Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập Ngữ văn 12 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

1. Dàn ý nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ

1. Mở Bài

Hiện nay có đến hơn 2 tỉ người có tài khoản Facebook đã cho thấy mức độ thu hút của nó. Tuy nhiên, Mạng xã hội này là một con dao hai lưỡi trong đời sống.

2. Thân Bài

* Những hữu ích mà facebook mang lại:

· Kết nối với bạn bè nhanh chóng

· Giao lưu những người cùng chung đam mê, sở thích

· Lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc sống

· Nâng cao thu nhập qua việc kinh doanh online

· Giải trí và thực hiện các hoạt động từ thiện

* Những tác hại của việc dùng facebook:

· Bào mòn từng tế bào thần kinh

· Thông tin rác rưởi, lá cải

· Vấn nạn câu like, đăng hình phản cảm

· Làm nhục qua mạng

· Ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần

* Đừng biến Facebook trở thành một lưỡi dao tự giết chính mình.

3. Kết Bài

Facebook chưa bao giờ có lỗi với bạn, cái chính là ở bạn, phải điều chỉnh hành vi và nhận thức của chính mình. Hãy dùng Facebook thật hữu ích phục vụ đời sống của chính mình.

2. Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ mẫu 1

Trong đời sống, mạng xã hội đem đến những lợi ích vô cùng to lớn đối với công việc và cuộc sống của con người. Thật vậy, bên cạnh những thay đổi tích cực đáng kể mà mạng xã hội đem đến thì việc sử dụng mạng xã hội sai cách và không khoa học đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề và tác hại đến chính cuộc sống của mỗi người. Về mặt tốt, mạng xã hội có rất nhiều lợi ích. Đầu tiên, mạng xã hội chính là phương thức giao tiếp và liên lạc hiệu quả giữa người với người. Vượt qua mọi chướng ngại khoảng cách địa lý và thời gian, mạng xã hội giúp con người liên lạc hiệu quả và giữ liên lạc dù đang ở đâu trên thế giới. Thứ hai, mạng xã hội đã tạo nên những cơ hội việc làm khác nhau và thay đổi cách mà con người làm việc. Hàng loạt những công việc liên quan đến lĩnh vực mạng xã hội được mở ra và con người cũng có nhiều cơ hội để làm việc nhóm, làm việc từ xa thông qua nền tảng mạng xã hội. Cuối cùng, mạng xã hội giúp con người cập nhật tin tức và học hỏi, Tính chất của mạng xã hội là luôn có tính cập nhật và nóng hổi nên việc con người sử dụng mạng xã hội sẽ giúp ta cập nhật được với những tin tức giải trí, giáo dục, xã hội mà ta yêu thích một cách nhanh chóng nhất. Về những mặt xấu, mạng xã hội bản chất không hề xấu mà do con người sử dụng chúng sai cách. Đầu tiên, một trong những biểu hiện của việc sử dụng mạng xã hội sai cách đó là nghiện mạng xã hội. Những người nghiện mạng xã hội sẽ trở thành nô lệ tinh thần cho mạng xã hội và khó có thể sống thiếu được mạng xã hội trong ngày. Thứ hai, một số người sử dụng mạng xã hội vào việc truyền bá những tư tưởng sai lệch và kém văn minh. Vì mạng xã hội có tính chất rộng khắp và lan truyền nhanh chóng nên những kẻ xấu có thể lợi dụng để truyền bá và làm dấy lên những tư tưởng phản động, độc hại và chống phá nhà nước từ bên trong. Cuối cùng, có những kẻ sử dụng mạng xã hội để lan tin giả, bóp chết tin thật. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, những mẩu tin giả có tác hại vô cùng lớn, đó là gây hoang mang dư luận và làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn. Nếu như người đọc không có nhận thức đúng đắn và không tiếp cận những nguồn tin chính thống của quốc gia thì khó có thể mà tẩy chay được tin giả. Tóm lại, mạng xã hội là con dao hai lưỡi nên người sử dụng cần có cách sử dụng đúng đắn đối với mạng xã hội để đem đến những tác dụng hiệu quả nhất.

Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ

3. Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ mẫu 2

Bất cứ vấn đề gì cũng có hai mặt của nó, những lợi ích luôn đi kèm sau nó là những vấn đề tiêu cực. Hai mặt của một vấn đề luôn khiến người ta phải chần chừ, suy nghĩ đắn đo trước những sự lựa chọn. Xã hội ngày càng đổi mới, các phương tiện công nghệ thông tin phục vụ người dùng ngày càng nhiều như máy tính bảng, laptop, điện thoại di động, .. chỉ cần được kết nối internet bạn có thể thỏa sức tung hoành trong một thế giới ảo. Mạng xã hội Facebook cũng ra đời vì lẽ đó, hiện nay có đến hơn 2 tỉ người có tài khoản trong mạng xã hội này đã cho thấy mức độ thu hút của nó. Tuy nhiên, Mạng xã hội Facebook là một con dao hai lưỡi đối với giới trẻ trong đời sống.

Trong thực tế, những hữu ích mà facebook mang lại cho đời sống rất nhiều. Qua mạng xã hội này, chúng ta được kết nối với bạn bè nhanh chóng, được trao đổi liên hệ, nhắn tin, video call mà không tốn quá nhiều chi phí; giúp ta có thêm nhiều bè bạn mới quá việc giao lưu những người cùng chung đam mê, sở thích. Qua facebook, ta được bày tỏ những dòng cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, được đồng cảm, sẻ chia; lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc sống của mọi người. Facebook cũng là công cụ vô cùng hữu hiệu để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong học hành như tiếng Anh, tiếng Pháp, toán học hay văn học hiệu quả, các nhóm học tập và làm việc trên Facebook cũng giúp tiết kiệm nhiều thời gian cho công việc mỗi người. Ngoài ra, các hoạt động từ thiện, kêu gọi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn được cộng đồng mạng chia sẻ trên diện rộng với tốc độ nhanh đã giúp đỡ phần nào những khó khăn của họ. Facebook cũng giúp ta nắm bắt được những thông tin lớn, thời sự nóng hổi trong cuộc sống. Là phương tiện giúp con người phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập qua việc kinh doanh online bằng cách livestream hoặc đăng bài bán với số lượng lớn những người tiêu thụ có nhiều nhu cầu khác nhau. Mạng xã hội này cũng giúp chúng ta có thể giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi, biết nhiều hơn về cuộc sống của bạn bè người thân, là nơi chứa đựng những thông tin khá bổ ích.

Song, trên thực tế, lưỡi dao thứ hai đang đe doạ đời sống của người dùng là rất nguy hiểm. Dù không quá sắc bén nhưng nếu không cẩn thận, bạn sẽ khiến mình trở thành một nạn nhân đắm chìm dưới vũng máu mà thế giới ảo gây ra. Nó bào mòn từng tế bào thần kinh của bạn mà trước mắt bạn chưa thể thấy rõ ngày sự tác động đó, lưỡi dao ấy sẽ ngấm ngầm mà cứa vào cơ thể bạn từng chút, từng chút một nếu bạn vẫn không thể ngừng việc nghiện Facebook. Nhiều người đã sử dụng face như một công cụ đánh bóng tên tuổi bằng những trò rẻ tiền, câu like với những phát ngôn gây sốc hay những video phản cảm. Những thông tin rác rưởi, lá cải được viết vội vàng thiếu chắt lọc tràn lan trên mạng, không biết thực hư ra sao, bình luận rồi cãi nhau" inh ỏi" trên mạng với những ngôn ngữ thô tục, thiếu văn hoá. Một số người trẻ xỉa xói, châm chọc nhau trên Facebook rồi gây hấn, đánh đập nhau. Một số khác, ngày ngày than vãn ,mệt mỏi chán chường cuộc sống , mà không tìm thấy động lực. Những dòng status nhạt nhẽo, vô vị, những bức ảnh phản cảm,.. vẫn ngày ngày tràn lan trên Facebook.

Nhiều người dành quá nhiều thời gian cho nó mà chẳng hề quan tâm đến thế giới bên ngoài, ngồi bên chiếc điện thoại mà quên cả ăn cơm, quên cả việc học tập. Đời sống giao tiếp, tiếp xúc bên ngoài cũng không có, thời gian rảnh lấy facebook làm bạn rồi dần trở nên cô đơn, lạc lõng trong chính cuộc sống của mình. Một mặt nào đó, Facebook ăn mòn tâm hồn, nhân cách con người, khiến nó trở nên vô cảm với những lối sống tiêu cực. Ngoài ra những xúc phạm danh dự, hành động làm nhục qua mạng với những ngôn ngữ, lời nói thiếu tế nhị gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân bị tổn thương tinh thần sâu sắc mà tìm đến cái chết để giải thoát cho cuộc đời mình, facebook gây ảnh hưởng đến sức khoẻ khi nhiều người thức hai, ba giờ sáng chỉ để lướt Facebook trong vô định, không biết làm gì hơn. Thị giác cũng không nằm ngoài tác hại mà chúng gây ra bởi ngày ngày dán chặt mắt vào chiếc điện thoại. Một bộ phận giới trẻ bỏ bê cả học tập, ăn uống, sinh hoạt chỉ để chơi face

Đăng một bức ảnh thì ngồi đếm từng lượt like, trả lời từng lượt comment của người khác, xem đó như là thú vui giải trí dù mất cả ngày chỉ để làm việc đó. Viết một status ngồi suy nghĩ cả một buổi chiều, chụp một bức ảnh ngồi chỉnh sửa cả hàng tiếng đồng hồ mới vừa ý,.... Thật mất quá nhiều thời gian cho facebook trong khi còn bao nhiêu việc phải làm, phải nỗ lực cho cuộc sống thực. Các bạn nên hiểu rằng, những cái like không làm cho bạn giàu có lên, không khiến bạn trở nên thông minh hãy xinh đẹp hơn. Vì vậy đừng quá chú trọng vào nó. Hãy sống cho hiện tại, cho thực tế, đừng ngày ngày chỉ biết đến facebook mà xa rời người thân, mà đến cả một cuộc nói chuyện nghiêm túc ngày cuối tuần bên gia đình cũng không có.

Đừng biến Facebook trở thành một lưỡi dao tự giết chính mình, hãy sắp xếp hợp lý, dành ưu tiên cho những việc quan trọng hơn là dành cho Facebook. Facebook chưa bao giờ có lỗi với bạn, cái chính là ở bạn, phải điều chỉnh hành vi và nhận thức của chính mình. Hãy dùng Facebook thật hữu ích phục vụ đời sống của chính mình.

4. Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ mẫu 3

Mỗi thời đại sẽ có những cách khác nhau để liên lạc, trao đổi thông tin. Ngày xưa, con người thường viết thư và chờ đợi những bức thư phản hồi, thời gian rất rất là lâu vì khoảng cách xa xôi, vì phương tiện vận chuyển. Nhưng ngày nay với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 thì những bức thư đó được thay thế bằng những cú click, những dòng enter của các trang mạng xã hội.

Mạng xã hội đã kết nối con người khắp nơi trên thế giới, xóa nhòa khoảng cách về không gian, thời gian nhờ tốc độ nhanh chóng đó, sự tiện lợi. Nhưng cũng vì quá lạm dụng mạng xã hội mà các bạn trẻ hiện nay tự tập cho mình một lối sống không lành mạnh - sống ảo. Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi, Sống ảo là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cứ chìm đắm, đêm mê vào lối sống không hiện thực này?

Sống ảo là một cách sống không thực tế, hoang tưởng, mơ hồ, không tồn tại trong cuộc sống. Sống ảo khiến cho các bạn trẻ đánh mất đi quyền giao lưu, quyền được vui chơi tham gia vào những chương trình, vào những hoạt động ngoại khóa mà ở đó các bạn có thể trực tiếp kết bạn, trực tiếp trò chuyện với những con người thật. Và bạn ngồi đó và chỉ cần gõ, một cú click chuột là có thể kết bạn giao lưu với mọi người trên khắp thế giới.

Đây cũng chính là lẽ mà rất nhiều bạn đam mê nó. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instragram, Zalo, Twitter,…và vô số trang mạng xã hội khác nữa, việc giao tiếp trở nên quá dễ dàng, khoảng cách như được thu hẹp lại, vì thế làm sao mà chúng ta không đam mê, không yêu thích. Nhưng nếu nó trở nên quá mức, hàng giờ, hàng ngày bạn ngồi trước màn hình máy tính, nhắn tin trò chuyện với những người mới quen, những người xa lạ thì những người bạn ngoài đời, những người thân quen của bạn thì dường như bạn đang quên mất họ, bỏ qua sự tồn tại của họ.

Một thế giới ảo, tạo cho bạn một viễn tưởng về cuộc sống vô cùng tươi đẹp và hấp dẫn. Trên đó, mỗi người có thể xây dựng cho mình một hình tượng trong mơ, những ngôi nhà, những hình ảnh tuyệt đẹp, và có vô số vô số những người bạn nhưng chưa bao giờ gặp mặt ở ngoài cuộc sống. Và vì thế, nhiều hệ lụy đã xảy ra, vì muốn được tung hô, nổi tiếng, nhiều bạn trẻ đã biến mạng xã hội là một bước đã tiến thân, đăng những hình ảnh không lành mạnh để mong nhận được sự chú ý của mọi người, hay sử dụng những lời nói không văn mình nhằm thể hiện bản lĩnh của mình.

Những anh hùng bàn phím được ra đời từ đây. Những người đó đã gây ra không ít những mâu thuẫn, những thông tin sai lệch cho mọi người, Hệ lụy cao hơn, đó chính là làm ảnh hưởng xấu đến người khác, mang một lối sống lệch lạc, tinh thần không ổn định, khiến không ít người đi theo vết xe đổ này. Việc giao lưu, kết bạn trên mạng đã xuất hiện nhiều tình yêu online. Đây không hẳn là tình trạng xấu, điều sai, nhưng nó cũng gây ra nhiều trường hợp không tốt, như dễ bị lợi dụng, lừa lọc, và trở thành mục tiêu của rất nhiều kẻ xấu.

Kết quả của việc đó để lại là sự hối hận, mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần. Thật sự đây là điều nguy hiểm mà các bạn khó có thể lường trước được. Khi các bạn dành thời gian lên mạng, chìm đắm vào một thế giới ảo không hiện thực thì đến lúc bước ra thế giới thật, các bạn sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cảm thấy lạ lẫm, không thể nào xác định cho mình được một hướng đi đúng đắn. Đôi khi trầm trọng hơn, là lúc bạn nhận ra, tình cảm của mình và bố mẹ ngày càng bị rạn nứt, bạn bè của bạn sẽ xa lánh bạn.

Xã hội phát triển là điều tốt, một thế giới mà sự kết bạn và giao lưu được nhanh chóng và xích lại gần nhau hơn nhưng hãy cho nó đi vào một hướng đúng và hợp lý. Đừng sống ảo! Sống ảo chính là một căn bệnh khó có thể chữa được. Nó như con sâu đang ăn dần sức khỏe và tinh thần của các bạn trẻ. Vì vậy, hãy sống lành mạnh, sử dụng mạng xã hội hợp lý, hãy để nó là một phương tiện giúp bạn phát triển và tốt hơn. Đừng để nó giết chết đi tâm hồn của bạn.

5. Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ mẫu 4

Mọi vấn đề đều có hai mặt, những lợi ích thường đi kèm với những thách thức. Sự lựa chọn luôn đòi hỏi sự suy nghĩ và cân nhắc. Xã hội đang ngày càng thay đổi, công nghệ ngày càng phát triển, từ máy tính bảng, laptop đến điện thoại di động, chỉ cần kết nối internet, bạn có thể khám phá một thế giới ảo. Mạng xã hội Facebook vừa ra đời để đáp ứng điều đó, với hơn 2 tỉ người sử dụng, nó đã chứng minh sức hút của mình. Tuy nhiên, Facebook cũng như một con dao hai lưỡi đối với giới trẻ trong cuộc sống. Trên thực tế, Facebook mang lại nhiều lợi ích. Kết nối nhanh chóng với bạn bè, trao đổi liên lạc, nhắn tin, video call mà không tốn kém; mở rộng mối quan hệ, giao lưu với những người cùng sở thích; thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, nhận sự đồng cảm và chia sẻ những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Facebook còn là công cụ hữu ích cho học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, giúp tiết kiệm thời gian. Nó cũng là nền tảng cho hoạt động từ thiện và kinh doanh online, là nguồn thông tin sáng tạo và giải trí. Tuy nhiên, mặt khác của Facebook đầy nguy hiểm. Nếu không cẩn thận, bạn có thể trở thành nạn nhân của thế giới ảo, lưỡi dao ẩn sau vẻ hào nhoáng. Sự lạc quan có thể làm suy giảm tâm hồn và nhân cách, khiến bạn cảm thấy cô đơn và mất động lực trong cuộc sống. Những thông tin không chắc chắn, lời thoại xô bồ, những tranh cãi vô nghĩa trên mạng làm mất đi tinh thần lịch sự và văn hóa. Facebook cũng là thách thức cho sức khỏe tinh thần, khi nhiều người mất giấc ngủ và lạc quan không rõ hướng. Sự đánh mắt liên tục vào màn hình cũng có ảnh hưởng đến thị lực. Một số người dành quá nhiều thời gian cho Facebook mà quên mất thế giới xung quanh, từ chối tham gia vào cuộc sống thực tế. Đa số người trẻ ngày nay mất đi sự cân nhắc, sống quá mực trên Facebook, bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ, học tập và trải nghiệm. Cuộc sống giao tiếp bên ngoài trở nên xa lạ, và Facebook trở thành người bạn đồng hành chính. Sự lạc quan không đồng đều, những bức ảnh và thông điệp tiêu cực tràn ngập. Họ không chỉ mất đi sự hứng thú với cuộc sống, mà còn tạo ra những thách thức lớn trong việc duy trì giao tiếp xã hội và quan hệ cá nhân. Đăng ảnh và rơi vào thế giới của lượt thích, trả lời mỗi bình luận, coi đó như một niềm vui giải trí dù mất cả ngày chỉ để làm điều đó. Viết status suy nghĩ cả buổi chiều, chụp ảnh và chỉnh sửa hàng giờ mới hài lòng,... Facebook mất quá nhiều thời gian trong khi còn hàng loạt công việc cần làm, cần sự nỗ lực cho cuộc sống thực. Hãy nhớ rằng, những like không làm giàu bạn, không khiến bạn trở nên thông minh hay xinh đẹp hơn. Vì vậy, đừng quá tập trung vào nó. Hãy sống cho hiện tại, cho thực tế, đừng ngày ngày chỉ quan tâm đến Facebook mà quên mất người thân, thậm chí cả cuộc trò chuyện nghiêm túc vào cuối tuần với gia đình cũng không có. Đừng để Facebook trở thành một con dao đâm vào chính bản thân bạn. Hãy sắp xếp thời gian một cách hợp lý, ưu tiên những việc quan trọng hơn Facebook. Facebook không bao giờ có lỗi với bạn, vấn đề chính ở bạn, phải điều chỉnh hành vi và nhận thức của mình. Hãy sử dụng Facebook một cách hữu ích để phục vụ cuộc sống của bạn.

6. Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ mẫu 5

Mạng xã hội là sản phẩm của thời đại Internet. Đó là những trang mạng con người có thể tương tác, kết nối, trò chuyện, chia sẻ thông tin với nhau về mặt xã hội có nhiều mặt tích cực, thế nhưng các bạn trẻ ngày nay tốn quá nhiều thời gian cho mạng xã hội mà quên đi đời thực, họ chạy trốn thực tại bằng cách “thả hồn” vào mạng xã hội.

Mạng xã hội hiện diện ở khắp mọi nơi và dường như, ở đâu có kết nối Internet, ở đó có mạng xã hội. Trong các quán cà phê, trên xe taxi, ở công viên, đâu đâu cũng là những con người hoàn toàn bất động, vô hồn nhìn vào điện thoại, thả hồn vào mạng xã hội. Họ chăm chút hình ảnh trên mạng ảo nhưng lại không quan tâm, chăm sóc sức khỏe bản thân. Họ hăm hở tham gia vào những cuộc tranh luận to tát trên mạng xã hội mà quên đi sự vất vả của mẹ, nỗi cơ cực của cha…

Càng say mê mạng xã hội, tuổi trẻ càng trở nên cô độc. Họ tự xây dựng cho mình một thế giới ảo và giam cầm mình ở trong đó, phụ thuộc và nó và không thể thoát ra được. Như một cơn nghiện, nếu không tiếp cận mạng xã hội, họ trở nên bứt rứt, khó chịu, không thể tập trung vào công việc.

Nghiện mạng xã hội khiến tuổi trẻ tiêu tốn thời gian vô ích. Ngoài công việc phải làm hằng ngày, tuổi trẻ dành hết thời gian còn lại vào mạng xã hội. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn tiêu phí cả thời gian nghỉ ngơi, thời gian vui vẻ với gia đình, thời gian nâng cao năng lực bản thân vào mạng xã hội.

Nghiện mạng xã hội khiến người trẻ suy nhược thể chất và tinh thần. Những sự cố trên mạng xã hội, những vụ lừa đảo đã xảy ra, những xung đột đã có, lười biếng vận động khiến tuổi trẻ ngày càng trở nên suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần. Nghiện mạng xã hội khiến người trẻ quên đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống (vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của nghệ thuật…) để đắm chìm vào những giá trị ảo.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến con nghiện mạng xã hội trước hết là do cuộc phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Công nghệ chắp thêm cánh tay, mở rộng thêm tầm nhìn và nâng cao khả năng tương tác của con người, trong một lúc, họ chưa thể kiểm soát được bản thân và dễ dàng để cho mạng xã hội kiểm soát.

Một lí do khác đó là tuổi trẻ ngày nay mất phương hướng trong cuộc sống, sống thiếu lý tưởng, không có hoạch định cụ thể cho tương lai nên dễ sa vào những trò vui tốn thời gian, vô bổ. Gia đình, xã hội chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện kĩ năng mềm, định hướng giá trị sống cho giới trẻ.

Để hạn chế tác động của mạng xã hội và đi đến chấm dứt cơn nghiện nguy hại này, tự bản thân mỗi người phải ý thức về mặt lợi, hại của mạng xã hội. Lên thời gian biểu hợp lý để cân đối giữa thế giới thực và thế giới “ảo”, sống tích cực và có định hướng hơn. Gia đình và nhà trường phối hợp tổ chức nhiều hoạt động định hướng lối sống cho giới trẻ như ngoại khóa tham quan, tổ chức các câu lạc bộ khoa học, đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý…

7. Nghị luận xã hội Facebook là con dao hai lưỡi với giới trẻ mẫu 6

“Toàn cầu hóa” có lẽ là cụm từ đúng nhất khi nói về thế giới của chúng ta trong thế kỉ XXI. Chưa bao giờ trong lịch sử văn minh của nhân loại, con người lại có thể kết nối với nhau dễ dàng đến như thế. Và ta không thể phủ nhận rằng mạng xã hội, nhất là Facebook đã đem lại những thay đổi bất ngờ cho cuộc sống mỗi người. Tuy nhiên, dù đa năng đến đâu thì Facebook cũng chỉ là một công cụ của con người. Chính vì thế, nếu ta không biết cách sử dụng thứ công cụ này một cách đúng đắn thì sẽ dễ sa vào tình trạng “Nghiện Facebook”. Đây thực sự là một căn bệnh hiện đại vô cùng đáng sợ. Người nghiện Facebook sẽ chìm đắm vào mạng xã hội, dành phần lớn thời gian để thu nhận những thông tin trên mạng thay vì giao tiếp với mọi người xung quanh. Chỉ cần rời xa Facebook một chút, họ sẽ thấy bất an, bứt rứt không yên và chẳng thể tập trung làm việc. Nếu thời xưa, người ta coi những kẻ gian thần nịnh nọt và những ông vua ưa nịnh là tai vạ thì có lẽ, tai họa trong thời đại số lại là những người nghiện Facebook, dễ dàng chạy theo những tin tức lá cải trên mạng. Về lâu dài, căn bệnh này sẽ khiến chúng ta trở nên trì trệ, ngu dốt, bao đồng và ảo tưởng. Để chấm dứt thực trạng này cần sự chung tay của toàn xã hội và sự tỉnh táo, nghị lực ở bản thân mỗi người. Hãy sử dụng Facebook một cách văn minh để nó trở thành phương tiện giúp cuộc sống của ta thêm tốt đẹp!

Dẫn chứng về nghiện Facebook

1. Theo số liệu thống kê thì năm 2015, hơn 20 triệu người dùng Facebook hàng ngày, 2,5 giờ mỗi ngày được dành ra để sử dụng Facebook. Mỗi tháng ở Việt Nam có tới 30 triệu người dùng Facebook.

2. Một nữ sinh học lớp 12 ở Hà Nội phải vào viện tâm thần vì nghiện Facebook. Cô có biểu hiện học hành sa sút, sống thu mình, khép kín với bạn bè, thậm chí là cả với gia đình.

3. Gần đây, liên tục các vụ việc: một học sinh lớp 8 bị nhóm nam sinh đánh hội đồng giữa đường xảy ra trên địa bản Hà Tĩnh do mâu thuẫn trên mạng xã hội, một nữ sinh 16 tuổi bị bạn đánh và lột đồ rồi quay video đăng tải lên mạng.

4. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong Trong 424 trẻ vị thành niên, là những học sinh từ 15 - 18 tuổi được nghiên cứu thì có đến 414 trẻ đang sử dụng facebook, chiếm tỷ lệ 97,6%. Có đến 31,4% sử dụng Facebook từ khi là học sinh Trung học cơ sở và 25,8% sử dụng Facebook khi là học sinh Trung học Phổ thông. Bên cạnh đó, có 25,1% sử dụng Facebook nhiều khoảng một năm trở lại đây.

5. T.H.N, sinh năm 1996, học sinh lớp 7 tại huyện Trảng Bom được chẩn đoán là nghiện internet - game online. N bắt đầu chơi game online từ năm lớp 6. Tuy nhiên, khoảng tháng 9 năm 2007, khi tham gia trò chơi trực tuyến N có hiện tượng bỏ học và bắt đầu nói dối cha mẹ vể chuyện tiền bạc. Sự việc trở nên trầm trọng lúc mẹ N phát hiện con mình giấu tiền ở một khu vực trong phòng và N bỏ nhà ra đi. Khi làm việc vời nhà trị liệu N nói rằng “bang hội’’ của mình đã ăn trộm và đi xin để có tiền sống trong một tuần”...

6. Gần đây, liên tục các vụ việc: một học sinh lớp 8 bị nhóm nam sinh đánh hội đồng giữa đường xảy ra trên địa bản Hà Tĩnh do mâu thuẫn trên mạng xã hội, một nữ sinh 16 tuổi bị bạn đánh và lột đồ rồi quay video đăng tải lên mạng

Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
25
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm