Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Mùa lá rụng trong vườn

Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng

VnDoc.com xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Mùa lá rụng trong vườn, tài liệu thuộc chương trình Ngữ văn lớp 12 đã được VnDoc.com tổng hợp để phục vụ các em học sinh phân tích, tóm tắt, soạn bài lớp 12 một cách hiệu quả hơn. Mời các bạn học sinh và thầy cô tham khảo.

Mùa lá rụng trong vườn

Phố chạy tới đây có vẻ như là đã đuối sức. Nhà thưa thớt dần và mặc dầu mặt đường vẫn giữ nguyên vẻ đường bệ của một trục đường chính trong thành phố, nhưng tới đây hai bên hè cũng chỉ còn lác đác dăm ba cái biệt thự nho nhỏ, xinh xắn, kiến trúc kiểu châu Âu cuối thế kỉ trước, mái nhọn, nhiều ngóc ngách, góc cạnh, có vườn cây bao bọc. Những năm gần đây, thành phố phát triển về phía Tây và kéo dân cư về phía đó. Đoạn phố này, bên lẻ đánh số từ Một, bên chẵn đánh số từ Hai hoá thành cái đuôi của một đường phố lớn.

Xa cái náo nhiệt của trung tâm, nơi đây vắng vẻ, yên tĩnh, đến mức có cảm giác nó bị lãng quên, bị gạt ra khỏi đời sống phố phường. Ở đây có thể nghe thấy dép lê của khách bộ hành, tiếng trục xe ba gác lăn khục khịch, cót két trên đường. Ở đây, mùa hè inh ỏi tiếng ve và lao xao vòm lá rậm ngọn gió đùa. Mùa đông cảm nhận được tiếng sương rơi và hơi gió lướt của tàu lá liệng rơi trên mặt đất.

Căn nhà yên ắng nhất ở đoạn phố này là căn nhà số Một đứng ở đầu phố. Đó là một căn nhà gác nhỏ trong một khu vườn nhỏ, có cổng sắt. Căn nhà không còn toàn vẹn, sau một trận hoả hoạn cách đây chục năm, nay nó chỉ còn có căn gác và tầng trệt ở phía mặt tiền nhìn ra đường phố. Căn nhà yên lặng gần như suốt ngày, gần như quanh năm, hoà hợp với môi trường sống vì trú ngụ ở đây chỉ có ba bốn người, mà toàn là người lớn cả. Căn nhà chỉ mất đi sự yên ả cố hữu vào quãng năm giờ chiều. Lúc ấy có một người phụ nữ đạp xe đạp về, đeo lỉnh kỉnh những là gạo, mì, rau cỏ, ở sau xe, ở tay lái; chị gọi cổng, ầm ĩ và vui vẻ; lúc ấy mới thấy có hơi người, có sự sống động ở nơi này.

Nhưng cũng chỉ lúc ấy thôi, còn thì lặng yên, lặng yên hoàn toàn. Như bây giờ, đang cữ đông rét mướt, lại là những ngày giáp Tết Nguyên đán; ở đây, trong tĩnh mịch, nghe tiếng pháo lẻ tẻ từ trung tâm thành phố vẳng về, dửng dưng, không tư duy, không cảm xúc. Ở đây, lúc này tất cả dường như đã ổn thoả, ngay ngắn, trật tự, không còn phải lo toan, sắp xếp hoặc bàn bạc, cũng chẳng phải tính toán, nghĩ suy, hoặc đề phòng một tai biến nào đó có thể bất thình lình xảy ra.

Cứ nghe tiếng người đàn ông ngáy trong căn phòng khách đã dọn dẹp để đón Tết thì cũng thấy cảm giác an toàn đó. Trạc năm mươi, to béo, phục phịch, người đàn ông mặc quần áo bộ đội này nằm, đầu ghếch lên tay chiếc đi văng, chân duỗi thò ra ngoài ghế, hai tay chắp bụng, tư thế hết sức thanh thản, và thả ra những tiếng ngáy thật rầm rĩ và thoải mái.

Giấc ngủ thật sâu, hoàn toàn buông thả, thật sự là sản phẩm của một người đặt mình là ngủ, không hay trằn trọc, suy nghĩ.
Người này ngủ, không hề hay biết tất cả những gì đã xảy ra ở kề cận mình. Cho tới lúc nghe thấy tiếng một người phụ nữ xoe xoé trong căn buồng, ông mới cựa mình, he hé mắt.

- Quý hoá chưa kìa! Ngủ như hổ ngủ, gọi hết cả hơi mà không ra đỡ hộ người ta một tay. Để cả con mèo đen ở đâu đến nhảy lên bàn thờ mà không biết! Định ngủ đến nửa đêm, hả? Năm hết Tết đến rồi, không dậy nhúc nhắc chân tay lấy một tí, còn định nằm ăn vạ đến bao giờ? Rõ thật, hết ngày dài lại đến đêm thâu chưa!

- Rõ ràng là cách nói đay đả, thân thiết kiểu vợ chồng. Nhưng cũng phải sau một câu trách cứ ác khẩu và âu yếm như thế nữa, người đàn ông mới uể oải ngồi dậy. Người đó là Đông.

- Có việc gì nữa đâu! - Đông gãi cái đầu mới húi, đưa đẩy hai con mắt lờ ngờ nhìn người phụ nữ đứng giữa hai cái làn nhựa nặng trịch, đầy ụ hàng Tết.

- Chịu ông thật! Phố xá người ta ầm ầm sắm sửa, mua bán. Quả gấc vọt lên trăm rưởi. Gạo nếp lên hăm nhăm. Chỗ máy nước đang có đám đánh nhau vì lá dong. Chỗ tránh tàu, ôtô kẹp phải cái xe bò chở toàn mứt. Sao mà lắm chuyện kinh cả người. Thế mà ông cứ bình chân như vại!

- Nghe cô nói cứ tưởng loạn đến nơi rồi!

- Chứ lại không à! Cứ tổ tôm tổ tép mãi vào. Nửa đêm mới mò về, lăn ra ngáy thì còn biết cái gì nữa. Đấy, củi ngoài sân cũng vẫn chưa bổ hộ! Thế đã đi gọi thằng Máy nước, bảo nó thông đường ống cho chưa? Cũng lại chưa! Nhưng mà thôi, chẳng khiến nữa. Cô Phượng đâu? Hừ, cũng lại không biết!

- Lại được nghe những câu trách móc thân yêu và cảm thấy làn da mát tê tê, ấm ấm trong cái nguýt dài thân thương của vợ, Đông đứng dậy tủm tỉm thú vị rồi cúi xuống nhặt bộ quần áo đã đặt sẵn trên tay cái đi văng.

- Ối giời, lại còn chưa tắm hộ nữa cơ đấy. Để dành làm của hả? Chết thôi, ấm nước người ta đặt trên bếp điện khéo sôi cạn từ tám tỏng rồi còn gì!

Người phụ nữ vừa xong xóc mắng yêu ông chồng ngộc nghệch, vừa đưa tay bứt mạnh hàng khuy, mở bung cái áo măng tô san khoác ngoài, vứt lên lưng ghế, rồi ngửa cái đầu, lắc lắc mái tóc uốn điện đã duỗi dài trong một điệu bộ con gái hết sức trẻ trung. Tóc chị rậm, đen, đầy sinh lực, rất hợp với một vóc người tầm thước, đậm đà, nở nang, cân đối cùng với khuôn mặt tròn đã định hình ở tuổi bốn mươi, nhưng còn giữ nguyên vẻ tươi mát và duyên dáng: hai con mắt lá răm dài, lóng lánh dưới cặp mày rậm, đem lại vẻ thơ ngây cho khuôn mặt, khiến đôi gò má cao không trở nên lộ liễu; thêm cái cằm hơi lẹm bên trái có một nốt ruồi to đậu ở đó, tạo nên cái đặc sắc riêng, khiến khuôn mặt càng trở nên dễ nhớ, không lẫn với nhiều khuôn mặt khác.

Lúc ấy, ngoài cửa buồng có tiếng dép bước vội vàng. Người phụ nữ quay ra cửa, chưa kịp cất tiếng gọi thì một người phụ nữ trẻ, thanh mảnh đã nhanh nhẹn bước vào.

- Chị Lý! - Người phụ nữ mới vào không giấu nổi sự mừng rỡ, thật thà. - Chị về muộn thế! Ối, chị sắm Tết nhiều thế kia à! Em rút bếp điện từ nãy cơ. Thấy anh Đông ngủ, ngáy to quá, em không dám đánh thức anh dậy tắm.

- Lý hất tóc ra sau lưng, dẩu môi: Ông ấy đã ngủ thì súng có nổ bên tai ông ấy cũng mặc. Cần thì cứ lay gọi. Không dậy thì đấm, đá, cấu, véo, tát. Có ai ngủ khiếp thế bao giờ không? Con ngáy thả ra rầm nhà. Ông cụ nằm ở trên gác nghe thấy cũng mất cả ngủ đấy.

- Chuyện, người ta ngủ bù… mấy năm ở Trường Sơn. - Đông đang luồn thắt lưng qua các con đỉa ở chiếc quần mới, ngẩng lên. Lý trề môi, dài giọng:

- Bù… Không có cái lối ấy nhé. Thời nào thanh khoản thời ấy. Bù! Thà cứ nói toẹt ra: đêm, tớ còn mải họp hội tổ tôm với các cụ…

Đông cười trong cổ họng, nhìn người phụ nữ trẻ:

- Ăn được, ngủ được là tiên, cô Phượng ạ. Ở Trường Sơn, tôi đặt mình xuống bao giờ cũng hẹn đồng đội: Thấy tớ ngáy, cứ việc đấm, cho tha hồ đấm.

- Chả bù cho anh Luận nhà em. Sao mà khó ngủ thế! Mười đêm thì thao thức cả mười. Không chuyện cơ quan lại chuyện phố xá, bạn bè.

- Này thôi! - Lý kéo tay người phụ nữ tên Phượng. - Cô đi đâu đấy? Hai cái làn nặng gãy cả tay mà gọi hết hơi chẳng ma nào ra đón cả.

- Em ở bên nhà ông thợ mộc. - Phượng đáp, bỗng lui lại một bước, hai con mắt to trên gương mặt gầy, vụt sáng rỡ. - Úi, chị Lý, chị có cái áo mới đẹp quá! Đẹp quá. Vải gì mà bóng mà mịn thế, chị? Chị may đo à? Anh Đông lại ngắm chị em một tí nào! Đẹp quá! Đẹp thật, chị Lý ạ.

Trong tiếng reo trầm trồ của Phượng, Lý tan hết cơn bực dọc. Cười nhỏn nhẻn, chị nhìn xuống ngực, ngắm hai bên sườn mình và người như bừng nở trong một cơn hưng phấn bất ngờ. Cái áo thật là đẹp! Áo liền mũ. Vải téclen, màu sôcôla, cao sang từ chất vải tới sắc màu, kiểu cách.

Chưa hết! Còn lần bông lót trong. Chưa hết! Còn cái khoá. Chưa hết, khi cái khoá kéo tuột xuống, mắt Phượng lại một lần nữa chói loá vì những mảng màu đối lập, nóng ấm ở cái áo len khuôn bó thân hình Lý và Lý lại một lần nữa hiện ra dưới một sắc hình khác hẳn thường ngày. Lý trẻ trung, mới mẻ. Lý rực rỡ, lập dị, lạ mắt vô cùng.

- Có hợp với mình không? Hình như vai hơi rộng nhỉ? - Lý dồn dập, sung sướng. - Hợp với da mặt mình đấy, Phượng nhỉ? Này trông, cái khuy tay của nó. Được đấy chứ! Người quen họ để lại cho đấy. Chưa bóc tem nhé!

- Bao nhiêu hả chị?

Năm ngàn rưỡi! Giá hữu nghị đấy. Nó hô một câu, mình hét cũng chỉ một tiếng. Thế là xong. Cũng chưa hay bằng cái áo lông gấu Bắc cực, có biết bao nhiêu không? Hai mươi tư ngàn.

- Trời!

- Hé hé… Đúng là một cô nàng tỉnh lẻ mới về thành phố. Này, cô em ơi, một khi đã quyết định ăn chơi là không sợ tốn kém nhé!

- Nhìn Phượng run rẩy lắc lắc hai bàn tay còn ướt và ngơ ngác như sợ sệt, Lý cười ré lên, đắc chí và mãn nguyện. Hai gò má thoáng hơi phấn hồng của chị rực lên vì kiêu hãnh. Chị thấy mình đẹp, mình sang, mình giàu. Còn cô em dâu chồng đứng cạnh chị lúc này thì sao mà héo hắt, quê mùa tội nghiệp thế. Cái quần lụa nhầu, ống hẹp. Cái áo budông simili màu cỏ úa, cổ lỗ.

- Cảm giác thấy mình trội hơn người khác làm Lý vui. Nhưng khi thấy giữa mình và Phượng là một khoảng cách quá rộng và nhất là bỗng cảm thấy Phượng đơn sơ, gầy guộc, ánh mắt ẩn giấu một vẻ tủi thân thế nào, chị liền dịu lại.

- Cô gói bánh hộ lão thợ mộc cột nhà cháy đấy à, Phượng? - Lý kéo khoá áo, chuyển câu chuyện.

- Vâng. Vợ ông ấy hôm nay còn nằm bệnh viện, chị ạ.

- Ôi giời! Cái mụ đa tình ấy thì quanh năm suốt tháng có lúc nào xa rời được cái bệnh viện. Hết sẩy lại nạo, lại thắt buồng trứng. Còn cái thằng cha ấy, cô có biết không, nó có chết đứ đừ ra đấy, tôi cũng cứ kệ thây. Ai lại, thằng Dư con tôi hồi lên năm, đẹp như hòn ngọc, mà nó dám beo tai thằng bé! Cái thằng cha ấy ấy mà… - Ghé sát má Phượng, Lý hạ giọng, thầm thì.

- Đông rũ phành phạch cái áo, quay lại thấy hai người phụ nữ đang bưng miệng rúc rích cười, liền gióng:

- Các cô bàn bạc, cười cợt cái gì mà bí mật thế?

- Lý buông tay, cúi xuống một cái làn nhựa:

Chị em chúng tôi bàn: Sẽ kí quyết định ăn chơi xả láng, ông có chịu không? Còn cười? Cười cái lão rậm râu sâu mắt.

À, nếu thế thì tôi không thuộc loại ấy. Thôi, tôi đi tắm đây.

Đông ôm quần áo, đi ra phía cửa, bỗng đứng sững vì tiếng Lý gọi giật. Anh quay lại, chưa hiểu chuyện gì thì một bó mùi già xanh đậm, lấm chấm hoa trắng Lý mới móc từ dưới cái làn nhựa đỏ lên, đã lẳng tới giữa ngực. Lý nói như ra lệnh:

Thả cái bó mùi này vào chậu nước nóng tắm tất niên cho nó thơm. Cái quần si đâu sao không lấy mà mặc? Lúc nào cũng cứ như mới từ chiến khu về ấy! Nhớ cắm bếp để nước cho ông cụ tắm. Nhớ, hay lại quên? Thật là người đời! Không hiểu tại sao tôi lại lấy ông đấy, ông Đông ạ!

Phượng cúi xuống, nhấc cái làn xanh, mủm mỉm cười. Lý bốn mươi rồi mà tính tình còn trẻ quá. Bà đối với ông chồng, thật đành hanh mà cũng thật nồng nàn. Còn ông chồng thì hiền lành đến mức ngờ nghệch, đối với vợ như chú em ngoan trước bà chị gái tận tình và lắm điều.

Hai cái làn nhựa đã được chuyển tới cạnh bộ xa lông kê ở giữa căn buồng. Đó là một căn buồng rộng, vuông vức, vẫn dùng làm phòng khách, nơi ăn uống, hội họp khi tết nhất, giỗ chạp của cả gia đình. Từ bộ xa lông nhìn sang trái là cái lò sưởi xây bằng gạch; bệ lò nay đặt bàn thờ - ở đó lúc này đã có mâm ngũ quả, một chai rượu chanh, lấp lánh mấy khung ảnh. Ba mặt tường khác treo mấy bức phong cảnh và tĩnh vật vẽ bằng sơn dầu, thưa thoáng mấy sợi vạn niên thanh nuôi trong mấy cái chai thuỷ tinh nhỏ. Đông đi tắm. Buồng đóng cửa, ấm sực. Lý kêu mới ăn phở còn no, cởi áo bay, gieo mình xuống đi văng, ngửa cổ, lim dim mắt. Và khi thấy Phượng cúi xuống hai cái làn, chị liền bật dậy, kéo tay Phượng cùng ngả lưng vào thành ghế với mình.

- Khoan hãy dỡ các thức ăn trong làn ra. Nghỉ tí đã, Phượng. Hà… Phượng này, mấy anh em nhà ông Đông mỗi ông một tính một nết, nhưng ông nào cũng y sì ông nào ở cái đức… ở bẩn. Ông cả Tường ngày trước thế nào thì tôi không biết. Chứ Luận nhà cô thì cũng vậy. Thằng Cừ giờ chẳng biết trôi dạt đến chân trời góc bể nào thì cũng rứa. Còn thằng út Cần chẳng hiểu đi học nước ngoài về có khá hơn được tí nào không, chứ hồi còn ở nhà thì cùng một giuộc với ông Đông. Quần áo đi đá bóng về, để xuống dưới chiếu, cha mẹ ơi, hôm sau lại lấy ra… mặc. Một hôm, thấy khăn khẳn, mình cứ nghĩ… quái, có con chuột chù chết ở đâu.

Lý cười rung cả ngực. Phượng đập tay Lý:

- Còn cái thói ăn cơm trưa xong, tống tất cả mâm bát rếch vào gầm giường, để đấy, ngủ cái đã nữa, chứ chị?

- Cái đó thì nhất rồi. - Lý nhổm dậy, mắt giàn giụa vì cái cười quá độ. - Về ăn mặc lôi thôi thì ông Đông nhà tớ thuộc loại cao thủ. Phượng ạ, lắm lúc mình cứ tự hỏi: Không hiểu tại sao mình lại lấy ông Đông? Mình thì thích cẩn thận, ưa sạch sẽ, lịch sự. Mình thích sống đàng hoàng, mình không chịu thua kém ai. Đói một tí, chịu được. Nhưng ra đường, đến xí nghiệp, mặc rách, mặc xấu, để người ta coi thường là mình không có chịu. Đằng này, ông ấy tứ thời quần nhàu, áo bạc. Mà có phải không sắm sửa cho ông ấy đâu! Dắt tay ra tận cửa hiệu, đo may cho một bộ técgan hẳn hoi. Mặc đúng hôm đám cưới cô với chú Luận, rồi nhét tủ. Hôm rồi lấy ra thì… ôi thôi… ông chuột ông ấy xơi ngay một cái đầu gối, một ống tay rồi. Thế là đi đời nhà ma cả bộ com lê giờ phải trên nghìn bạc.

- Anh Luận em, từ ngày chuyển sang làm phóng viên cũng đỡ…

- Khoan, chưa hết. - Lý xua tay, tranh lời Phượng. - Đã thế lại còn lúi xùi. Về mặt này, Luận nhà cô hơn ông Phật nhà này nhiều. Chú ấy hoạt bát, gãy gọn, lắm lúc nghe chú ấy nói những điều cao siêu, tôi chẳng hiểu, nhưng vẫn cứ mê. Còn ông Đông thì cứ như ngậm hột thị. Người ta thì quen từ ông giám đốc đến thằng bảo vệ cơ quan, xí nghiệp đằng vợ. Đằng này thì chẳng biết ai vào với ai. Có phải vì là cấp tá, là ông nọ ông kia mà kiêu căng thì nó cũng hớn hở cái mặt mình. Đằng này lại chỉ vì… bẽn lẽn. Cha mẹ ơi, lon trung tá lĩnh về, cất vào tủ, giờ còn mới nguyên. Huân chương gần chục cái, đựng đầy một bát ô tô giấu trong tủ. Rõ là áo gấm đi đêm chưa! Bảo đeo vào là lắc: “Chả cần” “Không cần thiết”. Giờ ra đường khác gì thằng xích lô, thằng chữa xe đạp. Mà chữa xe đạp, xích lô giờ nó còn sang gấp vạn.

- Anh quen tác phong giản dị như hồi ở chiến trường. - Phượng nói.
Nhưng Phượng thật không ngờ câu nói có dụng ý thanh minh cho Đông, để cho câu chuyện qua đi, lại như khơi vào khía cạnh khác trong tâm tư Lý. Lý bật chồm dậy, siết chặt tay Phượng, giọng đang nhuốm vẻ bỡn cợt bỗng cao vóng lên và có mùi vị cay chua thế nào:

- Chẳng thà cứ như hồi ông ấy ở chiến trường, tôi lại thích, lại sung sướng. Đấy, mười lăm năm trời, tôi một thân một mình đẻ con, nuôi con, trông nom hai cụ, bảo ban thằng Cừ, thằng Cần. Ôi, nuôi cái thằng Dư vất vả quá con cầu tự, ốm đau, sài đẹn đủ kiểu nhưng qua hết. Còn học hành từ cấp I đã không để thua kém ai. Hết thầy dạy tư âm nhạc, lại vẽ, ngoại ngữ… Tôi không nói ngoa: Con tôi không sướng nhất thì cũng nhì ở đất Hà Nội này. Đấy, ông ấy đi vắng. Nói thì có vẻ vô lí, nhưng thật là thế, ông ấy không có nhà, tôi lại thấy dễ chịu, thấy nhẹ nhõm.

- Lý khoanh tay, ngả đầu vào lưng ghế. Mặt chị mất hẳn cái vẻ sắc sảo, lịch lãm, cả cái sắc tươi rờn cũng mất. Chị lờ đờ như bâng khuâng và vẻ như khó hiểu với cả chính mình. Vô lí hay thật là như thế? Ý nghĩa sâu kín nào ẩn giấu trong những câu nói mập mờ ấy? Và đôi mắt lá răm thắm thiết của Lý kia hằn một nét đăm chiêu như là luyến nhớ đang bộc lộ ý nghĩ gì của Lý? Lần đầu tiên Phượng hiểu: Người phụ nữ này hoàn toàn không giản dị như Phượng. Lý là con người có một độ sâu khác thường về tính cách và do đó khó hiểu với Phượng. Phượng mới sống gần chị có ít ngày thôi.
Phượng chưa thể hiểu được Lý. Vì chỉ một lát sau, Lý đã bứt ra khỏi trạng thái lờ lững, trở lại với bản lĩnh sôi động của mình. Hai tay Lý sục vào hai cái làn, thoăn thoắt. Và giọng chị lanh lảnh, liến thoắng:

- Phượng này, đây là hai chai Lúa mới nhé. Tranh nhau mãi với chúng nó mới được đấy! Thằng cung tiêu đem một giành từ Nhà máy Rượu về. Tớ phải quát ngay: “Để tao hai chai trả công tao đi liên hệ đây. Hứ, để cho giám đốc! Giám đốc đâu có cái lí ăn tranh của công nhân. Đưa đây!” Cái xúp lơ này để xào thịt bò. Măng lưỡi lợn đây, ngâm luôn đi. Miến Việt Trì đấy, khéo gãy. Còn đây là thịt để gói bánh. Cô rửa lá chưa? Đậu xanh thế nào rồi?

- Lá em rửa rồi. Còn đậu xanh, anh Luận bảo chờ anh ấy đi công tác ở Hải Hưng mua về.

- Lại còn chờ? Bao giờ chú ấy về?

- Có lẽ tối nay.

Ma Văn Kháng (trích đoạn)

Tài liệu liên quan đến bài Mùa lá rụng trong vườn

Tóm tắt tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng

Giáo án Ngữ văn Mùa lá rụng trong vườn

Bài giảng Mùa lá rụng trong vườn Ngữ văn 12

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm