Suy nghĩ của anh chị về đoạn thơ dưới đây: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh
Phân tích đoạn thơ: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh
- I. Dàn ý Phân tích đoạn thơ: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh
- II. Văn mẫu Phân tích đoạn thơ dưới đây: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh
- Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 1
- Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 2
- Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 3
- Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 4
- Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 5
- Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 6
- Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 7
- Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 8
Suy nghĩ của anh chị về đoạn thơ dưới đây: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi.
I. Dàn ý Phân tích đoạn thơ: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh
Dàn ý Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: đoạn thơ: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh.
2. Thân bài
a. Giải thích
Ý đoạn thơ khuyên con người hãy sống là chính mình.
Hãy sống là chính mình: mỗi người sinh ra có những đặc điểm riêng, sứ mệnh riêng, từ đó có những định hướng, ước mơ, mục tiêu khác nhau. Chúng ta hãy luôn tự tin vào bản thân mình, sống hết mình, luôn là chính mình.
b. Phân tích
- Biểu hiện của người sống luôn là chính mình:
Tự tin vào khả năng của mình, hài lòng với ngoại hình của bản thân, không để ý, nhòm ngó cuộc sống của người khác rồi so bì với mình.
Có mục tiêu, kế hoạch, ước mơ và biết phấn đấu, cố gắng, giữ vững lập trường vì mục tiêu đó.
Không bị tác động từ bên ngoài, có ý kiến, quan điểm riêng và có ý thức bảo vệ quan điểm của mình.
- Ý nghĩa của việc sống luôn là chính mình:
Mỗi người sống là chính mình tạo ra những cá tính khác biệt, những màu sắc khác nhau, từ đó chúng ta có thể tiếp thu những cái hay, cái tốt của người khác để hoàn thiện mình.
Người luôn là chính mình là người có lập trường kiên định, từ lập trường kiên định đó chúng ta có thêm động lực, niềm tin để thực hiện kế hoạch mình đề ra.
Mỗi người khi không là chính mình thì chỉ là cuộc sống vay mượn từ người khác, tạm bợ, vô định. Chính vì thế, việc luôn là chính mình có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống là chính mình, tự tin về bản thân mình và đạt được nhiều thành công để minh họa cho bài làm của mình.
d. Phản đề
Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, không tin tưởng bản thân mình, luôn chỉ nhìn thấy nhược điểm của mình và sống trong sự chìm đắm, ao ước được như người khác,…
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: đoạn thơ: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
Dàn ý Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu đoạn thơ: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh.
2. Thân bài
a. Giải nghĩa
Ý nghĩa 4 câu thơ: mỗi người sinh ra mang một sứ mệnh riêng, có người vá trời lấp bể, có người xây thành đắp lũy, làm nên những việc lớn lao. Tuy nhiên chúng ta không nên nhòm ngó vào đó để ghen ghét hay bắt chước mà hãy là chính mình, làm những việc khiến bản thân mình thấy vui, thấy có ích dù là những việc nhỏ nhất. Hãy luôn sống là chính mình.
b. Phân tích
Cuộc sống của con người nếu chỉ có tranh giành hay tính toán sẽ làm cho con người khó chịu, suốt ngày sống trong lo toan, u tối, không tận hưởng được trọn vẹn niềm vui và vẻ đẹp của cuộc sống.
Người biết buông bỏ mọi thứ, sống bình yên, thanh thản sẽ có được hạnh phúc, thấy cuộc đời này ý nghĩa hơn.
Nếu cả xã hội này ai cũng sống trong sự bình yên thì xã hội sẽ phát triển tươi đẹp hơn.
Con người nếu không có bình yên mà chỉ lo toan tính, ganh tị với người khác sẽ không chỉ làm bản thân mình mệt mỏi mà con gây ra hậu quả cho người khác và làm cho xã hội phát triển theo chiều hướng tiêu cực.
c. Phản biện
Trong xã hội vẫn còn nhiều người sống với những tính toán thiệt hơn, với những tham vọng hoặc quá bi quan mà không thể vứt bỏ những đau khổ, luôn tự dằn vặt bản thân mình; những người này đáng bị phê phán và cần chỉnh sửa tính cách này.
3. Kết bài
Khái quát lại ý của đoạn thơ; rút ra bài học cho bản thân.
II. Văn mẫu Phân tích đoạn thơ dưới đây: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 1
Tất cả chúng ta sinh ra đều là những cá thể độc nhất vô nhị, mang trong mình một cá tính riêng, một màu sắc riêng, không có ai giống ai và không ai muốn mình tồn tại dưới phiên bản “thứ hai” của người khác. Thật đúng với đoạn thơ:
“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp luỹ xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh".
Trong cuộc sống, có người vá trời lấp bể, có người xây thành đắp lũy, làm nên những việc lớn lao khiến mọi người ngưỡng mộ và coi họ như một hình mẫu lý tưởng để sống. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, đôi khi ta thèm muốn cái cảm giác hạnh phúc, an nhàn của người khác. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ tự hỏi rằng, đây có phải điều mình thực sự thích hay chưa? Đã từng có một câu nói rất hay: “Thế giới này thuộc về người dám đi theo những gì họ muốn”. Khi ta sống là chính mình, ta sẽ không bị đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn xã hội. Chúng ta có quyền tự chủ và lựa chọn con đường mình muốn. Điều này sẽ giúp ta tìm được niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống, đồng thời tránh được cảm giác bị khống chế hay bị ép buộc trong quy chuẩn xã hội. Thế nhưng, phong cách sống ta lựa chọn cũng đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong cuộc sống một cách chủ động và tích cực.
Nữ diễn viên Emma Waston có một câu nói rất hay: “Xinh đẹp không phải là mái tóc dài, đôi chân thon, làn da rám nắng hay hàm răng hoàn hảo. Xinh đẹp là khuôn mặt của người đã từng khóc và bây giờ mỉm cười… xinh đẹp là những dấu vết từ cuộc sống, là tất cả mọi hồi hộp và yêu thương mà ký ức để lại cho chúng ta. Xinh đẹp là để bản thân mình được sống”. Điều ấy quả thực đúng. Ta chỉ có thể hạnh phúc khi biết yêu thương chính mình.
Tuy nhiên, xã hội vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, sống trong sự chìm đắm, ao ước về cuộc sống người khác. Đi qua hết những tháng năm tuổi trẻ, nhiều người mới nhận ra những điều vốn có, những thứ bình dị quý giá đến nhường nào.
Sống vui vẻ một đời này đã là chuyện không mấy dễ dàng, nên hãy lựa chọn được lối đi hạnh phúc duy nhất cho riêng mình bởi cuộc sống này tươi đẹp hay đen tối phụ thuộc vào cách bạn đối xử với bản thân.
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 2
Mỗi con người là một thực thể cá biệt và chỉ là duy nhất, chúng ta cần trân trọng bản thân mình, giống như những câu thơ:
Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh
Trong cuộc sống có nhiều người tài giỏi có những đóng góp to lớn đối với đời sống con người được ví von như vá trời lấp bể. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng tài năng, giỏi giang. Mỗi chúng ta có một thế mạnh riêng, một cá tính riêng, chính vì thế chúng ta hãy luôn sống là chính mình như những chiếc lá xanh ngắt. Bốn câu thơ khuyên nhủ chúng ta hãy tôn trọng giá trị bản thân mình, nhận thức được bản thân và chấp nhận khuyết điểm, bỏ qua tự ti để cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy biết trân trọng những giá trị có sẵn của bản thân, biết chấp nhận những khuyết điểm của bản thân và cố gắng cải thiện nó, trau dồi mình thành con người mà mình ước mơ. Nhận ra được khuyết điểm của bản thân là tốt, nhưng để yêu nó, chấp nhận nó, giúp nó tốt lên là điều không phải ai cũng làm được. Thời gian của mỗi người hữu hạn, nếu chúng ta không tự yêu lấy chính mình, không tự cố gắng hoàn thiện mình, không là chính mình thì cuộc sống của ta sẽ không bao giờ hạnh phúc. Người sống luôn là chính mình là những người luôn tự tin vào khả năng của mình, hài lòng với ngoại hình của bản thân, không để ý, nhòm ngó cuộc sống của người khác rồi so bì với mình. Việc sống luôn là chính mình mang nhiều ý nghĩa to lớn: Mỗi người sống là chính mình tạo ra những cá tính khác biệt, những màu sắc khác nhau, từ đó chúng ta có thể tiếp thu những cái hay, cái tốt của người khác để hoàn thiện mình. Ngoài ra, người luôn là chính mình là người có lập trường kiên định, từ lập trường kiên định đó chúng ta có thêm động lực, niềm tin để thực hiện kế hoạch mình đề ra. Cuộc sống quá ngắn ngủi để chạy theo một hình tượng nào đó hoặc cố biến bản thân mình thành một ai đó. Hãy luôn là chính mình, trân trọng bản thân và vươn lên, hướng đến những điều tốt đẹp nhất để tạo ra những giá trị ý nghĩa cho đời.
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 3
Cuộc sống của con người là một hành trình dài vượt qua những khó khăn thử thách. Chúng ta sẽ có những lúc gặp phải khó khăn, thử thách khiến bản thân mình thất bại, vấp ngã. Nhưng chúng ta cần phải biết giá trị của bản thân mình, sống là chính mình, đứng dậy, vượt qua thất bại đó và rút ra bài học để đi tiếp con đường mình đã chọn, bởi lẽ:
Người vá trời lấp, bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh
Mỗi người sinh ra có những đặc điểm riêng, sứ mệnh riêng, từ đó có những định hướng, ước mơ, mục tiêu khác nhau. Chúng ta hãy luôn tự tin vào bản thân mình, sống hết mình, luôn là chính mình. Nhờ có những giá trị riêng biệt của bản thân mà con người có những khả năng khác nhau, tư duy khác nhau tạo nên sự da dạng cho cuộc sống, cho xã hội. Xã hội phát triển là nhờ vào những giá trị riêng biệt của nhiều cá nhân tạo thành. Nếu con người không có những giá trị riêng biệt, xã hội sẽ bão hòa, không có những sự phong phú, đa dạng ngành nghề,… và dần dần xã hội mất đi niềm vui, con người sẽ biến thành những chiếc máy. Chính vì thế, mỗi người cần phải tự nhận biết được những giá trị riêng biệt của bản thân để phát triển mình và tìm cho mình hướng đi thích hợp nhất. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người không nhận biết được những giá trị của mình mà chỉ nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ, của người khác, sống cuộc sống không vui không buồn. Lại có những người quá tự cao tự đại, ảo tưởng về giá trị của bản thân mình cho mình là hơn người,… những người này đáng bị thẳng thắn phê phán. Mỗi người có cá tính, một giá trị bản thân khác nhau. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 4
Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần, vậy hà cớ gì phải cố gắng khiến bản thân mình giống người khác? Chúng ta hãy sống là chính mình, bởi lẽ:
Người vá trời lấp, bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh
Chúng ta hãy luôn tự tin vào bản thân mình, sống hết mình, luôn là chính mình. Người sống luôn là chính mình là những người luôn tự tin vào khả năng của mình, hài lòng với ngoại hình của bản thân, không để ý, nhòm ngó cuộc sống của người khác rồi so bì với mình. Họ sống có mục tiêu, kế hoạch, ước mơ và biết phấn đấu, cố gắng, giữ vững lập trường vì mục tiêu đó. Bên cạnh đó, người sống là chính mình sẽ không bị tác động từ bên ngoài, có ý kiến, quan điểm riêng và có ý thức bảo vệ quan điểm của mình. Việc sống luôn là chính mình mang nhiều ý nghĩa to lớn: Mỗi người sống là chính mình tạo ra những cá tính khác biệt, những màu sắc khác nhau, từ đó chúng ta có thể tiếp thu những cái hay, cái tốt của người khác để hoàn thiện mình. Ngoài ra, người luôn là chính mình là người có lập trường kiên định, từ lập trường kiên định đó chúng ta có thêm động lực, niềm tin để thực hiện kế hoạch mình đề ra. Mỗi người khi không là chính mình thì chỉ là cuộc sống vay mượn từ người khác, tạm bợ, vô định. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, không tin tưởng bản thân mình, luôn chỉ nhìn thấy nhược điểm của mình và sống trong sự chìm đắm, ao ước được như người khác,… những người này nếu không xem xét lại cách sống của bản thân thì sớm trở nên vô định. Cuộc sống này là của chúng ta, do chúng ta định đoạt, hãy là chính mình, hãy phấn đấu để bản thân mình tốt lên mà không phải vì để giống bất cứ một ai khác.
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 5
Mỗi người chúng ta sinh ra là một cá thể riêng biệt, mang một cá tính riêng, màu sắc riêng, không ai giống ai và cũng không có ai sống để làm bản sao của người khác. Chính vì vậy, chúng ta hãy sống cuộc sống của chính mình, hãy là chính mình như bài thơ Lá xanh, tác giả Nguyễn Sĩ Đại đã viết:
Người vá trời lấp, bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh
Mỗi người sinh ra mang một sứ mệnh riêng, có người vá trời lấp bể, có người xây thành đắp lũy, làm nên những việc lớn lao. Tuy nhiên chúng ta không nên nhòm ngó vào đó để ghen ghét hay bắt chước mà hãy là chính mình, làm những việc khiến bản thân mình thấy vui, thấy có ích dù là những việc nhỏ nhất. Hãy luôn sống là chính mình. Luôn là chính mình mang ý nghĩa mỗi người hãy biết trân trọng bản thân, bằng lòng với nó và cố gắng phát triển bản thân mình, trở thành một người tốt, có ích cho xã hội. Bạn có thể không học giỏi nhưng bạn lại có tài vẽ đẹp, hát hay. Bạn có thể gầy nhưng bạn lại có gương mặt xinh đẹp. Bạn có thể không xinh nhưng bạn lại có giọng nói ấm áp. Bạn có thể không giỏi cầm, kỳ, thi, họa nhưng bạn lại biết nấu ăn ngon... Giá trị của bạn không phải bạn sinh ra ở đâu, bạn bắt đầu như thế nào mà ở cái đích bạn đạt được có bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực của bạn. Để đi đến được thành công chưa bao giờ là dễ dàng và quá trình bạn đi trên con đường đó sẽ giúp bạn tìm ra giá trị đích thực của bản thân. Chối bỏ bản thân mình là bạn đang đánh mất đi cơ hội để bạn được hoàn thiện mình hơn. Bất kỳ ai sinh ra cũng có những điểm mạnh nhất định của mình mà chính bản thân ta phải tự mình tìm lấy nó. Tự mình vun đắp cho tâm hồn mình, sống một cách đơn giản cho cuộc đời đơn giản. Khi ấy, bạn sẽ tìm được con đường đúng đắn và có hạnh phúc, đừng vì ngưỡng mộ mà cầm bản đồ của người khác miệt mài dò đường của mình.
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 6
Mỗi con người sinh ra có một đặc điểm, một tính cách riêng tạo nên những màu sắc khác nhau của cuộc sống. Chúng ta cần nhận ra và trân trọng những giá trị riêng của bản thân mình. Để khích lệ con người làm điều đó, trong bài thơ Lá xanh, tác giả Nguyễn Sĩ Đại đã viết:
Người vá trời lấp, bể
Kẻ đắp lũy xây thành,
Ta chỉ là chiếc lá,
Việc của mình là xanh
Mỗi người sinh ra mang một sứ mệnh riêng, có người vá trời lấp bể, có người xây thành đắp lũy, làm nên những việc lớn lao. Tuy nhiên chúng ta không nên nhìn vào đó để ghen ghét hay bắt chước, học tập theo họ làm những việc quá sức so với khả năng của mình mà hãy là chính mình, làm những việc khiến bản thân mình thấy vui, thấy có ích dù là những việc nhỏ nhất. Hãy luôn sống là chính mình, cố gắng thực hiện mục tiêu mà bản thân mình đã đặt ra, hướng đến những điều tốt đẹp. Đôi khi những gì chúng ta có được ngày hôm nay lại là ước mơ của bao người khác. Mỗi con người có một cuộc đời, một hành trình riêng tạo nên những giá trị riêng biệt.
Cuộc sống của con người nếu chỉ có tranh giành hay tính toán sẽ làm cho con người khó chịu, suốt ngày sống trong lo toan, u tối, không tận hưởng được trọn vẹn niềm vui và vẻ đẹp của cuộc sống. Người biết buông bỏ mọi thứ, sống bình yên, thanh thản sẽ có được hạnh phúc, thấy cuộc đời này ý nghĩa hơn. Nếu cả xã hội này ai cũng sống trong sự bình yên thì xã hội sẽ phát triển tươi đẹp hơn. Chúng ta là những cá thể độc lập, vì vậy hãy sống, làm việc theo suy nghĩ, ước mơ, khát vọng của riêng mình, không nên để những yếu tố xung quanh tác động, gây ảnh hưởng quá trình phấn đấu. Hôm nay có thể chúng ta chưa bằng người khác, nhưng nếu chúng ta cố gắng từng ngày, chắc chắn cuộc sống sau này sẽ tốt lên nhiều lần. Việc nhìn vào cuộc sống của người khác hoặc bắt chước theo họ không những không làm cho chúng ta tốt lên, thành công như họ mà ngược lại, chúng ta sẽ làm lỡ dở ước mơ của mình, đánh mất đi nhiều cơ hội quý giá.
Một thực tế đáng lo ngại đó là trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người sống với những tính toán thiệt hơn, với những tham vọng hoặc quá bi quan mà không thể vứt bỏ những đau khổ, luôn tự dằn vặt bản thân mình; những người này đáng bị phê phán và cần chỉnh sửa tính cách này.
Mỗi người chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta hãy sống, cố gắng vươn lên, trở thành một công dân có ích cho cuộc đời. Không một ai là hoàn hảo nhưng khi ta biết vươn lên ta sẽ đạt được thành quả xứng đáng với những gì bản thân mình bỏ ra.
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 7
Mỗi con người là một cá thể độc lập, một cá tính riêng biệt không có sự trùng lặp trên thế giới này. Có lẽ vì vậy, mà quan điểm, cách sống của mỗi người cũng rất khác nhau. Nếu như Xuân Diệu mạnh mẽ khẳng định: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” hay “Ta là Một. Là Riêng. Là Thứ Nhất” thì Nguyễn Sĩ Đại chỉ bình dị, nhẹ nhàng phát biểu ý kiến của mình:
“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh”
(Lá xanh)
Bài thơ thực chất là lời khẳng định về một tuyên ngôn sống giản đơn và ý nghĩa. Những cụm từ như “vá trời lấp bể”, “đắp lũy xây thành” được phóng đại hóa để chỉ những công việc to lớn và mang tầm vóc, quy mô vĩ đại, hoành tráng. Còn “chiếc lá” chỉ là một thực thể bé nhỏ, bình thường như hàng ngàn, hàng vạn chiếc lá khác trên thế gian này. Vì thế, chiếc lá không thể làm những việc lớn lao như trên được. Lá chỉ cần thực hiện trách nhiệm của nó, đó là “xanh”. Có nghĩa là chỉ cần sống hết mình, làm đúng công việc của mình là rất đủ. Bài thơ tưởng như nói về chiếc lá nhưng thực chất là đang nói chuyện con người. Không phải ai trong số chúng ta cũng sinh ra để làm vĩ nhân, ta chỉ cần “xanh” – sống nhiệt huyết và đam mê với công việc của mình là đủ.
Có thể nói rằng, ý kiến của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại là hoàn toàn xác đáng. Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này có lẽ đã được Thượng đế ban cho những thân phận, số mệnh và nghĩa vụ riêng. Ta không cần quan tâm, hay so sánh với người này người kia để rồi thấy mình kém cỏi, nhỏ bé. Ta không cần với quá cao, quá xa tới những điều không thể. Ta chỉ cần sống bình dị và an yên, vững tin và miệt mài với chức năng của mình. Chỉ cần “xanh” là đã đủ. Giống như nhà bác học Anh-xtanh từng nói: “Nếu ta bắt con cá phải leo cây, rõ ràng nó là một con cá ngu dốt. Hãy cứ để cho nó tung tăng dưới nước, chẳng phải nó trở thành nhà vô địch sao?”. Hoặc nếu bạn từng đọc câu chuyện về chú bé đánh trống trích trong “Những tấm lòng cao cả” (Etmondo Amixi) bạn càng thấy rõ điều đó. Cậu chỉ là một liên lạc viên nhỏ bé, không có binh hàm, chức tước. Cậu chỉ là kẻ mà trong đội không ai nhớ mặt, nhớ tên. Song, cậu đã dũng cảm chạy nhiều cây số với cái chân bị bắn để có thể đưa tin cho chỉ huy. Nếu không chạy như vậy, cậu sẽ không bị hoại tử và phải cắt một bên chân của mình. Dù vậy, cậu vẫn chạy, vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ta liệu có thể phủ nhận cậu không “xanh” hết mình cho tuổi trẻ sao? Chỉ là chú bé liên lạc, cậu vẫn dũng cảm kiên cường. Chỉ là một chiếc lá nhỏ trong vô vàn vô tận chiếc lá, ta vẫn luôn là một cá thể đặc biệt duy nhất. Mỗi chiếc lá đều phải “xanh”, thì cái cây kia mới rợp bóng mát, mới có thể tỏa bóng che chở. Chúng ta phải sống hết mình, thì mới không để thời gian trôi qua lãng phí, để tuổi thanh xuân rực rỡ, tươi đẹp qua đi. Chỉ có như vậy, ta mới có thể tạo lập một cộng đồng vững mạnh, một xã hội rực sáng những màu “xanh”.
Tuy vậy, không phải lúc nào ta cũng chỉ sống cho riêng mình, chỉ an phận thủ thường với những “giấc mơ con” (Chế Lan Viên), con người ai cũng nên mang trong mình một hoài bão, một ước mơ dù lớn dù nhỏ. Để rồi cùng với những quyết tâm, đam mê mãnh liệt biến ước mơ thành sự thật. Chiếc lá vừa phải xanh vừa phải thanh lọc không khí. Đó mới là cuộc sống của một đời lá đích thực. Còn với chúng ta, đặc biệt là giới trẻ càng cần thiết phải bùng cháy, tỏa sáng rực rỡ đúng như lứa tuổi của mình. Màu xanh của ta phải thật đẹp, thật mãnh liệt không nhạt nhòa.
Nhà thơ Tố Hữu cũng có những câu thơ rất ý nghĩa:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh”
cũng là để gửi một thông điệp đến chúng ta: Sống có ích, sống nhiệt tình. Ở lứa tuổi của học sinh, sinh viên, ta nên chú ý học tập, cống hiến trí tuệ và sức lực cho Tổ quốc.
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh - Mẫu 8
Cuộc sống là bức tranh muôn hình vạn vẻ, là bể cạn trời sâu, là góc khuất và ánh sáng. Mỗi người giống như là mảnh ghép trong bức tranh ấy. Chúng ta có thể đứng ở góc khuất, ở trung tâm, nhưng đều cùng mang trong mình một sứ mệnh: làm cho bức tranh ấy càng tràn đầy sức sống, đẹp tươi. Trong bài “Lá xanh”, Nguyễn Sỹ Đại đã thể hiện triết lí sâu xa với những vần thơ:
“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp xây lũy thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh”
Các bậc đại hàn nho sĩ thuở trước thường quan niệm về công và danh gắn liền với chí làm trai. Còn Nguyễn Sỹ Đại, dường như lại gửi gắm trong câu thơ của mình một thông điệp khác. “Vá trời lấp bể, đắp lũy xây thành” là những việc mà người bình thường khó có thể thực hiện được. Nó thuộc về một lực lượng siêu nhiên, về những anh hùng, ở đây dùng để chỉ những việc lớn lao đại sự.
“Người, kẻ” tức người khác, người kia làm được những việc lớn lao: “vá trời”, lấp bể”, đắp lũy”, “xây thành”. Còn ta, Nguyễn Sỹ Đại nhấn mạnh: “Ta chỉ là chiếc lá” chỉ cần “xanh” là đủ rồi.
Mỗi chiếc là là một phần tử của cây xanh, nó chiếm một phần nhỏ thôi nhưng thiếu lá, cây như dòng sông cạn, quanh năm xơ xác. Dùng hình ảnh chiếc lá làm biểu tượng cho con người, Nguyễn Sỹ Đại muốn nói chúng ta không lớn lao như vũ trụ, không vĩ đại như bậc kỳ nhân nhưng chúng ta quan trọng như giọt nước với đại dương, như hạt cát trên sa mạc. Thiếu mỗi cá thể ấy, làm sao có thể cấu thành tổng thể?
Người ta sinh ra đã là một phần tử rất nhỏ của xã hội, việc của ta là “xanh – sống hết mình, tỏa ra một ánh sáng riêng đúng với khả năng, thiên chức và cống hiến cho đời. Bốn câu thơ ngắn chứa đựng triết lý sâu xa: sống có ý nghĩa, cống hiến theo thiên chức, làm việc nghĩa cho đời. Martin Luther King đã từng nói nếu là một người phu quét đường, hãy quét những con đường như William Shaskpeare.
Như rất nhiều những nhà danh tài khác trên thế giới cuộc đời tựa một quả cầu, nếu may mắn ta sẽ được đứng ở chỗ đối diện với luồng ánh sáng, nếu không thì đành phải đứng khuất sau góc đường chân trời. Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là ta đã cháy hết mình như thế nào.
Câu chuyện về một người quét rác ở Mỹ có thể xem là một biểu hiện của việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn như bài thơ của Nguyễn Sĩ Đại dã nói đến. Ngày ngày anh đều dọn sạch con đường trước cổng trường đại học, đều nở một nụ cười thật tươi với các sinh viên, động viên họ bằng một tấm lòng chân thật. Anh có thể là chiếc lá nhỏ xíu dưới góc tối của tán bạch dương, nhưng hành động của anh đã thúc đẩy dòng máu dồi dào nuôi toàn xã hội.
Chúng ta sinh ra đã được hưởng ân huệ của trời đất, được hít hà thứ hương tinh túy của sự sống ngàn đời, nếu ta như hòn gạch sần sùi, hòn gạch ấy phải góp phần dựng xây cuộc sống, nếu ta như chiếc lá yếu ớt, ta vẫn có thể thu vào mình ô xi cho cây quang hợp. Mỗi cá nhân là một phần của xã hội này. Điều chúng ta cần làm không phải chỉ chú tâm vào việc lớn lao mà hãy bắt đầu đóng góp cho sự sống quanh mình từ những điều nhỏ nhất vì đó là nền tảng để xây nên thế giới.
Chị Đậu Thị Huyền Trâm, một chiến sĩ công an 25 tuổi bị bệnh ung thư khi đang mang thai đứa con đầu lòng. Có người nói cuộc sống của chị quá ngắn ngủi, chị chưa làm được điều gì vĩ đại cho cuộc sống này. Chị chính là chiếc lá xanh nhất, là ánh dương đẹp nhất, là người mẹ tuyệt vời nhất khi đã hi sinh bản thân mình để cứu con. Cái chị đóng góp cho đời không phải là một trận chiến với kẻ thù, một phát minh đổi thay thế giới. Cái chị mang đến cho đời là vẻ đẹp của một khúc ca làm người. Bạn có thể mơ rất xa, ước được chạm vào nơi sâu nhất của vũ trụ này, nhưng bạn có biết không, chính những cống hiến nhỏ nhoi mà ý nghĩa lại là biểu hiện đầu tiên để khẳng định giá trị con người. Thanh Hải trước khi ra đi cũng để lại khát vọng:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Hay là khi tóc bạc”
Hay anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” cũng là người như thế. Ta ca ngợi anh ở những thứ lặng thầm ở sâu trong trái tim nhiệt huyết. Anh đẹp lắm, vẻ đẹp nổi rõ giữa đám lá ở một thân cây xù xì. Một màu đỏ có thể vẽ nên ánh mặt trời, một màu vàng có thể vẽ nên lá mùa thu, một màu hồng làm hoa đào chớm nở, màu trắng tinh khôi ẩn mình dưới lớp tuyết mùa đông. Nhưng gộp lại chúng ta đã có bức tranh đời tươi sáng. Con người cũng vậy, có những việc rất nhỏ nhưng ý nghĩa lại có thể từng bước lay chuyển cuộc đời.
Ý kiến được Nguyễn Sỹ Đại nêu ra là vô cùng đúng đắn và ý nghĩa. Ông không phê phán những đại sự, nhưng lại đề cao việc cống hiến lặng thầm và ý nghĩa. Trong một bài phát biểu của một giáo sư người Nhật phân tích điểm khác biệt giữa người Việt và người Nhật, ông cho rằng, người công nhân Nhật nhìn thấy một cái đinh vít bị rơi họ sẽ nhặt lên cho vào kho, còn người Việt thì không, đó là vấn đề thuộc về ý thức nghề nghiệp. Điều đó lý giải vì sao Nhật lại phát triển như bây giờ.
Dù chúng ta là ai, chúng ta đứng ở vị trí nào cũng hãy cháy hết mình như ngọn lửa rực cháy trong đêm lần cuối, như hạt phù sa lần cuối cùng nằm lại với đất mẹ yêu thương, là giáo viên thì hết mình với học sinh, là kỹ sư thì hết mình dựng xây vẻ đẹp, là nhà văn, trước khi cầm bút, hãy đảm bảo rằng mình đã sống và viết hết mình, tấm lòng sẽ trao trọn bể chữ mênh mông. Khi con người ta chỉ sống vì mình thì trở thành người thừa đối với những người còn lại.
Nhưng không phải cứ lúc nào cũng là chiếc lá. Nếu không có mục đích lớn lao, bạn chẳng thể làm được gì cả. Mục đích lớn lao là “quê hương” của tài năng. Nhưng cái cốt lõi là phải biết dung hòa giữa bình dị và lớn lao, giữa cái cao siêu và điều nhỏ bé. Đó là trường hợp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, đến những Obama, Bill Clinton mà ai ai cũng biết. Obama, trên cương vị của một người cha, chưa bao giờ vắng mặt trong buổi họp phụ huynh cho con gái; trên cương vị của một người chồng, chưa bao giờ bỏ mặc người vợ của mình tự xoay xở. Sống cũng như cách điều chế một dung dịch hóa học, nếu không biết cân bằng, nó sẽ nổ tung.
Bạn không thể chặn những con sóng nhưng có thể học cách làm thế nào để lướt sóng. Chúng ta cảm thấy điều chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít hơn chỉ bởi thiếu đi giọt nước ấy. Bạn không thể dời non, lấp bể hay đắp lũy, xây thành, nhưng chắc chắn rằng bạn có thể giữ gìn được những giá trị sống tốt đẹp cho cuộc đời này. Điều quan trọng là có được một cuộc sống hữu ích nếu không thể trở nên vĩ đại. Bài thơ Lá xanh của Nguyễn Sĩ Đại là một lời nhắn nhủ chân thành đối với thế hệ trẻ hôm nay về lối sống và lẽ sống cao đẹp, hữu ích và phù hợp.
-------------------------
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ của anh chị về đoạn thơ dưới đây: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh. Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2.