Phân tích Chuyên sâu Tây Tiến
Phân tích Tây Tiến
TÂY TIẾN
- Quang Dũng -
Nội dung bài viết gồm:
- Mở bài chung
- Cảm nhận về đoạn thơ: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi...Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
- Cảm nhận về đoạn thơ: "Doanh trại bùng lên hội đuốc hoa...Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?"
- Cảm nhận về đoạn thơ: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc...Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi!"
A. MỞ BÀI CHUNG
“Quy luật của văn học là quy luật của cái đẹp” và “quy luật của cái đẹp là quy luật của tình cảm”. Vậy tình cảm chứ không phải bất kỳ yếu tố gì khác mới là ngọn nguồn sâu xa của cái đẹp. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đính thực phải hướng con người tới cái đẹp bằng tình cảm của người nghệ sĩ. Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng là một minh chứng sáng giá cho quan niệm đó. Quang Dũng là người nghệ sĩ đa tài vừa viết văn, làm thơ lại biết cả vẽ tranh, soạn nhạc. Nhưng trước hết ông là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt là khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài quê mình. Có lẽ trong suốt cả đời của người nghệ sĩ tài hoa ấy những năm tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến là quãng thời gian đáng nhớ nhất, để lại những dấu ấn và tình cảm sâu đậm nhất. Và bao nhiêu kỉ niệm sâu sắc ấy đã được nhà thơ lưu giữ lại với thời gian trong một thi phẩm xuất sắc, được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp: “Tây Tiến” - bài thơ mang chứa gần như trọn vẹn những gì là đặc trưng nhất của hồn thơ Quang Dũng.
B. PHÂN TÍCH ĐOẠN THƠ
Phân tích đoạn số 1:
Cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
(Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD VN, 2018, tr.88)
I. MỞ BÀI
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tk mở bài chung
- Giới thiệu yêu cầu của đề bài:
II. THÂN BÀI
1. Khái quát
1.1. Hoàn cảnh sáng tác
- Giới thiệu đoàn binh Tây Tiến:
+ Tây Tiến là phiên hiệu một đơn vị bộ đội thành lập năm 1947 (Đây là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tiếng gọi của Đảng, nhiều học sinh - sinh viên đã lên đường tham gia kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”).
+ Nhiệm vụ: Phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch và bảo vệ biên giới Việt - Lào.
+ Địa bàn hoạt động: Rộng. Bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa - Thượng Lào.
+ Thành phần: Phần đông là thanh niên Hà Nội (nhiều sinh viên, học sinh).
+ Điều kiện sống và chiến đấu: Gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật.
+ Tinh thần: Hào hùng, lãng mạn, lạc quan, yêu đời.
+ Đoàn binh Tây Tiến sau một thời gian hoạt động trở về Hòa Bình, thành lập trung đoàn 52.
- Hoàn cảnh sáng tác cụ thể : Hiện thực đời sống luôn là nguồn cảm hứng vô tận sáng tạo nên văn chương, người nghệ sĩ phải đứng vững trên mảnh đất đời sống, lấy đó làm điểm tựa, điểm xuất phát thì mới mong tạo ra được thứ gì đó để đời. Quang Dũng là là người lính, là một Đại đội trưởng trong đoàn binh Tây Tiến và ông đã bám vào hiện thực của cuộc kháng chiến gian khổ, của những kỉ niệm mà đời lính không thể quên, chắp cánh cảm xúc để cho ra đời tác phẩm để đời. Cuối năm 1948, Quang Dũng phải chuyển đơn vị khác. Rời xa đoàn binh Tây Tiến chưa được bao lâu, khi kỉ niệm về Tây Tiến và hơi ấm đồng đội hầu như vẫn còn nguyên vẹn, tại Phù Lưu Chanh - một làng nhỏ bên bờ sông Đáy hiền hòa, ông nhớ về đơn vị cũ nên viết bài thơ này.
1.2. Xuất xứ và nhan đề:
Nhan đề ban đầu của bài thơ là "Nhớ Tây Tiến" sau đổi thành "Tây Tiến" => Giúp cho tâm tư tình cảm của tác giả được bộc lộ kín đáo hơn.
Bài thơ được in trong tập thơ “Mây đầu ô” (1986).
1.3. Nội dung chính của bài thơ:
Cả bài thơ là nỗi nhớ của nhà thơ Quang Dũng về một thời Tây Tiến. Với tình cảm sâu nặng, cảm hứng vừa hiện thực vừa lãng mạn và ngòi bút tài hoa, nhà thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên Tây Tiến vừa hoang vu, dữ dội, hiểm trở vừa thơ mộng, duyên dáng, mĩ lệ. Trên cái nền thiên nhiên ấy là hình tượng những người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn và bi tráng, vừa dũng cảm, can trường vừa lãng mạn, hào hoa.
2. Phân tích đoạn thơ: Bức tranh thiên nhiên miền Tây hoang vu, dữ dội, hiểm trở và chặng đường hành quân vất vả, gian khổ của những người lính Tây Tiến
2.1. Hai câu thơ đầu:
Hai câu thơ đầu thể hiện chủ đề và cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ bao trùm không gian, thời gian:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
- Bài thơ được bắt đầu bằng tên địa danh Sông Mã ở Thanh Hóa, con sông chảy dọc từ thượng Lào về đất Việt và nằm trong địa bàn hoạt động của những người lính Tây Tiến. Ngoài câu thơ mở đầu, hình ảnh con sông Mã còn được nhắc một lần nữa trong bài thơ "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" cho thấy con sông không còn là vật vô tri vô giác mà trở thành một chứng nhân lịch sử, chứng kiến biết bao vui buồn trong cuộc đời người chiến binh và chính dòng sông ấy, khi có một người lính ngã xuống đã gầm lên khúc nhạc ai oán, não nùng. Sông Mã vì thế trở thành một trong những biểu tượng về một thời Tây Tiến.
- "Sông Mã xa rồi", một thời Tây Tiến đã xa rồi, đã trở thành quá khứ, trở thành những kỉ niệm không thể nào quên. Xa rồi mà vẫn nhớ, nhớ Tây Tiến, “nhớ về rừng núi” Tây Bắc là địa bàn hoạt động của Tây Tiến với bao gian nguy, hiểm họa nhưng cũng thật trữ tình, lãng mạn, nhớ đồng đội thân yêu nên nỗi nhớ ấy được bật lên thành tiếng gọi tha thiết như gọi người thân “Tây Tiến ơi”.
- Nỗi nhớ trở thành cảm xúc chủ đạo thể hiện rõ qua điệp từ "nhớ" được lặp lại hai lần trong một câu thơ thể hiện một nỗi nhớ trào dâng, da diết. Tất cả kỷ niệm giờ lại đang trở về trong cảm xúc nhớ thương đến mức tác giả không kìm nén được. Cụm từ “nhớ chơi vơi” càng thể hiện rõ hơn nỗi nhớ. Thơ ca Việt Nam nói về nỗi nhớ cũng nhiều, và mỗi nhà văn, nhà thơ thể hiện một nỗi nhớ khác nhau. Ca dao có câu thơ về nỗi nhớ người yêu:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”
Tố Hữu viết về nỗi nhớ của người cán bộ cách mạng miền xuôi với thiên nhiên và con người Việt Bắc:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”
Nhưng Quang Dũng trong bài thơ này đã diễn tả nỗi nhớ một cách đầy mới lạ "nhớ chơi vơi”. Chơi vơi là trạng thái chông chênh giữa khoảng không rộng, không thể bấu víu vào đâu cả nên "nhớ chơi vơi” có thể hiểu là một mình giữa thế giới hoài niệm mênh mông, bề bộn, không đầu, không cuối và dường như nỗi nhớ đã nhấc bổng nhà thơ lên chơi vơi giữa không gian và thời gian. Việc láy lại vần "ơi" giữa chữ "ơi" cuối câu thơ thứ nhất với từ láy "chơi vơi" ở cuối câu thơ thứ hai tạo âm hưởng ngân dài, sâu lắng, gợi nỗi nhớ từ lòng người vọng vào thời gian, năm tháng.
2.2. Hai câu 3,4:
Hai câu thơ tiếp theo miêu tả những cuộc hành quân trong đêm sương. miêu tả vẻ đẹp mờ ảo của núi rừng Tây Tiến mà những người lính Tây Tiến cảm nhận được trên đường hành quân:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Với những nét vẽ vừa tài hoa vừa chân thực hai câu thơ làm hiện lên bức tranh thiên nhiên miền Tây heo hút, hùng vĩ, hiểm trở mà thơ mộng. Đó là những đêm sương mờ ảo, bồng bềnh ở Sài Khao, Mường Lát mà không chỉ là màu sương của thiên nhiên che mất tầm mắt mà còn là màu sương mờ ảo của kí ức, hoài niệm.
+ Ở Sài Khao: Sương giăng mắc, bao phủ, che lấp tất cả là một nét vẽ vừa lãng mạn huyền ảo vừa hiện thực. Đoàn quân Tây Tiến đi trong sương mù dày đặc của núi rừng, hình ảnh họ như chìm đi, ẩn hiện trong lớp sương huyền ảo.Vế sau của câu thơ chỉ sử dụng bút pháp hiện thực khi miêu tả đoàn quân dãi dầu, mệt mỏi hiện ra sau màn sương. Đây là một chi tiết thể hiện rõ sự vất vả, gian khổ của những người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân giữa cái khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu miền Tây.
+ Ở Mường Lát: Nếu như câu thơ trên nhà thơ đặc tả hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết thì câu này lại phác họa vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn người lính: "Đêm hơi" là cách sử dụng ngôn từ sáng tạo, mới mẻ chỉ một đêm sương bồng bềnh, huyền ảo. Quang Dũng quả thật tài tình trong việc sử dụng từ ngữ khi người ta nói hoa nở thì nhà thơ lại nói “hoa về”. Hoa về có thể chỉ những bông hoa rừng mà những người lính bắt gặp trong đêm hành quân, có thể chỉ những ngọn đuốc như những bông hoa lung linh, lộng lẫy, soi sáng đường hành quân nhưng cũng có thể đó là hình ảnh các cô gái dân tộc hoặc những nữ chiến sĩ quân y xinh đẹp mà người lính bất chợt bắt gặp trong đêm sương bồng bềnh khiến cảm xúc dâng trào. Có thể thấy người lính hành quân trong gian khổ nhưng tâm hồn lúc nào cũng luôn lạc quan, yêu đời làm bạn với hoa rừng, sương núi.
=> Hai câu thơ như hai nét vẽ tương phản thể hiện hai cực điểm nổi bật của mảnh đất miền Tây khắc nghiệt thật đấy nhưng thơ mộng đẹp đẽ vô cùng. Và có lẽ những người lính Tây Tiến hẳn phải tinh tế, lãng mạn lắm mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của núi rừng nơi đây. Những khó khăn của hoàn cảnh sống không làm mất đi ở họ thế giới tâm hồn phong phú.
2.3. Câu thơ 5,6,7,8:
Những câu thơ tiếp theo của đoạn thơ gợi tả bức tranh thiên nhiên Tây Tiến hoang vu, dữ dội với dốc cao vực sâu và chặng đường hành quân vất vả của những người lính Tây Tiến:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
- Bằng những nét vẽ gân guốc, mạnh bạo, bút pháp tả thực nhà thơ Quang Dũng đã vẽ lên bức trạnh thiên nhiên Tây Tiến hoang vu, dữ dội, hiểm trở với dốc cao, vực sâu. Những dốc núi miền Tây chập chùng, cao ngàn thước mà sâu cũng ngàn thước, dốc lên heo hút, dốc xuống thăm thẳm, lên cao thì cao tít tắp mà xuống thì khiến người ta chóng mặt vì một bên là dốc cao thẳng đứng một bên là vực thẳm không giới hạn, dốc núi lại gồ ghề, khúc khuỷu. Điệp từ "dốc" cho thấy thiên nhiên không còn là đối tượng để thưởng thức ngắm nhìn nữa mà là đối thủ, là sự thử thách hết lên lại xuống, xuống thấp lại lên cao, đèo nối đèo, dốc tiếp dốc, không dứt.
- Các biện pháp nghệ thuật khác như sử dụng các từ láy tạo hình khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút; sử dụng nhiều thanh trắc “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” câu thơ có 7 chữ mà đã có tới 5 chữ là thanh trắc, có câu thơ gãy làm đôi "ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống" và nghệ thuật đối lập đã nhấn mạnh chiều cao, độ sâu, sự gồ ghề, khúc khuỷu của dốc núi.
- Bức tranh thiên nhiên đã gợi lên cả chặng đường hành quân đầy vất vả, gian khổ của những người lính Tây Tiến. Trên chặng đường hành quân họ phải trèo đèo, vượt suối băng rừng, phải vượt qua những đỉnh núi cao đến chạm trời, phải hành quân trong sương mù dày đặc, trong những trận mưa rừng. Đặc biệt, phép nhân hóa “súng ngửi trời” làm hiện lên hình ảnh núi cao heo hút, trên chặng đường hành quân những người lính phải vượt qua những đỉnh núi cao đến chạm trời. Đây là còn là cách nói dí dỏm, đầy chất lính cho thấy những người lính trẻ giữa khó khăn, gian khổ vẫn tinh nghịch, hồn nhiên, yêu đời. Ý thơ cũng làm hiện nổi bật tầm cao kì vĩ của người lính cách mạng, làm chủ cả non sông đất nước của mình. Tư thế làm chủ ấy cũng được Tố Hữu thể hiện:
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo
hoặc giống với ý của một câu ca dao trong kháng chiến:
“Đèo cao thì mặc đèo cao
Ta trèo lên đỉnh ta cao hơn đèo”
- Thiên nhiên Tây Bắc bên cạnh cái hoang vu, hùng vĩ, hiểm trở có những nét vẽ đầy thơ mộng trữ tình như câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ được sử dụng toàn thanh bằng, nhịp thơ cũng chậm lại, âm điệu nhẹ nhàng diễn tả phút nghỉ chân hiếm hoi của người lính. Giữa lưng chừng dốc núi trên đường hành quân, những người lính phóng tầm mắt ra xa để thấy những ngôi nhà, bản làng của người dân tộc thấp thoáng, bồng bềnh sau màn mưa. Câu thơ là một nét vẽ mềm mại giữa những nét vẽ gân guốc, giống như việc sử dụng gam màu trong hội họa, giữa gam màu nóng tác giả sử dụng gam màu lạnh, làm dịu lại và tạo sự cân đối, hài hòa cho bài thơ.
2.4. Câu thơ 9,10:
Trên chặng đường hành quân chiến đấu những vất vả, gian khổ, hi sinh của những người lính Tây Tiến được tái hiện đậm nét:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Bằng bút pháp tả thực, nhà thơ Quang Dũng đã không ngại ngần khi nói đến những vất vả, gian khổ thậm chí là hi sinh của những người lính Tây Tiến. Từ trước đến nay hai câu thơ vẫn tồn tại hai cách hiểu:
+ Miêu tả một giấc ngủ: Một khoảnh khắc nghỉ ngơi của người lính. Sau chặng đường hành quân dốc tiếp dốc, vực tiếp vực, sự dãi dầu nắng gió, mệt mỏi khiến cho những người lính chỉ cần gục trên súng mũ, trong một tư thế không thoải mái mà vẫn có thể ngủ một giấc say sưa như chết.
+ Miêu tả sự hi sinh: Có thể vì dãi dầu nhiều nắng mưa, sương gió, vì căn bệnh sốt rét mà người lính Tây Tiến mệt mỏi đến kiệt sức, không thể bước tiếp, ngã xuống một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Anh gục xuống khi đang hành quân, súng mũ vẫn bên mình, vẫn nghiêm trang trong hàng ngũ. Nghệ thuật nói giảm "không bước nữa", "bỏ quên đời" thể hiện người lính hi sinh chỉ như đang chìm vào giấc ngủ sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, giống như người nông dân:
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng.
Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng.
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Tư thế hi sinh của anh vệ quốc quân chống Pháp đang trên đường hành quân trong bài thơ gợi chúng ta liên tưởng đến tư thế hi sinh của anh giải phóng quân chống Mĩ trong bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên
Tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng
Những sự hi sinh ấy đều là của những con người bình dị mà anh hùng. Chính họ đã góp phần hóa thân thành Đất nước và làm nên truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm:
Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên đất nước
1.1. Câu thơ 11,12:
Tiếp đó là bức tranh thiên nhiên Tây Tiến hoang vu, dữ dội và đầy bí hiểm:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
- Các từ láy "Chiều chiều", "đêm đêm" chỉ quãng thời gian lặp đi lặp lại. Những âm thanh “thác gầm thét” và hình ảnh “cọp trêu người” là sự khẳng định cái bí mật, cái uy lực khủng khiếp ngàn đời của chốn rừng thiêng từng được nhà thơ Thế Lữ miêu tả trong "Nhớ rừng":
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Thì ở đây được Quang Dũng miêu tả:
+ Vào các buổi chiều tiếng nước thác gầm thét. Chỉ một câu thơ ngắn mà gợi ra những âm thanh dữ dội chẳng kém gì tiếng nước thác Sông Đà trong "Người lái đò Sông Đà" của Nguyễn Tuân. Âm thanh của thác nước vào buổi chiều khiến rừng núi trở nên dữ dội và đầy bí hiểm, đáng sợ.
+ Vào ban đêm rừng núi Tây Tiến còn có cọp đe dọa tính mạng con người. Cái tài của Quang Dũng là nhà thơ đã sử dụng một loạt địa danh nhưng địa danh nào cũng đem lại sự thú vị cho người đọc. Không dưới mười địa danh được sử dụng nhưng đó không đơn thuần là sự liệt kê, kể lể mà mỗi địa danh đều khoác trên mình một tấm áo riêng, một điệu hồn riêng. Có những địa danh khi đọc lên đã thấy cái hiểm trở của núi rừng, có những địa danh đầy trữ tình thơ mộng, những cái tên này gợi ý niệm về sự xa ngái và hoang sơ... Ở mỗi địa danh Quang Dũng đều phát hiện và thể hiện đúng thần thái của nó. Dữ dội chỉ có Sài Khao, Mường Hịch… Nồng ấm tình người có Mường Lát, Mai Châu, Pha Luông… Riêng địa danh Mường Hịch trong câu thơ “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” được Vũ Quần Phương nhận xét hai chữ “hịch" và "cọp” và hai dấu nặng đặt giữa câu thơ gợi bước chân chúa sơn lâm đang đến gần, gợi sự ghê rợn của cái chết đang rình rập. Rõ ràng Quang Dũng không sử dụng địa danh một cách tùy hứng mà ông biết lựa chọn để tạo nên sức ám ảnh cho thơ. Và mỗi địa danh đã vượt qua tư cách là những tên gọi địa lí, ngấm vào nỗi nhớ nhà thơ, trở thành sợi thương sợi nhớ và chính điều đó đã làm “đất lạ hóa quê hương”.
- Chiều nối chiều, đêm tiếp đêm, thác thì "gầm thét", cọp thì "trêu người" như để thử thách chí can trường các chiến binh Tây Tiến. Nhưng những nguy hiểm, đầy đe dọa ấy chắc chắn vẫn không đủ làm những người lính Tây Tiến nản lòng.
1.2. Câu thơ 13,14:
Trong khó khăn, gian khổ hi sinh, giữa núi rừng miền Tây đầu hoang vu dữ dội và hiểm trở nhưng cũng thơ mộng, lãng mạn vẻ đẹp tâm hồn của những người lính Tây Tiến và tình quân dân thắm thiết được nhà thơ Quang Dũng gợi tả:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Nếu như ở những câu thơ trước ta đã cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của những người lính Tây Tiến với sự lạc quan, yêu đời, dí dỏm, hồn nhiên qua hình ảnh "súng ngửi trời", tâm hồn lãng mạn nên cảm nhận và thi vị hóa vẻ đẹp của thiên nhiên qua những câu thơ như "Mường Lát hoa về trong đêm hơi"... thì ở hai câu thơ này tâm hồn các chàng trai Tây Tiến lại dễ xúc động trước tình người ấm áp:
+ Hình ảnh cơm lên khói gợi cảnh tượng thật đầm ấm. Sau bao nhiêu gian khổ băng rừng, vượt núi, lội suối, trèo đèo, những người lính tạm đừng chân, được nghỉ ngơi ở một bản làng nào đó và nhận được sự đón tiếp nồng hậu của đồng bào địa phương, họ quây quần bên những nồi cơm đang bốc khói và cảm nhận được tình người ấm áp nơi xứ lạ.
+ Mùi hương nếp xôi: Đến Mai Châu vào mùa lúa nếp người lính Tây Tiến cũng cảm nhận tình được tình cảm mến thương và sự thơ mộng của vùng đất này qua hương thơm của nếp rừng. Hương thơm của tình mẹ, tình em ấy sẽ theo suốt dọc cuộc đời của người lính Tây Tiến. Cái đặc sắc nhất của câu thơ là ở hai chữ “mùa em”, đó là cách định danh, không gọi tên một mùa cụ thể như mùa xuân, mùa hạ, mùa đông, hay mùa thu mà gọi bằng ấn tượng là “mùa em”. Mùa là một đơn vị đo thời gian, em” là một chủ thể trữ tình. Sự kết hợp độc đáo này khiến mùa không còn là của thiên nhiên, đất trời mà đã trở thành mùa của niềm thương nỗi nhớ, mùa của trái tim người lính khi hướng về những bóng dáng thân thương, những tấm lòng thơm thảo.
Bữa xôi tỏa mùi hương trở thành những kỉ niệm không thể phai mờ cũng được nhà thơ Chế Lan Viên ghi nhớ mãi:
“Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”
3. Đánh giá về nội dung và nghệ thuật:
Đoạn thơ đầu khắc họa một Tây Bắc dữ dội, hùng vĩ, mộng mơ, huyền ảo. Thiên nhiên ấy làm nền cho sự xuất hiện của những người lính Tây Tiến vừa hào hùng, phong trần lại vừa hồn nhiên, tươi trẻ. Họ không hề nhụt chí, chùn chântrước khó khăn, gian khổ. Bài thơ ngay từ đầu đã mang màu sắc lãng mạn, bi tráng. Bút pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn mà nổi bật là cảm hứng lãng mạn thể hiện ở cái tôi tràn đầy tình cảm cảm xúc của nhà thơ. Nó phát huy cao độ trí tưởng tượng, sử dụng rộng rãi những yếu tố cường điệu và phóng đại, những thủ pháp đối lập để tô đậm cái phi thường, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ về cái hùng vĩ và tuyệt mĩ. Một nét sáng tạo trong ngôn ngữ thơ nữa là có những kết hợp từ độc đáo, mới lạ, tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới cho từ ngữ (ví dụ: nhớ chơi vơi, đêm hơi, súng ngửi trời, mưa xa khơi, Mai Châu mùa em ...). Nghệ thuật sử dụng tên địa danh cũng là một nét đáng chú ý trong ngôn ngữ thơ.
Thiên nhiên miền Tây, qua ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng, được cảm nhận với vẻ đẹp vừa đa dạng vừa độc đáo, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, hoang sơ mà ấm áp.
Hình ảnh con người miền Tây càng tô đậm thêm chất huyền bí, thơ mộng của núi rừng. Chất lãng mạn còn được thể hiện chủ yếu cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng xả thân, hi sinh tất cả cho lí tưởng chung của cộng đồng, của toàn dân tộc. Từ đó, làm nổi bật hình tượng người lính vừa dũng cảm, can trường vừa lãng mạn, hào hoa.
Phân tích đoạn số 2:
Cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
(Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD VN, 2018, tr.88,89)
Mời bạn xem chi tiết các bài phân tích trong file tải về!