Tác phẩm Một người Hà Nội và phong cách của Nguyễn Khải
Để giúp các bạn học sinh lớp 12 ôn tập và hệ thống kiến thức ngữ văn, VnDoc.com xin giới thiệu tài liệu "Tác phẩm Một người Hà Nội và phong cách của Nguyễn Khải". Tài liệu này giúp các bạn có thêm gợi ý, ý tưởng cũng như cảm nhận mới để hoàn thành bài văn của mình tốt hơn.
ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN VĂN: MỘT NGƯỜI HÀ NỘI
Một người Hà Nội và phong cách của Nguyễn Khải
I) Tác giả:
- Nguyễn Khải là người trải nghiệm nhiều, thời niên thiếu đầy éo le hình thành đặc điểm riêng trong tính cách và sáng tác của nhà văn: nhẫn nhịn, tỉnh táo, sắc sảo, hiểu đời, hiểu người, già dặn, suy tư.
- Tác phẩm chính: Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Cha và Con và…(tiểu thuyết, 1979), Thượng đế thì cười (tiểu thuyết, 2004)…
- Đặc điểm sáng tác:
• Hành trình sáng tác của Nguyễn Khải tiêu biểu cho quá trình vận động của văn học dân tộc hơn nửa thế kỉ.
• Nét mới trong cái nhìn nghệ thuật về cuộc đời và con người:
- Trước 1978: cái nhìn tỉnh táo, sắc lạnh, nghiêm ngặt, phân lập đơn chiều; luôn khai thác hiện thực trong thế xung đột, đối lập cũ – mới, ta – địch, tốt – xấu… => khẳng định xu thế vận động (từ bóng tối ra ánh sáng) của cuộc sống mới, con người mới. Ngòi bút văn xuôi có khuynh hướng chính luận với sức mạnh của lí trí tỉnh táo.
-Sau 1978: Cái nhìn đầy trăn trở, chiêm nghiệm, cảm nhận hiện thực xô bồ, hối hả, đầy đổi thay nhưng cũng đầy hương sắc => chuyển mạnh từ hướng ngoại sang hướng nội. Lấy việc khám phá con người làm trung tâm => con người cá nhân trong cuộc sống đời thường => nhìn con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, quá khứ dân tộc, gia đình và sự tiếp nối thế hệ => khẳng định, ngợi ca những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người hôm nay. Cảm hứng triết luận với giọng văn đôn hậu, trầm lắng, nhiều suy nghiệm.
- Vị trí văn học sử: Một trong những cây bút hàng đầu của văn xuôi sau cách mạng tháng Tám năm 1945.
II) Tác phẩm
Một người Hà Nội tiêu biểu cho các sáng tác của Nguyễn Khải ở giai đoạn sau 1978. Hình tượng nhân vật cô Hiền tiêu biểu cho nét đẹp và sức sống bất diệt của văn hoá Hà thành.
Ý nghĩa nhan đề: Nhan đề tác phẩm như kết lắng lại những suy tư của tác giả về bà Hiền - một người Hà Nội tiêu biểu trong những người Hà Nội. Trong mắt nhìn của tác giả, bà Hiền là biểu tượng của đất Hà thành, một thế hệ mang đậm “chất kinh kì” còn ở lại cùng Hà Nội hôm nay. Nhân vật này không chỉ hiện lên với tư cách một cá thể, một con người cụ thể mà còn chính là tinh túy, là giá trị muôn đời của Hà Nội.