Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 1 lớp 12- Cánh diều
Soạn văn Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 1
- I. Nội dung ôn tập
- Câu 1 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 2 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 3 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 4 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 5 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 6 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 7 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 8 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 9 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- II. Tự đánh giá cuối học kì 1
- Câu 1 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 2 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 3 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 4 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 5 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 6 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 7 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 8 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 9 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
- Câu 10 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 1 - Cánh diều được VnDoc.com tổng hợp hướng dẫn trả lời chi tiết, đầy đủ các câu hỏi, yêu cầu trong SGK Ngữ văn 12 Cánh diều tập 1 trang 160.
I. Nội dung ôn tập
Câu 1 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Dựa trên thông tin về các bài đã học trong sách Ngữ văn 12, tập một, hãy lập bảng hoặc vẽ sơ đồ về các bài đọc hiểu theo thể loại và kiểu văn bản.
Trả lời:
Bảng các bài đọc hiểu theo thể loại và kiểu văn bản
Truyện truyền kì và truyện ngắn hiện đại | - Chuyện chức phán sự đền Tản Viên - Muối của rừng - Chiếc thuyền ngoài xa - Hai cõi U Minh |
Hài kịch | - Quan thanh tra- Thực thi công lí- Loạn đến nơi rồi- Tiền tội nghiệp của tôi ơi |
Nhật kí, phóng sự, hồi kí | - Nhật kí đặng thùy trâm - Khúc tráng ca nhà giàn - Quyết định khó khăn nhất - Một lít nước mắt |
Văn tế, thơ | - Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Việt Bắc - Lưu biệt khi xuất dương - Tây tiến - Mưa xuân |
Văn nghị luận | - Văn học và tác dụng chiều sâu trong việc xây dựng nhân cách văn hóa con người - Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc - Phân tích bài thơ Việt Bắc |
Câu 2 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Phân biệt truyện truyền kì và truyện ngắn hiện đại qua các văn bản đã học trong sách Ngữ văn 12, tập một.
Trả lời:
- Khái niệm:
+ Truyện truyền kì là một thể loại tự sự của văn học trung đại, tiếp thu từ văn học Trung Quốc. Tuy là văn học viết nhưng truyện truyền kì dựa trên truyền thống tự sự dân gian.
+ Truyện ngắn hiện đại là một tác phẩm tự sự, thường tập trung vào việc kể một câu chuyện gắn với đời sống, phản ánh nhiều khía cạnh của con người và xã hội thời đại đó.
- Yếu tố kì ảo:
+ Truyện truyền kì, yếu tố kì ảo đóng vai trò quan trọng, là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, khiến câu chuyện trở nên lôi cuốn, hấp dẫn
+ Truyện ngắn hiện đại tập trung khai thác chất liệu đời sống, tuy vẫn có yếu tố kì ảo nhưng không được sử dụng nhiều như truyện truyền kì
- Nội dung: Truyện truyền kì viết về các câu chuyện được lấy chất liệu từ dân gian, còn truyện ngắn hiện đại tập trung phản ánh đời sống con người và phản ánh các vấn đề xã hội đương thời.
Câu 3 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Làm rõ đặc điểm của hài kịch qua các văn bản trong Bài 2.
Trả lời:
* Đặc điểm của hài kịch:
- Hài kịch sử dụng tiếng cười để chế giễu, phê phán, châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu, cái nhố nhăng, lố bịch, kệch cỡm, lỗi thời,... trong đời sống.
VD: Tác phẩm “Quan thanh tra”, tiếng cười trong đoạn trích đã lên án thói hư tật xấu của bọn quan lại, lộ rõ bản chất của người cầm quyền. Bởi vậy thông qua tiếng cười đã đưa đến nhiều giá trị. Tiếng cười bộc lộ sự ngu dốt và nạn tham nhũng của giới cầm quyền
- Xung đột trong hài kịch thường là mâu thuẫn giữa cái xấu (cái thấp hèn) với cái tốt (cái đẹp, cái cao cả), cũng có khi là mâu thuẫn giữa cái xấu với cái xấu.
VD: Trong Người lái buôn thành Vơ-ni-dơ, xung đột xảy ra giữa hai nhân vật đại diện cho hai trường phái : Sai-lốc và Antonio. Sai-lốc đại diện cho sự xấu xa, tính toán, gian manh >< Antonio đại diện cho chính trực, lương thiện, tốt bụng.
- Nhân vật trong hài kịch thường có sự không tương xứng giữa thực chất bên trong và hành động bên ngoài, giữa suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, phẩm chất, năng lực và vị trí xã hội,... hoặc có thói quen, tính cách, ứng xử,... trái với lẽ thường; vì vậy thường trở nên lố bịch, hài hước, đáng cười.
VD: Trong Người lái buôn thành Vơ-ni-dơ, Sai-lốc không có sự tương xứng giữa thực chất bên trong và hành động bên ngoài. Ông ta ra vẻ như mình là một người đề cao công lý, công bằng và luật lệ nhưng thực chất bên trong ông ta chỉ muốn thực hiện mục tiêu ích kỉ cá nhân của mình, đó là giết Antonio.
- Hành động trong hài kịch là toàn bộ hoạt động của nhân vật (lời thoại, cử chỉ, điệu bộ, hành vi,...) tập trung bộc lộ thói tật, tính cách đáng cười của nhân vật hài kịch.
VD: Trong đoạn trích Tiền tội nghiệp của tôi ơi, các hoạt động của nhân vật nhằm tập trung bộc lộ thói hà tiện, keo bẩn, tham lam. Như việc vừa muốn cất tiền vừa muốn sinh lời. Vì nỗi sợ lộ chỗ giấu tiền quá lớn mà tự mình suy nghĩ và nói ra chỗ giấu tiền, điều muốn cất giấu lại nói ra mồm. Thậm chí trong cách chọn nơi giấu tiền đã là yếu tố gây hài khi ông ta nghĩ rằng các loại tủ sắt đều đáng ngờ, vì vậy chôn tiền ngoài vườn an toàn hơn cất ở tủ sắt.
- Ngôn ngữ trong hài kịch bao gồm lời thoại (đối thoại, độc thoại, bàng thoại) và chỉ dẫn sân khấu. Tác giả thường sử dụng ngôn ngữ gần với đời sống và các biện pháp như: chơi chữ, nói lái, nói lắp, nhại,…
VD: Tác phẩm Loạn đến nơi rồi, rất nhiều câu thoại có chỉ dẫn sân khấu như:
“Bà Xoa (vồn vã) Thế nào…đã lâu không về..”
“Mai (nói từ dưới) Con đương dở tay.”
- Kết cấu của văn bản hài kịch cũng được chia thành các hồi, lớp, cảnh,... Hệ thống nhân vật được tổ chức theo quan hệ đối lập để làm nổi bật xung đột.
VD: Trong hài kịch Quan thanh tra, được trích từ lớp VIII của vở kịch. Cuối tác phẩm, có sự xuất hiện của “lớp cuối cùng”. Trong đoạn trích cũng có chia ra các hồi, các lớp.
Câu 4 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Xác định đề tài, chủ đề và một số đặc điểm tiêu biểu cần chú ý khi đọc các văn bản kí được học ở Bài 3.
Trả lời:
- Đề tài, chủ đề : Viết về các sự kiện xoay quanh tác giả, ghi chép cá nhân về các sự kiện có thật, đã hoặc đang diễn ra theo trình tự thời gian với các chi tiết cụ thể. Các câu chuyện được xen kẽ với những suy nghĩ và bình luận ngoại đề của tác giả.
- Đặc điểm tiêu biểu cần chú ý:
+ Tính xác thực của văn bản được biểu hiện ở những yếu tố nào
+ Sự kết hợp giữa tính phi hư cấu với một số thủ pháp nghệ thuật như miêu tả, trần thuật,...
+ Tư tưởng, tình cảm của người viết
+ Vấn đề tác giả nêu trong văn bản có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội và bản thân người đọc
Câu 5 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Nội dung của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) có gì gần gũi với các tác phẩm Tây Tiến (Quang Dũng) và Xuất dương lưu biệt (Phan Bội Châu)?
Trả lời:
Nội dung nổi bật lên trên cả ba tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Tây Tiến (Quang Dũng) và Xuất dương lưu biệt (Phan Bội Châu) chính là lòng yêu nước trong tâm hồn mỗi tác giả. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, tác giả đã thể hiện lòng yêu quê hương đất nước thông qua nỗi xót thương cho những người nghĩa sĩ đã hy sinh và gia đình của học, đặc biệt là tấm lòng yêu nước, thương dân, là những lời thương tiếc và nỗi đau lòng cũng như nỗi căm hờn giặc ngoại xâm bên trong tác giả. Ở Tây Tiến, lòng yêu nước của tác giả thể hiện thông qua việc ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp thiên nhiên đất nước và ca ngợi những người anh hùng cách mạng, sức sống của con người Việt Nam. Đến với Xuất dương lưu biệt, lòng yêu nước được thể hiện thông qua những cảm xúc vô cùng mãnh liệt, khao khát ra đi tìm đường cứu nước, khao khát cống hiến, hy sinh co Tổ quốc.
Câu 6 trang 160 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Đặc điểm (nội dung và hình thức) của các văn bản nghị luận được học trong sách Ngữ văn 12, tập một. Phân tích yêu cầu và ý nghĩa của việc đọc hiểu các văn bản nghị luận ấy
Trả lời:
* Đặc điểm nội dung và hình thức của các văn bản nghị luận :
- Nội dung : Văn bản nghị luận thường có nội dung là bàn về một vấn đề, một hiện tượng đời sống, các tư tưởng hay một tác phẩm văn học bằng việc đưa ra các luận điểm, luận chứng, luận cứ để lập luận và chứng minh cho vấn đề nêu ra
- Hình thức: Văn bản thường được chia thành nhiều đoạn văn và mỗi đoạn được sắp xếp một cách có hệ thống:
+ Đầu tiên, tác giả nêu luận để ở ngay đoạn mở đầu.
+ Sau đó, tác giả nêu ra những luận điểm bàn luận về vấn đề đó
+ Trong mỗi luận điểm sẽ có các lí lẽ và dẫn chứng cụ thể ở mỗi lí lẽ nhằm chứng minh cho lí lẽ đó, tăng sức thuyết phục.
* Yêu cầu và ý nghĩa của việc đọc hiểu các văn bản nghị luận:
- Yêu cầu của việc đọc hiểu các văn bản nghị luận:
+ Xác định mục đích của người viết
+ Xác định vấn đề trọng tâm của văn bản (luận đề).
+ Tìm các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng nhằm chứng minh luận đề của văn bản
+ Xác định các biện pháp làm tăng tính khẳng định, phủ định
+ Phân tích cách lập luận và ngôn ngữ biểu cảm trong văn bản
- Ý nghĩa của việc đọc hiểu các văn bản nghị luận:
+ Học cách trình bày suy nghĩ, ý kiến một cách chặt chẽ, lô gích
+ Biết cách xác lập cho người nghe, người đọc một tư tưởng, quan điểm nào đó, dựa trên việc xây dựng luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục
+ Những tư tưởng, quan điểm trong văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, xã hội. Vì vậy, đọc hiểu các văn bản nghị luận giúp người đọc hiểu hơn về các hiện tượng đời sống và giải pháp để giải quyết vấn đề.
Câu 7 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Nêu tên các kiểu văn bản được rèn luyện viết trong Ngữ Văn 12, tập một. Kiểu văn bản nghị luận được học ở những bài nào và có gì cần chú ý?
Trả lời:
- Các kiểu văn bản được rèn luyện viết trong Ngữ Văn 12, tập một:
+ Nghị luận xã hội
+ Nghị luận văn học
- Kiểu văn bản nghị luận được học ở những bài:
+ Nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Cần chú ý một số nội dung như : giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận; phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch; nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng, đạo lí.
+ Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Cần chú ý nêu rõ hiện tượng; phân tích các mặt đúng - sai, lợi – hại ; chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến về hiện tượng đó.
+ Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ. Cần chú ý đối tượng của bài nghị luận về thơ rất đa dạng (một bài thơ, đoạn thơ, hình tượng thơ,…). Cần tìm hiểu từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu,…của bài thơ, đoạn thơ đó.
+ Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Cần chú ý việc nghị luận về một ý kiến văn học thường tập trung vào giải thích, nêu ý nghĩa và tác dụng của ý kiến đó đối với văn học và đời sống.
Câu 8 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa trình bày/thuyết trình về một vấn đề với tranh luận một vấn đề
Trả lời:
* Giống nhau:
- Mục đích: Đều là các hoạt động với mục tiêu thuyết phục người nghe hoặc người đọc, mục đích làm thay đổi ý kiến, hành vi của đối tượng. Làm cho người nghe đồng tình với quan điểm, ý kiến hoặc lập luận được trình bày.
- Ngôn ngữ: Sử dụng ngôn ngữ mang sắc thái biểu cảm cao – thuyết phục, mạnh mẽ, khẳng định. Ngôn ngữ thể hiện lập luận lô gích để truyền đạt ý kiến và thông điệp. Thường sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu , phương pháp lập luận chặt chẽ để thuyết phục và truyền đạt thông tin rõ ràng.
- Đều mang tính chất tương tác, người diễn thuyết tương tác với người đọc, người nghe. Bởi vậy, người diễn thuyết có thể điều chỉnh cảm xúc hay tính thuyết phục trong quá trình diễn thuyết.
* Khác nhau:
- Mục tiêu:
+ Trình bày/thuyết trình: truyền đạt thông tin, giải thích vấn đề một cách rõ ràng và hiệu quả
+ Tranh luận: Trao đổi quan điểm, ý kiến, kết hợp với xây dựng, bào chữa cho một quan điểm nhất quán thông qua lập luận lô gích và dẫn chứng hợp lý
- Phương pháp
+ Trình bày/thuyết trình: Chủ yếu sử dụng thao tác giải thích để truyền đạt kiến thức, thông tin một cách rõ ràng, hiệu quả
+ Tranh luận: Sử dụng thao tác phân tích, so sánh, lập luận lô gích và các bằng chứng cụ thể, chi tiết để chứng minh, bào chữa quan điểm thể hiện tính chặt chẽ và thuyết phục của lập luận
Câu 9 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Nhận xét về mối quan hệ giữa nội dung tiếng Việt với nội dung đọc hiểu và viết ; phân tích tác dụng của các yếu tố ngữ âm, từ ngữ, các biện pháp tu từ, kiểu câu,…trong một văn bản đọc hiểu tự chọn
Trả lời:
- Mối quan hệ giữa nội dung tiếng Việt với nội dung đọc hiểu và viết: tiếng Việt cung cấp những đặc điểm từ ngữ cần lưu ý và chính đặc điểm đó có một ý nghĩa lớn cho tác phẩm đọc hiểu. Trong phần Viết, thông qua kiến thức tiếng Việt, học sinh cần áp dụng ngay vào bài viết của minh. ( ví dụ trong bài 2, thực hành Tiếng Việt học về lỗi lô gích, lỗi mơ hồ, bài viết là viết báo cáo của bài tập dự án – một thể loại sử dụng ngôn ngữ khoa học, chặt chẽ, vì vậy vi phạm lỗi lô gích và lỗi mơ hồ là rất quan trọng)
- Phân tích tác dụng của các yếu tố ngữ âm, từ ngữ, các biện pháp tu từ, kiểu câu,…trong Việt Bắc của tác giả Tố Hữu:
+ Yếu tố ngữ âm: Thể hiện qua biện pháp điệp từ, điện câu trúc, đặc biệt là từ “nhớ” đã tạo nên một âm hưởng ngân vang về nỗi nhớ khắc khoải, da diết. Nỗi nhớ ấy xuyên suốt cả bài thơ, qua đó hiện lên tấm lòng sắt son, thủy chung, tình quân dân mặn nồng, thắm thiết.
+ Tác giả sử dụng một loạt những từ ngữ mang giá trị ẩn chứa sâu sắc như từ "chuốt" đã nói lên được bàn tay của con người lao động, cần mẫn, tỉ mẩn, khéo léo, tài hoa. Các động từ mạnh như “rầm rập, rung, bật” thể hiện sức mạnh vô địch của đoàn quân, tạo không khí chiến trận. Kết hợp với các từ láy “điệp điệp, trùng trùng” tạo khí thế mạnh mẽ không thể ngăn cản của đoàn quân.
+ Biện pháp tu từ: Với câu hỏi tu từ “mình về mình có nhớ ta?” đã nhấn mạnh nỗi nhớ thường trực, sâu sắc gắn với địa danh Việt Bắc. Biện pháp liệt kê “Tân Trào, Hồng Thái ; Ngòi Thi, Sông Đáy,…” đã liệt kê tên một loạt địa danh ở Việt Bắc, nhấn mạnh nỗi nhớ, tăng sức biểu cảm cho đoạn văn. Nổi bật trong bài thơ là phép điệp từ : “nhớ” nhấn mạnh nỗi nhớ, cảm xúc của người ra đi vẫn luôn hướng về những năm tháng vất vả, gian lao ở quá khứ. Điệp từ “vui” thể hiện niềm vui to lớn, không khí chiến thắng vang rộn toàn dân, cả đất nước hân hoan hạnh phúc trước chiến thắng của dân tộc.
II. Tự đánh giá cuối học kì 1
I – Đọc hiểu
Đọc đoạn trích “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”, chọn phương án đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5) và trả lời các câu hỏi (từ câu 6 đến câu 10):
Câu 1 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Đoạn trích trên sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào là chính?
A. Biểu cảm và miêu tả
B. Thuyết minh và nghị luận
C. Tự sự và biểu cảm
D. Nghị luận và miêu tả
Trả lời:
Chọn đáp án C
Câu 2 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Yếu tố nào thể hiện rõ nhất tính chất nhật kí của đoạn trích?
A. Kể lại câu chuyện diễn ra theo một trình tự có ngày tháng rõ ràng
B. Miêu tả lại cảnh vật mình thấy theo một trật tự không gian hoặc thời gian
C. Ghi chép lại các sự việc có thật đã xảy ra trong cuộc sống bằng ngôi kể thứ ba
D. Ghi chép lại những việc đã trải qua từng ngày, ngôi thứ nhất, xưng “mình”
Trả lời:
Chọn đáp án D
Câu 3 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Nội dung đoạn trích trên kể về việc gì?
A. Công việc mà những chiến sĩ đã làm sau cuộc ném bom của kẻ thù
B. Những vất vả, gian khổ của chiến trường và cảm nghĩ của người viết
C. Một ngày Chủ nhật bình yên hiếm hoi của nữ bác sĩ giữa chiến trường
D. Những lá thư từ mặt trận kể tất cả nỗi gian khổ, hi sinh nơi chiến trường
Trả lời:
Chọn đáp án B
Câu 4 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Câu văn nào sau đây thể hiện suy nghĩ của người viết về sự hi sinh thầm lặng?
A. Sinh tử không thể nào mà ghi hết, mà có lẽ cũng không nên nói hết để làm gì.
B. Chiều hôm kia hai chiếc Mo-ran hai thân quần mãi rồi phóng rốc-két xuống...
C. Nhìn những cảnh đó, mình cười mà nước mắt chực trào ra trên mi.
D. Nếu địch giội bom, có cách nào hơn là ngồi trong hầm chờ sự may rủi?
Trả lời:
Chọn đáp án A
Câu 5 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Ước ao cháy bỏng của người viết trong đoạn nhật kí trên là gì?
A. Có nhiều người biết cảnh gian khổ của chiến trường để sẻ chia, thông cảm
B. Sự nhớ thương, mong ước được an ủi trong tình thương của những người thân
C. Hoà bình trở lại và được về sum họp với gia đình
D. Những người đã qua cảnh ngộ này được chiếu cố, cảm thông
Trả lời:
Chọn đáp án C
Câu 6 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Tất cả, tất cả đè nặng trong trái tim mình và tâm tư mình đầy ắp như mặt sông những ngày nước lũ.”
Trả lời:
- Biện pháp điệp từ “tất cả” nhằm nhấn mạnh đến những khó khăn, vất vả nơi chiến trường. Đó là nỗi lo âu cho tình hình bệnh xá, sự căng thẳng về tình hình địch, đó là sự sống cũng như ngọn cỏ ven đường, chờ đợi số phận định ddoat “ngồi trong hầm chờ đợi sự may rủi”, đó là sự nhớ thương, mong ước được an ủi trong tình thương của những người thân yêu. Những dòng cảm xúc hỗn độn trong tâm hồn tác giả, có thể khiến con người ta suy sụp, đó là cảm xúc mà mỗi con người trên chiến trường phải ngày đêm chịu đựng và tự vượt qua.
- Biện pháp tu từ so sánh “tâm tư” đầy như “sông ngày nước lũ”. Miêu tả cụ thể cảm xúc, dùng hình ảnh để thể hiện rõ ràng nội tâm. Giờ đây, trong tâm hồn tác giả không chỉ mang nhiều cảm xúc hỗn độn mà còn mang nặng nhiều tâm tư, khiến con người cảm giác có sức nặng khó tả trên đôi vai mình. Qua biện pháp so sánh, cảm xúc bên trong tác giả được hiện lên một cách rõ ràng, cụ thể, câu văn trở nên gợi hình, gợi cảm.
Câu 7 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Câu “Quả thực mình đã không nghĩ gì đến hạnh phúc của tuổi trẻ, không hề mong ước được sống trong một tình yêu sôi nổi, mà lúc này chỉ có tình gia đình, chỉ có ước mong sum họp với gia đình.” nói lên tư tưởng và thái độ gì của người viết? (Trả lời ngắn từ 3 – 5 dòng).
Trả lời:
Câu văn đã thể hiện tư tưởng cao đẹp của người viết và nỗi nhớ quê hương da diết. Tác giả nguyện hy sinh thanh xuân và tuổi trẻ, nguyện hiến thân mình cho độc lập Tổ quốc mà không hề hối tiếc hay đòi hỏi nhận lại. Trong cô chỉ có một ước nguyện nho nhỏ mà có lẽ mỗi người con xa quê đều hướng về, đó là ”sum họp với gia đình”. Tình cảm ấy lớn đến mức, cô chấp nhận không cần được sống trong hạnh phúc tuổi trẻ, mà giờ đây chỉ cần đến hơi ấm gia đình, được an ủi từ tình thương của những người thân thương.
Câu 8 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Em nghĩ người viết đoạn nhật kí trên là một người như thế nào?
Trả lời:
Người viết đoạn nhật kí hiện lên là một người mang nội tâm mạnh mẽ, kiên cường nhưng cũng vô cùng nhạy cảm, trong tâm hồn, luôn mang một khát khao được sum họp với gia đình, người thân. Bên cạnh đó, người viết luôn mang một tư tưởng cao đẹp, nguyện cống hiến sức trẻ và tuổi xuân của mình cho đất nước mà không cần đáp lại.
Câu 9 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Làm rõ tính phi hư cấu của nhật kí qua đoạn trích trên.
Trả lời:
Tính phi hư cấu được thể hiện qua:
+ Thời gian cụ thể, chi tiết (14.6.1970)
+ Thể hiện ở những sự kiện có thực mà tác giả đã trực tiếp tham gia hay chứng kiến, biểu hiện ở các mốc thời gian cụ thể (chủ nhật), địa điểm cụ thể (hầm trú bom, căn nhà ngập nước mưa)
+ Thể hiện ở miêu tả chi tiết sự kiện. Sau trận bom rơi, cảnh vật hiện lên hết sức chân thực “cả một vùng cây trơ trọi…đất đá rơi đầy hầm”
Câu 10 trang 163 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Có thể rút ra triết lí nhân sinh gì từ đoạn trích nhật kí trên?
Trả lời:
Thông qua đoạn trích, em rút ra triết lý nhân sinh rằng hãy hy sinh và cống hiến hết mình cho cuộc đời mà đừng hối tiếc, cũng đừng đỏi hỏi sự đền đáp. Trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời hãy mạnh mẽ vượt qua và không ngừng hướng đến những tình cảm đẹp đẽ, trong đó không thể thiếu tình cảm gia đình thiêng liêng, đẹp đẽ. Thêm nữa, em rút ra được giá trị của con người trong cuộc đời – những con người đã hy sinh tất cả, những con người đã nỗ lực cho hòa bình của dân tộc.
II. Viết
Đề 1. Từ đoạn trích “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm” ở trên, hãy nêu lên suy nghĩ của em về một lối sống đẹp trong bối cảnh xã hội hiện nay
Đề 2. Viết bài văn nêu lên điểm giống nhau và khác nhau giữa bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu) và bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng).
* Bài viết mẫu tham khảo:
Đề 1:
Cuộc sống có vô vàn cách mà con sống với nhau, đối xử với nhau. Để góp phần làm nên một đất nước giàu đẹp, văn minh, bác ái thì chúng ta cần sống với nhau bằng cách sống đẹp đẽ nhất.
Sống đẹp là sống lạc quan, yêu đời, hướng đến và làm theo những việc thiện; tích cực giúp đỡ người khác, yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, biết hi sinh cái tôi cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng. Chúng ta hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình vì như thế cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Người sống đẹp là người luôn luôn giúp đỡ, muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, không tính toán nhỏ nhen. Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và lan tỏa được những thông điệp tích cực ra cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… Những người này đáng bị phê phán và cần phải thay đổi bản thân, thay đổi lối sống nếu muốn có được những điều tốt đẹp hơn.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, cách chúng ta sống và đối xử với nhau sẽ góp phần là cho xã hội này tốt hơn, văn minh hơn. Hãy sống với nhau bằng tình cảm chân thành nhất, đẹp đẽ nhất và để lại nhiều tiếng thơm cho đời.
Đề 2:
Viết về hình tượng người lính, đã có không ít những tác phẩm văn học khai thác về chủ đề này. Viết về người lính có bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Ở hai tác phẩm, người lính hiện lên mang những nét anh dũng, kiên cường nhưng ở họ cũng có nét độc đáo riêng biệt.
Đầu tiên, xét về điểm giống nhau, hình tượng người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc và hình tượng người lính Tây Tiến đều mang vẻ đẹp sử thi, ấy là vẻ đẹp người anh hùng thời đại, họ dũng cảm, kiên cường và mạnh mẽ, vượt qua mọi thiếu thốn vật chất, họ vẫn mang khí thế anh hùng. Thứ nữa, người lính được các tác giả dành một tình cảm tự hào, ngưỡng mộ nhưng cũng tiếc thương vô hạn. Nếu ở Tây Tiến đó là nỗi xót thương trước sự hy sinh, mất mát của người lính “Áo bào thay chiếu anh về đất”, họ hy sinh ngay giữa núi rừng, không một nén hương hay cỗ quan tài, thì ở Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tác giả lại thể hiện lòng thương xót cho những hy sinh mất mát của bao người nghĩa sĩ “hỡi ôi thương thay!”, giờ đây người còn sống chỉ biết tiếc thương trước linh hồn của người đã mất. Bên cạnh đó, ở những người lính đều được các tác giả thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao đẹp. Ở họ luôn mang một lòng nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, ý thức trách nhiệm cùng tinh thần hào hiệp, dũng cảm xả thân vì nghĩa lớn, vì độc lập Tổ quốc.
Giống nhau là vậy nhưng hình tượng người chiến sĩ ở hai tác phẩm đều có nét riêng biệt. Đầu tiên, xét về nguồn góc xuất thân, người nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là người nông dân nghèo bị áp bức, bị bóc lột và chứng kiến cảnh đất nước rơi vào tay giặc trong khi quan quân triều đình thì lại làm ngơ. Họ không được giáo dục về tư tưởng yêu nước như qua sách vở, không được rèn luyện binh đao. Tinh thần yêu nước của họ xuất phát từ tinh thần tự cường dân tộc và lòng căm thù trước sự tàn bạo của kẻ thù. Đây chính là điểm khác biệt với người lính Tây Tiến, họ xuất thân từ tầng lớp trí thức trẻ Hà Nội, tạm gác bút nghiên ra tiền tuyến chống giặc. Ở họ đã được tôi luyện lý tưởng của Đảng và sức mạnh ý chí, được thấm nhuần lòng yêu nước thông qua sách vở. Cũng chính từ hoàn cảnh xuất thân khác biệt mà hình tượng người lính hiện lên cũng thật độc đáo. Nếu vẻ đẹp của người chiến sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hiện lên từ vẻ ngoài chân chất, mộc mạc và có phần bộc trực của người dân Nam Bộ. Họ sống tự nhiên, phóng khoáng, yêu ghét rạch ròi như chính mảnh đất nơi này, thì người lính Tây Tiến lại mang nét đẹp hào hoa, lãng tử của những chàng trai Hà thành tuổi đôi mươi, nét phóng khoáng, lạc quan của tuổi trẻ. Trong gian khổ họ vẫn giữ được nét đẹp của tuổi trẻ “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, đó là ánh mắt của tuổi trẻ, ánh mắt của sự hào hoa và khát vọng. ”Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” – hình bóng những nàng thơ vẫn luôn phảng phất trong tâm hồn người chiến sĩ. Dẫu trước bao gian khó là vậy, tâm hồn họ vẫn không trở nên khô cằn, sỏi đá mà vẫn mang nét hào hoa, lãng tử tuổi đôi mươi.
Qua hai tác phẩm, với những giá trị nghệ thuật đặc sắc và những hình ảnh mang đậm chất sử thi, hình tượng người lính hiện lên thật dũng mãnh, kiên cường, bất khuất và đặc biệt, ở họ vẫn hiện lên nét nổi bật của chính con người họ, những tàn khốc của chiến trường cũng không làm họ đánh mất bản chất con người của mình. Hai tác phẩm đã xây dựng lên bức tượng đài bất khuất, kiên trung.
Bài tiếp theo: Soạn bài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp - Cánh diều