Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về: Một điều nhịn chín điều lành

Văn mẫu lớp 11: Nghị luận xã hội về: Một điều nhịn chín điều lành dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 11 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 11 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.

I. Dàn ý Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành

1. Dàn ý Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ “Một điều nhịn chín điều lành”.

2. Thân bài

a. Giải thích

“Một điều nhịn” khi gặp sự nóng nảy của người khác; bị người khác đối xử không tốt hoặc cố ý làm hại mình thì không nên làm lớn chuyện hoặc phản kháng quá mức mà nên chọn cách im lặng để bình tĩnh và nghĩ cách giải quyết êm đẹp.

“chín điều lành”: sự bình yên, an lành.

→ Câu nói mang ý nghĩa: trước sự nóng giận, nông nổi của người khác, mỗi con người cần biết kiềm chế bản thân mình để tránh những hậu quả không hay và giữ cho mọi thứ bình yên.

b. Giải thích

Mỗi con người biết nhẫn nhịn sẽ làm chủ được tình huống, làm chủ được mối quan hệ từ đó giúp mọi chuyện đi theo hướng tốt đẹp hơn.

Người biết nhường nhịn là người có bản lĩnh và được người khác tôn trọng.

Nếu con người không có tính nhường nhịn thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không hay xảy ra.

Nhường nhịn là một đức tính tốt đẹp của con người, phản ánh nhân cách của người đó.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng những người có tính nhường nhịn làm dẫn chứng cho bài văn của mình.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn nhiều người sống với bản ngã, tính hiếu thắng của mình, nóng nảy, tức giận trong mọi trường hợp; tính cách này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường → đáng bị chỉ trích, phê phán.

3. Kết bài

Nêu tầm quan trọng của việc nhường nhịn và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

2. Dàn ý Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 2

+ Mở bài:

– Giới thiệu qua về nguồn gốc của câu nói “Một điều nhịn là chín điều lành”

-Kho tàng văn học dân gian nước ta có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ hay khuyên nhủ con người những đức tính tốt đẹp trong đạo lý làm người trong những lời khuyên răn đó có câu nói “Một điều nhịn là chín điều lành”.

– Ông bà ta muốn con cháu mình phải biết sống hiền lành, nhẫn nại không nên hung hăng, hiếu chiến mà gây họa cho cho bản thân và những người xung quanh.

+ Thân bài:

– Giải thích nghĩa của câu nói“ Một điều nhịn là chín điều lành” có nghĩa trong cuộc sống đôi khi chúng ta sẽ gặp những câu chuyện những lời nó chướng tai gai mắt, là cho ta cảm thấy buồn phiền, giận dữ nhưng trong những lúc như thế, nếu chúng ta nhẫn nhịn, nhún nhường thì mọi chuyện sẽ êm đẹp.

– Ý nghĩa của “số một” và “số chín”? Con số một chỉ số ít, số chín chỉ rất nhiều, chỉ cần chúng ta nhẫn nhịn một chút nhưng cái lợi mang về thì vô cùng to lớn.

– Mở rộng câu nói này trong tập thể lớp học, trong đời sống xã hội như thế nào? Trong một tập thể lớp có những khi quan điểm của ta không trùng với quan điểm của ai đó. Đôi bên tranh luận sôi nổi lời qua tiếng lại nếu chúng ta không nhẫn nhịn, không biết cách “dĩ hòa vi quý”

– Trong gia đình khi có sự bất bình xảy ra nếu như ai cũng cho rằng mình đúng không ai chịu nhận thiệt thòi, nhẫn nhịn thì mọi chuyện sẽ càng lúc càng căng thẳng, dẫn tới đổ vỡ.

– Tuy nhiên, bên cạnh câu nói của người xưa rằng “Một điều nhịn bằng chín điều lành” còn có câu nói khác mà thế hệ ngày nay thường sử dụng đó là “Một điều nhịn bằng chín điều nhục”. Người xưa thường nói nhẫn nhịn là bằng nhục bởi hai từ này thường đi kèm với nhau.

– “Một điều nhịn bằng chín điều nhục” muốn khuyên chúng ta nhẫn nhịn tới mức nào là đủ, trước những cái xấu, các ác trong xã hội chúng ta cần phải đấu tranh, chứ không thể im lặng, nhịn nhục để cho bọn xấu tự tung tự tác làm khổ người lành hiền.

+ Kết

– Cuộc sống ngày càng phát triển khiến cho con người sống trong xã hội ngày càng bận rộn với công việc, chịu nhiều áp lực của cuộc sống, nên dễ nổi cáu. Nếu chúng ta biết áp dụng lời dạy của cha ông thì sẽ giảm được những tranh cãi, va chạm đáng tiếc.

– Nhưng chúng ta nên biết áp dụng câu nói này đúng lúc, đúng chỗ, và đúng sự việc, không nên nhẫn nhịn với tội phạm, để chúng có cơ hội phát triển lọt lưới pháp luật.

II. Văn mẫu Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành

1. Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 1

Một những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta chính là tinh thần bao dung, biết đùm bọc và nhường nhịn nhau. Điều ấy được thể hiện qua câu tục ngữ: “Một điều nhịn chín điều lành”. “nhịn” tức là biết nhẫn nhịn, bỏ qua những xích mích để hòa giải êm đẹp khi gặp một vấn đề căng thẳng nào đó trong cuộc sống. “điều lành” thì chỉ sự bình yên và an lành. Câu nói trên đề cao vai trò của tinh thần khoan dung, biết người biết ta. Chỉ “một điều nhịn” mà có thể mang tới “chín điều lành”, chỉ một giây phút bình tĩnh có thể mang lại cho con người vận may quý giá.Chúng ta không thể phủ nhận rằng, cuộc đời sẽ không thể tránh khỏi những tranh chấp, bất đồng quan điểm. Nhiều người vì nóng giận mà đánh mất đi chính mình và cả những thứ quý báu. Nhẹ thì là tài sản, nặng thì mất đi tình thân hay thậm chí cả tính mạng. Nếu chúng ta biết kiềm chế, nhường nhau thì có thể hóa giải khúc mắc. Nhường nhịn khiến con người biết yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau và đem đến cho ta cơ hội để sửa chữa. Vốn dĩ, con người thường giận quá mất khôn. Người biết nóng giận hay hơn thua thì không thiếu, nhưng người biết nhường nhịn thì mới đáng được khâm phục và kính nể. Câu tục ngữ chính là một bài học quý báu rèn giũa cho ta sự hòa nhã, hòa bình dù có bất kì chuyện gì xảy ra. Chỉ cần ta biết cách kiềm chế cảm xúc và điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp thì ta sẽ luôn nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

2. Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 2

Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những lúc chịu đả kích, khó giữ bình tĩnh cho bản thân. Để bộc lộ sự nóng giận thì dễ nhưng để kiểm soát nó thì khó. Để khuyên nhủ chúng ta biết bình tĩnh, ông cha ta đã có câu tục ngữ: “Một điều nhịn chín điều lành”. Một là số ít. Một điều nhịn ám chỉ trong nhiều trường hợp, khi ta nóng nảy, giận giữ hãy cố gắng giữ bình tĩnh một chút, im lặng một chút để khi cơn giận nguôi ngoai ta sẽ có cách giải quyết êm đẹp nhất. Những lời nói, quyết định vội vã trong lúc nóng giận sẽ mang đến nhiều hậu quả khôn lường cho con người. Chín là số nhiều. Chín điều lành chỉ những sự bình yên, an lành trong cuộc sống. Câu nói khuyên nhủ con người chỉ cần bỏ bớt cái tôi một chút, biết nhẫn nhịn trong cơn giận một chút ta sẽ có được sự an lành, tránh được những hậu quả xấu không đáng có. Cơn nóng giận trong cuộc sống chúng ta ai cũng gặp phải. Người khôn ngoan là người biết im lặng đúng lúc, biết suy nghĩ sâu xa rồi mới đưa ra quyết định. Bộc phát cơn nóng giận là bản năng của con người nhưng kiểm soát được nó lại là bản lĩnh, là cả một quá trình luyện tập mà không phải ai cũng có thể làm được. Đôi khi bản thân sự nhường nhịn đến từ sự vị tha và bao dung, bởi đức tính này sẽ là nền tảng cho cách xử sự văn minh của con người trong cuộc sống. Và thực tế đã chứng minh rằng chỉ người có bản lĩnh, lòng khoan dung mới có thể nhẫn nhịn, nhường nhịn người khác và có được thành công hơn người. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống với bản năng, hay nóng giận và thể hiện thái độ quá đà với người khác gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Lại có những người nhầm lẫn sự nhường nhịn với nhu nhược, hèn nhát, không dám đấu tranh chống lại cái ác, cái phi lí,… Những trường hợp này đều đáng bị chê trách và cần thay đổi suy nghĩ cũng như cách hành xử của mình. Nhường nhịn cũng là cả một nghệ thuật sống mà con người phải nỗ lực học tập, luyện tập rất nhiều mới có thể áp dụng được vào cuộc sống. Hãy học cách nhịn ngay từ hôm nay để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 3

Cuộc sống chúng ta sẽ không tránh khỏi những va vấp không đáng có. Chính vì thế mỗi người cần có cách ứng xử khôn ngoan và biết nhường nhịn, bởi lẽ: Một điều nhịn chín điều lành. Mỗi khi gặp sự nóng nảy của người khác; bị người khác đối xử không tốt hoặc cố ý làm hại mình thì không nên làm lớn chuyện hoặc phản kháng quá mức mà nên chọn cách im lặng để bình tĩnh và nghĩ cách giải quyết êm đẹp. Mỗi lần nóng giận chúng ta biết nhường nhịn, nhẫn nhịn một chút thì sẽ có được nhiều phần bình yên, an lành và không phải hối tiếc về những điều sai mà mình đã làm trong lúc nóng. Câu nói khuyên nhủ con người: trước sự nóng giận, nông nổi của người khác, hãy biết kiềm chế bản thân mình để tránh những hậu quả không hay và giữ cho mọi thứ bình yên. Cuộc sống ngày càng phát triển khiến cho con người sống trong xã hội ngày càng bận rộn với công việc, chịu nhiều áp lực của cuộc sống, nên dễ nổi cáu. Nếu chúng ta biết áp dụng lời dạy của cha ông thì sẽ giảm được những tranh cãi, va chạm đáng tiếc. Mỗi con người biết nhẫn nhịn sẽ làm chủ được tình huống, làm chủ được mối quan hệ từ đó giúp mọi chuyện đi theo hướng tốt đẹp hơn. Và thực tế đã chứng minh rằng chỉ người có bản lĩnh, lòng khoan dung mới có thể nhẫn nhịn, nhường nhịn người khác và có được thành công hơn người. Nếu con người không có tính nhường nhịn thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không hay xảy ra. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều người sống với bản ngã, tính hiếu thắng của mình, nóng nảy, tức giận trong mọi trường hợp; tính cách này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường,… Những người này đáng bị phê phán và cần thay đổi bản thân mình nếu muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Là những người trẻ, chúng ta cần rèn luyện tính nhẫn của mình bằng cách mỗi lần nóng giận hãy tập cách im lặng, thư giãn đợi khi nào bình tĩnh trở lại rồi xử lí vấn đề, những chuyện không có gì to lớn thì nên bỏ qua để cuộc sống, nhẹ nhàng, dễ chịu hơn, không nên so đo tính toán với người khác. Nóng nảy là bản năng nhưng kìm hãm được cơn nóng nảy lại là bản lĩnh. Hãy rèn luyện cho bản thân một bản lĩnh vững vàng để con đường hoàn thiện bản thân được tốt đẹp hơn.

4. Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 4

Không thể phủ nhận rằng những câu nói hay được đúc kết từ bấy lâu nay truyền từ đời này sang đời khác lại có sức mạnh vô cùng lớn lao đối với giới trẻ và cả những mầm non tương lai đất nước. Bắt đầu từ lời ru của bà, câu thơ của bố hay cả những bài giảng thân thương, những câu ca dao tục ngữ thấm nhuần vào cuộc đời của đứa trẻ.

Trong kho tàng văn học Việt Nam có thể nói tục ngữ đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyên răn con người sống theo những điều tốt đẹp, theo điều hay lẽ phải mà ông cha ta để lại. Ở đó có những đức tính được nổi bật lên như kiên trì chịu thương chịu khó, đền ơn đáp nghĩa và còn có cả đức tính nhường nhịn. Bởi vậy mà ngay từ xưa ông cha ta đã có câu “Một điều nhịn chín điều lành vô cùng đúng đắn và có ý nghĩa

Điều nhịn được nhắc tới ở đây chính là sự nhường nhịn nhẫn nhục bởi vì không phải lúc nào mọi chuyện cũng được diễn ra suôn sẻ. Nhịn nhường không phải là hạ thấp bản thân mà chính là muốn giữ hòa khí với mọi người xung quanh. Để bản thân luôn điềm đạm và sống trong những điều tốt đẹp. Điều lành chính là việc tốt lành không xảy ra đôi có mâu thuẫn hay là điều mà khiến cho cả mọi người đều phải chịu thiệt hờn trách nhau. Chính điều nhịn mới sinh ra điều lành. Con người sinh ra biết nhường nhịn chính là biết lấy cái tôi của bản thân đặt vào vị trí của người khác mà sống một cách hòa thuận.

một điều nhịn chín điều lành

Sự nhường nhịn có thể được thấy ở nhiều mặt của cuộc sống. Chúng ta có thể dễ dàng thấy như một khi xảy ra cãi vã một trong hai người phải thật sự bình tĩnh không vì quá nóng giận mà có thể xảy ra những điều đáng tiếc. Trong cuộc sống nếu không biết nhường nhịn thì con người chỉ sống như những cỗ máy không có suy nghĩ hoặc suy nghĩ đó là sự ích kỉ. Không một ai trong chúng ta có thể thấy rằng người khác họ cũng muốn mình quan trọng và được tôn trọng. Chính vì vậy nhường nhịn chính là cách để tôn trọng người khác tôn trọng mối quan hệ

Suy cho cùng một người vì nóng giận quá mà sinh ra nhiều thứ xung đột mâu thuẫn thì bản thân họ cũng không nhận được gì từ phía người khác. Cãi vã sẽ không mang tới cho con người những điều tốt đẹp bởi nó được ví như một thứ mà khiến cho mối quan hệ con người tan vỡ nhanh chóng. Ngược lại nhường nhịn chính là thứ keo bền chặt gắn kết con người và cộng đồng lại với nhau. Trong gia đình con cái phải biết nghe lời bố mẹ, phải biết kính trên nhường dưới và biết tôn trọng lẫn nhau. Đối với bạn bè cần phải biết khó khăn như thế nào mới có được tình bạn như vậy cho nên bản thân mỗi chúng ta cần phải cẩn trọng với hành động và quyết định của mình trong lúc nóng giận

Đôi khi bản thân sự nhường nhịn đến từ sự vị tha và bao dung, bởi đức tính này sẽ là nền tảng cho cách xử sự của con người trong cuộc sống thay vì bực tức trả đũa hay có những hành động quá mức thì con người chúng ta nên rèn luyện bản thân và có những mức quy định cho bản thân riêng biệt,

Không một ai sinh ra đã là người tốt, không một mối quan hệ nào mới bắt đầu đã bền vững. Chúng ta mỗi người trong xã hội này nếu không khôn khéo không biết nhường nhịn thì bản thân chúng ta không bao giờ trưởng thành được. Hơn thế nữa một điều nhịn chín điều lành ông cha ta chưa bao giờ khuyên sai cho con cháu mình. Học được từ câu nói đức tính nhẫn nhịn và vị tha, cuộc sống không chỉ là sự nhân lại mà còn là sự cho đi. Cuộc sống không chỉ có cạnh tranh mà còn là sự hài hòa giữa sống và vị tha.Nghị luận về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành mẫu 5

Cùng với thăng trầm lịch sử phát triển của dân tộc, kho tục ngữ, ca dao dân ca luôn đầy ắp những câu khuyên nhủ răn dạy của người xưa. Trong dân gian có câu: “Một điều nhịn bằng chín điều lành” vậy câu ca dao đó đúng với mọi trường hợp hay không?

Nhịn là sự nhẫn nại, nhún nhường trong giao tiếp hay hành động trong cuộc sống hàng ngày. Lành là cuộc sống hay kết quả êm đẹp, tốt đẹp như mọi người mong muốn. Một là con số nhỏ hơn với chín rất nhiều. Hàm ý ở đây, chỉ cần nhẫn nhịn một phần trong một thời gian nhất định, sẽ nhận lại chín (nhiều phần ) lành – may mắn, êm đẹp trong cuộc sống. Như vậy câu nói “Một điều nhịn bằng chín điều lành” có ý nghĩa rằng hãy nên nhường nhịn chịu thiệt về mình để nhận lại những điều tốt lành cho bản thân và những người xung quanh mình.

Vậy tại sao ông cha ta lại răn dậy một điều nhịn bằng chín điều lành? Trong cuộc sống đôi khi có nhiều chuyện phát sinh, con người không phải ai cũng giữ được bình tĩnh cho bản thân để mọi chuyện có thể tiếp tục xảy ra êm đẹp. Khi bước chân ra ngoài cuộc sống, bạn tiếp xúc nhiều người hơn là những người thân như cha mẹ, anh em – những người vốn đã yêu thương và nhường nhịn bạn từ trước. Chúng ta cần có cái nhìn tổng quan mọi sự vật, sự việc để cư xử đúng đắn, không nên để suy nghĩ của bản thân để xảy ra tranh cãi hay xô xát không đáng có “ dĩ hòa vi quý”. Khi bạn làm việc với một tập thể mà không nhường nhịn người khác, luôn giữ quan điểm của bản thân, dù cho quan điểm đó đúng đi chăng nữa cũng sẽ tạo cho tập thể một tinh thần không đoàn kết, lục đục. Bạn chỉ cần nhẫn nhịn, lắng nghe và khuyên giải sẽ có một kết cục tốt hơn rất nhiều. Có những mối quan hệ trong cuộc sống cũng cần sự nhẫn nhịn từ một bên để tiếp tục mối quan hệ ấy. Vợ chồng cãi nhau mà không bên nào chịu nhường bên nào mà tiếp tục tranh cãi, không ai lắng nghe ai thì lời hứa đầu bạc răng long sẽ không bao giờ thực hiện được.

Chúng ta có thể lấy biết bao nhiêu ví dụ về những tấm gương sáng nhẫn nhịn để làm nên kì tích ví như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn biết gạt bỏ tư thù, tư oán trong dòng họ để phò vua cứu nước, cùng Thái sư Trần Quang Khải lãnh đạo nhân dân mấy lần đánh tan quân xâm lược Mông – Nguyên. Các chiến sĩ cách mạng trong thời kì kháng Mỹ , Pháp liều thân nằm vùng địch, nhẫn nhịn địch để tìm được thông tin cho đất nước chống lại quân xâm lăng.

Thế nhưng, tất cả mọi thứ đều có giới hạn. Đừng đem câu nói của ông cha “ Một điều nhịn bằng chín điều lành” để giải thích cho sự chịu đựng vô lý của bạn thân. Nhẫn nhịn chứ không phải nhẫn nhục, nhu nhược, hèn nhát, khi cần vẫn phải biết đấu tranh để thắng cái ác, cái phi lí. Khi bị chồng đánh đập hay bạo hành thì phải biết đứng lên giành lại quyền lợi cho bản thân. Trong lớp học khi bị bắt nạt phải đi tìm công bằng. Chúng ta cứ chăm chăm suy nghĩ nhẫn nhịn cho cái vô lý thì không bao giờ tìm được một kết cục tốt đẹp.

Trong cuộc sống ngày nay có vô vàn áp lực làm con người dễ cáu giận, chúng ta nên biết kiềm chế và suy nghĩ tới lời của ông cha đã răn dạy để không mất đi những thứ quý giá hay kết cục không nên. Suy cho cùng, nên áp dụng lời răn dạy một cách đúng cách để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

5. Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 5

Trong cuộc sống, không thể tránh khỏi những thử thách và va chạm, khiến cho chúng ta cảm thấy khó xử. Tuy nhiên, thay vì dấn thân vào cuộc tranh cãi và đua đòi, chúng ta có thể tìm đến sự im lặng để giữ cho tâm hồn mình bình tĩnh trước khi đưa ra cách giải quyết. Có một câu nói rất hay, đó là: "Một điều nhịn, chín điều lành."

Khi chúng ta đối diện với sự nóng nảy của người khác, khi bị đối xử không công bằng hoặc thậm chí bị hại, thay vì phản ứng mạnh mẽ và gây thêm rối, chúng ta có thể lựa chọn sự im lặng để giữ tâm trí trong tình trạng bình tĩnh. Sau đó, chúng ta có thể suy nghĩ và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hòa nhã, từ đó tạo ra sự bình yên và an lành. Câu nói này thể hiện sự quan trọng của việc kiểm soát bản thân trước những xung đột, giúp tránh được những hậu quả không mong muốn và duy trì sự hòa hợp.

Khả năng "nhịn" này cũng phản ánh sự khéo léo và tinh tế của mỗi con người. Người khôn ngoan luôn chọn cách xử lý vấn đề khi tinh thần rất bình tĩnh, trong khi người quá tham chiến thường tự đẩy mình vào cuộc xung đột một cách không cần thiết. Bằng cách nhường nhịn, chúng ta có thể kiểm soát tình hình và quan hệ của mình, giúp cho mọi việc diễn ra theo hướng tích cực hơn.

Hơn nữa, người biết nhường nhịn thường được người khác tôn trọng và đánh giá cao. Nếu chúng ta thiếu đi tính cách này, có thể dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn. Nhường nhịn là một đức tính tốt đẹp, nó phản ánh nhân cách của mỗi người. Đặc biệt đối với chúng ta, những người trẻ, là những người chịu trách nhiệm cho tương lai đất nước, việc rèn luyện và hoàn thiện bản thân thông qua việc học cách nhường nhịn và duy trì bình tĩnh trong mọi tình huống là vô cùng quan trọng. Cuộc sống ngắn ngủi, chúng ta chỉ có một lần duy nhất, hãy sống thật đẹp, thật trọn vẹn và để lại những dấu ấn tích cực trong cuộc sống.

6. Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 6

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có một mảng rất quan trọng và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của con người là tục ngữ. Những câu tục ngữ này thường chứa đựng những lời khuyên, hướng dẫn và triết lý sống mà ông cha ta để lại. Trong số đó, có một câu tục ngữ đã trở nên cực kỳ quen thuộc và có ý nghĩa sâu sắc, đó là "Một điều nhịn chín điều lành."

Câu tục ngữ này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc nhường nhịn trong cuộc sống. Điều nhịn ở đây không chỉ đơn thuần là sự kiên nhẫn trước khó khăn hay sự tự giữ lại của bản thân, mà còn là sự nhượng bộ, lòng khoan dung, và khả năng đặt mình vào vị trí của người khác. Điều này có ý nghĩa lớn về việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp, hòa thuận và sự hài hòa trong xã hội.

Sự nhường nhịn và nhẫn nhục trong cuộc sống là một biểu hiện của lòng kiên trì. Không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ, và đôi khi chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, xung đột, hoặc thử thách. Trong những tình huống như vậy, việc biết nhường nhịn, không để cảm xúc thống trị, và tìm kiếm cách giải quyết thông minh là điều rất cần thiết.

Điều lành trong câu tục ngữ ám chỉ rằng nhường nhịn không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, mà còn tạo ra sự hòa hợp và lành mạnh cho mọi người xung quanh. Bằng cách này, chúng ta có thể tránh xa khỏi xung đột không cần thiết và xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với người khác.

Sự nhường nhịn và lòng kiên trì cũng được thể hiện trong việc tôn trọng, lắng nghe và hiểu biết người khác. Trong gia đình, việc con cái biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của bố mẹ là một dấu ấn của sự nhường nhịn và lòng kiên nhẫn. Đối với bạn bè, khả năng đặt mình vào vị trí của họ, hiểu và thông cảm là cách để xây dựng mối quan hệ tốt.

Cuộc sống đầy những thách thức và xung đột, nhưng sự nhường nhịn và kiên trì giúp ta vượt qua mọi khó khăn một cách tốt đẹp hơn. Nó không chỉ là biểu hiện của sự trưởng thành, mà còn là sự khôn ngoan và nhân bản trong cuộc sống.

7. Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 7

Từ xa xưa cho đến hiện nay, ca dao và tục ngữ vẫn mang trong mình sức mạnh giáo dục sâu sắc, hỗ trợ mỗi cá nhân hoàn thiện tâm hồn và hướng tới cuộc sống thịnh vượng hơn. Theo dòng thời gian, những câu nói truyền thống này luôn chiếm vị trí quan trọng trong tâm hồn của người dân Việt Nam. Một trong những câu tục ngữ đặc biệt là: "Một điều nhịn chín điều lành". Trước hết, hãy cùng đi sâu vào ý nghĩa của câu tục ngữ này. "Nhịn" ở đây đề cập đến việc kiềm chế, nhượng bộ trong giao tiếp và hành động. "Lành" đại diện cho kết quả tốt lành mà chúng ta mong muốn. Cả "một" và "chín" đều chỉ số phiếm chỉ. Do đó, câu tục ngữ này muốn truyền đạt ý nghĩa rằng: Chúng ta nên kiên nhẫn, nhượng bộ một chút để đạt được kết quả tốt lâu dài. Câu tục ngữ này thể hiện sự tinh tế trong cách người xưa hành xử. Tại sao họ lại đưa ra lời khuyên này? Trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng suôn sẻ và thuận lợi. Đôi khi, chúng ta sẽ gặp khó khăn, xung đột gây khó chịu, tức giận, khiến chúng ta mất bình tĩnh. Trong những tình huống như vậy, nếu chúng ta hành động quá nhanh, vội vàng, và xác định phải tìm hiểu đến cùng, kết quả không chỉ không như mong muốn mà còn có thể gây rạn nứt trong các mối quan hệ. Trong những thời điểm như vậy, chúng ta cần giữ bình tĩnh, xem xét kỹ lưỡng, sử dụng lời nói nhã nhặn, thậm chí sẵn sàng chấp nhận tổn thất cá nhân để bảo vệ lợi ích và duy trì mối quan hệ lâu dài. Trong bất kỳ tập thể nào, không biết nhường nhịn có thể dẫn đến xung đột nội bộ. Ví dụ, nếu vợ chồng hoặc bạn bè cãi nhau mà không ai chịu nhượng bước, tình cảm sẽ suy yếu và mối quan hệ khó duy trì. Do đó, việc hiểu biết và chấp nhận nhau là cần thiết để tránh xung đột không đáng có. Hung đạo đại vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là một nhà quân sự tài năng mà còn biết cách giữ lấy tình thân trong gia đình, đồng hành cùng Trần Quang Khải để đánh bại giặc Mông Nguyên ba lần. Trong cuộc thương lượng và đàm phán, các nhà ngoại giao cũng phải cẩn thận và linh hoạt, nhượng bộ từng bước để đạt được lợi ích chung. Tuy nhiên, câu tục ngữ này không đồng nghĩa với việc dễ dãi, yếu đuối, hay chỉ biết tuân theo ý người khác. Sự nhượng bộ ở đây có nghĩa là một sự lựa chọn thông minh để đạt được mục tiêu lớn hơn. Tuy nhiên, để bảo vệ danh dự và lợi ích cá nhân, chúng ta cũng phải đứng vững để người khác không lợi dụng sự nhường nhịn của chúng ta. Sự kiên nhẫn chỉ mang lại lợi ích khi chúng ta bảo vệ cái đúng và không bị lừa dối. Câu tục ngữ này cũng góp phần phê phán những người không biết nhường nhịn, tham lam và tính toán cá nhân. Những người như vậy thường làm mất lòng tin của người khác trong cuộc sống và không thể xây dựng mối quan hệ tốt bằng cách không tuân theo bài học của tục ngữ truyền thống. Chúng ta cần áp dụng những giá trị mà tục ngữ này truyền đạt để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và đạt được thành công trong công việc. Chỉ khi chúng ta biết cân nhắc và nhường nhịn đúng lúc, chúng ta mới có thể tận hưởng sự hòa thuận và bình yên kéo dài. Câu tục ngữ là một kho báu trong cuộc sống, sẽ luôn bên chúng ta suốt quãng đời. Chúng ta có thể thấy sự sâu sắc và sự tinh tế trong trí tuệ và c ách hành xử của người xưa thông qua những câu nói truyền thống như vậy.

8. Nghị luận Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 8

Tinh thần bao dung, biết đùm bọc, và nhường nhịn là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, và nó thể hiện qua câu tục ngữ: "Một điều nhịn chín điều lành." Câu tục ngữ này có ý nghĩa sâu sắc về tình thần khoan dung và biết nhường nhịn trong cuộc sống hàng ngày.

"Một điều nhịn" đề cập đến khả năng kiềm chế và nhẫn nhịn khi gặp phải xích mích, tranh chấp, hoặc những tình huống căng thẳng. Thay vì tức giận hoặc tạo ra thêm xung đột, người ta biết nhịn, để hòa giải và giữ được sự bình yên và an lành. "Chín điều lành" đại diện cho những điều tốt đẹp, bình yên, và hạnh phúc mà tinh thần bao dung và sự nhường nhịn có thể mang lại.

Câu tục ngữ này nhấn mạnh vai trò quan trọng của tinh thần khoan dung và biết người biết ta trong cuộc sống. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những xung đột và bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, thay vì đánh mất bản thân trong cảm xúc nóng giận, chúng ta có thể học cách kiềm chế, nhường nhịn, và tìm cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình.

Nhường nhịn không chỉ giúp giải quyết xung đột mà còn thể hiện lòng yêu thương và thấu hiểu đối với người khác. Nó cung cấp cho chúng ta cơ hội để sửa chữa và cải thiện mối quan hệ. Sự kiểm soát cảm xúc và khả năng nhường nhịn giúp chúng ta tránh được những hậu quả nghiêm trọng, như mất tài sản, mất mối quan hệ gia đình, hoặc thậm chí là mất tính mạng.

Người biết nhường nhịn thường được tôn trọng và kính nể. Câu tục ngữ này mang trong mình bài học quý báu về việc rèn luyện lòng kiên nhẫn, tôn trọng người khác, và duy trì tinh thần hòa bình và hòa nhã trong mọi tình huống, dù có bất kỳ sự xung đột nào xảy ra.

Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
8
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn lớp 11

    Xem thêm