Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận về nhân vật Mị

Cảm nhận về nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài để thấy được số phận của người phụ nữ trong thời phong kiến cùng những phẩm chất đẹp được khơi gợi lên rất hiện thực, sâu sắc qua nhân vật Mị. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm tài liệu học Ngữ văn 12 nhé.

I. Dàn ý cảm nhận nhân vật Mị

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả và tác phẩm.

- Giới thiệu về nhân vật Mị: Mị là một cô gái người dân tộc H'Mông ở Tây Bắc.

2. Thân bài:

a. Mị trước khi trở thành dâu nhà thống lý Pá Tra:

- Là một người con gái vừa xinh đẹp lại tài giỏi, cần cù

- Mị là người con hiếu thảo, chăm sóc cha già, thay cha làm nương trả nợ cho nhà thống lý.

- Có một tình yêu đẹp, Mị yêu trong tự do, khát khao hạnh phúc.

- Vì gia cảnh nghèo, cô bị "bắt" về làm con dâu gạt nợ nhà thống lý.

=> Mị là người con gái xinh đẹp, tài giỏi nhưng lại bị bắt trở thành vợ A Sử -con trai thống lý Pá Tra vì món nợ từ khi cha mẹ cô kết hôn.

b. Cuộc sống của Mị sau khi về làm dâu nhà thống Lý:

- Làm việc quần quật ngày đêm => Cuộc sống vất vả về thể xác, không được nghỉ ngơi suốt năm suốt tháng.

- Mị còn bị đày đọa về tinh thần:

+ Mị bị "bắt cúng trình ma" nhà thống lý => Nạn nhân của Thần quyền

+ Từ khi về làm dâu, Mị không còn được tự do "Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết".

=> Chế độ thần quyền, cường quyền đã khiến Mị tê liệt. không còn sự phản kháng, sống lầm lũi như "con rùa nuôi trong xó cửa".

- Sự đầu độc về thể xác và tinh thần đã khiến Mị trở nên cam chịu, nhẫn nhục, chỉ lặp đi lặp lại những công việc mà không còn cảm xúc gì "Sống trong cái khổ lâu Mị quen rồi".

=> Mị trở nên chai lì cảm xúc, Mị không thấy đau, không thấy khổ cũng còn biết tới sự tồn tại của thời gian.

c. Khát vọng sống tiềm tàng trong con người Mị

- Ẩn sâu trong con người Mị là sức sống mạnh mẽ và nó đã bùng cháy lên trong đêm tình mùa xuân.

=> Mị nhận thức được bản thân còn trẻ, nhận thức được khát khao trong mình "Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi".

- Khát khao tự do thôi thúc hành động của Mị. Mị thắp sáng căn phòng, mặc lên người chiếc váy mới để đi chơi.

- Mị bị A Sử bắt đứng trói cột nhưng tâm hồn cô đã tự do đi theo tiếng sáo "Mị vẫn nghe ... những cuộc chơi".

=> Sức sống tiềm tàng trong Mị bùng cháy mãnh liệt khi nghe thấy tiếng sáo, nó đánh thức những khao khát tự do trong cô, đánh thức cảm xúc trong con người cô.

d. Vùng lên thoát khỏi khổ cực:

- Sau đêm tình mùa xuân ấy, Mị lại trở về như này trước, lầm lũi, câm lặng.

- Vô cảm trước cảnh a Phủ bị đánh trói giữa sân.

- Giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức nỗi đồng cảm, bất bình của Mị

- Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ, chạy theo A Phủ để giải thoát mình.

=> Hành động cắt dây trói thả A Phủ đi của Mị không chỉ là giải thoát cho A Phủ mà còn là giải thoát cho cả bản thân Mị, để Mị vùng lên thoát khỏi kiếp sống đày đọa, khổ cực của người phụ nữ vốn tưởng như đã chết.

e. Nghệ thuật:

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.

- Tình huống truyện đặc sắc, dựng lên bức tranh chân thực về sự tàn bạo và áp bức tận cùng của giai cấp thống trị vùng núi và cả những hủ tục.

3. Kết bài:

- Cảm nhận chung về nhân vật

II. Cảm nhận về nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

1. Cảm nhận nhân vật Mị mẫu 1

Nhắc đến truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ", độc giả không thể không trầm trồ thán phục trước nghệ thuật miêu tả nhân vật hết sức cầu kì, tinh tế của Tô Hoài. Trong tác phẩm, ông đã thành công khắc họa hình tượng nhân vật Mị - một cô gái dân tộc trẻ trung, xinh đẹp nhưng lại bị phải đi làm dâu gạt nợ. Qua đó, nhà văn đồng thời thể hiện lòng cảm thông với những con người bé nhỏ bị chèn ép trong xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy bất công.

Trước khi về làm dâu nhà thống lí, Mị là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp và tràn đầy sức sống. Trong những kí ức về ngày xưa cũ của Mị, độc giả được thấy cô có tài thổi sáo. Mị "thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Vốn xinh đẹp, Mị còn được rất nhiều người theo đuổi: "Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị". Không chỉ vậy, người con gái ấy còn vô cùng hiếu thảo. Vì món nợ của cha, cô sẵn sàng cuốc nương làm ngô - những công việc nặng nhọc vô cùng. Đến tận khi bị bắt về nhà thống lí Pá Tra, Mị vẫn vì thương cha mà không ăn lá ngón tự tử nữa. Mị biết mình chết đi thì cha lại khổ, đành phải ngậm ngùi mà chịu đựng hết thảy đau khổ, khó khăn. Có thể nói, Mị chính là một cô gái vừa đẹp người, vừa đẹp nết.

Tuy nhiên, khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, cuộc sống của Mị đột ngột đổi thay. Mang tiếng là con dâu nhà giàu nhưng Mị chẳng khác nào một người ở trong cái gia đình ấy. Cuộc sống của cô chỉ quẩn quanh với những công việc tẻ nhạt "...mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mắt…". Mị ví mình chẳng bằng con trâu, con ngựa: "Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày". Cuộc sống tù túng, bế tắc ấy khiến cho "Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Cảm xúc của cô chai lì dần: "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi". Ngay đến cả cái buồng Mị ở cũng như một nhà giam ngột ngạt, "kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗi vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng". Không chỉ vậy, Mị còn thường xuyên bị A Sử đánh đập không thương tiếc. Trong đêm tình mùa xuân, chỉ vì muốn đi chơi mà Mị bị trói đứng vào cột. Chẳng ai quan tâm đến cô, chẳng ai buồn để tâm đến Mị. Sự áp bức ấy dần dập tắt đi hi vọng sống trong tâm hồn của Mị, khiến cô gần như chấp nhận số phận, nghĩ "mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi". Như vậy, Mị chính là đại diện cho những người dân lương thiện bị chà đạp, bóc lột bởi bọn thực dân, chúa đất tàn ác.

Phải chịu hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng có thể thấy sức sống của Mị vẫn chưa bao giờ bị dập tắt. Sâu thẳm trong tâm hồn tưởng như đã chai sạn ấy vẫn ẩn chứa ngọn lửa của sự sống và sự phản kháng. Trong đêm tình mùa xuân, nhờ chất xúc tác từ rượu và tiếng sáo gọi bạn tình vọng vào từ bên ngoài, Mị đã dần dần thức tỉnh. Cô nhận thức được sự tồn tại của bản thân mình: "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi", nhớ về kí ức từ những ngày xưa cũ. Một loạt các hành động của cô được Tô Hoài diễn tả nối tiếp nhau: "chẳng nói", "đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng", "quấn lại tóc", "với tay lấy cái váy hoa". Tất cả những điều này đã thể hiện rằng sức sống trong Mị vẫn còn ở đó. Nó như một ngọn lửa âm ỉ dưới vỏ bọc nhẫn nhịn, chịu đựng, chỉ chờ một cơ hội để bùng lên cháy dữ dội. Và cũng chính từ sự thức tỉnh ấy, Mị đã bộc lộ sức phản kháng mãnh liệt. Nhìn thấy dòng nước mắt lăn trên má A Phủ, cô đồng cảm, xót thương. Nghĩ đến bản thân cũng đã từng phải chịu cảnh tương tự, Mị phẫn uất, càng thêm căm ghét cha con thống lí. Vậy nên Mị đã hành động. Việc cắt dây trói cho A Phủ như một sự vùng dậy chống trả. Mị cùng A Phủ chạy trốn, dùng hết sức bình sinh để vượt thoát khỏi chốn địa ngục trần gian kia. Đây cũng chính là dụng ý nghệ thuật của tác giả khi để hai nhân vật tự mình đi tìm về hạnh phúc, tự do.

Như vậy, qua nhân vật Mị, Tô Hoài đã thành công khắc họa hình tượng người con gái dân tộc vừa đẹp người vừa đẹp nết. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế cùng tình huống truyện độc đáo, ông không chỉ thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa với số phận người phụ nữ xưa mà còn bày tỏ lòng tin vào sức sống, sức phản kháng mãnh liệt của con người để thoát khỏi ách đô hộ của bọn thực dân, chúa đất.

Từ nhân vật Mị, độc giả đã thấy rõ hơn tài năng cùng tấm lòng nhân hậu của Tô Hoài. Đây chính là yếu tố then chốt giúp tác phẩm giữ vững được giá trị, vị thế trong dòng chảy không ngừng của văn học. Từ đó, người đọc lại càng thêm trân trọng ngòi bút Tô Hoài. Đồng thời, thấu hiểu và đồng cảm với những con người nhỏ bé trong xã hội thực dân nửa phong kiến khi xưa.

2. Cảm nhận nhân vật Mị mẫu 2

Tô Hoài có rất nhiều tác phẩm viết về con người và vùng đất Tây Bắc, trong đó Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất. Vợ chồng A Phủ viết về đôi vợ chồng người H'Mông, về cuộc sống và số phận con người đất Hồng Ngài dưới ách thống trị của cường quyền và thần quyền. Trong tác phẩm này, nhà văn Tô Hoài đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị- người phụ nữ bất hạnh bị buộc trở thành người con dâu trừ nợ nhà thống lí.

Theo chân nhà văn bước vào tác phẩm, ta bước vào cuộc sống của Mi - một người con gái của dân tộc H'Mông nơi đây. Mị trước khi về làm dâu nhà thống lý Pá Tra có một cuộc sống rất yên bình như những người con gái khác. Mị xinh đẹp, có tài thổi sáo được nhiều chàng trai ngưỡng mộ. Mị còn là một người con hiếu thảo, một cô gái giỏi lao động.

Đến tuổi cập kê, Mị được rất nhiều chàng trai theo đuổi, không chỉ vì cô rất xinh đẹp, chăm chỉ làm lụng mà còn thổi sáo rất hay "Mị thổi sáo giỏi... Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo... Bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác".

Nhà Mị nghèo, cha mẹ ngày xưa lấy nhau phải vay bạc của nhà thống lý Pá Tra. Đến khi mẹ cô chết, nợ vẫn chưa trả được, vậy nên, Mị đã thay cha mẹ gánh việc nương rẫy để trả nợ cho nhà thống lý. Cô quả là một người con rất hiếu thảo!

Thế nhưng, mỗi năm "phải trả một nương ngô cho người ta" mà bao nhiêu năm vẫn chưa hết nợ, thống lí Pá Tra đã bảo với cha Mị rằng:"cho tao đứa con gái này về làm dâu, thì tao xoá hết nợ cho" và rồi xảy ra sự việc A Sử đến giả làm người yêu Mị bắt Mị về nhà hắn. Mị trở thành "con dâu gạt nợ" của nhà thống lí và bắt đầu những chuỗi ngày khổ cực, đày đọa cả thể xác và tinh thần.

Sau đêm hôm ấy, Mị chính thức trở thành con dâu nhà thống lý Pá Tra. Mang danh là con dâu nhà giàu thế nhưng cuộc sống của Mị lại chẳng khác gì kẻ tôi tớ, cả năm cả tháng Mị phải làm quần quật như con trâu con ngựa trong nhà. Mị phải làm việc không ngơi tay "Tết xong lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tưới sợi", "con ngựa con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả ngày lẫn đêm".

Cuộc sống đày đọa về thể xác quanh năm suốt tháng khiến Mị trở nên lầm lũi "mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa", "ở lâu trong khổ, Mị quen khổ rồi". Cùng với sự áp bức về tinh thần đã biến Mị từ một cô gái xinh đẹp, yêu đời trở nên chai lì về cảm xúc. Từ ngày bị A Sử bắt về "cúng trình ma", Mị đã cay đắng nghĩ rằng mình đã trở thành người nhà thống lí "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi". Chế độ thần quyền tại Hồng Ngài đã gián tiếp đẩy một cô gái như Mị trở nên tê liệt, trở thành một người không còn suy nghĩ, sức sống hay cảm xúc.

Không chỉ thế, Mị còn là nạn nhân của chế độ cường quyền tàn ác mà đại diện ở đây là cha con thống lí Pá Tra, chúng đã cướp đi tất cả hạnh phúc, tình yêu của cuộc đời Mị, biến Mị trở thành một kẻ nô lệ không công cho nhà hắn.

Còn A Sử, Mị mang danh là vợ của hắn, thế nhưng, hắn đối xử với cô chẳng khác gì một kẻ người ở, một người nô lệ, bởi hắn chưa từng cho Mị đi chơi dù là mùa xuân lễ hội "chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết". Trong đêm tình mùa xuân, khi tiếng sáo réo rắt cất lên ở nẻo xa, tâm hồn Mị chợt dạt dào những kỉ niệm về ngày trước, khi cô còn được sống trong tự do và hạnh phúc. Mị uống rượu và muốn được đi chơi Tết "Mị còn trẻ. Mị muốn đi chơi", thế nhưng, A Sử khi biết được ý định của Mị, đã tàn nhẫn "xách một thúng sợi đay ra trói Mị vào cột nhà", "quấn luôn tóc Mị lên cột, Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa".

Mị sống trong nhà thống lý bị tước đoạt sự tự do, tước đoạt của niềm vui, tình yêu và hạnh phúc của đời Mị. Nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần đã khiến Mị trở nên tê liệt, trở nên chai lì cảm xúc, trở thành một cái xác không hồn "Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa", "Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Đến bao giờ chết thì thôi".

Năm tháng ở nhà thống lí, Mị không còn thấy khổ, không còn biết đau nữa, cũng không còn biết tự do là gì, yêu thương là gì. Và cái buồng nơi Mị nằm trở thành cái địa ngục trần gian giam giữ không chỉ thể xác mà còn là tâm hồn của Mị, mà Mị nghĩ phải đến lúc chết, cô mới được giải thoát.

Cực khổ là thế, bị đàn áp, áp bức đến tê liệt là thế, những tưởng tất cả khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Mị đã bị vùi dập, dập tắt hết. Nhưng không, cái sức sống ấy nó ẩn mình tiềm tàng trong con người Mị và chợt bùng cháy lên thật mạnh mẽ trong đêm tình mùa xuân và trong đêm Mị giải cứu A Phủ.

Khi tiếng sáo gọi bạn trong đêm hội mùa xuân Hồng Ngài cất lên cùng với tiếng người cười nói, tiếng kèn, tiếng pao, lòng Mị đã dập dìu. Mị uống rượu để được say, để được quên đi nhưng "lòng Mị đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng". Tiếng sáo ấy như đánh thức cái khát khao tự do đang ngủ vùi trong sâu thẳm Mị sống dậy để Mị chợt thấy "phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước". Mị nhận ra rằng "Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi".

Đây là khát vọng sống và sự phản kháng đầu tiên của Mị từ khi bước chân vào nhà thống lý. Mị muốn được tự do, muốn được giải thoát "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa".

Khát vọng sống, khát vọng tự do cứ theo tiếng sáo dập dìu bay đến bên Mị "trong đầu Mị đang dập dờn tiếng sáo", và Mị muốn được ra ngoài, muốn được đi chơi như "bao nhiêu người có chồng" khác. Vậy nên, "Mị quấn tóc lại. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách" để chuẩn bị đi chơi.

Ý thức cuộc sống đã trở về với Mị rồi! Khao khát sống, tự do, vui tươi bùng cháy mạnh mẽ trong lòng Mị. Dù bị A Sử bắt đứng trói cột không cho đi chơi, nhưng tâm hồn cô đã thoát lên, đi theo những tiếng sáo gọi bạn rồi "Trong bóng tối, Mị đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, mị nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi".

Tiếng sáo ngày xuân đã đánh thức khát vọng sống tiềm tàng trong con người Mị. Tiếng sáo đã làm nó bùng cháy lên thật mãnh liệt, đã thôi thúc Mị có những phản kháng đầu tiên của một con người có xúc cảm. Tiếng sáo ấy cũng đã thổi bùng lên khát vọng tự do trong cô, đánh thức cảm xúc, ý thức về cuộc sống trong con người cô "Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa".

Thế nhưng, sau đêm tình đó, Mị lại trở về những ngày trước, lại sống vô hồn, lầm lũi như "con rùa nuôi trong xó cửa". Liệu có ai nghĩ rằng Mị sẽ có ngày vùng lên mà thoát khỏi sự áp bức, thoát khỏi địa ngục trần gian này chăng?

Sự kiện A Phủ đánh mất bò, bị đánh rồi bị trói đứng vào cột làm xôn xao cả bản. Thế nhưng, điều đó dường như chẳng làm ảnh hưởng gì tới Mi và cuộc sống của cô. Cô vẫn lầm lũi như thế, "thản nhiên thổi lửa, hơ tay" như mọi ngày. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng chết ở đấy, cũng thế thôi". Mị không có xúc cảm, không còn thương xót cho một con người đau khổ, đáng thương như thế bởi cảm xúc trong cô đã chai lì, đã tê liệt rồi!

Thế nhưng, cảm xúc trong Mị chợt ùa về chỉ khi Mị nhìn thấy "dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen" của A Phủ. Mị chợt nhớ về đêm tình năm trước, khi cô cũng bị A Sử bắt trói đứng như thế "nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được". Một cảm giác thương xót chợt len lỏi cháy lên trong lòng cô. Mị thương cảm cho số phận của A Phủ, cô đồng cảm bởi cô biết sự đau đớn mà A Phủ đang phải trải qua "Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. ... chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia phải chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết... Người kia việc gì phải chết".

Mị thương cảm cho A Phủ, cô miên man trong dòng nghĩ ngợi, cô nghĩ A Phủ biết đâu có thể trốn được và thống lí Pá Tra sẽ cho rằng cô là người thả A Phủ đi rồi "Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị chết trên cái cọc ấy". Nỗi sợ hãi bùng lên trong lòng cô, thế nhưng, sự thương xót và đồng cảm đã chiến thắng sự sợ hãi, cô "rón rén bước lại", "rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây", "gỡ hết dây trói trên người A Phủ" và "thì thào được một tiếng: Đi đi". Mị đã giải thoát cho A Phủ, cho một con người bị áp bức như Mị được trở lại với tự do.

Thế nhưng, khi nghe tiếng bước chân của A Phủ "quật sức vùng lên, chạy", "mị đứng lặng trong bóng tối". Khát vọng sống chợt bùng lên mạnh mẽ trong lòng cô, thôi thúc bước chân cô chạy "băng đi" theo A Phủ. Mị sợ cái chết, Mị muốn được sống, Mị muốn được tự do và hạnh phúc, vậy nên Mị đã băng theo A Phủ và "thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: A Phủ cho ... ở đây chết mất".

Mị đã chạy thoát khỏi địa ngục trần gian giam cầm thể xác và tâm hồn Mị, thoát khỏi những áp bức nô lệ của những kẻ cầm quyền. Hai con người đau khổ dìu nhau bước đi trong bóng tối, băng qua rừng trong đêm lạnh. Hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ của Mị, cũng là hành động cắt dây trói giải thoát cho chính bản thân mình của cô, thoát khỏi kiếp sống đày đọa, khổ cực. Chính khát vọng sống, tự do đã giúp cô làm được điều đó.

Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật Mị, đặc biệt là khi miêu tả những diễn biến tâm lý phức tạp của cô. Ông đã dẫn dắt cho người đọc thấy tâm lý của Mị từ những ngày cô còn được tự do đến khi bị đày đọa trong nhà thống lý rồi đến khi vùng lên giải thoát cho bản thân. Tất cả đều được miêu tả rất xuất sắc. Ông còn tái hiện được những phong tục của con người ở vùng núi Tây Bắc rất chân thực.

Tình huống truyện được xây dựng rất đặc sắc, là bức tranh sống động về chế độ cầm quyền tàn bạo, độc ác của vùng núi Tây Bắc. Nhưng qua đó, làm hiện lên khát vọng sống mạnh mẽ, tiềm tàng của những con người nơi đây.

Nhà văn đã xây dựng hình tượng nhân vật Mị vô cùng xuất sắc. Không chỉ mang tới bức tranh về cuộc sống bị áp bức của những số phận con người nhỏ bé vùng Tây Bắc mà còn vạch trần bộ mặt ác độc của bọn cầm quyền ở đó. Đồng thời Tô Hoài cũng phát hiện ra những phẩm chất cao đẹp và sức sống tiềm tàng của những con người nơi đây. Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực đều được tái hiện rất xuất sắc thông qua hình tượng nhân vật Mị.

3. Cảm nhận nhân vật Mị mẫu 3

Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài (xuất bản năm 1953). Đây là tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thông qua số phận của Mị và A Phủ, nhà văn đã dựng lại quãng đời đau khổ, tối tăm của người dân miền núi trước Cách mạng và phản ánh quá trình đến với cách mạng của họ. Tô Hoài đã thành công trong việc xây dựng nhân vật Mị với diễn biến tâm lí vô cùng phức tạp.

Nhân vật Mị mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ vùng cao. Đẹp người, đẹp nết, Mị được nhiều trai bản yêu mến, ước ao. Tuổi thanh xuân hứa hẹn với cô bao điều tốt lành, nhưng chỉ vì món nợ cha mẹ cô vay của tên thống lí Pá Tra từ ngày cưới, cho đến khi mẹ cô đã chết mà vẫn chưa trả được nên Mị bị bắt về làm con dâu trừ nợ cho nhà hắn. Mị bị coi như một thứ đồ vật vô tri vô giác để tính ra tiền trừ vào số nợ. Những năm tháng Mị sống với cha con tên thống lí gian ác là chuỗi dài đau thương, khổ ải. Cô bị coi rẻ hơn cả con trâu, con ngựa.

Đau khổ, cực nhục đã cướp mất tuổi xuân của Mị, biến cô thành kẻ nhẫn nhục, cam chịu. Cô gái xinh đẹp, hồn nhiên, đa cảm thủa nào đường như đã chết, chỉ còn lại người đàn bà lúc nào cũng vậy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa của nhà thống tí. Mị sống âm thầm, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

Đau khổ kéo dài khiến cho lòng Mị tưởng chừng nguội lạnh. Dường như mọi cảm xúc, khát khao đã bị dập tắt từ lâu. Điều kì diệu là dẫu trong tột cùng đau thương thì mọi thế lực tội ác cũng không hủy diệt được con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã nhưng Mị vẫn sống âm thầm, mãnh liệt. Từ trong sâu thẳm tâm hồn người con gái bị đày đọa kia vẫn âm ỉ, le lói một ngọn lửa yêu đời, ham sống. Mùa xuân về, Mị lén uống rượu và lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…

Rõ ràng, bản chất đích thực đã trở lại với Mị. Tất cả mọi giác quan, cảm xúc tưởng như đã lụi tàn vì đau khổ đang sống dậy. Mị thấy mình còn trẻ lắm, mà còn trẻ thì phải được hưởng hạnh phúc. Vì thế nên bất chợt Mị muốn đi chơi. Nhưng khát vọng chính đáng đã bị hiện thực phũ phàng vùi dập. A Sử đánh Mị, trói Mị, Mị vẫn thả hồn lâng lâng theo tiếng sáo gọi bạn. Tiếng sáo mùa xuân, tiếng sáo gọi tình yêu khơi lên niềm khao khát hạnh phúc trong lòng Mị. Phản ứng tự phát ban đầu của Mị không thể giải phóng được cuộc đời cô nhưng những giây phút trỗi dậy ấy có ý nghĩa thức tỉnh. Giống như đốm lửa âm ỉ trong đám tro tàn, có ngày nó sẽ bùng cháy dữ dội khi gặp cơn gió mạnh.

Chứng kiến cảnh A Phủ bị trói, bị đánh, mấy đêm đầu, Mị vẫn thản nhiên thức dậy sưởi lửa. Mị thản nhiên vì chuyện đánh người, trói người xảy ra thường xuyên ở nhà thống lí. Nhưng đêm nay, trông thấy dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ, Mị không cầm lòng được. Mị thương A Phủ cũng bị rơi vào vòng đọa đày, khốn khổ như mình. Cô liên tưởng tới bao kẻ tôi tớ khác trong nhà này đã bị cha con tên thống lí bạo tàn đối xử dã man. Có người chết đói, chết rét sau mấy ngày cùm trói. A Phủ kia cũng sẽ như vậy thôi và đến một ngày nào đó, Mị cũng thế.

Hơn bao giờ hết, ý thức về nỗi khổ, về thân phận trỗi dậy trong lòng Mị. Nếu cứ cúi đầu chấp nhận số phận có nghĩa là chấp nhận cái chết bi thảm. Từ hình ảnh đau thương của A Phủ trước mắt, Mị liên tưởng đến tương lai mù tối, bế tắc của mình. Chính điều đó đã làm sống lại trái tim tưởng chừng đã bị đau khổ làm cho chai đá của Mị. Cô thương người, thương thân. Giọt lệ bất lực và thống khổ của A Phủ như giọt nước cuối cùng làm tràn đầy bình nước, cảm thương số phận A Phủ, một chàng trai dũng cảm, khỏe mạnh sắp bị cướp đi mạng sống, Mị càng thương thân và càng căm thù cha con tên thống lí gấp bội. Cái thương cái ghét bùng lên, lấn át nỗi sợ, dẫn Mị đến hành động táo bạo ngoài ý thức: cắt dây trói cứu A Phủ.

Đây là hành động bộc phát xong nó là kết quả tất yếu của cả một quá trình bị dồn nén, bức xúc về mặt tinh thần bây giờ đã đến lúc giải thoát và đó cũng chính là biểu hiện tất yếu của một sức sống vốn đã tiềm tàng ẩn chứa trong con người Mị bấy lâu nay. Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng là cắt đứt những dây trói vô hình đã cột chặt cô vào quãng đời tủi nhục. Cô chạy theo A Phủ bởi cô ý thức được nỗi khổ và sự sống còn của mình : ở đây thì chết mất Mị chạy theo tiếng gọi mãnh liệt của tự do, cô tự giải phóng mình khỏi nanh Vuốt cha con tên thống lí tàn bạo.

Qua việc miêu tả diễn biến tâm lí và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong hoàn cảnh đau thương, nhà văn Tô Hoài muốn khẳng định không bạo lực đen tối nào có thể vùi dập được sức sống và khao khát tự do của con người ; đồng thời nhấn mạnh rằng, chỉ có sự tự vùng dậy của bản thân theo sự dẫn dắt của cách mạng mới giải phóng được con người ra khỏi kiếp ngựa trâu, nô lệ. Đó chính là giá trị nhân đạo to lớn của tác phẩm.

4. Cảm nhận nhân vật Mị mẫu 4

Tô Hoài là một nhà văn có tên tuổi, đóng góp rất nhiều những tác phẩm có giá trị cho nền văn học Việt Nam. Nếu như trước năm 1945, ông đánh dấu tên tuổi mình với sự thành công của tập truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí" thì sau năm 1945, tập "Truyện Tây Bắc" đã đưa tên tuổi của ông lên một tầm cao mới. Tình cảm thiết tha, gắn bó, sâu sắc của Tô Hoài dành cho đất và con người Tây Bắc đã giúp ông viết nên được những trang văn thấm đẫm tình người như thế. Truyện " Vợ chồng A Phủ" được trích trong tập "Truyện Tây Bắc" là câu chuyện tiêu biểu và mang nhiều giá trị tư tưởng lớn. Trong truyện, tác giả đã gửi gắm một cách trọn vẹn nhất tình cảm của mình vào nhân vật Mị - một cô gái đại diện cho vẻ đẹp và phẩm chất con người Tây Bắc.

Nhân vật Mị trong " Vợ chồng A Phủ" được khắc hoạ nên với hình ảnh một cô gái con nhà nghèo, rất xinh đẹp, yêu cuộc sống và có một đời sống tinh thần phong phú. Ngày xưa, khi mà bố mẹ Mị lấy nhau, vì không có đủ tiền cưới nên phải đến vay nhà thống lí Pá Tra. Mỗi năm phải nộp trả lãi cho chủ nợ một nương ngô. Thế nhưng, đến tận khi hai vợ chồng đã về già rồi vẫn không trả được hết nợ, người vợ chết rồi mà nợ vẫn còn. Dù vậy, Mị vẫn rất yêu cuộc sống. Đến tuổi cập kê, Mị được nhiều chàng trai say mê bởi sắc đẹp và phẩm hạnh của cô, suốt đêm đứng thổi sáo xung quanh vách hoặc thổi sáo đi theo Mị. Và bản thân của Mị cũng rất tài năng, cô có tài thổi lá hay như thổi sáo nên biết bao nhiêu người say mê hằng ngày đi theo bước chân của Mị. Những tưởng cuộc đời cô gái cứ thế trôi qua êm đềm và cô sẽ sớm tìm được bến đỗ cho đời mình.

Vậy nhưng xã hội phong kiến ấy cùng với những hủ tục lạc hậu đã đẩy Mị tới bước đường cùng. Vào một đêm khuya, Mị nghe thấy tiếng gõ vách mà cứ ngỡ là tiếng hò hẹn của người yêu, Mị bèn nhấc tấm vách gỗ thì bị A Sử bắt về làm vợ, thành con dâu gạt nợ của nhà thống lý Pá Tra. Vậy là biết bao nhiêu mộng đẹp của lứa tuổi xuân đang chớm nở đã bị vùi tắt. Mị đau buồn, đêm nào Mị cũng khóc. Mị đã hái lá ngón ở trong rừng, giấu trong áo rồi trốn về nhà lạy chào cha lần cuối để tự tử. Thế nhưng sau đó cô không đành chết bởi nếu như cô chết đi thì bố cô còn khổ hơn bây giờ nhiều lần. Vậy nên Mị đành phải trở lại nhà thống lý để tiếp tục cuộc sống một người con dâu nô lệ. Mị bị giày xéo, chà đạp, cuộc sống này đã biến Mị thành công cụ lao động biết nói: Ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Mị cúi mặt không nghĩ ngợi nữa. Mị bị bóc lột sức lao động một cách vô cùng tàn nhẫn: con ngựa con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái trong nhà này thì vùi vào làm việc cả ngày lẫn đêm. Dường như cô gái đầy sức sống ngày nào đã bị chai lì mọi cảm giác đến mất cả ý thức về cuộc sống này: mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng trăng trắng không biết là sương hay nắng. Cô nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra đến bao giờ chết thì thôi. Sở dĩ Mị an phận như vậy bởi bọn thống lý Pá Tra đã đưa vào đầu óc cô những tư tưởng mê tín dị đoan cay độc, nên cô tin rằng đã bị bắt về trình ma nhà nó rồi thì chỉ biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi.

Thế nhưng, Mị là một cô gái có sức sống tiềm tàng, khao khát tự do, hạnh phúc mãnh liệt. Khi mùa xuân tràn về khắp các bản làng, trai gái tụ tập bên nhau nô đùa, nhảy múa, thổi sáo gọi bạn tình, Mị như được sống lại những chuỗi ngày tự do. Ngồi trong căn phòng tăm tối, Mị lén uống rượu, uống ừng ực từng bát mà bên tai vẫn văng vẳng lên tiếng sáo gọi bạn tình. Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên thấy vui sướng. Dù chẳng năm nào A Sử cho cô đi chơi Tết, thế nhưng cô vẫn rất khao khát được đi như bao cô gái khác cùng trang lứa. Hành động của MỊ đi tới góc nhà lấy ống mỡ, xắn một miếng mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng, chứng tỏ cô không cam chịu bóng tối ngột ngạt, u ám của kiếp nô lệ phong kiến. Trong phút giây ấy, Mị đã quên đi cảnh ngộ thực tại để hành động theo tiếng gọi giục giã, tha thiết, rạo rực cháy bỏng từ trái tim khát khao hạnh phúc, tình yêu của bản thân mình. MÌ đã quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách để chuẩn bị đi chơi. Thế nhưng hiện thực tàn khốc đã kéo cô trở lại, A Sử đã tàn nhẫn trói đứng cô vào cột nhà, quấn luôn tóc cô lên cột. Thế nhưng sự tàn bạo ấy cũng không dập tắt được lòng ham sống vẫn âm ỉ, tiềm tàng trong tâm hồn Mị. Tiếng sáo du dương trầm bổng, tượng trưng cho sức sống mùa xuân của tuổi trẻ mạnh đến nỗi tuy cô bị trói nhưng vẫn không biết mình đang bị trói. Tiếng sáo đã đưa cô đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Tuy cả đêm ấy Mị bị trói đứng, khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức thế nhưng trong lòng cô vẫn nồng nàn tha thiết nhớ cuộc vui.

Và cái sức sống dữ dội ấy lại được đánh thức nơi Mị lần nữa khi gặp hình ảnh A Phủ bị trói đứng, hình ảnh này cũng đồng thời khơi dậy lòng trắc ẩn tiềm tàng trong cô. A Phủ là một chàng trai tràn trề sinh lực, lao động giỏi, con nhà nghèo, bố mẹ chết sớm nên lưu lạc đến Hồng Ngài. Do cùng bọn con trai làng sinh sự đánh nhau với A Sử nên đã bị "bắt sống, trói gô chân tay lại" khiêng về nhà thống lý. Từ đó, anh phải đi ở trừ nợ cho nhà Pá Tra. Trong một lần chăn bò, chẳng may hổ ăn thịt mất một con bò, Pá Tra đã trói A Phủ vào cột và A Phủ không cúi, không còn lúc lắc được nữa. Nhìn cảnh ngộ của A Phủ, lúc đầu Mị vẫn còn thái độ thản nhiên. Thế nhưng sau đó, trông thấy cảnh tượng này cô đã có những xúc động, thương cảm và đồng cảm với anh. Đồng thời, những giotj nước mắt của A Phủ như một tiếng gọi thiêng liêng để thôi thúc ý thức phản kháng trong Mị: Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng như thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cỡ chừng này là đêm mai là người kai chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Vì thế, Mị liền hành động một cách rất táo bạo. Cô quyết định cởi trói cho A Phủ và cùng anh bỏ trốn khỏi Hồng Ngài. Lúc ấy, trong nhà cảnh đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt nhưng Mị tưởng A Phủ đương biết có người bước lại. Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt dây trói cho A Phủ. A Phủ khuỵ xuống không bước nổi, thế nhưng cái chết có thể đến ngay nên A Phủ cố hết sức để vùng lên.

Rồi Mị cùng vùng chạy ra khỏi nhà thống lý Pá Tra - nơi đã kìm kẹp cô. Hành động cởi trói ấy xuất phát từ tấm lòng của cô, thôi thúc cấp bách của cảnh ngộ hiện tại, từ tiếng gọi thiêng liêng, bất tử của cuộc sống tự do. Hành động cởi trói cho A Phủ của cô chính là tự cởi trói xiềng xích đang đè nặng lên chính cuộc đời của cô. Cứu được A Phủ là Mị đã cứu được mình vượt ra khỏi sự dày đoạ một cách dã man của chế độ phong kiến và sự mê tín. Thật đáng quý làm sao cho hình ảnh của hai con người trẻ tuổi, với biết bao khát vọng hoài bão bị chế độ phong kiến kìm kẹp rồi vùng dạy một cách thật mãnh liệt. Nói tóm lại, Mị là một hình tượng nhân vật phụ nữ có tính cách điển hình cho những câu chuyện viết về đề tài miền núi Tây Bắc dưới thời phong kiến và ách đô hộ thực dân của nhà văn Tô Hoài nói riêng cũng như của dòng văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 nói chung.

Sức sống của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài khắc hoạ một cách tài tình, độc đáo. Từ một con người dường như đã mất hết sức sống, nhưng bằng một nghị lực phi thường, một lòng ham sống mãnh liệt mà Mị đã tìm thấy cuộc đời mình mong muốn để rồi dám đương đầu với những thách thức và vượt qua. Thật vậy, "ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy". Sự vượt qua ranh giới đó của nhân vật Mị đã chứng minh cho điều ấy.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm