Nghị luận xã hội về câu nói của Ăng - ghen: “Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”

Mời bạn tham khảo: Nghị luận xã hội về câu nói của Ăng - ghen: "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị" VnDoc.com chúc bạn thành công trong cuộc sống và khẳng định được giá trị đích thực của bản thân mình. 

I. Dàn ý Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị

1. Giải thích

  • Khiêm tốn: Có ý thức và thái độ đúng mức trong đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người.
  • Giản dị: Đơn giản một cách tự nhiên trong phong cách sống.
  • Ý cả câu: Khiêm tốn và giản dị là hai phẩm chất đáng quý của con người; những đức tính ấy góp phần làm nên nhân cách và giá trị đích thực của con người.

2. Phân tích - chứng minh

a: Khiêm tốn là phẩm chất đáng quý, giúp con người ngày càng tốt đẹp hơn.

  • Trong học tập, trong quan hệ giao tiếp,...người có đức tính khiêm tốn sẽ được mọi người quý trọng.
  • Khiêm tốn sẽ giúp cho con người luôn có ý thức phấn đấu, hướng con người không ngừng vươn lên để hoàn thiện bản thân.
  • Dẫn chứng: Đắc - uynh nhà bác học không ngừng học...

b: Giản dị làm nên vẻ đẹp đích thực của con người trong lòng mọi người

  • Giản dị trong cách sống, trong hành động, ngôn ngữ,... sẽ giúp con người dễ hòa đồng với xã hội.
  • Giản dị và tạo ấn tượng tốt về giá trị đích thực của bản thân.
  • Dẫn chứng: Tấm gương Hồ Chí Minh - nguyên thủ quốc gia nhưng cuộc sống hết sức giản dị và khiêm tốn. Nơi ở và làm việc là ngôi nhà sàn đơn sơ; trang phục với bộ ka ki, đôi dép cao su, bữa ăn thường là những món dân dã; Người luôn khiêm tốn với tất cả mọi người - với những người giúp việc, Bác luôn thân mật gọi là cô hay chú, luôn trân trọng, lễ độ khi tiếp xúc với các vị nhân sĩ, Quốc hội đề nghị tặng Bác Huân chương cao quý nhất Nhà nước là Huân chương Sao vàng, Bác khiên tốn từ chối và nói: ''Miền Nam còn chưa được giải phóng, khi nào thống nhất đất nước xin Quốc hội ủy quyền cho đồng bào miền Nam thay mặt Quốc hội trao tặng thì tôi xin nhận''; Di chúc Người còn dặn dò: ''Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân''.
  • Khiêm tốn và giản dị không hề làm giảm giá trị của bản thân mà trái lại sẽ được mọi người tôn trọng và tin cậy.

3. Bình luận

  • Đánh giá: Câu nói của Ăng - ghen thể hiện một quan niệm nhân sinh sâu sắc, hướng con người vươn tới những giá trị cao quý. Nó giúp con người tránh khỏi thói hợm hĩnh, kiêu ngạo để hoàn thiện mình.
  • Phản biện: Phê phán thói tự cao, tự phụ, khoe khoang, đua đòi, thích phô trương, chạy theo hình thức...
  • Mở rộng: Trong hành trang cuộc sống, mỗi người cần biết làm giàu có tâm hồn mình từ trau dồi hai phẩm chất khiêm tốn và giản dị. Giá trị đích thực của con người bắt đầu từ đấy.

4. Bài học

  • Nhận thức: Khiêm tốn sẽ giúp con người luôn hướng thượng, nêu cao tinh thần học hỏi, có ý thức phấn đấu không ngừng. Giản dị là một trong nét đẹp của lối sống thời hiện đại hôm nay. Tuy nhiên, khiêm tốn không phải là tự ti, giản dị không phải là xuề xòa, dễ dãi.
  • Hành động: Mỗi con người nên học lối sống khiêm tốn và giản dị (trong cách sống, học tập, hành động, ngôn ngữ...) để có thể hòa đồng với cộng đồng và luôn phấn đấu đóng góp thật nhiều cho xã hội.

II. Văn mẫu Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị

1. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 1

“Ăn cần ở kiệm”, “Ăn chắc mặc bền” là những câu nói của nhân dân ta từ ngàn xưa, khuyên răn con người phải biết sống giản dị. Đồng quan điểm với điều đó, Ăng – ghen cũng cho rằng: “Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”.

Khiêm tốn chính là biết đánh giá đúng về bản thân, không kiêu ngạo, coi bản thân bình đẳng với mọi người. Còn giản dị là sống đơn giản, không cầu kì, phù hợp hoàn cảnh xung quanh. Sự khiêm tốn, giản dị được thể hiện cụ thể ở phong cách ăn mặc nền nã, hành vi ứng xử lịch sự, lời nói chân thành, hành động tự nhiên,… Câu nói của Ăng – ghen đã cho thấy giá trị của hai đức tính quý báu này.

Khiêm tốn và giản dị là hai phạm trù gắn bó mật thiết, cùng đem lại cho cuộc sống con nguời nhiều ý nghĩa thiết thực. Biết mình – biết người, ta sẽ sống một cách thoải mái, tự nhiên. Lối sống này giúp ta làm chủ chính mình. Tâm hồn ta được thư thái, bỏ qua những ganh đua tầm thường ngoài xã hội. Nhờ sống dung dị mà mối quan hệ giữa người với người thêm gắn kết, ta hòa đồng và yêu thương mọi người xung quanh hơn. Không chỉ vậy, ta còn biết trân trọng từng phút giây của cuộc đời. Hơn hết, sự khiêm tốn còn trở thành động lực thúc đẩy ta phấn đấu không ngừng để trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày.

Không phải ngẫu nhiên mà cách sống tối giản của người Nhật Bản lại được ưa chuộng và trở nên thịnh hành ở nhiều nơi khác trên thế giới. Có lẽ, giữa sự phát triển quá nhanh của công nghệ khiến xã hội trở nên xô bồ thì việc thanh lọc tâm hồn, sắp xếp đồ đạc một cách ngăn nắp, dành nhiều thời gian bên cạnh thiên thiên, chi tiêu tiết kiệm,…lại đem đến sự cân bằng cho chúng ta. Việc chạy theo sự xa hoa, lãng phí, giả tạo chỉ thỏa mãn con người trong phút chốc và để lại nhiều hậu quả xấu.

Như vậy, khiêm tốn và giản dị quả thực là đức tính quý báu nhất của con người. Hãy trau dồi hai phẩm chất này ngay trong sinh hoạt hằng ngày, sống thật với mình và người, yêu thương bản thân và nâng niu thời gian hiện tại.

2. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 2

Cuộc sống này không tồn tại để vận hành theo cái cách mà người ta mong muốn. Nhưng chúng ta có quyền tạo dựng cho mình một lối sống ý nghĩa. Và câu nói của Ăng-ghen là một bài học quý giá về lẽ sống: “Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”. Khiêm tốn được hiểu là sự ý thức và thái độ đúng mực, không tự mãn, không tự cho mình là hơn người. Còn giản dị là sự tự nhiên, sâu sắc trong phong cách sống. Sự giản dị và khiêm tốn là hai đức tính quan trọng, chúng thường tồn tại cùng với nhau. Khi ta sống một cách giản dị, ta có thể giảm bớt áp lực và căng thẳng, mệt mỏi. Đó là khi ta luôn đơn giản trong suy nghĩ và hành động của mình, không làm phức tạp hóa mọi chuyện, và từ đó hình thành nên một trạng thái tâm lý thoải mái và giúp ta cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Sự khiêm tốn cũng giúp ta sống tôn trọng và có sự nhìn nhận đúng đắn về những người xung quanh. Điều này giúp cho chúng ta ghi điểm trong mắt mọi người, được yêu thương và tôn trọng trong xã hội. Cả hai đức tính này cùng tồn tại sẽ đem đến cho ta một cuộc sống cân bằng và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, bên cạnh lối sống tốt đẹp ấy, ta cần phải phê phán thói tự cao, khoe khoang, chạy theo sự biến đổi tiêu cực của xã hội. Chúng ta, ai cũng có những khiếm khuyết riêng của mình nhưng ta đều có thể tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp nhờ sự rèn luyện những đức tính quý báu cho bản thân.

3. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 3

Con người muốn hoàn thiện bản thân phải không ngừng rèn luyện, trau dồi bản thân từ kiến tức đến nhân phẩm. Những đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần phải rèn luyện chính là tính khiêm tốn và giản dị. Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, những việc mình đã làm, không khoe khoang thành công, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ, luôn cố gắng, nỗi lực, không ngừng học tập và học hỏi. Còn giản dị là không khoa trương của cải vật chất, luôn chan hòa, hòa đồng với mọi người xung quanh, không tự cao tự đại về những thứ bản thân mình có được hoặc sở hữu. Giản dị vô cùng quan trọng và cần thiết mà mỗi chúng ta cần có. Hai đức tính tốt đẹp này thường song hành cùng nhau và khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, học tập được nhiều điều quý báu hơn. Người khiêm tốn là người ham học hỏi những điều hay, lẽ phải từ người khác, không ngừng cố gắng vươn lên trong cuộc sống, những người như thế sẽ rèn luyện được cho bản thân mình những đức tính tốt đẹp khác như kiên trì, nỗ lực,… xứng đáng được người khác học tập theo. Bạn thử nghĩ xem, nếu trong xã hội ai cũng có lòng khiêm tốn và ý chí vươn lên thì xã hội này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Khi chúng ta có lối sống giản dị, chúng ta sẽ tiết kiệm được những khoản chi tiêu không đáng có từ đó hạn chế được sự lãng phí của cải, vật chất góp phần làm cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Người sống khiêm tốn, giản dị sẽ được mọi người yêu thương, quý mến, kính trọng và là tấm gương để chúng ta học tập và noi theo. Mỗi người chỉ được sống một lần duy nhất. Chúng ta hãy sống và hướng đến những điều tốt đẹp, rèn luyện cho bản thân tính khiêm tốn, giản dị. Không một ai là hoàn hản nhưng khi ta biết cố gắng vươn lên phía trước, ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng.

4. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 4

Ăng - ghen nói: "Hành trang quan trong nhất của con người là khiêm tốn và giản dị". Câu nói rất đúng trong xã hội hiện nay. Nếu lòng chân thành giúp ta có một thế đứng vững chắc trong quan hệ giao tiếp thì tính giản dị giúp con người tránh xa những thất bại tầm thường, tính khiêm tốn cho ta những thành công trong cuộc sống. vậy bây giờ ta đặt câu hỏi:

Khiêm tốn là gì?

Lòng khiêm tốn cho những con người đứng đắn, biết nhìn xa. Người khiêm tốn là người nhã nhặn, không tính tự cao tự đại, hướng thiện, nêu cao óc học hỏi, không đề cao cá nhân với người khác....Người khiêm tốn luôn cho mình là kém cỏi cần phải học hỏi thêm.

Tại sao phải khiêm tốn?

Cuộc sống là một cuộc chiến, nếu chúng ta dừng lại với thành công của mình ở hiện tại tức là đã chấp nhận thất bại ở tương lai, ở lại quá khứ làm kẻ thua cuộc. Con người có tài cán bao nhiêu đi chăng nữa thì cái khôn ngoan hiện hữu ấy cũng không thể được quả quyết là không ai hơn được. Đương nhiên ta nhìn xuống thì có nhiều người kém cỏi ta, nhưng nếu ta đem so sánh như vậy thì là điều vô lí vô cùng. Hãy nhìn lên phía trên kia kìa! Bạn là người tài giỏi ư? Tôi tin ngoài xã hội còn hàng vạn người hơn bạn. Bạn là một doanh nhân thành đạt ư? Ngoài đời còn hành tá tỉ phú mà bạn không thể đếm nổi số thứ tự của mình đâu. Nếu trong lòng bạn muốn nuôi dưỡng một tư tưởng tuyệt đối hơn người thì không có lợi ích nào cho bạn ngoài cái "hạnh phúc" vô lí!

Trong khiêm tốn người ta tự cho mình là kém và cần học nữa, họ coi thành công như sự an ủi. Các nhà bác học càng lớn càng thấy mình cần phải khiêm tốn là lẽ đương nhiên. Nhà vật lí học Niuton đã so sánh mình như một đứa trẻ dạo chơi trên bài biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lí bao la. Ông còn nói: Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ. Lê - nin có lời khuyên với thanh niên về cách nghĩ và hành động khiêm tốn: Nếu tôi biết tôi biết ít tôi sẽ tìm cách để hiểu biết hơn, nhưng nếu anh tuyên bố là người cộng sản không cần biết điều cơ bản thì ở anh không có chút gì công sản hết. Điều ta nên nhớ là Lê - nin có tói 9000 sách của 15 thứ tiếng và 9 ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức,...Tính khiêm tốn không cho phép mình nghỉ ngơi trên những thành công đã đạt được và còn nhiều minh chứng cho tính chất đó ví dụ như ở Anhxtanh, Sodrat, Alecxander,..

Ở một khía cạnh nào đó, khiêm tốn phải đi đôi với giản dị. Vậy giản dị là dị? Giản dị là cách sống hòa nhập, tự nhiên hóa cuộc sống, sống phù hợp với hoàn cảnh, không cầu kì xa hoa. Giản dị thể hiện ở nhiều khía cạnh: Cách ăn nói cẩn thận, không khoa trương, lời nói đơn giản, ngắn gọn dễ hiểu, không quan trọng hóa vấn đề, xem xét vấn đề dưới cái nhìn khoa học...Tại sao phải giản dị? Tại vì đó cách sống khoa học. Thử hỏi cái đích của cuộc sống có phải là chân thiện mĩ? Con người vứt bỏ phiền toái ở xã hội và từ trong tâm trí họ sống hòa nhập với thiên nhiên, thân thiện với mọi người. Tính giản dị rất cần trong cuộc sống, nó giúp ta tiết kiệm thời gian, khiến mọi người xung quanh tôn trọng ta, ta trở thành người biết cách ứng xử, gần gũi chan hòa với mọi người.

Bác Hồ của chúng ta là một mẫu mực về tính giản dị và cả khiêm tốn được cả thế giới công nhận. Bác là chủ tịch nước nhưng lại ở nhà sàn, trồng rau, đi dép cao su,...trong chiến dịch Việt - Bắc Bác ở hang Pác Pó, dùng đá làm bàn, ăn chao bẹ rau măng, uống nước sông suối,...Bác nói chuyện thân mật cởi mở như gia đình. Gs.Ngô Bảo Châu người vừa nhận giải Field toán học ăn mặc cũng bình thường, nhà khá nhưng đi học bằng dép cao su. Ông ăn nói giản dị khi khao bạn bè thì nói: "Chẳng mấy khi tao giàu hơn chúng mày". Nói đến giản dị phải kể đến người Nhật, họ giàu có nhưng ra đường thì cho dù là quan chức hay học sinh, là doanh nhân hay trí thức cũng trang phục bình dị như nhau, căn nhà họ sống không trang trí bằng những món đồ công nghệ đắt giá, mà trái lại là những thứ mang đậm tính bản sắc dân tộc.

Vậy là ta đã định nghĩa được khiêm tốn và giản dị trong câu nói của Ăng - ghen. Hai đức tính này nếu được phát huy tốt sẽ tạo nên những hiệu ứng đặc biệt. Nhưng thật buồn vì những giá trị này không được chú ý. Có người tự mãn với số vốn kiến thức sẵn có, có người học đến một học vị nào đó rồi cho là "công thành danh toại" không cần nghiên cứu nữa. Có người giàu có và tự cho là đủ nên chỉ lo ăn chơi tiêu xài, không lo phát triển, đến khi trắng tay rồi mới hối hận. Có hiện tượng tương tự là thói khiêm tốn giả tạo - là thói khiêm tốn quá mức hóa ra là thói tự cao tự đại, nấp dưới bóng dáng của khiêm tốn thật sự. Những hiện tượng trên mau chóng xóa bỏ sự tồn tại của đức tính khiêm tốn. Bên cạnh đó thói đua đòi xa xỉ, chi xài của cải thời gian vào việc vô bổ cũng thật sai lầm. Ăn mặc lòe loẹt chi vậy? Nó không tạo cho ta cái đẹp thâm chí làm trò "lố bịch" cho thiên hạ. "Mốt thời trang đã khiến ta mất dần cái tính giản dị, do đó phải ăn mặc cho phù hợp với hoàn cảnh.

Khiêm tốn giản dị chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải biết đánh giá không thiên vị thực tài, không được coi thường thế hệ nhỏ tuổi, nêu cao ý thức học tập, phát triển không ngừng tư duy sáng tạo; sống cho phù hợp với hoàn cành và các giá trị chân - thiện - mĩ.

Nói tóm lại, chỉ có khiêm tốn chúng ta mới có thể tiến bộ, chỉ có giản dị chúng ta mới có thể hòa nhập tự nhiên. Ăng - ghen đã nói đúng. Khiêm tốn và giản dị là công cụ đắc lực phục vụ ta trên đường đời. Có khiêm tốn và giản dị cùng với lòng chân thành thành công tự nhiên sẽ đến với bạn.

5. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 5

Hơn ai hết mỗi chúng ta cần ý thức được rằng chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 văn minh và tiến bộ, được hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật vượt bậc. Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, xu thế hội nhập quốc tế đã đem đến cho con người nhiều cơ hội để phát triển và có một cuộc sống tốt hơn. Là con người sống trong thời đại mới, đặc biệt là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước chúng ta lại càng cần phải học tập thật nhiều, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, nuôi dưỡng trí tuệ, mau chóng trưởng thành và tự lập, tự xác định cho mình một vị trí trong xã hội, tự có một cuộc đời cho riêng mình. Trong hàng vạn những kỹ năng và đức tính cần thiết con người cần chuẩn bị cho chặng đường đời, thì nhà triết học vĩ đại Ăngghen đã đặc biệt nhấn mạnh "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị". Đây là một nhận định, là một chủ đề rất hay và sâu sắc, mà mỗi chúng ta cần thấu hiểu, để bước đi tốt hơn trong quá trình trưởng thành.

Khiêm tốn là một đức tính quý giá, là việc con người có những nhận xét, đánh giá đúng mức và phù hợp với bản thân, không tự cho mình là đúng, không tỏ thái độ kiêu kỳ, tự mãn, luôn nghĩ rằng bản thân mình là "cái rốn" của vũ trụ, hơn hẳn người khác về mọi mặt. Người khiêm tốn không biết và cũng không thích khoe khoang bất kỳ một thứ gì, tuy nhiên họ cũng không bao giờ giấu giếm, đơn giản họ muốn người khác tự nhận ra thông qua đôi mắt, thông qua những cảm nhận thật khách quan và công bằng. Nói một cách đơn giản rằng, khiêm tốn tức là ít phô bày bản thân bằng những lời nói và hành động phô trương thái quá, đồng thời họ cũng không lấy những lời khen, sự xởi lởi tán dương của người khác làm tự hào, mãn nguyện. Người khiêm tốn luôn thích dùng hành động để chứng minh, mong muốn nhận được sự thừa nhận của người khác dựa vào năng lực thực tế của mình chứ không phải những lời nói khoe mẽ, sáo rỗng. Tuy nhiên các bạn cũng cần phân biệt rằng, đức tính khiêm tốn khác hoàn toàn với sự tự ti, kém tự tin của con người trong xã hội. Giản dị có lẽ là một đức tính khá có quan hệ họ hàng với sự khiêm tốn, đó là sự tối giản một cách tự nhiên trong nếp sống. Người sống giản dị có gì dùng đó, thích những thứ đơn giản, hữu dụng hơn là những thứ màu mè hoa lá, họ sống một cách khoa học và tiết kiệm. Không chỉ là sự giản dị trong tiêu dùng mà còn là giản dị trong cả tâm hồn, lời ăn tiếng nói, nghĩ đơn giản, nói thẳng thắn, lời nào ý đó. Có thể thấy rằng trong một số khía cạnh giản dị là một đức tính bổ trợ cho sự khiêm tốn của con người, là một biểu hiện khá tiêu biểu của sự khiêm tốn. Ăng-ghen nói "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị", là nhằm khẳng định tầm quan trọng, sự quý giá và cần thiết của hai đức tính này trong quá trình phát triển của con người. Trong cuộc sống con người muốn phát triển bản thân một cách toàn diện, xây dựng được cho mình hệ thống đạo đức và phẩm cách đáng quý thì cần phải học cho mình sự khiêm tốn và giản dị để đương đầu với cuộc sống và các mối quan hệ phức tạp trong xã hội.

Trong học tập người sống khiêm tốn sẽ chẳng bao giờ khoe khoang thành tích cá nhân, hay vội vã sung sướng khi những người xung quanh tán thưởng, trái lại họ sẽ luôn nhìn vào đó để cố gắng, phấn đấu và nỗ lực duy trì thành tích, không ngừng bổ sung kiến thức của bản thân. Tương tự một nhân viên bán hàng khiêm tốn sẽ chẳng vội vã khoe khoang doanh số với đồng nghiệp, để nhận lại sự đố kỵ, ghen ghét mà trái lại họ chỉ cần sếp nhìn thấy năng lực của mình và cố gắng hoàn thành chỉ tiêu của tháng sau rồi liên tục thăng chức, nhận được sự công nhận nhờ khả năng của bản thân. Một người thành công cũng ít khi nói về sự giàu có của họ, bởi sự khoe khoang khuếch trương tài sản chỉ khiến họ trở thành đích nhắm của những kẻ có ý đồ bất chính, kẻ cướp, kẻ bắt cóc. Trái lại họ chỉ chăm chăm phát triển bản thân, nghĩ cách làm sao cho tài sản tích lũy của mình ngày một tăng tiến theo cấp số nhân. Chung quy lại người khiêm tốn, không thích nói nhiều, họ quan tâm đến việc phải làm gì và luôn muốn phát triển bản thân một cách tích cực.

Như vậy con người có đức tính khiêm tốn, khiêm nhường trong các mối quan hệ xã hội, trong giao tiếp, trong công việc thì luôn nhận được sự tin tưởng, quý trọng từ người khác, được đánh giá một cách khách quan và trung thực, bởi họ thường chứng minh năng lực của bản thân bằng hành động, chính vì thế luôn đem đến cho người khác sự kỳ vọng vượt ngoài mong đợi. Trái lại kẻ ưng khoe khoang, thường là thùng rỗng kêu to, làm ít nhưng thích khuếch trương lên nhiều, hay ngủ quên trong chiến thắng và những lời tán tụng sáo rỗng, sau cùng cái họ nhận lại là sự thất bại và mất niềm tin của những người xung quanh. Với người sống giản dị, họ thường sẽ trở thành thành phần trung tính trong xã hội, với lối ăn mặc, sinh sống, trang điểm giản dị, họ thường dễ được chào đón trong môi trường xã hội. Chúng ta cần chú ý, giản dị không chỉ ở lối sống mà còn phải giản dị trong cách suy nghĩ, tư tưởng, nghĩ đơn giản, sống lạc quan, tư duy một cách tích cực và tránh được lối suy nghĩ thực dụng. Như vậy trong các mối quan hệ chúng ta bỗng nhiên trở thành một thứ ánh sáng nhạt, tươi trẻ và tràn đầy sức sống, dễ tạo thiện cảm với mọi người, đồng thời có được mối quan hệ tốt đẹp. Không chỉ vậy giản dị trong lối sống giúp ích chúng ta khá nhiều, chúng ta sẽ không phải đau đầu khi có quá nhiều quần áo sặc sỡ để lựa chọn, quá nhiều kiểu giày dép khác nhau đa số phủ bụi, không có mấy tác dụng mà chỉ làm cho ví tiền của mình xẹp đi. Sống giản dị, tiết kiệm giúp chúng ta tiết kiệm chi tiêu, dành tiền bạc của cải vào các quỹ tiết kiệm, hoặc thực hiện được những việc có ý nghĩa như đi du lịch, tham gia vào các khóa học nâng cao giá trị bản thân, hoặc chí ít cũng đem lại cho ta một sự an toàn vững chãi, không phải lo lắng nếu lỡ thất nghiệp. Chung quy lại sống khiêm tốn và giản dị chỉ khiến chúng ta phát triển một cách tích cực hơn, chỉ có lợi mà không có hại bao giờ.

Có thể nhận thấy rằng câu nói của Ăng-ghen đã mở ra cho mỗi chúng ta một quan niệm nhân sinh triết học sâu sắc, cho chúng ta những bài học, lời khuyên quý giá trong việc tu dưỡng đạo đức phẩm giá của mỗi con người. Hướng chúng ta đến những lối sống tốt đẹp, lành mạnh, làm nổi bật lên giá trị đích thực, vẻ đẹp tiềm ẩn và năng lực thực tế của mỗi con người, khiến chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống. Tránh khỏi được sự nguy hại của những thói kiêu ngạo, tự mãn đáng xấu hổ hay sự xa hoa lãng phí không cần thiết khiến con người ta rơi vào vòng luẩn quẩn khánh kiệt. Còn gì hợm hĩnh hơn việc liên tục khoe khoang, khoác loác về tài sản và năng lực của bản thân trong khi bản thân chỉ là một hạt cát giữa sa mạc mênh mông. Còn gì vô bổ, hài hước hơn với việc thích đua đòi mốt này mốt kia, chạy theo hình thức mà bỏ qua sự tích lũy các giá trị của bản thân, xây dựng lối sống và cách chi tiêu khoa học. Để rồi đến khi bạn đã cạn kiệt, bạn thất bại thì những kẻ ngày đêm vẫn thường xum xoe, bỗng nhiên biến mất. Hoặc ngay cả khi bạn đang tự mãn, khoa trương thì những người trước mặt xởi lởi nhưng sau lưng phần nhiều họ chưa bao giờ xem trọng bạn. Đặc biệt trong công việc sự kiêu căng, phung phí thường là những điểm mà sếp của bạn ghét nhất, họ sẽ chẳng bao giờ thích cất nhắc những con người bồng bột, nông nổi kém sâu sắc vào những vị trí quan trọng cả, mà những vị trí ấy chỉ dành cho người khiêm tốn, ngay thẳng, sống giản dị và tích cực mà thôi.

Thế nên ngay từ bây giờ, từ lúc đọc được bài viết này, chúng ta hãy cố gắng thay đổi lối sống của mình, ai nhận ra sự yếu kém trong suy nghĩ thì cần chấn chỉnh đưa mình về với sự khiêm tốn, giản dị, luôn nêu cao tinh thần học hỏi, sự cầu tiến trong học tập, công việc và cuộc sống. Sống vừa khiêm tốn vừa giản dị khiến chúng ta thoải mái tinh thần và đẹp hơn trong mắt mọi người, hãy nhớ rằng người ta chỉ thành công trong sự khiêm nhường và ham học hỏi, trong sự giản dị và cần kiệm, chứ hiếm kẻ nào thành công bằng sự khoe mẽ, ngạo mạn hay sự phung phí, màu mè.

6. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 6

Trên con đùng đi đến thành công, con người mang theo rất nhiều trang bị nhưng trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị. Khiêm tốn là không đánh giá bản thân quá cao, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác. Giản dị là lối sống vui vẻ, hòa nhã, không chưng diện, không đại ngôn. Khiêm tốn là phẩm chất đáng quý, giúp con người nhân văn hơn. Người có đức tính khiêm tốn sẽ được mọi người quý trọng vì họ là người luôn biết đúng sai; biết nghe lời, biết tiếp thu và tôn trọng ý kiến của người khác; có những ý kiến chân thành hướng tới sự tiến bộ chung. Sự khiêm tốn sẽ giúp con người luôn có ý thức phấn đấu để trưởng thành. Nếu khiêm tốn làm cho con người tiến bộ thì giản dị sẽ để lại dấu ấn trong lòng người. Giản dị giúp ta sống hài hòa, được tin yêu và mến phục. Ngược lại, người có thói tự cao, tự phụ, khoe khoang, đua đòi, thích phô trương, chạy theo hình thức. Câu nói của Ăng -ghen thể hiện quan niệm nhân sinh sâu sắc, hướng con người vươn tới những giá trị cao quý. Giúp con người tự hoàn thiện mình. Chúng ta cần học lối sống khiêm nhường và giản dị để có thể hòa đồng và đóng góp cho một xã hội tốt đẹp.

7. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 7

Cuộc sống này không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý muốn của chúng ta, nhưng điều quan trọng là chúng ta có quyền tạo nên một lối sống ý nghĩa và đáng sống. Câu nói của Ăng-ghen mang lại cho chúng ta một bài học quý báu về cách sống: "Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị." Khiêm tốn chính là việc chúng ta tỉnh thức và thái độ điềm đạm, không tự kiêu, không tự cho mình vượt trội hơn người khác. Trong khi đó, giản dị là sự tự nhiên và sâu sắc trong cách chúng ta sống.

Sự khiêm tốn và giản dị thường đi đôi với nhau. Khi chúng ta sống đơn giản, chúng ta giảm đi áp lực và căng thẳng, cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chúng ta không làm phức tạp mọi thứ và từ đó tạo ra trạng thái tinh thần thoải mái và tạo niềm hạnh phúc lớn hơn. Sự khiêm tốn cũng giúp chúng ta tôn trọng và đánh giá đúng về những người xung quanh, giúp chúng ta được yêu quý và tôn trọng trong xã hội.

Hai đức tính này cùng tồn tại sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên cân bằng và thú vị, đáp ứng cả nhu cầu về sức khỏe vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, để thực hiện lối sống tốt đẹp này, chúng ta cần phải tự xem xét và phê phán thói tự cao, khoe khoang, cũng như tránh theo đuổi những thay đổi tiêu cực trong xã hội. Dù chúng ta có những khuyết điểm riêng, nhưng chúng ta vẫn có thể xây dựng một cuộc sống đáng sống bằng cách rèn luyện những đức tính quý báu cho bản thân.

8. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 8

Có một triết lý truyền thống của người dân Việt Nam từ ngàn xưa, đó là 'Ăn cần ở kiệm' và 'Ăn chắc mặc bền', nhấn mạnh sự quan trọng của cuộc sống giản dị và khiêm tốn. Người ta thường nói rằng con người quý báu nhất khi biết đánh giá mình một cách chính xác, không tự phụ và coi mình bình đẳng với mọi người. Sống giản dị, không phô trương, phù hợp với hoàn cảnh, cũng là một cách thể hiện khiêm tốn và giản dị.

Những đặc điểm này có thể thể hiện rõ trong cách chúng ta ăn mặc, cách ứng xử lịch sự, cách thể hiện lời nói chân thành và hành động tự nhiên. Câu nói 'Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị' của Ăng – ghen thể hiện sâu sắc giá trị của hai phẩm chất này.

Khiêm tốn và giản dị thường gắn liền với nhau và mang đến ý nghĩa thực tế cho cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta biết đánh giá mình và hiểu rõ người khác, cuộc sống trở nên thoải mái và tự nhiên hơn. Lối sống này giúp chúng ta kiểm soát tốt bản thân và tạo cảm giác thư thái, tránh xa những cuộc đua tầm thường trong xã hội. Sống giản dị cũng giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tốt hơn với mọi người xung quanh và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đặc biệt, khiêm tốn còn là động lực đưa chúng ta phấn đấu không ngừng để trở nên tốt hơn hàng ngày.

Không ngẫu nhiên mà cách sống đơn giản của người Nhật Bản được ưa chuộng và lan rộng trên toàn thế giới. Trong thời đại của sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và cuộc sống xô bồ, việc tìm kiếm sự yên bình trong tâm hồn, sắp xếp đồ đạc gọn gàng và dành thời gian cho những giá trị thiêng liêng, tiết kiệm làm cho cuộc sống cân bằng hơn. Việc theo đuổi sự xa hoa, lãng phí và giả tạo chỉ mang lại hậu quả xấu.

Như vậy, khiêm tốn và giản dị thực sự là những phẩm chất quý báu nhất của con người. Hãy nuôi dưỡng và phát triển hai đức tính này trong cuộc sống hàng ngày, sống chân thật với chính bản thân và người khác, yêu thương và trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại.

9. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 9

Trong xã hội hiện nay khi cuộc sống ngày càng trở nên hối hả, vật chất ngày càng quyết định mục đích sống và khoe mẽ với đời. Đức tính khiêm tốn và giản dị lại càng quan trọng hơn với mọi người.

Khiêm tốn và giản dị thường đi đôi với nhau và mang đến ý nghĩa thực tế cho cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta sống đúng với bản thân, không khoe mẽ luôn cho mình là nhất, nhún nhường với người khác lúc cần thiết. Lối sống này giúp chúng ta kiểm soát tốt bản thân và tạo cảm giác thư thái, tránh xa những vật chất xa hoa phù phiếm. Sống giản dị cũng giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tốt hơn với mọi người xung quanh dễ hòa nhập hơn với tất cả mọi người.

Đặc biệt, khiêm tốn còn là động lực đưa con người phấn đấu không ngừng để trở nên tốt hơn hàng ngày. Hơn nữa, lối sống khiêm tốn và giản dị cũng có thể giúp chúng ta tiết kiệm nhiều khoản chi phí, từ đó có thể sử dụng vào những mục đích quan trọng hơn. Người sống khiêm tốn và giản dị thường được mọi người xung quanh yêu quý và kính trọng. Cuộc sống này có nhiều cám dỗ, nhiều vấn đề khiến con người dễ dàng bị rơi vào những rủi ro không đáng có.

Con người chúng ta luôn muốn hoàn thiện bản thân, chúng ta phải không ngừng rèn luyện, trau dồi những đức tính tốt đẹp là tính khiêm tốn và giản dị. Tính khiêm tốn và giản dị là một trong những đức tính tốt, là yếu tố cốt lõi trong việc tạo nên mối quan hệ giữa người và người trở nên tốt hơn.

10. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 10

Trên con đường đến với thành công, con người đôi khi mang theo rất nhiều "trang bị," nhưng điều quý báu nhất trong số chúng không gì khác ngoài tính khiêm tốn và sự giản dị. Khiêm tốn đồng nghĩa với việc không tự đánh giá quá cao bản thân, không tự mãn, không tự kiêu, và không tự cho mình là vượt trội hơn người khác. Trái lại, giản dị ám chỉ một lối sống vui vẻ và hòa nhã, không phô trương, không tỏ ra quá lớn lao hay đại ngôn.

Khiêm tốn là một phẩm chất đáng quý, nó giúp con người trở nên nhân văn hơn. Những người khiêm tốn thường được người khác quý trọng vì họ luôn biết phân biệt đúng sai, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác, và có thái độ chân thành hướng đến sự tiến bộ chung. Điều này thúc đẩy con người phấn đấu để trưởng thành và phát triển.

Nếu khiêm tốn giúp con người tiến bộ, thì giản dị lại để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người khác. Giản dị giúp ta sống hòa hợp, được tin yêu và được ngưỡng mộ. Ngược lại, những người có tư duy tự cao, tự phụ, thích khoe khoang, và luôn đua đòi sẽ tạo nên một ấn tượng tiêu cực.

Như câu nói của Ăng-ghen, nó thể hiện một triết lý nhân sinh sâu sắc, khuyến khích con người hướng tới các giá trị cao quý và thúc đẩy sự tự hoàn thiện. Chúng ta cần học cách sống khiêm tốn và giản dị để có thể hòa nhập và đóng góp cho một xã hội tốt đẹp hơn.

11. Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị - Mẫu 11

Để hoàn thiện bản thân, con người cần không ngừng phấn đấu và phát triển từ mặt kiến thức đến đạo đức nhân phẩm. Trong hành trình này, hai phẩm chất quan trọng mà chúng ta nên đặc biệt chú trọng là khiêm tốn và giản dị.

Khiêm tốn không chỉ là việc tự biết đánh giá bản thân một cách chính xác, không khoe khoang thành tích hay tự động cao hơn người khác, mà còn là sự cố gắng liên tục, tinh thần nỗ lực và khao khát học hỏi không ngừng. Điều này giúp chúng ta không chỉ trở nên tốt hơn mà còn tích luỹ được nhiều kiến thức quý báu. Người khiêm tốn luôn tò mò và sẵn sàng học hỏi từ người khác, không ngừng phấn đấu để tự phát triển. Chính họ là những người có khả năng phát triển các phẩm chất tốt đẹp khác như kiên trì và nỗ lực, trở thành bản gương đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, không chỉ có khiêm tốn, giản dị cũng là một đức tính cần thiết trong cuộc sống. Giản dị đồng nghĩa với việc không khoa trương về tài sản vật chất, luôn thể hiện sự hoà nhã và hòa đồng với mọi người xung quanh. Người giản dị không tỏ ra tự cao tự đại về những thứ họ sở hữu. Điều này góp phần kiểm soát chi tiêu không cần thiết, ngăn chặn sự lãng phí, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Sự kết hợp giữa khiêm tốn và giản dị thường đi đôi với nhau, tạo nên một con người hoàn thiện hơn. Những người khiêm tốn và giản dị không chỉ được yêu thương và tôn trọng mà còn là nguồn cảm hứng cho người khác. Hình tượng của họ đánh thức trong chúng ta những khát vọng hướng tới điều tốt đẹp hơn. Nếu mọi người trong xã hội đều áp dụng nguyên tắc này, thì xã hội sẽ ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn.

Hơn nữa, lối sống khiêm tốn và giản dị cũng có thể giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều chi phí không cần thiết, từ đó tạo ra cơ hội để đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng hơn. Người sống khiêm tốn và giản dị thường được mọi người yêu quý, trọng mến và kính trọng, và họ trở thành tấm gương cho chúng ta học hỏi và bắt chước.

Cuộc đời chỉ đến một lần duy nhất, vì vậy chúng ta nên tận hưởng nó và hướng tới những điều tốt đẹp. Hãy luôn rèn luyện cho bản thân tính khiêm tốn và giản dị. Dù không ai hoàn hảo, nhưng nếu ta kiên nhẫn và cố gắng vươn lên, chắc chắn rằng ta sẽ thu hoạch được thành quả xứng đáng.

--------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về câu nói của Ăng - ghen: “Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”. C Mong rằng qua bài viết này bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu Soạn văn 12, Văn mẫu 12...

Đánh giá bài viết
45 51.897
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nhi Nguyễn Yến
    Nhi Nguyễn Yến

    hay😊

    Thích Phản hồi 20/04/22

Thi THPT Quốc gia môn Văn

Xem thêm