Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình

Các bạn học sinh thân mến! Để giúp các bạn học tập hiệu quả hơn môn Ngữ văn lớp 12, VnDoc đã tổng hợp và đăng tải bộ tài liệu: Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình, với nội dung đã được cập nhật chi tiết sẽ giúp các bạn học sinh có kết quả tốt hơn trong học tập. VnDoc mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Học tốt Ngữ văn 12: Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình

1. Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình mẫu 1

Đặt Vấn Đề:

- Một xã hội chỉ phát triển khi giáo dục phát triển. Vì thế mà học tập là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Bàn về học tập có nhiều câu nói, trong đó UNESCO đã đề xuất về mục đích của học tập đó là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Giải Quyết Vấn Đề:

Bước 1: Giải Thích

- Học tập là 1 quá trình quan trọng trong cuộc đời của con người. Đó là quá trình tích luỹ tri thức, tiếp thu kiến thức của nhân loại để tạo nên học vấn của bản thân. Học còn là việc rèn luyện những kỹ năng trong đời sống như giao tiếp, ứng xử,… Học tập góp phần tạo nên sự trưởng thành cho mỗi con người.

- Học để biết là mục đích đầu tiên của việc học. Học để tiếp thu, tích luỹ tri thức, nâng cao hiểu biết, mở mang trí tuệ về mọi lĩnh vực của cuộc sống.

- Học không chỉ để biết mà tiến đến cấp độ thứ hai là học để làm. Vận dụng những điều đã học vào giải quyết những vấn đề nảy sinh thì việc học mới có ý nghĩa, nếu không chỉ là lý thuyết suông. Bởi việc học phải đi đôi với hành.

- Học để chung sống là hệ quả từ việc học để biết và học để làm. Việc học sẽ giúp ta hoà nhập với cộng đồng. Khi chung sống trong cộng đồng, ta có thể hoàn thiện bản thân để đi đến mục đích cao nhất của việc học tập đó là hoàn thiện nhân cách và khẳng định ý nghĩa của cuộc đời mình. Đó chính là học để tự khẳng định mình.

=> Câu nói của UNESCO nhằm khái quát 4 mức độ của mục đích học tập. Học để tích luỹ kiến thức và vận dụng vào cuộc sống qua đó cống hiến cho cộng đồng và hoàn thiện bản thân mình.

Bước 2: Bình

- Đánh giá: Lời đề xướng của UNESCO về mục đích học tập đã trình bày một quan điểm đúng đắn về mục đích của học tập bởi nó đã giúp ta nhận thức rõ ràng và thấu đáo hơn về việc học. “Học để biết” là bước đầu tiên để tích luỹ hành trang cho cuộc sống. “Học để làm” là biến lý thuyết thành thực tế để đóng góp cho cộng đồng và giúp con người khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

- Nhận xét: Bằng việc sử dụng hình thức điệp từ, điệp cấu trúc câu để khẳng định, nhấn mạnh mục đích của việc học, câu nói đã tác động mạnh đến người nghe như một lời tuyên bố hùng hồn về ý nghĩa và tầm quan trọng của học tập trong cuộc sống. Việc học có giá trị to lớn đối với mỗi cá nhân cũng như đối với cộng đồng. Do đó một khi hiểu được mục đích cao cả của việc học, con người sẽ có động lực và tình yêu đối với học tập.

Bước 3: Luận

- Là một tổ chức uy tín, có vai trò tích cực đến sự phát triển của nhân loại, UNESCO đã nhận thấy việc đánh giá đúng mục đích việc học có ý nghĩa vô cùng to lớn với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, chính vì không phải ai cũng nhận thức được mục đích học tập mà ỷ lại, dựa dẫm nên đã dẫn đến nhiều biểu hiện sai trái như tiêu cực trong thi cử, “đổi tình lấy điểm”,… Dó là một thực trạng đáng lo ngại cho giáo dục.

- Khi nhận thấy mục đích của việc học, bản thân cần tự thay đổi trước tiên. Tích cực tìm hiểu nội dung bài học, đào sâu nghiên cứu các vấn đề khó để tìm câu trả lời, tham gia các hoạt động xã hội để rèn luyện kỹ năng sống… Không thể trông chờ ai khác đem hoa thơm trái ngọt đến cho mình mà phải tự tay vun trồng.

2. Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình mẫu 2

a) Mở bài

Giới thiệu: Trong thời đại khoa học tiên tiến như hiện nay, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng. Học tập là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Vậy học để làm gì? Trả lời cho câu hỏi này UNESCO đã đề xướng mục đích học tập:” Học để biết, học để….”.

b) Thân bài

* Giải thích, nêu quan điểm bản thân:

- Vì sao học để biết? Học để biết co ý nghĩa gì? Trước hết là học để biết. Bài học đầu tiên của mỗi học sinh là học chữ cái, con số rồi cách viết, cách đọc. Chính từ nền tảng cơ bản nhất ấy đã dần hình thành nên một hệ thống kiến thức toàn diện ở mức phổ thông. Học ở đây là quá trình tiếp nhận kiến thức do người khác truyền lại và tự mình làm giàu vốn kiến thức cho mình. Qua việc học, chúng ta biết được những quy luật vận động của tự nhiên, những quy tắc chuẩn mực của xã hội, cách sống và hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Thu nhận kiến thức có thể nói là mục đích học tập cơ bản nhất. Học tập trau dồi trí thức cho con người và làm cho trí tuệ con người sáng rạng ra.

- Vì sao học để làm? Học và làm có mối quan hệ như thế nào? cha ông ta quan niệm Trăm hay không bằng tay quen, nếu như chỉ chăm học lí thuyết mà không chịu thực hành thì khi làm việc không tránh khỏi những khó khăn, thậm chí là thất bại. Một ví dụ dễ thấy rằng: trong cuộc sống của chúng ta, không ít người hiểu rộng biết nhiều nhưng khả năng thực hành lại rất kém. Ngược lại, tại sao những người nông dân “chân lấm tay bùn” suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không được học hành, đào tạo qua trường lớp nào mà tay nghề lại tài giỏi, xuất sắc như vậy? Đó là khả năng quan sát, đúc rút kinh nghiệm trong lao động của họ. Những người hay nói mà không hay làm là những người vô dụng. Đó là những con người chỉ biết trang trí bản thân chứ không biết rèn luyện bản thân.

Như vậy “học” thôi chưa đủ mà còn phải “đi đôi với hành” nữa. Tất nhiên, chúng ta không nên nghiêng về 1 phía: "học" quan trọng hơn hay “hành” quan trọng hơn mà cần biết điều hòa kết hợp giữa hai yếu tố trên. Trong xã hội ngày nay, tri thức là tiền dề quan trọng. Để hoàn thành được công việc có kĩ thuật cao cần phải nắm vững lí thuyết để vận dụng cho phù hợp. Lí thuyết gắn với thực hành sẽ tạo ra năng suất công việc cao hơn. Qua đây, ta thấy được tác động 2 chiều giữa “học” và “hành”, “biết” và “làm”, chúng bổ sung, tương tác với nhau, là 2 mặt của 1 quá trình.

- Học để sống có ý nghĩ gì? Vì sao? Bên cạnh việc đề cao giữa thu nhận kiến thức và thực hành, UNESCO đã chỉ ra: "học để chung sống". Đây chính là mục đính học tập rất nhân văn. Học tập giúp ta hiểu hơn về thế giới xung quanh, làm cho những trạng thái tâm hồn ta trở nên linh hoạt hơn, đa dạng phong phú hơn. Ta đã biết mỉm cười trước niềm vui của người khác, biết đau nỗi đau của con người, biết giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông và tìm được chính mình. Tri thức tự nó đã là sức mạnh giúp cho con người rộng lượng hơn, vị tha hơn và tự tin hơn trong cuộc sống; để hiểu được mọi người xung quanh, cải thiện các mối quan hệ theo hướng tích cực hơn.

- Giải thích câu Học để khẳng định mình: Và “học để tự khẳng định mình”. Sống không chỉ là tồn tại mà sống còn là phải để người khác biết mình tồn tại, sống có mục đích. Vì thế ta phải học thật giỏi, phải biết nhiều tri thức để không những mình được sung sướng mà còn giúp đỡ mọi người, góp phần đưa xã hội phát triển đi lên. Đó là tự khẳng định bản thân mình.

c) Kết luận: Nêu tác dụng và ý nghĩa của việc học. Tất cả đều cho thấy việc học, việc xác định mục đích học tập là rất quan trọng. Nó không chỉ quan trọng đối với bản thân mà còn quan trọng với mọi người, xã hội và đất nước. Nó giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn, được mọi người tin yêu, quý trọng. Góp phần vào sự phát triển của xã hội và đất nước, rèn luyện nhân cách làm người. Mục đích học tập mà UNESCO đề xướng rất đúng đắn, nhân văn: Học vấn làm đẹp con người!

3. Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình mẫu 3

I. Mở bài:

- Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích và mục đích đúng đắn của việc học.

- Mỗi thời đại, con người có mục đích học tập không giống nhau. Tổ chức UNESCO đã đề xướng... nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.

II. Thân bài:

1. Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESCO:

- Học để biết:

+ Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống "trường đời".

+ "Học để biết" là mục đích đầu tiên của việc học. "Biết" là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống...

+ Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc...

+ Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, "biết người", "biết mình", biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho "Đắc nhân tâm"...

Học để làm:

- "Học để làm" là mục đích tiếp theo của việc học. "Làm" là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học – "Học đi đôi với hành".

+ Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hội.

+ Ví dụ: Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ... đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.

+ Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.

- Học để chung sống:

+ Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. "Chung sống" là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử... để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc "biết", "làm".

+ Bởi lẽ, "con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội". Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.

- Học để tự khẳng định mình:

+ Là mục đích sau cùng của việc học. "Tự khẳng định mình" là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống.

+ Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất...

2. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

- Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện.

- Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học. Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu.

- Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình. Ví dụ: Học sinh không biết viết đơn xin nghỉ học đúng quy cách; kĩ sư giỏi, được đào tạo bài bản mà không chế tạo được những công cụ trong sản xuất nông nghiệp; có học vị, bằng cấp nhưng cách ứng xử thì vụng về, lối sống lại thiếu văn hóa...

3. Bài học về nhận thức và hành động của bản thân:

- Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy "làm người"...

- Mục đích học tập này giúp người học:

- Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập.

- Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế.

- Học phải đi đôi với hành để khẳng định mình. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội.

III. Kết bài:

- Khẳng định vai trò của học tập: học để không bị ngu dốt, nghèo nàn và lạc hậu. Học để khẳng định sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại.

- Liên hệ bản thân: Đã xác định được mục đích đúng đắn cho việc học của mình chưa? Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?

4. Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình mẫu 4

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề bằng câu nói của Lê-nin: "Học, học nữa, học mãi" để đề cao tầm quan trọng của việc học.

- Nêu vấn đề: Mục đích học tập do UNESCO đề xướng: "Học để biết... học để tự khẳng định mình".

2. Thân bài

* Giải thích ý kiến: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình"

- "Học để biết": Nhờ học tập mà chúng ta tiếp thu những kiến thức mởi mẻ, bổ ích.

- "Học để làm": Áp dụng các kiến thức lý thuyết vào đời sống, kết hợp lí thuyết với thực hành.

- "Học để chung sống": Học để thích nghi với mọi hoàn cảnh và giúp cho các mối quan hệ giữa người - người trở nên khăng khít, bền chặt hơn.

- "Học để khẳng định mình": Học để tự khẳng định giá trị của bản thân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội thực tại.

=> Thông điệp gửi đến mọi người, đặc biệt là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

* Tầm quan trọng của việc học tập suốt đời:

- Học giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về dân tộc và thế giới: Đi qua những năm tháng hào hùng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc qua môn Lịch sử; biết thêm về không gian địa lí, sông ngòi, núi rừng, các đất nước tươi đẹp trên thế giới qua môn Địa lí; được học cách tính toán, logic, giải thích các hiện tượng qua Toán, Lí, Hóa,...; được trau dồi, bồi dưỡng năng khiếu qua Âm nhạc, Hội họa, Thể thao...

- Học giúp chúng ta hòa nhập, chung sống trong cộng đồng:

+ Giúp ta rèn luyện nhân cách đạo đức, lối sống, có ý thức và trách nhiệm công dân.

+ Giúp ta biết cách đối nhân xử thế, biết cách lắng nghe, tôn trọng, thấu hiểu, đồng cảm với nhau, từ đó biết giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

=> Dẫn chứng: Văn học dạy ta cách làm người, giúp ta biết làm người hơn (tác phẩm Chí Phèo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,...).

- Giúp con người tự khẳng định bản thân.

=> Dẫn chứng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Ngô Bảo Châu, các doanh nhân thành đạt, ca sĩ nổi tiếng, nhạc sĩ, nhà văn được yêu mến,...

* Mở rộng vấn đề: Bên cạnh đó, vẫn có nhiều người còn xem thường việc học, ham chơi, tiêu tốn thời gian vào những việc vô bổ...

=> Cần phê phán, lên án.

* Học tập như thế nào là đúng đắn:

- Xác định rõ ràng mục tiêu học tập.

- Chủ động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức.

- Thường xuyên trau dồi tri thức, tự học, tự rèn luyện, "Học để biết... học để tự khẳng định mình".

3. Kết bài

- Khẳng định lại tính đúng đắn của ý kiến "Học để biết... học để tự khẳng định mình".

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

5. Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình mẫu 5

Mở bài

Giới thiệu về tầm quan trọng của việc học tập và khẳng định rằng học không chỉ là việc biết, làm và sống chung, mà còn là cách để khẳng định bản thân.

Thân bài

a. Giải thích

Khuyên nhủ con người nên có tinh thần tự học, tích cực và cố gắng học tập để trau dồi bản thân.

Đề cập đến những phương pháp học tập hữu ích và quan trọng như luôn tìm tòi kiến thức mới, không ngừng học hỏi ở mọi lúc mọi nơi, và cẩn thận thực hành để hoàn thiện bản thân.

b. Phân tích

Nêu rõ biểu hiện của việc cố gắng học tập, bao gồm luôn nỗ lực, tìm tòi những kiến thức mới và có ý thức tự giác trong quá trình học tập.

Đề cập đến vai trò và ý nghĩa của việc cố gắng học tập, bao gồm nhớ lâu và vận dụng kiến thức một cách hữu ích, phát triển tính sáng tạo và độc lập, cùng với ý thức cao và sự chủ động trong cuộc sống.

c. Liên hệ bản thân

Một người học sinh cần có nhận thức đúng đắn về việc học tập, lắng nghe ông bà, cha mẹ và tôn trọng thầy cô.

Nêu tầm quan trọng của việc yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh, cũng như giữ gìn và bảo vệ tổ quốc.

d. Phản đề

Tương phản với những người chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm cá nhân đối với quê hương và đất nước, cũng như với những học sinh lười học và không tập trung vào việc học của mình.

Kết bài

Tóm tắt lại vấn đề nghị luận và khẳng định rằng học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định bản thân là cách để phát triển và thành công trong cuộc sống.

6. Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình

Chúng ta đều thừa nhận vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc học đối với cuộc sống con người. Do đó, ý kiến "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình" là hoàn toàn chính xác và phù hợp. Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học và cuộc sống thực. Mục đích đầu tiên của việc học là để hiểu biết, mở rộng kiến thức về cuộc sống, tự nhiên, xã hội và con người. Từ việc không biết, ít biết, biết sơ sài, ta trở thành người biết nhiều, biết sâu sắc và hiểu biết về nhiều lĩnh vực, từ đó hoàn thiện bản thân. Hơn nữa, chúng ta cần áp dụng những kiến thức lí thuyết từ sách vở vào thực tế để tạo ra giá trị vật chất và tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống cá nhân và góp phần tạo dựng xã hội. Mục tiêu học tập khác là hòa nhập vào xã hội và thích nghi với mọi môi trường sống. Vì "con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội", bản chất, giá trị và nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định và thử thách trong các mối quan hệ đó. Mục đích cuối cùng của việc học là tự khẳng định bản thân, để có vị trí và địa vị vững chắc trong xã hội, thể hiện ý nghĩa tồn tại cá nhân trong cuộc sống. Chỉ khi có kiến thức, khả năng hành động và khả năng chung sống, mỗi người mới có thể tự khẳng định mình. Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định kiến thức tích lũy, khả năng lao động và sáng tạo, cũng như nhân cách và phẩm chất của bản thân. Từ những mục đích học tập chính đáng này, chúng ta nhận thấy những sai lầm trong nhận thức về học tập: học không có mục đích, coi học là nghĩa vụ đối với người khác, học vì bằng cấp, học vì thành tích, học mà không có khả năng hành động, không biết chung sống và không thể tự khẳng định mình. Từ những luận điểm này, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm học tập cho bản thân. Học không chỉ xảy ra ở một giai đoạn mà phải là một quá trình liên tục suốt đời; không chỉ xảy ra trong nhà trường mà còn phải xảy ra trong xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giáo dục về "làm người," và học phải đi đôi với hành động để khẳng định bản thân. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội. Mỗi người trẻ chúng ta cần nỗ lực học tập ngay từ hôm nay để trở thành công dân có ích cho xã hội.

-------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: Dàn ý Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình, VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo đề thi học kì 1 lớp 12, thi thpt Quốc gia môn Ngữ văn, thi thpt quốc gia môn Lịch sử, thi thpt quốc gia môn Địa lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải. Qua bộ tài liệu các bạn học sinh sẽ học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12. Chúc các bạn học tập hiệu quả!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm