Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Dọn về làng

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12

Mời các em học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Dọn về làng, với nội dung tài liệu đã được VnDoc.com cập nhật một cách chi tiết, chắc chắn đây sẽ là nguồn tài liệu giúp các bạn học sinh học tốt Ngữ văn lớp 12. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 12: Dọn về làng

• Tác giả

Nông Quốc Chấn (1923 - 2002) là nhà thơ dân tộc Tày có nhiều đóng góp cho văn học các dân tộc thiểu số cũng như nền văn học Việt Nam hiện đại, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000). Nhà thơ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong công tác văn hóa, văn nghệ ở nước ta. (Xem Tiểu dẫn về tác giả trong SGK).

• Tác phẩm: Dọn về làng (gợi ý tìm hiểu bài thơ)

Dọn về làng được sáng tác năm 1950, là bài thơ viết về quê hương tác giả trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều đau thương mà anh dũng. Bài thơ được trao giải nhì tại Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Béc-lin, sau đó được dịch đăng trên Tạp chí Châu Âu. Bài thơ viết bằng tiếng Tày, do tác giả dịch sang tiếng Việt.

Dọn về làng là bức tranh hiện thực sinh động của nhân dân Cao Bắc Lạng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Bức tranh có hai mảng tối và sáng: tối là cuộc sống cơ cực, bị giặc lùng bắt, cướp của, giết người tàn bạo, dã man; sáng là cuộc sống hồi sinh, vui tươi Sau ngày hoàn toàn giải phóng. Tứ thơ “dọn về làng” được khơi nguồn từ cảm hứng hồi sinh đó.

Bài thơ có một kết cấu khá hiện đại theo trình tự hiện tại - quá khứ - hiện tại. Nhà thơ đứng ở thời điểm hiện tại để viết bài thơ. Mở đầu là những câu thơ tràn đầy niềm vui chiến thắng khi quê hương hoàn toàn giải phóng, mọi người chuẩn bị “dọn về làng” để khôi phục lại cuộc sống.

Mẹ! Cao - Lạng hoàn toàn giải phóng

Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn

Vệ quốc quân chiếm lại các đồn

Người đông như kiến, súng dầy như củi

Sáng mai về làng sửa nhà phát cỏ

Cày ruộng vườn trồng lúa ngô khoai.

Từ niềm vui giải phóng, nhà thơ nhớ lại những năm cơ cực, khổ đau khi quê hương bị kẻ thù xâm lược giày xéo tàn bạo, đồng bào bị bắt giết dã man:

Mấy năm qua quên tết tháng giêng, quên rằm tháng bảy

Chạy hết núi lại khe, cay đắng đủ mùi.

Đoạn hồi ức khá dài này là sự đan xen giữa khổ đau và căm thù mà hình ảnh cái chết đầy uất hận của người cha đã nói rõ. Cái chết đau thương (“Không ván, không người đưa cha đi cất – Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng - Con cởi áo liệm thân cho bố”) đã tố cáo tội ác tày trời của quân cướp nước, và căm thù của tác giả (cũng là của nhân dân) đã thành lời nguyền phẫn nộ:

Mày sẽ chết! Thằng giặc Pháp hung tàn

Bằm xương thịt mày tan mới hả.

Rồi từ hồi ức đau thương, cảm hứng thơ lại trở về với niềm vui giải phóng, với công việc “dọn về làng” tấp nập, vui vẻ trong cuộc sống hồi sinh của mọi người:

Hôm nay Cao - Bắc - Lạng cười vang,

Dọn lán, rời rừng, người xuống làng.

Người nói cỏ lay trong rừng rậm,

Cuốc đất dọn cỏ mẹ khuyên con

Đường cái kêu vang tiếng ô tô,

Trong trường ríu rít tiếng cười con trẻ.

Đoạn thơ là một bức tranh đẹp của ngày “dọn về làng”. Dọn về làng là trở về với cuộc sống, là chiến thắng quân thù, là niềm vui giải phóng; bởi thế sự trở về với cuộc sống ở đây mang một ý nghĩa mới cao hơn, tốt đẹp hơn, nó có được là nhờ ba0 chiến đấu hi sinh gian khổ của bộ đội và nhân dân, nó là minh chứng hùng hồn cho mục đích chính nghĩa và sức sống mạnh mẽ của một cuộc kháng chiến của dân tộc. Cuộc sống ấy đẹp lắm, quí lắm, phải giữ lấy nó trong tay. Và người con đã lên đường vì lẽ đó:

Mặt trời lên! Sáng rõ rồi mẹ ạ!

Con đi bộ đội, mẹ ở lại nhà,

Giặc Pháp, giặc Mĩ còn giết người, cướp của trên đất ta

Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ.

Mở đầu bài thơ, tác giả gọi “mẹ” để báo tin Cao - Lạng giải phóng, kết thúc bài thơ lại từ giã “mẹ” để đi bộ đội giữ yên cho niềm vui đó. “Mẹ” ở đây vừa là người mẹ cụ thể, vừa được khái quát thành người mẹ chung, thành quê hương đất nước.

Đánh giá bài viết
1 191
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 12

    Xem thêm