Phân tích nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ

Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ, VnDoc mời bạn sưu tầm và gửi tới bạn đọc cùng tham khảo nhé.

Khái quát về nhân vật A Phủ

a. Cuộc đời A Phủ

Mồ côi cha mẹ từ lúc còn rất nhỏ vì nhà bị chết dịch, bị bắt đem đi bán cho người Thái để đổi lấy thóc.

Tính tình ngang bướng, không chịu ở cánh đồng thấp, trốn lên núi và lưu lạc tới Hồng Ngài.

Lúc mới mười bốn, nhưng A Phủ gan bướng, trốn thoát lên núi, rồi lưu lạc đến Hồng Ngài.

Tuy vậy, A Phủ suốt đời làm thuê làm mướn, nghèo đến nỗi không thể nào lấy được vợ và cũng không có nổi cả cái vòng bạc để đi chơi ngày Tết như bao chàng trai Hmông khác.

b. Tính cách, con người của A Phủ

A Phủ là một trai tráng khỏe mạnh, chạy nhanh như ngựa lại chăm làm, giỏi giang trong việc đồng áng được nhiều cô gái mê.

Tính tình cương trực, ngang bướng, sinh ra khỏe mạnh để gánh vác cuộc sống, để làm những việc vất vả.

Thấy chuyện bất bình (khi gặp A Sử) thì không chịu khoanh tay đứng nhìn mà ngay lập tức ra tay cứu giúp người khác.

→ A Phủ trở thành niềm mơ ước của bao cô gái.

c. Khi A Phủ bị bắt về nhà thống lí

Do đánh nhau với A Sử trong ngày đi chơi xuân mà A Phủ bị bắt về nhà thống lí, tại đây A Phủ bị đánh đập dã man và bị bọn chúng bắt làm người ở đợ để trừ tiền đền bù đánh A Sử.

Hàng ngày A Phủ phải đi làm quần quật từ sáng đến tối không chút nghỉ ngơi.

Một lần, để hổ vồ mất bò, A Phủ lại bị bọn chúng bắt trói và đánh đập dã man nhưng anh không mảy may một lời van xin hay khóc lóc mà cam chịu trước số phận.

A Phủ bị trói đứng ở cột nhà và bị bỏ đói mấy ngày, người trong nhà vẫn hoạt động nhưng không ai quan tâm đến sự xuất hiện của anh. Tủi hổ trước số phận và sự ngang trái của xã hội lúc bấy giờ, trong đêm A Phủ rỉ ra hai hàng nước mắt nhưng đã bị Mị nhìn thấy.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, A Phủ được Mị cắt dây cởi trói và bảo mình bỏ chạy, hành động cứu A Phủ đó đã khiến anh như được hồi sinh một lần nữa, anh dùng chút sức lực cuối cùng của mình để vùng bước đi.

Sau đó, Mị chạy theo và xin đi cùng A Phủ, anh hiểu những gì người phụ nữ này trải qua trong gia đình ấy nên đã cho Mị cùng đến Phiềng Sa.

I. Dàn ý phân tích nhân vật A Phủ

Dàn ý phân tích nhân vật A Phủ mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và nhân vật A Phủ: vợ chồng A Phủ là một câu chuyện thành công và nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài. Bên cạnh việc xây dựng nhân vật Mị với nội tâm sâu sắc, nhân vật A Phủ cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc.

2. Thân bài

a. Cuộc đời A Phủ

Mồ côi cha mẹ, bị bắt đem đi bán cho người Thái.

Tính tình ngang bướng, không chịu ở cánh đồng thấp, trốn lên núi và lưu lạc tới Hồng Ngài.

Là một trai tráng khỏe mạnh, chạy nhanh như ngựa lại chăm làm, giỏi giang trong việc đồng áng được nhiều cô gái mê.

b. Khi bị bắt về nhà thống lí

Do đánh nhau với A Sử trong ngày đi chơi xuân mà A Phủ bị bắt về nhà thống lí, tại đây A Phủ bị đánh đập dã man và bị bọn chúng bắt làm người ở đợ để trừ tiền đền bù đánh A Sử.

Hàng ngày A Phủ phải đi làm quần quật từ sáng đến tối không chút nghỉ ngơi.

Một lần, để hổ vồ mất bò, A Phủ lại bị bọn chúng bắt trói và đánh đập dã man nhưng anh không mảy may một lời van xin hay khóc lóc mà cam chịu trước số phận.

A Phủ bị trói đứng ở cột nhà và bị bỏ đói mấy ngày, người trong nhà vẫn hoạt động nhưng không ai quan tâm đến sự xuất hiện của anh. Tủi hổ trước số phận và sự ngang trái của xã hội lúc bấy giờ, trong đêm A Phủ rỉ ra hai hàng nước mắt nhưng đã bị Mị nhìn thấy.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, A Phủ được Mị cắt dây cởi trói và bảo mình bỏ chạy, hành động cứu A Phủ đó đã khiến anh như được hồi sinh một lần nữa, anh dùng chút sức lực cuối cùng của mình để vùng bước đi.

Sau đó, Mị chạy theo và xin đi cùng A Phủ, anh hiểu những gì người phụ nữ này trải qua trong gia đình ấy nên đã cho Mị cùng đến Phiềng Sa.

3. Kết bài

Khái quát lại nhân vật A Phủ và giá trị của câu chuyện.

Dàn ý phân tích nhân vật A Phủ mẫu 2

1. Mở bài: Giới thiệu nhà văn Tô Hoài và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

2. Thân bài: Phân tích nhân vật A Phủ cần có những ý chính sau.

Nửa đầu của truyện Vợ chồng A Phủ kể về quãng đời của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, trong nhà thống lí Pá Tra. Ở phần này, A Phủ là nhân vật phụ, nhưng có tác dụng làm nổi bật hình tượng nhân vật chính là Mị và khắc họa rõ hơn chủ đề tác phẩm. A Phủ là nhân vật được miêu tả sóng đôi với Mị, góp thêm một thân phận người lao động nghèo vào bức tranh hiện thực của tác phẩm.

  • A Phủ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì nhà bị chết dịch. Có người bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái. Tuy mới mười bốn, nhưng A Phủ gan bướng, trốn thoát lên núi, rồi lưu lạc đến Hồng Ngài.
  • Lớn lên giữa núi rừng, A Phủ thành một chàng trai khỏe mạnh "chạy nhanh như ngựa", lao động giỏi, lại "săn bò tót rất thạo". Vì thế, A Phủ trở thành niềm mơ ước của bao cô gái. Họ bảo nhau: "Đứa nào được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà".
  • Tuy vậy, A Phủ suốt đời làm thuê làm mướn, nghèo đến nỗi không thể nào lấy được vợ và cũng không có nổi cả cái vòng bạc để đi chơi ngày Tết như bao chàng trai Hmông khác.
  • Chính hoàn cảnh khắc nghiệt này đã góp phần tạo nên ở A Phủ tính cách gan góc, táo bạo và một sức sống mạnh mẽ. Hình ảnh A Phủ khiến người đọc nhớ tới những nhân vật chàng Mồ Côi, chàng Khó tràn đầy sức lực, lao động giỏi và giàu nghĩa khí trong văn học dân gian.
    • A Phủ dám đối mặt với bọn con quan một cách thật hùng dũng và đầy tự tin. Anh sẵn sàng trừng trị kẻ đã phá cuộc vui của bạn bè mình.
    • Cũng vì thế, A Phủ bị trói mang đến nhà Phá Tra để xử kiện. Cuộc xử kiện quái lạ này thực chất chỉ là một cuộc tra tấn dã man để cuối cùng A Phủ vô cớ phải trở thành người nô lệ gạt nợ cho nhà thống lí. Bằng ngòi bút miêu tả phong tục bậc thầy, Tô Hoài đã làm hiện rõ trước mắt người đọc một cuộc xử kiện sống động và giàu sức tố cáo, từ đó vạch trần cách áp bức dã man, trắng trợn kiểu trung cổ của bọn thống trị miền núi. Qua "làn khói thuốc phiện ngào ngạt tuôn ra các lỗ cửa sổ", cứ hút trong một đợt thuốc phiện Pá Tra lại ra lệnh, trai làng lại từng đợt, từng đợt thay nhau lạy tên thống lí lia lịa rồi xông vào đánh A Phủ. Còn người thanh niên khốn khổ này chỉ biết im lặng chịu đòn "suốt chiều, suốt đêm". Như vậy, tuy là một chàng trai tự do của núi rừng, A Phủ vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của bọn chúa đất. Từ đây, anh bỗng vĩnh viễn trở thành con trâu, con ngựa, như một nô lệ cho nhà Pá Tra. Hơn nữa, cho đến cả đời con, đời cháu, bao giờ trả hết nợ mới thôi. Và nếu không gặp Mị, chắc chắn A Phủ đã phải chết một cách thê thảm tại nhà thống lí.
  • Tinh thần phản kháng là cơ sở để sau này, khi gặp A Châu – người cán bộ của Đảng, A Phủ nhanh chóng giác ngộ cách mạng, tham gia du kích, tích cực đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng quê hương.

3. Kết bài

Câu chuyện về A Phủ - người nô lệ gạt nợ đã bổ sung cho câu chuyện của Mị - người con dâu gạt nợ, để hoàn thiện bản án về tội ác của bọn chúa đất đối với những người lao động lương thiện ở miền núi trước Cách mạng, đồng thời cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của họ.

Phân tích truyện vợ chồng A Phủ

II. Văn mẫu phân tích nhân vật A Phủ

Phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 1

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm xuất sắc nhất cũng là tác phẩm đề đời của nhà văn Tô Hoài trong tập “Truyện Tây Bắc”. Và một trong những thành công của truyện là nghệ thuật miêu tả nhân vật A Phủ. Khi miêu tả nhân vật A Phủ nhà văn đã cho thấy tài năng của mình khi bắt đầu kể chuyện từ thời điểm có ý nghĩa trong cuộc đời của A Phủ, để từ đó làm nổi bật lên tính cách của nhân vật. Và trong tác phẩm này, tác giả đã chú ý chọn lựa hai chi tiết tiêu biểu làm nên cá tính của A Phủ: Lần thứ nhất, lúc bị đánh trong cuộc xử kiện: “A Phủ chỉ quỳ, im như tượng đá. Lần thứ hai là lúc được Mị cởi trói: “A Phủ quật sức vùng lên chạy”. Đó là sức mạnh phản kháng ở người nông nô nghèo miền núi.

A Phủ xuất hiện trong tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc, đó là cảnh A Phủ đánh A Sử, con trai thống lí Pá Trá, khi hắn dám phá đám chơi của A Phủ và đám bạn. Ta tưởng đây là nhân vật có quyền thế nhưng không A Phủ cũng giống như Mị, anh là người nông nô nghèo bị gia đình Pá Tra áp bức, bóc lột và trở thành tôi đòi, con ở, nô lệ cho gia đình thống lí.

Tuổi thơ của A Phủ đầy bất hạnh, mới mười tuổi đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ trong dịch bệnh đậu mùa. A Phủ trở thành đứa bé tứ cố vô thân không cha mẹ, không anh em, không có ruộng, không có bạc, đã vậy lại bị người làng xấu bụng bán xuống núi thấp để đối lấy thóc, A Phủ không chịu liền trốn lên núi cao lưu lạc đến Hồng Ngài làm thuê làm mướn. Đến lớn, A Phủ trở thành một chàng trai khỏe mạnh, chăm chỉ cày ruộng cuốc đất. Nhưng dù lớn lên trong cảnh nghiệt ngã, A Phủ vẫn hồn nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống tự nhiên, yêu chính nghĩa. Anh vẫn đem sáo, đem khèn đi tìm người yêu.

Tuy nhiên, đâu chỉ có vậy, số phận nghiệt ngã đã biến A Phủ trở thành nông nô cho nhà thống lí chỉ vì đánh A Sử, người đã phá đám chơi của A Phủ và đám bạn. Trước khi trở thành nông nô cho nhà Pá Tra, A Phủ phải tham gia xử kiện mà không phải lỗi của mình. Anh bị đánh đập dã man, tàn bạo “mặt A Phủ xưng lên môi và đuôi mắt dập chảy máu”. Đến khi trở thành nông nô cho nhà thống lí Pá Tra, anh bị bóc lột sức lao động một cách tàn nhẫn ở ngoài gò ngoài rừng. Đặc biệt phải chịu hành hạ về nỗi đau tinh thần khi bị con ma trình mặt, phải chịu đựng những lời chửi rủa cay độc của mọi người và Pá Tra.

Nhưng một lần nữa, Tô Hoài lại cho thấy niềm tin của ông vào giá trị của con người. Nó không chỉ được thể hiện qua nhân vật Mị mà nó còn được thể hiện qua sức mạnh phản kháng ở nhân vật A Phủ. Điều này được nhà văn Tô Hoài chọn lựa chi tiết trong vụ xử kiện, khi bị bọn trai làng xô đến đánh, “A Phủ chỉ quỳ, im như tượng đá”. Nhiều người đọc đến đây cho rằng A Phủ hèn nhát, nhưng không, nếu hèn nhát thì sao A Phủ dám đánh A Sử có nạm vòng bạc ở cổ rủ xuống những tua chỉ xanh đỏ mà chỉ riêng con cái nhà quan trong làng mới được đeo, ngược lại phải chăng hình ảnh “im như tượng đá” chính là một hành động của sự phản kháng, đó là biểu hiện bất tuân, nén nỗi căm giận vào trong lòng, không nói, không thanh minh đó chính là sức mạnh phản kháng tiềm ẩn bên trong con người nhân vật này.

Chính cá tính gan góc, mạnh mẽ đó của A Phủ đã tạo nên những con sóng ngầm ngày một mạnh mẽ bên trong anh. Khi hoàn cảnh càng trở nên nghiệt ngã, đau khổ thì sức phản kháng lại càng mạnh mẽ. Nó được thổi bùng trong lần miêu tả thứ hai về A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Sự kiện bắt đầu khi A Phủ vô tình để hồ vồ mất bò do mải bẫy nhím, bị cha con thống lí Pá Tra phát hiện và bắt đứng trói vào cột không cho ăn, không cho uống. Nhưng nhờ sự đồng cảm, tình thương người của Mị, cô đã cởi trói cứu giúp A Phủ. Và trong hoàn cảnh giữa ranh giới của sự sống và cái chết, một lần nữa tinh thần phản kháng ấy lại trỗi dậy và được tài năng Tô Hoài thể hiện “A Phủ bỗng ngã khuỵu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay. A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy”. Hành động của A Phủ có lẽ lúc đầu chỉ là ý nghĩ chạy trốn khỏi cái chết nhưng sau đó nó đã trở thành hành động đến với con đường giải phóng. Từ việc tìm đường đến nhận đường chính là ý thức làm người, là tinh thần phản kháng, là khát khao sống, khát khao được tự do và đó cũng chính là cơ hội tốt để sau này A Phủ làm du kích cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp Cách mạng.

Có thể nói, nghệ thuật miêu tả nhân vật A Phủ đầy sắc sảo của Tô Hoài đã tạo nên một hình tượng nhân vật đầy nam tính. Khát vọng tự do công bằng được biểu hiện ở A Phủ âm thầm, mạnh mẽ, hồn nhiên và cũng thật đơn giản. Tính cách của A Phủ mang phẩm chất tiêu biểu của người đàn ông chân chính dân tộc Mông.

Hai lần miêu tả A Phủ ở hai thời điểm khác nhau có ý kiến trái chiều cho rằng lần miêu tả thứ nhất A Phủ đã cam chịu, cam phận đến lần thứ hai thì đó mới là sức mạnh phản kháng thật sự. Điều này không sai, bởi lẽ A Phủ để mặc cho họ đánh vì sức của A Phủ không thể địch lại với sức của hàng trăm người ở đó, nó là sức cường quyền áp bức lên một người nông nô nghèo thân cô thế cô và hơn nữa ở lâu trong cái khổ thì cũng quen khổ rồi, ở cái đất Hồng Ngài dưới ách thống trị của nhà thống lí Pá Tra thì đâu cũng vậy thôi. Đó cũng chính là sự cam chịu của người nông nô vùng núi cao khi chưa có ánh sáng của Đảng, chưa có sự giác ngộ, chưa biết đoàn kết tạo nên sức mạnh chống lại cường. Và chính lần miêu tả thứ hai khi A Phủ quật sức chạy, nó không chỉ thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ ở anh mà hành động quật sức chạy đó phải chăng là cơ hội để A Phủ chạy gần đến bên Cách mạng, được giác ngộ để làm du kích sau này. Từ đây, ta có thể thấy được tài năng am hiểu nội tâm con người của Tô Hoài, ông thật sự là một cây bút già dặn khi nhìn thấy hai mặt đối lập ở một con người A Phủ vừa cam chịu số phận nhưng cũng vừa mạnh mẽ, can trường, bất khuất. Đó cũng chính là niềm tin bất diệt của nhà văn vào tâm hồn, sức sống, sự phản kháng quyết liệt ở con người trên đường đi tìm hạnh phúc, tìm lại chính mình.

Như vậy qua nghệ thuật miêu tả cuộc đời, tính cách của nhân vật A Phủ, Tô Hoài đã tố giác giai cấp thống trị miền núi đại diện là cha con nhà thống lí Pá Tra đã đẩy con người hiền lành chất phác như A Phủ vào cảnh bị cướp đoạt sức lao động, cướp đoạt quyền làm người. Viết về điều đó, nhà văn đã cảm thông với những khổ đau, bất hạnh của họ đồng tình với sự phản kháng quyết liệt để mở ra một lối thoát cho những người nghèo lao động miền núi. Qua đây, một lần nữa thể hiện tài năng nắm bắt cá tính con người và tấm lòng nhân đạo vô bờ bến của nhà văn Tô Hoài.

Phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 2

Tô Hoài là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, ông là người có 95 năm tuổi đời nhưng dành đến 70 năm để đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyễn từng nói “Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị.” Là kết quả của chuyến đi lên Tây Bắc giải phóng đồng bào dân tộc cùng với đồng đội năm 1952, Vợ chồng A Phủ tập trung miêu tả, phản ánh cuộc sống tủi cực của đồng bào dân tộc miền núi dưới ách áp bức của bọn chúa đất phong kiến, thực dân. Bên cạnh nhân vật Mị - nhân vật chính, trung tâm của tác phẩm, nhà văn cũng khắc họa rất thành công nhân vật A Phủ.

Cũng như Mị, A Phủ được tác giả giới thiệu bằng sự xuất hiện đột ngột, gây chú ý cho người đọc. Trong cuộc va chạm giữa trai làng bên và nhóm A Sử, A Phủ bất ngờ xuất hiện ngay sau câu nói: “Lũ phá đám ta đêm qua đây rồi. A Phủ đâu ? A Phủ đánh chết nó đi !”. Ngay lập tức, “một người to lớn chạy vụt ra vung tay ném con quay rất to vào mặt A Sử. Con quay bằng gỗ ngát lăng vào giữa mặt” con trai thống lý Pá Tra. A Sử “vừa kịp bưng tay lên” thì A Phủ đã “xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo dập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp”. Những hành động của A Phủ diễn ra liên tiếp, nhanh và mạnh đến mức A Sử không kịp chống đỡ. Một loạt các động từ chỉ hành động với nhịp nhanh, mạnh, dồn dập, dứt khoát đã được Tô Hoài sử dụng ở đây để đặc tả các đòn đánh tới tấp, áp đảo của A Phủ. Những đòn đánh ấy vừa cho thấy sức mạnh của chàng trai này vừa tạo nên một hình ảnh thật dũng mãnh, hiên ngang ở A Phủ khi đối đầu không chút sợ hãi với con trai quan thống lý - một thứ “con giời” ở vùng núi cao Tây Bắc. Như vậy, nếu sự xuất hiện của Mị gây chú ý cho người đọc ở hình ảnh tương phản với cảnh sống ở nhà Pá Tra thì sự xuất hiện của A Phủ lại khiến độc giả phải lưu tâm về hành động mạnh mẽ, dám đối đầu và đánh bị thương con trai thống lý mà không một chút đắn đo, suy tính. Sự xuất hiện của nhân vật này cũng khiến bạn đọc phải tò mò tìm hiểu xem A Phủ là ai mà hiên ngang như vậy ? Đánh A Sử rồi, A Phủ liệu có bị đòn thù từ thống lý Pá Tra ? Số phận con người này rồi sẽ thế nào?… Câu trả lời chắc chắn sẽ được nhà văn đưa đến trong những đoạn tiếp theo của truyện. Một lần nữa, ta thấy cách dẫn dắt câu chuyện và giới thiệu nhân vật khéo léo, tài tình của Tô Hoài.

A Phủ - chàng trai mồ côi, nghèo nhưng khỏe mạnh và có khả năng lao động thật đáng quý. Theo lời kể của người trần thuật – nhà văn, A Phủ có một hoàn cảnh xuất thân không may mắn, rất đáng thương. A Phủ mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cha mẹ và cả anh em ruột của A Phủ đều bị chết trong “một trận bệnh đậu mùa”. Bản thân A Phủ bị một người trong làng Háng-bla đói bụng bắt “đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái”. Không gia đình, không ruộng nương, không có bạc, chỉ duy nhất có “một chiếc vòng vía lằn trên cổ”, A Phủ chấp nhận cảnh sống nghèo khổ, đi làm thuê làm mướn để có cái ăn. Tuy nhiên, chính cuộc sống khó nhọc và cùng cực ấy đã hun đúc nên ở A Phủ một sức sống mạnh mẽ, một tính cách thật gan góc, cùng khả năng lao động thật đáng quý. A Phủ không chỉ biết làm những công việc thường ngày như “đúc lưỡi cày”, “đục cuốc” mà còn “cày giỏi”, thậm chí có thể một mình làm những công việc lao động nặng nhọc, khó khăn, nguy hiểm : “đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng”. Sức khỏe của A Phủ là niềm mơ ước của nhiều gia đình, nhiều cô gái : “Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy mà giàu”. Có thể nói, dù xuất thân kém may mắn nhưng với sức mạnh thể chất, với tâm hồn trong sáng, chất phác và nhất là khả năng lao động tuyệt vời, A Phủ cũng rất xứng đáng có được một cuộc sống bình thường của một người dân lao động nghèo.

A Phủ - nạn nhân của cường quyền tàn bạo và những hủ tục vô lý, tàn nhẫn ở rẻo cao Tây Bắc. Tuy nhiên, cũng giống như Mị, A Phủ là nạn nhân của cường quyền tàn bạo và những hủ tục đã sâu rễ bền gốc ở những rẻo cao Tây Bắc. Trước hết là cường quyền. Chỉ vì đánh con trai quan thống lý, A Phủ đã phải hứng chịu những trận đòn dã man của tên địa chủ, cường hào miền núi Pá Tra. Hắn cho trói A Phủ, bắt quỳ ở giữa nhà rồi cho bọn trai làng xô đến đánh. Cùng với cường quyền là những hủ tục. Cảnh bọn “chức việc khắp vùng Hồng Ngài” từ “các lí dịch, quan làng” đến “thống quán, xéo phải đội mũ, quấn khăn” kéo tới “dự đám xử kiện” A Phủ và “ăn cỗ” là một bức tranh cụ thể và sinh động về một tập tục cổ hủ, tàn nhẫn mang dáng dấp của ách áp chế kiểu trung cổ ở miền núi. Cuộc xử kiện diễn ra trong khói thuốc phiện mù mịt “Suốt từ trưa cho tới hết đêm mấy chục người hút”.“Cứ mỗi đợt bọn chức việc hút thuốc phiện xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến đánh. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu”; “Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút”; “Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút”. Không chỉ bị đánh lên đánh xuống, A Phủ còn phải “nộp vạ”. Có ba tầng “nộp vạ”: cho người bị đánh (A Sử);“cho thống quan năm đồng, mỗi xéo phải hai đồng, mỗi người đi gọi các quan làng về hầu kiện năm hào”; cho “các quan hút thuốc từ hôm qua tới nay”, “mất con lợn hai mươi cân, chốc nữa mổ để các quan làng ăn vạ”. Có thể nói A Phủ đã phải gánh tất cả các loại “phí” vô lý của đám xử kiện trong đó có “lệ phí bồi dưỡng” cho những kẻ chỉ đến xem “xử án” mình mà không có một câu bênh vực, không có một lời bào chữa. Vô lý hơn nữa là cái “phí hưởng lạc” mà A Phủ phải trả cho các quan đến “ăn cỗ xử kiện” mình. Đúng là một thứ hủ tục cực kì lạc hậu, phản nhân văn, phi nhân tính. Nó là sản phẩm của ý thức mông muội đã ăn sâu bén rễ vào tâm thức những người dân nơi miền núi cao Tây Bắc. Đến như A Phủ, một chàng trai dũng mãnh, ngoan cường là thế mà cũng đã chấp nhận nó một cách vô điều kiện. Ở đây, sự chấp nhận ấy không chỉ nằm ở hoàn cảnh thân cô, thế cô của A Phủ mà còn bắt nguồn từ cái ý thức đã in sẵn từ bao đời nay trong đầu A Phủ và biết bao người dân khác nữa. Chẳng thế mà sau đám “xử kiện”, chính A Phủ, chứ không phải ai khác đã tự tay cầm dao, chân đau bước tập tễnh đi làm thịt lợn hầu chính những kẻ đã “đánh hội đồng” mình, những kẻ đã làm cho mình từ nay trở thành nô lệ cho nhà thống lý. Như vậy, có thể cho rằng có hai A Phủ đối lập nhau trong một con người: một A Phủ cường tráng, bất khuất và một A Phủ cam phận tôi đòi. Con người trước là biểu trưng cho sức mạnh, cho vẻ đẹp thể chất và tinh thần của người dân lao động miền núi Tây Bắc. Còn con người sau là hiện thân của nỗi đau bị chà đạp, của ý thức sơ khai, hoang dã. Hai nét tính cách này vừa thống nhất cùng nhau vừa xung đột với nhau, và đó chính là nguồn gốc làm nên sự vận động, phát triển nội tại của hình tượng A Phủ mà hành động tự giải thoát khỏi nhà thống lý Pá Tra là điểm bắt đầu của sự phát triển ấy.

Cùng chiều hướng số phận và sự phát triển tính cách như Mị, A Phủ không hề mất đi cái sức sống tiềm tàng mãnh liệt của những người con tự do của núi rừng. Cuộc sống địa ngục trần gian ở nhà thống lí Pá Tra không hủy diệt được ngọn lửa của lòng ham sống trong A Phủ. Sự cam phận, nhẫn nhục chỉ tạm làm ngọn lửa ấy bớt cháy ngùn ngụt chứ chẳng thể khiến nó tắt ngấm. Vì thế, chỉ cần một trận gió mát lành thổi tới là nó lại bùng cháy một cách mãnh liệt. Vì để hổ vồ mất bò A Phủ đã bị “trói đứng vào một cây cột trong góc nhà bằng dây mây quấn từ chân đến vai”. Cái kiểu trói tàn nhẫn ấy, sự đớn đau về thể xác mà nó mang lại, Mị đã từng trải qua. Tô Hoài đã thông qua cảm nhận của Mị để gián tiếp miêu tả nỗi đau và tình cảnh nguy kịch của A Phủ : “trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết […]. Cơ chừng chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét”. Nhưng chính trong khoảnh khắc cận kề cái chết ấy của A Phủ, nhà văn đã cho mọi người thấy cái sức sống mãnh liệt đến mức nào của anh. Được Mị cắt bỏ hết dây trói, mặc dù “khuỵu xuống”, chân “không bước nổi” nhưng A Phủ vẫn “quật sức vùng lên” và “chạy”. Bốn chữ “quật sức vùng lên” đã cho thấy sức mạnh quật cường, khả năng đứng dậy mạnh mẽ từ trong đau thương của A Phủ. Cái sức sống tiềm tàng được bảo lưu trong con người A Phủ đã được đánh thức. Lòng ham sống và khát vọng tự do trong anh đã trỗi dậy. Tất cả đã cộng hưởng với nhau để tạo nên một nguồn sức mạnh to lớn giúp A Phủ vượt thoát khỏi thế giới ngục tù ở nhà thống lý để tìm đến một chân trời mới, tự do.

Như vậy, cùng với Mị, nhân vật A Phủ đã thể hiện một cách sống động và chân thực những nét tính cách của người dân lao động miền núi nói chung và người Mông nói riêng. Đó là những con người có bề ngoài lặng lẽ, âm thầm, nhẫn nhục nhưng bên trong lại sôi nổi, mạnh mẽ một niềm ham sống, khát khao tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên, khác với Mị - được miêu tả chủ yếu bằng bút pháp “hướng nội” – A Phủ được khắc họa bằng bút pháp hướng ngoại. Nếu ở Mị, sức sống tiềm tàng mạnh mẽ được nhà văn miêu tả qua đời sống nội tâm thì ở A Phủ cái sức sống ấy lại được “ngoại hiện hóa” ra ở vẻ đẹp nam tính thông qua những hành động dữ dội, quyết liệt và lời nói dứt khoát. Ở A Phủ, ta còn thấy Tô Hoài đã có những phát hiện thú vị về nét riêng, nét lạ trong tính cách nhân vật : âm thầm mà mãnh liệt; đơn sơ mà hết sức dữ dội; và nhất là phóng khoáng, tự do, hồn nhiên như núi rừng Tây Bắc của tổ quốc. Điều đó đã góp phần làm nên một A Phủ độc đáo, một “con người này” bên cạnh hình tượng trung tâm của truyện – nhân vật Mị.

Phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 3

Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc , phong phú về phong tục tập quán của nhiều vùng miền khắc nhau, lối trần thuật hóm hỉnh, vốn từ vựng giàu có, sáng tạo, cách miêu tả đậm chất tạo hình lay động lòng người. Ông đã viết thành công tác phẩm Truyện Tây Bắc, trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ. Qua truyện ngắn này, Tô Hoài đã phản ánh nỗi thống khổ và sự vùng dậy của người Mèo ở Tây Bắc, một lòng quyết tâm đi theo kháng chiến để giành lấy tình yêu, hạnh phúc. Tiêu biểu cho những con người ấy là A Phủ, một trong những nhân vật thành công nhất của Tô Hoài trong tác phẩm này

Năm 1952, Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Chuyến đi thực tế này đã đem đến cho nhà văn cái nhìn sâu sắc và tình cảm thăm thiết với người và cảnh Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” được in trong tập “Truyện Tây Bắc”

Tác giả cho A Phủ xuất hiện đột ngột trong trận đánh nhau với A Sử – con trai thống lí, rồi bị bắt, bị đánh đập, bị phạt vạ phải ở trừ nợ. Sau đó mới kể lai lịch của A Phủ. Cách giới thiệu này vừa gây chú ý cho người đọc vừa nhấn mạnh tính cách mạnh mẽ của A Phủ.

Từ bé, A Phủ đã mồ côi cha mẹ, không còn người thân thích trên đời, bị người làng bắt đem bán cho người Thái ở vùng thấp. Mới mười tuổi, A Phủ đã gan bướng, không thích ở cánh đồng thấp, trốn lên núi, lưu lạc tới Hồng Ngài. Lớn lên giữa núi rừng, A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh “chạy nhanh như ngựa”, “biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc lại giỏi cày và săn bò tót rất bạo”. Con gái trong làng nhiều người mê, họ kháo nhau “Đứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu”. Người ta đùa vậy thôi chứ A Phủ nghèo lắm. Không có cha mẹ, không có ruộng nương, không có bạc, suốt đời làm thuê, làm sao A Phủ lấy nổi vợ. Nếu ở xã hội khác, A Phủ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Thế mà A Phủ bị chà đạp, bị đối xử bất công. Nếu không được Mị giải thoát, chắc A Phủ đã chết trong tay cha con thống lí Pá Tra.

Cá tính gan góc của A Phủ đã bộc lộ từ năm 10 tuổi. Cá tính ấy lại được chính cuộc sống hoang dã núi rừng cùng hoàn cảnh ở đợ làm thuê vất vả cực nhọc hun đúc nên một A Phủ có cá tính mạnh mẽ, táo bạo. Vừa xuất hiện, A Phủ đã lôi cuốn người đọc bằng những hành động mạnh mẽ, dự dội: “chạy vụt ra”, “vung tay ném”, “xộc tới nắm” “kéo dập đầu, xé, đánh tới tấp…”. A Phủ là một người thẳng thắn, nóng tính , thật thà, chất phát. A Phủ đánh A Sử để trừng trị thói con quan ỷ thế làm càn. Anh bị người nhà thống lí bắt, đánh suốt đêm đến mức “mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt chảy máu”, “hai đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ phù”. Dù vậy, A Phủ “chỉ im như cái tượng đá” thể hiện sự gan góc, dám làm dám chịu. Khi đã phải sống thân phận của kẻ làm công trừ nợ, anh vẫn là chàng trai của tự do. Dù phải quanh năm một mình “đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa…”, việc gì A Phủ cũng làm phăng phăng chẳng hề tính toán thiệt hơn.

Vì mải bẫy nhím, để hổ bắt mất một con bò, A Phủ thật thà vác về nửa con bò hổ ăn dở và thản nhiên nói với thống lí “cho tôi mượn cây súng. Tôi đi lấy con hổ về”. Anh coi đó là một việc rất dễ dàng. Thống lí không cho, anh cãi lại cũng rất điềm nhiên. Anh không biết sợ cái uy của bất kì ai. Con hổ hay thống lí cũng thế thôi. Kể cả khi lặng lẽ đi lấy cọc và dây mây rồi đóng cọc để người ta trói đứng mình chết thế mạng cho con vật bị mất, A Phủ cũng làm việc ấy một cách thản nhiên. Là người mạnh mẽ, gan góc, A Phủ không sợ cả cái chết.

Bị trói đứng, đói, khát trong cái lạnh cắt da, A Phủ không cam chịu, anh nhai đứt hai vòng dây trói, song không thoát. A Phủ khóc tuyệt vọng. Nước mắt của chàng trai mạnh mẽ, yêu tự do phải cay đắng buông tay trước số phận nghiệt ngã làm rung động trái tim người đọc. Ta càng thấy rõ hơn bộ mặt tàn bạo của chế độ phong kiến, chúa đất ở miền núi khi xưa.

Nhân vật A Phủ đã được khắc họa thành công, sở trường quan sát nhạy bén và khả năng thiên phú trong việc nắm bắt cá tính con người là hai yếu tố giúp nhà văn dựng được một hình tượng đặc sắc chỉ bằng mấy nét đơn sơ. Thông qua nhân vật A Phủ, giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm càng đậm nét.

Phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 4

Cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo để Tô Hoài hình thành Truyện Tây Bắc trong đó có Vợ chồng A Phủ. Vợ Chồng A Phủ đã đặt ra vấn đề về số phận con người, những con người bị bóc lột cả về thể xác lẫn tâm hồn. Một trong những số phận đầy bất hạnh đó chính là nhân vật A Phủ.

A Phủ có một cuộc đời đầy khổ đau tủi nhục. Ngay từ nhỏ, A Phủ đểu mồ côi cha mẹ. Năm đó, làng Háng -Bla phải một trận bệnh đậu mùa. Anh của A Phủ, em A Phủ chết, bố mẹ A Phủ cũng chết. Chỉ còn sót lại có một mình A Phủ. Cuộc đời A Phủ từ đó bơ vơ vất vưởng.

Cũng chỉ vì cái đói, vì miếng ăn mà A Phủ bị người ta bắt đem đổi lấy thóc. Có một người trong làng vì đói quá đã nhẫn tâm bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy cắp của người Thái dưới cánh đồng. Nhưng với bản tính ngang bướng, A Phủ tìm cách trốn lên núi và lưu lạc đến Hồng Ngài. Từ đó A Phủ sống một cuộc sống phiêu bạt. Cuộc đời anh không nhà cửa, không ruộng nương, phải đi làm thuê hết nhà này đến nhà khác.

Năm tháng qua đi, chẳng bao lâu A Phủ đã biết hết các công việc. Cuộc sống đã rèn luyện A Phủ thành một con người vững chãi. A Phủ biết đúc lưỡi cày, lưỡi cuốc, lại cày giỏi và săn bò tót rất bạo. A Phủ lại rất khỏe, chạy nhanh như ngựa, con gái trong làng nhiều người mê. Có người còn khen rằng: “đứa nào được A Phủ cũng bằng con trâu tốt trong làng”.

Tuy nghèo khó, khổ cực nhưng A Phủ cũng sống đầy khát khao. Ngày Tết đến, A Phủ chẳng có quần áo mới như nhiều trai khác, A Phủ chỉ có độc một chiếc vòng vía lằn trên cổ, A Phủ cũng cứ cùng trai làng đem sáo, khèn, con quay và quả pao, quả yến đi tìm người yêu ở các làng trong vùng. Anh ung dung tự tại giữa cuộc sống đầy khắc nghiệt chốn Hồng Ngài.

Thế nhưng, vận rủi đã đến với anh và chuyển hướng cuộc đời anh đến chỗ thảm khốc. Vì xích mích với đám trai làng trong lúc đi chơi, A Phủ đã đánh A Sử, con trai thống lí Pá Tra đến chảy máu. Hành động bột phát ấy đã mang tai họa đến với A Phủ. Anh bị đám trai làng bắt trói và đưa về nhà thống lí để chịu tội.

Từ một thanh niên tự do bỗng dưng A Phủ trở thành nô lệ. Cuộc đời nhân vật A Phủ là điển hình của cảnh áp bức bóc lột ở chốn Hồng Ngài. Bọn thống trị dựa vào đầu óc mê tín của người dân, lợi dụng cường quyền và thần quyền để áp bức, bóc lột sức lao động của họ.

Qua cảnh sử kiện tại nhà thống lý, Tô Hoài đã cho người đọc thấy được bộ mặt dã man tàn bạo của bọn thống trị miền núi. Bọn thống trị bằng sức mạnh của mình đã chà đạp lên quyền sống của con người, tước đoạt ở họ quyền làm người tự do. Không những thế, chúng còn hành hạ thân xác con người tàn tệ như đối xử với thú vật.

A Phủ bị bắt khiêng về ném xuống nhà như một con vật. Thế rồi suốt từ trưa đến chiều, thâu đêm đến sáng hôm sau, bọn chức dịch lợi dụng việc sự kiện kéo đến ăn cỗ và thi nhau hút thuốc phiện. Còn A Phủ suốt đêm đó phải quỳ giữa nhà chịu đòn.

Cứ sau một đợt hút thuốc phiện lại một lần A Phủ bị đánh. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. A Phủ đau lắm nhưng không biết kêu ai. Anh chỉ có một mình, còn bọn chúng thì quá đông. Anh là kẻ có tội, còn bọn chúng dựa vào cả cường quyền, lẫn thần quyền để khuất phục, chế ngự và hành hạ anh. Mọi người biết nhưng không ai nói gì, làm gì. Vì họ cũng tin vào thứ cường quyền và thần quyền ấy.

Cuối cùng A Phủ bị phạt vạ một trăm đồng bạc trắng. A Phủ không có tiền nộp nên phải ở làm kẻ lao động trừ nợ cho nhà thống lí. bản án ấy được khẳng định qua lời của tên thống lí: “bao giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền giả thì tao bắt mày ở lại làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”.

Đau đớn hơn đó là khi A Phủ phải đứng lên cầm con dao, ra chọc tiết, làm thịt lợn để làm cỗ hầu chính những kẻ đã biết anh thành nô lệ. Như vậy, sống trong hoàn cảnh mà mọi quyền lực đều nằm trong tay giai cấp thống trị, số phận của những người dân nghèo thật bi thảm. Họ có thể bị đánh đập dã man, bị chết bất cứ lúc nào.

Cuộc đời A Phủ từ đây rơi vào bóng tối cùng cực. A Phủ chính thức trở thành nô lệ, là công cụ lao động trong nhà thống lý Pá Tra. Quanh năm suốt tháng anh chỉ làm việc quần quật chỉ một thân một mình. A Phủ hết đốt rừng, cuốc nương rồi lại săn bò tót, bẫy hổ, chăn ngựa. Quanh năm một thân một mình, rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng.

Anh chìm ngập trong cả núi công việc, không bao giờ ngơi tay. Cả ngày mưa lẫn ngày nắng người ta thấy lúc nào A Phủ cũng phải làm việc. Lâu dần anh quên cả ý nghĩa của sự tồn tại bản thân, quên hẳn những khát khao của tuổi trẻ.

Tưởng chừng số phận đã an bài số phận A Phủ sẽ là người nô lệ suốt đời suốt kiếp. Rồi anh sẽ chết khi không còn sức lực để làm việc nữa. Thân xác anh sẽ trở về với đất. Cái tên A Phủ sẽ không còn ai nhắc đến. Thế nhưng, một sự việc xảy đến, một lần nữa, cuộc đời A Phủ lại chuyển hướng. Bánh xe số phận lại gập ghềnh.

Lần đó, chỉ do mải mê bẫy dính mà anh để hổ bắt mất bò. Mất một con bò khiến cho thống lý Pá Tra vô cùng giận dữ. Nó trói đứng A Phủ vào cột suốt mấy ngày mấy đêm phải chịu đói, chịu rét cho đến khi A Sử và bọn trai làng giết được con hổ ấy thì chúng mới tha cho anh.

Với sức của A Sử và bọn trai làng nghiện hút, A Phủ không tin chúng sẽ bắt được con hổ. A xin đi bắt hổ nhưng chúng không chịu. Chúng lo sợ anh sẽ bỏ trốn. Và thiếu chút nữa A Phủ đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình nếu không được Mị giải thoát.

Thông qua biểu phản ánh số phận đầy đau thương của nhân vật A Phủ, nhà văn tố cáo mạnh mẽ giai cấp thống trị độc ác đồng thời bày tỏ niềm đồng cảm sâu sắc đối với người dân nghèo. Trong con người của A Phủ, người đọc còn cảm nhận được ở anh những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự ý thức của A Phủ về quyền làm người.

Ngay từ nhỏ A Phủ đã thể hiện sự dũng cảm của mình. A Phủ không chấp nhận sống dưới cánh đồng thấp nên đã trốn lên núi cao. Còn khi bị bọn A Sử phá đám trong buổi chơi tết, A Phủ để xông ra đánh A Sử mà không hề nghĩ rằng đó là con quan: “A Phủ sốc tới, nắm có vòng cổ (dấu hiệu con nhà quan) kéo dập đầu xuống, xé vai áo,đánh tới tấp”.

Khi bị bắt, bị đánh đập, A Phủ không hề kêu van. Anh không hề van xin mà lì như tượng đá. Ngay cả khi làm mất bò, A Phủ thản nhiên vác nửa con bò còn lại về ném xuống gốc đào trước cửa. Anh không chấp nhận chịu trói mà đòi lấy súng để đi bắn hổ. Anh nói dõng dạc: “cho tôi đi. Được con hổ ấy còn nhiều hơn con bò, cho tôi khỏi tội”. Đó là anh tự tin vào bản thân. Bị thống lý trói đứng vào cột, đến đêm A Phủ tìm cách nhay đứt hai vòng dây. Phải chăng, đó chính là ý thức của sự phản kháng trong con người A Phủ.

Khi được Mị giải thoát, dù chân khụy xuống, không bước đổi nhưng đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết A Phủ đã quật sức vùng lên chạy. Anh còn cứu thoát cả cuộc đời nô lệ của Mị. Sự vùng lên tự giải thoát cho chính mình của A Phủ (và Mị) tiêu biểu cho sự vươn lên của đồng bào dân tộc miền núi. Cho dù đó chỉ là sự tự phát nhưng đó là tiền đề cho sự vươn tới ánh sáng của Đảng ở chặng đời sau này của A Phủ.

Mặc dù không được Tô Hoài dành cho nhiều trang viết nhưng nhân vật A Phủ cũng thể hiện sự thành công của nhà văn trong bút pháp khắc họa nhân vật. Thông qua việc phản ánh số phận của A Phủ, nhà văn còn lên tiếng tố cáo tội ác của giai cấp thống trị phong kiến miền núi đồng thời bộc lộ tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình.

Qua cuộc đời và số phận của nhân vật A Phủ, truyện thể hiện lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người lao động nghèo miền núi. Nhà văn trực tiếp phê phán quyết liệt những thế lực chà đạp con người. Truyện khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc.

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ đặt ra vấn đề số phận con người, những con người dưới đáy xã hội, những con người bị tước đoạt hết tài sản, bị bóc lột sức lao động và bị xúc phạm nặng nề về nhân phẩm.

Thông qua cuộc đời đầy khổ đau, tủi nhục và sức mạnh vươn lên của nhân vật A Phủ và nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã đã chỉ ra con đường giải thoát cho người dân tộc miền núi. Muốn vượt lên sức mạnh của cường quyền và thần quyền chỉ có một cách là tìm đến ánh sáng của cách mạng, làm cách mạng và tự giải phóng mình ra khỏi ách thống trị, làm chủ cuộc sống của chính mình.

Phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 5

Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm tiêu biểu khi nhà văn Tô Hoài viết về đề tài Tây Bắc. Tác phẩm này rất đặc sắc sau đó đã được dựng thành phim và được đông đảo khán giả đón nhận. Cùng với đó là những nhân vật ở trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, đã trở thành những nhân vật điển hình. Trong đó nổi bật lên là hình tượng A Phủ và mang những vẻ đẹp của người Tây Bắc và bản lĩnh dám vượt lên số phận.

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài mở đầu khi giới thiệu nhân nhân vật Mị ở trong cảnh tình đầy nghịch lý và cuốn hút độc giả: “Ai ở xa về và có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa và cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi và thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên và cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Và từ một hình ảnh đó đã để rồi khi liên kết xâu chuỗi với nhau, nhà văn làm nổi bật được hình tượng nhân vật trong tác phẩm, mà chính hình ảnh này cũng khiến cho Nhân vật A phủ và Mị có duyên gặp nhau.

A Phủ xuất hiện trong hoàn cảnh mà thật oái oăm và A Phủ đã xô xát đánh nhau với A Sử, con trai của thống lí Pá Tra, và chính vì điều này thì A Phủ mới bị bắt về bị đánh đập tàn nhẫn. Sau tình huống này nhà văn mới bắt đầu giới thiệu về hoàn cảnh của A Phủ và chàng là người nghèo khổ, mất hết cả cha lẫn mẹ và sống kiếp mồ côi không ai chăm sóc. Và trớ trêu hơn khi người làng đói đã bắt A Phủ xuống bán đổi lấy thóc của người Thái ở dưới cánh đồng. Nhưng không cam chịu với số Phận và A Phủ 10 tuổi đã một mình kiếm sống, học hỏi nhiều nghề để phụ trợ cho bản thân. Từ khi còn bé và với số phận chua xót, A Phủ đã biết vượt lên và chống chọi với số phận chứ không để số phận khiến anh có một số phận trớ trêu được . Sức sống tiềm tàng của A Phủ một người đã sớm được bộc lộ và không chỉ khi nhỏ mà khi lớn lên, A Phủ là một chàng thanh niên nổi bật và hiền lành và chăm chỉ lao động. Không những thế, A Phủ dưới lời miêu tả của nhà văn Tô Hoài là một người có sức khỏe hơn người.

A Phủ còn là một con người có đời sống phóng khoáng và yêu đời và chính nghĩa, bởi vì thế nên khi có chuyện bất bình mà dù biết phần thiệt sẽ thuộc về mình và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng A Phủ đã vẫn quyết làm điều đó. Ta thấy ở đây A Phủ là một con người liều lĩnh và chí khí.

Hơn vậy là chính vì lối sống phóng khoáng, sức khỏe hơn người nên anh có nhiều người để ý. Nhiều cô gái lấy làm yêu quý A Phủ nhưng vì tập tục cưới khắc nghiệt nên ở xã hội phong kiến miền núi đương thời và A Phủ bị người ta khinh thường với một lí do nữa, A Phủ làm sao có đủ tiền mà hỏi và cưới vợ.

Khi bị bắt về nhà thống lí Pá Tra, A Phủ đã trở thành nô lệ cho nhà thống lí, và với bản năng của mình thì A Phủ không than, không van xin lấy một lời, A Phủ không bao giờ chịu khuất phục dù trước mình là ai. A Phủ bị đánh rất tàn nhẫn và mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. “Cứ như thế, suốt chiều nhiều ngày, càng hút, càng tỉnh và càng đánh, càng chửi và càng hút”. Những câu văn rất chân thực để miêu tả lại về cảnh xử kiện độc đáo ấy và có đến vài lần nhà văn nhắc đến hình ảnh khói thuốc phiện tuôn ra các lỗ cửa sổ và ông còn sử dụng những câu văn mang tính chất liệt kê và phép lặp cú pháp để nhấn mạnh những tính chất dã man của cường quyền trong nhà Pá Tra đối với những người dân ở miền núi Tây Bắc thời kì phong kiến thực dân thống trị. Bị phạt vạ và A Phủ thành người ở không công quần quật với hàng nghìni công việc. A Phủ có thể đốt rừng và cày nương, vỡ nương, săn bò tót và bẫy hổ, chăn bò và chăn ngựa, quanh năm một thân một mình rong ruổi ngoài gò ngoài rừng và có những khi đói rừng, hổ gấu thường tìm đến các đàn trâu bò dê ngựa, A Phủ đã phải ở lều luôn hàng tháng trong rừng. Nhưng anh không hề nói lại nửa lời mà chấp nhận vì bọn chúa đất đày đọa và áp bức nhân dân quá trơ trẽn. A Phủ đã chấp nhận cũng vì chính A Phủ cũng không có gia đình và có nhà, hơn nữa, anh đã gây nên tội thì cũng phải chịu phạt. Nhưng khi có một vụ việc xảy ra đó là khi hổ vồ mất bò và A Phủ nhất quyết cãi lại lời Thống Lý, quyết tâm đi bắt hổ. Nhưng cuối cùng thì anh đành phải tự tay đóng cọc và lấy một cuộn dây mây để người ta trói mình lại . Ở trong nhà thống lí Pá Tra và sinh mạng anh đúng là đã bị coi thường và anh phải thế mạng cho một con bò đã bị hổ ăn thịt. Và giọt nước mắt trên hõm má đã xám đen lại của anh đã là giọt nước mắt của sự đắng cay và sự cô độc, bất lực và tuyệt vọng.

Tuy nhiên vậy chúng ta thấy được ở A Phủ có một sức phản kháng rất mạnh mẽ và nó được nuôi dưỡng từ khi còn bé cơ cực. Anh phải chịu đánh trong lúc xử kiện vì anh đã gây ra tội nhưng khi anh đánh mất bò thì anh sẵn sàng muốn lấy công chuộc tội và anh tin rằng mình sẽ bắt được con hổ. Bị trói từ chân đến vai và nhưng đêm đến anh đã cúi xuống nhay đứt hai vòng dây mây và anh tìm cách để tự giải thoát mình. Cùng lúc đó khi được Mị cứu và lúc ấy anh đã kiệt sức, vì mấy ngày bị trói, bị đói khát và đau đớn. Nhưng vì cái chết sẽ có thể đến ngay , anh đã quật sức vùng dậy chạy để thoát khỏi xiềng xích nhà thống lí và thoát khỏi cuộc đời nô lệ. Khi mà Mị chạy theo muốn đi cùng A Phủ thì A Phủ đã để cho Mị đi theo và anh không những cứu được mình mà còn cứu được cả Mị.

Sau khi vượt khỏi nhà thống lí thì A Phủ đã tìm tới vùng đất mới để sinh sống. Ở đây, anh cũng đã như nhiều người dân khác phải chịu cuộc sống vô cùng khổ cực do sự áp bức của những bọn thực dân phong kiến nhưng khi gặp được cán bộ cách mạng, anh nhanh chóng trở thành một người cách mạng, một đội trưởng du kích dũng cảm và là người tiêu biểu cho khả năng cách mạng lớn lao của người dân miền núi Tây Bắc. Hình ảnh khi A Phủ giác ngộ thì được chân lí cách mạng là một hình ảnh đẹp và không chỉ A Phủ mà là hiện thân cho những con người ở Tây Bắc.

Bằng ngòi bút tài năng và miêu tả tinh tế của mình, nhà văn Tô Hoài đã làm nổi bật được hình tượng và khí phách của A Phủ – nhân vật điển hình trong truyện. Cùng là với A Phủ là Mị và dù bị áp bức nhưng họ đã phải luôn đấu tranh giành lại hạnh phúc và họ đã phải trải qua bao tủi cực, cay đắng để tự giải phóng bằng sức mạnh quật khởi của chính mình.

Phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 6

Puskin từng viết “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Một trong số đó ta không thể không nhắc tới Tô Hoài một cây bút xuất sắc trong nền văn chương nước nhà. Một trong số đó là tác phẩm Vợ chồng A Phủ, qua tác phẩm, Tô Hoài như muốn cất lên tiếng lòng mình để bạn đọc có thể cảm nhận được cái hay cái đẹp trong hình tượng nhân vật A Phủ được xây dựng.

"Vợ chồng A Phủ" là được sáng tác trong hoàn cảnh sau chuyến đi thực tế cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952 của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm được in trong tập "Truyện Tây Bắc" xuất bản năm 1953. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật chính Mị và A Phủ. Dù nhân vật A Phủ không phải là nhân vật xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện nhưng lại khiến người đọc ấn tượng mãi về sau này dường như lại khiến người đọc ám ảnh cho mãi đến về sau bởi nét tính cách, phẩm chất đáng khen ngợi khiến người đọc vô cùng mến mộ.

Mở đầu phần giới thiệu nhân vật A Phủ, Tô Hoài đã để cho A Phủ xuất hiện trong đánh nhau với A Sử, sau đó bị bắt và bị đánh đập dã man. Tác giả lội ngược dòng kể về hoàn cảnh và tuổi thơ tủi cực của A Phủ. Tuổi thơ của anh chàng gắn với những sự khó khăn, vất vả, khi mất đi gia đình vì nạn dịch chỉ còn một mình bơ vơ, cù bất cù bơ. Đáng thương hơn nữa khi A Phủ còn bị bắt đi để bán đổi lấy thóc nhưng với nét tính cách mạnh mẽ, gan góc từ nhỏ, anh đã chạy thoát và lưu lạc lên Hồng Ngài. Phải làm việc vất vả, cơ cực nhưng A Phủ vẫn nỗ lực từng ngày, trở thành người thanh niên gan dạ, dũng cảm đương đầu với số phận bất hạnh của mình.

Khi lớn lên đôi chút, A Phủ đã cho mọi người thấy được anh là người không hề dễ dàng bị khuất phục, luôn chiến đấu với bản thân để vươn đến những điều tốt đẹp nhất “biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc lại cày giỏi và săn bắn bò tót rất bạo”. Bởi nghị lực sống, lý tưởng cao đẹp đã biến anh trở thành con người được mến mộ bởi mọi người xung quanh. Nghèo khó đến mấy, anh vẫn mang vẻ lạc quan, yêu đời và tự tin vào tương lai phía trước. Điều này khiến nhiều người con gái bị thu hút bởi chàng A Phủ. Nhưng chính vì lẽ không cha không mẹ, nghèo khổ nên A Phủ chẳng thể lấy được vợ, xây dựng được một cuộc sống gia đình như những người bình thường khác. Từ hình ảnh A Phủ đánh A Sử đã khiến người đọc vừa hồi hộp theo từng tình tiết lại vừa thương cảm cho con người này. Hành động “vung con xoay vào mặt A Sử, đánh A Sử tới tấp” đã thể hiện sức mạnh của A Phủ lại càng minh chứng rằng A Phủ chẳng hề nhún nhường này vừa chứng tỏ A Phủ rất khỏe mạnh, vừa không hề nhún nhường trước bọn địa chủ phong kiến tàn bạo. Nhưng vì lý đó mà A Phủ đã bị nhà thống lý Pá Tra tra tấn, bắt phạt ở đợ làm thuê cho nhà thống lí. Có thể nói nhà thống lý chính là hiện thân của chế độ phong kiến miền núi với nhiều hủ tục, sự phân biệt giai cấp nặng nề. Chúng không dừng lại ở việc đánh đập A Phủ như một con vật mà còn đối xử với A Phủ một cách tồi tệ, không hơn không kém con vật. Dù căm phẫn, uất ức đến tột độ nhưng A Phủ chẳng thể kháng cự lại được.

Cuộc đời của A Phủ cũng giống như Mị, sống lay lắt trong nhà thống lí từ ngày này sang ngày khác, dù sống hay chết cũng đều phó mặc cho nhà thống lý. Anh không có quyền lựa chọn cho mình cuộc sống khác, không được chọn hạnh phúc cho mình. Phải làm làm trâu làm ngựa cho gia đình thống lí suốt đời cho đến khi trừ hết nợ. Chính qua nét đặc điểm này Tô Hoài đã khiến người đọc hình dung sự căm phẫn, sự bất hạnh của cuộc đời A Phủ.

Không dừng lại những tình tiết bất hạnh đó, A Phủ tiếp tục phải trải qua một bi kịch khác khi vô tình để hổ vồ mất con bò trong lúc chăn bò mà đã bị nhà thống lý tra tấn, bắt trói vào và đánh đập tàn bạo. Sự đau khổ, bất lực hiện rõ trên khuôn mặt, đôi mắt ấy, và khi chứng kiến cảnh tượng như vậy, Mị đã đem lòng thương cảm, quyết định cởi trói và bỏ trốn cùng A Phủ. Đó là những chuỗi hành động bộc phát nhưng là hậu quả của những ngày tháng bị bóc lột, những con người ấy phải tự tìm lấy cách để giải thoát bản thân mình và đấu tranh để tìm con đường sống còn cho mình.

Người đọc cũng dễ dàng liên tưởng đến những thân phận khốn khổ như Mị và A Phủ mà ta đã từng thấy trong tác phẩm“Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố, nhân vật chị Dậu đã dũng cảm chạy thoát khỏi nhà lý thống trong đêm tối, cái tối tăm mịt mù như cuộc đời chị, người ta mong muốn được một cái kết đẹp của những mảnh đời bất hạnh đó thấy được ánh sáng chiếu rọi của Cách Mạng.

Thành công khi Tô Hoài dùng cây bút chủ lực khắc họa hình tượng nhân vật A Phủ chính là hiện thân cho người nông dân trong xã hội thời bấy giờ bị áp bức, đè nén nhưng vẫn mang trong mình khát khao sống mãnh liệt. Nhà văn miêu tả nhân vật A Phủ qua việc sử dụng các động từ mạnh để thấy được sức sống kiên cường của anh, luôn phải đấu tranh để tự giải phóng bản thân mình bằng sức tiềm tàng của chính mình.

Mời bạn đọc cùng tải về bản DOC hoặc PDF để xem đầy đủ nội dung thông tin nhé

--------------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, mong rằng qua đây bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn nhé.

Tài liệu liên quan cùng tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Ngữ văn lớp 12:

Đánh giá bài viết
54 180.939
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • chouuuu ✔
    chouuuu ✔

    Mình xin văn mẫu bài phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân với

    Thích Phản hồi 08/06/22
    • Chuột Chít
      Chuột Chít

      Có mẫu mở bài, kết bài Vợ chồng A Phủ k bạn

      Thích Phản hồi 08/06/22
      • ۶ⓣ❍p¹ℳųʀⓐɖ¹ĐạŤ¹
        ۶ⓣ❍p¹ℳųʀⓐɖ¹ĐạŤ¹

        Cảm ơn bạn nhiều

        Thích Phản hồi 08/06/22

        Môn Văn khối D

        Xem thêm