Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc bộ tài liệu Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập, nội dung tài liệu được cập nhật chi tiết và ngắn gọn sẽ là nguồn thông tin hữu ích để giúp các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

I. Khái quát về tác giả Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn độc lập

1. Tiểu sử tác giả Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 2/9/1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung; quê làng Kim Liên (làng Sen), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Gia đình: Người xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Mẹ là cụ bà Hoàng Thị Loan.

Trước khi tham gia hoạt động cách mạng Người học chữ Hán, sau đó học tại trường Quốc học Huế, có thời gian dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết).

Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tại bến Nhà Rồng, Người ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1941 trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, Người còn để lại một số di sản văn học quý giá, xứng đáng là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc.

Trong sự nghiệp hoạt động Cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay đổi tên gọi của mình nhiều lần. Trong đó có những cái tên tiêu biểu phải kể đến như: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh,… đây cũng là những cái tên gắn với nhiều tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng trong sự nghiệp văn học của Người.

2. Sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh

a. Quan điểm sáng tác

Hồ Chí Minh chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Người căn dặn nhà văn phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn hiện thực đời sống, và phải giữ tình cảm chân thật; nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc và phải có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Điều nay được thể hiện rất rõ trong cả lối sống và văn chương của Người.

Hồ Chí Minh đã sáng tác được nhiều tác phẩm văn chương có giá trị. Trong đó có những áng văn chính luận giàu sức sống thực tế, sắc sảo về chính kiến và ý tưởng những truyện ngắn độc đáo và hiện đại, hàng trăm bài thơ giàu tình người, tình đời.

b. Phong cách nghệ thuật

Những tác phẩm của Hồ Chí Minh có phong cách đa dạng và thống nhất, kết hợp sâu sắc mà nhuần nhị mối quan hệ giữa chính trị và văn chương, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thống và hiện đại. Dù sáng tác bằng thể loại nào thì tác phẩm của Người đều có phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn, có giá trị bền vững.

Là người có vốn hiểu biết sâu rộng, uyên thâm, nhiều tác phẩm của Người không những mang ý nghĩa sâu xa mà còn mang giá trị nghệ thuật to lớn. Không chỉ thành công ở một đề tài hay một thể loại văn học đặc thù nào, Hồ Chí Minh có rất nhiều tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật thuộc những thể loại khác nhau mà những tác giả khác khó mà có được.

3. Mục đích sáng tác Tuyên ngôn độc lập

Chính thức tuyên bố trước quốc dân, trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Ngăn chặn âm mưu chuẩn bị chiếm lại nước ta của bọn đế quốc thực dân.

Tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt 80 năm qua và tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Khẳng định ý chí của cả dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc.

4. Giá trị lịch sử của bản Tuyên ngôn độc lập

"Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do, cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần một trăm năm của dân tộc ta để có quyền thiêng liêng đó.

Bản tuyên ngôn đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: kỷ nguyên độc lập, tự do, kỷ nguyên nhân dân làm chủ đất nước.

5. Giá trị văn học của bản tuyên ngôn độc lập

“Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn yêu nước lớn của thời đại. Tác phẩm khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập dân tộc gắn liền với quyền sống của con người, nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo của Việt Nam.

“Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận mẫu mực. Dung lượng tác phẩm ngắn gọn, cô đọng, gây ấn tượng sâu sắc. Kết cấu tác phẩm mạch lạc, chặt chẽ, chứng cứ cụ thể, xác thực, lập luận sắc bén, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ tác phẩm chính xác, gợi cảm, tác động mạnh mẽ vào tình cảm, nhận thức của người nghe, người đọc.

II. Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập

Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập mẫu 1

1. Hoàn cảnh ra đời

a. Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Người soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang. Ngày 02/09/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”.

b. Lúc này cũng là thời điểm bọn đế quốc, thực dân nấp sau quân Đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật, đang âm mưu chiếm lại nước ta. Thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng nên Đông Dương phải thuộc quyền của Pháp.

2. Mục đích sáng tác

a. Chính thức tuyên bố trước quốc dân, trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

b. Ngăn chặn âm mưu chuẩn bị chiếm lại nước ta của bọn đế quốc thực dân.

c. Tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt 80 năm qua và tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

d. Khẳng định ý chí của cả dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc.

3. Giá trị lịch sử của bản Tuyên ngôn

a. "Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do, cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần một trăm năm của dân tộc ta để có quyền thiêng liêng đó.

b. Bản tuyên ngôn đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: kỷ nguyên độc lập, tự do, kỷ nguyên nhân dân làm chủ đất nước.

4. Giá trị văn học của bản tuyên ngôn

a. “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn yêu nước lớn của thời đại. Tác phẩm khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập dân tộc gắn liền với quyền sống của con người, nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo của Việt Nam.

b. “Tuyên ngôn độc lập” là một áng văn chính luận mẫu mực. Dung lượng tác phẩm ngắn gọn, cô đọng, gây ấn tượng sâu sắc. Kết cấu tác phẩm mạch lạc, chặt chẽ, chứng cứ cụ thể, xác thực, lập luận sắc bén, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ tác phẩm chính xác, gợi cảm, tác động mạnh mẽ vào tình cảm, nhận thức của người nghe, người đọc.

Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập mẫu 2

I. Hoàn cảnh sáng tác

Tháng 8/1945 nhân cơ hội Nhật đầu hàng Đồng Minh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, cướp chính quyền, giành lại độc lập. Nền độc lập vừa giành lại được có nguy cơ bị đe dọa trước tình hình chính trị phức tạp.

Trên thế giới, nội bộ phe đồng minh có mâu thuẫn giữa Anh. Pháp, Mĩ và Liên xô. Theo nhận định của Đảng cộng sản VN trong hội nghị đảng toàn quốc 15/8/1945 thì mâu thuẫn đó có thể dẫn đến việc "Anh và Mĩ nhân nhượng với Pháp. Cho Pháp quay trở lại Đông Dương". Hơn nữa, Pháp đã dùng những chiêu bài, luận điệu xảo trá để che mắt dư luận thế giới như Khai hóa văn minh, bảo hộ thuộc địa. . . để quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. . . . .

Trong nước, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc lấy danh nghĩa là giải giáp vũ khí quân Nhật nhưng thực chất là dọn đường cho Mĩ vào Đông Dương, phía nam quân Pháp lấp sau anh hùng chiếm lại Đông Nam Bộ. . .

Trước tình hình đó, 26/8/1945 chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc quay trỏ về thủ đô Hà Nội. Tại căn nhà số 48, phố Hàng Ngang người đã soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập.

2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào trong và ngoài nước.

II. Đối tượng sáng tác

Thực dân Pháp - kẻ thù nguy hiểm nhất của nước Việt Nam mới.

Phe Đồng minh và nhân dân thế giới.

Toàn thể dân tộc Việt Nam.

III. Mục đích sáng tác

Răn đe, cảnh cáo trước dã tâm xâm lược của Pháp và Mĩ.

Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới.

Tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, khai sinh ra nước Việt Nam độc lập.

Cổ vũ, khích lệ tinh thần của nhân dân Việt Nam.

Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập mẫu 3

1. Hoàn cảnh ra đời Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh

Hoàn cảnh lịch sử: Bọn thực dân "núp bóng" sau quân Đồng minh vào tước khí giới Nhật có âm mưu đánh chiếm nước ta một lần nữa; thực dân Pháp với cái cớ Nhật đã đầu hàng nên Đông Dương thuộc quyền sở hữu của Pháp

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (ngày 19/8/1945), 7 ngày sau đó, tức ngày 26/8/1945, Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Trong căn nhà số 48, đường Hàng Ngang, Người đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập để ngày 2/9/1945, đọc trước quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

2. Mục đích sáng tác Tuyên ngôn độc lập

Tuyên bố trước toàn bộ đồng bào cả nước, nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân trên đất nước Việt Nam

Chính thức khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam

Tố cáo tội ác và luận điệu xảo trá của thực dân Pháp với danh nghĩa "khai hóa văn minh"

Đập tan âm mưu đánh chiếm nước ta một lần nữa của bọn đế quốc thực dân

Khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập mẫu 4

Ngày 19 - 8 - 1945, chính quyền ở thủ đô về tay nhân dân. Ngày 26 - 8 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng ở Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2 - 9 - 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Vỉệt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước năm mươi vạn đồng bào. Bản Tuyên ngôn thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình trong một điều kiện hoàn cảnh rất đặc biệt. Nước Việt Nam độc lập còn rất non yếu đang đứng trước sự nhòm ngó của bao nhiêu thế lực: Quốc dân đảng, đế quốc Mĩ, quân đội Anh, thực dân Pháp. Thực dân Pháp vẫn rêu rao luận điệu: Việt Nam vốn là thuộc địa của Pháp, nay phát xít Nhật thua nên việt Nam phải trả cho Pháp. Vì vậy bản tuyên ngôn không chỉ thông báo với nhân dân ta mà còn là bản luận chiến với bọn ngoại xâm và là lời khẳng định quyền độc lập chinh đáng của Việt Nam với nhân dân toàn thế giới.

Tuyên ngôn Độc lộp là một văn bản chính luận, vì thế giá trị nghệ thuật của tác phẩm thể hiện ở bố cục chặt chẽ, dẫn chứng xác thực, lí lẽ đanh thép và lập luận chặt chẽ. Những yếu tố này tạo nên sức thuyết cho văn bản. Tuyên ngôn Độc lập là mẫu mực cho thể văn chính luận. Tác phẩm được chia làm bốn phần:

Phần 1 - cơ sở lí luận của Tuyên ngôn: tác giả dẫn ra tuyên ngôn của Mĩ và của Pháp, hai bản tuyên ngôn nổi tiếng đã được cả thế giới công nhận. Cách mở đầu này tạo nên sức mạnh cho bản Tuyên ngôn.

Phần 2 - những dẫn chứng xác thực: tố cáo tội ác của thực dân Pháp để vạch trần luận điệu cướp nước của bọn Pháp.

Phần 3: khẳng định và tuyên bố quyền độc lập chính đáng của nhân dân Việt Nam. Tác giả đã khẳng định chính người Việt Nam đã tự dành được quyền độc lập ấy và sẽ bảo vệ nó đến cùng.

Phần 4: tuyên bố và một lần nữa khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc.

Với lập luận chặt chẽ, hợp tình hợp lí, ngắn gọn và đầy sức thuyết phục, bản Tuyên ngôn Độc lập đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ lịch sử cao quý của mình.

Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập mẫu 5

Ngày 19/8/1945, nhân dân Việt Nam đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi, giành độc lập, tự do cho đất nước, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 26/8/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc trở về Hà Nội. Tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, bác đã soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hang chục vạn đồng bào, bác đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Hoàn cảnh nước ta lúc này rất phức tạp, bọn thực dân, đế quốc mượn danh nghĩa quân đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật đang âm mưu xâu xé Việt Nam, và Thực dân Pháp, để chuẩn bị cho cuộc xâm lược lần thứ hai, chúng đã đưa ra một chiêu bài rất dễ đánh lừa công luận quốc tê: Pháp có công khai hóa Đông Dương, đây vốn là đất bảo hộ của Pháp bị Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, Pháp đương nhiên có quyền trở lại Đông Dương, thay thế quân đội Nhật.

Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập mẫu 6

Bản Tuyên ngôn Độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh được viết vào năm 1945 sau khi cách mạng tháng 8 thành công rực rỡ, liên quân, trong đó có Liên Xô, Mỹ đã đánh thắng phe phát xít trên giới là Đức, Ý, Nhật.

Ở Việt Nam giai đoạn này chủ tịch Hồ Chí Minh đã chớp lấy thời cơ ngàn năm có một kêu gọi người dân đứng lên biểu tình, chống lại phát xít Nhật giành quyền làm chủ của mình. Thắng lợi của cách mạng tháng 8 diễn ra nhanh chóng, không khiến chúng ta phải tổn thất nhiều, mà vẫn giành được quyền làm chủ về tay nhân dân lao động.

Đất nước Việt Nam từ nay bước vào một trang sử vàng mới, để bắt kịp thời đại, và khẳng định chủ quyền của mình. Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định vị trí độc lập, quyền tự do dân chủ của người dân Việt Nam trên toàn thế giới. Từ nay đất nước ta mở ra một trang sử mới được hình thành. Đưa đất nước ta từ nước có chế độ phong kiến cổ hủ lạc hậu hàng nghìn năm, từ này sẽ bước vào một chế độ chính trị hoàn toàn mới chế độ Dân chủ Cộng hòa.

III. Mở bài Tuyên ngôn độc lập

Mở bài Tuyên ngôn độc lập mẫu 1

Nền văn học Việt Nam đã ghi danh nhiều tác giả với những cống hiến quan trọng. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại có những dấu mốc văn học khác nhau. Trong đó, không thể không nhắc đến tác giả Hồ Chí Minh - một nhà lãnh tụ vĩ đại của cách mạng và cũng là nhà văn hóa xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Ngòi bút tinh tế, sắc nét của người được thể hiện qua những tác phẩm từ văn học đến chính sự. Một trong những “kiệt tác” phải kể đến chính là Tuyên ngôn độc lập - một văn bản minh chứng hùng hồn cho nền độc lập của nước nhà.

Mở bài Tuyên ngôn độc lập mẫu 2

Năm tháng trôi qua, nhiều thứ đã trở thành dĩ vãng tuy nhiên những giá trị thì vẫn trường tồn cùng thời gian và gây ấn tượng sâu sắc với thế hệ đi sau. Có thể lúc bấy giờ có rất nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu, nhưng mãi sau này chúng ta vẫn còn ấn tượng và yêu quý tác giả Hồ Chí Minh với áng văn Tuyên ngôn độc lập - bản tuyên ngôn khẳng định chủ quyền của nước nhà có ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn.

Mở bài Tuyên ngôn độc lập mẫu 3

Để làm nên một tác phẩm thành công, bên cạnh việc lựa chọn chủ đề, xây dựng nhân vật và sử dụng các biện pháp nghệ thuật thì mỗi nhà văn, nhà thơ cần phải có một phong cách nghệ thuật đặc sắc, khác biệt để tác phẩm của mình mang nhiều giá trị, ý nghĩa. Một trong những tác phẩm để lại nhiều giá trị to lớn cho lịch sử Việt Nam cũng như nền văn học nước nhà chính là bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mở bài Tuyên ngôn độc lập mẫu 4

Trong lịch sử văn học cũng như lịch sử dựng nước, giữ nước, chúng ta đã có ba bản tuyên ngôn độc lập: “Nam quốc sơn hà” (lý Thường Kiệt), “Đại cáo bình Ngô” (Nguyễn Trãi) và đặc biệt là “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh. Đánh giá về giá trị của tác phẩm, các ý kiến đều thống nhất khi nhận định “Tuyên ngôn độc lập” vừa là một văn kiện lịch sử vô giá, vừa là một mẫu mực của văn chính luận. Phần nêu cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cho bản tuyên ngôn là minh chứng tiêu biểu cho mẫu mực của nghệ thuật lập luận đó.

IV. Kết bài Tuyên ngôn độc lập

Kết bài Tuyên ngôn độc lập mẫu 1

Như vậy, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh không chỉ là áng văn chính luận xuất sắc với luận điểm sắc sảo, luận cứ thuyết phục mà còn là văn kiện lịch sử quan trọng, là bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khẳng định nền độc lập của dân tộc sau hơn 80 năm giời nô lệ, mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do và tự chủ.

Kết bài Tuyên ngôn độc lập mẫu 2

Đây là bản Tuyên ngôn độc tập lần đầu tiên tuyên bố với thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới, đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do cho một dân tộc bất khuất kiên cường. Nó đánh dấu thắng lợi đầu tiên của một nước thuộc địa châu Á. Mặt khác, bản Tuyên ngôn coi là một áng văn chính luận mẫu mực, đanh thép và lôi cuốn ở lý lẽ và lập luận chặt chẽ, ở từ ngữ, hình ảnh dễ cảm, chính xác, mạnh mẽ, ở câu văn gọn mà sắc, giản dị mà hùng hồn, đã vừa cảnh cáo, vạch mặt kẻ thù, vừa khích lệ, động viên tinh thần nhân dân, và tranh thủ sự đồng tình quốc tế.

Kết bài Tuyên ngôn độc lập mẫu 3

Dù đã có nhiều bản tuyên ngôn độc lập được viết ra nhưng đây là bản “Tuyên ngôn độc tập” đầu tiên tuyên bố với thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới, nó đánh dấu một bước ngoặt cho một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Nó cũng là vết son đỏ đánh dấu thắng lợi đầu tiên của một nước thuộc địa châu Á. Mặt khác, bản Tuyên ngôn còn được coi là một áng văn chính luận mẫu mực bởi những lý lẽ và lập luận chặt chẽ, ngôn từ hình ảnh dễ cảm, chính xác, câu văn gọn mà sắc sảo, giản dị mà hùng hồn, vừa như cảnh cáo, vạch mặt kẻ thù, lại vừa khích lệ, động viên tinh thần của nhân dân, đồng thời tranh thủ sự đồng tình quốc tế.

------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý, Thi thpt Quốc gia môn Toán, đề thi học kì 2 lớp 12, đề thi học kì 1 lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đánh giá bài viết
13 124.095
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 12

    Xem thêm