Suy nghĩ về sự xấu hổ

Suy nghĩ về sự xấu hổ vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc. Mong rằng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập và thêm ý tưởng để xây dựng bài viết cho riêng mình nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

1. Dàn ý suy nghĩ về sự xấu hổ

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói “Suy nghĩ về câu nói: Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.

Lưu ý: Học sinh lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy theo năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tự hào về bản thân: tự hào, hãnh diện về thành công, kết quả bản thân đã đạt được.

Xấu hổ về bản thân: sự hối lỗi, ăn năn về những lỗi lầm mà bản thân đã gây ra.

→ Ý cả câu: khuyên nhủ con người ta nên lưu tâm nhiều hơn đến những hành động, lỗi lầm của mình và sửa chữa chúng, coi chúng là bài học hơn là những gì bản thân đã đạt được.

b. Phân tích

• Tự hào: tự hào là cơ sở hình thành sự tự tin cho con người, bên cạnh đó nó còn giúp con người lạc quan hơn, vững bước trên con đường mình đã chọn.

Xấu hổ: cảm giác xấu hổ khi phạm phải sai lầm là khi chúng ta nhận ra được lỗi của mình, từ đó chúng ta có thể khắc phục và sửa chữa lỗi lầm đó. Từ việc nhận ra và sửa chữa lỗi lầm, chúng ta sẽ rút ra được những bài học quý giá để hoàn thiện bản thân mình hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về “tự hào về bản thân” và “xấu hổ về bản thân” để làm dẫn chứng minh họa cho bài làm của mình.

Lưu ý: Dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật được nhiều người biết đến.

d. Mở rộng

Tự hào hay xấu hổ đều là những điều tốt đẹp mà mỗi con người cần có. Nếu chúng ta đặt sự tự hào và xấu hổ đúng chỗ, chúng ta sẽ đạt được thành quả sống nhiều hơn mong đợi.

Tuy nhiên, con người không nên quá tự hào về bản thân để dẫn đến tự phụ và cũng không nên quá xấu hổ về bản thân để gây ra sự tự ti, ngại ngùng từ đó đánh mất nhiều cơ hội quý báu.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

2. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 1

Cơ sở của hành trình hoàn thiện bản thân được tạo nên bởi sự tự tin và sự xấu hổ. Chắc hẳn chúng ta đã từng tự hào về những thành quả của mình, nhưng liệu có mấy ai biết xấu hổ về những lỗi lầm của mình chưa? Sự xấu hổ là một bài học sâu sắc về việc nhận thức bản thân của mỗi người. Sự xấu hổ là một cảm giác tồn tại trong tâm hồn của chúng ta, khi chúng ta nhận thức được những sai lầm và hành động không đúng đắn của mình. Mặc dù nó không phải là một cảm giác thoải mái, nhưng sự xấu hổ lại là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống, giúp ta trở nên thấu hiểu sâu sắc hơn về những giá trị đạo đức và xã hội. Trước hết, sự xấu hổ giúp chúng ta nhận thức được những sai lầm và hành động không đúng đắn của mình. Nó giúp ta nhìn nhận lại cách cư xử của bản thân một cách khách quan và thấu hiểu hơn khi đặt mình vào vị trí người khác. Từ đó, chúng ta có thể sửa đổi và cố gắng phát triển bản thân một cách bền vững để đóng góp cho xã hội. Sự xấu hổ cũng giúp ta xóa bỏ những hành động không đúng đắn và cóc cách thức thể hiện bản thân phù hợp hơn. Tuy nhiên, trong xã hội, vẫn còn đầy rẫy hình ảnh và tư duy lệch lạc của giới trẻ, nhưng họ không hề thấy xấu hổ, ngại ngùng mà cho đó là cá tính, là tự do. Sự xấu hổ không phải là một điều xấu, mà là một yếu tố quan trọng trong nhận thức của con người. Chúng ta có thể không hoàn hảo, nhưng chúng ta phải biết cư xử và hành động phù hợp mới môi trường mà ta đang tồn tại.

3. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 2

Trong hành trình hoàn thiện và phát triển nhân cách, bên cạnh việc không ngừng trau dồi tri thức, con người cần rèn luyện rất nhiều đức tính khác nhau. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn". Câu nói đã để lại bài học sâu sắc về việc con người cần có niềm tự hào đối với những điều tốt đẹp của bản thân, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết xấu hổ để nhận thức được những sai lầm, yếu kém.

Tự hào và xấu hổ là hai trạng thái tinh thần hoàn toàn trái ngược nhau trong tâm lí con người. "Biết tự hào về bản thân" là việc con người nhận ra những điểm tốt đẹp mà mình đang có và tự tin, hãnh diện về điều này. Còn "xấu hổ" là cảm xúc tự ý thức được sai lầm hay yếu kém của bản thân, thể hiện qua sự ngượng ngùng hay hổ thẹn. Câu nói "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn" đã khái quát mối quan hệ và giữa hai trạng thái cảm xúc tưởng như đối lập của con người: điều cần thiết là biết tự hào, nhưng quan trọng hơn, con người cần biết xấu hổ.

Vậy thì tại sao "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn"? Như chúng ta đã biết, tự hào cũng đồng nghĩa với việc con người nhận ra những điểm mạnh và điều tốt đẹp mà bản thân mình đang có. Điều này sẽ hình thành sự tự tin - một trong những nhân tố quyết định sự thành công của con người. Khi biết tự hào, hay nói cách khác, khi có thái độ tự tin, chúng ta sẽ có được niềm tin và tin tưởng vào những mục tiêu mà bản thân đã đặt ra. Từ đó hình thành những trạng thái, cảm xúc tinh thần mang tính tính cực, lạc quan và vận động tối đa mọi năng lực, hiểu biết, sở trường, điểm mạnh để hoàn thành tốt công việc. Như vậy, tự hào sẽ tạo ra động lực tích cực để thúc đẩy con người nỗ lực, cố gắng.

Bên cạnh tự hào thì đối với con người, "biết xấu hổ còn quan trọng hơn". Bởi khi biết xấu hổ, đồng nghĩa với việc chúng ta đã nhận thức được những sai lầm, thiếu sót của bản thân, đồng thời tìm ra những định hướng để khắc phục, sửa chữa. Như vậy, biết xấu hổ là một trong những yếu tố giúp con người bổ sung, sửa chữa những yếu kém và hoàn thiện, phát triển chính mình. Đồng thời, xấu hổ còn là một trạng thái cảm xúc thể hiện việc con người có lòng tự trọng về phẩm giá, giá trị của bản thân.

Mặc dù tự hào và tự biết xấu hổ là những phẩm chất cần thiết nhưng để phát huy hết tác dụng và ý nghĩa mà chúng đem lại, chúng ta cần phải biết kết hợp hai biểu hiện này. Con người không nên quá tự hào về bản thân mà dẫn đến kiêu căng, tự phụ, đánh giá sai lầm, ảo tưởng về năng lực của bản thân. Đồng thời, không nên quá tự ti phủ nhận năng lực của chính mình. Khi dung hòa được điều này, đồng nghĩa với việc con người đã có được một hành trang về kĩ năng để sống và phát triển không ngừng.

Như vậy, câu nói "Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn" đã thể hiện một bài học có ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần nhận ra những điểm mạnh của bản thân để phát huy, đồng thời nhận thức về những yếu kém, thiếu sót để sửa chữa.

4. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 3

Con người ta ai cũng cần có cho mình lòng tự tôn cá nhân. Lòng tự tôn chính là thước đo cho sự phát triển nhân cách con người, nhưng có lòng tự tôn để không dễ đánh mất mình thì cũng nên biết xấu hổ khi cần thiết, điều đó rất quan trọng, nó là một phần về thái độ của bản thân trước hành động của chính mình và người khác, cũng là một khía cạnh của con người mình mà người khác sẽ nhìn vào và đánh giá.

Người ta hay xấu hổ khi tự mình cảm thấy hổ thẹn, thấy mình có lỗi hay kém cỏi hơn người khác. Tuy nhiên, cũng có sự xấu hổ hồn nhiên khi con người ta thấy rung động về một tình yêu ngây ngô, thầm kín mà bị phát hiện.

Con người ta ai cũng nên biết xấu hổ, biết xấu hổ con người ta sẽ nhận thức được bẩn thân mình rõ ràng hơn để tránh mắc phải những sai lầm đã có. Biết xấu hổ vì nhận thấy mình kém cỏi, bị chê bai, bị đem ra so bì sẽ cho người ta động lực để vươn lên, khắc phục những thiếu sót của bản thân, sự biết xấu hổ trong trường hợp này rất dễ biến thành động lực phi thường để phát triển bản thân. Biết xấu hổ ngưởi ta sẽ dễ biết cảm thông chia sẻ hơn, sống có lương tâm hơn, biết nghĩ cho người khác hơn. Biết xấu hổ là một trong những biểu hiện tốt thể hiện một con người có lòng tự trọng, có nhận thức đúng đắn về phẩm giá con người.

Tuy nhiên, không nên để sự xấu hổ trở thành mặc cảm để rồi tự mình càng tạo ra khoảng cách xa hơn với mọi người. Biết xấu hổ nhưng rồi cũng chỉ để đấy thì sự xấu hổ lại trở thành ý nghĩa tiêu cực.

Trong xã hội vẫn còn đầy rẫy hiện trạng con người ta còn có những hành động xấu, những hình ảnh xấu nhưng cũng không có nhận thức đúng đắn và cũng không có biết đến sự xấu hổ trước những chuyện mình làm như những hành vi lệch lạc của giới trẻ: ăm mặc thiếu vải, văng tục chửi bậy, thích ra vẻ ta đây và bắt nạt người khác, yêu đương khi còn nhỏ tuổi nhưng rất vô tư, công khai và có khi còn tự đăng tải lên các trang mạng công cộng… Người nổi tiếng thì tháy vì đi lên bằng chính công sức lao động nghệ thuật chân chính thì lại thích chiêu trò, tạo scandal…thay vì nhận thức được những hành vi của mình là sai trái, đáng xấu hổ, họ lại coi cái đó là để thể hiện cái tôi cá nhân, là cá tính, là tự do.

Ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta tự đánh mất bản thân mình, đánh rơi hai từ “xấu hổ”, không biết xấu hổ để rồi buông thả bản thân làm ra những chuyện thật đáng trách, đáng bị lên tiếng phẩn đối. Con người không cần biết đến sự xấu hổ cũng chính là hướng tới sự kiêu hãnh bản thân mù quáng, sai lầm, để rồi dần dần đánh mất cả lương tâm của chính bản thân mình.

Thiết nghĩ trong xã hội này, nếu sự xấu hổ và biết xấu hổ không còn thì sẽ ra sao, học sinh, sinh viên những mần non, chủ nhân tương lai của đất nước mà không biết xấu hổ, cứ lao vào những chuyện thị phi khi tuổi trẻ còn phơi phới thì sẽ ra sao. Những kẻ phạm tội nếu không biết dừng lại, không biết điểm dừng của hai chữ xấu hổ thì an ninh trật tự, bình yên của cuộc sống này còn gì.

Để xây dựng cộng đồng người có ý thức, có trách nhiệm với bản thân và xã hội không phải chuyện dễ, nhưng cũng không phải chuyện khó, bản thân mỗi người cần có rèn luyện cho mình lòng tự tôn cá nhân, biết yêu thương đồng loại, biết hướng thiện và biết xấu hổ với những việc làm sai trái của bản thân mình. Cùng với đó, gia đình, nhà trường, cộng đồng hãy cũng đồng hành với mỗi con người khi họ gặp khó khăn trong cuộc sông hay có những suy nghĩ lệch lạc.

Không phải ai sinh ra cũng hoàn hảo, nhưng con người ai cũng cần cho mình những điểm tựa về tinh thần, về ý thức để có thể sống tốt, sống đẹp hơn, và biết xấu hổ để rồi nhận thức được rõ hơn về bản thân mình là một chuyện đúng đắn và sáng suốt vô cùng.

5. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 4

Con người là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của Tạo hóa. Nhưng Tạo hóa chỉ tạo ra hình dáng bên ngoài, còn giá trị của chính mình như thế nào thì tuỳ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm của mỗi con người. Chúng ta phải biết “tôi luyện” cho những phẩm chất tốt đẹp, biết tự đánh giá mình một cách đúng đắn, biết tự tin và tự trọng mà tự hào và xấu hổ là một biểu hiện của nó. Đó cũng là thước đo khá chính xác phẩm giá của mỗi người. Bởi vậy mà có ý kiến rằng: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.

Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm của tự hào và xấu hổ. Tự hào là cảm giác vui sướng, lấy làm hài lòng, hãnh diện vì cái tốt đẹp mà mình có; thoả mãn với thành công mà mình đạt được. Xấu hồ là tự thấy hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc thua kém so với người khác. Đây là hai tâm lí khá phổ biến, thường thấy ở mỗi người, ở đây, ý kiến này không phủ định một trong hai mà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết xấu hổ với mọi người, đặc biệt là với chính bản thân mình.

Người biết tự hào là người hiểu rõ bản thân, hiểu rõ những sở trường, điểm mạnh của mình. Nhờ vậy mà họ tự tin vào những gì tốt đẹp mà mình có, khiến họ dễ thành công trong học tập, công việc và cuộc sống. Tự hào cũng giúp họ tạo được niềm hưng phấn, động lực mạnh mẽ trong hành động. Khi ta biết tự hào, ta sẽ thêm vững gan bền chí vào cuộc sống, tạo dựng được bệ phóng cho một tương lai tốt đẹp. Ngược lại, nếu tự hào là sự tự tin, tự thoả mãn của bản thân thì xấu hổ lại là điều mà mỗi người tự chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ rồi biết đứng dậy vươn vai, tìm ra lối đi đứng đắn hơn để hướng tới sự thành công trong tương lai.

Người biết xấu hổ là người biết nhận ra lỗi lầm của mình để sửa chữa, cố gắng không để lặp lại sai lầm đó nữa. Xấu hổ cũng là biết hổ thẹn khi bản thân mình là một người hèn nhát, kém cỏi so với mọi người. Từ đó, mà họ nỗ lực đến mức tối đa có thể vươn lên, sánh ngang và có khi để vượt qua chúng bạn. Những người như vậy là đã tự ý thức được giá trị, phẩm giá của con người mình, vị trí của bản thân trong xã hội. Họ xấu hổ để rồi cố gắng phấn đấu hơn, không khiến mình bị cô lập, bị lu mờ, quên lãng trong đám đông. Với họ, sống là phải cống hiến, phải “có danh gì với núi sông”. Đây là một thái độ đáng quý của lòng tự trọng, là điều cần thiết đối với mỗi người.

Biết xấu hồ còn là đức tính khiêm tốn, có tinh thần trách nhiệm với công việc, lương tâm với xã hội, con người. Trái với người tự tin, những người biết xấu hổ để khiêm tốn, là họ chịu nhún mình lùi lại phía sau, chấp nhận vẫn còn thua kém bạn bè, đồng nghiệp. Họ chưa hài lòng về những gì họ đã đạt được. Họ muốn thành quả của họ phải hơn thế nữa và vì vậy những người biết xấu hổ ấy phải cố gắng gấp hàng nghìn lần so với công sức họ đã cố gắng trước đây. Như thế, chẳng phải biết xấu hổ quan trọng hơn tự tin hay sao? Nhà thơ Nguyễn Khuyến, người được mệnh danh là “Tam Nguyên Yên Đổ”, luôn đứng đầu bảng vàng. Nhưng không phải ông thi đâu đậu đấy. Đường như nửa cuộc đời ông đã dành cho việc theo đòi cửa Khổng sân Trình, thi rớt rồi ghi danh thi lại, thi mai thi mai. Hẳn, với tính khí của một nhà nho, ông phải lấy làm xấu hổ khi không được đem tài đức của mình ra mà giúp ích cho đất nước buổi ấy. Có lúc, ông lại cảm thấy “thẹn” với chính cái thân già của mình:

“Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.”

Hay trong bài “Tự trào”, tiếng cười chế giễu, chua xót càng sâu sắc hơn:

“Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.”

Trong cuộc sống, cũng không có ít tấm gương biết tự xấu hổ với bản thân mình như vậy. Nhưng rồi, sau sự xấu hổ ấy là những thành công liên tiếp nhau. Ví như một cậu học trò ở lớp chuyên Văn nọ, lúc nào cậu cũng bị thầy cô quở trách vì chữ viết quá xấu và lỗi diễn đạt quá kém. Cậu nhận thấy cậu là một trong những học sinh kém nhất lớp. Từ đó, người học sinh ấy bắt đầu thay đổi mình. Gạt bỏ qua tất cả những chuyện vui chơi, tụ tập bạn bè, phim ảnh, cậu quyết tâm phải làm được những gì mà thầy cô mong muốn, hi vọng. Cậu chăm chỉ học và rèn luyện chữ viết miệt mài. Cuối cùng, sau bao nhiêu mồ hôi và công sức đổ xuống cậu đã giành được một tấm vé vào đội tuyển thi Quốc gia của trường. Động lực để cậu làm được điều đó là gì nếu như không biết xấu hổ với chính mình? Và những lời la rầy của thầy cô chính là chất xúc tác hữu hiệu nhất để cậu ấy thu được quả ngọt sau một quá trình vất vả trồng cây? Phải chăng, khi ta biết hổ thẹn mà hành động thì thành công của chúng ta sẽ ngọt ngào hơn rất nhiều?

Đôi khi tự tin quá lại trở thành tự cao, tự đại, đắc chí, chỉ biết ta là nhất. Một số người lại hay xấu hổ đến mức mặc cảm, tự tin, không dám hoà nhập với xã hội, cộng đồng để bộc lộ khả năng của mình. Và tai hại lớn nhất là có những người không biết tự hào cũng chẳng biết tự trọng. Họ vô cảm với mình, với người, với đời. Nguyên nhân là do đâu nếu không phải là vì những con người ấy sống thiếu trách nhiệm, thiếu đi động lực cần thiết giúp họ vươn lên và điều tốt quan trọng là họ đã đánh mất niềm tin vào bản thân. Đối với những người này, cuộc sống thật sự tẻ nhạt. Họ chẳng có gì phải phấn đấu, không có mục tiêu và lí tưởng để mà vươn đến.

Ngày mai của họ là sự lặp lại y nguyên của ngày hôm trước. Và cuối cùng, chán nản cộng với sự tù túng sẽ dẫn họ vào con đường tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng của cộng đồng chung. Con đường đi đến tương lai của những người này chỉ là một màu đen u tối. Đấy là điều mà giới trẻ hiện nay phải tuyệt đối tránh xa.

Có câu nói rằng: “Khi mất của cải là chẳng mất gì. Khi mất sức khoẻ là một vài thứ đã mất đi. Nhưng khi mất ý chí, chẳng còn gì cả”. Vì vậy, tự hào và xấu hổ là hai yếu tố quan trọng để hình thành nên ý chí của mỗi con người. Tự hào đối với bản thân thì quá dễ vì bất cứ ai cũng có cho riêng mình ít nhất một điểm mạnh, một sở trường. Nhưng biết tự cười mình, tự xấu hổ với chính mình khó lắm, đặc biệt là lúc đã ở trên đỉnh cao của sự vinh quang rồi. Tự nhận thấy mình cũng có những khuyết điểm đề khắc phục, cũng có những hạn chế là khó mà biết dũng cảm chấp nhận và sửa chữa, vượt qua giới hạn của bản thân lại càng khó hơn. Câu nói cho ta một bài học thật thấm thía về cách đạt được thành công trong cuộc sống. Ta phải dung hoà nó để trở thành một con người tự tin và tự trọng, tin ở bản thân mình, coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình bằng cách khẳng định khả năng, đạo đức, vị trí của mình trong xã hội.

6. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 5

Mỗi người trong xã hội có ngoại hình khác nhau, gia cảnh khác nhau, tài năng khác nhau và cả tính cách khác nhau nữa. Mỗi cá nhân sẽ có điểm mạnh riêng về một lĩnh vực nào đó và có lối sống dựa trên tính cách của mình. Một trong những tính cách nổi bật ở một bộ phận người mà tạo nên lối sống khép kín, trầm lặng là tính xấu hổ. Trên quan điểm của tôi, tôi cho rằng tính cách xấu hổ không hoàn toàn là tính cách tiêu cực mà đôi khi vẫn mang lại cho con người ta những mặt tích cực. Và có rất nhiều định nghĩa về xấu hổ được xét trên nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Đầu tiên, xấu hổ là cảm giác ngại ngùng khi đứng trước một người xa lạ hay một đám đông. Người xấu hổ sẽ không dám nhìn thẳng, đối thoại thoải mái với người lạ. Ví dụ như một cô bé do bố mẹ thường xuyên bận việc nên phần lớn thời gian phải ở trong nhà, rất ít khi tiếp xúc với người lạ, do đó mà khi phải đối diện với một người xa lạ, cô bé ấy sẽ xấu hổ mà không dám nhìn thẳng vào ánh mắt người ta chứ chưa nói đến có thể giao tiếp một cách thoải mái với người ấy. Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra hình ảnh cô bé níu chặt lấy tay bố mẹ hay người thân, chỉ dám đứng sau người mình tin tưởng mà ngó ánh mắt lạ lẫm pha chút sợ sệt nhìn về phía người xa lạ kia. Chúng ta còn có thể gọi tên sự xấu hổ ở trường hợp này là sự nhút nhát, một tính cách tiêu cực cần phải thay đổi. Có nhiều người sinh ra đã sẵn trong mình tính cách xấu hổ này nhưng cũng có những người do môi trường sống tạo nên. Như tôi vừa nói đây là tính cách tiêu cực cần phải thay đổi ở con người chúng ta, do đó mỗi người cần ý thức để bản thân dần dần bỏ được tính cách này, bên cạnh đó bố mẹ và thầy cô cần quan tâm đến con em mình hơn, kịp thời uốn nắn tính cách cho các em. Xã hội ngày càng phát triển và hội nhập, một con người ngày ngày chỉ biết thu mình trong vỏ ốc vì sợ hãi thế giới xung quanh thì mãi mãi chỉ đi thụt lùi lại với những người khác đang hối hả nỗ lực tiến về phía trường mà thôi.

7. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 6

Làm người, vốn dĩ là một niềm tự hào lớn, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết: “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”. Nói một cách cụ thể, mỗi người đều có những điều tự hào riêng về bản thân như tự hào về nhân cách, tài năng hay vẻ đẹp hình thể,… và đó là điều chính đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ biết hãnh diện về những gì tốt đẹp mình có mà không biết phản tỉnh để cảm thấy hổ thẹn về những điều kém cỏi, lỗi lầm của mình thì đó sẽ là một khiếm khuyết lớn. “Tự hào” và “xấu hổ” nên được nhận thức như thế nào cho đúng? Đó chính là nhan đề được đặt ra trong ý kiến “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”.

Biết tư hào về bản thân là thái độ hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có, về những đóng góp của mình cho cuộc sống; biết xấu hổ là cảm thấy hổ thẹn về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác. Nội dung của ý kiến trên chủ yếu đề cao việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bản thân, hướng đến sự hoàn thiện nhân cách của mình.

Chúng ta thấy ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn khi khẳng định sự cần thiết của việc biết tự hào. Biết tự hào về những gì tốt đẹp của bản thân sẽ giúp ta biết tự khẳng định mình, giúp bản thân thêm tự tin, từ đó có thêm động lực để vươn tới những ước mơ lớn hơn. Chẳng hạn khi được thầy cô khen ngợi vì đạt được thành tích tốt trong học tập, chúng ta thường cảm thấy phấn chấn tinh thần vì nỗ lực được công nhận, giá trị bản thân được nâng cao trong mắt người khác. Đó là những cảm xúc tích cực thúc đẩy con người hoàn thiện bản thân, một trong những yếu tố tiên quyết để thành công.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tránh vì tự hào quá mà biến thành thái độ tự cao, tự đại. Nhiều người mới đạt được chút thành tựu đã hội trở nên hợm hĩnh, đánh giá bản thân cao quá quá cao so với thực lực. Đó chính là bước đầu tiên dẫn đến thất bại. Chúng ta chứng kiến không ít vận động viên thể thao có thể đạt thành tích rất cao trên đấu trường khu vực quốc tế nhưng khi thi đấu trên sân nhà lại gặp thất bại trước một đối thủ kém cỏi hơn mình.

Nếu mỗi người bên cạnh việc biết tự hào còn biết tự xấu hổ thì ắt sẽ cân bằng được nội tâm của mình vì nó là biểu hiện của ý thức hoàn toàn tự giác, xuất phát từ lương tâm, giúp con người nâng cao năng lực và hoàn thiện nhân cách. Tự giác tức là tự biết bản thân bên cạnh những điều tốt đẹp mà ta sở hữu, vẫn còn có nhiều khiếm khuyết hoặc lỗi lầm mà vô tình hay cố ý ta có thể gây ra cho người khác. Từ đó hình thành cho mình một thái độ cầu thị, khiêm cung; một ý thức thường trực mài giũa “ngọc sáng trong tâm” khiến nhân cách ngày càng hoàn thiện. Biết xấu hổ còn giúp con người tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo đức xã hội. Hay nói cách khác nếu chúng ta biết xấu hổ thì sẽ không bao giờ phải xấu hổ.

Biết xấu hổ mang lại nhiều lợi ích như thế, tuy nhiên cần phân biệt thái độ này với thái đọ lúc nào cũng đánh giá thấp bản thân vì sự tự ti, mặc cảm. Đành rằng con người ai cũng có khuyết điểm, nhưng cần nhìn nhận công bằng, khách quan cả hai mặt sáng – tối, đẹp – xấu trong mỗi con người để biết tự hào trong những trường hợp chính đáng. Có bạn học sinh học lực khá tất cả các môn, duy chỉ môn Toán là thường điểm dưới trung bình. Thay vì tự hào về những gì đạt được và cố gắng học tập tốt môn Toán thì bạn ấy lại rất mặc cảm, dằn vặt bản thân vì sự kém cỏi của mình, từ đó mất đi lòng tự tin và động lực học tập.

Vậy thì “biết tự hào” và “biết xấu hổ” giúp ích được gì cho chúng ta? Phải chăng là bài học về nhận thức toàn diện? Đúng như vậy. Hai “cái biết” này không mâu thuẫn mà hỗ trợ lẫn nhau để một người nhận thức sâu sắc về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từ đó lên kế hoạch hành động để hoàn thiện mình. Nó cũng chính là ngọn đèn soi sáng suốt hành trình rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức nhân cách của mỗi con người.

Bạn trẻ! “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”. Hãy luôn ghi nhớ trong lời nhắn nhủ này. Đó chính là kim chỉ nam cho bạn trên dặm dài hoàn thiện nhân cách đạo đức trong cuộc sống. Biết tự hào để ngẩng cao đầu vì những điều tốt đẹp bản thân làm được, biết xấu hổ để cúi xuống học hỏi từ những sai lầm như một cánh hoa tươi vừa kiêu hãnh vừa kiêu hãnh vừa khiêm nhường bạn nhé!

8. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 7

Thái độ biết xấu hổ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Biết xấu hổ đồng nghĩa với việc nhìn nhận và chấp nhận trách nhiệm cá nhân. Đó là khả năng nhận ra những hành động, lời nói hoặc hành vi không đúng, và tự nhận lỗi. Thái độ này cho phép chúng ta trưởng thành và học hỏi từ sai lầm, đồng thời tạo ra một môi trường tôn trọng và đáng tin cậy. Khi mỗi người có thái độ biết xấu hổ, chúng ta trở nên nhạy bén hơn đối với cảm xúc và nhu cầu của người khác. Chúng ta không chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà còn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, từ đó xây dựng sự thông cảm và đồng cảm. Thái độ biết xấu hổ cũng khẳng định tính chất đạo đức và đúng đắn của con người. Bằng cách chấp nhận và sửa chữa những sai lầm, chúng ta trở nên tự tin hơn trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân. Cuối cùng, thái độ biết xấu hổ khuyến khích sự trung thực và đạo đức trong hành vi và lời nói của mỗi người. Nó góp phần vào việc xây dựng một xã hội trung thực và đáng tin cậy, nơi mà mọi người có thể tin tưởng và tương tác với nhau một cách chân thành. Tóm lại, thái độ biết xấu hổ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Hãy trân trọng và thể hiện thái độ này trong hành động và lời nói hàng ngày để xây dựng một cuộc sống ý nghĩa và tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

9. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 8

Mỗi con người khi sinh ra đều mang trong mình một tính cách giống nhau. Chẳng ai giống ai cả, và qua quá trình phát triển không ngừng, tính cách ấy ngày càng được thể hiện rõ. Tính cách của con người, cùng với những cảm xúc kèm trong đó, làm cho con người trở lên bí ẩn hơn bao giờ hết. Cảm xúc như vui, buồn, lo lắng, sợ hãi, bất an,… mỗi cung bậc cảm xúc đưa con người tới những suy nghĩ riêng, những tình cảnh riêng. Sự xấu hổ là một trong những cảm xúc ấy.

Xấu hổ là cảm thấy hổ thẹn với lỗi mà mình đã gây ra, hay cảm thấy kém cỏi trước người khác. Xấu hổ không phải là việc xấu, mà đôi khi đó còn là việc làm con người ta tiến bộ hơn.

Trong quá khứ, chiến tranh đem lại đau thương và mất mát quá lớn cho dân tộc ta. Chúng ta chiến thắng trong hai cuộc chiến và trở thành một nước tự do độc lập. Nhưng con người thời nay lại quá tự hào về những chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Mà không hề thấy xấu hổ với chính bản thân mình đã không làm gì để góp phần dựng xây đất nước. Con người nếu cứ luôn sống trong vọng tưởng của chiến thắng trong quá khứ như vậy thì sao có thể phát triển được.

Con người nếu sống với thái độ tự cao, tự đại. Tự đánh giá bản thân quá cao, gây ra việc tự cao, tự mãn, coi thường người khác. Những thứ ấy chỉ khiến con người trở lên ích kỉ, nhỏ bé và chẳng thể tiến bước được.

Biết xấu hổ mới là điều quan trọng nhất. Vì xấu hổ làm con người tự ý thức được về chính bản thân mình. Tự suy ngẫm về những thứ được mất của bản thân mình trong cuộc sống. Giúp bản thân tự tin hơn trong cuộc sống và công việc, có thêm động lực để vươn đến tương lai.

Biết xấu hổ còn quan trọng hơn việc tự cao, tự đại về bản thân. Bởi người biết xấu hổ là người biết đánh giá năng lực của chính mình. Biết bản thân mình như thế nào, để tự điều chỉnh cho phù hợp cho công việc, sinh hoạt, học tập.

Tự xấu hổ với những hành vi sai trái của mình, từ đó nhận ra được khuyết điểm, lỗi lầm của bản thân để sửa đổi là một điều vô cùng tốt. Việc tự xấu hổ về bản thân là một điều đáng quý mà trong xã hội hiện đại đang không ngừng bị phai nhạt.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người dần đánh mất đi những nét đẹp văn truyền thống của dân tộc. Con người đôi khi chẳng biết xấu hổ về mình hành vi của bản thân mình. Những bạn trẻ thể hiện tình cảm công khai ngay chỗ đông người, hay những người chẳng biết xấu hổ tự cho mình là người ăn xin, đi xin tiền người khác trong khi vẫn còn đủ sức để tự lao động, kiếm sống.

Con người trong xã hội hiện nay đang không ngừng bị biến chất, văn hóa nước ngoài du nhập làm con người mất đi sự xấu hổ của bản thân. Những từ ngữ phản cảm, thô tục được nghe ở bất cứ nơi nào, mà người nói chẳng thấy hổ thẹn chút nào cả.

Xấu hổ là một hành động cảm xúc đẹp, bởi người biết xấu hổ là người biết về bản thân. Biết quan sát, biết nhận lỗi, và sửa chữa những khuyết điểm của bản thân mình. Một xã hội muốn phát triển được là một xã hội với những con người sống trong đó biết tự xấu hổ về bản thân. Từ đó làm cho bản thân trở lên tốt đẹp hơn, và góp phần làm văn minh hơn cho toàn xã hội.

Xấu hổ về bản thân còn quan trọng hơn tự hào về bản thân mình. Bởi tự hào về bản thân sẽ chỉ làm cho con người trở lên tự cao tự đại, không nhận ra được khuyết điểm của bản thân.

Là một con người sống trong xã hội, hãy sống và hòa nhập vào trong xã hội. Nếu sai, hãy biết xấu hổ về những hành vi mà mình đã làm. Từ đó tìm ra được những khuyết điểm để cải thiện nó. Đừng vì lấp liếm cho những sai trái mà không hề xấu hổ đổi trắng thay đen. Cuối cùng khi bị phát giác, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được. Hãy sống vì một cuộc đời đáng tự hào, và biết xấu hổ với những gì đáng xấu hổ.

10. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 9

Mỗi cá nhân trong xã hội đều mang ngoại hình, gia cảnh, tài năng và tính cách riêng biệt. Sự đa dạng này tạo nên một bức tranh đa chiều về cuộc sống. Trong số những tính cách đặc trưng, có một yếu tố đặc biệt thu hút sự chú ý, đó là tính xấu hổ. Quan điểm của tôi là tính cách xấu hổ không chỉ là một đặc điểm tiêu cực, mà đôi khi còn mang lại những khía cạnh tích cực cho con người.

Xấu hổ có thể hiểu như cảm giác ngại ngùng khi đối mặt với người lạ hoặc đám đông. Những người mang tính cách xấu hổ thường tránh ánh mắt trực tiếp và giao tiếp kín đáo với người mới. Ví dụ, một cô bé do bố mẹ luôn bận rộn nên ít gặp gỡ người lạ, khi đối diện với người mới, cô bé có thể cảm thấy xấu hổ, không dám nhìn thẳng vào mắt họ hoặc giao tiếp thoải mái. Tình huống này thường xuất phát từ sự ít giao tiếp và gặp gỡ, khiến cho cô bé trở nên nhút nhát và không tự tin khi đối diện với những tình huống mới.

Sự xấu hổ có thể được xem xét dưới nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Điển hình là sự xấu hổ biểu hiện qua tính nhút nhát, là một đặc điểm tiêu cực cần phải thay đổi. Người ta có thể mang tính cách xấu hổ từ bản địa hoặc phát triển do môi trường sống. Để vượt qua tính cách này, mỗi người cần tự ý thức và nỗ lực học cách vượt qua sự ngần ngại, đồng thời, gia đình và giáo viên cũng có trách nhiệm hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển tích cực của cá nhân.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, nếu một người chỉ biết tự thu mình trong vỏ ốc vì sợ hãi thế giới xung quanh, họ có thể bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển của xã hội. Xã hội ngày càng phức tạp và đòi hỏi sự linh hoạt, tự tin để đối mặt với những thách thức. Người có tính cách xấu hổ cần nhận ra giá trị của sự tự tin và sự mở lòng để không bị tự hạn chế trong cuộc sống đầy thách thức này.

11. Bài văn mẫu suy nghĩ về sự xấu hổ - Mẫu 10

Là con người, ai cũng nên đặt một lòng tự tôn cá nhân để đo lường sự phát triển trong con người. Tuy nhiên, sự tự tôn không nên trở thành một lý do để dễ dàng mất bản thân, mà còn cần biết đến cảm giác xấu hổ khi cần thiết. Điều này không chỉ là quan trọng về thái độ cá nhân trước hành động của mình và người khác, mà còn là một khía cạnh quan trọng mà người khác sẽ nhìn nhận và đánh giá về con người đó.

Sự xấu hổ thường xuất hiện khi ta cảm thấy hổ thẹn, nhận ra lỗi lầm hoặc yếu kém hơn người khác. Tuy nhiên, cũng có sự xấu hổ trong những cảm xúc tự nhiên khi ta trải qua tình yêu ngây thơ, thầm kín mà bị phát hiện.

Biết xấu hổ là điều mà mọi người nên thức tỉnh, để từ đó nhận ra rõ ràng những sai lầm và hạn chế chúng. Việc nhận thức về bản thân thông qua sự xấu hổ giúp ta tránh được những lỗi đã xảy ra. Biết xấu hổ khi nhận ra mình kém cỏi, bị chỉ trích, hoặc so sánh với người khác, sẽ tạo động lực cho sự phát triển và vươn lên, khắc phục những thiếu sót của bản thân. Sự xấu hổ ở đây có thể trở thành động lực mạnh mẽ để tự cải thiện và phát triển.

Ngoài ra, biết xấu hổ còn giúp con người thể hiện lòng tự trọng và nhận thức đúng đắn về giá trị của bản thân. Sự xấu hổ là một biểu hiện tích cực, thể hiện sự cảm thông, lòng nhân ái, và khả năng đặt mình vào vị trí của người khác. Điều này tạo nên một con người có tâm hồn lương tâm, sẵn sàng chia sẻ và hiểu biết hơn về môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, không nên để sự xấu hổ trở thành một cảm xúc tự ti, khiến ta tạo ra khoảng cách xa hơn với mọi người. Biết xấu hổ nhưng không hành động để khắc phục chỉ làm tăng ý nghĩa tiêu cực của nó.

Trong xã hội hiện nay, nhiều người vẫn đang thiếu nhận thức đúng đắn về sự xấu hổ, và có những hành động xấu mà họ không cảm nhận được sự xấu hổ. Điều này phản ánh vào những hành động lệch lạc của giới trẻ, những hình ảnh và tư duy không đúng, khi họ không nhận thức được những hành vi làm hại đến xã hội.

Để xây dựng một cộng đồng người có ý thức và trách nhiệm, mỗi người cần rèn luyện lòng tự tôn cá nhân, biết yêu thương đồng loại, và biết xấu hổ với những hành động sai trái. Gia đình, nhà trường, và cộng đồng cũng cần đồng hành và hỗ trợ khi mỗi người gặp khó khăn, để giúp họ duy trì ý thức và suy nghĩ đúng đắn trong cuộc sống. Sự xấu hổ và biết xấu hổ là những yếu tố quan trọng giúp con người sống đúng đắn và phát triển không ngừng.

----------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Suy nghĩ về sự xấu hổ. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm tài liệu để học tập môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán lớp 10, Tiếng Anh lớp 10, đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10...

Đánh giá bài viết
13 14.274
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 10

    Xem thêm