Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12
Mời các bạn học sinh và thầy cô tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm), với nội dung tài liệu đã được cập nhật chi tiết sẽ giúp các bạn học sinh học tốt môn Ngữ văn 12. Mời thầy cô và các bạn học sinh cùng tham khảo.
Soạn bài lớp 12: Đất nước - Nguyễn Khoa Điểm
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Luật thơ
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Tiếng hát con tàu
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Thực hành một số phép tu từ cú pháp
Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 12: Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)
I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
A. Tác giả (xem SGK)
Tác giả Nguyễn Khoa Điềm, cần chú ý các điểm sau:
- Là nhà hoạt động chính trị và văn nghệ, từng là Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Tổng thư kí Hội Nhà văn khoa V, Bộ trưởng Bộ văn hóa - Thông tin.
- Thuộc thế hệ nhà thơ giai đoạn chiến tranh chống đế quốc Mĩ. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2000).
B. Tác phẩm: Đất Nước
• Xuất xứ Đoạn trích
Đất Nước rút từ phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng lâu nay vẫn được xem là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại. Bản trường ca được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược.
• Đọc đoạn trích
Cần đọc nhiều lần đoạn trích để có những cảm nhận ban đầu về “Đất nước” qua con mắt nhìn và suy nghĩ của Nguyễn Khoa Điềm trước khi đi sâu vào tìm hiểu từng phần của tác phẩm.
1. Bố cục và trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả trong đoạn thơ
a) Bố cục Đoạn thơ được viết thành hai phần:
- Phần một: từ đầu đến “Làm nên Đất. Nước muôn đời..”; những cảm nhận của tác giả về Đất Nước -t rên các phương diện cuộc sống của con người, địa lí - lịch sử, văn hóa, phong tục,...
- Phần hai: Tư tưởng cơ bản của phần này là tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. Đây là điểm quy tụ mọi cách nhìn về Đất Nước của nhà thơ.
b) Trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả trong bài thơ Có thể thấy trình tự triển khai đó như sau:
- Trước hết là những cảm nhận về Đất Nước:
+ Đất Nước ở ngay trong cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta thật gần gũi, thân thiết, bình dị (lời kể chuyện của mẹ, miếng trầu bà ăn, hạt gạo, cái kèo cái cột,...).
+ Đất Nước cũng là nơi anh và em hò hẹn, gặp nhau trong tình yêu đôi lứa.
+ Đất Nước được cảm nhận từ các phương diện địa lí - lịch sử, không gian và thời gian:
Thời gian đằng đẳng - Không gian mênh mông - Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ,...
+ Tất cả là để dẫn đến một suy nghĩ mấu chốt: Đất Nước kết tinh, hóa thân trong mỗi con người: Trong anh và em hôm nay - Đều có một phần Đất Nước... vì vậy phải có trách nhiệm với Đất Nước.
- Từ những cảm nhận toàn diện về Đất Nước, mạch suy nghĩ vươn tới một tư tưởng lớn về Đất Nước: Đất Nước là của Nhân dân và Nhân dân là người làm ra Đất Nước. Tư tưởng này là điểm quy tụ mọi cách nhìn về Đất nước của nhà thơ.
+ Trong những thắng cảnh, những địa danh trên mọi miền của Đất Nước
+ Trong lịch sử giữ nước và dựng nước bốn ngàn năm của nhân dân.
+ Trong lĩnh vực văn hóa, phong tục của dân gian về vật chất và tinh thần. Tất cả là để khẳng định mạnh mẽ tư tưởng đó trong phần 2 đoạn thơ.
2. Tìm hiểu phần đầu của đoạn thơ
- Trong phần đầu, tác giả đã cảm nhận về Đất Nước trên nhiều phương diện: Đất Nước ở" ngay “trong cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta, thật gần gũi, thân thiết, bình dị, từ “miếng trầu bà ăn” đến “tóc mẹ thì bới sau đầu, cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”, đến “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”,... Nhưng Đất Nước cũng là “thời gian đằng đẳng, không gian mênh mông” (địa lí - lịch sử), là những điều thiêng liêng, tôn kính của cội nguồn dân tộc:
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
................
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
- Ở trên chiều rộng của không gian địa lí và chiều dài của thời gian lịch sử, Đất Nước được cảm nhận như sự thống nhất của các phương diện văn hóa, truyền thống, phong tục, cái hàng ngày và cái vĩnh hằng, trong đời sống mỗi cá nhân và cả cộng đồng... Cách cảm nhận ở đây vừa cụ thể vừa khái quát, lại có chiều sâu và có giá trị phát hiện. Ví như, Đất Nước không chỉ có và được tạo nên bởi những giá trị vật chất (kèo cột dựng nhà, hạt gạo một nắng hai sương...) mà còn được kết tinh bằng những giá trị tinh thần, tình cảm như tình cha mẹ thương nhau, tình yêu đôi lứa...; hoặc cảm nhận Đất Nước từ những cái bình thường hàng ngày là cách cảm nhận có chiều sâu bởi chính từ những cái đó tích lũy lại qua hàng ngàn năm mà tạo nên Đất Nước (không cảm nhận Đất Nước từ những cái to tát, trang trọng, hoặc những tên tuổi đã đi vào lịch sử mà cảm nhận theo cách của dân gian).
- Từ những cảm nhận trên, tác giả đi đến một phát hiện thật bất ngờ, thú vị và sâu sắc về Đất Nước:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước.
Mới nghe ngỡ có gì là lạ, nhưng ngẫm lại thì thật đúng. Đất Nước không ở đâu xa, kết tinh, hóa thân trong mỗi con người, từ dáng đi, lời nói, mái tóc, tà áo... cho đến nếp cảm, nếp nghĩ trong mỗi chúng ta đều có “Đất Nước”, đều là của Đất. Nước cho ta để ta là người Việt Nam. Vì vậy mà mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với Đất Nước, “phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở” để “làm nên Đất Nước muôn đời.”.
3. Tìm hiểu phần sau của đoạn thơ
- Ở phần sau, tác giả tập trung làm nổi bật tư tưởng lớn: “Đất Nước của nhân dân”. Đây là điểm quy tụ mọi cách nhìn về Đất Nước của nhà thơ, đưa đến những phát hiện sâu và mới về Đất Nước:
+ Những thắng cảnh đẹp, những địa danh nổi tiếng của Đất Nước đều do nhân dân tạo ra, đều là của nhân dân. Những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên, Hạ Long thắng cảnh... đều gắn liền với đời sống dân tộc, nó chỉ trở thành thắng cảnh khi đã gắn liền với con người, được tiếp nhận, cảm thụ qua tâm hồn và qua lịch sử của dân tộc, như tác giả đã khái quát sâu sắc:
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
+ Khi nghĩ về bốn nghìn năm của Đất Nước, nhà thơ không điểm lại các triều đại, các anh hùng nổi tiếng mà nhấn mạnh đến vô vàn những con người vô danh, bình dị - chính là Nhân dân đã làm ra Đất Nước:
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
+ Và cũng chính họ đã gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau mọi giá trị văn hóa, văn minh tinh thần và vật chất của Đất Nước, của dân tộc: hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói, cả tên xã tên làng...; và cái tài sản quý giá nhất mà Đất Nước đã cho mỗi chúng ta chính là truyền thống cao đẹp về đạo lí, tình cảm của người Việt Nam: say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa nhưng cũng thật quyết liệt trong căm thù và chiến đấu. (Xem đoạn thơ: Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi” đến “Đi trả thù mà không sợ dài lâu”.
- Tư tưởng lớn này được nhấn mạnh lại trong câu thơ được xem là chủ đề của cả đoạn trích:
Để Đất Nước này là Đất Nước nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.
Đây là một đóng góp của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu sắc thêm ý niệm và Đất Nước của thơ chống Mĩ.
4. Cách sử dụng chất liệu văn hóa và văn học dân gian trong đoạn thơ
- Sử dụng khá đậm nhưng có chọn lọc chất liệu văn hóa, văn học dân gian: ca dao, thần thoại, tục ngữ, thành ngữ, ngôn ngữ dân gian,...
- Vận dụng những yếu tố đó hòa nhập trong cách diễn đạt và tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ.
Cuối cùng, đọc kĩ phần Ghi nhớ SGK để nắm vững bài học.