Dẫn chứng liên hệ Chiếc thuyền ngoài xa
Dẫn chứng liên hệ mở rộng Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
- 1. Dẫn chứng liên hệ bài Chiếc thuyền ngoài xa
- 2. Liên hệ mở rộng vấn đề xã hội trong Chiếc thuyền ngoài xa
- 3. Liên hệ mở rộng người đàn bà hàng chài
- 4. Liên hệ mở rộng người đàn ông - chịu sự chi phối của hoàn cảnh đời sống.
- 5. Liên hệ mở rộng hình tượng nhân vật Phùng qua những phát hiện của anh
- 6. Liên hệ mở rộng về tấm ảnh trong bộ lịch năm ấy
- 7. Liên hệ mở rộng về nhận thức của nghệ sĩ Phùng khi phát hiện ra cảnh đắt trời cho
- 8. Chiếc thuyền ngoài xa liên hệ với tác phẩm nào?
Dẫn chứng liên hệ Chiếc thuyền ngoài xa được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo, từ đó giúp cho bài văn nghị luận thêm hay, ấn tượng nhận được sự đánh giá cao của người chấm. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm tài liệu học Ngữ văn 12 nhé.
1. Dẫn chứng liên hệ bài Chiếc thuyền ngoài xa
Dẫn chứng 1
Trong một lần trả lời phỏng vấn đầu xuân của báo Văn nghệ vài năm 1986, Nguyễn Minh Châu đã bày tỏ rất rõ quan điểm của mình.
“Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống.”
Dẫn chứng 2
Nguyễn Minh Châu còn đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của những người cầm bút.
“Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: Để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời, để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.”
Dẫn chứng 3
Đích đến cuối cùng của tác giả và tác phẩm luôn là con người, đặc biệt là những mảnh đời cơ cực đau khổ.
“Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.”
Dẫn chứng 4
“Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ kỳ diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để nhận thức khám phá tất cả những cái đó.” NMC
Dẫn chứng 5
“Nhà văn là người cố gắng đi tìm những hạt ngọt ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người.” NMC
Dẫn chứng 6
“…Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: Mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen…” NMC
Dẫn chứng 7
Ông đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp văn học nước nhà nên suốt cuộc đời được nhiều giáo sư và đồng nghiệp đánh giá cao.
“Trong truyện của anh, mọi cái đã vỡ ra tạo nên những khoảng trống, phải nghi ngờ, phải nghĩ. “– Giáo sư Phong Lê
Dẫn chứng 8
Nhận xét của Nguyễn Khải làm cho vị trí người tiền trạm đổi mới của Nguyễn Minh Châu trở nên vững vàng hơn bao giờ hết.
“Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này.”
Dẫn chứng 9
Tô Hoài khẳng định Nguyễn Minh Châu là một tài năng xuất sắc.
“Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý.”
Dẫn chứng 10
Tác phẩm Nguyễn Minh Châu có tính giáo dục con người và tôn vinh những vẻ đẹp khuất lấp.
Các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu bao gồm Cửa sông, Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính, Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà, Những người đi từ trong rừng ra, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Mảnh đất tình yêu, Chiếc thuyền ngoài xa, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ, Phiên chợ Giát, Cỏ lau, Nguyễn Minh Châu toàn tập và Di cảo Nguyễn Minh Châu.
2. Liên hệ mở rộng vấn đề xã hội trong Chiếc thuyền ngoài xa
Chiến tranh kết thúc, Nam Bắc hai miền thống nhất nhưng vẫn còn ở đó với những dấu vết và nỗi đau mà chiến tranh để lại cùng vô vàn nhọc nhằn của đời sống mới. Cuộc sống bấp bênh; khốn khó; tệ nạn xã hội: rượu chè, bạo hành gia đình; thậm chí còn là sự bất lực của công lí… Chồng chất, ngợp thở, thắt lòng. Nguyễn Minh Châu vượt qua mọi cấm kị để nói thật to cái sai, cái xấu và cả cái ác đang tồn tại trong xã hội mà trước đó ta hằng ao ước.
Liên hệ:
“Bến không chồng” - Dương Hướng: Chiến tranh là dữ dằn và khốc liệt, là mất mát và hi sinh. Những dấu ấn thương tích mà nó để lại cho con người là kéo dài, gánh nặng của nó không chỉ đè lên vai những người lính ở chiến trường mà còn là người phụ nữ ở hậu phương nơi làng Đông quay quắt, hắt hiu không trọn vẹn.
“Mảnh đất lắm người nhiều ma” - Nguyễn Khắc Trường: Khi con người trở về với đời sống hòa bình không còn tiếng súng, tiếng bom thì ở đó sự nhếch nhác và cái xấu của những lề thói được nuôi dưỡng hàng ngàn đời nay sau luỹ tre làng.
3. Liên hệ mở rộng người đàn bà hàng chài
Liên hệ
Con người bị xóa mờ nhân thân: không có tên, tuổi cụ thể: Liên hệ nhân vật ông lái đò trong “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân. Con người lao động thầm lặng, vô danh đi vào văn học.
Là một người mẹ hết mực yêu thương con: Liên hệ bà cụ Tứ - “Vợ nhặt”; người mẹ trong dòng chảy ca dao, dân ca: “Miệng ru mắt nhỏ hai hàng/ Nuôi con khôn lớn mẹ càng thêm lo”.
Con người của những bi kịch đời thường và mất mát đau thương thời hậu chiến: Liên hệ nhân vật Quỳ - “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”.
4. Liên hệ mở rộng người đàn ông - chịu sự chi phối của hoàn cảnh đời sống.
Liên hệ:
Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao: Nhà tù thực dân đã khiến một gã trai cày hiền lành ngày nào thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hắn uống rượu, đòi nợ thuê thậm chí đương tay phá nát biết bao hạnh phúc.
Nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”: Bi kịch tinh thần cũng như hoài bão cách tân nghệ thuật của Hộ là điển hình cho tầng lớp trí thức nghèo thời bấy giờ - tầng lớp luôn muốn bứt phá nhưng vẫn bị đè nén dưới tư tưởng phong kiến và không đủ bản lĩnh để vượt qua những sa ngã cuộc đời.
5. Liên hệ mở rộng hình tượng nhân vật Phùng qua những phát hiện của anh
Liên hệ:
Vũ Như Tô được biết đến qua đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là một kiến trúc sư thiên tài và khát vọng nghệ thuật siêu phàm, bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Nhưng ông là một nghệ sĩ có nhân cách và có lý tưởng nghệ thuật hết sức cao đẹp, không phải là người ham sống sợ chết hay chỉ vì chút công danh mà phải bán thân mình cho nghệ thuật. Lúc đầu, ông nhất định thà chết chứ không xây dựng Cửu Trùng Đài cho tên vua bạo ngược, nhưng khi nhận ra giá trị nghệ thuật để lại cho đời thì ông lại quên mất một thực tế là dân chúng đang đói khổ.
Cửu Trùng Đài càng xây cao bao nhiêu thì mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của nhân dân ngày càng tăng lên bấy nhiêu. Vũ Như Tô càng quyết tâm xây dựng Cửu Trùng Đài thì các mâu thuẫn ngày càng theo đó mà khó giải quyết và Đan Thiềm càng khuyến khích Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài thì xung đột giữa người nông dân và con người nghệ thuật ngày càng tăng cao. Có thể nói đó là một khát vọng hết sức chân chính nhưng nó được đặt không đúng chỗ , không kịp thời, không tính đến giá trị cuộc sống thì nghiễm nhiên chính nó sẽ tự trở thành tai họa. Trong việc xây dựng Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô vừa là phạm nhân và cũng vừa là nạn nhân. Diễn biến mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô và Đan Thiềm mặc dù được giải quyết nhưng không được thỏa đáng. Vũ Như Tô bị giết mặc dù trong thâm tâm ông không hề có ý định hại dân, khi chết ông vẫn chưa nhận ra được sai lầm của mình. Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra những vấn đề sâu sắc và có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lý tưởng nghệ thuật cao siêu thuần túy của muôn đời với lợi ích thiết thực và trực tiếp của nhân dân.
6. Liên hệ mở rộng về tấm ảnh trong bộ lịch năm ấy
Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu có nét tương đồng với quan điểm nghệ thuật của Nam Cao: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Giăng sáng)
=> Nghệ thuật phải là cuộc đời và vì cuộc đời
7. Liên hệ mở rộng về nhận thức của nghệ sĩ Phùng khi phát hiện ra cảnh đắt trời cho
Nhận thức của nghệ sĩ Phùng khi phát hiện ra cảnh đắt trời cho: “Cái đẹp chính là đạo đức”, cái đẹp có thể thanh lọc tâm hồn, khiến cho con người trở nên tốt đẹp hơn, thiện lương hơn.
– Giá trị của cái đẹp trong “Chữ người tử từ” (Nguyễn Tuân): Mặc dù làm nghề cai ngục, hàng ngày phải tiếp xúc cái xấu, cái ác nhưng trước tài viết chữ đẹp của Huấn Cao, viên quản ngục vẫn nghiêng mình, coi chữ ông Huấn là một “vật báu”. Bởi vậy, quản ngục đã bất chấp mọi nguy hiểm để có thể xin chữ với tất cả tấm lòng thiện lương của mình. Đúng như Huấn Cao đã khẳng định: Viên quản ngục chính là một “thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”
– Dostoiepxki: “Cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới”
– Thạch Lam: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”
=> Khi đứng trước cái đẹp, người ta thường không nghĩ tới cái xấu, cái ác, cái dung tục tầm thường của cuộc đời mà để cho tâm hồn mình bay bổng, hướng thiện.
8. Chiếc thuyền ngoài xa liên hệ với tác phẩm nào?
Liên hệ Chiếc thuyền ngoài xa với Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài để làm rõ quan niệm về nghệ thuật và cách nhìn nhận cuộc sống của các nhà văn
Liên hệ bức ảnh nghệ thuật thuyền và biển với cảnh cho chữ để nhận xét quan niệm về cái đẹp, về nghệ thuật của mỗi nhà văn.
Liên hệ Chiếc thuyền ngoài xa với Vợ nhặt.