Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Văn mẫu lớp 12: Nêu cảm xúc khi đọc bài thơ Lò đèn của Nguyễn Duy

Văn mẫu lớp 12: Nêu cảm xúc khi đọc bài thơ Lò đèn của Nguyễn Duy

Hãy cùng tham khảo những bài văn mẫu hay lớp 12 với đề bài Nêu cảm xúc khi đọc bài thơ Lò đèn của Nguyễn Duy để thấy được tính nhân văn, độc đáo của tác phẩm. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn học tốt môn Ngữ văn 12, ôn thi tốt nghiệp, luyện thi đại học môn Văn hiệu quả.

Phân tích nhân vật vợ Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân

Phân tích tình huống độc đáo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Đề bài: Nêu cảm xúc của anh chị khi đọc bài thơ Lò đèn của Nguyễn Duy.

Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở xã Đông Vệ, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Mẹ mất sớm, Nguyễn Duy ở với bà ngoại từ nhỏ, cho nên trong tâm hồn nhà thơ, bà ngoại là hình ảnh gần gũi, thân thuộc nhất. Năm 1966, Nguyễn Duy nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở các chiến trường gian khổ ác liệt như Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, Quảng Trị... Từ chiến trường trở về, Nguyễn Duy học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1976, ông là biên tập viên báo Văn nghệ Giải phóng. Từ năm 1977 đến nay, ông làm việc tại báo Văn nghệ. Với những đóng góp đáng kể cho thơ ca hiện đại, năm 2007, Nguyễn Duy đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nguyễn Duy được người đọc biết đến như một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp hài hòa giữa nét duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc. Nhiều bài gây hiệu ứng rộng rãi trong công chúng bởi sự lên tiếng vừa khẳng khái, bộc trực vừa trầm tĩnh, sâu sắc của nhà thơ về những vấn đề bức xúc của xã hội Việt Nam đương đại.

Các tác phẩm chính, về thơ: Cát trắng (1973), Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987),... về các thể loại khác: Em – Sóng (kịch thơ, 1983), Khoảng cách (tiểu thuyết, 1986), Nhìn ra bể rộng trời cao (bút kí, 1986),... Nhà thơ sáng tác bài Đò Lèn năm 1983, trong một dịp trở về quê hương để sống lại với những kỉ niệm buồn vui thời thơ ấu. Có thể coi bài thơ này tiêu biểu cho phong cách sáng tác và vẻ đẹp của thơ Nguyễn Duy:

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm-thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm
Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

Bài thơ là tâm tư, nỗi niềm của tác giả khi nhớ về tuổi thơ hồn nhiên, khờ dại, về nỗi vất vả mưu sinh của bà ngoại để nuôi mình, về sự ân hận muộn màng khi biết thương bà thì bà đã qua đời. Thông qua đó, tác giả muốn nói với mình, với mọi người là hãy sống tử tế đối với những người ruột thịt thân yêu.

Bài thơ mang cái tên rất bình dị, mộc mạc: Đò Lèn. Đó là tên quê hương tác giả, cũng giống như trăm nghìn cái tên làng xóm quen thuộc khác ô nông thôn Việt Nam như thôn Đông, thôn Đoài, xóm Thượng, xóm Hạ... Nhưng khi tác giả đưa vào thơ thì nó đã trở thành một trời nhớ thương da diết khôn nguôi về những năm tháng tuổi nhỏ sống bên bà ngoại kính yêu, xen lẫn nỗi ân hận, xót xa...

Mạch cảm xúc liên kết hiện tại với quá khứ. Đứa cháu bé nhỏ ngày xưa nay đã là người lính, sau bao trận chiến vào sống ra chết và những sóng gió cuộc đời, trong giây phút hồi tưởng, hình ảnh quê hương và kỉ niệm tuổi thơ sống dậy.

Bài thơ chia làm ba phần. Phần một là hai khổ đầu: Tuổi thơ hồn nhiên nghịch ngợm. Phần hai là ba khổ tiếp theo: Hình ảnh bà ngoại vất vả, lam lũ trong cuộc sống nghèo khổ. Phần ba là khổ cuối: Tình thương yêu chân thành và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với bà ngoại kính yêu và sự day dứt xót xa, ân hận muộn màng.

Trong bài thơ, "cái tôi" thuở nhỏ được tác giả tái hiện chân thực và sống động. Tác giả không giấu giếm mà thật thà kể rằng thời thơ ấu mình cũng nghịch ngợm, dại khờ giống như bao đứa trẻ khác ở vùng quê nghèo. Đó là thái độ thẳng thắn, tôn trọng sự thật, không thi vị hóa quá khứ của mình. Chính vì thế, tác giả đã đem lại cho người đọc cảm tình pha chút ngạc nhiên, thú vị. Thời thơ bé hiện lên rõ ràng như một cuốn phim quay chậm trong kí ức nhà thơ:

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Tác giả không đơn thuần kể về tuổi thơ mà gửi gắm vào đó sự ăn năn hối hận về những suy nghĩ và hành động nông nổi của mình khi sống với bà ngoại. Vì thế, kí ức tuổi thơ hiện lên trong tâm tưởng thật sống động, rưng rưng cảm xúc, vừa rất riêng vừa gần gũi với mọi người.

Trong cảm nhận hồn nhiên, ngây thơ của cậu bé, hình ảnh làng quê thật yên bình, tươi đẹp với bao thú vui con trẻ: câu cá, bắt chim, hái trộm hoa quả, đi xem lễ ở đền, ở chùa, theo bà ra chợ... Cậu bé nông thôn hiếu động, nghịch ngợm: câu cá ở cống Na, bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật, thậm chí đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần. Có người sẽ cho rằng đó là những trò quậy phá quá đáng, xem thường tiên, Phật, nhưng thật ra, những chuyện ấy cũng bình thường. Ở nông thôn, không nơi nào linh thiêng bằng như đình chùa, đền miếu, nhưng cũng chẳng nơi nào yên bình, thân thuộc hơn chốn ấy đối với trẻ thơ. Vì thế, khi nhớ vể thời nhỏ dại, tác giả kể tất chẳng giấu chuyện gì nên giọng kể rất tự nhiên, pha chút hóm hỉnh. Hết kỉ niệm này đến kỉ niệm khác cứ lần lượt hiện lên. Dường như nhà thơ kể để cho vơi nỗi nhớ, để mà hoài niệm, để mà sung sướng về một thời thơ ấu hồn nhiên không thể nào quên:

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Cậu bé lên chơi đền Cây Thị, đi đêm xem lễ đền Sòng với sự tò mò và niềm say mê, háo hức của tuổi thơ. Cậu bé cảm nhận sâu sắc về không khí, hương vị đặc biệt ở chốn thiêng liêng: mùi huệ trắng quyện hương trầm thơm lắm, điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng. Dường như cậu bé đã để hồn mình hòa nhập vào thế giới nửa hư nửa thực. Sau một thời gian dài đi chiến đấu trở về mà nhà thơ vẫn còn nhớ đến từng chi tiết. Những hình ảnh chập chờn huyền ảo ấy gây ấn tượng sâu đậm biết chừng nào và cứ vương vấn mãi trong cõi nhớ.

Cảm xúc khi đọc bài Lò đèn

Trên cái nền là quá khứ tuổi thơ, hình ảnh người bà hiện lên cùng khung cảnh thân thiết của quê hương. Nhà thơ cảm thông, thương mến bà mình và cũng là cảm thông, thương mến quê hương. Các địa danh: cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng, đồng Quan, Ba Trại, Quán Chảo, Đồng Giao, ga Lèn hiện lên rõ mồn một trong kí ức nhà thơ bởi nơi nào cũng in dấu kỉ niệm, cũng mang bóng dáng người bà. Bà ngoại chính là sợi dây nối quá khứ với hiện tại, nối con người đang sống hôm nay với người đã khuất, nối mỗi cá nhân với gốc rễ của mình. Bởi vì, người ta thường sống trong hiện tại với cả quá khứ và tương lai.

Sau những đoạn thơ hồi tưởng với âm điệu bâng khuâng, da diết, bây giờ lời kể và cảm xúc của nhà thơ đã là của một người lính lâu không về quê ngoại. Bắt đầu là lời hối lỗi chân thành về sự hồn nhiên đến vô tâm của đứa cháu thơ dại ngày xưa:

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

Bài thơ mang tên Đò Lèn nhưng nội dung chủ yếu lại viết về bà ngoại , kính yêu của nhà thơ. Hình ảnh bà ngoại trở thành hình tượng nghệ thuật gây xúc động sâu xa trong tâm hồn người đọc. Bài thơ chỉ có 24 câu nhưng từ bà xuất hiện tới 9 lần. Ngay cả ở khổ thơ thứ hai tuy không nhắc tới bà nhưng hình ảnh bà vẫn thấp thoáng trong mỗi dòng thơ, mỗi chi tiết nghệ thuật. Đó là hình ảnh người bà với cuộc đời cơ cực, vất vả, tất tả ngược xuôi chẳng lúc nào ngơi nghỉ: khi đi chợ Bình Lâm, khi mò cua xúc tép, lúc gánh chè xanh Ba Trại ngược về Quán Cháo, Đồng Quan trong những đêm giá rét. Kể cả khi máy bay giặc Mỹ đánh phá làng quê, bà vẫn lặn lội đi bán trứng ở ga Lèn. Tất cả đều vì cuộc sống của đứa cháu yêu dấu. Thấp thoáng trong đoạn thơ là hình ảnh của những người bà, người mẹ Việt Nam bao đời luôn chịu đựng nhọc nhằn, vất vả, tảo tần khuya sớm, chịu thương chịu khó hi sinh thầm lặng cả đời cho chồng, cho con, cho cháu.

Câu thơ níu váy bà đi chợ Bình Lâm gợi lên hình ảnh cậu bé lên năm, lên mười ngơ ngác, rụt rè lần đầu được theo bà đi chợ, đến chỗ đông người đồng thời cũng thể hiện sự chở che của người bà đối với đứa cháu. Đặc biệt xúc động là hình ảnh bà trong câu thơ: Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn, vừa nói lên nỗi vất vả, cực nhọc vừa thể hiện sự lẻ loi, cô độc của bà trên con đường mưu sinh cơ cực, trong đêm đông giá rét. Giống như hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương: Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông. Nhắc đến người bà kính yêu của mình, trong mỗi hình ảnh, mỗi từ ngữ của bài thơ, tác giả đều gửi gắm niềm cảm xúc rưng rưng thương mến và biết ơn. Cách kể chuyện thong thả, chậm rãi, tự nhiên của Nguyễn Duy rất phù hợp với dòng hồi tưởng thấm đẫm suy tư và cảm xúc:

...bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan...bà đi gánh chè xanh Ba Trại Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn... bà tôi đi bán trứng ô ga Lèn...

Đó cũng chính là cảm nhận sâu sắc về người bà của nhà thơ – đứa cháu nhỏ năm nào – âm thầm mà thấu hiểu, mà thấm thía. Dường như công việc của bà làm cả đời không bao giờ hết. Nỗi cay cực, khốn khó của một đời người cứ,vận vào bà. Mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết về bà hiện lên trong tâm tưởng nhà thơ và dồn nén thành nỗi xót xa ân hận khôn nguôi.

Bài thơ này có cặp hình tượng sóng đôi là: bà và tôi (cháu). Một đằng, bà lầm lũi tần tảo sớm hôm; một đằng, tôi (cháu) sống bên bà nhưng dửng dưng, vô tình, chẳng biết gì về sự vất vả, cực nhọc của bà với cháu, dành cho cháu. Sự tương phản đó đã ẩn chứa một lời hối lỗi. Lúc ấy, cậu bé hồn nhiên, ngây thơ không hề biết là mình có lỗi:

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Cậu bé đang ở giữa lằn ranh của hai bờ hư – thực: một bên là bà ngoại lam lũ của mình; một bên là tiên, Phật, thánh, thần. Nói khác đi, một bên là thế giới thực của cuộc đời đầy gian truân khó nhọc; một bên là thế giới lung linh, siêu hình. Giữa hai thế giới ấy là hình ảnh cậu bé thơ dại, vô tư đến trong suốt. Cậu tận hưởng tất cả những gì của thế giới thực và mơ màng với thế giới huyền ảo. Trong tâm hồn của cậu, bà cũng là tiên, là Phật, là thánh thần. Tất cả đều cao cả, vời vợi, lung linh. Đó là trí tưởng tượng kỳ diệu của tuổi ấu thơ một đi không trở lại. Cậu bé nhận những gì mà bà đem đến cho mình như một lẽ đương nhiên, tất yếu, không cần suy nghĩ, không cần biết gì hơn. Vì thế, mãi sau này nhà thơ mới ngậm ngùi tự trách: Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế. Câu thơ như tiếng khóc cố nén vào trong. Và dĩ nhiên, thế giới mơ tưởng bao giờ cũng tươi đẹp, cũng khác hẳn với cuộc sống bình thường. Nó cuốn hút đến mức khiến cậu bé ăn củ dong riềng luộc sượng mà vẫn cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm. Câu thơ: Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực đã diễn tả rất đúng tâm hồn trẻ thơ, hồn nhiên đến độ vô tâm, vô tình.

Có lẽ cậu bé sẽ cứ chông chênh mãi giữa hai bờ hư – thực nếu không có một biến cố kinh hoàng làm thay đổi tất cả:

Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ờ ga Lèn

Sau những trận bom Mỹ tàn phá quê hương, cậu bé chợt hiểu ra một điều: Hóa ra, những thế lực siêu nhiên mà cậu vẫn hoài vọng, say mê chỉ là hư ảo, trước một sự thực là bà ngoại của cậu vẫn vất vả, long đong. Chỉ có bà ngoại mới là người chở che, nuôi nấng, đem lại tất cả những gì tốt đẹp cho cậu. Trận bom Mỹ ấy có thể san phẳng nhà cửa, chùa chiền, đình đền... nhưng không thể xua tan ấn tượng vệ thế giới huyền diệu của mùi huệ trắng quyện khói trầm và điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng đã in sâu vào tâm khảm của cậu bé. Phải rất lâu sau, trước nhiều biến cố dữ dội của Chiến tranh, cậu bé năm nào khi đã trở thành người lính dạn dày khói lửa mới hiểu trọn vẹn về bà ngoại của mình. Vì thế, khi đối diện với quá khứ trong tâm tưởng, cậu bé năm xưa – nhà thơ bây giờ chỉ còn biết day dứt, xót xa, ân hận:

khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

Chiến tranh phi nghĩa của kẻ thù xâm lược đã buộc nhà thơ phải xa bà, xa quê hương để vào chiến trường giết giặc. Cuộc chiến kéo dài đã cướp đi cơ hội bà cháu gặp nhau. Cháu thương bà trong nỗi ân hận khôn nguôi vì thuở ấu thơ được sống cạnh bà mà không hiểu được cuộc đời cơ cực nghèo khổ của bà, không cùng bà chia sẻ nỗi lo toan mà cứ mải thả hồn vào cõi mộng. Hình ảnh người bà âm thầm chịu đựng muôn nghìn vất vả để nuôi dạy đứa cháu mồ côi hiếu động, nghịch ngợm hiện lên rõ ràng trong kí ức nhà thơ. Tình thương của nhà thơ đối với bà thật chân thành và cảm động nhưng giờ đây, tất cả đều đã muộn màng. Nhà thơ kín đáo nhắc đến một sự thật: phần lớn con người ta chỉ thực sự biết yêu thương người thân khi cơ hội đền đáp ơn nghĩa đã không còn. Đấy cũng là bi kịch tinh thần thường thấy xưa nay. Điều này có ý nghĩa thức tỉnh bất ngờ. Câu chuyện bà cháu trong bài thơ là bài học vô giá đối với những ai có thái độ dửng dưng khi thụ hưởng những thành quả lao động do người khác đem lại, chỉ biết nhận mà không biết cho, không quan tâm đến người thân yêu của mình.

Bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy hướng tới cái đẹp của đời sống tâm hồn, tình cảm của con người, nói đến những điều thật giản dị nhưng lại có giá trị vĩnh hằng. Cảm xúc chân thành và những suy tư sâu sắc của nhà thơ được diễn tả bằng một hình thức nghệ thuật vừa giàu tính dân gian vừa phảng phất phong vị thơ cổ điển phương Đông. Cái hay nhất của bài thơ Đò Lèn chính là hiện thực cuộc đời đã làm rung động sâu xa trái tim người đọc.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm