Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

So sánh sự giống nhau và khác nhau cơ bản của hai tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành và "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi

VnDoc.com mời các bạn tham khảo bài "So sánh sự giống nhau và khác nhau cơ bản của hai tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành và "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi." dưới đây. Hy vọng các bạn sẽ có được kết quả tốt trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới.

So sánh sự giống nhau và khác nhau cơ bản của hai tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 1

Mở bài 1:

"Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành và "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi đều là hai tác phẩm xuất sắc viết về đề tài chiến tranh cách mạng ở miền Nam vào những năm 60 thế kỷ trước. Cả hai tác phẩm đều xứng đáng là bản anh hùng ca ca ngợi những con người miền Nam anh hùng, bất khuất, căm thù giặc cháy bỏng, yêu quê hương đất nước thiết tha, thủy chung tình nghĩa sắt so với cách mạng, kháng chiến. Tuy nhiên hai tác phẩm đã có những vẻ đẹp riêng mang đậm hương vị của mỗi miền đất và mang dấu ấn tài năng của mỗi tác giả.

Mở bài 2:

"Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành và "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi xứng đáng được xem là hai bông hoa đẹp bừng nở trên mảnh đất miền Nam cháy đỏ lửa căm thù quân xâm lược và xanh ngời một niềm tin chiến thắng. Cùng viết về đề tài chiến tranh cách mạng, ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước, một tác phẩm là bông hoa rừng của Tây Nguyên hùng vĩ, một tác phẩm là bông hoa hồng của đồng bằng Nam bộ cho đến nay vẫn toả ngát hương thơm trong tâm hồn hàng triệu độc giả chúng ta.

Thân bài:

A. Những điểm giống nhau

1. Cả hai tác phẩm đều là những bản anh hùng ca hào hùng, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của những con người miền Nam "Kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ", miền Nam "anh dũng tuyệt vời", miền Nam "Trong lửa đạn sáng ngời" (Tố Hữu). Đó là những con người kiên cường, bất khuất, căm thù giặc ngùn ngụt và yêu quê hương tha thiết, giàu tình nghĩa, thủy chung son sắt với gia đình, với cách mạng và nguyện sống chết cho quê hương

2. Hai tác phẩm đều là truyện ngắn rất thành công của mỗi tác giả, được viết ra khi tài năng của họ đã đạt đến độ chín muồi

3. Bằng tài năng nghệ thuật đặc sắc, bằng vốn hiểu biết sâu rộng và tinh tế về con người Tây Nguyên, con người Nam bộ kiên cường mà giàu tình nghĩa, Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đã tạo dựng được những nhân vật điển hình, những anh hùng tiêu biểu cho con người miền Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sôi nổi, quyết liệt, đầy gian khổ hy sinh mà rất đỗi vui tươi hào hùng

B. Những điểm khác nhau cơ bản

Tuy nhiên do tài năng, cá tính, phong cách nghệ thuật khác nhau của mỗi tác giả, mà mỗi tác phẩm đã có những nét khác nhau rất hấp dẫn.

1. "Rừng xà nu" giàu không khí Tây Nguyên và rất giàu chất sử thi hùng tráng, trang nghiêm

Trong nền văn học cách mạng Việt Nam hiện đại, nếu như Tô Hoài có công khai sơn phá thạch đề tài Tây Bắc, thì Nguyên Ngọc (Sau này bút danh là Nguyễn Trung Thành) được xem là nhà văn đi tiên phong về đề tài Tây Nguyên. Đây là sở trường, là niềm say mê của nhà văn và ông đã có những đóng góp tích cực cho văn học Việt Nam về một đề tài hấp dẫn, có ý nghĩa xã hội học và thẩm mĩ sâu sắc. Từ những năm kháng chiến chống Pháp, Nguyên Ngọc đã viết tác phẩm "Đất nước đứng lên" với nhân vật chính là anh hùng Núp làm say mê hàng triệu trái tim độc giả. Vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, do gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, gần gũi hiểu biết sâu sắc cuộc sống và tinh thần bất khuất, yêu tự do, gắn bó với cách mạng của nhân dân các dân tộc thiểu số trên mảnh đất này, ông đã sáng tác nên thiên truyện nổi tiếng "Rừng xà nu".

Với hình tượng cây xà nu độc đáo được tạo dựng trong sự đối sánh với con người, giữa cảnh huỷ diệt khủng khiếp của bom đạn kẻ thù, tác phẩm của Nguyễn Trung Thành đã khắc hoạ được không khí Tây Nguyên, chất sử thi hùng tráng,trang nghiêm từ những dòng đầu cho đến những trang cuối của tác phẩm.

2. Không khí sử thi ấy đã chi phối nhà văn trong việc xây dựng cốt truyện và khắc hoạ tính cách, phẩm chất nhân vật phù hợp với chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Các nhân vật trong "Rừng xà nu" được cấu tạo theo nhiều lớp, nhiều thế hệ. Các thế hệ này được biểu hiện bằng những thế hệ xà nu khác nhau trong rừng xà nu bạt ngàn tít tắp tận chân trời. Thế hệ già làng (tiêu biểu là cụ Mết), thế hệ thanh niên tiêu biểu là Tnú, Mai, Dít. Truyện còn hé mở cho người đọc thấy thế hệ thứ ba, thế hệ của những bé Heng để hoàn thành bức tranh nhân dân, già trẻ "lớp cha trước, lớp con sau" mang đậm chất sử thi.

3. Các nhân vật của "Rừng xà nu" được khắc hoạ không phải trên phương diện đời tư, mà chủ yếu trên phương diện cộng đồng, dân tộc. "Mối quan hệ của họ cơ bản được đặt trong quan hệ xã hội, dân làng, đất nước, với kẻ thù: nhiệm vụ chủ yếu của họ chủ yếu là những trọng trách lịch sử giao phó". Tất cả cuộc đời và hành động của họ nhằm viết lên một chân lý lớn của thời đại: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo". Nghĩa là vũ trang chiến đấu là con đường tất yếu để tự giải phóng của nhân dân. Vì vậy, vẻ đẹp sử thi là vẻ đẹp nổi bật nhất. Nó được lan toả trong toàn bộ tác phẩm, in đậm dấu ấn lên từng nhân vật. Từ chân dung, hành động đến lời nói của các nhân vật, vừa mang tính chất cá thể độc đáo, vừa mang tính chất tiêu biểu cho tinh thần, phẩm chất của con người Tây Nguyên trong thời đại chống Mỹ. Họ là một tập thể mang những phẩm chất đại diện cho cộng đồng sống, chết vì buôn làng, vì dân tộc. Đó là một tập thể anh hùng với tinh thần yêu nước sâu sắc, căm thù giặc cháy bỏng, giàu khát vọng tự do, tinh thần đoàn kết, bất khuất hiên ngang, sức sống mãnh liệt. Số phận của họ gắn liền với số phận người dân Xô man, của dân tộc Tây Nguyên nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy đau thương gian khổ hy sinh mà cũng rất đỗi vui tươi hào hùng. Họ là một tập thể mang những phẩm chất tiêu biểu cho cộng đồng, sống chết vì buôn làng, vì dân tộc. Đó là một tập thể anh hùng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước sâu sắc, căm thù giặc cháy bỏng và khát vọng tự do, tinh thần đoàn kết, bất khuất hiên ngang, sức sống mãnh liệt...

4. Giọng điệu tác phẩm cũng mang đậm chất sử thi hùng tráng.

Sự kết hợp giữa lời kể của nhân vật cụ Mết hài hoà với giọng điệu người kể chuyện, "Rừng xà nu" mang âm hưởng sử thi. Đó là một giọng điệu say mê, trang trọng giàu chất thơ dạt dào, hùng tráng. Câu chuyện của Tnú mà cụ Mết kể cho dân làng nghe là câu chuyện xảy ra chưa lâu, nhưng vẫn được kể như câu chuyện lịch sử, với giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng của sử thi.

(Đây là một thành công đặc sắc của Nguyễn Trung Thành ở truyện ngắn nổi tiếng này)

B. Về tác phẩm "Những đứa con trong gia đình"

1. Nguyễn Thi tuy được sinh ra từ Nam Định, nhưng đã gắn bó sâu nặng với nhân dân miền Nam và thực sự xứng đáng với danh hiệu Nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đã viết được nhiều tác phẩm rất có giá trị như: "Người mẹ cầm súng", "Ở xã trung nghĩa", "Mẹ vắng nhà". Trong đó tiêu biểu hơn cả vẫn là: "Những đứa con trong gia đình".

Những tác phẩm ấy Có một đặc điểm chung nổi bật là đã tạo được một không khí rất Nam Bộ. Ở "Những đứa con trong gia đình", không khí ấy không chỉ được thể hiện trong hiện thực cuộc sống đời thường nhà văn phản ánh, mà còn in đậm trong tính cách, hành động, đời sống nội tâm và ngôn ngữ của nhân vật.

2. Qua hệ thống hình tượng nhân vật của tác phẩm, Nguyễn Thi muốn nhằm giải thích về những phẩm chất anh hùng của những đứa con trong gia đình. Chính cội nguồn truyền thống gia đình với cuốn sổ mà mỗi trang đều được viết bằng máu và nước mắt đã hình thành nên tính cách và phẩm chất tuyệt vời cho những đứa con: vừa hồn nhiên, bộc trực, trung hậu, vừa căm thù ngùn ngụt, gan góc, kiên cường, thuỷ chung, say mê chiến đấu và tự hào về truyền thống cách mạng gia đình, quyết cầm súng tiêu diệt kẻ thù trả nợ cho những thế hệ cha, ông đã ngã xuống trên mảnh đất này. Cha mẹ là dũng sĩ nên họ sinh ra như là để cầm súng đánh giặc và họ đều đã lập được nhiều chiến công xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình. Đánh giặc đối với họ đã trở thành mệnh lệnh của trái tim và họ đã lên đường ra trận như đi trẩy hội mùa xuân. Nghĩa là họ "Mang đậm cái chất Út Tịch trong tâm hồn".

3. Các nhân vật trong "Những đứa con trong gia đình" được nhìn qua "Một điểm nhìn trần thuật rất độc đáo". Đó là qua sự hồi tưởng và nhớ lại khi đứt, khi nối của Việt - một nhân vật chính của tác phẩm, khi bị thương nằm ngất đi giữa rừng. Khác với điểm nhìn trong "Rừng xà nu", qua lời kể của cụ Mết, một già làng, người của hai thế hệ, trong "Những đứa con trong gia đình", lại qua điểm nhìn trần thuật của Việt, một thành viên trong gia đình đã gợi nhắc được những kỷ niệm rất đỗi gần gũi thân quen rất đời thường. Từ chuyện bắt ếch đến chuyện chú Năm, chuyện ba má quen nhau, đến việc giỗ má, khiêng bàn thờ, đến chuyện đồng đội của Việt... Tất cả đều hiện lên rất sinh động, còn mang dấu vết tươi nguyên của mùi đất quê hương và có cả vị mồ hôi của má Việt, cả giọng hò tức như gà gáy của chú Năm mà các nhân vật được hiện lên, điều đó đã tạo nên một không khí gia đình với những mối quan hệ gia đình chằng chịt với rất nhiều chuyện "thỏn mỏn" khác, nhưng rất thi vị mang ý nghĩa thẩm mĩ và nhân sinh sâu sắc.

4. Là nhà văn có biệt tài phân tích tâm lý, Nguyễn Thi quan tâm nhiều đến việc miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật với cái nhìn của cuộc sống đời thường. Việt là một cậu con trai đồng quê, mới lớn tính tình hiếu động và còn nhiều nét trẻ con: đánh giặc không sợ chết, nhưng lại sợ ma, rất yêu quý chị, nhưng cứ giấu tiệt, vì chỉ sợ mất chị... Còn chị Chiến là một thiếu nữ 18, đã tỏ ra già dặn, khôn trước tuổi: những suy tư của chị trong đêm trước lúc lên đường từ việc không khiêng bàn thờ sang gửi nhà chú Năm đến việc giỗ má... đã cho ta biết rõ điều đó. Tuy nhiên, là con gái, Chiến đã sớm biết làm duyên một cách rất kín đáo và tế nhị. Chi tiết đi đánh trận, Chiến vẫn mang theo chiếc kiếng (gương) để soi khi rảnh rỗi.

Đây cũng là điểm khác biệt trong phong cách bút pháp nghệ thuật của hai nhà văn. Nguyễn Trung Thành tập trung nhiều hơn những hành động của nhân vật, những bước ngoặt trong số phận của nhân vật gắn liền với giờ phút "Đồng khởi". Còn Nguyễn Thi nghiêng về những câu chuyện cụ thể trong gia đình, những tình tiết rất đời thường với những suy nghĩ nội tâm của nhân vật.

5. Câu chuyện của Nguyễn Thi không dừng lại ở câu chuyện của một gia đình. Câu chuyện mà mỗi người sẽ viết một khúc đó, sẽ nối dài thành những dòng sông và trăm sông sẽ đổ ra biển cả. Do đó, từ những nhân vật cụ thể trong tác phẩm Nguyễn Thi đã khái quát được gương mặt cả một thế hệ trẻ miền Nam trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy bản lĩnh, giàu khát vọng niềm tin chiến thắng bởi sức mạnh lòng căm thù, tình yêu nước thiết tha và ý nghĩa thiêng liêng của cuộc kháng chiến thần thánh.

Kết luận.

Tóm lại "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành và "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi đều là tác phẩm xuất sắc của văn học chống Mỹ ở miền Nam. Mỗi tác phẩm có vẻ đẹp riêng, không khí riêng, cách nhìn riêng về hiện thực đấu tranh cách mạng và nghệ thuật xây dựng nhân vật. Sức mạnh chiến thắng trong tác phẩm Nguyễn Trung Thành chủ yếu là sức mạnh đoàn kết của các thế hệ, của quá khứ và hiện tại. Sức mạnh chiến thắng trong tác phẩm Nguyễn Thi là sức mạnh từ cội nguồn truyền thống yêu nước cách mạng của gia đình và đó cũng là mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh những đứa con anh hùng, trung dũng của thế hệ trẻ trong những ngày chống Mỹ và thắng Mỹ oanh liệt của dân tộc ta./.

So sánh sự giống nhau và khác nhau cơ bản của hai tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 2

I/ Đặt vấn đề

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 đã đạt nhiều thành tựu lớn, đặc biệt là trong mảng tác phẩm thể hiện phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại kẻ thù xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai truyện ngắn “ Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành và “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi là hai tác phẩm đã thành công trong sự khắc họa những hình tượng nhân vật tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp, cho lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, sức mạnh chiến đấu của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm.

II/ Giải quyết vấn đề

1/ Thế nào là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong văn học?

Đó là sự thể hiện của lòng yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc, tinh thần chiến đấu bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ tổ quốc của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là sự trung thành với lí tưởng cách mạng được thử thách trong những hoàn cảnh khốc liệt, qua đó bộc lộ được vẻ đẹp của phẩm chất anh hùng có tính chất tiêu biểu cho cả dân tộc.

2/ Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thể hiện như thế nào trong hai truyện ngắn?

a/ Về tác giả: Cả hai tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đều gắn bó với cuộc chiến đấu chống Mĩ, là những nhà văn chiến sĩ ở tuyến đầu máu lửa. Tác phẩm của họ mang hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu với những hình tượng nhân vật sinh động, bước vào văn học từ thực tế chiến đấu.

b/ Về hoàn cảnh sáng tác: Hai truyện ngắn “Rừng xà nu” (1965), “Những đứa con trong gia đình” (1966) đều ra đời trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đế quốc Mĩ đổ quân vào miền Nam nước ta, dân tộc ta đứng trước trận chiến một mất một còn để bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ quyền sống. Đó là bối cảnh lịch sử để từ đó hai tác phẩm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với chất sử thi đậm đà.

c/ Về hình tượng nhân vật của hai truyện ngắn:

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trước tiên thể hiện ở những nhân vật mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, từ đau thương trỗi dậy để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược:

– Họ đều là những người con được sinh ra từ truyền thống bất khuất của gia đình, của quê hương, của dân tộc:

Tnú là người con của làng Xô Man, nơi từng người dân đều hướng về cách mạng, bảo vệ cán bộ “ Đảng còn thì núi nước này còn” – Lời cụ Mết. (Rừng xà nu)

Chiến và Việt sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, căm thù giặc: Cha là cán bộ cách mạng, má là người phụ nữ Nam bộ kiên cường trong đấu tranh, hai con tiếp nối lí tưởng của cha mẹ. (Những đứa con trong gia đình).

– Họ đã chịu nhiều đau thương, mất mát do kẻ thù gây ra, tiêu biểu cho đau thương mất mát của cả dân tộc:

+ Tnú chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù tra tấn đến chết, bản thân bị giặc đốt mười đầu ngón tay.

Chiến và Việt chứng kiến cái chết của ba má: ba bị chặt đầu, má chết vì đạn giặc.

+ Những đau thương đó hun đúc tinh thần chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc của con người Việt Nam. Biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Tnú lên đường đi “lực lượng” dù mỗi ngón tay mất đi một đốt, Chiến và Việt cùng vào bộ đội, coi việc đánh giặc trả nợ nước thù nhà là lẽ sống. Họ chiến đấu bởi sức mạnh của lòng căm thù giặc, cũng là bởi sức mạnh của tình yêu thương, vì: chỉ có cầm vũ khí đứng lên, ta mới có thể bảo vệ được những gì thiêng liêng nhất, bảo vệ tình yêu và sự sống. Chân lí đó đã được minh chứng qua số phận và con đường cách mạng của những người dân Nam Bộ trong hai tác phẩm trên, chân lí đó cũng được rút ra từ thực tế đau thương mất mát nên nó càng có giá trị, càng phải khắc sâu vào lòng người.

– Họ đều mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, là những con người Việt Nam kiên trung trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm:

+ Tnú từ nhỏ đã gan dạ, đi liên lạc bị giặc bắt được, tra tấn dã man vẫn không khai. Anh vượt ngục trở về, lại là người lãnh đạo thanh niên làng Xô Man chống giặc, bị đốt mười ngón tay vẫn không kêu rên trước mặt kẻ thù. Ở Tnú toát lên vẻ đẹp của người anh hùng trong sử thi Tây Nguyên và vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại chống Mĩ.

+ Việt bị thương trong trận đánh lại lạc mất đơn vị, vẫn chắc tay súng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Đối với chị, Việt ngây thơ, nhỏ bé. Còn trước kẻ thù, Việt vụt lớn lên, chững chạc trong tư thế người anh hùng.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ thể hiện ở từng nhân vật , mà còn thể hiện ở tập thể nhân vật anh hùng, và mỗi nhân vật đều tượng trưng cho phẩm chất của cả cộng đồng: Cụ Mết, Mai, Dít, Heng trong “Rừng xà nu”; ba, má, chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình”. Họ đều là những con người yêu quê hương đất nước, gắn bó với buôn làng, với gia đình, với người thân yêu. Tình yêu tổ quốc của họ bắt đầu từ những tình cảm bình dị đó, cho nên nó càng bền bỉ, càng có sức mạnh lớn lao khiến kẻ thù phải run sợ.

Tóm lại, các nhân vật của hai truyện ngắn đều đã vượt lên nỗi đau và bi kịch cá nhân để sống có ích cho đất nước. Những đau thương của họ cũng chính là đau thương của dân tộc trong những năm tháng thương đau của chiến tranh. Tinh thần quả cảm, kiên cường của họ cũng chính là tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn thể hiện ở sức sống bất diệt của con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu ác liệt:

Dân làng Xô Man như rừng cây xà nu mặc dù “ Trong rừng hàng vạn cây, không cây nào không bị thương”, nhưng vẫn “ ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”, một cây ngã xuống thì bốn năm cây con mọc lên. Mai hi sinh thì Dít vươn lên thay thế, Heng như cây xà nu non hứa hẹn trở thành cây xà nu cường tráng tiếp nối cha anh. Tầng tầng, lớp lớp những người dân Xô Man Tây Nguyên tiếp nối đứng lên kiên cường chiến đấu với quân thù để bảo vệ quê hương đất nước mình.

Ông nội bị giặc giết, cha của Chiến và Việt trở thành cán bộ Việt Minh, cha bị giết hại dã man, má Việt tiếp tục nuôi con và chiến đấu, đến khi má ngã xuống thì anh em Chiến và Việt lại tiếp nối con đường chiến đấu, thực hiện lí tưởng của gia đình, và trong dòng sông truyền thống của gia đình, họ là khúc sông sau nên hứa hẹn đi xa hơn cả thế hệ trước.

Sự tiếp nối và kế thừa đó đã làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam thời chống Mĩ, là sức sống bất diệt giúp họ vượt qua bao đau thương do kẻ thù gây ra để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng.

3/ Về chất sử thi trong hai truyện ngắn: Góp phần thể hiện thành công chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nghệ thuật sử thi đòi hỏi tác phẩm tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước; phản ánh được chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng

– Đề tài: cuộc chiến đấu của dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược.

– Chủ đề: ngợi ca phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.

-Nhân vật chính: Là những con người tiêu biểu cho cộng đồng về lí tưởng và phẩm chất, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu hi sinh.

– Giọng văn: ngợi ca, thấm đẫm cảm hứng lãng mạn cách mạng.

Hai truyện ngắn là hai bản anh hùng ca thời đại đánh Mĩ.

III/ Kết luận

Qua hai tác phẩm, ta thấy:

– Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại chống Mĩ hiện diện trên khắp mọi miền của đất nước. Từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng đến miền núi. Tất cả tạo nên một sức mạnh long trời lở đất để “nhấn chìm lũ bán nước và quân cướp nước”.

Khái quát về Tác giả Nguyễn Thi

1. Tiểu sử tác giả Nguyễn Thi

Nguyễn Thi (1928 - 1968) bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, quê ở xã Quần Phương Thượng (nay là xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Mồ coi cha từ năm 10 tuổi, mẹ đi bước nữa, phải sống nhờ họ hàng vất vả, tủi cực từ nhỏ.

Năm 1943 ông theo người anh vào Sài Gòn, vừa đi làm kiếm sống vừa tự học. Năm 1945, ông tham gia cách mạng rồi gia nhập lực lượng vũ trang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Thi làm công tác tuyên huấn, vừa chiến đấu vừa hăng hái hoạt động văn nghệ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc công tác ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Năm 1962 Nguyễn Thi tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam công tác tại Cục chính trị Quân giải phóng miền Nam, là một trong những thành viên sáng lập và phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Ông hi sinh ở mặt trận Sài Gòn, trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.

Năm 2000, ông được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vè văn học nghệ thuật.

2. Sự nghiệp văn học của tác giả Nguyễn Thi

Sáng tác của Nguyễn Thi gồm nhiều thể loại: bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết. Sau khi hi sinh, những tác phẩm của ông được sưu tập và in lại trong Truyện và kí, xuất bản năm 1978, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập (4 quyển) xuất bản năm 1996.

Nguyễn Thi là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Ông quê ở miền Bắc nhưng đã gắn bó sâu nặng với nhân dân miền Nam và thực sự xứng đáng với danh hiệu Nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Tác phẩm của Nguyễn Thi từ khi ông trở lại miền Nam (1962) thường bắt nguồn trực tiếp từ hiện thực nóng bỏng, ác liệt ở mặt trận miền Đông - Nam Bộ. Nhân vật tiêu biểu trong sáng tác của ông là những người nông dân vùng đất này, những con người bản chất vừa hồn nhiên, bộc trực, trung hậu, vừa có lòng căm thù giặc sâu sắc, vô cùng gan góc, sẵn sàng hi sinh vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nguyễn Thi là cây bút có năng lực phân tích tâm lí sắc sảo. Văn Nguyễn Thi vừa giàu chất hiện thực, đầy những chi tiết dữ dội, ác liệt của chiến tranh, vừa đằm thắm chất trữ tình với một ngôn ngữ phong phú, góc cạnh, đậm chất Nam Bộ, có khả năng tạo nên những nhân vật có cá tính mạnh mẽ.

Khái quát về Tác giả Nguyễn Trung Thành

1. Tiểu sử tác giả Nguyễn Trung Thành

Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, bút danh Nguyên Ngọc, ông sinh Năm 1932 ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1950, ông vào bộ đội, sau đó làm phóng viên báo Quân đội nhân dân liên khu V. Sau năm 1954, ông còn có những sáng tác phục vụ công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc. Năm 1962, ông tình nguyện trở về chiến trường miền Nam, hoạt động ở Quảng Nam và Tây Nguyên. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, ông tiếp tục cống hiến cho phong trào văn nghệ của nước nhà.

Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ.

2. Sự nghiệp văn học của nhà văn Nguyễn Trung Thành

Nguyễn Trung Thành có hiểu biết sâu sắc, gắn bó mật thiết với cảnh vật và con người Tây Nguyên. Do đó, những thành công lớn nhất với sự nghiệp của ông cũng gắn bó với mảnh đất này. Nhà văn gần gũi, hiểu biết cuộc sống cũng như tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số trên mảnh đất này.

Văn Nguyễn Trung Thành mang đậm âm hưởng sử thi của núi rừng Tây Nguyên. Ở đó, chất thơ hoà quyện với độ hoành tráng của núi rừng, của những con người bất khuất, kiên trung với quê hương, đất nước. Sức sống bất diệt, khả năng trỗi dậy vô tận của con người, sự sống luôn được đề cao trong tác phẩm của ông.

Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) là: Đất nước đứng lên (1954), Rẻo cao (1961), Đất Quảng (2 tập, 1971 - 1974)...

---------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Phân tích bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12 mời các bạn tham khảo thêm một số bài tiêu biểu:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm

    Ngữ văn 12

    Xem thêm