Nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên?
Nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Tình yêu học đường nên hay không nên?
- Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 1
- Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 2
- Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 3
- Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 4
- Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 5
- Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 6
- Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 7
Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 1
Từ những đứa trẻ ngây thơ, chúng ta dần trưởng thành. Từ cuộc sống vô lo vô tư chúng ta tập suy nghĩ, tập làm người lớn. Trong rất nhiều điều mới mẻ ấy chúng ta đến với tình bạn, tình yêu. Những tình cảm muôn thuở của con người. Những tình cảm ấy có thay đổi nhưng những giá trị cơ bản nhất thì sẽ vĩnh hằng theo thời gian. Vậy chúng ta, lứa tuổi mới lớn đã và đang suy nghĩ, hành động thế nào trước tình bạn, tình yêu.
Tuổi giao mùa, tuổi của những cô cậu học mười lăm, mười sáu mơ mộng tuổi của những chàng trai cô gái mười bảy đem chút suy tư vào đời. Nói đến tuổi này, là nói đến sự lãng mạn, nhiều cảm xúc nhưng cũng đầy nông nổi, khờ dại. Đây là lứa tuổi của nhiều biến đổi cả về thể chất lẫn tâm sinh lí, bởi vậy vấn để tình bạn, tình yêu của tuổi này rất đáng được lưu tâm. Dù vẫn còn trong vòng tay yêu thương của mẹ cha. Nhưng đa số chúng ta đều muốn khẳng định mình, do đó tình bạn với chúng ta đôi khi là tất cả, không ai quan trọng bằng bạn. Quan niệm thế nào là tình bạn? Điều này chúng ta đã được học trong chương trình Giáo dục công dân lớp 11, bài học định hướng cho chúng ta có những nhận thức đúng về tình bạn không ai sống thiếu được bạn bè. Nhưng không phải bạn là tất cả, yêu quí bạn không phải là nghe theo bạn, bao che những hành động của bạn.
Ở tuổi chúng mình, sự nông nổi còn chi phối tâm lí khá lớn, do đó sự nhận thức đa phần còn kém, chúng ta rất dễ bị bạn rủ rê: chơi bời, đua đòi, bỏ học, đua xe... Cuộc sống có nhiều biến đổi, do thực tế cuộc sống nhiều bạn ít được cha mẹ quan tâm, do đó nhiều bạn bỏ bê học hành, sa ngã, gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc. Ở các trường phổ thông hiện tượng bỏ giờ, nghiện hút, trộm cắp... vẫn diễn ra, đó là do nhận thức thiếu chín chắn, do thiếu sự giáo dục phía gia đình, do bạn bè lôi kéo. Bên cạnh đó, có những tình bạn cùng tiến, giúp đỡ nhau trong học tập. Hiện nay ở các lớp học hiện tượng chia bè phái, thành lập nhóm gia đình học sinh diễn ra khá phổ biến, dẫn đến tình trạng nghi kỵ, ghen ghét, cạnh tranh không lành mạnh, gây mất đoàn kết trong lớp, một lần, tôi thật sự bất ngờ khi vô tình nghe cô giáo tôi trò truyện với phụ huynh có việc đến trường. Cô gọi người ấy là bạn và xưng tôi. Nghĩa là xưng hô như học trò chúng tôi thường ngày với nhau. Tò mò, tôi hỏi cô và cô giải thích đây là một người bạn học phổ thông. Cô còn kể cho chúng tôi nghe về những người bạn, những kỉ niệm trong sáng về bạn bè hơn hai năm về trước. Cô kể về cái tập thể lớp hơn hai tư con người, về khóa học vẻn vẹn 84 bạn đã cùng nhau vượt khó, yêu thương, chia sẻ để học hành. Tôi được biết, sau hơn hai mươi năm ra trường, cô và các bạn vẫn liên lạc với họp mặt, gặp mặt và giúp đỡ nhau trong cuộc sống như thuở trước,vẫn gọi bạn, xưng tôi dù cô và các bạn đã bước sang tuổi 40. Đó chẳng phải là tình đẹp, đáng quí, đáng trọng của tuổi học trò được lưu giữ qua thời gian và tháng đó hay sao?
Tình bạn của tuổi giao mùa thật sự trong sáng, hồn nhiên, chúng mình hãy sống vô tư, sống thật vui, thật đẹp để khi đi xa chúng ta luôn nhớ về một niềm xúc động thân thương như cô giáo của tôi mà tôi vừa kể.
Tình bạn là vậy! Còn tình yêu thì sao? Tuổi chúng mình đã được yêu chưa? đến tình yêu học trò là nói đến những rung động đầu đời, những xao xuyến bâng khuâng nói đến những mối tình vụng dại, âm thầm, nói đến những ánh mắt lạ, những người dưng, những đôi má hồng, những nụ cười e ấp… mà nhà thơ Đỗ Trung Quân một thời đã nói:
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về
(Chút tình đầu)
Cái thời đã trở thành cổ tích với những vần thơ lãng mạn:
Tuổi 15 em lớn từng ngày
Một buổi sáng em bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ
(Hải Như)
Còn nữa không nơi cổng trường bao cô cậu học trò trở thành thi sĩ, ngẩn ngơ nhớ dáng áo trắng ngang qua. Có còn không những nỗi trở trăn:
Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy tên mình trên cây bàng trước lớp.
Có kẻ mộng mơ không cùng chung một lớp,
chỉ dám khắc tên người trên chiếc lá bàng xanh.
Có ai dũng cảm giấu những cảm xúc riêng mình:
Nàng đến gần tôi chỉ dám... quay đi
Cả những giờ lên lớp học, trường thi
Tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc.
Thật đẹp biết bao! Trong sáng và giản dị tinh khôi như màu áo của học trò. Xưa nay người ta thường nói rằng: Tình yêu học trò đẹp nhưng lại rất mong manh. Dù đã được học bài Tình yêu trong chương trình Giáo dục công dân, nhưng đến nay vẫn chưa ai dám khẳng định rằng: nên có tình yêu ở tuổi này. Đấy một phạm trù rất đáng lưu tâm. Hiện nay, có rất nhiều ảnh hưởng từ phương tiện thông tin đại chúng, phim ảnh nước ngoài... đã làm không ít bạn gái ở tuổi này đi quá giới hạn của tình yêu tuổi học trò trong sáng, trở thành nạn nhân của nạn nạo phá thai. Bởi vậy đây là vấn đề rất đáng báo động, mục gỡ rối trên các trang báo tuổi teen đã phần nào phản ánh được thực trạng nhận thức sai lệch về tình yêu trong giới học sinh. Tình yêu chỉ thực sự cần nó đem đến cho nhau niềm tin, động lực, giúp nhau cùng hướng tới tương lai. Sự thi vị của tình yêu hoa phượng dường như càng ngày càng mờ đi, thay vào đó là những câu chuyện đau lòng không đáng có. Thật buồn khi nghe những vụ uống thuốc tự tử, nhảy sông, nạo phá thai... diễn ra ngày một nhiều.
Nhìn chung, tình bạn, tình yêu ở tuổi chúng mình đẹp đấy nhưng cũng phức tạp. Nếu không được hướng đúng, không được quan tâm, sẽ rất dễ ngã, nhận thức sai lệch. Do đó trong nhà trường, gia đình và xã hội phải quan tâm đến vấn đề này. Để tuổi học trò là tuổi ngọc, tuổi hoa, tuổi những kỉ niệm đẹp của mỗi cuộc đời.
Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 2
Để trả lời câu hỏi này ta cần hiểu tình yêu tuổi học trò là gì. Tình yêu là tình cảm yêu thương, quý trọng giữa những người khác giới, là cảm xúc đẹp đẽ và thiêng liêng của con người. Tình yêu giúp chúng ta hiểu, đồng cảm, chia sẻ và vị tha. Tuổi học trò là lứa tuổi từ mười tám đổ lại, là tuổi ngày ngày cắp sách tới trường. Con người trong độ tuổi này bắt đầu đón nhận những cảm xúc mới mẻ, mong muốn khám phá nội tâm của chính mình. Vậy tình yêu tuổi học trò là sự yêu thương, rung động giữa nam nữ học sinh. Tình cảm này có thể xuất phát từ tình bạn thân thiết, từ sự ngưỡng mộ giữa những học sinh trong lớp hay thậm chí là từ sự đua đòi, chạy theo phong trào hay chứng tỏ bản thân. Vậy, câu hỏi về tình yêu học đường không thể trả lời là “nên” hay “không nên” mà phụ thuộc vào cách yêu của mỗi người.
Không nên yêu ở tuổi học trò nếu yêu không đúng cách, vì nó có thể đem lại những ảnh hưởng tiêu cực. Tác dụng ngược đáng sợ nhất của tình yêu học đường chính là không đảm bảo việc học hành- trách nhiệm chính của người học sinh. Khi yêu, người học sinh có thể quá tập trung vào tình cảm, cảm xúc mới mẻ của tuổi mới lớn mà quên đi nhiệm vụ chính là học. Thời gian học tập sẽ bị chia ra để dành cho những mối quan tâm khác là người yêu, là hò hẹn, là nhung nhớ. Dù biết dành thời gian luyện tập hay nghe giảng, người học sinh đang yêu không dễ giữ cho tâm trí chỉ tập trung vào một việc. Hơn thế nữa, có nhiều học sinh nghỉ học, bỏ tiết để gặp gỡ người yêu – một trong những vấn đề khiến thầy cô và phụ huynh lo lắng. Đây là những ảnh hưởng khó tránh ở tuổi dễ bị cám dỗ bởi những điều lạ, chưa ý thức rõ ràng về nghĩa vụ học tập rèn luyện.
Chưa dừng lại ở đó, tình yêu không đúng cách tuổi học trò chưa chín chắn, chưa phân biệt được tình yêu đích thực. Yêu sai thời điểm đáng sợ, yêu sai người còn đáng sợ hơn. Người học trò còn quá trẻ để nhận biết và chọn lựa đối tượng phù hợp để tin tưởng, chia sẻ, đồng cảm và yêu quý. Sự thiếu chín chắn này dẫn đến việc tốn thời gian, ảnh hưởng xấu đến thói quen, nhân cách đạo đức do tác động từ người kia. Điều này còn mang lại những hệ lụy khủng khiếp hơn thế. Gần đây, “cư dân mạng” truyền tay nhau đoạn phim nhạy cảm của hai học sinh trung học mà tự tay nhân vật nam chính tung ra. Và kết quả thì ai cũng biết, nạn nhân nữ vì không chịu được chỉ trích từ dư luận đã tử tự. Phải chăng cái kết đáng buồn của nữ sinh này bắt nguồn từ sự tin tưởng, trao gửi tình cảm cho nhầm người?
Bên cạnh hai tác hại kể trên, lí do khác khiến các bậc phụ huynh cấm con yêu sớm là những trạng thái, cung bậc cảm xúc mà tuổi học trò chưa thể lường trước và “ứng phó” được. Tình yêu đem đến đủ loại tâm trạng hỉ, nộ, ái, ố. Khi yêu, người học sinh cũng không tránh được những ghen tuông, hờn giận, đau buồn. Lại là một ví dụ về các đoạn phim trên mạng. Gõ từ khóa “nữ sinh đánh ghen” vào trang tìm kiếm Google, ta sẽ thấy số lượng kết quả thật đáng ngạc nhiên. Những trường hợp học sinh nữ còn khoác áo đồng phục lao vào đánh bạn, lột đồ,.. vì lí do tình cảm cá nhân là không thiếu. Đáng sợ hơn là người trẻ thất tình. Tuổi học trò là lứa tuổi tươi vui, yêu đời, chưa quen với cảm giác hụt hẫng, buồn bã khi tình cảm bị từ chối. Chính vì thế, cảnh tượng học sinh bỏ học, bỏ ăn, thậm chí là tự tử vì thất tình mới nhiều đến vậy.
Sau cùng, mối lo lớn trong lòng người làm cha làm mẹ, làm thầy cô khi thấy con mình yêu không đúng cách là biểu hiện tình cảm quá đà, vượt quá giới hạn. Cảnh nam, nữ sinh ôm ấp nơi công cộng – điển hình là trường học – vô cùng nhạy cảm và thiếu tế nhị, dẫn đến cái những cái nhìn khó chịu, những lời bình phẩm,… Chuyện ra ở nơi công cộng đã đáng ngại, nhưng chuyện diễn ra ở nơi không ai biết đến thì còn đáng ngại hơn bội phần. Tuổi học trò chưa học được cách kiềm chế cảm xúc, lại tò mò về giới tính; đây là nguyên nhân đằng sau cảnh những đôi nam nữ với phù hiệu trường mang trên tay áo dừng lại trước cửa…nhà nghỉ. Hậu quả của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân hay ở tuổi vị thành niên ai cũng rõ. Ta dễ dàng thấy những dòng chữ như “Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng hơn 3000 ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên” xuất hiện nhan nhản trên báo, trên mạng. Hay cảnh những cô gái tìm đến chuyên gia tâm lí bày tỏ nỗi tuyệt vọng vì không được gia đình, xã hội coi trọng do “lỡ” trao đi cái trân quý đời con gái từ thời ngồi ghế nhà trường. Từ những lí do kể trên, ta hiểu vì sao xuất hiện nhiều ý kiến không tán thành tình yêu học đường.
Nhưng chuyện gì cũng có hai mặt, tình yêu tuổi học trò cũng vậy – yêu đúng cách, hay phù hợp với lứa tuổi cũng có những điều tích cực. Trước hết, tình yêu học đường là những rung động ngây thơ, trong sáng và đẹp đẽ. Tình yêu ở lứa tuổi này cũng như tình yêu ở mọi lứa tuổi khác, đều đem đến cho con người ta cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Nên nhà thơ Chế Lan Viên mới ca ngợi tình yêu học trò: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên” hay như Nguyễn Duy đã nói “Nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau”. Hầu như ai cũng có một mối tình đầu ở tuổi còn ngồi ghế nhà trường với những kẻ niệm đẹp, kí ức còn mãi theo năm tháng để bồi hồi nhớ lại.
Thêm vào đó, nếu biết cách yêu, tình yêu tuổi học trò sẽ trở thành động lực để học tập. Những bạn trẻ yêu nhau có thể cùng động viên nhau học tập rèn luyện, nhắc nhở bảo ban cùng tiến bộ. Thành tích học tập tốt không chỉ để khẳng định và hoàn thiện mình trước “người bạn đặc biệt” mà còn có thể thuyết phục gia đình và thầy cô: tình yêu thời học sinh cũng có những mặt tốt. Chính vì vậy, những cặp đôi ý thức được điều này có xu hướng tổ chức những buổi học nhóm, kèm cặp để bồi đắp và bù trừ cho nhau. Tóm lại, đây là một nét đẹp không thể phủ nhận của tình yêu thời hoa phượng,
Bên cạnh việc tạo nỗ lực học tập, rèn luyện, tình yêu học đường cho con người ta sự trải nghiệm, thấu hiểu bản thân. Những cảm xúc và kinh nghiệm rút ra từ mối tình đầu thơ dại tuổi mười sáu, mười bảy sẽ là bước đệm cho con đường đi tìm hạnh phúc khi trưởng thành. Khi yêu ở độ tuổi có nhiều thắc mắc, muốn tìm hiểu về con người, thế giới nội tâm, ta hiểu hơn về cảm xúc, tâm tư, giải đáp những thắc mắc chính mình đặt ra. Ngoài ra, tình yêu ở tuổi học trò giúp ta tìm hiểu về những tâm hồn khác, phát hiện ra nét đẹp nhân cách đáng quý hay những điểm khuyết cần bù đắp trong trái tim họ. Vậy, xét ở mặt này, tình yêu học trò là nên, không sai.
Chưa dừng lại ở đây, tình yêu thời học sinh chính là liều thuốc bổ cho tâm hồn, để ta sống hạnh phúc, lạc quan và cởi mở hơn. Học sinh ngày nay phải chịu áp lực lớn từ sức ép học hành; cha mẹ thúc giục, thầy cô nhắc nhở, điều này có thể tạo nên những vết thương tâm lí cho người học sinh. Chưa kể đến những chuyện không hay khác trong đời sống hàng ngày, từ gia đình, bạn bè, xã hội. Một người “bạn đặc biệt” để yêu mến, đồng cảm, sẻ chia khó khăn về tinh thần sẽ giúp ta mở lòng. Những niềm vui nho nhỏ từ tình yêu tuổi học trò cũng để ta thêm yêu cuộc sống, lạc quan và vui vẻ hơn.
Sau khi tìm hiểu về hai khía cạnh nên-không nên, biết yêu-không biết yêu của tình yêu học trò muôn màu muôn vẻ, ta rút ra bài học về khái niệm “yêu” và “biết yêu”. Đây là hai định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trong khi “yêu” là rung động của trái tim thì “biết yêu” là sự tỉnh táo của lí trí. Vậy như đã nói ở trên, tình yêu học đường không thể trả lời “nên” hay “không nên” cũng không phải “tốt” – “xấu”, “đúng” – “sai”. Tất cả dựa vào ý thức, nhận thức của mỗi cá nhân. Tình yêu tuổi học trò sẽ đẹp khắc cốt ghi tâm nếu được phát huy những nét tích cực, cũng có thể mất đi sự ngây thơ, trong sáng, tươi đẹp nếu không kiểm soát được các tác hại kể trên.
Vậy yêu thế nào mới đúng, mới nên? “Biết yêu” phụ thuộc vào văn hóa và nhân cách của mỗi người. Khi đã yêu, hãy suy nghĩ về lựa chọn và tình yêu của mình, rằng đối tượng mình yêu có phù hợp hay không phù hợp, tình yêu này đáng hay không đáng. Nếu đã nhất quyết nghe theo con tim, hãy giữ cho tình yêu ở tuổi ngày ngày cắp sách đến trường thật trong sáng và đẹp đẽ, phù hợp với lứa tuổi, đạo đức và khuôn phép của xã hội. Một khi đã yêu, những người học sinh vẫn phải ý thức và phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ lớn nhất của mình là học tập, rèn luyện tốt. Để làm được điều đó, người học sinh nên lấy tình yêu làm động lực hoàn thiện bản thân. Chỉ có vậy, tình yêu tuổi học trò mới có thể trở thành kỉ niệm đẹp mỗi khi nhớ lại.
Tóm lại, mọi vấn đề đều có mặt trái, mặt phải; tình yêu tuổi học trò cũng vậy. Chính vì thế, đừng yêu, nếu để lí trí bị lấn át bởi con tim, để mối tình đầu khiến ta ngậm ngùi nuối tiếc khi nhắc tới. Hãy yêu, nếu trái tim biết nghe theo lí trí, giữ cho những rung động đầu đời thuần khiết và ý nghĩa để “Một lần giở lại trang lưu bút/ Lòng em vấn vương chút ngọt ngào.”
Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 3
Tình yêu là vấn đề của muôn đời. Từ xa xưa đến mai sau, có lẽ nhịp đập của trái tim con người vẫn cứ bồi hồi, xao xuyến, khắc khoải, thao thức… như thế trước tiếng gọi của tình yêu. Nhưng quan niệm và cách ứng xử trong tình yêu thì chắc chắn sẽ có những đổi thay theo từng thời đại.
Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, có khá nhiều điều cần phải bàn luận, suy ngẫm về tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ với tình yêu. So với các thế hệ trước, con người hiện đại đã có được sự bình đẳng, tự do trong tình yêu. Họ không còn phải chịu cảnh "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy"; cũng không bị trói buộc bởi các hủ tục xã hội khắt khe như thời xưa. Hầu hết mọi người được tự do lựa chọn và có thể chủ động trong việc kiếm tìm hạnh phúc.
Chúng ta không còn phải chứng kiến nỗi đau khổ của lứa đôi yêu nhau tha thiết mà không được nên vợ nên chồng chỉ vì sự cách biệt về tài sản, đẳng cấp. Người phụ nữ cũng không còn phải nếm trải nỗi khổ vì thân phận lệ thuộc "Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"; hoặc "Em thương anh cũng muốn kết nghĩa giao hoà - Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời"…
Thậm chí, sau khi kết hôn, nếu tình yêu không còn, họ có thể chia tay và đi tìm hạnh phúc mới mà không phải gánh chịu "búa rìu dư luận" nghiệt ngã như thời xưa "Nứa trôi sông không dập thì gãy - Gái chồng rẫy không chứng nọ cũng tật kia…". Nhưng cũng chính môi trường của cuộc sống hiện đại đã làm nảy sinh không ít quan niệm lệch lạc và nhiều hiện tượng chưa đẹp trong tình yêu.
Hình như chuyện đến và đi trong tình yêu có chiều hướng ngày càng dễ dãi và không hiếm bạn trẻ thay đổi người yêu như thay áo. Nhiều bạn yêu theo "trào lưu": lớp mình, trường mình có các đôi cặp kè thì mình cũng thế cho khỏi "tụt hậu". Có người coi việc chinh phục được đối tượng là một chiến tích, càng nhiều "chiến công" càng tự hào về tài "chinh chiến" của mình!
Có người biến tình yêu thành phương tiện để thỏa mãn nhu cầu ăn chơi, hưởng lạc. Không ít đôi bạn trẻ dễ dàng "sống thử" cuộc sống vợ chồng trước hôn nhân. Kết quả là những tình cảm "giống như tình yêu" ấy thường nhanh chóng tan vỡ, để lại nỗi chán chường, thất vọng và có khi là nỗi hận thù.
Đáng buồn nhất là cách ứng xử của một số bạn trẻ khi tình yêu không được đáp lại hoặc dang dở, chia li: nhẹ thì bôi xấu, lăng mạ; nặng thì "cho một trận đòn dằn mặt"; thậm chí có người nhẫn tâm hủy hoại hình hài người yêu bằng a-xít hoặc cướp đi cả sinh mệnh của họ.
Tôi hoàn toàn không tin khi có người nói rằng những hành động kia bắt nguồn từ tình yêu, vì "quá yêu" mà hành động mù quáng. Bởi vì, tình yêu thực sự không bao giờ chung sống với thói vị kỉ, sự tàn nhẫn. Trái lại, tình yêu luôn gắn liền với lòng chung thủy, vị tha và đức hi sinh. Tình yêu phải khiến con người biết hướng tới những hành động đẹp đẽ, cao thượng.
Nó sẽ trở thành nguồn sức mạnh kì diệu giúp mỗi người vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường đời. Tôi nhớ những câu ca xưa:
"Muối ba năm muối vẫn còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Có xa nhau đi nữa ba vạn sáu ngàn ngày mới xa".
Tôi nhớ mãi câu chuyện có thật về một chàng trai miền biển, đến bệnh viện chăm sóc người thân, tình cờ gặp một cô gái mang bệnh hiểm nghèo và đem lòng yêu thương cô. Anh đã vượt qua sự phản đối của gia đình, sự mặc cảm của cô gái để trở thành người bạn đời thuỷ chung, ân cần. Hai người đã nên vợ nên chồng và họ hạnh phúc bất chấp những nhọc nhằn, gian khó của cuộc sống đời thường.
Như thế, yêu không chỉ là đắm say, nồng nàn, nhớ nhung da diết, mà trước hết phải biết sống có trách nhiệm với mình, với người yêu. Ở trường tôi học, có một đôi thường được các lứa "đàn em" nhắc đến với lòng ngưỡng mộ. Anh và chị đều là học sinh sống trong khu nội trú. Khi anh học lớp 12 thì chị vào lớp 10. Mọi người xung quanh chỉ thấy anh quan tâm, săn sóc chị như một cô em gái mà không có chuyện hò hẹn, cặp kè như nhiều đôi khác.
Vào đại học rồi, anh vẫn thường xuyên trở về thăm các em, giúp đỡ mọi người từ chuyện học hành đến việc treo lại một cái giá sách, đóng lại cái mắc áo… Ngày chị có kết quả thi đại học, anh mới trao cho chị cuốn nhật kí của ba năm được viết từ khoảnh khắc trái tim anh bồi hồi, xao xuyến trước gương mặt ngơ ngác của cô bé lớp 10 vừa nhập học; ghi lại bao lần anh phải kìm giữ lòng mình không dám thổ lộ tình yêu để giữ cho cô bé ấy những ngày tháng hồn nhiên, êm đềm của tuổi học trò…
Tôi nghĩ, mình nghe kể đã thấy xúc động, cảm phục rồi, thì "người trong cuộc kia" không biết sẽ hạnh phúc đến thế nào khi được trao, được nhận một tình yêu như thế. Họ chính là những con người biết nâng niu, trân trọng tình yêu. Khi tình yêu không được đáp lại hoặc tan vỡ vì một lí do nào đó, con người càng phải có trách nhiệm cao hơn để gìn giữ vẻ đẹp của tình cảm thiêng liêng này.
Chắc hẳn mỗi chúng ta còn nhớ "cảnh ngộ" của chàng trai trong bài thơ Tôi yêu em của Pu-skin: tâm hồn bị giằng xé bởi bao cảm xúc trái ngược của mối tình đơn phương, khi lặng lẽ, âm thầm, lúc hậm hực ghen tuông, lúc chân thành đằm thắm… Vậy mà chàng trai ấy đã tự nguyện giã từ vì tôn trọng sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn người con gái mình yêu thương.
Anh từ biệt cô với lời chúc phúc "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em". Trong cuộc sống, cũng có bao nhiêu đôi lứa không nên duyên chồng vợ vẫn có thể là bạn hoặc vẫn nhớ về nhau với những kỉ niệm tốt lành. Họ đã vượt lên nỗi đau khổ, thất vọng của riêng mình mà không làm tổn thương người khác, không xúc phạm tình yêu.
Bố tôi có một người bạn thân từ nhỏ, bác ấy yêu một cô học cùng trường đại học nhưng cô ấy lại yêu người khác. Suốt mấy năm bác kiên trì "theo đuổi", rồi thất vọng, đau khổ nhưng không có một lời oán trách, giận hờn dù tình cảm chân thành của mình chẳng được đáp lại. Khi mỗi người đã có gia đình riêng, bác vẫn quan tâm đến cuộc sống của cô, lặng lẽ giúp đỡ lúc cô ấy đau ốm, hoạn nạn.
Năm 49 tuổi, cô ấy qua đời vì căn bệnh nan y, bác đi công tác xa về, cùng bố tôi đến nghĩa trang, đốt trên mộ cô tờ giấy có những dòng chữ ố vàng từ ba mươi năm trước: "Người mình yêu thương mãi mãi vẫn yêu thương"… Tôi nghĩ, chính những con người như thế đã tôn vinh giá trị của tình yêu giữa cuộc đời.
Mỗi một thời đại có thể thêm và bớt đi những tiêu chí định giá con người và cuộc sống. Nhưng riêng với tình yêu, có lẽ "chuẩn giá trị" vẫn là một hằng số không đổi. Con đường đến với tình yêu muôn màu muôn vẻ và tình yêu có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc; cũng có thể khiến ta đau khổ, xót xa, tiếc nuối. Thế nhưng tình cảm ấy mãi mãi là món quà vô giá của cuộc sống. Tất nhiên, tùy thuộc vào cách mỗi người trao và nhận nó. Với tôi, yêu là phải biết sống đẹp hơn.
Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 4
Người ta thường nói, những rung động đầu đời luôn là những xúc cảm tuyệt vời nhất mà bạn sẽ không bao giờ còn được lặp lại. Giống như tình yêu trong sáng, hồn nhiên vô tư tuổi học trò sẽ là kỉ niệm đáng nhớ thời học sinh và sẽ đi theo ta mãi về sau. Dù vẫn luôn tồn tại những quan niệm trái chiều về tình yêu tuổi học trò là "nên" hay "không nên" thì tình yêu đó vẫn luôn xảy ra, chúng ta hãy cùng nhìn nhận một cách đúng mực về tình yêu tuổi học trò.
Tình yêu nói chung là thứ tình cảm yêu thương, gắn bó sâu sắc, nó mang tính tự nhiên không thể cưỡng cầu ép buộc và tình yêu cũng là tất yếu, cần thiết của mỗi người song nó chỉ thích hợp vào một thời điểm nhất định của cuộc đời mỗi người. Có thể tình yêu sẽ đến sớm, cũng có thể đến đúng lúc hay đến muộn đó là điều mà chúng ta không lường trước được. Cũng giống như cách chúng ta bàn về tình yêu tuổi học trò, suy cho cùng tình yêu tuổi học trò thực ra rất "màu hồng", đó là thứ tình cảm hồn nhiên trong sáng, lành mạnh và vô tư, không toan tính cưỡng cầu cũng không có vụ lợi, hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Tình yêu tuổi học trò đơn giản như cùng chở nhau đi học, chờ nhau tan học, cùng nhau đi chơi, đi dạo. Nhưng cũng không thể phủ nhận, tình yêu tuổi học trò vẫn có những mặt tích cực và tiêu cực, tuy nhiên rất khó để phân định xem mặt nào nhiều hơn mặt nào. Trước hết về mặt tích cực, tình yêu tuổi học trò phát triển từ sự kết giao giữa hai người bạn, mối quan hệ đó giúp đối phương có những thay đổi nhất định về mặt tâm lý lứa tuổi, yêu đương nằm trong một lộ trình phát triển bản thân vì vậy dù sớm hay muộn thì việc yêu cũng giúp ta hoàn thiện bản thân hơn. Bất cứ tình yêu nào cũng chứa đựng sự vị tha, chia sử và đồng cảm, tình yêu học trò cũng thế, nó giúp cho những cô cậu mới lớn biết thấu hiểu và quan tâm người khác, biết sẻ chia và cảm thông cho nhau. Khi biết yêu cũng là lúc ta đang hoàn thiện cách sống, cách suy nghĩ, ứng xử và cách giải quyết các vấn đề nảy sinh, đó sẽ là kinh nghiệm tốt cho chúng ta sau này. Riêng trong học tập, tình yêu học trò đã giúp nhau xua tan căng thẳng, áp lực học tập, giúp đỡ nhau trao đổi kiến thức để cùng tiến bộ. Tuy nhiên tình yêu tuổi học trò cũng tiềm ẩn nhiều tiêu cực, rõ nhất chính là sự hao tổn về thời gian và sức khỏe, tâm sinh lý thay đổi, thời gian học tập ít đi và không còn chuyên tâm vào học tập. Điều đáng lo là ở tuổi học trò, khi chưa đủ chín chắn và trưởng thành, những người học sinh có thể sẽ có những quyết định sai lầm, đi sai đường rồi đến lúc muộn màng lại nảy sinh ra ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Ví dụ như một đôi học sinh yêu nhau vì thiếu suy nghĩ nên đã đi quá giới hạn, để lại hậu quả nhưng không biết giải quyết như thế nào nên lâm vào bế tắc, dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng trách, có thể sẽ bỏ học, hoặc sẽ phá thai hoặc đáng sợ hơn là trầm cảm tự kỉ rồi tự tử.
Có thể nói, tình yêu tuổi học trò không xấu, chúng ta cần tôn trọng tình cảm trong sáng, đẹp đẽ ấy, tuy nhiên tuyệt đối không để tình yêu tuổi học trò trở thành tác nhân xấu ảnh hưởng đến tâm lý, học tập và cuộc sống của chúng ta.
Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 5
Tình yêu, một yếu tố thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống, mang đến sự ấm áp và gắn kết cho tất cả chúng ta. Tình yêu không chỉ giữ cho sự sống được tiếp diễn mà còn là nguồn cảm hứng, là sợi dây nối liên kết con người với nhau, làm cho cuộc sống trở nên rạng ngời hơn và tràn đầy hạnh phúc.
Hiện nay, quan điểm về tình yêu trong thời học đường đã gây ra sự phân đoạn trong xã hội. Sự tranh cãi về tình yêu học trò đã làm nảy sinh một làn sóng ý kiến trái chiều trong dư luận. Vậy tình yêu tuổi học trò là gì? Tình yêu tuổi học trò có thể coi là những tình cảm gắn bó thân thiết giữa nam và nữ học sinh. Đây có thể là một biểu hiện của tình bạn chặt chẽ hoặc là tình cảm đặc biệt nơi hai người cùng chia sẻ môi trường học tập.
Việc xem xét về tình yêu tuổi học trò nên dựa trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Thay vì đưa ra nhận định cụ thể, chúng ta cần đặt mình vào bối cảnh thực tế và cân nhắc từng trường hợp cụ thể để có cái nhìn đa chiều và cân nhắc chính xác nhất. Tình yêu tuổi học trò thường xuất phát từ sự thuần khiết, sự hồn nhiên của những người trẻ, không bị áp đặt bởi áp lực môi trường xã hội. Đây là những cảm xúc trong trẻo, đơn giản, không bị áp đảo bởi các yếu tố phức tạp như trong mối quan hệ người lớn. Tình yêu học trò mang đầy sự tươi mới, đáng yêu của tuổi trẻ và là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển tâm hồn của con người. Nó có thể trở thành nguồn động viên để hai người cùng nỗ lực học tập, cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tạo nên một cơ sở vững chắc cho mối quan hệ dài lâu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, tình yêu tuổi học trò đã bị biến tướng. Học sinh trung học thường thản nhiên sử dụng mạng xã hội để gọi tên nhau bằng những từ ngữ không phù hợp. Thêm vào đó, tình yêu tuổi học trò đã không còn là nguồn động viên cho sự tiến bộ học tập mà trở thành mục tiêu hàng đầu của những người "đang yêu". Điều này dẫn đến sự lơ đễnh, thờ ơ đối với việc học tập và những thành tựu ngày càng giảm đi. Việc thể hiện tình cảm một cách quá công khai, thái quá và thậm chí là mất đoàn kết đã khiến cho quan điểm về tình yêu tuổi học trò bị sai lệch và biến dạng. Đây chính là tình hình thực tế mà những người tham gia đang phải đối mặt. Những người trẻ thường học theo những người lớn, bị ảnh hưởng bởi phương tiện truyền thông và tình hình xã hội, dẫn đến những hành vi lo ngại.
Không ít vụ việc gây rối và xung đột đã xuất phát từ những mối quan hệ học đường không lành mạnh. Tình yêu tuổi học trò không phải là một điều xấu, mà là một phần của quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, vấn đề có nên hay không nên lại nằm trong quyết định của từng cá nhân. Người trẻ cần thấu hiểu giới hạn và biết phân biệt đúng sai trước khi hành động.
Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 6
Chúng ta trải qua quá trình phát triển từ những ký ức ngọt ngào và những tình cảm tốt lành. Một trong những trải nghiệm cảm xúc đáng quý không thể không nhắc đến chính là tình yêu trong thời kỳ học trò.
Tình yêu trong thời kỳ học trò, vốn được xem là những cảm xúc đầu đời đầy tươi mới, một sự hấp dẫn thiên về tình cảm dành cho người khác giới khi ta còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là thời điểm ta nhận ra mình đã phải lòng ai đó, sẵn sàng dốc hết tình thân và nỗ lực để trở nên tốt hơn, đáng đối diện với người mình yêu thương. Tình yêu tuổi học trò, vốn tràn đầy tình cảm thuần khiết, đồng thời tạo ra những dấu ấn đáng giá trong tâm hồn của từng cá nhân.
Mặc dù tình yêu tuổi học trò có những biểu hiện đa dạng, phản ánh cảm nhận độc đáo của mỗi người, nhưng chúng ta, như là những người học sinh, cần hướng tới việc kết nối với khía cạnh tích cực của nó. Tình yêu tuổi học trò có thể trở thành một nguồn động viên để chúng ta đạt được những mục tiêu của bản thân. Nó là những kỷ niệm sâu sắc trong tâm trí, để lại cho chúng ta những khoảnh khắc đáng nhớ.
Tuy mỗi người có cách hiểu về tình yêu tuổi học trò khác nhau, nhưng như một học sinh, quan trọng nhất là chúng ta cần sử dụng tình cảm này để thúc đẩy bản thân phát triển. Tình yêu tuổi học trò đẹp đẽ, tạo ra những hồi ức đẹp mắt trong tâm khảm của mỗi người, nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần xác định mục tiêu của bản thân để trở thành những công dân có ích trong xã hội, thực hiện đam mê và hoàn thành mục tiêu đã đề ra, thể hiện sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí.
Nếu có thể, mỗi người nên có một tình yêu thời học trò để trong tương lai, có thể tự hào về những kỷ niệm đó. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu vẫn là học tập, xây dựng tương lai và góp phần vào sự phát triển của xã hội. Tình yêu thời học trò không bao giờ là xấu xa, nó đánh thức các cảm xúc đa dạng, để lại cho chúng ta nhiều ký ức và bài học quý báu.
Tuy nhiên, đừng để tình yêu thời học trò trở thành điều quá mức hoặc không lành mạnh. Thời gian sẽ trôi qua, tất cả những thứ này sẽ trở thành ký ức, hãy sống với đam mê để trải qua khoảnh khắc trẻ trung, thời học trò đẹp và ý nghĩa nhất.
Bài nghị luận vấn đề Tình yêu học đường nên hay không nên? số 7
Tình yêu, một chủ đề bất tận và lôi cuốn, luôn thu hút sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, quan điểm về tình yêu có thể thay đổi tùy thuộc vào từng thời điểm và đặc điểm tuổi tác khác nhau.
Tuổi teen, một giai đoạn mới trong cuộc đời, mang đến nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Những rung động đầu đời, những mối quan hệ mới chớm nở là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người cho rằng, tình yêu ở lứa tuổi học trò thường còn non nớt và dễ tan vỡ. Liệu người trẻ có nên để lòng mình say đắm khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường? Câu hỏi này đã gây nên nhiều cuộc tranh luận với các quan điểm khác nhau. Thiên Phúc, một học sinh của Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TX. Giá Rai, chia sẻ quan điểm: "Đối với tôi, việc quan trọng nhất là học tập tốt để đảm bảo tương lai vững chắc, bởi hiện tại, chúng ta vẫn còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ gia đình." Trong khi đó, Trọng Quý, một sinh viên của Trường Đại học Bạc Liêu, cho biết: "Tôi đã trải qua tuổi học trò, nên hiểu rõ việc yêu một người khác giới ở tuổi mới lớn là điều bình thường. Tình yêu trong thời học trò không có gì sai, quan trọng là phải đảm bảo việc học tập và tiến bộ cùng nhau."
Theo các chuyên gia tâm lý, việc xem xét về tình yêu thời học trò không thể đơn giản. Nó phụ thuộc vào từng người và tâm hồn hướng đến của họ. Nếu tình yêu giúp bạn trở nên tốt hơn, thúc đẩy bạn xây dựng kế hoạch cho tương lai, thì đó không phải là điều cần né tránh. Ngược lại, nhiều trường hợp tình yêu tuổi học trò phản ánh lối sống không đầy đủ của nhiều người trẻ, gây ra những hệ lụy không mong muốn.
Nếu tình yêu tuổi teen thể hiện sự trong trẻo, đơn giản và hơi nồng nàn trong tư duy, thì tình yêu ở độ tuổi trưởng thành thường mang sự "nhìn xa trông rộng hơn" về tương lai. Ngọc Diễm, một nhân viên của công ty bảo hiểm, cho rằng: "Tình yêu ở tuổi trưởng thành cần một người mang lại cảm giác an toàn, tìm một người phù hợp, có sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau; tính cách và đạo đức quan trọng hơn hình thức."
Tình yêu, dù ở bất kỳ thời điểm nào, đều cần sự chân thành, lòng dung thứ và tầm nhìn chung về tương lai. Có không ít câu chuyện tình thực sự đẹp để ta luôn tin vào quy luật của cuộc sống: tình yêu chân thành luôn được đền đáp xứng đáng bằng sự chân thành.
Như vậy, tình yêu là một hành trình không ngừng, có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời. Chính lòng chung thủy, tình yêu và sự trách nhiệm là những yếu tố quan trọng để tạo nên một mối quan hệ bền vững.