Soạn bài Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ - Cánh diều
Soạn văn Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ
Soạn bài Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ - Cánh diều được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết hướng dẫn trả lời chi tiết, đầy đủ các câu hỏi, yêu cầu trong SGK Ngữ văn 12 Cánh diều tập 2 trang 75, 76, 77, 78, 79.
1. Định hướng
a) Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ là trình bày một cách thuyết phục những điểm tương đồng và khác biệt hoặc chỉ tương đồng hay khác biệt về nội dung, hình thức nghệ thuật của hai văn bản thơ, từ đó bình luận, nhận xét giá trị độc đáo của mỗi thi phẩm, về quy luật chung trong sáng tác và tiếp nhận văn chương,... Trong bài nghị luận, so sánh là một thao tác lập luận được thực hiện thông qua việc phân tích điểm giống và khác nhau giữa hai văn bản thơ về một hoặc một số yếu tố như đề tài, chủ đề, nhân vật trữ tình, hình ảnh, cấu tứ, giọng điệu, nhạc điệu,.... để thuyết phục người đọc về một phương diện nào đó cần được làm sáng tỏ của các hiện tượng thơ hoặc đời sống văn học. Từ kết quả của việc so sánh, người viết đưa ra những nhận xét, đánh giá. Chẳng hạn, Xuân Diệu đã so sánh một loạt bài thơ về mưa của tác giả Huy Cận như: Điệu buồn, Mưa, Buồn đêm mưa (trong tập Lửa thiêng), Mưa mười năm sau (1949), thậm chí còn so sánh với các bài thơ về mưa trong thơ Đỗ Phủ, thơ Nguyễn Du, trong ca dao, dân ca,... từ đó chỉ ra niềm vui khoẻ khoắn của Huy Cận trong bài Mưa xuân trên biển (1959). Khi bình bài Sáng tháng Năm của Tố Hữu, Hoài Thanh đã so sánh hình ảnhmái tóc bạc của Hồ Chí Minh trong bốn bài thơ khác nhau của Tố Hữu để nói lên “sức sáng tạo không ngừng” của thi sĩ,...
Bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ có thể hình thành từ nhiều yêu cầu khác nhau như so sánh cả tác phẩm hoặc yếu tố nội dung / hình thức, hay so sánh một khổ, một câu, một đoạn thơ, một chi tiết, hình ảnh cụ thể nào đó,... trong hai văn bản thơ.
b) Để viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ, các em cần lưu ý:
- Xác định mục đích so sánh, đánh giá (để thuyết phục về sự đánh giá hoặc làm rõ vấn đề văn học nào).
- Xác định đối tượng và phạm vi so sánh (hai văn bản thơ nào).
- Lựa chọn một số tiêu chí và phương diện cụ thể cần so sánh của hai văn bản thơ (nội dung: đề tài, chủ đề, cảm hứng,....; nghệ thuật: từ ngữ, hình ảnh, cấu tứ, biện pháp tu từ,...).
- Phân tích điểm giống hay khác nhau hoặc cả giống và khác nhau giữa của các văn bản thơ được so sánh, bước đầu đưa ra một số lí giải về nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng và khác biệt.
- Trên cơ sở kết quả so sánh, đưa ra những nhận xét, đánh giá làm nổi bật quy luật chung của sáng tạo văn chương cũng như cái hay, cái đẹp, tính độc đáo, nét đặc sắc riêng của mỗi tác phẩm,...
- So sánh không nhằm đề cao hay hạ thấp một tác phẩm hoặc để phô trương kiến thức khiến bài viết trở nên tản mạn, lạc đề,...
- Đảm bảo cấu trúc chung của một bài nghị luận văn học, tính chính xác của các dẫn chứng thơ ca, tính chặt chẽ của các lập luận lô gích và tính hình tượng, biểu cảm của ngôn ngữ,....
2. Thực hành
2.1. Thực hành viết theo các bước
Bài tập (trang 76 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Hãy so sánh và nêu nhận xét, đánh giá của em về hai đoạn thơ sau:
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
(Việt Bắc, Tố Hữu)
Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuôi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
(Bài thơ của một người yêu nước mình, Trần Vàng Sao)
a) Chuẩn bị
- Xác định mục đích cụ thể của bài viết.
- Xác định kiểu bài và thao tác nghị luận.
- Lựa chọn phạm vi, giới hạn vấn đề nghị luận.
- Xem lại nội dung đọc hiểu các văn bản có các đoạn trích trên.
- Đọc hiểu sâu nội dung, nghệ thuật của hai đoạn trích.
b) Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
+ Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ trong bài Việt Bắc là gì?
+ Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ trong bài Bài thơ của một người yêu nước mình là gì?
+ Có điểm nào tương đồng về nội dung và nghệ thuật giữa hai đoạn thơ?
+ Điểm khác biệt về nội dung và nghệ thuật giữa hai đoạn thơ là gì?
+ Em có nhận xét, đánh giá gì về những điểm tương đồng và khác biệt đó? (Gợi ý: Sự tương đồng và khác biệt cho thấy những giá trị chung và riêng nào của hai văn bản thơ? Điều gì ở mỗi bài thơ khiến em xúc động hoặc yêu thích nhất? Vì sao?).
- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.
c) Viết
- Viết bài văn theo dàn ý đã lập.
- Trong khi viết, các em cần chú ý một số điểm sau:
+ Cần có những kết nối với những đoạn khác trong hai văn bản Việt Bắc, Bài thơ của một người yêu nước mình và bối cảnh ra đời của hai tác phẩm để cắt nghĩa, lí giải nội dung của mỗi đoạn thơ.
+ Cần thể hiện một cách tự nhiên quan điểm riêng của bản thân, miễn là hợp lí, thuyết phục.
+ Có thể bổ sung những ý mới, ngoài dàn ý, nhưng cần phù hợp với vấn đề nghị luận.
* Bài viết mẫu tham khảo:
Đất nước luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho nhà thơ sáng tác nên những vần thơ bất hủ, sống mãi với thời gian. Nói đến đất nước, ta nhớ đến những vần thơ đậm màu sắc dân tộc của Tố Hữu trong bài “Việt Bắc” hay ”Bài thơ của một người yêu nước mình” của tác giả Trần Vàng Sao. Hai bài thơ tuy chung đề tài và một nguồn cảm hứng nhưng vẫn ánh lên những nét riêng độc đáo.
Trong “Việt Bắc” đó là tình cảm keo sơn gắn bó giữa con người, là tình cảm thiết tha, mặn nồng với quê hương, đất nước.Tình yêu đó được tác giả đan cài qua những vần thơ da diết nhưng mang âm hưởng hào hùng, niềm phấn khởi, lạc quan trước chiến thắng của cách mạng.
“Bài thơ của một người yêu nước mình”, Trần Vàng Sao đã mang đến một thứ keo sơn kỳ lạ để kết nối những bình diện tưởng chừng xa lạ và đối lập đó để chúng hoà vào nhau, tô điểm cho nhau. Nhờ sự hoà quyện này, tình yêu nước không còn xa vời, cao siêu mà trở nên gần gũi, làm nên sức mạnh để con người chiến đấu, hy sinh vì quê hương xứ sở.
Ở cả hai đoạn thơ, ta nhìn thấy hình ảnh người mẹ Việt Nam tỏa sáng trong những vần thơ êm dịu. Người mẹ luôn là nguồn cảm hứng vô tận, những người mẹ Việt Nam anh hùng chịu thương, chịu khó lam lũ, tảo tần. Trong “Việt Bắc” đó là hình ảnh “người mẹ nắng cháy lưng” nhói lên nỗi xót thương vô hạn của tác giả đối với những bà mẹ Việt Bắc. Các động từ “địu con”, “bẻ từng” cũng gợi lên sự tần tảo, cần cù lao động, vất vả gian khổ của bà mẹ nuôi đang chắt chiu, dành dụm từng hạt bắp trong kháng chiến để đùm bọc, cưu mang chiến sĩ, cán bộ cách mạng. Còn trong “Bài thơ của một người yêu nước mình” là hình ảnh điển hình cho bao người mẹ Việt tảo tần “áo rách” và thương con vô bờ bến, thầm lặng hy sinh nhận gánh nỗi đau riêng mình “đêm nào cũng khóc”. Đó là người mẹ chịu số phận buồn cùng đất nước oằn mình trong chiến tranh, khổ nghèo, mất mát, chia ly. Qua đó, ta nhận ra, đều viết về người mẹ nhưng trong “Việt Bắc” là tình thân mến của các chiến sĩ cách mạng dành cho người mẹ tần tảo sớm hôm, nhặt từng hạt lúa phục vụ cách mạng, còn trong “Bài thơ của một người yêu nước mình”, ấy là tình mẫu tử thiêng liêng, niềm thương xót của một đứa con giành cho mẹ của mình. Dù có khác nhau là vậy nhưng cả hai tác phẩm đã xây dựng lên bức tượng đại người mẹ Việt Nam thật vĩ đại, người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, tần tảo, thương con yêu lao động, cống hiến cho Tổ Quốc.
Hai bài thơ gợi lên những dòng kí ức đáng trân trọng về lớp học bình dân học vụ – nơi cán bộ dạy chữ cho nhân dân vùng cao “Nhớ sao lớp học i tờ”. “Thuở tôi mới đọc được i tờ”, dù âm thanh ấy được phát ra một cách ngây ngô nhưng lại vô cùng quan trọng bởi đảng, chính phủ nhận ra rằng chỉ có ánh sáng của con chữ mới giúp dân thắng được giặc dốt – âm mưu hèn hạ của quân xâm lược.
Thêm nữa, khi xét về âm hưởng hai đoạn thơ ta nhận ra sự khác biệt. Nếu trong “Việt Bắc” nhà thơ đã nói lên tình cảm thiết tha của mình với mảnh đất Việt Bắc, đầy ân nghĩa. Đoạn thơ là một khúc ca đẹp trong bản tình ca Việt Bắc, ca ngợi nghĩa tình cách mạng, ca ngợi cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Đối với “Bài thơ của một người yêu nước mình” lại mang một âm hưởng ngược lại, đó là nỗi niềm thương nhớ về dòng kí ức đã qua của một tuổi thơ mang nhiều nỗi suy tư sâu lắng, tình yêu đất nước trong thơ Trần Vàng Sao không chỉ là niềm tự hào về quê hương, mà còn là sự kết nối mật thiết với gia đình, là những cảm xúc đẹp nhất với những cảnh đẹp tự nhiên và những con người yêu quê hương.
Về thể loại, hai đoạn thơ mang sự khác biệt. Trong “Việt bắc” là thể lục bát truyền thống với cách gieo vần đặc trưng đã làm cho đoạn thơ mang âm điệu ngọt ngào, êm ái, mang tính dân tộc đậm đà.Tác giả đã khéo léo sử dụng một thể thơ truyền thống và thổi vào đó điệu hồn dân tộc, ta nhìn thấy hình hài đất nước trong những vẫn thơ. Với Trần Vàng Sao, ông đưa đến thể loại thơ tự do với việc sử dụng những dòng thơ liền mạch, không có dấu câu, như để thể hiện mạch nguồn cảm xúc trào dâng khi viết về đất nước.
Bởi những sự khác biệt trên, ta nhận ra hai đoạn thơ đều chứa đựng một cá tính mạnh mẽ, một khí chất say sưa của những người con yêu nước. Thể hiện một cái tôi tự do, không hề bị trói buộc bởi bất kỳ chuẩn mực nào.
Sự khác biệt giữa hai đoạn thơ có lẽ đến từ chính bối cảnh sáng tác nên nó. Đối với “Việt bắc” được sáng tác khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng, một trang sử mới mở ra cho đất nước. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung ương Đảng và cán bộ rời Việt Bắc. Buổi chia tay lịch sử ấy đã trở thành niềm cảm hứng cho Tố Hữu sáng tác bài thơ. Trong không khí hân hoan chiến thắng ấy đã tạo nên âm hưởng vui tươi, lạc quan cho đoạn thơ. Ngược lại, “Bài thơ của một người yêu nước mình” được sáng tác vào năm 1967, khi đất nước ta vẫn chưa được thống nhất, nhân dân miền Nam đang lầm than khổ cực trước ách thống trị ngày một tàn bạo hơn của đế quốc Mỹ. Bởi vậy trong những vần thơ ta cảm nhận được âm hưởng đau thương, một nỗi buồn man mác hòa quyện cùng tình yêu nước thâm trầm mà sâu lắng.
Qua hai đoạn thơ trên đã mang đến cho độc giả những cảm xúc sâu sắc về tình yêu thương, hơi ấm con người và những cảm xúc nồng nàn, tha thiết khi viết về đất nước. Đó là những tình cảm rất đỗi chân thành, là tình cảm gắn bó sâu sắc, chân tình giữa tâm hồn người con Việt với quê hương, đất nước.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Viết, mục d (trang 28); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Thao tác so sánh thơ
a) Cách thức
Xem lại mục 1. Định hướng để hiểu thế nào là so sánh thơ. Phần này tập trung vào rèn luyện kĩ năng viết so sánh thông qua thực hành bài tập.
b) Bài tập (trang 78 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Có người còn cho tình yêu mới chính là mùa xuân. Xuân Diệu đã hơn một lần viết rằng:
“Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đã đến lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.,"
(Nguyên đán)
Không mạnh mẽ và dạt dào như Xuân Diệu nhưng thơ tình Nguyễn Bính có cái sâu lắng, dịu dàng, bát ngát của làng quê. Nguyễn Bính đã có lần ao ước được kết duyên với người bạn thuở thiếu thời trong cảnh vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng:
"Như chuyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng.”
(Rượu và hoa)
Nhưng ước ao vẫn là ước ao. Chuyện tình duyên của Nguyễn Bính đều là chuyện không thành cả. Nên mùa xuân của thơ ông cũng là mùa “tính số” sự lỡ làng của tình duyên. Trong “Mưa xuân”, tác giả kể chuyện hẹn hò của đôi trai gái đêm xuân nghe hát chèo. Nhưng chàng trai lỡ hẹn. Tiếng trống chèo càng náo nức bao nhiêu thì nỗi buồn bâng khuâng của cô gái càng thấm thía bấy nhiêu:
“Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng."
(Mưa xuân)
Cái giọng có chút hờn trách nhưng đầy thương cảm. Đó là giọng trách yêu, trách mà không nỡ giận. Đấy cũng là cái đôn hậu của tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.
(Lê Tiến Dũng, Những bài thơ xuân của Nguyễn Bình, in trong Nguyễn Bính – Nhà thơ chân quê, NXB Văn hoá – thông tin, Hà Nội, 2000)
- Nội dung và phạm vi so sánh trong đoạn văn trên là gì?
- Chỉ ra những câu văn nêu nhận xét, đánh giá của người viết.
Trả lời:
- Nội dung so sánh trong các đoạn văn trên là cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân và tình yêu nam nữ. Phạm vi so sánh là những đoạn thơ hay đoạn văn được trích dẫn trong một tác phẩm.
- Những câu văn nêu nhận xét, đánh giá của người viết :
+ “Không mạnh mẽ và dạt dào như Xuân Diệu nhưng thơ tình Nguyễn Bính có cái sâu lắng, dịu dàng, bát ngát của làng quê”
+ “Nên mùa xuân của thơ ông cũng là mùa “tính số” sự lỡ làng của tình duyên.”
+ “Cái giọng có chút hờn trách nhưng đầy thương cảm. Đó là giọng trách yêu, trách mà không nỡ giận. Đấy cũng là cái đôn hậu của tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.”
Bài tiếp theo: Soạn bài Trình bày về so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ - Cánh diều