nhưng mà khi đã vì nghĩa lớn thì vẫn cứ phải dứt áo ra đi.
Qua đây ta thấy Thâm tâm đã mang đến cho chúng ta một chí lớn không hề nhỏ trong bài thơ này. Nó như dạy ta biết hi sinh vì đại nghiệp lớn. Tình cảm ca nhân,tình thương yêu của những người thân bên gia đình ai mà không trân trọng thế nhưng vì trân trọng nên mới phải ra đi. Cái nghiệp lớn kia phải chăng chính là cái sự nghiệp đấu tranh dành độc lập cho tổ quốc dân tộc của nhà thơ. người li khách kia hay chính là nhà thơ. Nói tóm lại dù thế nào đi nữa ta vẫn thấy được một tinh thần, một ý chí lớn trong bài thơ này.
4. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 3
"Áo chàm chia buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..."
Những cuộc chia ly đầy lưu luyến luôn là cảm hứng của các nhà thơ, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến của dân tộc. Hai câu thơ trên trong bài Việt Bắc của Tố Hữu là cảnh chia tay đầy xúc động giữa cán bộ và người dân, ta còn bắt gặp cảnh chia tay đầy dứt khoát của kẻ đi qua bài thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm. Thâm Tâm viết bài thơ "Tống biệt hành" vào năm 1940, để tiễn đưa một người bạn lên chiến khu Việt Bắc.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã mở ra một khung cảnh chia tay giữa kẻ đi và người ở lại:
"Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng..."
Cảnh tiễn đưa là một buổi chiều tà, giữa kẻ đi và người ở lại vô hình tạo ra một sợi dây đầy lưu luyến. Điệp từ "đưa người" được lặp lại nhằm nhấn mạnh việc chia ly này chắc chắn sẽ diễn ra. Thâm Tâm đã sử dụng đại từ "ta và người" để nói lên sự ngang tàn, khẩu khí của một đấng nam nhi. Dù vậy, trong lòng tác giả vẫn phải thốt lên một câu hỏi "Sao có...?", một phép ẩn dụ đầy gợi hình, "tiếng sóng ở trong lòng". Tiếng sóng ở đây chính là nỗi lòng của con người, mà nó cũng chính là nỗi buồn của kẻ chia ly, tiếng sóng không mạnh mẽ nhưng nó cứ dạt dào xô đẩy khiến nỗi buồn của con người dài hơn. Có một sự tương phản đối lập ở đây "không-có" cùng với giọng điệu rắn rỏi trong từng chữ để nhấn mạnh cái "không" thành cái "có", tưởng chừng như nỗi buồn ấy dứt khoát mà ra đi, nhưng ngược lại nó lại càng sâu đậm thêm. Người tiễn đưa là một con người rất hiểu bạn của mình "trong mắt trong", hai tâm hồn như đồng điệu làm một, họ chia sẻ cho nhau. Câu thơ cuối của đoạn mang giọng điệu thật dứt khoát bởi sự kết hợp giữa điệp từ, số từ và sự tương phản "một giã gia đình - một dửng dưng". Chia tay đầy đau xót như vậy, cớ mà sao lòng người có thể dửng dưng vậy được, tưởng chừng như có thể xóa đi được nỗi buồn, nỗi buồn càng khắc sâu thêm.
Qua khổ thơ thứ hai, hình ảnh người ly khách hiện lên thật dứt khoát:
"- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!"
Tác giả rất trân trọng người bạn của mình nên ông đã sử dụng từ Hán Việt và còn lặp lại đến hai lần "ly khách". Hình ảnh người ly khách hiện lên thật là một con người gan góc, đầy ý chí quyết tâm. "Con đường nhỏ" đây chính là lý tưởng đầy khó khăn vất vả của người bạn cần phải vượt qua. Người ly khách ấy còn khẳng định một cách quyết liệt: "chưa về", "không bao giờ", "mẹ già đừng mong", qua đó, ta thấy được một thái độ sống chết vì nghĩa lớn của một đấng trượng phu.
Đằng sau sự ra đi ấy, người ly khách đã phải bỏ lại gia đình của mình:
"Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay..."
Mỗi một con người đều có gia đình riêng của mình để chăm sóc, đặc biệt là phụng dưỡng cha mẹ, nhưng người ly khách này đã phải để lại sau lưng tất cả để đi theo chí lớn. Có một sự luân chuyển thời gian ở đây, nó như là một vòng tròn quay lại vạch xuất phát ban đầu trong lòng của những con người ở lại. Một nỗi buồn từ chiều hôm trước đến sáng hôm nay nó không hề vơi vai mà nó lại sâu đậm hơn. Trong gia đình còn có mẹ già, em thơ, hai người chị đã muộn màng, họ buồn lắm muốn níu kéo "em trai dòng lệ suốt", "gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay". Tác giả rất đồng cảm với người bạn của mình, biết được sự giằng xé trong nội tâm một bên bổn phận một bên chí lớn. Dù sao đi chăng nữa, người ly khách ấy vẫn kiên định với hướng đi của mình, ta càng thấy rõ tính bi hùng của người chiến sĩ vì nước vì dân của dân tộc ta.
Khổ cuối của bài thơ, giọng thơ như chìm đắm xuống, tâm trạng đầy ngổn ngang:
"Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say."
"Người đi?" người đã phải đi rồi, đó là một sự thực, phải chăng tác giả cũng đang hoang mang với chính khoảnh khắc ấy. Điệp ngữ dồn dập đến mà đau thắt "coi như", sao có thể coi mẹ già như chiếc lá bay, chị như hạt bụi, em là hơi rượu say, cho thấy đây là một sự lựa chọn đầy trăn trở nhưng vẫn quyết đi. Dù ra đi vì nghĩa lớn đấy, dứt áo một cách dứt khoát, mà tận sâu bên trong con người ấy vẫn là nỗi nhớ nhà nỗi buồn của sự chia ly.
Thâm Tâm đã rất thành công trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật để miêu tả tâm trạng của người ra đi và kẻ ở lại như điệp từ, số từ, ẩn dụ, so sánh... Những câu thơ đầy dứt khoát, hùng hồn của kẻ đi mà đầy xót xa. Qua đây, ta càng cảm thấy được tấm lòng của tác giả đối với những người vì nghiệp lớn đầy trân trọng và yêu thương.
Tống biệt hành của Thâm Tâm là một trong những bài thơ hay và xúc động trong phong trào thơ mới. Một cuộc chia ly đầy buồn bã bao nhiêu thì càng khẳng định được tâm thế của một tâm hồn có chí lớn ra sao. Những con người có một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn như vậy sẽ mãi nằm trong lòng người mang một dấu ấn không bao giờ phai.
5. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 4
Thơ Thâm Tâm như một giai điệu trầm hùng trong bản đại hòa tấu của thi ca lãng mạn (1930-1945). Thâm Tâm đã để lại cho đời bài thơ “Tống biệt hành” gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc và tiềm ẩn không ít bí mật. Tác giả cũng viết về đề tài quen thuộc (tống biệt) nhưng không có cái dây dưa mùi mẫn như những cuộc chia li trong thơ xưa. Người ra đi không phải là tình nhân mà là một chàng trai có chí lớn, có lí tưởng cao quý, có tinh thần quyết tâm ra đi (đượm tinh thần hiệp sĩ). Tác giả chọn thể “hành”, một thể thơ cổ phong (có trước thơ Đường luật) thật là thích hợp với tinh thần bi hùng của cuộc chia li.
Cuộc tiễn đưa đượm ý vị hiệp sĩ này đến nay gần như sáng tỏ. Nhà thơ Thâm Tâm tiễn đưa một người bạn cũng là một nhà thơ lên chiến khu hoạt động cách mạng (Người ta kể lại tên tuổi của từng người trong buổi tiễn đưa ấy, nhưng thiết tưởng cũng không cần nói ra đây những điều cụ thế ấy làm gì). Nhà thơ tiễn một nhà thơ, một vài người bạn nữa và đặc biệt là em gái của một người của một người bạn cũng hiện diện trong buổi tiễn đưa làm xao động không khí của buổi chia li.
“Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Lời thơ vừa cất lên thì nhạc cũng nổi lên biểu hiện tâm tư của người đưa tiễn. Câu thơ mở đầu toàn thanh bằng diễn tả nỗi bâng khuâng xao xuyến của buổi tiễn đưa. Câu thơ thất ngôn cổ điển thường nhịp 4/3 đã chuyển thành nhịp 2/5 hết sức mới mẻ:
“Đưa người ta không đưa qua sông”.
Sang câu thơ thứ hai, những thanh trắc (có, tiếng, sóng) đột ngột nổi lên như sóng - sóng lòng - và nghe tiếng sóng tưởng chừng cảm nhận được hình ảnh của dòng sông. Tứ thơ “không đưa qua sông” muốn so sánh với buổi tiễn đưa của thái tử Đan tiễn đưa hiệp khách Kinh Kha qua sông Dịch sang đất Tần để diệt tên bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Cuộc chia tay hiện đại này “không đưa qua sông” nhưng vẫn có tiếng sóng, sóng lòng, sóng tình của kẻ tiễn đưa. Câu thơ nghi vấn tu từ càng xoáy vào lòng người đọc tâm trạng của kẻ ở.
Từ bên trong, câu thơ lại chuyển sang diễn tả hình ảnh bên ngoài với những biểu hiện của sự xúc động:
“Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Âm vang của sóng vẫn còn lan tỏa suốt cả khổ thơ với những điệp từ “không - không”, “trong - trong”, với điệp cú “sao có tiếng sóng”, “sao đầy hoàng hôn” càng tăng cường thêm chất nhạc và độ da diết của cảm xúc. Màu sắc của buổi chia li cũng được miêu tả không dễ dãi chút nào. Không phải là màu mà giữa các màu. Màu sắc của buổi chiều giữa “thắm” và “vàng vọt”, một hòa sắc thật khó tả.
Một khổ thơ mà có hai sự đối lập bên ngoài và bên trong (không đưa qua sông - sao có tiếng sóng; không thắm không vàng vọt - sao đầy hoàng hôn) đã diễn tả tài tình tâm trạng nhớ thương, bịn rịn của người đưa tiễn. Hình ảnh vừa có không khí cổ kính lại vừa có tinh thần hiện đại. Tinh thần lãng mạn của thời đại nhiễm trong từng chữ thơ, tạo ra sự linh diệu cho “Tống biệt hành”.
Nhịp điệu thơ ban đầu lại được lặp lại, tạm gọi là nhịp sóng. Trong âm vang sóng lòng của kẻ ở người đi, nhà thơ mô tả chân dung tinh thần của “li khách”, của người ra đi:
“Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại.”
Thái độ của người ra đi thật dứt khoát, dẹp tình riêng mà theo đuổi chí lớn, đượm tinh thần hiệp sĩ. Chữ dùng khác thường (một giã gia đình) là để miêu tả thái độ khác thường của li khách. Phải hiểu những biến động trong xã hội Việt Nam đầu những năm bốn mươi mới thấy được thái độ của người ra đi là chân thành và cao quý. Nhiều thanh niên đã hướng về cách mạng, sẵn sàng bí mật từ giã gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Họ chưa có được sự hài hòa giữa lí trí và tình cảm. Người ra đi nặng về nghĩa lớn, chí lớn, đượm tinh thần hiệp sĩ. Người làm thơ ca ngợi kẻ ra đi lại là một nhà thơ lãng mạn, thấy được cái đẹp, cái hào hùng của kẻ ra đi “không hẹn ngày về” nhưng chưa hiểu được một cách cụ thể công việc của người chiến sĩ cách mạng.
“Li khách! Li khách! Con dường nhỏ
Chi nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bảo giờ nói trở lại. ”
Những câu thơ cổ kính, sang trọng ngợi ca người chiến sĩ thời tiền khởi nghĩa mà có khác chi là ngợi ca Kinh Kha đi diệt bạo chúa!
Thi sĩ nhìn li khách hun hút trên “con đường nhỏ” mà bồi hồi nhớ lại tâm trạng của người ra đi:
“Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.”
Thơ Thâm Tâm điêu luyện trong ngôn từ và âm nhạc. Hai vần trắc liền nhau (trước - nốt) biểu hiện sự cứng rắn trong lòng người ra đi. Buồn mà cứng rắn mới lạ! Buồn vì phải li biệt gia đình, còn cứng rắn là thái độ của người con trai có chí lớn. Bốn câu thơ trên câu nào xuất hiện cũng đột ngột như là sự đột ngột xảy ra trong lòng cậu em trai. Đột ngột như là vào một buổi sáng mùa hạ nhìn thấy đầm sen nở rộ, “nở nốt”, nghĩa là nở đến bông sen cuối cùng. Hai người chị đã khuyên cậu em trai hết lời, đã khóc hết nước mắt cũng không ngăn được người em trai có “chí nhớn”. Không còn ngôn ngữ, chỉ còn dòng lệ biết nói:
“Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”
Từ “sót” nôm na mà hay. Nó cân bằng về mặt âm điệu với những từ đài các sang trọng trong thơ Đường (ví như chữ li khách chẳng hạn). Nó lại là thanh trắc, với dấu sắc đầy tức tưởi trong lòng của một chị, hai chị, những người chị hết lòng thương em, nhưng không còn phải cách trước cậu em trai đã trở thành Kinh Kha của thời nay!
“Tiếng sóng ở trong lòng” nhà thơ vẫn âm thầm dào dạt thành ra tiếng sóng ở trong thơ miên man chảy, tràn từ khổ thơ này sang khổ thơ khác. “Ta biết người buồn chiều hôm trước”, rồi điệp lại “Ta biết người buồn sáng hôm nay”...
“Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”
Như vậy là li khách đâu có “dửng dưng”. Li khách cũng “buồn”. Buồn vì phải chia xa những người ruột thịt. Buồn vì phải chia xa cô bé láng giềng. Thâm Tâm trân trọng phái đẹp. Sửa soạn cho “một chị, hai chị” xuất hiện thì có sen nở. Sửa soạn cho cô bé hiện diện trong buổi tiễn đưa thì có bầu trời tươi thắm “giời chưa mùa thu, tươi lắm thay”. Chao ôi! Trước “em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc” thì trời cũng phải tươi thắm thôi! Và buổi tiễn đưa xao động hẳn lên là khi “em nhỏ” bất ngờ trao kỉ vật cho chàng “hiệp sĩ”. Nhà thơ tinh tế ở chỗ đã quan sát cử chỉ “ngây thơ” của cô bé cứ rụt rè mà vo tròn chiếc khăn tay! Thâm Tâm còn tạo ra sự linh diệu của ngôn từ, không phải là gói tròn chiếc khăn tay mà là “gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”. Chỉ có thi sĩ mới thấy được cái lớn trong cái nhỏ, cái có trong cái không, cái trừu tượng trong cái cụ thể. Phải có nàng Đuyn-xi-nê-a ở thôn Tô-bô-xô để cho chàng hiệp sĩ Đông Ki-sốt (Đôn Ki-hô-tê) tưởng nhớ chứ! Thế mới đầy đủ hành trang tinh thần cho “li khách”.
Trời đẹp, người đẹp, tình đẹp cũng không đủ để níu bước chân ra đi của người thanh niên có chí lớn. Và thi sĩ đã đọc được trên từng nốt chân không lời những điều bí ẩn trong tâm hồn của li khách:
“Người đi? ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say”
Giọng thơ trầm xuống, nhịp thơ đứt đoạn, ngắc ngứ (Người đi/ừ nhỉ/ người đi thực). Cuộc tiễn đưa như mộng, hay nhà thơ đã nhìn cuộc đời thực thành mộng? Dưới mắt thi sĩ, người ra đi trọng nghĩa lớn mà nhẹ tình nhà. “Mẹ thà coi như chiếc lá bay”, nhẹ quá, đến gần như là vô đạo, “chị thà coi như là hạt bụi” nhỏ quá, đến gần như là khinh khi. Nhưng không, vào thời điểm lịch sử đó, những người có chí lớn, có lí tưởng cứu nước phải “thà coi” như vậy thôi. Rồi thiên hạ cũng phải đồng tình với sự lựa chọn giữa tình và nghĩa của người ra đi. Còn tình và tình? “Em thà coi như hơi rượu say”, em nào? Là cái “Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc” đó! Trong lòng anh, em không còn “nhỏ” nữa, em đã thành men “rượu say” rồi. Tốc độ lớn của tình yêu thật là phi thường, tình yêu tổ quốc (Phù Đổng) cũng vậy mà tình yêu người cũng vậy! Điệp từ “thà coi” nhấn mạnh ba lần trong một khổ thơ, âm điệu trầm hùng, tinh thần cứng cỏi đã thể hiện được sự xung đột nội tâm và sự lựa chọn nghiệt ngã của người ra đi.
Thâm Tâm để lại thơ không nhiều, nhưng có được một kiệt tác là “Tống biệt hành”. Bài thơ tình sâu, ý đẹp, nhạc hay, lời chuốt. Và điều kì tuyệt là nhà thơ đã tạo được chân dung tinh thần của một thế hệ thanh niên hướng về cách mạng, sẵn sàng và quyết tâm ra đi vì nghĩa lớn. Thơ vừa đượm không khí cổ kính vừa âm vang tinh thần của thời đại, gợi ra một vẻ đẹp đầy bí ẩn. Cách tân thơ theo hướng nghệ thuật dân tộc và phương Đông, Thâm Tâm đã tạo ra được nét riêng đầy sức hấp dẫn trong các nhà thơ lãng mạn nổi tiếng đương thời.
6. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 5
Thâm Tâm là một tác giả chỉ có một bài thơ được tuyển chọn trong Thi nhân Việt Nam. Tuy vậy, ông vẫn có một vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới. Thâm Tâm với Tống biệt hành là sự minh chứng cho chân sáng tạo nghệ thuật: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (Quý cái tinh túy chứ không cốt nhiều).
Viết bài Tống biệt hành, tác giả đã đi vào vấn đề quen thuộc, đã sử dụng một thể loại quen thuộc trong thơ cổ. Đề tài tống biệt (đưa tiễn) là đề tài thường xuất hiện trong văn chương. Thể hành là thể loại quen thuộc trong thơ cổ: Chúng ta đã từng gặp những tác phẩm viết theo thể loại này: Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị); Binh xa hành (Đỗ Phủ); Dương phụ hành (Cao Bá Quát)…
Tuy viết về đề tài quen thuộc nhưng Thâm Tâm vẫn có những sáng tạo riêng, có một giọng điệu riêng, đặc sắc, vừa trang trọng, vừa cổ kính, vừa mới mẻ, hiện đại, vừa rắn rỏi, gân guốc, vừa bâng khuâng tha thiết.
Bốn câu đầu là tâm trạng của người trong cuộc tiễn đưa. Bốn câu thơ tả cảnh nhưng dường như không có cảnh, chỉ có tâm trạng. Ngoại cảnh đã bị phủ định để làm nổi bật tâm cảnh.
Bốn câu thơ đầu nếu đặt trong cuộc tiễn đưa thì lại là thời điểm cuối của cuộc tiễn đưa. Chính vì vậy, bốn câu thơ chất chứa bao tâm trạng bao nỗi buồn chiều hôm trước. Nỗi buồn ngày hôm nay bao nỗi buồn của mẹ, của chị, của em, nỗi buồn của người ra đi, kẻ ở lại dồn nén trong 4 câu thơ này
Hai câu đầu, dường như là lời của người đưa tiễn, gợi lên không gian, tâm trạng của cuộc đưa tiễn:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sống ở trong lòng
Cuộc đưa tiễn không diễn ra nơi dòng sông mà vẫn có tiếng sóng ở trong lòng. Đưa tiếng sống lòng vào cuộc đưa tiễn, Thâm Tâm vừa học theo bút pháp nghệ thuật trong thơ cổ vừa có những sáng tạo riêng của nhà Thơ mới.
Thơ xưa khi nói về cuộc tiễn đưa vẫn mượn hình ảnh dòng sông bến đò để gợi lên hai khoảng trời xa cách, Đây đã trở thành bút pháp quen thuộc. Đỗ Phủ đưa tiễn bạn lên đường làm việc nghĩa, lòng người đi kẻ ở lại đầy nhớ thương cũng đã mượn hình ảnh dòng sông, con đò để nói lên tâm trạng:
Gạt hàng lệ lúc trên sông tiễn bước
Trời cao man mác nghĩ buồn thay
Thâm Tâm đã mượn ý thơ, bút pháp cổ chia tay phải có dòng sông, chứ không hoàn toàn dập khuôn của thơ xưa. Sáng tạo của nhà thơ là ở chỗ không có dòng sông thật và sông cũng là sông lòng.
Hình ảnh ẩn dụ dòng sông đã nói lên được cuộc chia li không chỉ diễn ra ở ngoại cảnh mà còn có trong tâm cảnh. Chính lòng người mang một dòng sông ly biệt, chính lòng người phải làm một cuộc tiễn đưa. Người đọc đã từng gặp hình ảnh sóng tình, sóng lòng trong thơ của Nguyễn Du, của Nam Trân những hình ảnh sóng lòng trong thơ của Thâm Tâm có phần hàm xúc, dư âm hơn.
Nhạc điệu câu thơ cũng có phần tâm trạng. Câu thơ trên toàn thanh bằng “Đưa người ta không đưa qua sông”. Nó gợi lên sự mênh mang, bâng khuâng. Đến câu thơ thứ hai đột ngột nổi lên một số thanh trắc “có”, tiếng , “sóng”; “ở” tạo cảm giác như eo tiếng sóng thật, như lòng người đang nổi sóng và nghe trong tiếng sóng như thấy cả hơi lạnh của sóng.
Hai câu tiếp dường như lại là lời của người ra đi, diễn tả tâm trạng của cuộc tiễn đưa
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong
Vì là thời gian tâm trạng nên thời gian vừa như xác định, lại vừa như mơ hồ. Thời gian xác định bởi cuộc chia tay diễn ra buổi chiều. Thời gian xác định bởi cuộc chia tay diễn ra buổi chiều. Thời gian lại mơ hồ vì bóng chiều không thắm, không vàng vọt. Nếu bóng chiều thắm là lúc hoàng hôn, bóng chiều vàng vọt thì đó là lúc chiều xế tà, xế bóng.
Bóng chiều không thắm cũng không vàng vọt vì thời gian thiếu một đường viền xác định để tăng thêm cái phần bâng khuâng thương nhớ. Ngoại cảnh đã bị phủ định để làm nổi bật lên tâm cảnh. Đặt cuộc chia tay trong buổi chiều. Thâm Tâm đã đem đến cho Tống Biệt Hành một phong vị cổ điển gợi không khí riêng đồng thời là nhà thơ mới lại có những cách tân so với thơ xưa.
Thơ cổ khi nói về cuộc tiễn đưa cũng thường mượn không gian của buổi chiều tà. Lí Bạch đưa tiễn bạn để nói lên nỗi niềm thương nhớ.
Chia tay khát cả nỗi lòng
Người như mây núi kẻ trông bóng tà
Cuộc chia tay trong Tống Biệt Hành cũng diễn ra vào buổi chiều nhưng sáng tạo của Thâm Tâm chính là hình ảnh đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Hoàng hôn thường gợi lên nỗi buồn, nỗi thương nhớ trong hoàn cảnh biệt ly. Đôi mắt thường là biểu tượng cho đời sống tâm hồn tình cảm:” Mắt thương nhớ ai mắt ngủ không yên” – ca dao; “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” Xuân Diệm Cách nói ẩn dụ hoàng hôn trong mắt trong vừa lãng mạn hóa, vừa cụ thể hóa, nỗi buồn, nỗi thương nhớ hoàng hôn chứa đầy trong đôi mắt cũng có nghĩa là nỗi buồn, nỗi nhớ thương chứa đầy trong tâm trạng.
Chữ “đầy” (hoàng hôn) vốn là tính từ có thể cảm nhận được như của động từ hóa mang tính chất của động từ. Với cách cảm nhận này thì câu thơ diễn tả nỗi buồn, nỗi thương nhớ sâu sắc hơn.
Hoàng hôn đã chứa đầy trong đôi mắt còn tiếp tục dâng đầy như nỗi niềm thương nhớ đã đang trào từ trái tim đến ánh mắt để rồi từ ánh mắt lại nhuộm tìm cả buổi chiều ly biệt.
Câu thơ trên đã diễn tả được sự tương phản thống nhất giữa bề ngoài và bên trong. Bên trong thì tâm trạng đầy uẩn khúc, bề ngoài thì đôi mắt cứ thân thiện trong veo nhưng người tri kỉ lại thấy rõ bóng hoàng hôn trong đôi mắt ấy, Người trong cuộc tiễn đưa cố dấu tình cảm nhưng tình cảm vốn tự nhiên, nó vẫn đang dâng lên, dù kín đáo, dù che dấu thế nào nó vẫn hiện ra.
Câu thơ điệp lại hai chữ “trong”. Hai chữ này mang hai chức năng ngữ pháp khác nhau. Một chữ là trạng từ “trong mắt”, mỗi chữ là tính từ “mắt trong”. Tuy nhiên điệp âm của 2 chữ trong lại có tác dụng tạo nên âm hưởng bâng khuâng ra riết.
Nhìn chung bốn câu thơ đầu nói cảnh mà dường như không có cảnh chỉ có tâm trạng. Bốn câu với hai câu hỏi tu từ “sao có”, “sao đầy” và hàng loạt điệp âm (không đưa, không thắm, không vàng vọt) đã tạo nên giọng điệu rắn rỏi, gân guốc vừa tha thiết vừa bâng khuâng. Xuất hiện của âm “ong”, “s”, “song”, “trong”, “lòng” không những tạo nên âm hưởng mà còn gợi lên hình ảnh con sóng lan tỏa, những con sóng lòng sao động.
Tác giả sử dụng nghệ thuật phủ định để khẳng định, phủ định ngoại cảnh để khẳng định tâm cảnh. Bốn câu thơ nói nhiều “không” để khẳng định “có” mà có rất nhiều: có nỗi lòng bâng khuâng sao xuyến đầy thương nhớ.
Sáu câu thơ tiếp: ý chí quyết tâm của người lên đường qua cảm nhận của ngươi ở lại, Sáu câu thơ khắc họa được vẻ đẹp bi hùng của người li khách.
Hình ảnh người ra đi mang dáng dấp vẻ đẹp của tráng sĩ lên đường vì chí lớn, nếu sự nghiệp không thành thì kiên quyết không trở về. Để thực hiện chí lớn trang nam nhi phải dứt khoát với tình cảm riêng tư “một giã gia đình một dửng dưng”.
Đặt văn cảnh trong câu thơ thì hai chữ “dửng dưng” chỉ có thể hiểu được là người ra đi dửng dưng với tình cảm gia đình. Dường như anh bị níu lòng từ nhiều giã, từ giã mẹ già đã từng chịu nhiều đau khổ, từ giã hai chị đã luống tuổi, héo hắt như sen cuối hạ, từ giã em nhỏ hồn nhiên vô tư chỉ biết đưa tiễn anh bằng đôi mắt biếc và trao chiếc khăn kỉ niệm để có thể thanh thản lên đường thực hiện chí lớn.
Động lực ảo đã thôi thúc trang nam nhi đã có được một thái độ dứt khoát, một quyết tâm sắt đá. Động lực ấy chính là tiếng gọi của lí tưởng của danh dự
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Câu thơ như lời tựa hi vinh danh dự. Tác giả đã sử dụng những từ mang tính chất phủ định “chưa về”,’’không bao giờ”, “cũng đừng mong” được đặt trong những câu thơ mang tính chất khẳng định, giọng thơ mang lại cảm giác nổi bật lên thái độ quyết tâm của người ra đi.
Hình tượng li khách trong Tống biệt hành mang một vẻ đẹp trang trọng cổ kính. Hai từ hán việt “li khách” như phủ lên hình ảnh con đường nhỏ vừa nói lên được sự xa xăm cứ nhỏ, cứ khuất dần trong biệt li.
Trang nam nhi làm ta liên tưởng đến hình ảnh kinh kha sang Tân vì đại nghĩa. Chia tay người thân bên dòng sông dịch thủy” Gió hắt hiu song dịch lạnh ghê – Tráng sĩ một đi không hẹn về”. Hình ảnh ly khách còn gợi ta liên tưởng đến hình ảnh một chinh phụ
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu vị ào ào gió thu
Trang nam nhi trong Tống biệt hành còn mang vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn trong một thời, thời của những con người lên đường theo tiếng gọi của lí tưởng với thái độ quyết tâm “Nhất khư bất phục phản”
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Tuy nhiên ẩn trong cách nói có vẻ yên hùng, ngang tàn, dửng dưng là một tâm trạng đầy uẩn khúc. Đó là dù dằng xé giữa ý chí và tình cảm. Khát vọng chí lớn, khát vọng danh dự thôi thúc anh lên đường còn bổn phận với gia đình lại níu anh trở lại. Để thực sự thanh thản lên đường, trang nam nhi phải tự rặn lòng mình, phải dùng cả ý chí, cả nghị lực để cưỡng chế tình cảm. Vì vậy, ẩn sau khí phách ngang tàn lại là một trái tim rất người điều này có thể thấy rõ hơn ở 12 câu tiếp theo.
Mười hai câu còn lại là tình cảm của người ra đi qua cảm nhận của người ở lại. Dường như có một sự tương phản đối lập giữa ý chí quyết tâm của người ra đi ở sáu câu thơ trên với tình cảm của con người. Tuy nhiên sự tương phản này chỉ là hình thức chứ thật ra lại thống, nhất trong một tính cách.
Người ở lại cũng như người ra đi đều mang một nỗi buồn thương nhớ. Nỗi buồn thấm vào cả không gian và thời gian:” buổi chiều hôm trước – buổi sáng hôm sau”. Buồn trong hình ảnh những bông sen cuối hạ hắt hiu, buồn trong sắc trời chứa mùa thu mà đã biếc xanh như đôi mắt xanh biếc của em nhỏ ngây thơ trong cuộc đưa tiễn.
Nỗi nhớ thương gửi đến từng người. Cách dùng số từ rành rọt “một chị, hai chị” diễn tả được nỗi nhớ gửi đến từng người, như lưu lại hình ảnh những người thân yêu nước trước lúc lên đường. Câu thơ “Gói tròn thương chiếc khăn tay” là một trong những câu thơ hay nói về nỗi nhớ. Hai chữ “gói tròn” diễn tả sự trân trọng, nâng niu, sự giữ trọn vẹn những kỉ niệm thiêng liêng.
Cách tác giả dùng vần liền” thương tiếc chiếc” đã tạo nên âm hưởng tha thiết. Trọng lượng thật của chiếc khăn tay thì nhẹ nhưng trọng lượng tình cảm gửi gắm trong chiếc khăn kỉ niệm thì nặng vô cùng. Giữa nghĩa lớn và tình riêng để hưởng theo tiếng gọi của lí tưởng, của non sông.
Để diễn tả thái độ tâm trạng này, giọng điệu câu thơ vừa rắn rỏi, gân guốc,vừa đượm chút bâng khuâng.
Người đi! ừ nhỉ người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
Câu thơ “ừ nhỉ người đi thực” như nỗi lòng của người đưa tiễn. Chứng kiến cảnh người lên đường “buồn chiều hôm trước”, “buồn sáng hôm nay”, người đưa tiễn chợt nghĩ đến, biết đâu trách nhiệm với gia đình chẳng níu kéo bước chân anh ở lại. Đến khi li khách đã cất bước lên đường thì người đưa tiễn mới giật mình bừng tỉnh trước sự thật.
Bốn câu thơ cuối của Tống biệt hành đã có hai cách hiểu khác nhau xoay quanh chủ thể hai đối tượng của “thà coi”. Có ý kiến xuất phát từ lời của người ra đi để hiểu mẹ thà coi như chiếc lá bay, chị thà coi như em là hạt bụi, em thà coi anh như hơi rượu say.
Nhưng lại có ý kiến cho rằng đó là lời người đưa tiễn nói hộ tâm trạng li khách. Vì vậy có thể chấp nhận cách hiểu: con thà coi mẹ như chiếc lá bay, em thà coi chị như là hạt bụi, anh thà coi em như hơi rượu say. Dù hiểu theo cách nào thì bốn câu thơ ấy cũng nói lên được sự nhất quán giữa thái độ kiên quyết ra đi vì chí lớn và tâm trạng nhớ thương của li khách.
Chữ “thà” với nghĩa là thôi được điệp lại tới 3 lần cho thấy li khách đã phải tự làm rắn lòng mình, đã phải lựa chọn để đành chấp nhận cuộc chia ly. Tuy nhiên giữa nghĩa lớn và tình riêng thì trang nam nhi vẫn biết hướng theo tiếng gọi của lí tưởng. Điều này đã làm nên vẻ bi hùng, vẻ đẹp hào hùng của hình tượng li khách trong bài Tống biệt hành.
Nhận xét về bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm, Hoài Thanh viết: “Bài thơ đã sống lại những không khí riêng của những bài thơ cổ, nhưng vẫn giữ chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”. Sự khó hiểu chính là tính đa nghĩa của bài thơ. Bài thơ nói về cuộc đưa tiễn của người đi kẻ ở, hay chỉ có một chủ thể trữ tình tự phân thân trong hình thức đối thoại để bày tỏ nỗi niềm?
Bài thơ khó hiểu bởi nó chất chứa tâm trạng, có tâm trạng của người ra đi và tâm trạng của người ở lại, có nỗi buồn thương nhớ lại có tình cảm hướng theo tiếng gọi của chí lớn, khao khát lên đường. Cũng có cả thái độ ngưỡng vọng của chính tác giả trước vẻ đẹp của trang nam nhi lên đường theo tiếng gọi của non sông. Những tâm trạng ấy đan xen vào nhau thật khó nói ra cho hết. Chính vì vậy mà Tống biệt hành đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại.
7. Văn mẫu phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm mẫu 6
Thâm Tâm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Ông luôn mang trong mình những tâm sự trĩu nặng của thời đại cái tôi, cùng giọng thơ rắn rỏi, gân guốc, nhưng cũng phảng phất trong đó chất thơ cổ điển. Trong đó “Tống biệt hành” là một bài thơ nổi tiếng của Thâm Tâm kế về cuộc chia li, một sự ra đi chẳng hẹn ngày về.
Mở đầu bài thơ, là cảnh chia ly, với những bồi hồi xúc động của người tiễn đưa:
“Đưa người, ta không đưa qua sông
…..
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Thâm Tâm vừa thể hiện nỗi buồn xót xa khi phải biệt ly, và sự nuối tiếc mà viết lên câu thơ thứ nhất khi chẳng thế đưa người được xa hơn “Đưa người, ta không đưa qua sông”. Với hình thức câu hỏi tu từ, sự dao động, tâm trạng xao xuyến của nhà thơ được tái hiện một cách sống động qua câu thơ thứ hai “Sao có tiếng sóng ở trong lòng”, phải chăng đó là nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi, dạt dào khi tác giả sắp phải chia xa với người mà mình thương mến.
Bóng chiều thường gợi ra những nỗi buồn, nỗi nhớ man mác, nhưng trong cuộc chia li này, bóng chiều lại không mang ý nghĩa gì đặc biệt “không thắm không vàng vọt do” – gợi tả sự nhạt nhòa của ánh sáng. Nhưng “Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”, ta có thể hiểu rằng đây chỉ là hình ảnh giả tưởng, ánh hoàng hôn phản chiếu qua ánh mắt này không phải hình ảnh thực. Từ đó nhằm nhấn mạnh sự nhớ thương vô bờ bến của người ở đối với người đi.
“Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng”
Cuộc chia li này chẳng đông đúc kẻ tiễn người đưa, mà chỉ có hai chủ thể chính, đó là tác giả và người đi “Đưa người ta chỉ đưa người ấy”. Và tâm trạng của hai người cũng hoàn toàn trái ngược nhau “Một giã gia đình, một dửng dửng”. Có thể thấy rằng đối với Thâm Tâm, người đi là một người mà nhà văn rất thương yêu, với nhà văn đó như một người thân ruột thịt trong gia đình bởi vậy khi phải chia xa tác giả cảm thấy đau đớn và hụt hẫng vô cùng. Nhưng người đi lại có thái độ “dửng dưng”, những trong hoàn cảnh này ta cần hiểu đúng nghĩa của từ, “dửng dưng” không có nghĩa là hời hợt, vô tâm, hời hợt mà để chỉ tư thế khi ra đi. Đó là một tư thế hiên ngang, cứng rắn, lên đường cùng một ý chí bất khuất, không hối hận.
“Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
…..
Ba năm mẹ già cũng đừng mong”
Nhà thơ đã sử dụng những từ Hán Việt ““Ly khách! Ly khách” từ đó gợi tả không khí trang trọng của buổi đưa tiễn. “Con đường nhỏ” là con đường lí tưởng mà người ra đi đã lựa chọn, dù biết trên con đường ấy chắc chắn sẽ có những gian nan, khó khăn, vất vả. “Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại”, hai câu thơ thể hiện rõ nét ý chỉ quyết tâm, chí lớn chưa thành quyết không trở về.
“Ta biết người buồn chiều hôm trước
……
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”
Mấy ai có thể vui vẻ khi chứng khiến người mình yêu thương dứt áo ra đi chẳng hẹn ngày về? Mấy ai muốn người thân yêu của mình phải đi vào con đường gian nan, hiểm nguy. Cũng bởi vậy mà các chị đã khuyên bảo em hết lời, “Một chị, hai chị cũng như sen/ Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”, dù biết sẽ chẳng thể đổi thay được gì.
“Ta biết người buồn sáng hôm nay
……
Gói tròn thương tiếc, chiếc khăn tay”
Nhưng “Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay”, giời chưa chuyển thu mà trời hôm nay thật tươi tắn, dường như đây là một báo hiệu tốt, gợi tương lai tươi sáng đang chờ đón phía trước, một sự sum họp đoàn viên không xa, đông đủ, và ấm áp. Gói tròn trong chiếc khăn tay là tình cảm song cũng là niềm thương tiếc đối với người ra đi.
“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
…….
Em thà coi như hơi rượu say”
Người thật sự đã rời đi sao, dù nhận thức được hiện thực chua xót ấy, nhưng Thâm Tâm vẫn tự hỏi bản thân “Người đi! Ừ nhỉ, người đi thực. Người đi rồi, để lại mẹ già lẻ bóng ngày ngày thấp thỏm chờ con, em đi mãi chẳng về, người chị ôm trong lòng nỗi nhớ em, sầu thương.
Bài thơ mang âm điệu lạ, cách bộc lộ tâm trạng tinh tế kết hợp cùng hình ảnh thơ độc đáo qua đó đã thể hiện giá trị tư tưởng rất lớn. Giữa lúc lớp thanh niên trí thức đang chìm trong bế tắc, bi quan vì không xác định tương lai, con đường phía trước thì nhà thơ Thâm Tâm đã xây dựng một người thanh niên với hình tượng đẹp đã tìm ra lí tưởng và quyết tâm bỏ lại đoạn tình cảm mềm yếu để mà ra đi thực hiện “chí nhớn”.
“Tống biệt hành” là một tác phẩm tiêu biểu của Thâm Tâm viết về cuộc chia ly đầy xúc động của người đi, kẻ ở. Qua ca ngợi khát vọng, ý chí quyết tâm, lí tưởng cao đẹp, biết hi sinh vì đại nghiệp lớn của người đi.
------------------------
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn bài viết Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm. VnDoc.com mời các bạn học sinh cùng tham khảo thêm tài liệu học tập các môn được chúng tôi biên soạn và tổng hợp tại các mục Toán 11, tiếng Anh 11, đề thi học kì 1 lớp 11, đề thi học kì 2 lớp 11...